Đầu năm, Thủ Tướng nguyễn xuân Phúc, người được phỏng đoán là ứng viên cho chức Tông Bí Thư hay ít ra cũng Chủ Tịch Nước của nhiệm kỳ 5 năm tới, đưa ra nghị quyết số 01/NQ-CP được truyền thông lề phải tung hô là mang tính “xương sống”, và là “kim chỉ nam” cho năm 2021, trong đó có 12 giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đặt mục tiêu tăng GDP lên 6.5%, cao hơn so với chỉ tiêu (GDP 6%) do Quốc Hội đề ra. Về hướng tiến của nghị quyết này, ông Mai tiến Dũng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ xác định trước công luận hôm 04/01: “đảng CSVN tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. [1]
16 ngày trước (09/01) khi đai hội XIII khai mạc, thành viên cao cấp chuyên về chính sách kinh tế vĩ mô, Bộ Trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư, Nguyễn chí Dũng công khai nhận định: “Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu – nghèo, nhất là Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Ông Nguyễn chí Dũng, học vị Tiến Sỹ quản lý kinh tế, tháng 5 năm 2018, với tư cách Đại Biểu Quốc Hội Quảng Trị, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, khi thảo luận về Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, ông Dũng cho rằng đây là chính sách vượt trội mà một số nước đã thực hiện như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia, nên ông Dũng đề nghị cho phép giữ nguyên quy định giao đất 99 năm cho nhà đầu tư Trung cộng dù có nhiều đại biểu phản đối ở nghị trường Quốc hội. [2] [3]
Nay cũng ông Dũng hô hào “phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Để rồi cuối cùng, ông Dũng để lộ cho mọi người thấy muốn làm gì thì cũng phải có tiền, trong lúc chúng ta “đã hết cửa vay rồi, nên phải nặn “hầu bao” dân chúng qua mỹ từ “lập cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ” [4]
Không biết đây là lần thứ mấy Ba Đình công khai gian ý muốn thu gom vàng và ngoại tệ trong dân. Mưu gian này đã bị dân chúng quyết liệt phản đối khi hai vị Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước tiền nhiệm là Nguyễn văn Bình (2011-2016) và Lê minh Hưng (2016-2020) lần lượt muốn moi vàng và Mỹ kim của dân đều không thể thực hiện.
Lần này Ba Đình ngỏ lời với “tầm nhìn khoa học” hơn của Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn chí Dũng đưa ra toàn cảnh đất nước với dự báo bức bách. Bởi vì, cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Do vậy, ông Dũng nói Việt Nam “nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất”.
Chưa nói đến hậu quả kinh tế do Covid-19 gây ra phá sản trên 100 ngàn công ty, gần 32 triệu dân thất nghiệp, còn nhiều điều ông Dũng phải “ém nhẹm” không thể nói toặc ra. Thí dụ sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn vay mượn để đảo nợ. Như năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%. Tổng số nợ của Viêt Nam cũng được giữ kín, có ước lượng nói là gần 500 tỷ Mỹ Kim. Chỉ lo vay nợ để trả tiền lời hàng năm cũng trên 10 tỷ Mỹ kim rồi. Nợ xấu rất xấu từ 30%-70% tùy theo ngân hàng, trong khối ngân hàng thương mại (cả tư nhân lẫn quốc doanh).
Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng mỗi tháng. Có những lần Ba Đình phải phát hành trái phiếu lấy tiền đảo nợ. Và như năm 2014 Ba Đình vay thêm 1 tỷ Mỹ kim để đảo nợ. Ngoài việc ngân sách thâm hụt, túi tiền gần rỗng, tham nhũng có hệ thống trở thành bất trị, nhiều năm nay phải in thêm tiền bơm vào thị trường làm “trò lừa” tăng trưởng GDP . . . Còn có tình trạng khả năng nhân lực Việt Nam không phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Mặc dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo rằng họ đã được trang bị tốt cho cách mạng công nghệ 4.0, con số này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%) [5].
Đối với khu vực sản xuất không liên quan đến công nghệ tân tiến 4.0 thì khoảng 75% công nhân Việt Nam cũng cần được huấn luyện hay tu nghiệp để có “tay nghề” tốt hơn.
Chất lượng nguồn lao động dù là thuộc ngành nào, nếu chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh tân tiến trên thế giới.
Việt Nam còn vướng vào một “khúc xương” không thể nuốt được khi còn lệ thuộc vào Bắc Phương. Đó là 11 con đập thủy điện nơi thượng nguồn Cửu Long, vài năm nữa lại thêm 11 đập thủy điện cũng do Tầu xây chung trên đất Lào. Khi lượng nước trên thượng nguồn bên Tầu bị chặn, thì mực nước hạ nguồn là đồng bằng song Cửu Long của Việt nam thấp hơn mực nước biển, làm cho nước mặn ở biển tràn vào 13 tỉnh Miền Nam Việt nam. Việc này đã xẩy ra rất nhiều năm, khiến toàn vựa lúa và hoa màu, nơi sinh sống của trên 17 triệu dân thiếu cả nước ngọt để sinh sống, diện tích 40.547,2 km² bị ảnh hượng và thiệt hại rất nặng.
Theo tin của RFA, ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách làm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo gánh nặng và hạn chế thương mại của Mỹ. Tuy nhiên USTR cho biết cơ quan này chưa đưa ra một hành động trừng phạt cụ thể nào đối với Việt Nam và sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn có sẵn. Như thế giai đoạn đầu này đã mở ra “các lựa chọn có sẵn” để các bước kế tiếp bằng văn bản lập quy tùy hoàn cảnh và thực tế sẽ áp đặt các mức thuế trên sản phẩm Việt nam bán sang Mỹ. Nếu việc này xẩy ra thì nhiều hệ lụy về sản xuất, xuất cảng và cả về Thị Trường Chứng Khóan của Việt Nam sẽ lần lượt ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngược dòng sự kiện với thời gian, ngoại trừ chiến dịch đánh tư sản mại bản, Ba Đình tổ chức các đội ngũ ập vào nhà dân tịch thu tiền tài, tư trang và mọi thứ có thể lấy đi. Đối với “tuần lễ vàng (1945) và 6 lần đổi tiền sẽ lược lại sau đây, mỗi sự kiện đều để lại thảm họa chết chóc, nhiều đau thương, hệ lụy cho Dân Tộc Việt nam :
Cách đây gần 76 năm (9/1945), trước những khó khăn chồng chất, Việt cộng vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng”, Ông Hồ chí Minh, Chủ Tịch Nước kêu gọi dân chúng:“Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.
Có hàng chục ngàn trường hợp, nhưng ở đây chỉ nói (1) vụ điển hình: Bà Nguyễn Thị Năm (1906) quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội [6]), là một gia đình có công không những nuôi ăn trong nhà gần như toàn nội các tiên khởi, đóng góp phần lớn tài sản cho chính phủ lúc đó, đưa các con vào bộ đội để kháng chiến chống Pháp. Đến khi đảng CSVN phát động Cải cách ruộng đất (1953-1956), bà bị gán cho là địa chủ gian ác, đưa ra đấu tố và bị xử bắn ngày 9 tháng 7 năm 1953. Trong cuộc cải các ruộng đất, theo con số Ba Đình nhìn nhận có 172.008 người bị tố đến chết vì bị Việt cộng gán cho tội là địa chủ.
Sáu lần Ba Đình thực hiện các cuộc đổi tiền đều mang mục đích ăn cướp của dân để bần cùng hóa dân chúng nhằm dễ cai trị:
Lần thứ nhất: Ngày 15/5/1947: đổi 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương.
Lần thứ hai: Ngày 6/ 5/1951: đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG – Một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.
Lần thứ ba:2/1959 – 10/1960: lần đổi tiền này được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ.
Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ VNCH.
Lần thứ tư: Ngày 6/6/1975 – 5 tuần sau ngày xâm lăng Miền Nam : đổi “Tiền Ngân hàng Việt Nam” (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu hành ở Miền Nam với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của VNCH và tương đương với 1 Mỹ Kim. Mỗi gia đình dù có bao nhiêu tiền Miền Nam cũng chỉ đổi thành 200$ tiền mới. Còn lại dù bạc triệu, cũng trở thành vô giá trị.
Lần thứ năm: Ngày 2/5/ 1978: đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.
Lần thứ sáu: 14/9/1985: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng – tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, Nhà nước lại công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để đáp ứng nhu cầu tăng lương và lạm phát. [7]
Ngày nay rất nhiều người dân đều biết hàng loạt cán bộ từ cao cấp đến hạ tầng huyện, xã đều tham nhũng có tài sản từ hàng triệu đến cả tỷ Mỹ kim tiêu xài xa hoa; tạo ra hố cách biệt giầu nghèo quá lớn trong xã hội, chuyển ra ngoài nước; sắm cơ ngơi kinh doanh, mua nhà sang trọng cho gia đình cư ngụ: https://vivi099.wordpress.com/2015/11/01/danh-sach-tren-300-can-bo-cong-san-co-tai-san-vai-tram-trieu-my-kim/.
Cách hay nhất là Ba Đình làm gương lập ra cơ chế để thu hồi nguồn tài chánh của Dân Tộc Việt bị chính cán bộ của đảng CSVN ăn cắp làm của riêng, hoặc chuyển ra nước ngoài. Số tiền to lớn này phải bỏ vào công quỹ để phát triển đất nước. Sau đó, còn cần thêm thì dân chúng tự ý đóng góp vàng và ngoại tệ; khỏi cần bầy mưu tính kế bao nhiêu lần cũng “chưa lọt”.
Trần Nguyên Thao
24 Jan 2021
Tham khảo :
[1] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/987779/chinh-phu-phan-dau-toc-do-tang-gdp-nam-2021-cao-hon-muc-quoc-hoi-giao
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ch%C3%AD_D%C5%A9ng_(ch%C3%ADnh_kh%C3%A1ch)#Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c
[3] https://www.voatiengviet.com/a/dac-khu-phu-quoc-van-don-bac-van-phong/4430518.html
[4]https://vneconomy.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-can-co-che-huy-dong-vang-ngoai-te-trong-dan-2021010820255322.htm
[5] https://theleader.vn/cach-mang-40-doi-hoi-lao-dong-viet-phai-nang-cap-1611135192775.htm
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m
[7] https://anhxua.net/album/lich-su-tien-te-viet-nam-6-lan-doi-tien_109.html