_____________________________

Khủng hoảng trong hệ thống Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam là vấn nạn lưu cữu trải qua nhiều nhiệm khóa mỗi 5 năm của đảng csVN. Nhiệm kỳ nào cũng khoe thành tích Kinh tế Tài Chánh phát triển vững mạnh. . . Nay thì Quốc Hội cam kết sẽ “không nương tay” với nền Tài Chánh thiếu kỷ cương, được mô tả là những nhóm quyền lực ngầm thao túng ngành ngân hàng từ rất lâu, gọi là “lợi ích và sở hữu chéo” hình thành như vòi bạch tuộc vươn ra mọi hướng. . . Do chế độ độc tài cấm tự do ngôn luận đưa đến nguồn cơn những mờ ám luôn được bao che. . . khuyến khích sở hữu chéo vận hành nhịp nhàng đẩy nợ xấu ngân hàng thêm xấu hơn.

Cuối năm 2006 Việt Nam được gia nhập WTO khởi đầu giai đoạn hội nhập Kinh tế Thế Giới. Tiếp theo các năm 2008-2012 hàng loạt ngân hàng ra đời, trong đó, một số ngân hàng được chuyển đổi từ quỹ tín dụng. Đến nay, theo thống kê đầu tháng 6 năm 2023, với dân số vừa tròn 100 triệu người, Việt nam có tới 49 ngân hàng chia ra: (4) nhà băng quốc doanh 100% vốn Nhà Nước; (31) NHTM cổ phần; (09) ngân hàng 100% vốn ngoại quốc; (02) ngân hàng chính sách, (01) ngân hàng Hợp Tác Xã và (02) ngân hàng liên doanh.

Khối NHTM công bố tình hình tài sản đến cưối năm 2022 là 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó 10 nhà băng hàng đầu đã chiếm đến gần 79% tài sản của toàn khối, tương đương 10 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với năm ngoái. 

Tổng dư nợ toàn nền Kinh tế, tính đến hết tháng 03-2023 là 12.231.723 tỷ đồng, trong đó, theo tài liệu NHNN gởi Quốc Hội đầu tháng 05-2023, mới tính đến cuối tháng 2-2023 nợ xấu đã rất lớn, chiếm đến 5% trên tổng số tiền cho vay.

Năm 2015 bằng văn bản lập quy 96/2015/NĐ-CP csVN nhìn nhận sở hữu chéo theo điều 16, khoản 2, chính thức quy định: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”.

Hiểu một cách đơn giản nhất về sở hữu chéo là: doanh nghiệp A sở hữu doanh nghiêp B và doanh nghiệp B cũng sở hữu doanh nghiệp A. [1]

Thực tế ngày nay không còn là (2) Doanh Nghiệp (DN) sở hữu chéo, mà là nhiều DN sở hữu chằng chịt với nhau. Tình trạng này khiến cho con số kê khai tài sản (vốn) của DN mẹ rất lớn chỉ trên sổ sách, thực tế lại không phải vậy.

Thí dụ nhà băng Anninh, tên tiếng Anh là Anninh-Bank (ANB), có 10 công ty con cùng góp vốn. Khi kê khai vốn sở hữu trên giấy tờ, thì ANB gộp tất cả vốn của các công ty con vào hồ sơ của ANB để lòe dân chúng là nhà băng có vốn lớn, uy tín cao. . .

Có những trường hợp từng nhóm quyền lực đứng ra gầy dựng NHTM cổ phần, mỗi ông chủ lại cho họ hàng thành lập các công ty con. Như thế, trên giấy tờ kê khai tài sản của nhà băng này như đại tập đoàn tài chánh. Nhưng vốn thật thì khá khiêm nhường.

Đây là sự thể khiến vốn toàn hệ thống ngân hàng gia tăng giả tạo, chỉ có con số trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Từ đây, các loại ngân hàng kiểu nói trên được dân chúng biết đến như những nhà băng “thế giá”, khiến dân chúng tin tưởng đổ xô vào gởi tiết kiệm. Ngay thời điểm này, theo số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đến cuối tháng 3/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148 nghìn tỷ đồng so với tháng 2.

Trong cuộc sống vất vả ngược xuôi, it ai còn nhớ theo luật pháp hiện hành, khi nhà băng phá sản, người gởi là cá nhân sẽ chỉ được bảo hiểm trả tối đa 75.000.000 (bảy mươi lăm triệu đồng) đối với mọi khoản tiền gởi.

Ngay từ đầu NHTM đã khai thác nguồn tiền của dân chúng ký thác để cho các DN vay, nhưng khi phân phối tín dụng, nhà băng mẹ cho các công ty con được ưu tiên vay tiền, vì họ là “sân sau” của các ông chủ. Công ty con trong giai đoạn đầu phần lớn kinh doanh Bất Động sản (BĐS) kiếm được lãi cho cả đôi bên.

Trên thực tế, tín dụng bị chủ nhà băng thao túng bằng cách lấy tiền từ túi bên Trái chuyển sang túi bên Phải. Như thế chỉ có những công ty con nằm cùng hệ thống được ưu tiên vay mượn tiền của công chúng gởi nơi nhà băng. Các DN khác ngoài hệ thống “sân sau” thì phải “bôi trơn” hay phải trải qua nhiều bước gian nan trong hồ sơ tín dụng.

Theo Tiến Sỹ Đinh Thế Hiển “Ngay từ giai đoạn đầu, các ngân hàng mới mở đã trở thành một kênh huy động vốn chủ lực của các doanh nghiệp BĐS. Trong khi, cho vay BĐS mau chóng đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng và doanh nghiệp BĐS trở thành một cặp cộng sinh. Các doanh nghiệp BĐS phát triển vượt bậc, nhanh chóng đều có bóng dáng hỗ trợ theo mối quan hệ cộng sinh, thân hữu của các ngân hàng ở phía sau, chứ không phải hợp tác cho vay tôn trọng sự minh bạch, độc lập”.

“Gần đây, các doanh nghiệp BĐS gia tăng đầu tư cổ phần vào ngân hàng. Đồng thời, nhiều chủ nhân công ty BĐS “nhảy” sang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng cho thấy, mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn BĐS với NHTM phức tạp lộ liễu. Khi làm xếp lớn bên nhà băng, cùng lúc bên BĐS thì tránh sao được các quyết định thao túng ở cả hai phía. Các hoạt động sở hữu chéo ngầm giữa BĐS và ngân hàng nhằm mục đích bẻ lái dòng vốn tín dụng vào các dự án “sân sau”. “Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo”.

Do tình trang thao túng tiền của dân chúng gởi vào nhà băng dễ dàng, mới sinh ra nợ xấu ngày càng xấu hơn. Các ông chủ muốn lấy tiền ra, họ chỉ cần cho công ty con lập hồ sơ ma, trong đó dự án được định giá cao và tài sản thế chấp dùng cho nhiều hồ sơ vay mượn. Đây là tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Năm 2013, Chính Phủ phải lập công ty mua bán nợ xấu VAMC. Năm ngoái (2022) lợi nhuận của công ty VAMC là 165 tỷ đồng.

Thời điểm này, ngành BĐS khủng hoảng, khối NHTM bị nợ xấu tăng cao, sản xuất đinh đốn một phần do thiếu nguồn điện để nhà máy hoạt động. Cung và cầu đều giảm nghiêm trọng, khiến số liệu – Purchasing Managers’ Index (PMI) của Việt Nam do S&P Global theo dõi tuột xuống 45.3 trong tháng 5, mức rất thấp trong 20 năm qua . . . Chuỗi sự kiện này củng cố thêm cho dự báo GDP của Việt Nam năm nay chỉ ở mức 4,2% do Oxford Economics đưa ra cuối tháng 4/2023.  (https://vanhoimoi.org/?p=16872)

Do nhu cầu tiêu thụ thấp, sản xuất gặp khó khăn khi đưa hàng ra thị trường, nên thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Tình trạng này gây ra hậu quả dây chuyền: Ngày 19 tháng 6, NHNN cho hạ một loạt lãi suất điều hành tùy loại, phần lớn hạ thêm 0,5% nữa. [2] Đây là lần thứ tư, NHNN hạ lãi suất điều hành trong 4 tháng: các ngày 14/3/2023, 31/3/2023, 25/5/2023 và 19/6/ 2023.

Như thế, NHNN có liên tục hạ lãi suất điều hành, NHTM có hạ lãi suất huy động và cho vay, nhịp độ cho vay hiện thời là “rất chậm”. Vì theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% [3] so với cuối năm 2022. Trong khi chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được ấn định ở mức 14%-15%.

Trên thực tế, Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Khối này tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm. Hiện nay cả nước có khoảng 541.753 DNNVV, trong đó có đến 90% không có người chuyên môn chăm sóc tài chính, nên gặp phải tình hình tài chính suy yếu. Sự hiệu quả trong việc quản lý dòng tiền của các công ty nhỏ này cũng thường ở mức trung bình kém; không có phương án khả thi nên chưa thể đáp ứng được các điều kiện đòi hỏi để tiếp cận được hồ sơ vay vốn nơi NHTM.

Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho nhà ở xã hội, được 4 ngân hàng quốc doanh công bố triển khai từ tháng 4 nhưng đến giữa tháng 6 đang bước vào nguy cơ bị “ế”; vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào muốn vay, do thời gian ưu đãi ấn định 5 năm, bị giới chuyên ngành chê là “quá ngắn”.

Tình huống Kinh Tế đình đốn, đưa đến nghịch cảnh “tiền chờ người” là hiện tượng rất hiếm trong hoạt động ngân hàng. NHNN và NHTM có tiếp tục hạ lãi suất như đã mô tả, cũng chỉ khiến dòng tiền lập lại chu kỳ “tiền rẻ”; thay vì rót vào sản xuất lại chuyển dịch sang chứng khoán. Đó là lý do giữa tháng 6-2023, thị tường chứng khoán nhích lên trong lúc giới chuyên ngành đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư phải cân nhắc, vì thị trường vẫn đang trong trạng thái chưa ổn định, nếu giải ngân ở mức giá hiện thời là khá “cheo leo”.

Các chuyên gia tiên đoán rằng, do còn tôn thờ chủ trương đấu tranh giai cấp, Ba-Đình muốn triệt hạ một “nhóm ông trùm” phe cánh khác theo cách “ghét ai thì nhai cho ra bã”, vì nhóm này đang thao túng thị trường tài chánh cạnh tranh với nhóm đại gia kinh tài cho Ba-Đình.

Trước khi Ba-Đình công khai chỉ thị Quốc Hội tại kỳ họp thứ 5, hôm mùng 10 tháng 6 phải “mạnh tay giải quyết dứt điểm tình trạng “sở hữu chéo” thì đã có chỉ thị ngầm cho Quốc Hội phải bảo đảm lợi quyền các đại gia sân sau của chế độ (?).

Vì thế, giới chuyên ngành mới tiên đoán “Dù sở hữu chéo được kiểm soát trên bề nổi luật pháp, nhưng chưa chắc kiểm soát được trong thị trường tài chánh vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp và không dễ dàng nhìn thấy hết – tảng băng chìm”. [4]

Trần nguyên Thao
19 June 2023

[1] https://luatvietnam.vn/doanh-nghiep/so-huu-cheo-giua-hai-doanh-nghiep-la-gi-561-23377-article.html

[2] https://baodautu.vn/lai-suat-dieu-hanh-giam-them-05-d192036.html

[3] https://viettimes.vn/pho-thong-doc-nhnn-neu-3-ly-do-khien-tin-dung-tang-truong-thap-post167276.html

[4] https://fdvn.vn/ngan-chan-so-huu-cheo-lo-ngai-nhat-la-phan-chim-cua-tang-bang/

Bài liên quan:
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi
  • HỘI LUẬN ngày 4/5/2024. Khủng hoảng tiếp theo khủng hoảng: Ai sẽ theo Huệ? Giải pháp ngừng bắn cho Gaza? Bão nổi Biển Đông!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang