GS Russell Ronald Reno, chủ biên của tạp chí First Things có bài nhận định về cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ với nhan đề “Takeaways From Election Night”.
Vận Hội Mới xin giới thiệu đến quý độc giả với bản dịch của Đặng Tự Do.
Chúng ta vẫn chưa biết kết quả của cuộc bầu cử quan trọng này. Nhưng chúng ta có thể hình thành một số suy nghĩ sơ khởi.
Các chuyên gia đã lại sai một lần nữa. Trong chuyến du lịch mùa hè của tôi ở Trung Tây Hoa Kỳ, tôi có thể nói rằng cử tri đã thất vọng, tức giận và khó tiên đoán. Các cuộc trò chuyện của tôi đã khiến tôi kết luận rằng các dự đoán về “làn sóng xanh”, tức là làn sóng ủng hộ đảng Dân Chủ, là vô lý và các cuộc thăm dò ý kiến là hoàn toàn không chính xác. Tôi không biết liệu Tổng thống Trump có giành được chiến thắng hay không, nhưng tôi có thể nói rằng nó chắc chắn nằm trong khả năng xảy ra.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với những lo lắng về bạo lực đêm bầu cử trên đường phố. Những người “siêu học thức” và “thông minh” đã tính toán ra các tình huống thảm khốc. Twitter, phương tiện thay thế của họ cho việc nói chuyện thực sự với những người bình thường, đã tạo ra sự lây lan lý thuyết ngày “tận thế” nếu Tổng thống Trump đắc cử, giống như họ đã làm khi virus đến bờ biển của chúng ta.
Các chuyên gia nói về sự mất niềm tin đáng lo ngại vào các thể chế chính trị của chúng ta. Tôi chưa bao giờ tin điều này. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết người Mỹ đều tự hào về hệ thống hiến pháp của chúng ta, ngay cả khi họ khinh thường những nhơ nhớp trong giới chính trị tại thủ đô và coi thường các chính trị gia. Mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt nằm trong giai tầng thống trị. Các chuyên gia có rất nhiều dữ liệu nhưng lại thiếu ý thức và phán đoán căn bản. Và giới tinh hoa của chúng ta không chỉ đánh giá sai về đất nước; họ cũng không tin tưởng vào quyền công dân.
Một quan sát khác: Bất chấp việc Tổng thống Trump bị chụp mũ là một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và bất chấp sự cuồng loạn của giới truyền thông về “phân biệt chủng tộc có hệ thống”, sự phân cực về chủng tộc trong cuộc bỏ phiếu vào tối thứ Ba đã không xảy ra. Đây là một kết quả phi thường, so với sự tuyên truyền không ngừng nghỉ trong những tháng gần đây. Rõ ràng là các cử tri da đen không ủng hộ cái thứ “chủ nghĩa tận thế của chủng tộc” đang thống trị trong các nhà báo của New York Times. Cần xem đó là một tin tốt lành cho tương lai của nước Mỹ.
Cuộc bầu cử dường như chứng minh cho mệnh đề cơ bản của “chủ nghĩa dân túy” ngày nay. Nó cho thấy rằng những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống chính trị của chúng ta đến từ quá trình toàn cầu hóa, đã phân hóa đất nước về kinh tế và văn hóa. Những chính sách cách ly đã cho thấy hố sâu ngăn cách giữa những người ngồi trước máy tính và những người làm việc chân tay. Những người ngồi trước máy tính hưởng lợi ngày càng nhiều hơn từ những lợi ích từ một nền kinh tế toàn cầu hóa. Những người làm việc chân tay lâm vào cảnh đình đốn. Cùng lúc đó, não trạng “Anywhere”, “chỗ nào cũng được”, ở Mỹ cũng được mà ở Trung Quốc cũng được, chế diễu các chính sách được cho là bài ngoại và sự thiếu “sáng tạo” nơi những người “Somewhere”, đòi phải ưu tiên công việc cho người Mỹ.
Các cuộc thăm dò ý kiến sau bầu cử cho thấy rằng cử tri ngày càng phản ánh sự chia rẽ đó. Đảng Dân chủ đang trở thành đảng của những người có trình độ đại học, trong khi đảng Cộng hòa đang thu thập ngày càng nhiều phiếu bầu từ tầng lớp lao động Mỹ.
Một số tiền khổng lồ đã được đổ vào chiến dịch tranh cử của Biden và các chiến dịch tranh cử thượng viện của đảng Dân chủ. Sự thiên vị của giới truyền thông chống lại Tổng thống Trump là một yếu tố chính yếu khác thúc đẩy quy mô ủng hộ Biden. Kể từ sau chiến dịch tranh cử của Goldwater năm 1964, chúng ta chưa từng thấy các phương tiện truyền thông đoàn kết hơn bao giờ trong một cố gắng khổng lồ nhằm bảo đảm đánh gục một nhân vật được coi là mối đe dọa đối với tất cả những gì họ xem là tốt và đúng ở Mỹ. Với tất cả những yếu tố này, việc Biden không thắng một cách dễ dàng và cuộc kiểm phiếu kéo dài nhiều ngày sau đó mới là điều thật không bình thường.
Theo nghĩa chung nhất của nó, “chủ nghĩa dân túy” cho thấy một chế độ trong đó các nhà lãnh đạo đã đánh mất lòng tin của những người mà họ muốn lãnh đạo. Điều này gây ra bất ổn chính trị khi cử tri nổi loạn, từ chối chấp nhận sự hướng dẫn của giới tinh hoa. Khi các chuyên gia nói về chủ nghĩa dân túy như một “mối đe dọa đối với các chuẩn mực dân chủ”, họ đang đề cập đến sự hung hăng này. Không sai khi nói rằng một nền dân chủ cần có những giới hạn, nhưng các giới hạn ngày nay đang được thiết lập bởi giới tinh hoa nhằm hạn chế cạnh tranh chính trị và hướng dẫn cái gọi là “chính quyền ngầm” hướng tới các mục tiêu và hành động cho phù hợp với kết quả bầu cử của họ muốn.
Năm 2016 đã gây chấn động cho các thành phần lãnh đạo. Dù kết quả cuối cùng ra sao, tuần này nhắc nhở chúng ta rằng một phần đáng kể cử tri Mỹ – đã đủ để đưa một người vào Tòa Bạch Ốc – khi họ không chấp nhận sự hướng dẫn về văn hóa và chính trị của giới tinh hoa và chính trị chuyên nghiệp. Hậu quả là, những người Mỹ này bị tước quyền bầu cử – không phải theo nghĩa bầu cử (vì Tổng thống Trump có thể cuối cùng vẫn thắng), nhưng theo nghĩa văn hóa và ý thức hệ. Như bốn năm qua đã cho thấy, giới tinh hoa đã tập trung sự tức giận và thất vọng của họ vào các chương trình nghị sự chính trị và xã hội được xây dựng và phối hợp phong phú dưới quyền của một Donald Trump, không xuất thân từ giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ.
Khi Tổng thống Trump rời khỏi chính trường (cho dù vào tháng 1 năm 2021 hay sau nhiệm kỳ thứ hai), một lượng lớn cử tri sẽ vẫn có sẵn cho các chính trị gia Đảng Cộng hòa, những người sẵn sàng mạo hiểm vượt ra ngoài sự an toàn của các quan điểm được giới tinh hoa cho phép. Nhiệm vụ đối với các trí thức và nhà hoạt động cánh hữu là phải xây dựng một tầm nhìn cho tương lai của đất nước – một tầm nhìn đề cập đến thay vì bỏ qua những lý do tại sao rất nhiều cử tri đã chọn một người bị các thành phần tinh hoa của đất nước này phản đối triệt để.
Nguồn: VietCatholic News