Trần nguyên Thao
Việt Nam đang lâm vào tình trạng sản xuất giảm sút thấp nhất kể từ 22 năm qua, đầu tư FDI vẫn tiếp tục suy yếu; nhiều ngành “mũi nhọn” xuất cảng tăng trưởng âm, thị trường Bất Động Sản (BĐS) chưa thoát khỏi khủng hoảng. . . Do các yếu tố này, công ty Chứng Khoán hàng đầu Việt Nam, VNdirect Securities Corporation (VNDIRECT) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức 5,5%, giảm trên 31% so với năm ngoái, nhưng với Oxford Economics thì GDP của Việt Nam năm nay chỉ ở mức 4,2% thấp hơn năm ngoái ngót 50%. Trước đó, Quốc Hội với số phiếu 465/466 đòi chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 phải đạt 6,5%; GDP bình quân đầu người là 4.400 Mỹ kim.[1]
Mặc dầu thời gian giao hàng từ nhà cung cấp được thực hiện nhanh nhất trong hơn 8 năm qua, nhưng nhu cầu đặt hàng mới và việc làm lại giảm, đưa đến chỉ số Purchasing Managers Index (PMI) của Việt Nam do S&P Global theo dõi vào đầu tháng 4 đã tuột xuống mức 47,7 trong tháng 3, giảm so với 51,2 điểm so với tháng 2 và nằm dưới ngưỡng 50 điểm trung bình lần thứ 4 trong 5 tháng qua.
Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư (KH-ĐT) nhìn nhận, tính từ năm 2001 đến nay, chỉ số sản xuất Index of Industrial Production (IIP) trong các ngành công nghiệp chính của Việt đã giảm sút nghiêm trọng. Chỉ 2 tháng đầu năm 2023, hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử, đồ gỗ và thực phẩm đều giảm sút, riêng ngành thiết bị điện giảm trên 50%. Tính chung 2 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng công nghiệp chế biến giảm 6,9%. Thực tế này là lời giải tại sao mới 3 tháng đầu năm, đã có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Do rất nhiều yếu tố tiêu cực diễn ra khiến cho Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ còn 4,2% trong năm 2023, giảm gần một nửa so với mức tăng trưởng 8% của năm ngoái. [2]
Tổng kim ngạch xuất nhập cảng giảm 13,6%, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP Việt Nam. Riêng nguyên vật liệu mua vào cho khu vực tái chế xuất, là lãnh vực “mạnh” của Việt nam cũng suy giảm. Hiện các nhà sản xuất không mấy lạc quan về khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Cùng lúc, lãnh vực BĐS Việt Nam có tới 1.800 công ty ngưng hoạt động trong quý 1/2023, vì số nhà bán ra giảm tới gần 40%.
Hôm mùng 03 tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3-0,5%/năm. Đồng thời nhờ áp lực tỷ giá giảm, NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 800 triệu Mỹ kim trong tuần đầu tiên của tháng 4/2023, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên khoảng 92 tỷ Mỹ kim.
Với hy vọng Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023, thì lãi suất gởi tiết kiệm bình quân ở Việt Nam kỳ hạn 12 tháng có thể sẽ giảm xuống 7,0% nội năm nay. Vào giữa tháng 4, mức lãi suất gởi tiết kiệm cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng là 8,8%/năm. Trong khi các kỳ hạn 13 – 36 tháng có thể đượng hưởng mức lãi suất 9,2% mỗi năm.
Cuối năm 2022, lãi suất vay tín chấp ngân hàng ưu đãi khoảng từ 10 – 16%/năm. Khi hết ưu đãi, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất từ 16 – 25%/năm.
Hiện nay, lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất dao động từ 10 – 10,5% một năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 11 – 12% mỗi năm với kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà ở khoảng 14% mỗi năm.
Gói hỗ trợ 2% lãi suất dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xí nghiệp nhỏ gia đình đang “đội sổ” về tỷ lệ thực hiện, chỉ giải ngân được khoảng 330 tỷ đồng, tương đương 0,83% trong kế hoạch tổng thể 40.000 tỷ đồng. Bộ KH-ĐT lượng giá, “kết quả triển khai rất thấp”, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, còn khoảng 37.430 tỷ đồng “vẫn nằm trong kho”.
Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội quy mô 347.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm 2022 – 2023, nhưng tới nay quá nửa thời gian thực hiện, mới giải ngân được 27,5% tổng nguồn tiền dự trù.
Theo Tổng Cục Thống Kê, nhu cầu tín dụng suy yếu vì doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng ảm đạm. Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,97% cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng lãi suất cho vay đang trên đà giảm xuống, gây lo ngại cho khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM). Để mở đường “thoát thân”, ngân hàng Sacombank cho biết, từ 24/4 sẽ dành 5.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay mua nhà với mức lãi suất ưu đãi 10,68% mỗi năm cho kỳ hạn lên đến 30 năm.
Về phía quốc doanh gồm 4 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2% mỗi năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các Ngân hàng thương mại.
Tuy tín dụng cho vay dễ dãi và phân lời giảm, nhưng số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24 tháng 2 đang khựng lại, mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản chỉ tăng thêm 20.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, số liệu xuất cảng của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, và mới chỉ hoàn thành 20% chỉ tiêu của năm 2023. Nhiều ngành hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, sắt thép, gỗ đã ghi nhận được mức tăng trưởng âm. [3]
Khối Phân Tích thuộc công ty VNDIRECT hồi hạ tuần tháng 4 đãdự báo xuất nhập cảng của Việt Nam năm 2023 lần lượt tăng trưởng âm 2% và 3%.[4]
Cuối tháng 4/2023, Reuters cho biết, Hoa Kỳ áp dụng triệt để lệnh cấm nhập cảng hàng hóa và nguyên liệu bao gồm bông vải ở vùng Tân Cương, Hoa Lục. Hậu quả của việc này đã gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất hàng dệt may và giày thể thao của Việt Nam. Theo Reuter, hơn 80% hàng diệt may đến từ Việt Nam mới chỉ được thông quan khoảng 13% tuần lễ đầu tháng 4. Trong trường hợp Mỹ xem xét lại các hàng diệt may nhập vào Mỹ năm ngoái lên đến 27 tỷ Mỹ Kim “có thể dẫn đến những điều chỉnh đau đớn hơn cho Việt Nam”.
Số liệu từ Bộ KH-ĐT tính đến cuối tháng 4 cho biết, có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tỷ lệ giảm 17,9%. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ Mỹ kim, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ 2022.
Do kết quả kinh doanh kém khả quan trong Quý I/2023 cùng với tâm lý “rã đám” của giới đầu tư, VN-Index mất gần 10 điểm sau 5 phiên giao dịch xuống 1.043 điểm, mức thấp nhất trong 4 tuần gần đây. Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi ghi nhận bán ròng 337 tỷ đồng (27/04). Thị trường chứng khoán Việt Nam được tạm thời dự đoán rất khó để tăng giá trong ngắn hạn; phải chấp nhận “nhì nhằng” dao động trong biên độ hẹp 1.030-1.060 điểm với thanh khoản ở mức thấp.
Các yếu tố trên dẫn đến thất thu về thuế đến 50% chỉ trong BĐS và chứng khoán. Như thế, tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ còn trông vào tỷ lệ giải ngân đầu tư công (ĐTC). Nếu csVN giải ngân được 100% vốn đầu tư công (ĐTC) là 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ Mỹ kim, dự trù đưa vào nền Kinh Tế năm 2023, thì GDP tăng được trên 1% nữa. Tuy nhiên, việc giải ngân đưa vốn ĐTC vào nền Kinh Tế lại có những cửa ải pháp lý, thủ tục chưa thể vượt qua.
Nhìn vào kết quả giải ngân ĐTC trong quá khứ, Ban Kinh Tế Trung Ương (BKTTU) của đảng nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân ĐTC qua các năm, lần lượt trồi sụt: năm 2017; là 73%; năm 2018 là 66%; năm 2019 là 67%; năm 2020 là 82%; năm 2021 là 72% và năm 2022 đạt trên 67%.
Quý I năm 2023, Bộ Tài chánh cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC chỉ được 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch. Nếu giải ngân ĐTC tăng đều theo tỷ lệ thuận như quý I vừa qua, thì kết quả cả năm sẽ rất khiêm tốn. (https://vanhoimoi.org/?p=16670)
Lý do của việc này được BKTTU thú nhận có tới 25 – 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng. . .
Phía các nhà thầu lại nêu ra một số khó khăn khác: Ví dụ đắp nền đường, Nhà nước quy định 16.000 đồng một m3 nhưng giá thực tế là 30.000 đồng một m3, cấp phối đá dăm 30.000 đồng nhưng thực tế 120.000 đồng. . . khi so sánh giá ấn định trong hồ sơ đấu thầu được duyệt và chi phí thực tế đã chắc chắn lỗ khoảng 40%.
Cuối cùng là tâm lý cán bộ các ngành phụ trách giải ngân ĐTC đang rút vào “thế thủ”. Vì từ trước tới nay họ tham nhũng nhiều rồi, bây giờ phải thủ thân, sợ làm lắm sai nhiều, bị bắt thì lòi ra các tội phạm trước đó!
Do thực tế trên, viễn ảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng xám ngắt như bầu trời Miền Bắc trước những đợt gió Đông Bắc trái mùa rít lên từng chặp làm buốt giá lòng người.
Trần nguyên Thao
01 May 2023
[1] https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-khac/2022/11/quoc-hoi-chot-gdp-nam-2023-tang-khoang-65-binh-quan-dau-nguoi-dat-4-400-usd/
[2] https://congly.vn/oxford-economics-du-bao-gdp-viet-nam-nam-2023-o-muc-4-2-375847.html
[3] https://meeyland.com/dau-tu/quy-12023-tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-uoc-dat-1543-ty-usd/
[4] https://congly.vn/vndirect-xuat-khau-nam-2023-du-bao-tang-truong-am-2-375999.html