- 10 triệu dân còn sống trong nghèo đói.
- Năm 2022, Chính Phủ phải cấp 107.300 tấn gạo cứu đói.
- Vào mỗi dịp Tết, số gạo cứu đói lại tăng thêm.
- Gần nửa triệu lao động mất việc làm sát Tết Quý Mão.
Nền Kinh Tế Việt Nam lệ thuộc khá lớn vào Trung cộng trong hoàn cảnh Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva hôm đầu năm đã cảnh báo: sự bùng phát các ca nhiễm COVID-19 ở Trung cộng trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ tác động hơn nữa đến nền kinh tế của Đại Lục trong năm 2023 và khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực và thế giới chậm hẳn lại. Điều mà Việt Nam mô tả văn vẻ là, năm 2023 sẽ có “những cơn gió ngược từ suy thoái toàn cầu”.
Cảnh báo sớm về Kinh Tế toàn cầu là nhiệm vụ chính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế International Monetary Fund (IMF) – tổ chức quốc tế gồm 190 quốc gia thành viên, cùng phối hợp để cố gắng tạo sự ổn định cho nền kinh tế Thế Giới.
Chỉ số quản lý thu mua Purchasing Managers Index (PMI) của Hoa Lục vẫn lãng đãng dưới ngưỡng trung bình 50 điểm trong 8 tháng của năm 2022, đến tháng 12 năm 2022 xuống còn 47 điểm, cho thấy hoạt động của các nhà máy tại quốc gia trên 1 tỷ dân đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong gần ba năm khi dịch “Cúm Vũ Hán” lan đến các nhà máy tại vùng đất này.
Tình huống Kinh Tế xuống cấp nơi “cái nôi” của đảng csVN sẽ làm tiêu hao phần nào “Nền Kinh Tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất cảng, trong đó tỷ lệ dựa vào doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) chiếm tới 74% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam”.
Năm 2022, Việt Nam nhập cảng hàng hóa từ Trung cộng đến 119.3 tỷ Mỹ kim, trong khi số liệu công bố năm 2022, Việt Nam xuất cảng sang Tầu có 58,4 tỷ Mỹ kim. Như thế, Viêt Nam đã bị nhập siêu từ Tầu 60,9 tỷ Mỹ Kim.
Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính khoảng hơn 109 tỷ Mỹ kim, trong khi Việt Nam nhập cảng từ Hoa Kỳ có 14,6 tỷ Mỹ kim.
Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng tiết lộ hôm mùng 03 tháng Giêng trong cuộc họp trực tuyến của Chinh Phủ, Việt Nam đang bị chính phủ Mỹ “gia tăng giám sát” về thao túng tiền tệ. Trường hợp bị coi là vi phạm, Mỹ có thể chế tài bằng cách đánh thuế nhập cảng cao hơn đối với một số loại hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam bán sang thị trường Mỹ.
Tình trạng cắt giảm chi tiêu tại những thị trường tiêu thụ hàng hóa như Mỹ, Châu Âu và Trung cộng buộc các nhà cung cấp tại Á châu, trong đó có Việt Nam không nhận được đơn đặt hàng mới ngay từ mấy tháng trước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index ngành sản xuất Việt Nam được S&P Global cho biết giảm xuống mức 46.4 điểm trong tháng 12 so với 47.4 của tháng 11, cho thấy chỉ số này lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm.
Lãi suất tín dụng cao và khó vay đối với Doanh Nghiệp cần vốn để sản suất là một điều sinh tử đối với trên nửa trệu Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ. Hiện nay lãi suất gởi tiết kiệm đã tăng 2 điểm phần trăm ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3 – 4 điểm phần trăm ở các ngân hàng tư nhân nhỏ, có ngân hàng đã tăng trên 11%. Lãi suất gởi tiết kiệm đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15 – 16% mỗi năm.
Cho đến thời điểm này, Ngân Hàng Nhà Nước vẫn chưa công bố mức giới hạn tín dụng cho nền Kinh Tế năm 2023 là bao nhiêu. Năm 2022 là 14,5%, và được tăng lên thành 16% vào tháng cuối năm, nhưng thực tế tín dụng chưa chạm đến mức tăng mới này.
Nhìn vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tổng dư nợ trên GDP đã lên rất cao, cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. “Với tốc độ GDP tăng khoảng 6-8% hàng năm mà Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chánh”. (https://vanhoimoi.org/?p=15872).
Số liệu đến đầu tháng 12 năm 2022 cho thấy 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành Việt Nam đã bị giảm sản xuất. Những ngày cận Tết, nhiều công ty đã cho 470 ngàn nhân công nghỉ việc vào những ngày sát Tết Quý Mão (22/01), đẩy hàng trăm ngàn gia đình phải vật vã với cảnh nhu yếu phẩm leo thang trong cái “Tết bần hàn”. [1]
Nếu năm 2022, đã xảy ra 144 vụ đình công tại Việt Nam, nhiều hơn 53 vụ trong năm 2021 trước đó, thì năm 2023 do các lý do thượng dẫn sẽ làm gia tăng các cuộc đình công sớm hơn và nhiều hơn năm cũ.
Cuối năm 2022, Việt Nam đã công bố GDP tăng trưởng cao nhất 12 năm qua, vượt mức 8,02%. Dịp này, Truyền Thông Nhà Nước hết lời ca ngợi “nền Kinh Tế đã mở ra một mùa Xuân Mới, rạng rỡ nhất ASEAN và khu vực châu Á Thái Bình Dương – Lần đầu tiên đảng lãnh đạo tài tình đưa mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng 4.000 Mỹ kim”.
Bản lượng giá về tình trạng nghèo đói tại Việt Nam do nhiều cơ quan trong nước với sự yểm trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương Mại Úc đưa ra cuối tháng 7 năm 2022, cho thấy Việt Nam hiện còn khoảng 10 triệu người sống trong nghèo đói.
Hôm 27 tháng 12 năm 2022, báo Nhà Nước loan tin 14 tỉnh tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã xin Trung Ương mở kho lương thực dự trữ, cấp 15,400 tấn gạo chống đói cho dân nhân dịp Tết Quý Mão sắp đến.
Các địa phương được nêu tên xin cấp gạo gồm Ninh Thuận, Sóc Trăng, Cao Bằng, Nghệ An, Trà Vinh, Tuyên Quang, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bạc Liêu, Gia Lai, Bắc Kạn, Bình Phước, Quảng Ngãi. [2]
Trong năm 2022, Chính Phủ cũng đã xuất kho 107.300 tấn gạo, trị giá 1.287 tỷ đồng cứu đói các địa phương. Riêng dịp Tết năm 2022, sô gạo cứu đói đã là 13.959 tấn. Tết Quý Mão năm 2023, số gạo cứu đói như nói trên là 15.400 tấn, nhiều hơn năm ngoái 1.441 tấn. [3]
Nguyên nhân đói nghèo không được chính thức nhìn nhận, nhưng đa phần dân chúng đều biết: cán bộ từ địa phương đến Trung Ương, ai hèn nhất cũng nhà cao của rộng; khá hơn là biệt phủ, siêu xe. Họ tham nhũng từ đồng tiền “bôi trơn” lặt vặt đến những công trình xây cất cao ốc hay khu “tượng đài” rất to từ hàng chục tỷ đến hàng trăm hay hơn ngàn tỷ đồng.
Việt Nam công bố GDP năm 2022 tăng trưởng tới 8,02%, trị giá nền Kinh Tế đến 409 tỷ Mỹ kim. Từ số liệu Kinh Tế này, các nhà quan sát Thời Sự Kinh Tế nhận thấy:
- GDP (danh nghĩa): 409 tỷ Mỹ kim
- Xuất cảng 371,5 tỷ Mỹ kim, bằng 91% GDP,
- Nhập cảng 360,5 tỷ Mỹ kim, bằng 88% GDP,
- Xuất siêu 11 tỷ Mỹ kim, bằng 2,7% GDP.
- Riêng với Trung cộng, Việt Nam còn chịu cảnh nhập siêu 66,5 tỷ Mỹ kim!
Việt Nam nhập cảng bằng khoảng 88% GDP. Phần lớn hàng nhập cảng là để tiêu dùng và nguyên vật liệu cho nhu cầu nông nghiệp, phân bón, thực phẩm gia súc và sản phẩm để “tái chế xuất”- một hình thức gián tiếp làm công cho nước ngoài.
Giới chức thẩm quyền Kinh Tế nhìn nhận, Kinh Tế Việt Nam dựa vào doanh nghiệp FDI đến 74% để có kết quả xuất cảng cao. Khi Doanh Nghiệp FDI chuyển lợi nhuận của họ về mẫu quốc theo quy định của luật Đầu Tư năm 2020, thì Việt Nam còn lại bao nhiêu Mỹ kim. Đó là chưa kể những trường hợp công ty FDI đòi chuyển Mỹ kim khòi Việt Nam trong tình huống Quỹ An Toàn Ngoại Hối Việt Nam báo động!
Vậy nền Kinh Tế Việt Nam cuối cùng dù GDP có tăng cũng chỉ là danh nghĩa, không phản ảnh đích thực giá trị của nền Kinh Tế. Dân vẫn phải “đầu xuống trôn lên” làm thuê, ở đợ cho người ngoài mà vẫn đói.
Nếu muốn GDP tăng phản ảnh thực của Kinh Tê quốc gia thì phải tự sản xuất mà tiêu dùng, giảm bớt nhập cảng. Hãy nhìn các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc kim ngạch nhập cảng của họ không quá 15% GDP.
Các nhà làm chính sách và điều hành nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam nghĩ gì về GDP tăng ngoạn mục liên quan đến số liệu nhập cảng và xuất cảng của Việt Nam như thượng dẫn (?)
Trần nguyên Thao
04 Jan 2023
[1] https://nhandan.vn/quan-tam-cham-lo-gan-nua-trieu-cong-nhan-lao-dong-bi-anh-huong-viec-lam-post728050.html
[2] https://baodansinh.vn/14-tinh-de-nghi-xuat-cap-15400-tan-gao-cho-nguoi-dan-thieu-doi-dip-tet-nguyen-dan-2023-20221227103136.htm
[3] https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/3-tinh-nhan-hon-5-700-tan-gao-cuu-doi-dip-tet-nguyen-dan-2023.html