________________________
  • Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vỹ mô và từng ngành đặc biệt thấp.
  • Chỉ số Purchasing Managers’ Index tuột xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm.
  • Trong 5 tháng qua, 88 ngàn Doanh Nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất.
  • Maybank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống còn +4%.

Mặc cho báo Nhà Nước dẫn một nhận định để khoe khoang “Kinh tế Việt Nam tăng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, S&P Global Market Intelligence vẫn công bố chỉ số Purchasing Managers’ Index (PMI) của Việt Nam trong tháng 5-2023 đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Diễn biến này đẩy thêm Doanh Nghiệp (DN) xuống bờ vực phá sản, thất nghiệp cao, nợ xấu ngân hàng sẽ rất xấu . . . Báo hiệu ngành sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thời gian suy giảm kéo dài trong nhiều tháng. . .

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vỹ mô, và từng ngành đặc biệt thấp, nhu cầu tiêu thụ yếu kém khiến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm sâu nhất trong 20 tháng qua, dẫn đến chỉ số PMI lần lượt giảm: tháng 3-2023 xuống 47,7 điểm; tháng 4-2023 xuống 46,7 điểm; đến tháng 5-2023 tuột xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, chỉ còn 45,3 điểm.

Số liệu chính thức từ Tổng Cục Thống Kê cho biết, chỉ trong 5 tháng qua, cả nước có khoảng 88.000 DN đóng cửa, bình quân mỗi tháng có 17.600 DN ra khỏi thị trường sản xuất.

Riêng quý I/2023 đã có 294.000 công nhân bị giảm giờ hay mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động, trong đó 84% thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: ngành da giày là 44,2%, dệt may là 18,8%.

Dự báo trong những tháng trước mặt, các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in ấn, sao chép giảm 37.800 người…

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 550 DN kinh doanh bất động sản (BĐS) thành lập mới, giảm 62,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 235 DN BĐS giải thể, tăng gần 20%. Nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS tại Saigon, Bình Dương ngừng triển khai các dự án mới, không ít DN phải đóng cửa hoặc giảm đến 70% công nhân…, vì rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”. Nhiều sàn giao dịch BĐS tại Saigon đã ngưng hoạt động và giải thể, như: Vieland, Goland, Kim Cúc Land, Hoàng Anh, DPV, Wonderland, Hiệp Long, Milestone Land…

Bản điều nghiên của Ban Tư Vấn Chính Phủ cho biết, DN ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt nhiều lần hơn cầu, đơn đặt hàng xuất cảng và cả trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều DN phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn từ 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Di hại do đại dịch COVID-19 vẫn còn đè nặng trên DN Việt Nam, khiến tình thế chông chênh, “gay go” trước khi chuyển sang giai đoạn phục hồi. Trong khi đó, các công ty FDI lại có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay, vì họ có nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn, chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các NHTM Việt Nam.

Số liệu xuất cảng tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục Thống kê chứng minh rằng, hàng xuất cảng của các DN trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong khi nhiều công ty FDI, không kể ngành diệt may và giầy da, vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Do nhu cầu tiêu thụ thấp, sản xuất gặp khó khăn khi đưa hàng ra thị trường, nên thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Tình trạng này gây ra hậu quả dây chuyền: NHNN có hạ lãi suất điều hành, NHTM có hạ lãi suất huy động và cho vay, tín dụng cũng chỉ là những gói tiền bất động. Vì theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong khi chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được ấn định ở mức 14%-15%.

Đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đa phần gặp phải tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi nên chưa thể đáp ứng được các điều kiện đòi hỏi để tiếp cận được hồ sơ vay vốn nơi NHTM.

Do áp lực của NHNN, lãi suất tiền gởi tiết kiệm và lãi suất cho vay tại khối NHTM có thể giảm thêm nữa trong thời gian tới, nhưng biến chuyển này sẽ chỉ giúp kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Trước kia cũng đã từng một thời dòng tiền thay vì hướng vào khối DN sản xuất, thì do “tiền rẻ” lãi nhẹ, dòng tiền lại tuôn vào kênh chứng khoán. Hiện tượng này khởi sự lập lại vào phiên chứng khoán hôm mùng 2 tháng 6, đưa toàn bộ 27 mã ngân hàng niêm yết trên thị trường UPCoM đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản tăng mạnh.

Ngày mùng 5 tháng 6, khi kết thúc bài này, lãi suất gởi tiết kiệm cao nhất tại khối NHTM Việt Nam được hạ xuống còn có 8,5% cho thời hạn 12 tháng. Nhưng ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Vương đình Huệ đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất tiết kiệm đến 9% thì quá vô lý. [1]

Cho dù NHNN hạ lãi suất điều hành, NHTM hạ cả lãi suât tiết kiệm và cho vay vẫn phải chịu “lép vế” trước lập luận rằng: giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi vì, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng cho bất cứ nền kinh tế nào. Trong khi đối với Việt Nam, cả hai sản xuất, tiêu dùng đều phải đối mặt với tình huống suy giảm nghiêm trọng.

Nhìn về trước mặt, Ban Tư Vấn Chính Phủ đã điều nghiên 9.556 DN trong cuộc khảo sát mới đây, đưa ra kết quả: có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Đến 71,2% dự tính giảm số nhân công lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự định giảm trên 50%. Có 80,7% DN dự định giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%. Bản lượng gia còn cho biết “niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vỹ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp”.

Tiến Sỹ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế được báo chí dẫn lời xác quyết: “Nguyên nhân rất lớn nằm ở cách điều hành và thực thi chính sách của nước ta; nằm ở các quy định pháp lý nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật này với luật kia; là hình sự hoá vấn đề khiến tâm lý thị trường bất ổn…“.

“Chính trong bối cảnh này đã khiến phần lớn chính quyền các cấp hiện nay sợ sai mà né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám ký. Vì vậy, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp mãi không được giải quyết. Đến một thời điểm, khả năng chờ đợi và chống chịu không còn thì mặc nhiên, doanh nghiệp sẽ phải rút khỏi thị trường”.

Vì các dẫn chứng nêu trên, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc quý I/2023 chỉ có 3,3%. Thời gian trước mặt, Việt Nam đang chịu cảnh sản xuất suy sụp, nên dự đoán GDP quý II/2023 cũng chỉ khoảng 3%. Từ đó, Maybank, ngân hàng quốc tế có vốn hóa thị trường 13 tỷ Mỹ kim – uy tín nhất Malaysia, đứng thứ năm tại Đông nam Á, vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống còn +4%, từ mức +5,5% trước đó. Về việc này, Maybank không hề đi “solo” mà trước đây 1 tháng, Oxford Economics từng dự báo GDP Việt Nam năm 2023 chỉ khoảng 4,2%, giảm gần một nửa so với mức tăng trưởng 8% của năm 2022 (https://vanhoimoi.org/?p=16872)

Trên thực tế, các số liệu đã dẫn từ các cơ quan chuyên ngành đến NHTM và DN. . . gần như mọi ngành đều bày tỏ ý kiến “rất tiêu cực” về nền Kinh Tế trong các tháng trước mặt. Duy chỉ có Ban Tuyên Giáo của csVN mỗi khi “đánh hơi” thấy dân chúng mất niềm tin, lại cho Tuyền Thông Nhà Nước “bịt mắt” dân chúng ca tụng Việt Nam là nước hạnh phúc nhất nhì thế giới!  (https://vanhoimoi.org/?p=16731) [2]

Lần này cũng không ngoại lệ, báo Nhà Nước lại dẫn lời Tổng Giám đốc IMF nói với Thủ Tướng Chính hôm 20 tháng 5 tại Hội Nghị G7 ở Nhât Bản: “dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. [3]

Tuy nhiên khác với mọi lần, kỳ này sau khi loan tin như vừa kể, không có báo nào viết bài ca tụng tiếp theo như những lần trước đó.

Phải chăng bây giờ có nhiêu nhà báo cũng biết ngượng khi phải ca tụng mưu toan lừa đảo của chế độ?

Trần nguyên Thao
05 June, 2023

[1] https://cafef.vn/lam-phat-co-315-ma-lai-suat-huy-dong-den-9-thi-qua-vo-ly-18823060520402962.chn

[2] http://laodongxahoi.net/viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-chau-a-vuot-qua-bhutan-1318242.html

[3] https://vietnamnet.vn/imf-du-bao-kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-gap-2-lan-muc-cua-toan-cau-2145286.html

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist