• Báo động mỗi năm từ 300 đến 500 mẫu (5 km2) đất đang bị mất do xói mòn.
  • Đến cuối Thế Kỷ này, gần 40% đồng bằng Cửu Long sẽ bị xóa sổ.
  • Nước mặn tràn vào 40 ngàn cây số vuông khiến 10 triệu dân phải mua nước ngọt.
  • Trên 2 triệu dân đã bỏ xứ “tha phuong cầu thực”.

Sau 34 năm chiến tranh lạnh kết thúc, một cuộc chiến khác đã âm thầm diễn ra nhiều năm, làm ảnh hưởng đến gần 70 triệu dân ven sông thuộc 5 nước Tiểu vùng Mekong hiện đang là một trong những mục tiêu quan trọng, chịu sự chi phối giữa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự Do mở rộng của Hoa Kỳ đối đầu với chiến lược Vành Đai Con Đường (BRI) của Trung cộng. Trong đó Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBCL) Việt Nam với 20 triệu con người lại là những nạn nhân – bị chính csVN đẩy vào cảnh khốn cùng nhất.

Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ở cao độ 5234 mét so với mặt biển, chảy ngoằn ngoèo suốt 4350 cây số qua Vân Nam Trung cộng, tràn xuống các nước Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông qua vùng ĐBCL thuộc Miền Nam Việt Nam.

Nam Việt Nam có vùng ĐBCL khác hẳn với hai miền Bắc và Trung Việt. Bắc Việt với tỉnh tản Vịnh Hạ, cả một vùng cây cỏ thanh-u. Trung Việt với hoàng Thành Lăng Miếu, chốn Đế Đô nghiêm mật mơ màng.

Còn Nam Việt với đồng ruộng bao la, nguồn lợi dồi dào thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy lộ, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế nuôi được cả dân còn dư xuất cảng.

Nhưng ngày nay, Nam Việt với nhiều ưu điểm như mô tả của ĐBCL đang dần biến thành vùng “thương khó” làm rỉ máu hàng triệu con tim Việt Nam khi phải tha phương cầu thực.

Trong thế trận mới này, csVN từ trước tới nay do thiếu hiểu biết (?) hay tham lam vô độ đã tự “trói tay” mình khi từ bỏ quyền phủ quyết [veto power] vốn đã có trong Hiệp ước Uỷ Ban Sông Mekong- MRC từ năm 1957 thời Việt Nam Cộng Hoà. [1]

Hai lý do đưa đến ĐBCL bị bức tử: một từ hành động chặn nước sông tại mạng lưới đập thủy điện thượng nguồn của Trung cộng; một khác từ csVN nhiều năm gần đây đã hình thành nhiều dự án cống đập, đê bao tăng diện tích trồng lúa theo kiểu “ăn xổi ở thì”. . . gây đảo lộn dòng chảy tự nhiên của sông Cửu Long làm cho mực nước trên dòng sông thấp hơn mực nước mặn ngoài biển. Vì vậy nước mặn tràn vào toàn vùng 40 ngàn cây số vuông ảnh hưởng lớn đến canh nông và sinh hoạt hàng chục triệu con người. Nước mặn từ biển tràn sâu và nhanh đến độ các biện pháp phòng thủ tại nhiều địa phương đã thất bại. Hoàn cảnh này đã xô đẩy trên 2 triệu dân bỏ quê hương tha phương cẩu thực!

Tiến Sỹ Mai Thanh Truyết dẫn lời Phó viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu Việt Nam, Lê Anh Tuấn, thú nhận: “Gần một nửa dân số châu thổ ĐBCL hiện không được tiếp cận với nước ngọt, đó là điều rất nghiêm trọng”, Các nhà khoa học thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC), một cơ quan liên chính phủ, cũng cảnh báo rằng nếu mực nước biển tiếp tục tăng với tốc độ dự kiến khoảng một mét vào cuối thế kỷ, gần 40% đồng bằng sẽ bị xóa sổ. Kết quả là, đã có báo động mỗi năm từ 300 đến 500 mẫu (5 km2) đất đang bị mất do xói mòn.

Là vựa lúa cuối nguồn của dòng sông Mekong, đúng ra csVN phải đòi hỏi giữ nguyên như năm 1957, điều khoản mỗi hội viên trong Ủy ban sông Mekong hay ít ra là nước chịu tác động lớn nhất từ thượng nguồn là Việt Nam có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới một vùng dân cư rộng lớn sinh sống ở ĐBCL. Tuy nhiên trên thực tế, hẳn có chủ đích còn phải giữ kín, Ba-Đình đã ký kết để chấp nhận diều khoản “không một quốc gia nào có quyền phủ quyết” ghi trong nội quy mới của Ủy Ban Mekong năm 1995. (https://vanhoimoi.org/?p=16288)

Bác Sỹ Ngô thế Vinh, tác giả các cuốn sách nghiên cứu về dòng Mekong, nhận định: chính sách của Việt Nam kể từ 1995 đã phạm sai lầm chiến lược, bị động và mất cảnh giác liên quan đến sông Mekong về bảo vệ an toàn 20 triệu dân khi từ bỏ quyền phủ quyết liên quan đến dòng sông này.

Các nhà khoa học chuyên ngành đang ra sức yểm trợ mạnh mẽ quan điểm chiến lược kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo để “bảo vệ dòng chảy sông Mekong theo tự nhiên” nhằm kết hợp thiên nhiên vào quá trình phát triển, để có thể bảo vệ tài nguyên, thích ứng và chống chọi với biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ lũ lụt, cải thiện chất lượng nước, bảo vệ vùng ven biển, phục hồi và bảo vệ vùng đất ngập nước, giảm nhiệt vùng đô thị… cho các cộng đồng địa phương trên khắp tiểu vùng sông Mê Kông, mà hạ nguồn là vùng ĐBCL, gánh thiệt hại lớn nhất.

Với địa thế như tấm “bản lề” nằm giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á, kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca, Tiểu vùng sông Mekong; bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, (Cambodia Laos Myanmar Thailand and Vietnam, viết tắt là CLMTV) luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược về chính sách đối ngoại của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung cộng.

Trung cộng tăng cường thúc đẩy công cụ ngoại giao kinh tế thông qua việc triển khai sáng kiến Vòng Đai Con Đường – Belt and Road Initiative (BRI), tập trung hơn cả ở hợp tác Mekong – Lan Thương Mekong-Lancang Cooperation (MLC) – cơ chế này do Băc Kinh dẫn dắt.

Trong lúc cả chục triệu dân vùng ĐBCL âm thầm trữ nước ngọt để chịu đựng các đợt báo động nhập mặn gia tăng dồn dập bao phủ toàn vùng, thì bên kia bờ Thái Bình Dương, đã hình thành thêm lực đẩy mới từ Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày cuối tháng Hai: Với số phiếu 365 thuận và 65 chống, Hạ Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa kiểm soát vừa cho ra đời một ủy ban lưỡng đảng mang tên “Ủy ban Chống Trung cộng.”

Tân Chủ tịch Ủy ban Chống Trung cộng, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) kêu gọi toàn Quốc Hội phải quyết liệt với Bắc Kinh. Lời kêu gọi của Dân Biểu Gallagher được 4 tiếng nói rất uy tín tới điều trần tại Hạ Viện Mỹ đồng tình, gồm: bà Tống Nghị, nhà bất đồng chính kiến với Bắc Kinh; Tướng H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia; ông Matthew Pottinger, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Donald Trump; ông Scott Paul, nhà vận động hành lang cho các nghiệp đoàn Mỹ. Cả 4 vị đều cổ võ cho những hành động cứng rắn nhất đối với Bắc Kinh. [2]

Cho đến nay, từ 11 con đập thủy điện rất lớn kiểm soát dòng chảy ở thượng nguồn Me-kông Bắc Kinh đã thu được thành công cao cho sáng kiến BRI tại vùng Tiểu vùng Mekong gồm 5 nước CLMTV, khi nhanh chóng qua Mekong-Lancang Cooperation (MLC) khai triển 45 dự án thu hoạch sớm, 13 sáng kiến hợp tác và cung cấp kinh phí cho khoảng 90 dự án cho 5 nước Tiểu vùng Mekong vào quỹ đạo của sáng kiến BRI [1].

Các con đập thủy điện thượng nguồn dòng Mekong có ý nghĩa chiến lược vì chúng cho Bắc Kinh cánh tay quyền lực quyết định sự sống hay cái chết với các nền kinh tế ở hạ nguồn trên cả vùng Đông Nam Á lục địa.

Vì vậy, Bắc kinh không ngần ngại cam kết đóng góp 300 triệu Mỹ kim cho Quỹ hợp tác MLC trong 5 năm, dành 10 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ Mỹ kim cho các khoản tín dụng, 5 tỷ Mỹ kim cho các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác năng lực sản xuất, nhăm khống chế chặt chẽ các chính quyền 5 nước hạ lưu; vốn đa phần do bàn tay phương Bắc “lèo lái”.

Theo tài liệu của Việt Ecology, các nhóm lợi ích Việt Nam được Ba Đình mở lối để đầu tư thu lợi vào các công trình tác hại vùng ĐBCL trong đập thủy điện Luang Prabang 1.460 MW lớn nhất trên lãnh thổ Lào. Đến nay tại hạ lưu của Lào có 9 đập thủy điện, và 2 của Campuchia đều do Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn, khiến bài toán cứu nguy ĐBCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược đối phó.

Về phía Mỹ, khởi đi từ năm 2020, vùng hạ lưu sông Mekong chứng kiến một đợt hạn hán, khô hạn nghiêm trọng, hủy hoại nông nghiệp trong vùng. Báo cáo của Ủy hội Sông Mekong năm đó cho biết nguồn cơn đưa đến tai ương cho vùng Cửu Long một phần do hạn hán nhưng cũng do Bắc Kinh đã giữ nước lại tại các đập thủy điện ở thượng nguồn do họ kiểm soát. Ngoài ra, Bắc Kinh không chịu cung cấp đầy đủ thông tin thủy văn liên quan về 11 con đập do họ dùng như đòn bẩy để áp chế tinh thần 5 nước hạ nguồn.

Nạn hạn hán năm 2020 ở vùng 5 nước hạ nguồn Mekong đã thúc đẩy Bộ Ngoại Giao Mỹ nâng “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông” (“Lower Mekong Initiative”, viết tắt là LMI) từ năm 2009 lên thành chương trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (Mekong-US Partnership, viết tắt là MUSP). Tổ chức này công bố báo cáo nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa các đập thượng nguồn Mekong của Trung cộng với sự sụt giảm nguồn nước ở hạ lưu, gồm, Miến Điện, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. [3]

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy, từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 4,3 tỷ Mỹ kim viện trợ không hoàn lại song phương và khu vực cho 5 quốc gia đối tác Mekong thuộc chương trinh “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (Mekong-US Partnership, MUSP).

Cả hai tổ chức LMI và MUSP đều là phương thức đưa Chính phủ Hoa kỳ đến cam kết hỗ trợ phát triển bền vững với người dân 5 nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Riêng MUSP thực thi “Phương pháp tiếp cận toàn chính phủ” (Whole-of-Government Approach – WGA) để hỗ trợ quyền tự chủ, nền độc lập về kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững của các quốc gia đối tác trong khu vực Mekong.

MUSP đã xác định an ninh lương thực là vấn đề ưu tiên cần hành động tiếp theo, vì gần 70 triệu người ở Hạ lưu vực sông Mê Kông phụ thuộc vào hệ sinh thái sông Mê Kông, mà vùng ĐBCL với gần 20 triệu dân là khu vực quan tâm của MUSP. Mục tiêu này được Stimson Center hôm mùng 8 tháng 3 vừa qua đã công bố trong báo cáo “Đối thoại chính sách về các giải pháp thuận theo tự nhiên”.

Như thế, Chiến lược đối đầu Mỹ-Trung mà đích đến là Tiểu vùng sông Mekong thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang có những bước cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt và đa phương hơn, đòi hỏi những ngưởi nắm quyền lực ngồi ở Ba-Đình không thể tiếp tục “đi dây” hay theo đuổi kiểu “bắt cá hai tay” như vẫn làm.

Trần nguyên Thao
18 March

[1] https://www.voatiengviet.com/a/nua-the-ky-cai-tao-lam-can-kiet-tai-nguyen-mot-dbscl-dang-chet-dan/6952111.html

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-river-china-blocks-the-flow-the-us-helps-03112023091122.html

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-river-china-blocks-the-flow-the-us-helps-03112023091122.html

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen