Tin Hoa Kỳ Tin Thế Giới

Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson Cam Kết Sẽ Tiếp Tục Cuộc Điều Tra

Tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) cho rằng Tổng thống (TT) Joe Biden đã nói dối về việc ông có liên quan đến công việc kinh doanh của gia đình mình và có che đậy. Ông Johnson đang nắm giữ quyền lực của chiếc búa chủ tịch, vị dân biểu đảng Cộng Hòa tiểu bang Louisiana này cam kết rằng cuộc điều tra đàn hặc tổng thống sẽ được tiếp tục.

dân biểu Mike Johnson (LA)
tân chủ tịch Quốc Hội

Ông Johnson đã đưa ra nhận định nói trên trong một cuộc phỏng vấn với ông Sean Hannity của Fox News hôm 26/10, trong đó ông nói rằng việc truất phế TT Biden là một điều có thể xảy ra vì có bằng chứng cho thấy tổng thống có liên quan đến hối lộ.

Ông Johnson nói, “Chúng tôi có giấy biên nhận về nhiều bằng chứng”, ông đề cập đến bằng các hồ sơ ngân hàng cho thấy hàng chục triệu dollar được trả cho các tập đoàn có vỏ bọc khác nhau, có liên quan đến các thành viên gia đình Biden, trong đó có con trai tổng thống, ông Hunter Biden.

Tuy rằng TT Biden phủ nhận không hề liên quan đến công việc kinh doanh của con trai mình, nhưng Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện do đảng Cộng Hòa đứng đầu đã công bố hơn 20 ví dụ về bằng chứng cho thấy tổng thống có liên quan đến các giao dịch kinh doanh của ông Hunter Biden.

Ông Johnson nói: “Ở đây có rất nhiều khói, và chúng ta sẽ biết đám cháy lớn đến mức nào”.

Cho đến nay, các hồ sơ thu được từ trát đòi của ủy ban này tiết lộ rằng gia đình Biden và các cộng sự của họ đã nhận được hơn 20 triệu USD tiền thanh toán từ nhiều tổ chức ngoại quốc, và ủy ban đã liệt kê những khoản tiền này theo dòng thời gian về việc “lợi dụng tầm ảnh hưởng để trục lợi” của gia đình Biden.


Các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Thừa Nhận Người Mỹ Không Mua Xe Điện

Trong tuần này (23-29/10), các giám đốc điều hành của General Motors, Ford, và Mercedes-Benz đã thừa nhận nhu cầu xe điện đang suy yếu, với một số giám đốc thông báo rằng họ sẽ rút lại mục tiêu chế tạo xe điện.

Hôm Thứ Năm (27/10), trong dịp họp báo và báo cáo tình hình đầu tư, giám đốc điều hành Ford Jim Farley nói, “Chắc chắn đây là một tình huống đầy thách thức”.

Ông nói, “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi chưa bao giờ thiếu sự thách thức, đặc biệt là hiện nay với sự phát triển của thị trường xe điện và các đối thủ toàn cầu mới từ Trung Cộng, cũng như sự gián đoạn về kỹ nghệ. Chúng ta phải cạnh tranh về mặt chi phí, khả năng chi trả đối với người tiêu dùng”.

Kết quả là công ty đã đình chỉ 12 tỷ USD chi tiêu về nỗ lực sản xuất xe điện.

Giám đốc tài chính John Lawler của Ford cho biết hôm thứ Năm (27/10), “Với môi trường xe điện năng động, chúng tôi đang thận trọng trong việc sản xuất và điều chỉnh công suất trong tương lai để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Như đã nói, chúng tôi đã thúc đẩy khoảng 12 tỷ USD chi tiêu cho xe điện, bao gồm chi phí tài sản cố định, đầu tư trực tiếp, và các chi phí khác”.

Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, Chủ tịch điều hành Bill Ford của Ford cho biết giá cao là nguyên nhân chính khiến công ty gặp khó khăn trong việc bán các xe điện. Ông nói, “Xe điện là đắt đỏ. Chúng tôi biết giá sẽ giảm và khi điều đó xảy ra, người ta sẽ sử dụng xe điện nhiều hơn”.

Trong một lá thư gửi các cổ đông tuần này, Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra cho biết, công ty của bà đang “giảm bớt tốc độ sản xuất xe điện ở Bắc Mỹ để bảo vệ giá thành của chúng ta”.

Bà giải thích lý do phải làm vậy là vì công ty phải “điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng chậm hơn trong thời gian ngắn, và thực hiện hiệu quả kỹ thuật cũng như các cải tiến khác để giúp chúng ta sản xuất phương tiện đi lại ít tốn kém hơn và có lợi nhuận cao hơn”.

Bà cũng nói với các nhà đầu tư rằng GM sẽ tạm dừng mục tiêu sản xuất 400,000 xe điện từ năm 2022 đến tháng 06/2024 do nhu cầu. Tuy nhiên, bà nói rằng GM cam kết đạt được mục tiêu riêng của mình là toàn bộ các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2035.

Barra nói với các nhà phân tích trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ Ba (25/10), “Khi chúng tôi tiến sâu hơn vào quá trình chuyển đổi sang xe điện, sẽ gặp một chút gập ghềnh, điều này không có gì bất ngờ. GM sẽ linh hoạt để bảo đảm sản phẩm và chúng tôi sẽ phù hợp nhu cầu của người mua”.


Phó TT Mike Pence Ngừng Tranh Cử Tổng Thống

Hôm thứ Bảy (28/10), tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo thường niên của Liên minh Do Thái Đảng Cộng Hòa ở Las Vegas, ông Pence cho biết ông đã quyết định chấm dứt cuộc tranh cử sau khi đi khắp đất nước trong sáu tháng qua.

cựu Phó Tổng thống
Mike Pence

Trên sân khấu, ông Pence nói rằng, “Tháng Sáu năm ngoái, tôi đã loan báo ý định chờ đợi sự đề cử của đảng Cộng Hòa cho ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, vì tôi tin rằng đất nước này đang gặp nhiều khó khăn. Sau đi khắp đất nước trong sáu tháng qua… tôi nhận thấy, đây không phải là thời điểm của tôi. Vì vậy, sau nhiều lời cầu nguyện và cân nhắc, tôi đã quyết định ngừng chiến dịch tranh cử tổng thống, có hiệu lực từ hôm nay”. Ông Pence nói thêm. “Tôi sẽ rời khỏi chiến dịch tranh cử này, nhưng tôi xin hứa với quý vị rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu tồn giá trị truyền thống, để bầu ra các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa xứng đáng, vào các cơ quan trên toàn quốc”.

Thông báo của ông Pence được đưa ra sau các kết quả thăm dò đầy thất vọng, và điều đó khiến ông trở thành ứng cử viên quan trọng đầu tiên rời khỏi cuộc đua, một cuộc đua mà lãnh đạo cũ của của ông đồng thời trở thành đối thủ của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, đang chiếm ưu thế.

Một cuộc thăm dò của Associated Press-NORC (Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng) được thực hiện hồi tháng Tám cho thấy phần lớn người Mỹ trưởng thành, khoảng 57% có quan điểm tiêu cực về ông Pence, chỉ có 28% có quan điểm tích cực về ông.

Quyết định này, hơn hai tháng trước cuộc họp ở Iowa mà ông đã đặt cược vào chiến dịch của mình, giúp ông Pence tránh khỏi sự bối rối khi không đủ điều kiện tham gia cuộc tranh luận sơ bộ lần thứ ba của Đảng Cộng Hòa, vào ngày 08/11 tại Miami.


IRS Tạm Dừng Các Chuyến Thanh Tra Bất Ngờ Tới Nhà Của Người Đóng Thuế

Tiểu ban “vũ khí hóa” do đảng Cộng Hòa lãnh đạo tại Quốc Hội cho biết trong một báo cáo mới rằng, tiểu ban đã áp lực Sở Thuế (Internal Revenue Service – IRS) chấm dứt chính sách “lạm quyền” cho phép nhân viên ghé thăm bất ngờ nhà người đóng thuế.

Báo cáo do Tiểu Ban Đặc Biệt Về Vũ Khí Hóa Chính Phủ Liên Bang công bố cho biết hôm 27/10: “Sự giám sát của Ủy ban và Tiểu ban Đặc biệt đã tiết lộ và dẫn đến việc IRS nhanh chóng kết thúc việc vũ khí hóa các thanh tra không báo trước nhằm quấy rối, đe dọa, nhắm mục tiêu vào người đóng thuế”.

Họ cho biết thêm, “người đóng thuế giờ đây có thể yên tâm rằng IRS sẽ không đến gõ cửa mà không thông báo trước — điều mà đáng lẽ là thông lệ của IRS từ lâu”.

Vào tháng Bảy, khi IRS tuyên bố chấm dứt hầu hết các chuyến thăm không báo trước của đặc vụ tới nhà người Mỹ, cơ quan này đã viện dẫn những lo ngại về an ninh liên quan đến nhân viên đang công tác cũng như người đóng thuế.

IRS cho biết hồi tháng Bảy rằng họ sẽ chấm dứt hầu hết các chuyến thăm trực tiếp bất ngờ của các đặc vụ đến nhà người đóng thuế.

Hành động này đã đảo ngược chính sách hàng chục năm qua. Các viên chức thuế IRS gõ cửa nhà người đóng thuế mà không báo trước để đòi giải quyết các vấn đề nợ thuế quá hạn.

Vào thời điểm đó, IRS cho biết họ đã thay đổi chính sách nhằm giảm nguy cơ những chuyến thăm nhà bất ngờ gây lo lắng của các cơ quan thực thi thuế có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, có thể gây nguy hiểm cho cả người đóng thuế và nhân viên của IRS.

Theo IRS, kinh nghiệm cho thấy những cuộc gõ cửa không báo trước tại nhà và cơ sở kinh doanh là những cuộc gặp gỡ có rủi ro cao, với các đặc vụ thường xuyên phải đối mặt với “những mối nguy hiểm” trong những chuyến thăm bất ngờ.

Những chuyến thăm không báo trước cũng tạo ra cái mà IRS gọi là “sự nhầm lẫn của công chúng” và gây ra rủi ro cho sự an toàn của người đóng thuế.

Ủy viên IRS Danny Werfel cho biết trong một tuyên bố, “Những chuyến thăm này tạo thêm lo lắng cho những người đóng thuế vì không biết có phải gặp kẻ lừa đảo hay không. Đồng thời, có khi nhân viên IRS gặp phải những trường hợp gây căng thẳng cho chủ nhà. Đây là thời điểm thích hợp để kết thúc việc này”.

Thay vì gõ cửa không báo trước, các đặc vụ IRS sẽ gửi thư cho người đóng thuế để hẹn ngày gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, IRS cho biết cũng có trường hợp sẽ có các chuyến thăm không báo trước.

 “Những trường hợp hiếm có này có thể là tống đạt giấy triệu tập và trát đòi hầu tòa, cũng như các hoạt động liên quan đến việc tịch thu tài sản, đặc biệt là những tài sản có nguy cơ bị đặt ngoài tầm với của chính phủ”.

Theo cơ quan IRS, trước đây, mỗi năm có hàng chục ngàn lượt nhân viên IRS đến nhà người đóng thuế không báo trước.


Hoa Kỳ công bố những biện pháp trừng phạt đối với ai trợ giúp của Hamas

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố một đợt trừng phạt mới nhắm vào các đại diện và tổ chức có liên hệ với Hamas trong nỗ lực cắt nguồn tài trợ của nhóm khủng bố này sau cuộc tấn công tàn bạo vào Israel.

quân binh Hồi Giáo – Hamas

Các lệnh trừng phạt mới, được công bố hôm 27/10, dựa trên những lệnh trừng phạt được ban hành hồi đầu tháng này, mở rộng danh sách các tổ chức bị nhắm đến, bao gồm một đại diện của Hamas ở Iran và các thành viên của Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, cùng những người khác.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Wally Adeyemo cho biết: “Hành động ngày hôm nay cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ đối với việc phá hủy các mạng lưới tài trợ của Hamas, bằng cách sử dụng các quyền trừng phạt chống khủng bố của và phối hợp với các đối tác toàn cầu của chúng ta để ngăn chặn khả năng khai thác hệ thống tài chính quốc tế của Hamas”.

Văn phòng Kiểm Soát Tài Sản Ngoại Quốc của Bộ Ngân Khố nói thêm rằng các tổ chức mới này cũng cho thấy rõ vai trò quan trọng của Iran trong việc trợ giúp Hamas về mặt tài chính, tiếp vận, và hoạt động.

Trong số những cá nhân mới bị nhắm đến có ông Khaled Qaddoumi, một công dân Jordan là đại diện của Hamas tại Iran, cũng như một vài thành viên của Lực Lượng Dân Quân Tự Vệ-Quân Đoàn Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo, vốn đã huấn luyện và giúp đỡ những kẻ khủng bố Hamas.

Theo đợt trừng phạt mới nhất được công bố hôm 18/10, Hiệp hội Từ Thiện Al-Ansar có trụ sở tại Gaza dành cho gia đình các chiến binh Hamas và Palestine Islamic Jihad (PIJ) (Thánh Chiến Hồi Giáo – nhóm chiến binh Hồi Giáo Sunni, chủ trương tiêu diệt Israel), cũng như ba công ty đầu tư thuộc sở hữu của ông Abdelbasit Hamza Elhassan Mohamed Khair, một nhà tài phiệt của Hamas tại Sudan, đều bị trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt khác cũng được áp dụng đối với những người trợ giúp các chương trình hỏa tiễn và phi cơ không người lái của Iran. Hình phạt này sẽ đóng băng những tài sản tại Hoa Kỳ của những đối tượng bị nhắm đến và ngăn các tổ chức tài chính hoặc cá nhân nào tham gia vào các giao dịch với họ.


Trung Cộng Cam Kết Ủng Hộ Iran Trong Bối Cảnh Chiến Tranh Giữa Israel Và Hamas

Thủ tướng Trung Cộng Li Keqiang cho biết hôm thứ Năm (26/10), Trung Cộng sẽ “ủng hộ vững chắc” cho Iran trong việc bảo vệ “chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, và phẩm giá quốc gia” trong bối cảnh Israel và Hamas đang có chiến tranh.

Li Qiang đã đưa ra nhận xét như vậy trong cuộc gặp với phó tổng thống thứ nhất của Iran, ông Mohammad Mokhber, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, hôm 26/10.

Ông ca ngợi “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” giữa Trung Cộng và Iran, nói rằng hai nước đã duy trì mối bang giao song phương trong hơn 50 năm bất chấp “tình hình quốc tế có nhiều biến động”.

Theo một tuyên bố của Toà Đại Sứ Trung Cộng tại Ấn Độ, thì Li Qiang tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Cộng dành cho Iran và nói rằng Trung Cộng “kiên quyết phản đối những sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Iran”.

Tuyên bố nêu rõ, “Hai bên nên thực hiện kế hoạch hợp tác toàn diện, thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường, tăng cường hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực cũng như trao đổi văn hóa và giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các lãnh vực như giáo dục, văn hóa, du lịch và các tổ chức tư vấn, đồng thời làm việc vì những thành tựu mới và bền vững trong hợp tác Trung Quốc-Iran”.

Li Qiang cũng cam kết tăng cường phối hợp với Iran trong các tổ chức quốc tế, nhưng không đề cập đến căng thẳng leo thang ở Trung Đông — vốn được thúc đẩy bởi cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra.

Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Iran trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố chưa từng có của Hamas nhắm vào Israel vào ngày 07/10, nhưng chế độ Hồi Giáo này luôn luôn là thủ phạm yểm trợ Hamas.

Một ngày sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, ông Abu Obaidah, phát ngôn viên của Lữ đoàn Al-Qassem của Hamas, có lời khen ngợi Iran vì đã giúp vụ thảm sát này trở nên khả thi.

Trong một video, ông Abu Obaidah nối, “Chúng tôi cảm ơn Cộng hòa Hồi giáo Iran đã cung cấp cho chúng tôi vũ khí, tiền bạc, và các thiết bị khác. Họ đã cung cấp cho chúng tôi phi đạn để phá hủy các pháo đài của Israel và giúp chúng tôi có hỏa tiễn chống xe tăng”.

Theo một báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Hamas và các nhóm khủng bố khác của Palestine đã nhận được tổng cộng tới 100 triệu USD mỗi năm từ Iran.

Năm ngoái (2022), Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh nói với hãng truyền thông Al-Jazeera rằng Iran đã chi ra 70 triệu USD để giúp nhóm này phát triển phi đạn và hệ thống phòng thủ.

Trong khi đó, Trung Cộng đã không lên án cuộc tấn công tang thương của Hamas nhắm vào Israel. Vào ngày 24/10, Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) đã gọi cuộc xung đột này là “sự lựa chọn quan trọng giữa chiến tranh và hòa bình”.

Ông Gabriel Noronha, một thành viên tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia Do Thái Hoa Kỳ, cho biết Trung Cộng “đã cung cấp huyết mạch kinh tế” cho Iran bằng cách mua lượng dầu thô trị giá ước tính 30 tỷ USD từ Iran vào năm ngoái và “dự định ​​mua nhiều hơn nữa vào năm 2023”.

Ông nói, việc này rất quan trọng đối với những nỗ lực của Iran nhằm tự bảo vệ mình khỏi bị tác động bởi các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Ông Gabriel Noronha nói trước Ủy ban Dịch Vụ Tài Chính Hạ Viện hôm 26/10 rằng, “Chế độ Iran đang tìm cách ra khỏi sự cô lập bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Tây phương bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và Trung Cộng”.

Theo ông Noronha, Iran đã cung cấp hơn 20 tỷ USD để ủng hộ các nhóm khủng bố ở Trung Đông và cung cấp cho Hamas khoảng 93% ngân sách quân sự.


Trung Cộng Cung Cấp Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Cho Iran Để Đổi Lấy Dầu

Quốc hội Hoa Kỳ cho biết giới lãnh đạo Trung Cộng có thể đang rửa tiền cho Iran thông qua việc mua dầu thô và các giao dịch trao đổi hàng hóa.

Ông Gabriel Noronha, một thành viên tại Viện Do Thái Vì An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, cho biết, Trung Cộng “đã cung cấp huyết mạch kinh tế” cho Iran để Iran ủng hộ các tổ chức khủng bố Hồi Giáo.

Ông cho rằng nỗ lực này rất quan trọng đối với những nỗ lực của chính quyền Tehran nhằm tự bảo vệ mình khỏi tác động của các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Trong văn bản làm chứng trước Ủy Ban Dịch Vụ Tài Chính Hạ Viện hôm 26/10, ông Noronha cho biết: “Chế độ cầm quyền Iran đang tìm cách tự tách mình ra khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Tây phương bằng cách tăng cường liên kết kinh tế với Nga và Trung Quốc. Trong năm 2022, Trung Quốc đã mua khoảng 30 tỷ USD dầu thô từ Iran và dự định sẽ mua nhiều hơn nữa trong năm 2023”.

Sau khi Hamas, tổ chức được Tehran hậu thuẫn, thực hiện cuộc tấn công kinh hoàng vào Israel hồi đầu tháng này, các đối tác kinh tế của Iran đã bị giám sát chặt chẽ.

Ông Noronha cho biết, chế độ Hồi Giáo cầm quyền ở Tehran đã cung cấp hơn 20 tỷ USD để tài trợ cho các nhóm khủng bố ngoại quốc ở Trung Đông cũng như cung cấp cho Hamas khoảng 93% ngân sách quân sự của tổ chức này.

Phần lớn số tiền đó đến từ việc bán dầu cho Trung Cộng. Một báo cáo năm 2022 cho thấy Trung Cộng bắt đầu nhập cảng dầu của Iran với số lượng cao kỷ lục sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng.

Do đang tìm cách thiết lập lại thỏa thuận hạch tâm dưới thời chính phủ Tổng thống Obama với Iran, nên chính phủ ông Biden đã không thực thi các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Cộng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi thỏa thuận đó không thành công, chính phủ ông Biden bắt đầu trừng phạt các công ty được biết là vi phạm lệnh trừng phạt, nhưng lại không trừng phạt chính chế độ Trung Cộng.

Phản ứng hạn chế của Hoa Kỳ như vậy đã không ngăn được Trung Cộng khai thác nhu cầu về dòng tiền của Iran.

Chế độ cầm quyền Trung Cộng đã ngừng công bố dữ kiện về việc nhập cảng dầu của Iran vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một báo cáo tình báo cho thấy Trung Cộng hiện đang nhập cảng dầu của Iran với số lượng cao nhất trong 10 năm qua.

Trung Cộng có thể nhập cảng một lượng lớn dầu của Iran thông qua các “nhà máy lọc dầu ấm trà” (teapot refineries – tên lóng của các nhà máy sơ chế dầu thô chứ không phải các sản phẩm cao cấp hơn) thuộc sở hữu tư nhân, với lượng dầu mua của Iran là 95%.

Ông Noronha nói rằng số tiền đó có thể giúp rửa tiền cho Iran một cách hiệu quả thông qua nhiều tổ chức không bị trừng phạt, cho phép cả Tehran và Bắc Kinh đều được hưởng lợi.

Ông Noronha cho hay, “Giờ đây, họ có thể đang rửa số tiền đó thông qua Trung Cộng để thoát được mọi miễn trừ nhân đạo”.

Trung Cộng lách các lệnh trừng phạt bằng các giao dịch trao đổi hàng hóa. Có bằng chứng cho thấy chính Trung Cộng đang giúp đỡ Iran bằng sự trợ giúp trực tiếp hơn mà không bị trừng phạt. Chẳng hạn, các tổ chức thuộc sở hữu của Trung Cộng dường như đang thực hiện các thỏa thuận trao đổi hàng hóa với Iran, nhằm tránh hoàn toàn nhu cầu giao dịch tiền tệ có thể bị trừng phạt.

Ví dụ, hồi tháng Tám, Tasnim News Agency, một cơ quan truyền thông liên kết với Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, cho biết rằng Trung Cộng sẽ cung cấp khoản tài trợ hiện đại hóa cho phi trường lớn nhất Iran trị giá 2.5 tỷ Euro. Tuy nhiên, bản tin của Tasnim News Agency cho biết, thay vì được trả bằng tiền mặt và có thể bị trừng phạt, Trung Cộng đã được thanh toán bằng dầu mỏ.

Ông Noronha cho biết: “Chúng ta đang thấy bằng chứng về các thỏa thuận trao đổi hàng hóa số lượng lớn mà trong đó Bắc Kinh đã trả tiền dầu mỏ dưới hình thức là các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ dollar, chẳng hạn như dự án tái phát triển phi trường quốc tế Tehran trị giá 2.7 tỷ USD được công bố hồi cuối tháng Tám”.


TT Biden Gặp Nhà Ngoại Giao Hàng Đầu Trung Cộng

Hoa Thịnh Đốn — Hôm 27/10, Tổng thống Joe Biden đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Cộng là Wang Yi (Vương Nghị) trong dịp được nhiều người coi là mở đường cho một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, có thể diễn ra trong tháng tới.

Cuộc hội đàm diễn ra trong chuyến công du ba ngày lần thứ hai của Ngoại trưởng Trung Cộng tới Hoa Thịnh Đốn, đánh dấu cuộc hội đàm mới nhất trong một loạt những cuộc trao đổi song phương cao cấp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng khi hai cường quốc này tìm cách ổn định mối bang giao trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.

Theo một bản thông tin, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden “nhấn mạnh rằng cả Hoa Kỳ và Trung Cộng cần kiểm soát sự cạnh tranh trong mối bang giao này một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”. Bản tin còn cho biết tổng thống Biden “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng phải hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Cuộc gặp là một hoạt động có đi có lại sau cuộc trò chuyện của Tập Cận Bình với Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng Sáu. Chuyến công du đó của ông Blinken đã đưa ông trở thành nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Trung Cộng dưới thời chính phủ Tổng thống Biden.

Tổng thống Biden cũng gửi lời chia buồn trước việc cựu Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) qua đời tại Thượng Hải hôm thứ Sáu (27/10). Lý qua đời sau vài tháng nghỉ hưu, khiến cho các nhà quan sát trong và ngoài Trung Cộng đều bất ngờ.

Một ngày trước đó, viên chức ngoại giao Trung Cộng này đã gặp ông Blinken, khi đó ông đã kêu gọi đối thoại “sâu rộng và toàn diện” để giải quyết những gì mà ông mô tả là “những bất đồng”, “khác biệt”, và “những lợi ích chung”.

Ông dự định sẽ gặp cố vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan vào cuối ngày thứ Sáu.

Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang bất đồng về các vấn đề như nhân quyền, Đài Loan, và Biển Đông. Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự thất vọng trước lập trường của Trung Cộng về cuộc chiến Nga-Ukraine, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas.

Các viên chức Hoa Kỳ đã và đang tìm cách tạo thuận tiện cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương sắp tới ở San Francisco. Lần gần đây nhất Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ là hồi năm 2017, khi cựu Tổng thống Donald Trump tiếp đón tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Tổng thống Biden đã gặp ông Tập trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022, mặc dù cả hai ông vẫn chưa có cuộc hội đàm nào tại Hoa Kỳ.


Đằng Sau Sự Chỉ Trích Của Trung Cộng Là Nghị Trình Chống Mỹ

Gần đây, Ngoại trưởng Trung Cộng Wang Yi đã nói rằng phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào hôm 07/10 đã đi quá xa. Kể từ cuộc tấn công của Hamas, sự im lặng của Trung Cộng rất đáng chú ý vì Trung Cộng đã tránh né việc lên án tổ chức khủng bố Hamas. Đến hôm 14/10, Wang Yi lại đưa ra tuyên bố trực tiếp chỉ trích phản ứng của Israel, cho thấy lập trường đối nghịch của Trung Cộng đối với cuộc xung đột Israel-Hamas.

Một chuyên gia về Trung Cộng cho rằng, đằng sau lời tuyên bố của ông Wang là quan điểm nhất quán của Trung Cộng là chống Mỹ và chống Tây phương.

Hôm 07/10, hàng trăm kẻ khủng bố Hamas đã vượt qua hàng rào biên giới của Israel để thực hiện các vụ thảm sát đẫm máu ở hơn 20 thị trấn và khu vực lân cận, thiêu rụi nhà cửa và tàn sát dân làng, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Đã có xác nhận rằng hơn 1,400 binh sĩ và thường dân Israel thiệt mạng.

Đến ngày 13/10, tại một cuộc họp báo sau khi Cuộc Đối Thoại Chiến Lược Cao Cấp giữa Trung Cộng -Liên minh Âu Châu kết thúc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Palestine-Israel là khát vọng thành lập nhà nước chưa thành hiện thực của người Palestine.

Ông nói, “Israel có quyền trở thành một nhà nước thì Palestine cũng vậy. Người Israel được sự bảo vệ để sinh tồn, nhưng ai sẽ quan tâm cho sự sống còn của người Palestine? Dân tộc Do Thái không còn là dân tộc lưu lạc trên thế giới, nhưng khi nào dân tộc Palestine mới trở về được ngôi nhà của mình?”.

Sang ngày hôm sau, khi nói chuyện với ông Faisal bin Farhan Al Saud, người đồng cấp của Saudi Arabia, Wang Yi cho biết các hành động của Israel đã “vượt quá hành động tự vệ”.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo Chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói rằng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm hài lòng các đồng minh của Trung Cộng ở Trung Đông.

Ông nói, “Các nhà lãnh đạo Israel hãy nhớ rằng hai ‘thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình’ gần đây nhất hoàn toàn là giúp Hamas sống sót và tấn công trở lại”.

Được thành lập vào năm 1987, Hamas là một tổ chức chống Do Thái mà mục tiêu là tiêu diệt Israel. Hamas đã biến Gaza thành căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại Israel.

Hamas kêu gọi người Palestine không nên di tản khi Israel phản công. Hamas còn cản trở các nỗ lực di tản. Trong khi đó, Israel đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ thường dân Palestine, chẳng hạn như thả truyền đơn và cảnh báo thường dân rời khỏi các mục tiêu quân sự trước khi Israel thực sự tấn công.

Vào hôm thứ Ba (24/10), ông Tom Tugendhat, Bộ trưởng An Ninh Vương Quốc Anh, nói với Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi biết rằng Hamas đang sử dụng thường dân Palestine vô tội làm lá chắn sống; họ đã trà trộn vào các cộng đồng thường dân”.

Trong cuộc tấn công vào Israel hôm 07/10, Hamas đã tiến hành một vụ thảm sát tại một lễ hội âm nhạc, cưỡng gian phụ nữ, và bắt trẻ sơ sinh cũng như người cao niên làm con tin.

Tuy nhiên, trước những cuộc tấn công do một tổ chức khủng bố khởi xướng như vậy, thì Trung Cộng lại thẳng thừng yêu cầu Israel hãy “kiềm chế” và chấm dứt “các hành động thù địch”.

Ông Anders Corr, chủ báo của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk) đồng thời là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Israel nên hiểu ra rằng Trung Cộng không phải là một người bạn thực sự”.

Ông Schuster cho biết rằng các chính sách của Trung Cộng ở Trung Đông xuất phát từ sự chống đối các chính sách của Tây phương, đặc biệt là của Hoa Kỳ.

Hồi tháng 02/2023, khi Tây phương trừng phạt Iran vì Iran phát triển vũ khí hạch tâm, chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Iran để tỏ sự ủng hộ của Trung Cộng đối với chế độ cầm quyền Iran.

Tập Cận Bình và Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran đã tham dự lễ ký kết 20 thỏa thuận hợp tác bao gồm thương mại và du lịch, bổ sung vào thỏa thuận chiến lược 25 năm trước đó, vốn được ký vào năm 2021 để hợp tác về dầu mỏ, công nghiệp, và các hoạt động phát triển khác.

Bắc Kinh cũng duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế thân thiện với Syria — đất nước đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt. Hồi tháng Chín, Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Bashar Assad của Syria, tiếp đãi ông bằng một cuộc đón tiếp trang trọng và tuyên bố: “Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Cộng và Syria sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử bang giao song phương, tiếp nối từ quá khứ và mở tới tương lai”.


Israel Khởi Động Giai Đoạn 2 Của Cuộc Chiến Gaza Bằng Hoạt Động Trên Bộ

JERUSALEM — Hôm thứ Bảy (28/10), Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết các lực lượng Israel đã bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc chiến ở Gaza khi họ tiến hành các hoạt động trên bộ chống lại những kẻ khủng bố Hamas đang cai trị vùng đất Palestine.

Israeli forces going in Gaza
(photo: Washington Post)

Các phản lực cơ của Israel đã thả thêm bom; các chỉ huy quân sự cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ được tuyên bố từ lâu chống lại những kẻ khủng bố Hamas.

Tại một cuộc họp báo ở Tel Aviv, ông Netanyahu cảnh báo rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài và cam go, đồng thời nhắc lại rằng Israel kêu gọi thường dân Palestine di tản khỏi phía bắc Dải Gaza nơi Israel đang tập trung tấn công.

Ông cam kết sẽ thực hiện mọi nỗ lực để giải cứu hơn 200 con tin bị nhóm khủng bố Hamas bắt giữ. Ông Netanyahu nói với các phóng viên: “Đây là giai đoạn thứ hai của cuộc chiến với mục tiêu rất rõ ràng — nhằm tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas cũng như đưa các con tin về nước”.

Israel đã phong tỏa và oanh tạc Gaza trong ba tuần sau cuộc tấn công hôm 07/10 của Hamas. Cuộc tấn công của Hamas đã khiến 1,400 người Israel thiệt mạng, đánh dấu ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của quốc gia này.

Các quốc gia Tây phương nhìn chung ủng hộ điều mà họ cho là quyền tự vệ của Israel nhưng cộng đồng quốc tế lại lo ngại về số người thiệt mạng do bị đánh bom và ngày càng có nhiều lời kêu gọi đình chiến để thường dân ở Gaza có thể nhận viện trợ.

Các viên chức y tế tại Dải Gaza nói rằng, đã có 7,650 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch tiêu diệt phản công của Israel. Tuy nhiên, đó là tin tức do Hamas cung cấp và chưa được kiểm chứng. Dải Gaza có 2.3 triệu dân, do Hamas cai trị.

Dân chúng ở Dải Gaza, nhưng người không di tản theo lời báo trước của quân Israel trước khi phản công, đang lâm vào cảnh thiếu lương thực, nước, nhiên liệu, và thuốc men. Hoàn cảnh của họ trở nên xấu đi kể từ tối thứ Sáu (27/10) khi dịch vụ điện thoại và internet bị cắt — theo sau là các vụ oanh tạc dữ dội suốt đêm.

Chưa có một dấu hiệu về một cuộc hành quân quy mô vào Gaza, nhưng Israel cho biết quân đội được gửi đến Gaza vào tối hôm thứ Sáu, tập trung vào cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống đường hầm rộng khắp do Hamas xây dựng.

Bài liên quan:
  • Nhật Bản có thể là nơi trú ẩn rủi ro Trung Quốc trong bao lâu?
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/5/2024. Israel-Hamas sẽ ngừng bắn? Số phận của con tin Do Thái? TC tấn công tàu tuần duyên Philippines: Bão lớn trên Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trung Quốc thực sự có bao nhiêu đòn bẩy trước Iran?
    Christina Lu
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 4/5/2024. Khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có ở VN: Từ ‘Đốt lò’ sang ‘Đốt nhà’! Công an nắm quyền?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi