Sơn Hà (March-2024)

Tucker Carlson phỏng vấn TT Putin
(photo: Kremlin.ru)

Sau khi nhà báo Tucker Carlson cho phổ biến video phỏng vấn Tổng thống Vladimir Putin, thì lập tức giới báo chí Tây Phương có phản ứng bất bình. Một phần vì nội dung mang tính tuyên truyền và bào chữa cho cuộc chiến Nga-Ukraine, dành lẽ phải cho Nga. Chủ tâm gây tác hại cho tinh thần yểm trợ của thế giới Tây Phương dành cho Ukraine. Cuộc phỏng vấn được thực hiện dưới dạng truyền hình và được truyền đi qua các mạng xã hội bằng Internet, vào ngày 6-Feb-2024 vừa qua.

Các hệ thống truyền thông của Âu Châu không lấy làm lạ về những điều tổng thống Putin phát biểu trong phần phỏng vấn này. Trong khi dư luận và truyền thông tại Mỹ thì gần như bị trúng “hàn chưởng” của Putin: Nga đánh chiếm các phần đất ở miền đông Ukraine và bán đảo Crimea là việc “phải làm vì an ninh của Nga”.

Nhận Xét Của Báo Economist Xuất Bản Tại Anh Quốc

Báo Economist số ra ngày 09-Feb-2024, bài bình luận về cuộc phỏng vấn của ký giả Tucker Carlson đã thực hiện ba hôm trước đó, phỏng vấn tổng thống Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moscow. Bài bình luận có nhan đề: “The real message of Vladimir Putin’s chat with Tucker Carlson”, đưa ra mấy điểm nhận xét rất gay gắt. Viết rằng, Putin là người không đáng tin cậy và Carlson đã tặng cho Putin nhiều cơ hội để nhồi sọ người dân Nga và tuyên truyền trong thế giới Tây Phương.  

Từ câu hỏi đầu tiên Tucker Carlson ném ra cho Putin cái phao về sự đe doạ của NATO và Mỹ đối với Nga, đã được Putin chộp lấy cơ hội để hồi đáp bằng bài học lịch sử từ thế kỷ thứ 9, dài 30 phút. “His first question was about the threat posed to Russia by NATO and America; President Putin’s response was a disquisition on Rurik, a Varangian chieftain of the ninth century, and the medieval reign of Yaroslav the Wise”.

Phần đáp trả này đủ để cho Putin tự vẽ mình thành một vị tổng thống nước Nga là người theo chủ nghĩa thực dụng, là một chiến sĩ da trắng trung thành với chủ nghĩa quốc gia theo Thiên Chúa Giáo. Hình ảnh Putin có vẻ gần gũi với người Mỹ da trắng Thiên Chúa Giáo tại Hoa Kỳ (?).

Cuộc phỏng vấn có độ dài bất thường, với nhiều cơ hội, nhưng ký giả Tucker Carlson đã không đặt được những câu hỏi hóc búa để đẩy Putin vào thế kẹt, khiến cho giới báo chí thất vọng. Dù Tucker thường bị xem là nhà báo có tính khiêu khích nhưng khi gặp Putin lại ngồi lặng người ngồi nghe Putin giảng bài học lịch sử. Báo chí tiếc rằng Tucker Carlson không nhân cơ hội để đòi tự do cho các đồng nghiệp của mình đang bị giam tại nước Nga.

The Economist cho rằng, tổng thống Putin nói láo trắng trợn. Putin bảo rằng, ông phát động cuộc tấn công vào Ukraine đầu năm 2022 là để ngăn chặn cuộc chiến mà Ukraine đã bắt đầu hồi năm 2014, và Nga đã tỏ thiện chí bằng cách đã rút quân ra khỏi Kyiv. Rồi ông ta lại nói rằng, tổng thống Zelenskyy của Ukraine là người mang giòng máu Do Thái, là người hiếu chiến và thúc đẩy tư tưởng Đức Quốc Xã ở Ukraine.

The Economist cho rằng, “Mr Carlson, who mixed up Ukraine’s revolution of 2014 with an earlier one, was unwilling or unable to challenge such falsehoods. Nor did he raise Russian war crimes, including those of which Mr Putin personally stands accused, or the repression of domestic critics such as Alexei Navalny”. Có vẻ Carlson đã bị lẫn lộn cuộc nổi dậy hồi năm 2014 với cuộc nổi dậy trước đó ở Ukraine cho nên không thể đặt câu hỏi để vạch trần sự dối trá của Putin. Và Carlson đã không lên án Nga đã gây ra tội ác chiến tranh, kể cả tội ác mà chính ông Putin có trách nhiệm về các vụ đàn áp đối lập tại Nga, chẳng hạn như Alexei Navalny.

Nói cho cùng, Carlson có đòi tự do cho một nhà báo Mỹ đang bị giam giữ tại Nga là Evan Gershkovich (ký giả của Wall Street Journal), nhưng Putin chỉ ậm ừ chưa trả lời dứt khoát.

Lời Than Thở của Radio Free Europe/ Radio Liberty

Đài Tiếng Nói Tự Do Âu Châu (Radio Free Europe), trong bài phê bình phổ biến ngày 8.Feb.2024, “Putin Interview With U.S. Commentator Tucker Carlson Sharply Criticized As Propaganda Platform”, không ngần ngại cho rằng, Tucker đã bày biện sân khấu cho tổng thống Putin tự do tuyên truyền. Và theo Radio Free Europe, nếu để cho kẻ thù tuyên truyền tức là tiếp tay gây nguy hại cho nền an ninh quốc gia.

Đài phát thanh Radio Free Europe/Radio Liberty (viết tắt RFE/RL) có trụ sở chính tại Prague, Tiệp Khắc, phát thanh hướng về những nước Ukraine, Russia, Belarus, Afghanistan, Iran, và các quốc gia ở Trung Á, được xem là các quốc gia thiếu thông tin trung thực.

Theo Radio Free Europe/Radio Liberty, hầu hết những gì Putin nói ra đều mang tính của Thuyết Âm Mưu, gieo vào đầu độc giả và thính giả khắp nơi, rằng nước Nga đang bị NATO và Mỹ dồn vào chân tường nên phải hành động để thoát thân. Cuộc phỏng vấn này đem lời của Putin rao truyền ở thế giới tự do để bào chữa cho cuộc xâm lăng trắng trợn bằng 20 vạn quân với xe tăng và súng ống hạng nặng, tấn công vào đất nước Ukraine.

Giới báo chí trên thế giới thắc mắc, tại sao lâu nay tổng thống Putin không nhận lời phỏng vấn của bất cứ nhà báo nào của Tây Phương. Nay lại nhận lời của Tucker Carlson, mà chỉ để quanh quẩn nói về cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine, đã diễn ra gần hai năm trước. Phải chăng đây cơ hội ngàn năm một thuở cho Putin tuyên truyền với thế giới rằng, Nga không xâm lăng mà chỉ đem quân bảo vệ người dân Nga đang bị Ukraine đàn áp. Và Putin đã tự sơn phết cho ông thành nhà lãnh đạo vĩ đại của nước Nga.

Bởi vì cuộc phỏng vấn được diễn ra đúng lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang cân nhắc có nên chấp thuận ngân sách 60 tỷ Đô La viện trợ quân sự cho Ukraine không, rồi lan ra sẽ làm chao đảo tinh thần chiến đấu của Ukraine, cũng là điều ông Putin mong mỏi. Ông Putin thừa biết người dân Mỹ sẽ sớm mệt mỏi với chiến tranh. Vì thế ông ta sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến để người Mỹ mệt mỏi và sẽ phản đối việc Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ukraine. Tình trạng này đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử Hoa Kỳ.

Lợi dụng dịp này, Putin gởi vào cuộc phỏng vấn lời kêu gọi Mỹ hãy ngừng viện trợ quân sự và gây sức ép để Kiev ngừng chiến tranh và đàm phán với Nga.

Rồi vùng đất Nga đã chiếm của Ukraine được giải quyét ra sao? Xã tắc sẽ như thế nào, thì Putin không đề cập đến, và Tucker cũng không hề nhắc đến. Hay video đã bị cắt xén?

Radio Free Europe/Radio Liberty cũng tiếc rằng, Tucker Carlson không hề nói đến vụ Toà Án Hình Sự Quốc Tế lên án Putin là tội phạm chiến tranh, và đáng lẽ không nên phỏng vấn một người chủ trương chiến tranh và đang giam giữ các nhà báo và phóng viên của thế giới tự do. Ít nhất, Tucker nên đòi Putin trả tự do cho nhà báo và phóng viên người Mỹ như Evan Gershkovich của Wall Street Journal và phóng viên Alsu Kurmasheva của RFE/RL.

Sự việc đàn áp các nhân vật đối lập như Aleksei Navalny và Vladimir Kara-Murza, không phải là chuyện bí mật. Đàn áp đối lập tại Nga là chuyện có thật và được diễn ra công khai thì Tucker ngại gì mà không hỏi?

Báo POLITICO nói gì?

Politico là cơ quan thông tấn chuyên phổ biến các tin tức, quan điểm chính trị, các chính sách và hoạt động của chính quyền. Politico cũng là một tạp chí chuyên chở những bài phân tích các vấn đề của xã hội Hoa Kỳ.

Trước khi được xem cuộc phỏng vấn Putin của Carlson, bài viết của ký giả Maura Reynolds đăng trên Politico ngày 8.Feb.2024, đưa ra các dự đoán về nội dung cuộc phỏng vấn. Bài viết nhan đề: “What Putin Wants to Get Out of Tucker Carlson”. (Putin sẽ muốn rút tỉa gì từ Tucker Carlson). Tựa là vậy nhưng ý là “Qua Tucker Carlson, Putin sẽ gởi gì ra bên ngoài”.

Maura Reynolds viết, “One journalist who did gain this kind of access to Putin was Lionel Barber, the editor of the Financial Times until 2020. Barber, together with a Moscow-based colleague, spent more than an hour and a half interviewing Putin in the Kremlin in July 2019. He recalls quite an experience, being kept waiting for hours until nearly midnight while aides played mind games to unnerve him.

“Barber’s interview broke new ground, eliciting answers from Putin that revealed how his worldview was changing, and how his hostility to the West was growing. It remains to be seen whether Carlson does something similar — uses the interview the way a journalist would, to draw out new information — or whether he and Putin are both seeking to promote a similar political agenda”.

(Một nhà báo có cơ hội gặp gỡ Putin giống như vậy, là Lionel Barber, ký giả làm việc cho Financial Times cho đến năm 2020. Barber cùng với một đồng nghiệp ở Moscow đã thực hiện cuộc phỏng vấn một tiếng rưỡi với Putin tại Điện Kremlin vào tháng 7 năm 2019. Ông nhớ lại kinh nghiệm ly kỳ, phải chờ đợi hàng giờ cho đến gần nửa đêm và bị các nhân vật tay chân của chế độ chơi trò cân não khiến cho ông mất bình tĩnh.

Cuộc phỏng vấn của Barber đã tạo ra một nền tảng mới, khều cho Putin tiết lộ cái thế giới quan của ông ta và thái độ thù địch đối với Tây Phương ngày càng gia tăng như thế nào. Để xem liệu Carlson có làm điều gì tương tự hay không – sử dụng cuộc phỏng vấn theo cách của một nhà báo, để rút ra thông tin mới – hay để cho Putin thúc đẩy một chương trình hành động tương tự).

Maura Reynolds đặt câu hỏi, liệu Tucker Carlson có làm được gì khác hay chỉ là bổn cũ diễn lại như Barber đã gặp trước đây?

Quả thật, đúng như Maura đã tiên đoán, những gì tổng thống Putin trả lời và những gì Carlson phỏng vấn không khác gì cuộc phỏng vấn do Lionel Barber đã thực hiện hồi năm 2019. Maura thuật lại nhận xét của Barber trước khi xem video của Carlson:

“… if you think about the timing, the military aid package in Washington is up for grabs; it’s being held hostage by a small number of Republicans, MAGA Republicans, Trumpists. This is a moment that Putin has calculated that he can use this interview to appeal to that audience. And lastly, to appeal to a Western audience, some of whom will be definitely ignorant about the history and the complexity surrounding this conflict.

So you think that one of Putin’s motivations is to put a nail in the coffin of the Ukraine aid package that’s currently being considered in the U.S. Congress and also potentially to reach the audience of Americans who just aren’t sure how much the United States should be supporting Ukraine at this point?”.

Đúng như Lionel Barber đã dự đoán rằng, Putin có tính toán để cuộc phỏng vấn này được thực hiện và phổ biến đúng lúc gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine mà Putin nhìn nó như một con tin trong tay các dân biểu Cộng Hoà ở Hạ Viện Hoa Kỳ. Sau sự giằng co trong Quốc Hội, rồi đến “thăm dò dư luận”,… cuối cùng là sự từ chối viện trợ cho Ukraine. Nó là cái đinh cuối cùng được đóng vào nắp quan tài. Số phận của Ukraine xem như đã được an bài.

Ban đầu, mục tiêu cao thượng của Hoa Kỳ viện trợ Ukraine tự vệ trước cuộc xâm lăng của quân đội Nga. Sau hai năm, ý chí của dư luận quần chúng và Quốc Hội Hoa Kỳ đã bắt đầu mỏi mệt, hầu bao đã cạn, có thể đi đến bỏ cuộc, và việc viện trợ cho Ukraine sẽ không còn.  

–oOo–

Không thể tránh được sự bất bình của thế giới sau khi theo dõi cuộc phỏng vấn của Tucker Carlson. Ở đó, chúng ta ghi nhận bản chất của Putin, con người hiếu chiến, lạnh lùng không lộ vẻ xúc động khi nói đến chiến tranh Nga-Ukraine. Dù ông Putin biết rõ con số người lính ở hai bên đã hy sinh hay bị thương đã lên đến con số hàng trăm ngàn; hàng chục ngàn thường dân chết hoặc bị thương; hàng triệu người bỏ nhà cửa chạy lánh nạn.

Putin là người lạnh lùng nói láo như The Economist đã viết: “Ông Tổng thống nói láo trắng trợn. Ông ta cho biết đã phát động cuộc xâm lăng 2022 để ngăn chặn cuộc chiến mà Ukraine đã bắt đầu vào năm 2014, sau cuộc đảo chính do CIA giật dây. Ông ta nói láo rằng lực lượng Nga đã rút khỏi Kyiv là một thiện chí”.(The president told flagrant lies. He said he launched the invasion of 2022 to stop a war that Ukraine had started in 2014 after a CIA-backed coup. Russian forces withdrew from Kyiv as a gesture of goodwill, he fibbed).

Tìm một lời khen cho ký giả Tucker Carlson thì có lẽ chỉ một việc đã khều cho Putin để lộ bản chất, là trùm tình báo KGB của cộng sản Liên-Xô, một con người lạnh băng. Báo Politico cho rằng nhà báo Tucker Carlson đã chọc cho Putin để lộ cái “tánh liều mạng”, tự đề cao tư cách lãnh đạo và ca ngợi dân tộc Nga, nhưng không cần biết đến dân tộc Ukraine. Video phỏng vấn của Carlson cho thấy cái tánh “liều mạng” và cao ngạo của Putin vẫn còn đó và có khi còn nhiều hơn, so với cuộc phỏng vấn của Lionel Barber hồi năm 2019.

Sơn Hà (March-2024)

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen
  • HỘI LUẬN ngày 20/4/2024. Iran tấn công Israel: Chiến tranh trực diện đầu tiên bắt đầu? – Kênh đào Funan ở Cam Bốt: TC bao vây VN, sông Cửu Long cạn dòng? – Diện mạo chính trị Singapore thay đổi?
    BS Nguyễn Trọng Việt