Nguồn: James Palmer, “What Trump’s Personalized Presidency Means for China,” Foreign Policy, 17/12/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Dù còn những trở ngại ngăn cản Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau, Bắc Kinh vẫn có thể tìm ra cách để đạt được các thỏa thuận.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gợi ý một con đường mới cho quan hệ Mỹ – Trung qua lời mời tham dự lễ nhậm chức của mình.
Thông điệp gửi đi từ lời mời tham dự lễ nhậm chức của Trump
Tuần trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có một động thái khác thường khi mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức của mình dự kiến diễn ra vào tháng Một, đồng thời nói rằng ông và Tập có thể hợp tác để “giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới”. Mặc dù lời nói của Trump có thể không mang nhiều ý nghĩa thực tế, nhưng nó có thể mở ra một con đường để Trung Quốc tiếp cận chính quyền mới, một con đường mà cho đến nay vẫn chưa chắc Trung Quốc sẽ chọn đi.
Tập Cận Bình dự kiến sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Trump và sẽ cử một đại diện thay mặt. Một phần là vì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, giống như Trump, rất thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ và làm nhục đối thủ chính trị. Tập hiểu rằng sự tham dự của mình sẽ bị hiểu là sự khuất phục, và ông không hứng thú với việc chơi theo cách đó.
Lời mời của Trump cũng không hẳn là thiếu thành ý. Trong khi thường xuyên đe dọa các biện pháp thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc nhưng Trump vẫn nhiều lần khen ngợi Tập. Cách thể hiện này dường như là một phần trong quan điểm ngoại giao của Trump: Mọi thứ có thể được giải quyết thông qua các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người đứng đầu, bất kể đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy nhiên, dù Trump và Tập đã gặp nhau nhiều lần trong nhiệm kỳ đầu của Trump nhưng không một cuộc gặp nào mang lại những tiến triển đáng kể trong quan hệ Mỹ – Trung. Có lẽ là vì Trung Quốc do dự nên không tận dụng hết mong muốn của Trump là được tiếp xúc cá nhân và đổi chác lợi ích tiềm năng. Chưa từng có một “thỏa thuận toàn diện” nào được đưa ra từ trước đến nay.
Có một vài lý do cho việc đó. Lãnh đạo chính trị Trung Quốc thường tin vào tuyên truyền của chính họ – cho rằng các chuẩn mực dân chủ phương Tây phải hoạt động như một lớp vỏ bọc che phủ cho cách thức quyền lực thực sự vận hành, cũng giống như những tuyên bố của Trung Quốc rằng họ là một nước dân chủ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc nhìn nhận Trump không thể thực hiện những thay đổi mang tính căn bản.
Sự tiếp nối của các chính sách thương mại cứng rắn và thái độ “diều hâu” của chính quyền Biden đã củng cố niềm tin này, ngay cả sau khi mối quan hệ hai nước bình thường hóa thành công vào năm 2023. Hơn nữa, chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Trump phần lớn được định hình bởi những người xung quanh ông như Mike Pompeo và Matt Pottinger thay vì bởi bản thân Tổng thống Trump.
Các nhân sự được chỉ định trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump bao gồm nhiều chính khách cứng rắn với Trung Quốc, từ Peter Navarro quay trở lại cho đến Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Đảng Cộng hòa vẫn chưa thống nhất về việc nên coi Trung Quốc là kẻ thù sống còn hay chỉ là một đối thủ đáng gờm. Trump có thể thúc đẩy đảng Cộng hoà thay đổi quan điểm, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Trump quan tâm đến một thỏa thuận với Bắc Kinh nhiều như cách ông ta quan tâm đến thuế quan.
Trung Quốc cũng không thể xây dựng với nhóm cận thần của Trump một mối quan hệ tương tự như cách các nước láng giềng Đài Loan hay Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng. Bất cứ tuyên bố nào về “tình bạn” giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều thường không dựa trên cơ sở thực tế.
Các trở ngại về mặt cấu trúc khiến hai bên khó có thể thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân trở nên gần gũi hơn. Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích hầu như không thể duy trì mối quan hệ cá nhân với các đối tác Trung Quốc giống như cách họ làm với các quan chức Hàn Quốc hay Nhật Bản vì sợ bị coi là mối nguy an ninh. Các quan chức Trung Quốc còn gặp nhiều nguy hiểm hơn nếu như có mối liên hệ nào ngoài quy định.
Vì vậy, bất kỳ hoạt động vận động hành lang nào cũng phải thông qua các bên trung gian – và ngay cả các tổ chức ở Hồng Kông từng cung cấp cơ sở để có thể phủ nhận trách nhiệm một cách chính đáng, giờ đây cũng đã mất uy tín ở Mỹ kể từ khi Trung Quốc làm suy yếu tự do chính trị tại khu vực này.
Một cách dễ thấy mà Trung Quốc có thể tận dụng từ chính quyền Mỹ đã được Trump cá nhân hoá, đó là các công ty Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có thể giành được miễn trừ bằng cách bày tỏ sự tôn trọng với Trump. ZTE đã thực hiện điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, và TikTok đang cố làm như vậy trong thời gian gần đây. Kết quả có thể mở ra cho Bắc Kinh một con đường mới để có thêm các thỏa thuận với Trump
James Palmer
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/21/tac-dong-cua-chinh-quyen-kieu-trump-doi-voi-trung-quoc/#more-59830
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới