• · Thủ Tướng Chính: các bên liên quan hãy ngưng “chạo nhau”, chia sẻ trách nhiệm lo “nhà ở xã hội” cho công nhân và dân nghèo.
  • “Thực tế những vụ án lớn về đất đai thời gian qua đều có vi phạm quyền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin của người dân”.
  • Tình trạng trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất. Chênh lệch giá đất trước và sau khi có dự án từ 50 – 700 lần. Qua đó, có thể thấy những dấu hiệu của rửa tiền, tham nhũng từ đất đai. Đây chính là vấn đề nhức nhối trong xã hội.
  • Một căn nhà 25m2 giá trên 1 tỷ. Lương công nhân tối thiểu mỗi năm 56 triệu, trừ ăn ở mất gần 55 triệu. IMF tính rằng, người lao động Việt Nam có thu nhập trung bình phải mất 57 năm tiền lương mới mua được một căn nhà.

Thủ Tướng Phạm minh Chính nhìn nhận, khó khăn pháp lý chiếm đến 70% trong tiến trình hoàn thành chương trình “nhà ở Xã Hội” [1] cho công nhân, dân nghèo. Phần còn lại, Thủ Tướng Chính kêu gọi các bên chuyên ngành liên quan ngưng “đổ lỗi cho nhau” để chung tay tiếp tục dự án chương trình 1 triệu căn nhà bán cho công nhân. Sau trở ngại pháp lý, thì “tiền” là yếu tố quyết định sống còn cho BĐS. Đề nghị 110 ngàn tỷ tín dụng được Bộ Xây Dựng đưa ra hôm 17 tháng 2, mới qua được 12 ngày đã vội vã rút lại. Khiến cho việc xây “nhà ở Xã Hội” bị “quả tạ” pháp lý và thiếu tiền đẩy vào thế bí “thử kêu bắn tịt”.

Sự việc trở thành “impossible” khởi đầu từ ngày 17 tháng 2, trong đại hội “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững“, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) có gói 120.000 tỷ đồng; còn Bộ Xây Dựng có đề nghị 110.000 tỷ đồng, nói rõ là đã chia đôi 50% dành cho dân vay lãi nhẹ để mua nhà, 50% còn lại cho nhà đầu tư vay để xây nhà. Mọi chuyện nghe cứ như thật, khiến dân nghèo “mừng hụt”.

Giữa tháng 2, người lao động đọc báo Nhà Nước với tâm trạng “hoan ca” chan hòa hy vọng rồi đây trong đời sẽ có mái nhà che nắng ẩn mưa. Non nửa tháng sau, cũng báo Nhà Nước lại đưa dân lao động về nỗi tuyệt vọng ban đầu!

NHNN minh xác, gói 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây Dựng đưa ra thuộc ngân khoản chỉ dành cho nhu cầu khẩn cấp; không thể cho vay dài hạn. Sau sự kiện này, dân nghèo nhìn Bộ Xây Dựng là cơ quan công quyền đã tự tay bóp chết niềm tin nơi công chúng! Giờ đây chỉ còn chút hy vọng vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng lại phải chờ Nghị Quyết của Chính phủ mới được triển khai. Một tháng đã sắp qua, rùa hành chánh vẫn chưa đẻ ra Nghị Quyết.

Khó khăn của thị trường BĐS xuất phát từ nhiều nguyên nhân như pháp lý, mất cân đối cung cầu, thiếu vốn. . . . Ngành BĐS hiện nay nắm giữ 20% dư nợ của cả nền kinh tế, 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là BĐS.

Việc không thanh toán được khoản vay qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thể đưa đến bất ổn trong xã hội là mối lo rất lớn cho csVN. Chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với 2022. Nhóm doanh nghiệp BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107.700 tỷ đồng.

Gần đây nhiều chủ đầu tư BĐS muốn thu tiền về để thanh toán TPDN đáo hạn, đã bán xuống giá đến 38% các căn nhà trung cấp ở nội thành, nếu khách mua trả ngay 95% tiền mặt. Biến chuyển này làm cho các chủ đầu tư buôn bán nhỏ lẻ mua nhà vài tháng trước, nếu không muốn vỡ nợ, chỉ còn nước bán tháo cắt lỗ.

Được khuyến khích cởi mở nói hết những bất cập, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám Đốc Công ty Lê Thành nêu ra thực tế “Việc xây dựng nhà ở xã hội càng gỡ càng rối”. Ông Nghĩa nói thẳng ra hàng loạt bất cập, nhiêu khê về cơ chế, quy trình, thủ tục mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi làm dự án nhà ở xã hội:

Dẫn chứng một dự án nhà ở xã hội Công ty Lê Thành đã mất 3 năm chưa xong thủ tục đầu tư, ông Nghĩa cho hay theo quy định hiện nay, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được nộp một cửa tại Sở Kế Hoạch – Đầu Tư. Nghe thì mừng nhưng khi nộp hồ sơ doanh nghiệp phải chuẩn bị 11 bộ hồ sơ để Sở Kế Hoạch – Đầu Tư gửi cho 11 cơ quan có ý kiến, nếu chỉ một cơ quan không đồng thuận là “dự án chết”. Ông Nghĩa thêm “Lúc trước chúng tôi đi làm việc trực tiếp từng cơ quan, nếu cơ quan nào đó yêu cầu bổ sung, điều chỉnh gì thì doanh nghiệp còn biết để điều chỉnh, nay nộp chung vào không biết cơ quan nào có ý kiến không đồng thuận và vướng điểm nào để doanh nghiệp còn tháo gỡ. Việc này rất mất thời gian”.

Nói về việc các sở, ngành “ngâm” hồ sơ, chậm trả lời, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản HoREA cho biết, trước đây thành phố Saigon có công văn yêu cầu các sở ngành, quận huyện nêu nếu quá 15 ngày đơn vị được xin ý kiến nhưng không trả lời thì coi như đồng ý với ý kiến của đơn vị xin ý kiến.

Tuy nhiên, các sở ngành, quận huyện “không dám thực hiện” việc này và vẫn ngồi chờ trả lời, trong khi doanh nghiệp nóng ruột vì “mỗi ngày chờ là một ngày phải trả lãi ngân hàng, gánh nặng đầu tư càng đè nặng”. Tình trạng thức lâu chầu mỏi, tốn kém thêm cho doanh nghiệp . . . đến khi được phép khởi động dự án thì Doanh Nghiêp buộc phải cộng mọi khoản tiền vào, khiến giá thành lên cao.

Câu thần chú của công chức các ngành tại Việt Nam ngày nay là: làm nhiều sai nhiều, làm ít cũng sai, không làm gì thì không phải lo sai. Hiện tượng ù lì “tìm an toàn pháp lý” cho riêng mình do tâm lý lo sợ bị dính dấp vào các vụ điều tra về tham nhũng. Nhưng, tham nhũng càng thêm mánh khóe tinh vi đến độ nếu diệt được tham nhũng thì đảng csVN sẽ “tan hàng”!    (https://vanhoimoi.org/?p=16257)

Bộ Trưởng Xây Dựng, Nguyễn Thanh Nghị nhận thấy, cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất Đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan, ưu tiên chính sách, điều kiện thụ hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Hiện luật Đất Đai của Việt Nam từ năm 2013 kết thúc thời kỳ lấy ý kiến vào 15 tháng 3, đến tháng 10 này mới đưa ra Quốc Hội thảo luận. Chưa biết lần này đảng csVN có định “nới ra” tí chút hay vẫn bó gọn trong pham trù “đất dân, quyền quan” như cũ, thì mọi việc vẫn không thay đổi.

Từ bản khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giúp Tiến Sỹ Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu rõ: thực tế những vụ án lớn về đất đai thời gian qua đều có vi phạm về quyền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Tình trạng trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất. Giá đất trước khi có dự án và giá đất sau khi có dự án chênh lệch từ 50 – 700 lần. [2] “Địa tô chênh lệch đã thể hiện rõ việc chưa có sự cân bằng giữa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước trong thu hồi đất và là hậu quả trong đầu tư kinh doanh [*]. Qua đó, có thể thấy những dấu hiệu của rửa tiền, tham nhũng từ đất đai. Đây chính là vấn đề nhức nhối trong xã hội”

Chỉ 10 loại người sau đây mới được mua “nhà ở Xã Hội” giá rẻ: (1) Có công với cách mạng; (2)  Gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; (3) Gia đình vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; (4) Người thu nhập thấp, cận nghèo tại khu vực đô thị; (5) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (6) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (7) Cán bộ, công chức, viên chức; (8) Người từng bị thu hồi nhà công vụ; (9) Sinh viên, học sinh nghèo; (10) Gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân, có đến 80% người mua nhà ở xã hội đã bán để lấy lãi sau 2 năm. “Như vậy, theo ông Tuấn, nhà ở xã hội đang được giao cho những người chủ trương buôn bán, không đúng đối tượng như quy định”.

Tháng 9 năm 2022, Bộ Xây Dựng cho biết, mới đây đã trình Chính Phủ đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Trong thực tế, giá một số căn nhà 25m2 trung bình 35 triệu – 45 triệu đồng một m2, tùy thuộc vào vị trí dự án. Như vậy, để mua một căn nhà có diện tích khoảng 25m2 theo quy đinh của Bộ Xây Dựng, người mua nhà phải bỏ ra 1 tỷ – 1,26 tỷ đồng.

 Lương tối thiểu thuộc năm 2023 trả cho người lao động mỗi tháng được chia thành từng vùng, miền: cao nhất là 4.680.000 đồng; trung bình 4.160.000 đồng; thấp nhất 3.640.000 đồng.

Công nhân phải thuê nhà 800 ngàn đồng, tiền ăn 2,5 triệu, đổ xăng 300 ngàn, sơ kết đã mất 4.600.000 đồng. Như vậy 2 công nhân phải thuê chung phòng trọ mới tạm đủ sống, lấy tiền đâu ra mà mua nhà lên đến gần 1 tỷ mỗi căn.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế International Monetary Fund (IMF) tính rằng, người lao động tại Việt Nam có thu nhập trung bình phải để dành tới 57 năm tiền lương mới mua được một căn nhà. [3]

Chưa gỡ được khó khăn pháp lý, tiền ít, cơ chế chỉ lợi cho kẻ đầu cơ . . . Ngần ấy trở ngại đủ đưa đại dự án xây “nhà ở xã hội” của Nội Các Pham minh Chính vào hoàn cảnh “tính cua trong lỗ”.

Trần nguyên Thao
11 March

 [1] [1] https://thanhnien.vn/bo-xay-dung-muon-lam-it-nhat-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-den-nam-2030-1851497636.htm

[2] https://markettimes.vn/gia-dat-truoc-va-sau-khi-co-du-an-thuong-chenh-lech-tu-50-700-lan-19219.html

[3] https://vtc.vn/dan-thuong-viet-nam-57-nam-tien-luong-moi-mua-noi-mot-can-ho-ar688379.html

[*] Địa tô là khoản tiền mà người thuê một số đất phải “cống nạp” cho người sở hữu để được quyền sử dụng đất.

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen