Tin Hoa Kỳ Tin Thế Giới

Số Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp Tràn Qua Biên Giới Hoa Kỳ-Mexico Đạt Mức Kỷ Lục

Dữ kiện mới từ Cục Quan thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) cho thấy, tháng Chín có một số lượng kỷ lục người nhập cư bất hợp pháp đã vượt qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Dữ kiện của CBP cho thấy tháng vừa rồi có 269,735 người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam nước Mỹ.

Đó là con số cao nhất từng được ghi nhận trong vòng một tháng.

Kể từ khi Tổng thống (TT) Joe Biden nhậm chức, nhân viên của CBP đã bắt giữ hơn 7 triệu người vượt biên trái phép giữa các cửa biên giới nhập cảnh.

Cuộc khủng hoảng biên giới ngày càng trở thành gánh nặng chính trị đối với TT Biden, khiến tỷ lệ ủng hộ của ông Biden giảm xuống nhanh.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của ABC News/Washington Post, nhập cư là lãnh vực mà ông đang thể hiện hiệu suất kém nhất, cho thấy 71% người Mỹ không tán thành cách ông giải quyết vấn đề nhập cư và giải quyết tình hình biên giới Hoa Kỳ–Mexico.

Tỷ lệ này đã tăng đều đặn từ giữa tháng Bảy, khi 61% người Mỹ cho biết họ nghĩ rằng tổng thống không làm tốt trong vấn đề nhập cư và khủng hoảng biên giới.

Các thành viên đảng Cộng Hòa cho rằng, vấn đề vượt biên trái phép là một trong những vấn đề cấp bách nhất của đất nước trong khi cuộc thăm dò cho thấy đối với đảng Dân Chủ, không xem là vấn đề cấp bách.

Đảng Cộng Hòa cho rằng các chính sách của tổng thống đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng biên giới. Trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, TT Biden đã ký hàng chục lệnh hành pháp về vấn đề nhập cư, bao gồm lệnh dừng xây dựng bức tường biên giới. Vậy mà bây giờ chính phủ của ông ta lại thay đổi hướng đi, tìm cách tiếp tục chương trình của ông Trump, xây dựng bức tường .

Một trong những người chỉ trích thẳng thắn nhất các chính sách biên giới của chính phủ TT Biden là Thống đốc Texas Greg Abbott.  Ông Abbott đã tuyên bố về một “cuộc xâm lược” ở biên giới phía nam do làn sóng nhập cư bất hợp pháp gia tăng.

Ông nói, “Ông Joe Biden đã hoàn toàn từ bỏ nghĩa vụ theo Hiến Pháp của mình là bảo đảm an ninh biên giới”.

Và vào hôm 20/10, một ngày trước khi số liệu vượt biên kỷ lục trong tháng Chín được công bố, ông Abbott một lần nữa nói với X (Twitter) rằng ông đang tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung để xây dựng bức tường biên giới nhằm bảo vệ người Texas khỏi dòng người đổ vào. Ông Abbott đăng trên mạng X rằng, “Texas sẽ sử dụng mọi công cụ và chiến lược để ứng phó với cuộc khủng hoảng biên giới của ông Biden — bao gồm cả việc xây dựng bức tường biên giới của riêng chúng tôi. Tôi đã bổ sung nguồn tài trợ cho bức tường biên giới vào nghị trình của Phiên họp đặc biệt số 3 để tiếp tục nỗ lực bảo vệ người dân Texas và người Mỹ”.

Năm 2021, ông Abbott khởi động Chiến dịch Ngôi Sao Đơn Độc (biệt danh của tiểu bang Texas), một nỗ lực của nhiều cơ quan nhằm giúp ngăn chặn dòng người vượt biên bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Văn phòng của ông Abbott cho biết trong một bản cập nhật hôm 20/10 rằng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch này, hơn 479,000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ.

Ông Abbott cho biết trong một bài đăng trên X: “Chúng tôi là tiểu bang đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ xây dựng bức tường biên giới của riêng mình. Texas sẽ giữ vững phòng tuyến trong sự vắng mặt của Tổng thống Biden”.

Ông Abbott cho rằng TT Biden là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng biên giới. Đến nay, Tòa Bạch Ốc đã không trả lời nào về lời bình luận của Thống Đốc tiểu bang Texas.


Vì Sao Họ Sợ Ông Jim Jordan Trở Thành Chủ Tịch Hạ Viện

Trong bối cảnh đang diễn ra những tranh cãi về việc ai sẽ là người được bầu làm Chủ tịch Hạ Viện, người ta nhận thức được rằng vai trò này xếp thứ ba trong thứ tự kế vị tổng thống.

Rep. Jim Jordan

Đương kim tổng thống dường như chỉ làm việc vừa đủ. Người đứng thứ hai sau tổng thống hiện đang vắng mặt không giắy phép, cũng không bao giờ đủ tiêu chuẩn theo bất cứ nghĩa nào, và nếu bà ấy được đánh giá cao theo cách nào đó, mà hầu như là không được như vậy, thì người ta cũng chỉ xem bà như một trò hề.

Điều đó khiến cho Chủ tịch Hạ Viện ở rất gần với trung tâm quyền lực. Đối với nhiều người ở Hoa Thịnh Đốn, đây là một vấn đề hệ trọng. Cách đây vài năm, Uniparty (Độc Đảng) đã quyết định không bao giờ cho phép một “người theo chủ nghĩa dân túy” khác — nghĩa là người thực sự thỏa mãn được công chúng trên thực tế chứ không chỉ bằng lời nói — đến gần trung tâm quyền lực này.

Khi vị trí này đột nhiên được mở ra, nhờ một cuộc bỏ phiếu do một nghị sĩ có hơi hướng nổi loạn thúc đẩy, và việc đó khiến nơi này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông Jim Jordan của Ohio đã trở thành thành viên được kính trọng và nổi tiếng nhất trong khối cử tri trung thành của đảng Cộng Hòa. Mọi người đều đã nhìn thấy ông ấy trên truyền hình. Theo chủ thuyết tích cực của mình, ông ấy hiện diện mọi lúc mọi nơi, và là một người đầy nhiệt huyết phản đối công việc như thường lệ ở Capitol Hill.

Theo bất cứ tiêu chuẩn thông thường nào, ông Jim Jordan là người nhất định sẽ giành thắng lợi, miễn là khối cử tri trung thành của đảng Cộng Hòa đi theo cách mà họ muốn.

Nghị sĩ Thomas Massie của Kentucky, một trong số ít các chính trị gia quốc gia có nghị lực thực sự cộng với trí thông minh cao, dành sự tôn trọng cao nhất cho ông Jordan. Sau đây là những gì ông Massie đã viết khi đang ở trong trận chiến này. Đây là những lời quan trọng:

“Tôi đã nhận được hàng ngàn phiếu bầu trong thời gian ở Quốc Hội. Không có cuộc bỏ phiếu nào minh bạch như cuộc bỏ phiếu cho chức Chủ tịch Hạ Viện của ông Jim Jordan. Tại sao cuộc bầu chọn của ông ấy lại không được dễ dàng chút nào? Bởi vì sự lãnh đạo của ông ấy đại diện cho một mối đe dọa có thể nhận thấy được đối với sự phát triển không kiểm soát của chính phủ liên bang cồng kềnh của chúng ta”.

Tất nhiên, các hãng truyền thông thiên tả mô tả ông Jordan là khuynh hữu và là một người theo phe cựu Tổng thống Trump, mà điều này chắc chắn gây ấn tượng sai lầm, và cho thấy thâm ý rằng “chúng tôi không thích ông ta”. Trên thực tế, ông ấy là nhà điều tra giỏi nhất về các mưu đồ của nhà nước ngầm, một người tranh luận mãnh liệt, và là người tận tâm phản đối nạn tham nhũng và chính phủ toàn quyền trên mọi mặt trận.

Ông ấy là một đại diện xuất sắc cho những ý tưởng tiên tri và quyền lực nhất trong đảng Cộng Hòa. Đặc biệt nhất, ông coi nhà nước hành chính là kẻ thù giấu mặt đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ, và quyền tự do của người Mỹ nói chung.

Và đây chính là lý do tại sao thế lực quyền lực nhất định đang ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn lại toàn tâm toàn ý để bảo đảm rằng ông Jordan không thể đến gần trung tâm quyền lực như vậy. Ngày nay, nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục hoạt động và ngăn chặn những kẻ nổi loạn đã trở nên vô cùng căng thẳng.

Vấn đề quan trọng ở đây là, nhà nước hành chính tồn tại lâu đời ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn này có hai nhánh chính, bộ máy quan liêu dân sự cũ kỹ vốn nghiễm nhiên cho rằng mình thực sự chịu trách nhiệm cho đất nước, cộng với một lớp sâu hơn của cộng đồng tình báo vốn biết chắc chắn rằng mình là thế lực thực sự đang điều hành quốc gia này.

Cả hai nhánh này đều sống trong bóng tối suốt một thời gian rất dài mà công chúng không phát giác ra rằng đây là nhánh thứ tư và có tầm quan trọngtrong chính phủ. Nhánh này không có trong Hiến Pháp nhưng điều hành mọi thứ dù thế nào đi chăng nữa.

Việc ông Donald Trump ra tranh cử năm 2016 thực sự là một bước ngoặt. Đây là khởi nguồn của sự hoảng loạn. Những tuyên bố lố bịch rằng Nga có trách nhiệm trong sự đắc cử của ông Trump chính là hoạt động tâm lý đầu tiên. Phải mất nhiều năm và nguồn lực rất lớn nhưng cuộc điều tra này được cho là không mang lại kết quả gì đáng kể. Điều này còn tệ hơn cả một cuộc tấn công của đảng phái. Đó là một Hoa Thịnh Đốn già nua đang chiến đấu giành lấy sự sống của mình trước những điều mà họ thực sự lo sợ.

Hóa ra đó chỉ là sự khởi đầu. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra là âm mưu nhằm đè bẹp ông Trump một cách tối đa, sự ứng phó trước một loại virus đã khiến ông Trump phải cho phép các cuộc phong tỏa, mà điều này đã dẫn đến việc chi tiêu hàng ngàn tỷ USD, tạo ra tiền, và các khoản thanh toán phúc lợi tăng lên một cách bùng nổ, chưa kể đến một cuộc tấn công ồ ạt vào quyền sở hữu của hầu hết người dân. Những người được hưởng lợi duy nhất chính là các đại doanh nghiệp vốn thù ghét ông Trump, và các thành viên đảng Dân Chủ vốn lợi dụng nỗi sợ bệnh dịch của người dân để mở rộng tự do bỏ phiếu gửi qua đường bưu điện nhằm khiến ông Trump thất cử.

Tại đây, một phần của động lực này là kế hoạch thông minh của ông Trump nhằm phân loại lại các nhân viên trong nhà nước ngầm là dưới quyền của tổng thống chứ không phải của các nghiệp đoàn lao động. Thay đổi đó — cuối cùng đã được thực hiện trong những tuần trước cuộc bầu cử năm 2020 — sẽ giúp rút cạn đầm lầy hiệu quả hơn bất cứ điều gì mà ông Trump đã từng thử trước đó. Đó chính là khoảnh khắc thực sự của cơn hoảng loạn. Không có một nhà nước ngầm thường trực và không thông qua bầu cử, thì toàn bộ âm mưu đó sẽ cạn kiệt và về căn bản là bị dao động.

Việc ứng phó đại dịch là điều cuối cùng đã khiến nhà nước hành chính này lộ diện trước công chúng, và tạo ra một phong trào đại chúng ở cấp độ mới, quyết tâm ngăn chặn hành vi cướp bóc tư tưởng Mỹ. Đó là tình trạng của chúng ta ngày nay: một cuộc tranh đấu dữ dội và sống còn giữa nhân dân và nhà nước ngầm, diễn ra như chuyện tiểu thuyết.

Và không chỉ có Hoa Kỳ. Cuộc tranh đấu vĩ đại này đang diễn ra trên khắp thế giới. Đó là cuộc chiến giữa giới nhà giàu lưu manh và nhân dân.

Giới này có mọi quyền lực nhưng nhân dân lại có niềm đam mê và tư tưởng. Những gì sắp xảy ra thực sự phụ thuộc vào một chuỗi các bước lặp đi lặp lại mà dường như không liên quan gì đến bức tranh toàn cảnh nhưng thực tế lại có liên quan.

Việc bầu chọn ông Jim Jordan làm Chủ tịch Hạ Viện là một phần của cuộc tranh đấu vĩ đại đó, một trong nhiều cuộc tranh đấu khác sẽ diễn ra trong những năm sắp tới. Đây là lý do tại sao có nhiều người quyết tâm ngăn chặn không cho ông Jordan đứng thứ ba trong thứ tự kế vị tổng thống. Bởi vì như vậy thì bộ máy quan liêu ở Hoa Thịnh Đốn và các nhóm lợi ích mà họ phục vụ sẽ đi về đâu?


Hamas Và Sự Vô Đạo Đức Đã Lộ Rõ

Điều mà người ta nhận ra được một cách không ngờ sau vụ sát hại dã man hàng trăm thường dân Israel như thời Trung cổ của Hamas là tình trạng vô đạo đức lộ rõ trên toàn cầu hiện nay.

Hơn 20 nhóm chính trị bản sắc của Đại học Harvard đã cam kết ủng hộ những kẻ sát nhân Hamas – trước sự im lặng hoàn toàn trong nhiều ngày liền của Viện trưởng Đại Học Harvard, bà Claudine Gay.

Người Mỹ biết rằng giáo dục cấp đại học thực hiện các chính sách tuyển sinh phân biệt chủng tộc. Nền giáo dục này từ lâu đã thúc đẩy các ký túc xá và lễ tốt nghiệp phân biệt chủng tộc. Và trên thực tế, điều này đã hủy hoại Tu chính án Thứ Nhất.

Nhưng sự ủng hộ công khai của đám đông đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) ở nhiều trường đại học đối với những kẻ sát nhân Hamas đã cho người Mỹ thấy được sự mục ruỗng thực sự về đạo đức và trí tuệ trong giáo dục đại học.

Các thành viên Xã hội Dân chủ của đảng Dân Chủ mới đã công khai bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đối với hành động đẫm máu của Hamas.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ không phải là sinh mạng của những đồng bào người Mỹ hay những con tin, hay khoảng hàng ngàn thường dân Do Thái bị tàn sát. Thay vào đó, họ lo sợ rằng sự trả đũa chính đáng của Israel có thể phá hủy Hamas.

Người Palestine trong nhiều năm qua đã lừa dối những con người ngây thơ ở châu Âu cũng như những chính phủ Obama và Biden để những người này gửi hàng tỷ dollar vào Gaza.

Số tiền này được dùng vào việc xây đường hầm để đi vào vào Israel, để trang bị cho kho vũ khí hỏa tiễn khổng lồ, và lập kế hoạch sát hại người Do Thái.

Chính phủ TT Biden phải chịu trách nhiệm về tội ác này.

Ngay sau khi TT Joe Biden lên nắm quyền, ông ta đã nối lại các khoản trợ cấp lớn dành cho những người Palestine cực đoan, những khoản trợ cấp mà chính phủ Tổng thống Trump đã hủy bỏ.

Ông Biden phớt lờ những cảnh báo từ chính Bộ Ngoại Giao của mình rằng những khoản tiền có thể được dùng để thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố của Hamas.

Chính phủ Biden đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, bảo đảm rằng Tehran sẽ được hưởng một khoản tiền trị giá hàng tỷ dollar để phân phối cho những kẻ thù của Israel. Đó là một thực tế mà chính phủ TT Biden đã biết.

Tổng thống Biden và đội nhóm của ông ta đã khởi động lại thỏa thuận xoa dịu Iran vốn đã có từ thời Obama và bị ông Trump huỷ bỏ. Chính phủ Biden đã bổ nhiệm nhà hoạt động cấp tiến thân Iran Robert Malley để đứng đầu các cuộc đàm phán này.

Ông Malley bị cáo buộc đã làm rò rỉ tài liệu mật của Hoa Kỳ cho các viên chức Iran và đang bị FBI điều tra. Ông đã tìm cách đưa những nhà hoạt động chống Mỹ và thân Iran, vào các cấp bậc cao trong chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Biden có ý định buộc Nam Hàn phải chuyển cho Iran 6 tỷ USD tiền bị phong tỏa theo lệnh trừng phạt. Theo dự đoán, khoản tiền này có thể được dùng cho việc trang bị vũ khí khủng bố.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã viết trên Twitter một cách đáng xấu hổ rằng Israel nên chấp thuận ngừng bắn ngay lập tức. Rồi ông ta lại nhanh nhẩu rút lại bài đăng ngớ ngẩn của mình.

Xét về mặt đạo đức, sự ngờ nghệch này cũng tương đương với việc một đồng minh của Hoa Kỳ thúc giục Hoa Kỳ tìm cách đàm phán với đế quốc Nhật Bản sau vụ tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng hồi tháng 12/1941 — để tránh một “vòng bạo lực”.

Đội ngũ của TT Biden đã tiêu hao hết kho vũ khí chiến lược ở Israel, vốn được thiết lập để giúp đỡ Do Thái trong những tình huống hiểm nguy.

Họ đã liều lĩnh từ bỏ một kho vũ khí trị giá hàng tỷ dollar ở Kabul, trong đó có một số được chuyển từ tay của những kẻ sát nhân Taliban đến những tên đồ tể Hamas.

Đối tác của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai đứng về phía những kẻ sát nhân đó. Họ — cùng với ông Blinken — đã kêu gọi ngừng bắn — vào thời điểm các phiến quân tử thần của Hamas đã hoàn thành nhiệm vụ và Israel sẵn sàng buộc Hamas phải chịu trách nhiệm.

Qatar, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Trung Ương Hoa Kỳ, tỏ ra không khác gì một mặt trận của Hamas.

Họ cung cấp nơi trú ẩn cho những kiến trúc sư của vụ tàn sát của Hamas. Và Qatar bảo đảm một luồng vận chuyển tài chính an toàn từ Iran và thế giới Ả Rập cực đoan đến Hamas.

Một số người ủng hộ phiến quân tử thần Hamas là những người Trung Đông đã nhập cư vào Mỹ.

Điều kỳ lạ là chính bản thân họ đã chạy trốn chế độ Trung Đông để đến với một nước Mỹ khoan dung, dân chủ, và an toàn.

Giờ đây họ tán thành việc Hamas tàn sát thường dân Do Thái. Sự man rợ của phiến quân này nhằm mục đích hành quyết, hãm hiếp, và chặt đầu người Do Thái, sau đó cắt xẻo cơ thể họ.

Hamas hy vọng sẽ gây chấn động cho chính phủ Israel để khiến chính phủ này tự nguyện kết liễu chính mình— phù hợp với nghị trình cổ xưa của Hamas nhằm tiêu diệt quốc gia Israel của người Do Thái.


Kim Loại Và Khoáng Sản Của Châu Phi Rất Quan Trọng Đối Với Hoa Kỳ

Năm 2016, một số công ty Mỹ đã mắc phải điều mà các chuyên gia kỹ nghệ nhận định là một trong những sai lầm chiến lược trầm trọng nhất mà Hoa Kỳ từng mắc phải ở châu Phi.

Lo ngại về xung đột liên miên và đàn áp nhân quyền, cùng với việc không thể duy trì được các mỏ cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), họ đã bán các mỏ này… cho Trung Cộng.

Mọi thứ bắt đầu khi công ty Freeport-McMoRan của Hoa Kỳ nhận 2.65 tỷ USD từ Tập đoàn Molybdenum của Trung Cộng khi tập đoàn này mua một lượng lớn cổ phần tại Tenke Fungurume, một mỏ đồng và cobalt dồi dào gần Kolwezi, miền nam CHDC Congo.

Đến 2019, Tập đoàn Molybdenum của Trung Cộng đã mua thêm một lượng cổ phần khác trị giá 1.14 tỷ USD.

Ông Arthur Goldstuck, giám đốc tổ chức nghiên cứu kỹ nghệ World Wide Worx ở Johannesburg, cho biết: “Việc làm này đã giúp đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ trên trường quốc tế gần như có toàn quyền kiểm soát một trong những khoáng sản chiến lược quan trọng nhất thế giới”.

Theo thông tin từ Benchmark Mineral Intelligence, CHDC Congo sản xuất lên đến 3/4 lượng cobalt của thế giới.

Cục Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ (USGS), một cơ quan khoa học thuộc Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ, cho biết cobalt là kim loại được sử dụng trong “rất nhiều ứng dụng thương mại, công nghiệp, và quân sự đa dạng, nhiều ứng dụng trong số đó mang tính chiến lược và quan trọng”.

Công dụng hàng đầu của cobalt là trong các điện cực của pin sạc, và kim loại này không thể thiếu trong việc sản xuất pin cho xe điện, sản phẩm được dự định sẽ là nguồn cung cấp năng lượng cho phương tiện di chuyển trên đường trong tương lai.

Liên minh Pin Toàn Cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng nhu cầu cobalt để sử dụng trong pin sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 do nhu cầu về xe điện tăng lên.

Cobalt đã trở nên thiết yếu trong việc sản xuất máy điện toán và điện thoại di động.

USGS cho biết kim loại này cũng được sử dụng trong các “siêu hợp kim” và “thép tốc độ cao”, những hợp kim này thường được sử dụng trong các bộ phận xe cộ, hệ thống vũ khí hiện đại, và động cơ tua-bin khí.

Trong nhiều chức năng, cobalt được sử dụng làm chất xúc tác cho ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa chất.

Theo một số nhà vật lý, trong tương lai, cobalt có thể được sử dụng để chế tạo “bom nguyên tử bẩn”, bởi khoáng chất này là nguồn phát tia gamma tuyệt vời.

Ông Goldstuck nói với The Epoch Times: “Người ta chắc chắn có thể hiểu được mối lo ngại của người Mỹ về tất cả tình trạng bạo lực ở CHDC Congo, và những vi phạm nhân quyền trong lãnh vực khai thác mỏ địa phương, đặc biệt vì nhiều thợ mỏ cobalt là trẻ em. Nhưng làm thế nào mà Hoa Kỳ từ bỏ một biện pháp kiểm soát cobalt, cũng như việc thiếu tầm nhìn xa dẫn đến để xảy ra tổn thất này; cũng như việc đặt hoàn toàn cobalt vào tay Bắc Kinh, thật khó hiểu”.

Năm 2020, ông Andrew Gulley, thuộc Đơn vị Nghiên cứu Tình báo Khoáng sản của USGS ở Reston, Virginia, đã công bố một nghiên cứu trong đó phát giác ra rằng hầu hết việc sản xuất cobalt khai thác thủ công đều được các công ty Trung Cộng tiến hành tại CHDC Congo hoặc xuất cảng sang Trung Cộng.

Một phần trong bản tóm tắt của ông Gulley viết: “Từ năm 2000 đến năm 2020, nhu cầu cobalt để sản xuất pin đã tăng gấp 26 lần. 82% mức tăng trưởng này diễn ra ở Trung Cộng và sản lượng tinh chế cobalt của Trung Cộng đã tăng gấp 78 lần. Sản lượng cobalt khai thác công nghiệp giảm dần đến giữa những năm 2000 đã khiến nhiều công ty Trung Cộng phải mua quặng từ các thợ cobalt khai thác thủ công ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhiều thợ mỏ vẫn là trẻ em”.


Navigator Hủy Dự Án Đường Ống Thu Giữ Carbon Ở Trung Tây Hoa Kỳ

Hôm thứ Sáu (20/10), Navigator CO2 Ventures công bố rằng họ đã quyết định hủy bỏ dự án đường ống của công ty.

Công ty này đã và đang nỗ lực để có được giấy phép từ các tiểu bang cũng như quyền sử dụng đất từ các công dân tư nhân để xây dựng 1,200 dặm đường ống xuyên qua năm tiểu bang Trung Tây — Nebraska, Iowa, South Dakota, Minnesota, và Illinois. Tuy nhiên, dự án đã vấp phải sự phản đối của các chủ đất — những người không đồng ý trao quyền xây dựng mà trong nhiều trường hợp sẽ xâm phạm vào đất nông nghiệp màu mỡ.

Đường ống này sẽ lấy CO2 thải ra từ các nhà máy lọc sinh học như nhà máy sản xuất ethanol và các ngành kỹ nghệ khác, sau đó hóa lỏng CO2 này, cho khí hóa lỏng này đi qua hệ thống đường ống và lưu trữ vĩnh viễn tới 12 triệu tấn dưới lòng đất mỗi năm.

Đây là một sáng kiến xanh nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và được trợ cấp bằng các khoản tín thuế từ chính phủ liên bang.

Một tuyên bố hồi năm 2021 của Navigator cho biết, “Khi đạt công suất tối đa, hệ thống đường ống thu giữ carbon sẽ có khả năng thu giữ và lưu trữ đủ lượng CO2 tương đương với việc dừng hoạt động khoảng 2.6 triệu xe hơi mỗi năm. Hoặc trồng 550 triệu cây xanh mỗi năm hoặc gấp 1.5 lần hiệu quả loại bỏ dấu vết carbon của cả thành phố Kansas”.

Công ty đã hợp tác với Quỹ Cơ Sở Hạ Tầng Điện Lực và Năng lượng Toàn cầu BlackRock dự định ​​sẽ đưa dự án vào hoạt động vào cuối năm 2024, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thành tiến trình cấp phép.

Navigator cho biết trong tuyên bố hôm thứ Sáu (20/10): “Việc phát triển dự án đường ống dẫn CO2 của Navigator đang gặp nhiều khó khăn. Do tính chất khó lường của các quy trình quản trị và chính phủ có liên quan, đặc biệt là ở South Dakota và Iowa, nên công ty đã quyết định hủy bỏ dự án đường ống”.


Thâm Hụt Ngân Sách Của Hoa Kỳ Tăng 23% Lên 1.7 Ngàn Tỷ USD

Thâm hụt ngân sách hàng năm của Hoa Kỳ đã tăng 23% so với năm ngoái, lên gần 1.7 ngàn tỷ USD, khiến một chuyên gia chính sách tài khóa phải nhận xét rằng “chúng ta là một quốc gia nghiện nợ”.

Thâm hụt ngân sách năm nay cao hơn 320 tỷ USD so với năm ngoái, đạt 1.695 ngàn tỷ USD, theo báo cáo hàng tháng cuối cùng của Bộ Ngân khố cho cả năm tài khóa 2023, kết thúc hôm 30/09.

Lần cuối cùng mức chênh lệch ngân sách cao hơn được ghi nhận là vào năm 2021 khi chi tiêu cứu trợ đại dịch tăng vọt đã đẩy thâm hụt lên mức kỷ lục 2.78 ngàn tỷ USD.

Mặc dù mức thâm hụt ngân sách mới nhất thấp hơn 1 ngàn tỷ USD so với mức chênh lệch kỷ lục vào năm 2021, nhưng một số chuyên gia cho rằng mức thâm hụt ngân sách này cao một cách khó chịu và cần được giải quyết khẩn cấp.

Bà Maya MacGuineas, chủ tịch tổ chức Ủy Ban Ngân Sách Liên Bang Có trách nhiệm (CRFB), cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta là một quốc gia nghiện nợ nần. Tổng mức thâm hụt lên tới 1.7 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2023, nhưng chúng ta thực sự đã vay 2 ngàn tỷ USD khi quý vị điều chỉnh kế toán xung quanh kế hoạch xóa nợ sinh viên đã đảo ngược của Tổng thống Biden. Điều đó có nghĩa là số tiền vay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Với nền kinh tế đang phát triển và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp kỷ lục, đây là lúc chúng ta phải nâng cao trách nhiệm tài khóa và giảm thâm hụt”.

Bà MacGuineas cảnh báo, với lãi suất công khố phiếu Hoa Kỳ ở mức cao nhất trong 15 năm, các khoản thanh toán lãi cho nợ chính phủ đã bùng nổ cao hơn và với tốc độ này, “chúng ta sẽ chi cho lãi suất nhiều hơn quốc phòng vào năm 2027”.

Bà nói: “Trước những nhu cầu khẩn cấp chính đáng như thiên tai hoặc xung đột ngoại quốc, những gánh nặng về lãi suất này có nghĩa là chúng ta không ứng phó đủ nhanh như khi không phải chịu cản trở từ lãi suất”.

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho rằng sự sụt giảm doanh thu của chính phủ là yếu tố chính khiến thâm hụt tăng cao trong năm nay.

Bà gợi ý rằng thu thêm thuế sẽ là giải pháp khắc phục, đồng thời đề cập đến kế hoạch của chính phủ Tổng thống Biden nhằm tăng cường thu thuế để đưa thêm tiền vào kho bạc chính phủ.

Bà Yellen cho biết trong một tuyên bố chung cùng với Giám đốc Văn phòng Quản Lý và Ngân Sách Shalanda Young: “Doanh thu giảm là nguyên nhân đáng kể dẫn đến thâm hụt năm 2023, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách do Tổng thống Biden ban hành và đề xướng nhằm cải tổ hệ thống thuế”.

Vào năm 2023, doanh thu thuế liên bang đã giảm 9.3% so với năm ngoái, gần như toàn bộ mức giảm là do thuế thu nhập cá nhân giảm 456 tỷ USD.

Một nguyên nhân chính khác làm giảm doanh thu của chính phủ là khoản đóng góp lợi nhuận của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang vào Kho Bạc thấp hơn 106 tỷ USD do lãi suất cao hơn.


Khoản Thanh Toán Trực Tiếp 200,000 USD Cho TT Joe Biden Là Bằng Chứng

Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã công bố bằng chứng về một khoản thanh toán trực tiếp cho Tổng thống Joe Biden như một phần trong cuộc điều tra tham nhũng kéo dài của ủy ban này đối với tổng thống và gia đình ông.

Bằng chứng mà ông Comer tiết lộ là hồ sơ ngân hàng về một tấm chi phiếu cá nhân trị giá 200,000 USD gửi cho Tổng thống Biden để “hoàn nợ”, do em trai và em dâu của tổng thống, ông James và bà Sara Biden, phát hành ngày 01/03/2018.

Theo ông Comer, khoản thanh toán trực tiếp này có thể là bằng chứng mạnh mẽ nhất đến bây giờ cho thấy Tổng thống Biden có thể đã trực tiếp tham gia vào các giao dịch kinh doanh của gia đình ông, một luận điểm làm cơ sở cho cuộc điều tra của ủy ban này.

Hồi mùa hè năm nay, ông Joe Biden nói: “Tiền ở đâu?” Ông Comer tuyên bố hôm 20/10, Chúng tôi đã tìm thấy một ít”.

Tổng thống Biden đã phủ nhận mọi liên quan trực tiếp đến công việc kinh doanh của gia đình ông, một tuyên bố mà ông Comer và những người khác cho là sai sự thật.

Phần lớn công việc của ông Comer trong khuôn khổ cuộc điều tra của ủy ban này tập trung vào việc chứng minh mối liên hệ giữa tổng thống và các giao dịch kinh doanh của gia đình ông.

Mặc dù trước đó ủy ban của ông đã công bố hơn 20 thí dụ về bằng chứng ràng buộc tổng thống với các giao dịch kinh doanh của con trai ông là ông Hunter Biden, nhưng những bằng chứng được đưa ra cho đến nay vẫn chưa đến mức trở thành chứng cớ rành rành—có lẽ cho đến tận bây giờ.

Đặc biệt, bối cảnh của khoản “hoàn nợ” 200,000 USD này là các tài liệu của tòa án cho thấy ông James Biden đã nhận được khoản vay 600,000 USD từ Americore “dựa trên những tuyên bố nói rằng giòng  họ ‘Biden’, có thể ‘mở ra các cánh cửa’, và ông có thể nhận được một khoản đầu tư lớn từ Trung Đông dựa trên các mối quan hệ chính trị ông ta”.

Vào cùng ngày được ghi trên tấm chi phiếu gửi cho Tổng thống Biden (ngày 01/03/2018), Americore đã chuyển khoản vay 200,000 USD vào trương mục ngân hàng cá nhân của ông James và bà Sara Biden.

Ông Comer nói: “Ngay cả khi đây là một khoản trả nợ cá nhân, thì vẫn còn vấn đề đáng lo ngại là khả năng em trai hoàn trả cho ông Joe Biden phụ thuộc vào sự thành công của các giao dịch tài chính mờ ám của gia đình ông ấy”.

Với ngụ ý rằng tấm chi phiếu này không phải là để hoàn nợ, ông Comer đã yêu cầu Tổng thống Biden chứng minh ông đã cho em trai mình vay số tiền lớn như vậy và tiết lộ các điều khoản trong thỏa thuận tài chính của họ.

Ông Comer hỏi, “Có phải ông ấy đã có những thỏa thuận tài chính tương tự với các thành viên khác trong gia đình khiến họ phải trả những khoản tiền lớn tương tự cho ông ấy không?”. Ông Comer nói thêm rằng ủy ban này sẽ tiết lộ nhiều hồ sơ ngân hàng hơn vào thời điểm thích hợp khi họ tiếp tục “lần theo dòng tiền”.


Tại Sao Đảng Cộng Hòa Gặp Quá Nhiều Khó Khăn Để Chọn Một Chủ Tịch Hạ Viện

Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã cố gắng nhưng không bầu được chủ tịch Hạ viện sau hai tuần huyên náo chứng kiến nhà lãnh đạo tiền nhiệm bị chính đảng Cộng Hoà lật đổ, Hạ Viện gần như đóng cửa, và hội nghị của đảng Cộng Hòa rơi vào tình trạng “hỗn loạn” như cách nói của một dân biểu.

Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), người thứ hai được Đảng Cộng Hòa đề cử chức chủ tịch Hạ Viện trong hai tuần, đã thất bại trong hai cuộc bỏ phiếu trên sàn trong tuần này khi hơn hai mươi thành viên Đảng Cộng Hòa từ chối bỏ phiếu cho ông.

Các cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện thường chỉ là một vấn đề chiếu lệ. Tại sao Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện lại mất nhiều thời gian như vậy để hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của khối đa số?

Câu trả lời liên quan đến cuộc chơi những con số là Quốc Hội Hoa Kỳ, đặc tính của Đảng Cộng Hòa, và yếu tố căn bản nhất trong bất cứ hình thức lãnh đạo nào: niềm tin.

Đảng Cộng Hòa có lợi thế chín ghế trong Hạ Viện. Đây không phải là mức dẫn đầu nhỏ nhất trong lịch sử, nhưng điều đó có nghĩa là chỉ cần năm thành viên đảng Cộng Hòa cũng có thể ngăn chặn bất cứ điều gì mà khối đa số này cố gắng thực hiện. Và điều đó đã xảy ra nhiều lần.

Trong lịch sử, Quốc Hội đã có những biến động mạnh mẽ từ chu kỳ bầu cử này sang chu kỳ bầu cử tiếp theo, thay đổi hàng chục ghế từ đỏ sang xanh và ngược lại. Do đó, lợi thế mà đảng đa số được hưởng thường lớn hơn một chút.

Sáu lần trước đây khi đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ Viện, số ghế chênh lệch trung bình là 40. Đối với đảng Dân Chủ, khoảng cách dẫn đầu trung bình là 45 ghế trong khoảng thời gian tương tự. Với chênh lệch số phiếu như vậy, việc cô lập những dân biểu thiên tả nhất hoặc có tư tưởng bảo tồn truyền thống nhất sẽ dễ dàng hơn. Còn với đa số ít ỏi thì điều đó gần như không thể.

Cựu Chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich nói với The Epoch Times, “Vấn đề là họ cần thêm 20 phiếu bầu của đảng Cộng Hòa. Với 20 phiếu bầu của đảng Cộng Hòa, quý vị có thể có tám hoặc chín người hành động điên rồ. Nhưng khi quý vị chỉ cần bốn hoặc năm phiếu bầu thì điều đó thực sự khó khăn”.

Tuy nhiên, trong Quốc hội nhiệm kỳ lần trước, đảng Dân Chủ chỉ dẫn trước mười phiếu nhưng đã có thể tập hợp sự ủng hộ dành cho chủ tịch Hạ Viện của họ và thông qua một số đạo luật quan trọng như Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ, Đạo luật Giảm Lạm phát, và dự luật chi tiêu tổng hợp trị giá 1.7 ngàn tỷ USD.

Người ta đặt câu hỏi, tại sao đảng Cộng Hòa không thể có một sự đoàn kết như vậy?


Người Trung Cộng Ở Israel Thất Vọng Vì Bắc Kinh Không Có Kế Hoạch Di Tản

Kể từ khi chiến sự Israel-Hamas nổ ra cho đến nay, công dân Trung Cộng cư trú tại Israel vẫn không nhận được bất cứ kế hoạch di tản nào từ Tòa Đại sứ Trung Cộng. Hành động này khiến nhiều đặt tin tưởng vào chính phủ Israel thay vì Bắc Kinh. Một công dân Trung Cộng làm việc tại Israel đã cho The Epoch Times biết như vậy.

Anh Liu Wei, là bí danh vì sợ Trung Cộng trả thù sau này, đã làm việc và sinh sống sáu năm tại Beersheba, thành phố lớn nhất ở sa mạc Negev ở miền nam Israel. Liu nói với Epoch Times hôm 18/10 rằng nhiều người Trung Cộng ở Israel đang tin tưởng vào Trung Cộng vì đảng này không trợ giúp người dân của mình.

Anh Liu nói rằng, “Tôi chưa bao giờ nhận được tin tức gì từ Tòa Đại sứ Trung Cộng. Theo tôi biết, không có công dân Trung Cộng nào ở đây nhận được thông báo di tản từ Tòa Đại sứ. Họ cũng không nhận được tin tức gì liên quan đến thủ tục di tản”.

Anh giải thích thêm rằng, anh chỉ nghe tin đồn có một công ty địa phương của Trung Cộng đã thuê một chiếc phi cơ để chở người dân về Trung Quốc.

Qua tin tức thời sự, anh biết được rằng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chỉ trích mạnh mẽ Hamas về sự qua đời của một y tá người Philippines và kêu gọi thủ tướng Israel có hành động chống lại Hamas. Ngoài ra, ông còn đến thăm gia đình nữ y tá này ở Philippines để chia buồn.

Anh Liu nói, “Đó là một tổng thống rất quan tâm đến người dân của mình”. Ngược lại, “Hãy nhìn vào hành động của Trung Cộng. Bốn người Trung Quốc đã thiệt mạng, thế mà cho đến nay, nhà cầm quyền Trung Cộng vẫn chưa lên án Hamas. Người dân Trung Quốc thất vọng với chính quyền này, một chính quyền không chịu trách nhiệm với chính người dân của mình. Họ xem mạng sống của dân thường Trung Quốc chẳng có ý nghĩa gì, chẳng ai buồn đưa tin cũng như chẳng đưa ra lời phân ưu nào, cứ như là không có chuyện gì xảy ra”.

Hôm 16/10, Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã xác nhận rằng trong cuộc xung đột Israel-Hamas, đã có bốn công dân Trung Cộng thiệt mạng cùng hai người vẫn mất tích và sáu người khác bị thương. Bộ này cũng cho biết các chuyến bay thương mại giữa Trung Cộng và Israel vẫn đang hoạt động.

Anh Liu cho biết những người Trung Quốc vừa mới chân ướt chân ráo đến Israel rất lo lắng và đang tìm cách quay trở lại Trung Quốc. Trên các nhóm mạng xã hội của người Trung Quốc sống tại địa phương, một số người phàn nàn rằng họ đã cố gắng gọi cho Tòa Đại sứ Trung Cộng nhưng chưa được hồi đáp.

Anh Liu nói thêm, Người Trung Quốc mới tới đây vẫn nghĩ rằng họ có ‘tổ quốc hùng mạnh’ phía sau. Theo tôi họ đã thất vọng ê chề”.

Khái niệm “tổ quốc hùng mạnh” bắt nguồn từ sự tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan do Trung Cộng thúc đẩy trong những năm gần đây, được phổ biến qua phim ảnh và truyền bá trong lớp học.

Tuy nhiên, những đã đến đây lâu thì không sợ hãi và tin tưởng chính phủ Israel sẽ giải quyết vấn đề. Anh nói, “Hồi năm 2021, 3,000 quả hỏa tiễn đã tấn công Israel và hôm đó chúng tôi vẫn ổn. Những người đã ở đây hơn hai năm đều tin tưởng chính phủ Israel và chọn ở lại vì họ tin rằng Israel có thể giải quyết vấn đề và Trung Cộng không đáng để trở về”.

Tin tức cho biết năm 2021, quân đội Israel có hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) có tỷ lệ thành công 90% vì hệ thống này chặn được 3,000 hỏa tiễn mà Hamas bắn từ Dải Gaza.

Kể từ khi nhóm khủng bố Hamas tấn công Israel vào ngày 07/10, hàng chục quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, và Canada, đã sắp xếp các chuyến bay di tản để giúp công dân của họ rời khỏi Israel.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa có kế hoạch di tản nào cho công dân Trung Quốc.

Bà Mao Ning, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 16/10: “Hiện tại, các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Israel vẫn đang hoạt động, và công dân Trung Quốc ở đó được khuyến cáo nên sử dụng các chuyến bay thương mại này để hồi hương càng sớm càng tốt”.

Tuy không có kế hoạch di tản, nhưng Trung Cộng có lời khuyến cáo công dân nên tự túc mua vé máy bay để hồi hương.

Một sinh viên Trung Cộng đang du học ở Israel loan tải tin tức trên mạng xã hội WeChat rằng, sau khi ra hải ngoại mới nhận ra lời dối gian của đảng cộng sản Trung Cộng.  Anh viết, “Chỉ sau khi sang ngoại quốc, tôi mới nhận ra rằng ‘Chiến Lang’ là lời nói dối lớn nhất mọi thời đại”.

“Chiến Lang” là một bộ phim vĩ đại của Trung Cộng truyền tải tinh thần yêu nước mạnh mẽ, ủng hộ lòng tự hào dân tộc bằng cách khẳng định rằng Trung Cộng sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giải cứu những công dân của mình, những người bị mắc kẹt trong các cuộc chiến tranh ở hải ngoại.

Trong một bài đăng, một cư dân mạng chỉ trích ban lãnh đạo ĐCSTQ: “Cuộc di tản mà chúng ta tưởng tượng là cảnh một anh hùng Trung Cộng lái chiến hạm đến và đưa chúng ta trở về nước. Nhưng trên thực tế, cuộc di tản này đòi hỏi mọi người tự mình mua vé máy bay thương mại để hồi hương”.


Châu Âu Lảng Tránh Diễn Đàn Vành Đai Và Con Đường, Nhưng Taliban Lại Tham Dự

Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hay còn gọi là “Nhất Đới Nhất Lộ” lần thứ ba tại Bắc Kinh trong hai ngày từ 17 đến 18/10.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Bắc Kinh khởi động dự án chính sách ngoại giao nước đại nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới thông qua các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, quy mô của hội nghị thượng đỉnh lần này đã bị thu hẹp đáng kể, cùng với đó là sự sụt giảm vốn đầu tư của Trung Quốc vào BRI.

Trong 10 năm qua, BRI đã bị chỉ trích rộng rãi vì tham nhũng, đặt bẫy nợ cho các nước tham gia, bóc lột lao động, và khiến cho các quốc gia tham dự phải phụ thuộc kinh tế vào Trung Cộng.

Tháng 05/2017, Trung Cộng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRI đầu tiên với nỗ lực giảm bớt những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về chương trình này. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức vào tháng 04/2019. Diễn đàn lần thứ ba bị hoãn lại đến tháng 10/2023 do đại dịch COVID-19.

So với hội nghị thượng đỉnh lần trước có 37 nhà lãnh đạo ngoại quốc tham dự, thì số lượng người tham dự năm nay giảm đáng kể, chỉ có 24 người tham dự. Hầu hết họ đến từ các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á, Trung Đông, châu Phi, và Nam Mỹ.

Đáng chú ý là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba này không có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ châu Âu như mọi khi. Theo dữ kiện công khai, 1/3 trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đến từ châu Âu. Năm nay, chỉ có lãnh đạo một số nước Đông Âu tham dự như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Nhiều nguyên thủ quốc gia Âu Châu tham dự hội nghị lần trước đã không đến dự hội nghị thượng đỉnh năm nay. Những vị nguyên thủ không đến tham dự có tổng thống Bồ Đào Nha, thủ tướng Áo, thủ tướng Hy Lạp, tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, tổng thống Cộng hòa Czech, tổng thống Belarus.

Ý Đại Lợi dự tính rút khỏi BRI vào cuối năm nay và không cử viên chức tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này.

Ông Li Hengqing, một nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Bây giờ Ý Đại Lợi đã nói rõ rằng họ muốn rút lui. Điều này thực sự đại diện cho thái độ chung của hầu hết các nước phát triển”.

Chín mươi trong số các công ty trong danh sách Fortune 500 đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRI lần trước, nhưng năm nay chỉ có khoảng 60 công ty trong danh sách Fortune 500 tham gia.

Chuyên gia kinh tế trực tuyến Caijing Lengyan, nói với The Epoch Times: “Ảnh hưởng của BRI đang suy giảm nhanh chóng. Nhiều quốc gia đã bắt đầu hiểu rằng Trung Cộng kiểm soát các nước thuộc thế giới thứ ba qua khoản nợ thông qua BRI, vì vậy họ không tha thiết lắm đối với việc tham gia BRI. Ngoài ra, lợi nhuận của các dự án BRI đang ngày càng thấp, thậm chí còn thua lỗ, đó là nguyên nhân chính khiến ngày càng có ít quốc gia và công ty đa quốc gia hơn tham gia”.


Trung Quốc Sở Hữu 500 Đầu Đạn Hạch Tâm Đang Hoạt Động

Theo một báo cáo mới của Ngũ Giác Đài, Trung Cộng hiện đang có hơn 500 đầu đạn hạch tâm, và có khả năng vẫn đang không ngừng phát triển lực lượng hạch tâm của mình để có thể tấn công trực tiếp vào lục địa Hoa Kỳ.

Ước tính này, được đưa ra trong báo cáo thường niên của Ngũ Giác Đài về sức mạnh quân sự của Trung Cộng, có nghĩa là Trung Cộng đã đạt được một mốc quan trọng trong việc mở rộng và hiện đại hóa hạch tâm sớm hơn hai năm so với dự đoán trước đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD).

“DoD ước tính rằng, tính đến tháng 05/2023, Trung Cộng sẽ có hơn 500 đầu đạn hạch tâm đang hoạt động — con số này có thể vượt quá con số dự đoán trước đó. DoD ước tính rằng Trung Cộng có thể sẽ có hơn 1,000 đầu đạn hạch tâm hoạt động vào năm 2030”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền Trung Cộng có thể đang đầu tư vào kỹ nghệ hỏa tiễn thông thường hiện đại hơn, nâng cấp để vũ khí này có thể tấn công trực tiếp vào lục địa Hoa Kỳ.

Báo cáo viết, “Trung Cộng có thể đang tìm cách phát triển các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa tầm xa được trang bị vũ khí thông thường, cho phép Trung Cộng đe dọa bằng các cuộc tấn công thông thường nhắm vào các mục tiêu ở lục địa Hoa Kỳ”.

Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Cộng trước đây được công bố vào năm 2021 cho thấy Trung Cộng có thể sở hữu 1,000 đầu đạn hạch tâm vào năm 2030. Trong khi đó, báo cáo năm 2020 tuyên bố rằng Trung Quốc có khả năng chỉ có được khoảng 200 đầu đạn hạch tâm vào năm 2025.

Việc mở rộng và hiện đại hóa hạch tâm nhanh chóng này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà phân tích và chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang phát triển lực lượng hạch tâm với mục đích rõ ràng là đe dọa trực tiếp Hoa Kỳ.

Năm ngoái (2022), Quốc Hội đã xác nhận rằng chế độ này thực sự có nhiều bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa hơn số lượng mà Hoa Kỳ đang sở hữu.

Nhà cầm quyền Trung Cộng từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán về không phổ biến vũ khí hạch tâm và ổn định chiến lược, bất chấp những lời hứa trước đó rằng họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ về các vấn đề như vậy.

Theo một tình tiết liên quan, hồi năm 2021, Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân khi đó, nói rằng các vụ thử hỏa tiễn siêu thanh của Trung Cộng dường như nhằm mục đích phát triển năng lực quân sự phục vụ cho việc tiến hành một cuộc tấn công hạch tâm đầu tiên vào Hoa Kỳ.

Tướng Hyten nói, “Họ đã phóng một hỏa tiễn tầm xa. Hỏa tiễn này đã bay vòng quanh thế giới, thả một phương tiện bay siêu thanh lướt về phía Trung Quốc, sau đó tấn công một mục tiêu ở Trung Quốc. Đối với tôi, loại hỏa tiễn này giống như vũ khí dùng để tấn công phủ đầu”.

Một tuyên bố liên quan từ Ngũ Giác Đài được ban hành hôm 19/10 cho biết việc phổ biến vũ khí hạch tâm là một phần trong “những nỗ lực không ngừng của Trung Cộng nhằm đảo ngược trật tự thế giới”.

Chính phủ Biden nói rằng họ đang theo đuổi các cuộc đàm phán không phổ biến vũ khí hạch tâm với Trung Cộng “mà không cần điều kiện tiên quyết”.

Chính phủ ông Biden cho rằng những cuộc đàm phán như vậy là cần thiết để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạch tâm. Tuy nhiên, chuyện ấy không biết là chuyện thực hay chỉ là nói dối?


Israel Tuyên Bố Sẽ Tăng Cường Tấn Công Hamas Nếu Hoa Kỳ Thêm Viện Trợ Cho Gaza

Hôm Chủ Nhật (22/10), Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Hamas ở miền nam Gaza, đồng thời cho biết rằng họ sẽ tăng cường các cuộc tấn công để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Hồi Giáo Hamas. Được biết Hamas đang được Iran hậu thuẫn.

Khi được hỏi một cuộc tiến công trên bộ vào Gaza có thể xảy ra không, thì phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari của Israel, cho biết trong cuộc họp báo tối thứ Bảy (21/10) rằng quân đội đang chuẩn bị.

Ông Hagari nói, “Chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc tấn công để giảm thiểu mối nguy hiểm cho lực lượng của chúng tôi trong giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi sẽ gia tăng các cuộc tấn công kể từ hôm nay”. Ông kêu gọi dân chúng ở thành phố Gaza rằng, “Vì sự an toàn của chính quý vị, hãy di chuyển về phía nam. Chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc tấn công vào Gaza”.

Israel đã cho xe tăng và quân đội đồn trú gần biên giới xung quanh Dải Gaza hẹp do Hamas kiểm soát để chuẩn bị cho một cuộc tiến công trên bộ.

Tiến triển này sắp xảy ra sau hơn hai tuần khi những kẻ khủng bố Hamas tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo, chưa từng có vào Israel, với hàng ngàn hỏa tiễn được bắn từ Gaza, và một vụ thảm sát thường dân vô tội ở miền nam Israel. Ít nhất 1,400 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương ở phía biên giới Israel.

Trong khi đó, Bộ Y tế Gaza do Hamas hậu thuẫn tuyên bố rằng hơn 4,000 thường dân đã thiệt mạng và hơn 12,500 người bị thương ở Gaza. Trong các cuộc tấn công ở Gaza trước đó, một số người Palestine đã bị thiệt mạng ở Gaza sau đó được xác định là do hỏa tiễn bị trục trặc của Hamas. Hôm thứ Bảy, quân đội Israel xác định rằng Hamas đã bắn ít nhất 550 hỏa tiễn nhắm vào Israel nhưng không thành công và rơi xuống Dải Gaza.

Ít nhất 210 người, trong đó có 30 trẻ em, đã bị những kẻ khủng bố bắt từ Israel đưa về Gaza. Hôm thứ Sáu (20/10), Hamas đã thả hai con tin đầu tiên.

Hôm thứ Bảy, quân đội Israel đã công bố một đoạn video, trong đó Tổng tham mưu trưởng Trung tướng Herzi Halevi nói với quân đội rằng: “Chúng ta sẽ tiến vào Dải Gaza, chúng ta sẽ bắt đầu một nhiệm vụ tác chiến chuyên nghiệp nhằm tiêu diệt các thành viên Hamas và cơ sở hạ tầng của Hamas và chúng ta sẽ luôn ghi nhớ ký ức về những hình ảnh và những người đã ngã xuống ngày thứ Bảy hai tuần trước”.

Theo những hình ảnh được quân đội Israel công bố hôm thứ Bảy, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật “để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”.

Cuối ngày thứ Bảy, Hoa Kỳ đã đưa ra một dự thảo nghị quyết lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong đó khẳng định quyền tự vệ của Israel và kêu gọi Iran ngừng xuất cảng vũ khí cho “các nhóm dân quân và khủng bố đe dọa hòa bình và an ninh trên toàn khu vực”.

Thế giới phản ứng khác nhau trước cuộc chiến này. Trong khi các nhà lãnh đạo Tây phương nhìn chung ủng hộ các nỗ lực của Israel chống lại Hamas, còn nhiều quốc gia Hồi Giáo yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, trong bối cảnh quốc tế chú ý và lo ngại về tác động nhân đạo đối với thường dân ở Gaza.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên định với mục tiêu của mình là Israel “chiến đấu cho đến khi chiến thắng” ở Gaza, đồng thời chưa đưa ra một kế hoạch ngay lập tức cho bất cứ lệnh ngừng bắn nào.

Israel bắt đầu “bao vây toàn diện” Gaza ngay sau cuộc tấn công hôm 07/10, cắt nguồn cung cấp điện, nước, và ngăn chặn việc tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu, và thuốc men vào vùng đất có khoảng 2.3 triệu dân này. Israel đã tuyên bố duy trì cuộc bao vây toàn diện cho đến khi tất cả con tin được Hamas thả ra.

Trong khi đó, Hamas cho biết họ sẽ không thảo luận về số phận của những gì họ gọi là “những tù binh quân đội Israel” cho đến khi Israel chấm dứt “sự xâm lược” tại Gaza.

Viên chức Hamas Osama Hamdan nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình Lebanon hôm thứ Bảy, rằng, “Lập trường của chúng tôi đối với các tù binh quân đội Israel rất rõ ràng: điều này có liên quan đến việc trao đổi tù nhân [có thể xảy ra], và chúng tôi sẽ không thảo luận về vấn đề này cho đến khi Israel chấm dứt xâm lược Gaza và Palestine”.

Trước đó, hôm thứ Năm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố rằng, “Hamas đã nói rằng họ sẽ không thả con tin cho đến khi Israel chấm dứt việc oanh tạc vào Gaza, và chỉ sau khi đổi lấy việc thả 5,000 tù nhân Palestine bị Israel giam giữ, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em”.


Thông Tấn Lớn Bị Chỉ Trích Vì Loan Tin Sai Về Vụ Nổ Bệnh Viện Ở Gaza

Trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Hamas bước sang tuần thứ hai, cuộc xung đột này đã không chỉ dừng lại ở bạo lực vật chất mà còn mở rộng sang một cuộc chiến thông tin. Các thông tấn thiên tả lớn đã bị chỉ trích vì họ chấp loan tải tin tức từ Gaza do Hamas kiểm soát mà không nghi ngờ gì, đưa ra quan điểm ủng hộ Hamas sau vụ nổ bệnh viện gây nhiều thương vong hôm thứ Ba (17/10).

Hamas đã ngay lập tức cáo buộc quân đội Israel ném bom Bệnh viện Ả Rập al-Ahli ở thành phố Gaza, cho rằng vụ nổ đã khiến ít nhất 500 người thiệt mạng.

Các viên chức Israel bác bỏ những tuyên bố như vậy và quy trách nhiệm cho một cuộc tấn công hỏa tiễn thất bại của nhóm Hồi giáo Jihad, một nhóm khủng bố chiến đấu cùng Hamas. Đánh giá tình báo của Ngũ Giác Đài, vốn đưa ra số người thiệt mạng là 50, đã ủng hộ cho tuyên bố của Israel.

Tuy vậy, một số nguồn tin, đặc biệt là BBC, The New York Times, và CNN, đã nhanh chóng khuếch đại câu chuyện lấy từ Hamas, kích động các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, gây xúc động trên khắp thế giới, bao gồm cả tại các Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, và Tunisia.

Một trong những hãng truyền thông lớn bị chỉ trích gay gắt nhất là BBC. Phóng viên hãng truyền thông này thừa nhận tình hình chưa rõ ràng nhưng vẫn cho rằng Israel có lỗi. Trong một bài đăng trên X, chính phủ Israel ví bản tin của BBC với tội phỉ báng máu (blood libel) — một cáo buộc kéo dài hàng thế kỷ rằng người Do Thái bắt cóc và sát hại trẻ em Cơ Đốc Giáo để dùng máu cho các nghi lễ tôn giáo.

Tờ báo của Anh quốc cho biết: “Chúng tôi chấp nhận rằng ngay cả trong tình hình diễn biến nhanh chóng này, việc suy đoán theo cách này là sai lầm, anh ấy không hề đưa tin rằng đó là một cuộc tấn công của Israel”.

The New York Times cũng bị mất uy tín trên mạng xã hội khi ông Elon Musk (chủ sở hữu X) gỡ bỏ huy hiệu xác thực vàng dành riêng cho trương mục của trương mục truyền thông này trên X.

Người ta cho rằng hành động của ông Musk đối với tờ báo này có liên quan đến cách New York Times đưa tin về vụ nổ tại bệnh viện.

Ngay sau biến cố, tờ New York Times đã đăng một bài với tiêu đề “Palestine cho biết cuộc không kích của Israel sát hại hàng trăm người trong bệnh viện”, kèm theo bức ảnh chụp một tòa nhà bị phá hủy nằm ở một khu vực khác của Gaza.

Sau đó, các biên tập viên của tờ New York Times đã thay đổi tiêu đề thành: “Người Palestine cho biết ít nhất 500 người tử vong trong cuộc tấn công vào bệnh viện Gaza” rồi thành: “Người Palestine cho biết ít nhất 500 người tử vong trong vụ nổ ở bệnh viện Gaza”. Tờ báo này không đưa ra thông báo chính thức về việc đính chính mà thay vào đó lặng lẽ thay đổi cách diễn đạt của bài viết ban đầu, một hành vi mà một số người dùng trên X mô tả là “chỉnh sửa lén lút”.

“Trong khoảng thời gian vài giờ, bài báo đã chuyển từ một cuộc tấn công của Israel sang một vụ nổ mơ hồ”, bà Beri Weiss, cựu biên tập viên bình luận kiêm tác giả của The New York Times, nhận xét. “Dù sự thật là gì đi nữa, cảnh báo tin tức thời sự đó — Israel nhắm mục tiêu vào một bệnh viện, khiến hàng trăm người thiệt mạng — đã được truyền đi khắp thế giới”.

Trong khi đó, một cuộc phỏng vấn của CNN với Trung tá Peter Lerner, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đã chuyển thành một cuộc đối đầu sau khi ông được hỏi liệu ông có “đủ” tài liệu để “bằng cách nào đó thuyết phục những người tin tưởng rằng Israel phải chịu trách nhiệm” cho thảm họa ở bệnh viện hay không.

Thất vọng trước câu hỏi, ông Lerner cáo buộc rằng mạng lưới truyền thông này không thực sự muốn có bằng chứng.

Ông Lerner nói, “Chúng tôi biết điều đó bởi vì chúng tôi biết rằng IDF đã không tiến hành các hoạt động trong khu vực của họ — không phải bằng đường bộ, không phải bằng đường biển và không phải bằng đường hàng không. Chúng tôi biết điều đó vì các radar của chúng tôi đã xác định được quỹ đạo của hỏa tiễn khi chúng được phóng trên bầu trời của Bệnh viện al-Ahli. Tất cả những gì quý vị cần làm là bật đài Al Jazeera lên xem, đài này đã phát sóng trực tiếp vụ phóng… họ đã phát sóng quá trình hỏa tiễn này tấn công bên trong Dải Gaza”.

Đó là cuộc phóng hoả tiễn do nhóm Hồi Giáo Jihad thực hiện nhưng gặp trục trặc kỹ thuật và phát nổ. Nhóm Hồi Giáo Jihad này cùng phe với Hamas. Hamas đã vu cáo cho Israel đã bắn hoả tiễn vào Gaza. Nhưng hình ảnh radar đã chứng minh không phải hoả tiễn của Israel.