- Lượng hàng hóa xuất cảng của khối Doanh Nghiệp Việt Nam đã giảm tới 20%, từ 45,8% năm 2010 xuống còn 26% năm 2022.
- Nền kinh tế cậy trông vào xuất cảng, nhưng tỷ lệ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI tới 74% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.
- Chính sách Công Nghệ Việt Nam ưu đãi Doanh Nghiệp FDI hơn xí nghiệp bản xứ.
- Tín dụng năm tới cho nền Kinh Tế Việt nam chưa được loan báo.
Trong tình huống Thị Trường Chứng Khoán “bốc hơi” 2 triệu tỷ đồng, tương đương 17% tín dụng toàn nền Kinh tế Việt Nam, thì hôm 29 tháng 12, Tổng Cục Thống Kê Việt nam công bố GDP Việt Nam năm 2022 tăng lên 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ trong nước và xuất cảng tăng mạnh, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ suy thoái toàn cầu. [1] Một ngày trước đó (28/12), Thứ Tưởng Công Thương Trần quốc Khánh nói trong hội nghị tổng kết xuất cảng Việt Nam năm 2022 “Nền Kinh Tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất cảng, trong đó tỷ lệ dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) chiếm tới 74% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) Việt Nam chứng minh rằng, năm 2010, kim ngạch xuất cảng của Việt Nam ở mức 71,6 tỷ Mỹ kim. Trong đó, doanh nghiệp trong nước làm ra sản phẩm để bán cho nước ngoài đem về được 32,8 tỷ Mỹ kim, chiếm tỷ lệ gần 46%, chính xác là 45,81%; doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có kim ngạch xuất cảng đạt 38,8 tỷ Mỹ kim, bằng 54,19%.
Sau một con Giáp, tương đương 4380 ngày, Doanh Nghiệp quốc nội bị đẩy lùi xuống mức chỉ làm ra một phần hàng hóa đủ tiêu chuẩn để bán cho nước ngoài khoảng 26%, thấp hơn 12 năm trước đến 20%. Thực tế này rất thê thảm, mô tả rõ ràng những hô hào và khoe khoang của các nhà điều hành Công Kỹ Nghệ Việt Nam, chẳng những không theo kịp mà còn thụt lùi sau bao nhiêu hô hoán cải cách đưa Việt Nam từ công nghệ truyền thống sang cách mạng công nghệ 4.0 vào gần 5 năm trước, tháng 5 năm 2018.
Tại hội nghị tổng kết xuất cảng Việt Nam, ngày 28 tháng 12 năm 2022, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch xuất cảng năm 2022 là khá cao, đạt khoảng 371,5 tỷ Mỹ kim, tăng 10,5% so với 2021. Báo Điện tử Chính phủ đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Nhận xét của Báo Điện Tử của Chính Phủ củng cố quan điểm của Thứ Trưởng Công Thương Trần quốc Khánh: “Nền Kinh Tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất cảng, trong đó tỷ lệ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 74% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam”.
Số liệu cả năm cho thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt ước tính khoảng hơn 109 tỷ Mỹ kim, còn Trung cộng lại là thị trường nhập cảng lớn nhất, ước tính kim ngạch đạt hơn 119 tỷ Mỹ kim.
Theo quy định trong Luật Đầu Tư của Việt Nam năm 2020, các công ty FDI sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Việt Nam được chuyển tài sản từ lợi nhuận đầu tư kinh doanh và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư vê nước họ.
Đến đây thì có vấn đề được đặt ra. Thí dụ công ty X từ nước Đức đầu tư vào Viêt Nam qua chương trình FDI. Công ty X làm ra sản phẩm tại Việt Nam, rồi xuất cảng sang Hòa Lan, thu về được 1 tỷ Mỹ kim. Tổng Cục Thống Kê cộng 1 tỷ Mỹ kim vào số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nhưng đến cuối năm, sau khi kết toán, công ty X được chuyển 500 ngàn Mỹ kim lợi nhuận từ lô hàng trên về Đức Quốc. Vậy cuối cùng Việt Nam đâu còn 500 ngàn Mỹ kim của công ty X trong nền Kinh Tế Việt Nam nữa.
Bây giờ thì công chúng ngẩn người ra, mới hiểu là Nhà Nước lãnh đạo tuy tài tình mà vụng tính, theo đuổi chính sách ưu đãi người ngoài quá đáng, đặc biệt các công ty “nước lạ”, do họ có thế lực chính trị phương Bắc chống lưng, nên Nhà Nước phải chịu lụy “nước lạ” quá nhiều. Kết quả là xí nghiệp FDI của người nước ngoài lại làm ăn thu lợi nhuận gần gấp 3 lần các công ty có gốc gác cội nguồn nơi quê hương mình.
Xí nghiệp trong nước chia làm hai loại: (i) công ty quốc doanh và sân sau quan lớn được ưu tiên nâng đỡ mọi thứ, nhưng làm ăn luôn thua lỗ, (ii) rồi mới đến loại vốn liếng cò con dưới tên gọi là Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV), có tổng số đến 541.753 xí nghiệp, chiếm đến 96,7% tổng số Doanh Nghiệp đang hoạt động trong nền Kinh Tế, nhưng thấp cổ, bé miệng bị ràng buộc bới thủ tục rườm ra, tín dụng giới hạn với phân lời cao . . . Và luôn bị các quan địa phương rình chờ cơ hội đòi tiền “bôi trơn”. (https://vanhoimoi.org/?p=14601)
Nhiều năm trước, Truyền Thông Nhà Nước đã nhìn nhận: nhiều DNNVV phải dùng đến 60% tín dụng đen để sản xuất. Còn Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài Chánh Quốc Gia, ông Hà Huy Tuấn, căn cứ vào số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh Tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp chỉ dùng 30% chi phí không chính thức để sản xuất kinh doanh.
Theo bản lượng giá ngày 23 tháng 4 năm 2022, các DNNVV, được trang bị 70% máy móc từng sử dụng từ thế hệ những năm 60 – 70 và hầu hết các thiết bị đó đã hao mòn hoặc máy móc cũ được nâng cấp. Tình trạng máy móc thiết bị có tuổi thọ trung bình trên 20 năm ở nước ta chiếm khoảng 40% và dưới 5 năm chỉ chiếm có 27%.
Và đó là những lý do đẩy Doanh Nghiệp trong nước vào tình trạng chỉ làm ra được 26% hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất cảng, thụt lùi đến 20% so với 12 năm trước.
Việt Nam hiện có 14 Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) có hiệu lực lần lượt từ các năm 1993 đến 2021. Các FTA này vẫn khuyến khích xí nghiệp Vệt Nam sản xuất hàng hóa để bán cho các nước ký kết 14 FTA đang hiệu lực. Riêng Hiệp Định Thuong Mại RCEF hiệu lực từ 01/01/2022 bao gồm 16 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới, sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa ở các thị trường nước ngoài mới. Nhưng sản phẩm của Việt Nam lại rơi vào tình huống như thượng dẫn. Đành chịu thôi. [2]
Hôm 21 tháng 12 năm 2022, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) công bố tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng trên còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và còn cách xa room tín dụng mới (15,5-16%).
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua phiên giao dịch cuối năm vào ngày 31 tháng 12 2022 đầy biến động với các “pha” đảo chiều, lao dốc giảm điểm vô cùng ảm đạm. VN-Index “đóng lại” năm 2022 tại 1.007,09 điểm, ghi nhận mức giảm 32,78% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008 khiến vốn hóa thị trường bị “thổi bay” hơn 2 triệu tỷ đồng, gần 17% tín dụng toàn nền Kinh Tế Việt Nam. TTCK có hai kênh Cổ Phiếu thì tuột dốc, còn Trái Phiếu thì sắp vỡ nợ.
Thực trạng này của nền Tài Chánh Việt Nam năm 2022 đối với NHNN là một năm “Rất khó khăn”, “Rất vất vả”, là nhóm chữ được các nhà điều hành tiền tệ tại NHNN nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng cuối năm để mô tả một năm “vật vã” với chính sách “kìm hãm tỷ giá, áp chế lãi suất”.
Tuy nhiên chính sách thượng dẫn gần như phá sản, bởi khối Ngân Hàng Thương Mai vẫn đua nhau tăng lãi suất gởi tiết kiệm có nơi đến 11%. Còn lãi suất vay tín chấp ngân hàng ưu đãi khoảng từ 10 – 16%/năm. Khi hết ưu đãi, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất từ 16 – 25%/năm, chưa kể “phí bôi trơn” trong hồ sơ tín dụng.
Đối với năm 2023, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Con số hạn mức tăng trưởng tín dụng cụ thể cho năm 2023 thì NHNN vẫn còn đang “dò đường”, chưa thể loan báo.
Nhìn vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tổng dư nợ trên GDP đã lên rất cao, cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. “Với tốc độ GDP tăng khoảng 6-8% hàng năm mà Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chánh”.
Hẳn là dân chúng còn thiết tha với Doanh Nghiệp trong nước đều nhớ lời của Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, nhận xét tại khu công nghệ Hòa Lạc, Hanoi hôm 28 tháng 8 năm 2019: “một quốc gia nếu bỏ qua sự phát triển của công nghệ thì sẽ bị thụt lùi so với thế giới”. [3]
Tình huống của Việt Nam ngày nay cho thấy, nếu các công ty FDI chỉ bị sổ mũi hắt hơi, cũng khiến nền Kinh Tế Việt Nam cảm thấy như có triệu chứng ung thư.
Bao lâu Việt Nam chưa đứng được trên đôi chân của mình, còn phải dựa đẫm đến 74% vào người ngoài về đồng tiền phân bạc, thì cả ngoại giao lẫn chính trị đều phải nhìn sắc mặt người có tiền mà hành động.
Trần nguyên Thao
31 Dec 2022
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpel1pwy957o
[2] https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018
[3] https://nss.vn/mot-quoc-gia-neu-bo-qua-cong-nghe-thi-se-bi-thut-lui-16186.htm