Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Người Bị Tình Nghi Là Khủng Bố Nhập Cảnh Vào Hoa Kỳ
Kể từ năm 2017, Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ (CBP) đã lưu giữ hồ sơ về số lượt phát giác những người có tên trong danh sách theo dõi khủng bố của FBI ở biên giới phía nam và phía bắc của Hoa Kỳ.
Và trong thời gian đó, năm tài khóa 2023 — bắt đầu từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/09/2023 — đã lập kỷ lục về con số khủng bố nhiều nhất bị khám phá.
Cho đến nay trong năm tài khóa 2023, chính phủ báo cáo rằng đã phát giác 143 tên khủng bố trong danh sách theo dõi trong lúc những người này tìm cách xâm nhập trái phép, với con số kỷ lục là 140 người ở biên giới phía nam và 3 người ở biên giới phía bắc.
Danh sách theo dõi khủng bố của FBI — có tên chính thức là Cơ Sở Dữ Kiện Sàng Lọc Khủng Bố (Terrorist Screening Database) — là cơ sở dữ kiện chứa thông tin về những người được xác định hoặc “bị tình nghi” là tham gia vào các hành động khủng bố.
Những kẻ khủng bố hoặc nghi phạm khủng bố ở biên giới phía nam là những chủ đề được chú ý và thảo luận sôi nổi trong phiên điều trần ngày 26/07 của Ủy ban Tư Pháp Hạ Viện, tại đó Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã ra làm chứng. Ông Mayorkas thường bị các nghị sĩ đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội chỉ trích. Họ cho rằng ông không tích cực để chống lại dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam. Các nhà lập pháp này liên kết hoạt động của nghi phạm với nạn buôn người, phân phối ma túy fentanyl gây tử vong ở Hoa Kỳ, tình trạng quá tải nguồn lực dịch vụ nhân sinh của Hoa Kỳ, và cho phép những kẻ khủng bố đi vào nội địa Hoa Kỳ.
Các dân biểu đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã đưa ra những bình luận công khai về khả năng đàn hặc ông Mayorkas.
Cuối tháng Ba, 11 dân biểu đảng Cộng Hòa đã ký và gửi một lá thư tới các chủ tịch của Ủy ban Phân Bổ Ngân Sách Hạ Viện và Tiểu ban Phân Bổ Ngân Sách Hạ Viện về An Ninh Nội Địa, yêu cầu cắt lương của ông Mayorkas vì họ cho rằng ông đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) cho biết trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần: “Sau hai năm rưỡi diễn ra cuộc khủng hoảng biên giới của ông Biden, đây là những gì các viên chức chính phủ đã nói với chúng ta. Các chính sách của chính phủ ông Biden đã dẫn đến nhiều mối đe dọa an ninh quốc gia hơn”.
Đề cập đến những phát giác của tổng thanh tra Bộ An Ninh Nội Địa (IG DHS), giám sát viên nội bộ của cơ quan này, ông Jordan cho biết thêm: “Theo IG, chúng tôi biết rằng ngay cả những người ngoại quốc vượt biên trái phép và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố cũng có thể được thả vào Hoa Kỳ, tự do lên phi cơ để bay đến thành phố Hoa Kỳ nào họ chọn”.
Trong lời chứng có tuyên thệ, ông Mayorkas đã nói về bản chất của các mối đe dọa khủng bố đã thay đổi như thế nào kể từ khi thành lập cơ quan này. Ông Mayorkas cho biết,“Khi bộ phận của chúng tôi được thành lập sau thảm kịch 11/09, những kẻ khủng bố người ngoại quốc là trọng tâm chính liên quan đến khủng bố của chúng ta. Mặc dù mối lo ngại đó chắc chắn vẫn còn, nhưng mối đe dọa nổi bật nhất liên quan đến khủng bố mà chúng ta hiện phải đối phó là từ những kẻ phạm tội đơn độc và các nhóm nhỏ đã có mặt ở đây và bị cực đoan hóa thành bạo lực dựa trên hệ tư tưởng thù hận, thái độ chống chính phủ, việc tường thuật sai sự thật, và những bất bình cá nhân”.
“Nhờ sự ủng hộ từ Quốc hội, chúng tôi đã phát triển các chương trình tài trợ và phân phối hơn 50 triệu USD tiền ngân quỹ để giúp các cộng đồng ngăn chặn các hành vi bạo lực và khủng bố có chủ đích”.
Trong cuộc trao đổi, Dân biểu Tom McClintock (Cộng Hòa-California) đã đề cập đến mối liên hệ giữa an ninh biên giới lỏng lẻo và mối đe dọa khủng bố đang gia tăng đối với nước Mỹ. Ông trích dẫn những bình luận của Giám đốc FBI Christopher Wray và số lượng người đào tẩu thành công (got away), thuật ngữ của chính phủ dành cho những người nhập cư bất hợp pháp vượt biên và không bị bắt.
Ông ông McClintock nói, “Ông Wray cũng làm chứng rằng chúng tôi không biết có bao nhiêu tên khủng bố trong số một triệu rưỡi người được biết là đã đào tẩu thành công để vượt biên theo chính sách của ông, nhưng đã có sự gia tăng đáng kể số kẻ khủng bố bị bắt giữ ở biên giới”.
Meta Công Bố Nỗ Lực Kiểm Duyệt Của Chính Phủ
Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã đình chỉ vô thời hạn các thúc đẩy cho thủ tục tố tụng của Quốc hội đối với Tổng giám đốc Meta Mark Zuckerberg sau khi đại công ty kỹ nghệ này công bố các tài liệu nêu chi tiết về sự thông đồng giữa Facebook và Tòa Bạch Ốc.
Các tài liệu đã được giao cho Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, ông Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) chỉ vài giờ trước khi ủy ban này dự định bỏ phiếu về tội khinh thường các cáo buộc của Quốc Hội đối với công ty truyền thông xã hội này và người sáng lập của nó, ông Zuckerberg.
Trong một chủ đề trên Twitter, ông Jordan đã đặt tên cho các tài liệu mới được phát hành này là “hồ sơ Facebook”, một tên gọi gợi nhớ đến một hồ sơ Dữ kiện trước đó được đại công ty truyền thông xã hội Twitter công bố cho công chúng sau khi người sáng lập Tesla và SpaceX Elon Musk mua lại hệ thống này với giá 44 tỷ USD.
Sau khi mua lại Twitter, ông Musk đã phối hợp với các ký giả để công bố một loạt tài liệu, được mệnh danh là hồ sơ Twitter mà họ phát giác trong quá trình điều tra ban quản lý tiền nhiệm. Những tài liệu này cho thấy công ty đã liên lạc với các nguồn khác nhau như Tòa Bạch Ốc, FBI, và các nhân vật trong chính phủ ở Ukraine. Thông thường, các nhóm này yêu cầu xóa các quan điểm nằm ngoài các tường thuật chính thức, và trong nhiều trường hợp, ban lãnh đạo Twitter đã đồng ý.
Hiện tại ông Jordan cho biết các thành viên đảng Cộng Hòa đã nhận được một loạt các tài liệu “bằng chứng không thể chối cãi” mới từ Meta chứng minh rằng Facebook và Instagram, cả hai đều thuộc sở hữu của Meta, đã kiểm duyệt người Mỹ vì áp lực từ phía Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Joe Biden. Các tài liệu này cũng ám chỉ đến những người khác đã nỗ lực ngăn chặn thông tin, bao gồm cả văn phòng tổng y sĩ.
Ông Jordan viết trên Twitter rằng, “Các tài liệu nội bộ chưa từng được công bố trước đây do Ủy Ban Tư Pháp gửi trát lệnh yêu cầu nộp CHỨNG MINH rằng Facebook và Instagram đã kiểm duyệt các bài đăng và thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung của họ vì áp lực vi hiến từ phía Tòa Bạch Ốc của ông Biden”.
Trình bày về một bản tóm tắt tài liệu, ông nói rằng chúng cho thấy Facebook đã trải qua “áp lực rất lớn” trong nửa đầu năm 2021 — chỉ vài tháng sau khi ông Biden nhậm chức — để xóa nội dung mà chính phủ cho là chống vaccine. Ông Jordan cho biết, “Những tài liệu này, VÀ NHỮNG TÀI LIỆU KHÁC vừa được cung cấp cho Ủy ban, chứng minh rằng Chính phủ Tổng thống Biden đã lạm dụng quyền lực của mình để ép buộc Facebook kiểm duyệt người Mỹ, ngăn chặn diễn ngôn tự do và cởi mở về các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng”.
Trong một bức thư điện tử gửi đi hồi tháng 04/2021, ông Zuckerberg và Giám đốc Điều hành Sheryl Sandberg thông báo rằng họ “bị áp lực liên tục từ các bên liên quan bên ngoài, bao gồm cả Tòa Bạch Ốc” để xóa các bài đăng. Cùng tháng đó, ông Nick Clegg, chủ tịch đặc trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, nói với nhóm của mình rằng ông đã được thông báo trong cuộc gọi kéo dài một giờ với ông Andy Slavitt, cố vấn cao cấp của Tổng thống Biden, về “một số vấn đề khá trầm trọng — và nhạy cảm” mà ông Clegg và những người khác “cần phải giải quyết”.
Chẳng hạn, ông Slavitt đã nói lại với ông Clegg rằng đã có sự đồng thuận giữa “các nhà nghiên cứu thông tin sai lệch” rằng Facebook là một “nhà máy sản xuất thông tin sai lệch”. Không rõ những nhà nghiên cứu nào hoặc nhóm nào đã có tuyên bố như thế. Ông Slavitt cho biết chính những nhà nghiên cứu này đã ca ngợi YouTube vì chính sách xóa liên quan đến nội dung vaccine nhưng lại nói Facebook đã “tụt hậu”.
Ông Clegg cũng cho biết: “Trọng tâm chính của ông Andy S và nhóm của ông ấy trong những tuần tới là tiếp cận những người ‘khó tiếp cận nhất’ có khuynh hướng sử dụng nội dung liên quan đến việc do dự dùng vaccine và những người không bị ảnh hưởng bởi các nguồn tin chính thức/có thẩm quyền về nội dung. Ông ấy tin rằng hệ thống của chúng ta — như đã được xác nhận bởi các nhà nghiên cứu cung cấp nội dung liên quan tới việc do dự dùng vaccine đến cho các nhóm dân số và đó là vấn đề mà ông ấy muốn chúng ta giúp giải quyết”.
Ông Clegg kể lại rằng ông Slavitt “đã phẫn nộ — đây không phải là một từ quá mạnh để diễn tả phản ứng của ông ấy”, vì Facebook đã không xóa một bài đăng về các vaccine được đánh giá cao vốn nhận được rất nhiều chú ý.
Cụ thể, các tài liệu cho thấy ông Slavitt và Tòa Bạch Ốc đã có phản ứng mạnh mẽ khi một meme trên internet, viết rằng, “10 năm nữa kể từ bây giờ quý vị sẽ xem TV và nghe thấy câu ‘Quý vị hoặc người thân đã từng chích vaccine COVID? Quý vị có thể được quyền—”
Meme này ám chỉ đến các quảng cáo truyền hình nổi tiếng liên quan đến phơi nhiễm amiăng và các vật liệu khác sau này được xem là gây hại đáng kể cho sức khỏe và hạnh phúc.
Ông Clegg viết trong bức thư điện tử gửi cho nhóm của mình tại Facebook rằng ông đã phản đối yêu cầu của ông Slavitt với những lo ngại về Tu Chính Án Thứ Nhất. Ông viết, “Tôi đã phản đối rằng việc xóa nội dung như vậy sẽ thể hiện sự xâm phạm đáng kể vào những ranh giới truyền thống của quyền tự do biểu đạt ở Hoa Kỳ. Nhưng, ông Slavitt trả lời rằng bài đăng đang so sánh trực tiếp các vaccine COVID với ngộ độc amiăng, rõ ràng là ngăn cản niềm tin vào vaccine COVID trong số những người mà Chính phủ Biden đang cố gắng tiếp cận”.
Ông Rice đã viết email rằng: “Xét đến những gì đang bị đe dọa ở đây, sẽ là điều tích cực nếu chúng ta có thể họp nhau lại và đánh giá xem chúng ta đang ở đâu trong mối liên với Tòa Bạch Ốc, cũng như đánh giá về các phương pháp nội bộ của chúng ta”.
Hoa Kỳ Viện Trợ Quân Sự 345 Triệu USD Cho Đài Loan Đối Phó Các Đe Dọa Từ Trung Cộng
Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp cho Đài Loan một gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD, với vũ khí lấy từ kho dự trữ của Hoa Kỳ để giúp Đài Loan chống lại các mối đe dọa từ Trung Cộng. Trong một bản ghi nhớ hôm 28/07, ông Biden đã chỉ thị rút “345 triệu USD cho các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng, cũng như giáo dục và đào tạo quân sự, để viện trợ cho Đài Loan”.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan đã có lời cảm ơn Hoa Kỳ về viện trợ quân sự và nói rằng hành động rút vũ khí từ kho dự trữ của Hoa Kỳ đã cung cấp “một công cụ quan trọng để trợ giúp cho khả năng tự vệ của Đài Loan”. Bộ Quốc Phòng tuyên bố, “Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh để duy trì hòa bình, ổn định, và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan”.
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Trung tá Martin Meiners, nói với các phóng viên rằng gói viện trợ sẽ được dùng vào “các kho dự trữ quốc phòng quan trọng, khả năng nhận biết đa lãnh vực, cũng như khả năng chống chiến xa và phòng không của Đài Loan”.
Gói này bổ túc cho các thương vụ bán vũ khí trị giá 19 tỷ USD mà Hoa Kỳ đã phê chuẩn cho Đài Loan. Việc giao hàng những vũ khí đó đã bị cản trở bởi giai đoạn chuỗi cung ứng gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch và trở nên trầm trọng hơn do áp lực kỹ nghệ quốc phòng toàn cầu, mà cuộc chiến Nga-Ukraine đã tạo ra.
Khoản viện trợ này là một phần trong thẩm quyền của Tổng thống, rút ra từ kho vũ khí dự trữ của Hoa Kỳ, vốn đã được Quốc Hội thông qua hồi năm ngoái. Quyền này giúp đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí và cho phép Đài Loan nhận viện trợ quân sự mà không cần phải chờ sản xuất và bán vũ khí.
Hôm 29/06, Cơ quan Hợp Tác An Ninh Quốc Phòng Hoa Kỳ (DSCA) đã thông qua hai thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, trị giá lên tới 440 triệu USD, đánh dấu thỏa thuận thứ 10 được chấp thuận dưới thời chính phủ TT Biden.
DSCA cho biết thỏa thuận đầu tiên bao gồm đạn vạch đường gây cháy nổ cao loại 30 mm, đạn đa năng 30 mm, đạn huấn luyện 30 mm, và các thiết bị liên quan khác, với tổng trị giá ước tính là 332.2 triệu USD.
Thỏa thuận thứ hai, trị giá 108 triệu USD, bao gồm một thỏa thuận giúp cung cấp hậu cần hợp tác theo đơn đặt hàng thường xuyên (blanket order, thỏa thuận bán hàng trong tương lai), sẽ trợ giúp Đài Loan mua phụ tùng thay thế và sửa chữa cơ giới, vũ khí, và các yếu tố liên quan khác.
Trung Cộng đã phản đối mạnh mẽ hành động của Hoa Kỳ và kêu gọi Hoa Thịnh Đốn ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. Một ngày sau khi Hoa Thịnh Đốn tuyên bố chấp thuận bán vũ khí, Trung Cộng đã phái 24 chiến đấu cơ và 5 tàu chiến đến gần Đài Loan. Quân đội Đài Loan cho biết, 11 chiến đấu cơ đã được phát giác bay qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan.
Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth nói rằng các kho dự trữ của Quân đội Hoa Kỳ đang vơi dần với một tốc độ đáng báo động khi gặp khó khăn trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine và đồng thời duy trì nền quốc phòng của Hoa Kỳ. Bà Wormuth nói rằng hơn 60% viện trợ an ninh mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine đến từ kho dự trữ đạn dược của Lục quân Hoa Kỳ.
Bắc Hàn Tăng Cường Hợp Tác Với Trung Cộng
Tin tức từ Bắc Hàn cho biết hôm thứ Bảy (29/07), lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp phái đoàn Trung Cộng đến thăm Bình Nhưỡng để kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và cam kết sẽ phát triển mối bang giao giữa hai nước lên một “tầm cao mới”.
Thông tấn KCNA của Bắc Hàn cho biết, ông Kim đã tổ chức tiệc chiêu đãi phái đoàn viên chức Trung Cộng do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Lý Hồng Trung dẫn đầu. KCNA cho hay, “Lập trường của các đảng và chính phủ hai nước trong việc ứng phó với tình hình quốc tế phức tạp theo sáng kiến của riêng họ và việc phát triển bền vững tình hữu nghị và hợp tác đồng chí lên một tầm cao mới đã được tái khẳng định tại cuộc hội đàm”.
Cuộc gặp gỡ diễn ra sau khi các viên chức Trung Cộng và Nga đứng song hành với ông Kim hôm thứ Năm (27/07) khi họ xem các hỏa tiễn có năng lực hạch tâm mới nhất và chiến đấu cơ không người lái của tại một cuộc diễn hành quân sự ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều tiên, được tổ chức dưới tên gọi “Ngày Chiến Thắng”.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu là chuyến thăm đầu tiên từ một viên chức quốc phòng hàng đầu của Moscow kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Phái đoàn Trung Cộng là phái đoàn đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19.
Sự xuất hiện của những đồng chí cộng sản tại các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn với khả năng mang đầu đạn hạch tâm của Bắc Hàn — bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm nhưng được Trung Cộng và Nga ủng hộ — là tương phản với những năm trước, khi mà Bắc Kinh và Moscow tìm cách tránh xa việc phát triển vũ khí hạch tâm và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn.
Các bức ảnh và đoạn phim do cơ quan tuyên truyền Bắc Hàn phát sóng cho thấy, ông Kim, ông Shoigu, và ông Lý đã nói chuyện, cười, và chào tay khi đoàn quân diễn hành của Bắc Hàn đi qua khán đài.
Cũng theo thông tấn KCNA của Bắc Hàn, cuộc duyệt binh có các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 và Hwasong-18 mới nhất của Bắc Hàn, được cho là có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ. Tại cuộc diễn binh cũng có sự xuất hiện của các trinh sát cơ và chiến đấu cơ không người lái mới được chế tạo. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga đã có lời thay mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin gởi lời chúc mừng ngày lễ và cảm ơn sự ủng hộ cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine.
KCNA cũng cho biết Nga và Bắc Hàn thảo luận về sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia Bắc Hàn và Nga.
Bắc Hàn đã bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt vì các chương trình hỏa tiễn và hạch tâm kể từ năm 2006. Trong những năm gần đây, Nga và Trung Cộng đã phản đối Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn vì cho rằng Bắc Hàn đang tìm cách phát triển hỏa tiễn đạn đạo.
Tối Cao Pháp Viện Cho Phép Tiếp Tục Xây Dựng Đường Ống Khí Đốt Ở West Virginia
Hôm 27/07, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã cho phép Tập đoàn Equitrans Midstream tiếp tục xây dựng Đường ống Mountain Valley, phán quyết điều mà một số người mô tả là chiến thắng cho Nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) thông qua việc dỡ bỏ lệnh của tòa án cấp dưới vốn ngăn chặn hoạt động của dự án trên.
Trong một phán quyết ngắn gọn, Tối Cao Pháp Viện gợi ý rằng họ có thể sẽ xem xét các vụ kiện do các tổ chức môi trường đệ trình. Tối Cao Pháp Viện cho biết,
“Đơn kiến nghị bãi bỏ phán quyết này vẫn được trình lên Chánh án và được ông ấy chuyển đến Tối Cao Pháp Viện và đã chấp thuận”.
Phán quyết này đã đi ngược lại mong muốn của Hiệp Hội Hoang Dã và các tổ chức môi trường khác đang theo đuổi lệnh cấm xây dựng. Các nhóm này lập luận trước tòa rằng việc xây dựng Đường ống Mountain Valley sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng, và nói rằng Sở Lâm nghiệp và Cục Quản lý Đất đai đã vi phạm các đạo luật môi trường khi chấp thuận việc xây dựng dự án này.
Các luật sư viện dẫn một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện năm 1871, cho thấy rằng Quốc Hội không thể quy định trong một trường hợp cụ thể, vì đó sẽ là một sự vi hiến vào các quyền riêng biệt của cơ quan tư pháp và sẽ cho phép Quốc Hội “chọn người thắng kẻ thua”, trích lời các tổ chức, trong vụ kiện tụng trước tòa án liên bang.
Các luật sư của công ty đường ống cho biết, họ cần Tối Cao Pháp Viện hành động một cách nhanh chóng để tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng đường ống dài 300 dặm, và đưa công trình này vào hoạt động vào mùa đông tới khi có nhu cầu về khí đốt thiên nhiên được dùng để sưởi ấm. Dự án Đường ống Mountain Valley cho biết công việc xây dựng phần lớn đã được hoàn thành, ngoại trừ một đoạn dài 3 dặm xuyên qua Rừng Quốc gia Jefferson.
Dự án trị giá 6.6 tỷ dollar này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở Nam và Trung Đại Tây Dương, bằng cách vận chuyển khí đốt từ các mỏ Marcellus và Utica ở Pennsylvania và Ohio.
Một loạt các thách thức từ tòa án đã khiến dự án này bị trì hoãn. Một thách thức đối với đường ống này đã được Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 4 ủng hộ. Tòa thường xuyên hủy bỏ giấy phép của đường ống vì những lo ngại về môi trường. Hôm 27/07, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết về hai vụ tranh chấp, một do Hiệp Hội Hoang Dã và một do 10 tổ chức môi trường đưa ra.
Các nhóm đó mong muốn Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 4 xem xét lại các giấy phép đã được Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, Cục Quản lý Đất đai và Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ cấp phép cho phân đoạn đường ống tại Rừng Quốc gia Jefferson vào đầu năm nay.
Sự việc cũng xảy ra khi ông Manchin và một số nhà lập pháp khác đã bổ túc các hạng mục vào dự luật trần nợ được thông qua hồi tháng trước nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp tục xây dựng đường ống này.
Hạ Viện Hoa Kỳ Thông Qua Dự Luật Cấm Mua Máy Bay Không Người Lái Của Trung Cộng
Hôm 27/07, do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua một điều luật cấm Bộ An Ninh Nội Địa (DHS) mua Máy Bay Không Người Lái (UAS) do đối thủ ngoại bang sản xuất, chẳng hạn như Trung Cộng.
Dân biểu Michael Guest (Cộng Hòa-Mississippi), hiện đang là phó chủ tịch Ủy ban An Ninh Nội Địa Hạ Viện, đã giới thiệu Đạo luật An ninh Máy Bay Không Người Lái. Đây là một trong số những đạo luật được Hạ Viện ban hành trước kỳ nghỉ tháng Tám. Dự luật sẽ cấm sử dụng máy bay không người lái (drone) được sản xuất tại quốc gia kẻ thù.
Dự luật này, có tên gọi là HR 1501, có mục đích ngăn chặn hoạt động gián điệp do và rủi ro do máy bay không người lái mua của kẻ thù hoặc sẽ bị Trung Cộng ăn cắp dữ kiện của Hoa Kỳ qua máy bay không người lái.
Để bảo đảm cho việc bảo vệ thông tin nhạy cảm và tránh làm tổn hại đến thông tin của chính phủ, dự luật cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cấm cơ quan chính phủ sử dụng drone do ngoại quốc sản xuất, đặc biệt là những thiết bị được sản xuất tại một quốc gia nào đó có ý định bất chính.
Diễn giải của dự luật này khẳng định rằng các quốc gia đối địch, đặc biệt là Trung Cộng, có khả năng khai thác UAS để thực hiện hoạt động gián điệp và gây rủi ro cho an ninh nội địa. Bằng cách hạn chế sử dụng UAS do ngoại quốc sản xuất, dự luật này hướng tới giảm thiểu các mối đe dọa này và tăng cường các biện pháp an ninh quốc gia.
Trong một phiên điều trần của Ủy ban An Ninh Nội Địa hôm 21/06, các nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã nêu ra những mối hiểm họa khi Trung Cộng tiếp cận biên giới phía Nam của Hoa Kỳ. Khi đó, Dân biểu August Pfluger (Cộng Hòa-Texas) cho biết rằng Cục Hải Quan và Biên Phòng (CBP) đã ngăn chặn ngày càng nhiều công dân ngoại quốc tràn vào từ các quốc gia không thuộc Nam hoặc Trung Mỹ, trong đó có Nga, và một số mục tiêu đáng chú ý từ Trung Cộng.
Ông Pfluger nói: “Tôi lo ngại tình trạng hỗn loạn ở biên giới Tây Nam có thể bị những kẻ chống Hoa Kỳ lợi dụng — đúng hơn là đã từng bị lợi dụng. Trong khi đó, Trung Cộng và các đối thủ ngoại quốc của chúng ta đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ ở Mỹ Latinh, ngay trong sân sau của chúng ta… Có những tác động rõ ràng đối với An ninh Nội địa Hoa Kỳ”.
Ông Pfluger nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng di cư đang gia tăng là do các quyết định chính sách của chính phủ, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các cuộc chạm trán ở biên giới phía Tây Nam. Trong đó, các cuộc chạm trán liên quan đến những người đến từ Trung Cộng và Nga là đặc biệt đáng lưu tâm.
Ủy ban Hạ Viện Thông Qua Dự Luật Cấm Bộ Ngoại Giao Giúp Hãng Phim Trung Cộng
Hôm 26/07, Ủy ban Ngoại vụ Hạ Viện đã thông qua một dự luật cấm Bộ Ngoại Giao giúp các hãng phim kiểm duyệt phim thay mặt cho đảng cộng sản Trung Cộng.
Ủy ban này đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn các Chế Độ Cộng Sản Tham Gia Chỉnh Sửa Ngay Bây Giờ (Đạo luật SCREEN), với tỷ lệ 26 phiếu thuận và 23 phiếu chống. Dự luật do Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee) giới thiệu, hiện được đưa ra Hạ Viện để bỏ phiếu chính thức.
Đạo luật SCREEN sẽ trao quyền cho Ngoại trưởng để cho phép Bộ Ngoại Giao trợ giúp kỹ thuật cho một công ty Hoa Kỳ sản xuất phim miễn là công ty đó cung cấp cho Ngoại trưởng danh sách các bộ phim mà công ty này đã sản xuất trong thập niên qua, cụ thể là những bộ phim đã và đang được đệ trình lên đảng cộng sản Trung Cộng để thẩm định trước khi công chiếu cho khán giả ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao sẽ cấm trợ giúp kỹ thuật cho những công ty nào đã làm việc với Trung Cộng trong lĩnh vực điện ảnh.
Ông Green nói, “Đảng Cộng sản Trung Quốc không có quyền quyết định nội dung phim của Hoa Kỳ. Các nhà làm phim ở Hoa Kỳ đáng lẽ phải cảm thấy thoải mái khi thể hiện tinh thần ái quốc theo cách mà họ muốn mà không sợ ông Tập Cận Bình yêu cầu họ gỡ bỏ các hình ảnh về quốc kỳ của Mỹ quốc hay Tượng Nữ thần Tự do”.
Năm ngoái, Sony đã từ chối đề nghị của Trung Cộng về việc xóa một cảnh có tượng Nữ Thần Tự Do trong bộ phim “Spiderman: Now Way Home”. Phim “Top Gun: Maverick” đã bị kiểm duyệt, bắt phải xoá biểu tượng quốc kỳ của Đài Loan trên áo khoác của nam diễn viên chính, vì Trung Cộng đã tuyên bố rằng Đài Loan là của họ. Họ đã rút lại hành động kiểm duyệt này.
Ông Green nói tiếp, “Việc cho phép Bắc Kinh quyền phê duyệt đối với các kịch bản phim của chúng ta là hoàn toàn tương phản với phong cách của người Mỹ và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Phim ảnh của chúng ta là để thể hiện văn hóa Mỹ quốc và điều đó không nên bị ảnh hưởng bởi một nhà độc tài cách bờ biển của chúng ta 7,000 dặm”.
Ông nói: “Đạo luật SCREEN của tôi cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ không bị hiếp đáp, cho dù trên trường quốc tế hay trên sân khấu Oscar”.
Sau khi dự luật được ban hành, luật yêu cầu Ngoại Trưởng trong vòng 180 ngày và sau đó là mỗi năm một lần, phải nộp một báo cáo cho Uỷ Ban Ngoại Giao của Thượng Viện và Ủy ban Ngoại Vụ của Hạ Viện về các tổ chức nhận trợ giúp của Bộ Ngoại Giao nhưng lại đệ trình phim cho Trung Cộng thẩm định “trong khoảng thời gian ngắn hơn khoảng thời gian 10 năm trước đó hoặc khoảng thời gian bắt đầu vào ngày ban hành” dự luật. Luật cũng yêu cầu Ngoại Trưởng đưa ra các mô tả về những bộ phim đó.
Gần đây, Bộ Quốc Phòng đưa ra chính sách không làm việc với các tổ chức gửi phim của họ để cho Trung Cộng thẩm định.
Hunter Biden Thừa Nhận Đã Nhận Tiền Từ Công Ty Có Liên Kết Với Trung Cộng
Hôm thứ Tư (26/07), Hunter Biden đã thừa nhận trước tòa trong phiên điều trần thỏa thuận nhận tội rằng ông đã nhận được hơn nửa triệu dollar từ một công ty có liên kết với Trung Cộng, dường như mâu thuẫn lời tuyên bố trước đó của Tổng thống Joe Biden rằng không có ai trong gia đình Biden “kiếm tiền từ Trung Cộng”.
Theo một biên bản nguyên văn, biện lý liên bang Quận Delaware, ông David Weiss, đã đọc một bản khai trước tòa cho thấy Hunter Biden đã nhận 664,000 USD từ một “công ty đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Cộng”.
Sau đó, chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Maryellen Noreika, đã yêu cầu nói rõ hơn về công ty đó.
Bà hỏi: “664,000 USD từ một công ty đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Cộng. Đó có phải là một trong những công ty mà chúng ta đã nói đến không”?.
Ông Hunter Biden trả lời, “Tôi cho là như vậy”.
Thẩm phán hỏi, “Công ty nào vậy”?
Hunter trả lời, “Tôi cho rằng là CEFC”.
CEFC là một công ty năng lượng của Trung Cộng có liên hệ với ĐCSTQ, do ông Ye Jianming thành lập. Ông Hunter Biden đã khai với thẩm phán rằng ông Ye và ông đã cùng sáng lập công ty Hudson West hồi năm 2017.
Thẩm phán hỏi, “Đối tác của ông là ai?”
“Tôi không biết đánh vần tên ông ấy thế nào; ông Ye Jianming là chủ tịch của công ty đó”, một công ty mà ông Biden cho biết không còn tồn tại.
Lời khai của ông Hunter Biden tại tòa án Delaware dường như mâu thuẫn với những gì trước đó tổng thống Joe Biden đã phủ nhận.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình hồi tháng 10/2020, ông Joe Biden nói với Tổng thống đương thời Donald Trump: “Con trai tôi không kiếm tiền từ cái mà,… cái mà ông đang nói đến, Trung Cộng”.
Hồi đó ông Joe Biden tấn công ông Trump rằng, “Người duy nhất kiếm tiền từ Trung Cộng là người này”. Ông Biden ám chỉ ông Trump. “Ông ấy là người duy nhất. Ngoài ra chẳng có ai kiếm tiền từ Trung Cộng”.
CEFC đã trở thành tâm điểm chú ý một số lần trước đây, mà gần đây nhất là công ty này được nhắc đến trong bản lời khai đã bị bôi đen một phần của người tố cáo từ IRS trước Ủy ban Tài Chính và Thuế Vụ Hạ Viện.
Người tố cáo này đã tiết lộ các tin nhắn trên WhatsApp cho thấy rằng ông Hunter Biden yêu cầu CEFC cung cấp 10 triệu USD và đổi lại, ông hứa hẹn “gia đình Biden” sẽ cung cấp các dịch vụ.
Ông Tony Bobulinski, đối tác kinh doanh cũ của ông Hunter Biden, đã tiết lộ những điều khác, cho thấy rằng ông Hunter Biden có mối quan hệ thân thiết với ông Ye Jianming.
Hơn nữa, cuộc điều tra của Thượng Viện do đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã đưa ra một báo cáo về các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden, cho thấy ông ta đã tiến hành kinh doanh với nhiều người có liên hệ với đảng Trung Cộng, trong đó có Ye Jianming.
Theo báo cáo nói trên, chỉ vài ngày sau khi ông Biden trao đổi trên WhatsApp với một giám đốc điều hành của CEFC, công ty Hudson West đã nhận được khoản tiền 5 triệu USD từ CEFC.
Ngoài ra, hồ sơ mà Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện có được qua trát lệnh cho thấy rằng, hồi năm 2017, các thành viên của gia đình Biden đã nhận được khoản thanh toán hơn 1 triệu USD đến từ các trương mục liên quan đến ông Rob Walker, một đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden và các hoạt động kinh doanh ở Trung Cộng.
Các Nhóm Tội Phạm Do Nga Dẫn Đầu Đã Trộm Vũ Khí Và Hàng Viện Trợ Của Ukraine
Theo một báo cáo mới công bố của tổng thanh tra Bộ Quốc Phòng, nhiều vũ khí và hàng viện trợ dành cho các khu vực tiền tuyến ở Ukraine đã rơi vào tay những kẻ buôn bán vũ khí và các tổ chức tội phạm khác.
Mùa thu năm ngoái, tổng thanh tra Bộ Quốc Phòng đã lưu hành một báo cáo nội bộ, phát giác các vấn đề liên quan đến vũ khí và hàng viện trợ mà Hoa Kỳ đã và đang gửi đến Ukraine.
Báo cáo dài 19 trang được xuất bản vào ngày 06/10/2022, và ban đầu được đánh dấu là “MẬT//NOFORN [Không thể Lưu hành cho Người Ngoại quốc]”, cho biết đây là một tài liệu mật không được chia sẻ với người ngoại quốc. Kể từ đó đến giờ tài liệu này mới chính thức được giải mật và phát hành cho Dự án Giám Sát Của Quỹ Di Sản hồi tuần trước theo sau một đề nghị dựa vào Đạo luật Tự Do Thông Tin (FOIA).
Báo cáo nhấn mạnh một số trường hợp, trong đó vũ khí và thiết bị do Hoa Kỳ viện trợ xuất hiện ở những nơi bất hợp pháp.
Trong một biến cố hồi tháng 06/2022, cơ quan tình báo SBU của Ukraine đã bắt được một nhóm buôn vũ khí đang bán vũ khí và đạn dược đánh cắp từ tiền tuyến ở miền nam Ukraine.
Trong một biến cố khác hồi tháng 06/2022, SBU đã bắt được những tên tội phạm Ukraine giả làm thành viên của một tổ chức nhân đạo chuyên phân phát áo chống đạn. Thay vì phân phối những chiếc áo đó, nhóm này được cho là đã nhập cảng trái phép và bán mặt hàng này cho quân đội Ukraine. Một thành viên của nhóm tội phạm này bị phát giác đã làm chủ một kho áo trị giá 17,000 USD.
Trong một vụ việc hồi tháng 08/2022, SBU đã bắt quả tang một tiểu đoàn tình nguyện Ukraine đang lấy hơn 60 khẩu súng trường và gần 1,000 viên đạn, sau đó đem cất giữ trái phép trong một nhà kho, có lẽ là để bán trên thị trường chợ đen vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Ngoài việc bán lại trên thị trường chợ đen, đường dây phân phối vũ khí và hàng viện trợ lỏng lẻo ở Ukraine dường như cũng đã thu hút các nhân sự ở Nga tìm cách chuyển những vũ khí này sang phía chống lại Ukraine.
Tháng 06/2022, SBU đã làm ngăn chặn hoạt động của một tổ chức tội phạm được cho là do một viên chức Nga lãnh đạo. Nhóm tội phạm này đã sử dụng các tài liệu giả mạo để được tham gia vào một tiểu đoàn tình nguyện Ukraine với mục đích chiếm đoạt vũ khí. Nhóm do Nga hậu thuẫn này được cho là đã thu thập được súng phóng lựu và súng máy, với ý định “tiến hành các hoạt động gây mất ổn định”.
Hoa Kỳ không đủ khả năng để theo dõi hoạt động viện trợ cho Ukraine
Báo cáo của vị tổng thanh tra này cho thấy một trong những vấn đề góp phần vào bài toán giải trình trách nhiệm này là việc các viên chức Hoa Kỳ không thể tiến hành giám sát sử dụng thiết bị được viện trợ. Báo cáo cho rằng việc các viên chức Hoa Kỳ không theo dõi việc sử dụng hàng viện trợ là do sự hiện diện hạn chế của Hoa Kỳ ở Ukraine.
Báo cáo cho biết: “Các phương pháp tình báo cung cấp một số thông tin giải trình cụ thể cho những đồ viện trợ có thể quan sát được, chẳng hạn như hỏa tiễn và trực thăng, nhưng các món hàng nhỏ hơn, chẳng hạn như ống nhòm dùng ban đêm, thì khó kiểm soát”.
Cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, vốn đã thúc đẩy nhiều đợt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và Tây phương cho Ukraine, cũng khiến các viên chức Hoa Kỳ gặp nguy hiểm khi tiến hành việc theo dõi và giám sát thiết bị đã được viện trợ cho Ukraine.