Thuế nhập cảng đối ứng (reciprocal tariff) của Hoa Kỳ, từ tháng 4, có thế lần lượt áp dụng với các nước thặng dư thương mại cao với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Tình thế mới như tảng mây đen bao phủ quận Ba-Đình, khiến các nhà làm kinh tế chỉ huy phải “xiêu hồn lạc phách”, chôn chặt những lời huênh hoang “bách chiến bách thắng”, . . . Vội đưa ra giải pháp bơm thêm 3-4 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, tương đương 160 tỷ Mỹ kim, với hy vọng làm đẹp cho số liệu GDP.

Giữa tháng 2, khi ông Trump áp thuế 25% trên nhôm và thép nhập cảng vào Mỹ, đã tác động thực sự đến Việt Nam, nhưng không quá lớn, vì hai mặt hàng này của Việt Nam bán sang Mỹ có số lượng tương đối nhỏ.

Hôm 27 tháng 2, TT Trump đã công bố, thuế quan 25% đối với hàng nhập cảng từ Canada và Mexico sẽ có hiệu lực vào ngày 4 tháng 3, đồng thời ông Trump áp thêm thuế 10% đối với Trung cộng.

Nhưng nếu tháng 04 tới đây, ông Trump lần lượt đàm phán để áp thuế đối ứng với nhiều nước, thì Việt Nam có thể sẽ bị “xướng danh” sau Hoa Lục và Ấn Độ. Bởi vì Việt Nam xuất cảng hàng hóa chỉ riêng sang thị trường Mỹ đã ở mức tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội. Chính vì điểm này mà Việt Nam có thặng dư thương mại khá cao với Mỹ, chỉ tính năm 2024, cũng đã lên đến gần 124 tỷ Mỹ kim – một số ngoại tệ có sức mạnh giúp Ba-Đình duy trì quyền lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm và cấp dưới. Ảnh minh họa chụp hôm 21/10/2024. (RFA)

Hiện Ba-Đình đã nhận ra “tín hiệu” từ nhóm phụ tá thuế quan của ông Trump sẽ dẫn đến nguy cơ bị áp thuế do thặng dư thương mại lớn, hạn chế thị thực và nhiều rào cản thương mại  – Nguồn gốc của một tảng mây mù khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam co lại, tỷ lệ đồng Mỹ kim trong quỹ dự trữ ngoại hối xuống đến mức không còn đủ để can thiệp khi tiền đồng liên tục mất giá.

Tính đến đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã bán ra 10,2 tỷ Mỹ kim để can thiệp tỷ giá, khiến cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn hơn 80 tỷ Mỹ kim, tương đương hơn hai tháng nhập cảng, dưới mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng của International Monetary Fund (IMF). Số liệu tài chánh u ám khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc cuối tháng 2, với dòng tiền heo hút và khối ngoại tiếp tục bán ròng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,28%) xuống mức 1.037,61 điểm.

Nếu tính chung thì tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam tương đương tới 90% GDP của cả nước, trong đó, riêng phần đóng góp của các công ty nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) luôn ở mức từ 70% -74%, cao hơn nhiều so với Trung cộng và các nước khác trong khu vực. Vì vậy, nếu xuất cảng chậm lại vì thuế quan khiến hàng hóa không thể sản xuất thì sẽ đưa đến cảnh “vật vã” khó xoay xở do định chế chuyên quyền bị đông cứng trong nền kinh tế chỉ huy.

Theo phân tích của Bloomberg Economics, nếu Mỹ áp dụng các mức thuế đối ứng với các nước có thuế cao nhất đối với hàng hóa Mỹ, thì nhóm nước thuộc thị trường mới nổi như Ấn Độ, Argentina châu Phi và Đông Nam Á sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng khá nặng nề, do các nước này đang có chênh lệch thuế suất cao với Mỹ.

Trong nền kinh tế chỉ huy, csVN xây dựng cơ quan quyền lực tối cao – Bộ Chính Trị gồm 16 vị có biệt tài về an ninh . . . Phía chính phủ, người có liên quan đôi chút đến kinh tế là Phó Thủ Tướng Trần lưu Quang, Bí Thư Trung Ương Đảng, Thạc sĩ Quản lý Hành chánh công. Ông Quang gần như là tiếng nói “lạc loài” cao nhất trong rừng Thạc Sỹ, Tiến Sỹ Giáo Sư tốt nghiệp từ Học Viện An Ninh Nhân Dân – Các quan chức thượng tầng này từng được huấn luyện để nhìn đâu cũng nghi ngờ là “thế lực thù địch.”

Khi thế giới đối mặt với thương chiến, cách riêng với “Trump’s Tariff” được dẫn dắt từ ông Trump “khó đoán định” thì ngay cả các tay thương thảo sừng sỏ về ngoại thương cũng cảm thấy khó ứng phó; Huống chi những “tay mơ” cả đời chỉ giỏi hãnh tiến về “đỉnh cao trí tuệ loài người”, bách chiến bách thắng. . . Nhưng rốt cuộc đành chịu “bó tay”, quỵ lụy để kiếm lấy đồng Đô La nơi kẻ thù của chế độ!

Nhằm hóa giải hoàn cảnh thượng dẫn, sau khi tìm mọi cách ve vãn ông Trump, Ba Đình đã “trải thảm đỏ” đón tiếp công ty Starlink của tỷ phú Elon Musk tới cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam (https://vanhoimoi.org/?p=24355); Cam kết mua thêm máy bay, khí đốt hóa lỏng (Liquified Petroleum Gas, LPG) và nông phẩm của Mỹ; Nhanh chóng hồi hương công dân bị đang bị Mỹ giam giữ . . . Ngần đấy thứ vẫn chưa đem lại cho Ba-Đình cảm giác “yên lòng” nên quyết định in thêm tiền đẩy vào nền kinh tế để mua lấy số liệu GDP, mong có được 8% cho năm 2025 và từ 10% trở lên cho các năm tiếp theo.

Hôm 10 tháng Hai, 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cả quốc doanh lẫn tư nhân, yêu cầu xây dựng giải pháp bơm từ 2,5 – 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. [1]

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% (tương đương bơm thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế). Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP lên đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 – 20%, như thế, năm nay ngành ngân hàng sẽ phải bơm thêm vào nền kinh tế 2,8-3,1 triệu tỷ đồng.

Cuối tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 và có tăng trưởng cao hơn cho các năm tiếp theo, Việt Nam cần nguồn vốn rất lớn, đến hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ Mỹ kim. [2]

Ngược dòng thời gian, không kể thời kỳ trước năm 1986 kinh tế tăng trưởng chậm, có năm bị giảm, làm mất nguồn cung, tiền nhiều hơn hàng, do in tiền bừa bãi, lạm phát có năm đã lên tới 774,7%. Đầu thập niên 1990 lạm phát kéo dài từ mức ba, rồi xuống hai chữ số. Đến các năm 1995-1997 lạm phát xuống mức 14,2%. Kế đến các năm 2007-2009 lạm phát từ mức 12,63% vào năm 2007, rồi tăng lên tới 20% vào năm 2008, do lượng tiền cung ứng tại Việt Nam tăng trưởng khá mạnh, khoảng 30-45% các năm, từ 2006-2010.

Trong quá khứ, các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp lớn được ưu đãi về tín dụng. Tính đến cuối năm 2024, csVN còn điều hành 134 doanh nghiệp vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp quốc doanh này làm ăn thua lỗ 115.270 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ Mỹ kim), trong đó chỉ tính 7 công ty nhà nước đã lỗ gần 24 nghìn tỷ đồng năm 2023. Trong khi phía tư nhân có đến 940.078 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, nhưng phần đông trong số DNNVV lại không đủ điều kiện để vay mượn tín dụng.

Tháng Hai năm nay, chỉ số Purchasing Managers’ Index (PMI) của Việt Nam vẫn ở mức thấp 49.2 điểm, liên tiếp nhiều tháng ghi nhận dưới ngưỡng trung bình. Vì vậy, S&P Global Market Intelligence cho rằng, các nhà sản xuất Việt Nam đã có một khởi đầu đáng thất vọng cho năm 2025. Năm 2024, Việt Nam có gần 198.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khối công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, dự án kém hiệu quả do các nơi này dung nạp khối nhân lực được tuyển dụng theo thứ tư ưu tiên: “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”. Đây cũng là hậu quả của chế độ thiếu chính sách nhân dụng hiệu quả.

Tăng cung tiền vào nền kinh tế hay tăng tín dụng cho khối công ty quốc doanh từng điều hành thiếu hiệu quả chỉ làm mất giá đồng nội tệ, đẩy chi phí sinh hoạt leo thang, dẫn đến rủi ro bong bóng tài sản và khiến tỷ giá biến động mạnh hơn và cuối cùng không tạo điều kiện cho phát triển kinh tế lâu dài.

Bơm tiền vào một nền kinh tế chỉ huy còn đầy rẫy những đấu đá lọc lừa ở thượng tầng kiến trúc chỉ là trò lừa để có số liệu GDP trên danh nghĩa, không giúp cải tiến dân sinh. Đến đây thì bàn dân thiên hạ mới thấy các phen đấu đá nhằm đoạt lợi quyền, để lộ một phường ăn hại!

Trần nguyên Thao

[1]https://baodautu.vn/thu-tuong-lam-viec-voi-cac-ngan-hang-ban-giai-phap-bom-25—3-trieu-ty-dong-ra-nen-kinh-te-d245209.html

[2] https://chuyendongthitruong.vn/bo-truong-tai-chinh-viet-nam-can-huy-dong-hon-160-ty-usd-243471.html