“Cứ mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm nhưng tôi chấp nhận trận chiến này.”
Every time Le Anh Hung starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the door. And yet “I’m not scared,” he says, “I know what I choose to do is risky but I accept the fight. (Charlie Campbell. “Internet Censorship Is Taking Root in Southeast Asia.” Time 18 Jul 2013).
Cái giá phải trả cho sự “chấp nhận” của Lê Anh Hùng, tất nhiên, không rẻ. BBC cho hay là ông đã bị bắt, lần hai, vào năm 2018:
“Ông Lê Anh Hùng, blogger, thành viên Hội Nhà báo Độc lập bị bắt tạm giam 3 tháng hôm 5/7 theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…”
Ba tháng, sáu tháng, rồi chín tháng trôi qua nhưng vẫn không có phiên toà nào cho Lê Anh Hùng cả. Mãi đến ngày 27 tháng 3 năm 2019, công luận mới có chút tin tức mới về người tù nhân lương tâm này, qua bản tin của Việt Nam Thời Báo:
“Cán bộ trại giam số 2 thi hành kỷ luật không cho ông Hùng gặp mặt thân nhân khi thăm nuôi vì ở trong trại giam ông Hùng không chấp nhận việc đeo còng, không chấp nhận mặc đồng phục, nói mình chưa ra tòa và chưa nhận bản án phán quyết của Hội đồng xét xử thì chưa gọi là phạm tội nên ông Hùng không chấp nhận bản thân bị hành xử như một phạm nhân.”
Với chế độ toàn trị hiện nay ở Việt Nam, một người tù “không chấp nhận mặc đồng phục, nói mình chưa ra tòa và chưa nhận bản án phán quyết của Hội đồng xét xử thì chưa gọi là phạm tội” bị xem là một thái độ bất bình thường. Vì thế, bốn ngày sau trên trang RFA có mẩu tin ngăn ngắn:
“Hôm 1/4/2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm ngoái với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.”
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hùng “bị đưa vào bệnh viện tâm thần.” Chuyện tương tự đã xẩy hồi năm 2013, cùng với nhiều lời bình giễu cợt về sự kiện này:
- Blogger Lê Dũng: “… đệch mịa cái vở kịch xứ mình nó dàn dựng sao thô thiển thế? vậy có ai tin nổi không thưa mấy bố luật sư, nhà báo, trí thức trí ngủ?”
- Blogger Lã Việt Dũng: “Hôm qua vào Trung tâm bảo trợ xã hội hỏi về việc của Lê Anh Hùng, giám đốc trung tâm bảo đưa anh Hùng vào đây theo yêu cầu của mẹ anh ấy và của phòng LĐ-TBXH quận Thanh Xuân. Mình hỏi:
– Thế lúc vào đây anh ấy có biểu hiện tâm thần gì không? Có gây nguy hại gì cho xã hội không?
– Không, anh ấy bình thường
– Trước khi nhận anh ấy vào, các anh có giám định gì không?
– Không, chúng tôi chỉ làm theo đơn và theo yêu cầu của trên !!!”
- Blogger Nguyễn Tường Thụy: “Cứ như những gì biết khi tiếp xúc với Hùng, đọc những gì Hùng viết, tôi phải khẳng định, nếu Lê Anh Hùng bị tâm thần thì tôi còn tâm thần nặng hơn.”
Tôi có bằng hành nghề trị liệu tâm thần do tiểu bang California cấp từ ngày 20 tháng 11 năm 1995 đến tháng 30 tháng 4 năm 2015. Tôi cũng là một độc giả thường xuyên của Lê Anh Hùng từ hơn mười năm nay. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn trao đổi đôi câu tâm sự (vụn) qua email. Tuyệt nhiên, tôi không nhận thấy có dấu hiệu nào bất thường nơi Lê Anh Hùng cả.
- Ngày 11/10/2011, ông viết trên trang RFA: Nhiều chính sách của chính phủ hiện nay đang thực sự phá hoại nền kinh tế Việt Nam, khiến cho thị trường hỗn loạn, tạo ra sự bất công ngày càng sâu sắc trong xã hội, còn kẻ thù của chúng ta thì lại vui mừng. Hậu quả khốc liệt trong việc khai thác bauxit, và của những quả đấm thép Vinashin là những bằng chứng sống động cho nhận xét thượng dẫn của Lê Anh Hùng.
- Ngày 1 tháng 7 năm 2013, nơi trang Bauxite Việt Nam, ông lên tiếng: Cảnh giác những khoảng vay từ Trung Quốc… Người ta thường nói: “Chẳng ai cho không ai cái gì.” Câu châm ngôn này xem ra rất đúng với Trung Quốc, và càng đặc biệt đúng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.
Sáu năm sau, trên tờ Straits Times, số ra ngày 7 tháng 3 năm 2019, T.T Mã Lai ( Mahathir Mohamad) cũng tuyên bố một câu y như thế: “Beware of China debt trap.”
- Ngày 27/06/2018, ông khẳng định trên trang blog của VOA : Dự luật Đặc khu là một dự luật bán nước theo đúng nghĩa đen của từ này. Đây là một sự thực hiển nhiên:
- T.S Nguyễn Ngọc Chu : “Có bào chữa kiểu gì đi nữa, có tô vẽ kiểu gì đi nữa, có khoác áo mục tiêu gì đi nữa, thì cuối cùng về bản chất, đặc khu là hình thức nhượng chủ quyền lãnh thổ.”
- Thi sĩ Inra Sara: “Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành lưu dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá… ”
- T.S Trần Đức Anh Sơn: “ Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không thèm làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình.”
Blogger Vũ Mạnh Hùng nhận định: “Nguyện vọng của Lê Anh Hùng là muốn làm sáng tỏ những việc mình tố cáo, nên từ lâu anh đã sẵn sàng chấp nhận bị bắt để có được một phiên tòa xét xử những việc mình tố cáo một cách công khai.”
Blogger Nguyễn Tường Thụy cũng có nhận xét tương tự: “Vụ bắt và khởi tố Lê Anh Hùng: đối tượng làm chủ ‘cuộc chơi.”
Thái độ quyết liệt và sự lựa chọn can trường của Lê Anh Hùng, cũng như của những tù nhân lương tâm đồng hành, khiến cho vợ con cùng thân nhân của họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và phiền toái. Nhưng nếu không có sự hy sinh cao cả như thế thì dân Việt biết trông vào đâu để vẫn còn có thể giữ được chút niềm tin về tương lai của dân tộc, và đất nước này!
Tưởng Năng Tiến