________________________

Nguồn: James Palmer, “China Needs a New Approach in Syria,”  Foreign Policy, 10/12/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh nhìn nhận lại ván cược thất bại của mình với chế độ Assad.

Trung Quốc cân nhắc lại cách tiếp cận vấn đề sau khi chính phủ Syria sụp đổ.

Trung Quốc phản ứng trước sự sụp đổ của chế độ Assad tại Syria

Sau sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Syria vào hôm Chủ nhật, Trung Quốc có vẻ sẽ ngẫm lại về nước cờ thua của mình khi đã đặt cược vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng khi tình hình lắng xuống, các nhà lãnh đạo mới ở Damascus có lẽ cũng sẽ tìm kiếm cho mình những đồng minh đáng tin cậy.

Trung Quốc đã ủng hộ Assad từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 – chủ yếu thông qua mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Iran, hai nước hậu thuẫn nhà lãnh đạo Syria. Tại Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh thường bỏ phiếu đồng thuận với Moscow, ngăn chặn các chỉ trích lên án nhắm vào Assad cũng như ngăn viện trợ xuyên biên giới. Dù đã giảm đáng kể sự hiện diện của mình tại Syria trong thời gian xảy ra xung đột nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào Syria.

Chụp màn hình chương trình CCTV của TC trên Youtube

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Assad tại Hàng Châu trước thềm Đại hội Thể thao châu Á năm ngoái. Ở thời điểm đó, Trung Quốc tin rằng chính phủ Syria đang tiến gần đến một chiến thắng gần như chắc chắn trong cuộc nội chiến. Hai nước đã nâng tầm quan hệ lên thành “đối tác chiến lược,” tuy nhiên, các khoản đầu tư sau đó lại tiến triển khá chậm chạp. (Syria gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai bất kỳ dự án nào.)

Cũng như những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc bị bất ngờ trước tốc độ tiến công của lực lượng chống chính quyền ở Syria kể từ cuối tháng trước, lực lượng này dẫn đầu bởi tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Hồi tuần trước, các chuyên gia Trung Quốc về Trung Đông vẫn còn dự đoán về một cuộc chiến kéo dài và phức tạp ở Syria – dự án ChinaMed đã cung cấp một số thông tin hữu ích.

Diễn ngôn của Trung Quốc về cuộc nội chiến Syria trước đây có phần tự mãn. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Assad là hợp lí, bởi lúc đó chế độ Assad gần như đã giành chiến thắng; đồng thời, sau khi Trung Quốc thành công trong việc tổ chức đàm phán hòa giải Ả Rập Saudi với Iran hồi năm ngoái, “làn sóng hòa giải” –  từ ưa thích của truyền thông nhà nước Trung Quốc –  theo đó đã tràn ngập khắp Trung Đông và được ngợi ca.

Các chuyên gia và quan chức liên quan giờ đây sẽ phải tìm lời giải thích cho sự yếu kém của chế độ Assad và thành công của lực lượng chống chính quyền. Dù có những chuyên gia thực sự am hiểu Trung Đông trong giới học thuật Trung Quốc, nhưng giới chức Trung Quốc lại thường vội đi đến kết luận, chẳng hạn như việc họ đổ lỗi cho CIA đứng sau các cuộc “cách mạng màu.”

Mối bận tâm trước mắt là an nguy của công dân Trung Quốc tại Syria, những người mà Bắc Kinh đã khuyến khích rời khỏi Syria. Không rõ có bao nhiêu công dân Trung Quốc ở Syria, do Trung Quốc vốn thận trọng trong các khoản đầu tư tại đây.

Tượng của Assad đã bị dân chúng giựt đổ

Vào năm 2011, Trung Quốc sơ tán 35,000 công dân khỏi Libya khi xung đột xảy ra. Một chiến dịch tương tự ở Syria có thể xảy ra nhưng sẽ rất khó, trừ khi tình hình xấu đi nhanh chóng hoặc Tập Cận Bình quyết định rằng chiến dịch này có thể mang lại một cơ hội tuyên truyền. (Nhiều bộ phim Trung Quốc nhằm ca ngợi quân đội đã lấy chiến dịch tại Libya làm chủ đề, nổi bật nhất là bộ phim bom tấn Chiến lang 2.)

Một mối bận tâm quan trọng khác của Bắc Kinh là sự hiện diện của các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong lực lượng chống chính quyền ở Syria. Ước tính số lượng dao động từ hàng trăm đến hàng nghìn người. Trung Quốc sẽ ưu tiên gây áp lực lên các nhà lãnh đạo mới ở Syria để loại bỏ những chiến binh này khỏi bất kỳ vai trò nào trong chính quyền, và lý tưởng nhất là trục xuất họ về Trung Quốc. Nhưng việc này có thể gặp khó khăn vì các chiến binh Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ hợp tác với HTS.

Tuy nhiên, bất kỳ chính quyền mới nào ở Damascus có lẽ cũng muốn xây dựng quan hệ với Bắc Kinh. Syria đã mất 85% GDP trong suốt cuộc chiến. Bước đầu tiên để củng cố các mối quan hệ có lẽ là bảo vệ tài sản của Trung Quốc; có khả năng các chiến binh Duy Ngô Nhĩ sẽ có kết cục như những con tốt thí.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể tiếp cận HTS qua Thổ Nhĩ Kỳ, một nước có nhiều mối quan hệ với nhóm vũ trang HTS. Nhưng về mặt tư tưởng, Bắc Kinh đủ linh hoạt để chấp nhận gần như bất kỳ chính phủ mới nào đứng lên từ đống tro tàn ở Damascus.

James Palmer

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/15/trung-quoc-can-mot-cach-tiep-can-moi-o-syria/#more-59761

Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Netanyahu và Erdoğan đang cạnh tranh để lãnh đạo Trung Đông
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những biến cố làm thay đổi thế giới!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ba-Đình bớt “quốc tang”,“Tinh gọn” đầy “quan tái”!
    Trần nguyên Thao
  • Bashar Assad, Tập Cận Bình và “quả bom” của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa