Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa?

Mặc cho trào lưu nhân loại đổi thay do hậu quả đại dịch virus Vũ Hán đẩy thế giới vào nghị trình kinh tế bận rộn giầy đặc, trong đại hội đảng CSVN lần thứ XIII, vẫn xác quyết theo đuổi “Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa – an toàn của đảng trước, đầu tư, kinh tế tính sau”. Ông Nguyễn phú Trọng, 77 tuổi, đầu đảng giáo điều, tôn thờ nền tảng Mác-Lê, vẫn là trường hợp “đặc biệt” được “thỉnh cầu” ngồi lỳ nhiệm kỳ Tổng Bí Thư lần thứ 3”, qua một hình thức giàn dựng theo ý của kẻ thực quyền, bất chấp tất cả! Kết quả này trải qua nhiều tháng với các màn “đấu đá” tranh ăn phe nhóm; tốn bao nhiêu công quỹ, để lộ ra tình trạng khủng hoảng nhân lực trong cơ chế, phe nhóm; ngăn chặn bất cứ ai có khả năng đóng góp xây dựng đất nước!

Chuẩn bị cả năm trời, huy động bao nhiêu tiền của và trên 6000 con người liên quan đến đại hội XIII, để phục vụ cho 1587 đại biểu khắp nước đổ về Trung Tâm Hội Nghị Ba Đình. Cuối cùng đại hội phải bế mạc sớm hơn dự liệu (01/02) trong hoàn cảnh bị Bắc Kinh “áp sát” trên cả Biển Đông lẫn biên cương phía Bắc nhằm hỗ trợ cho Tổng Bí Thư ngồi lỳ, gân cổ “bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kiên định trên nền tảng Mác-Lê”.

Như tin tức bị rò rỉ trước cả tuần, “tứ trụ” CSVN nhiệm kỳ 5 năm (2021-2025) gồm Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng (Bắc Ninh), chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam), Thủ Tướng Phạm Minh Chính (Thanh Hóa) và Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ (Nghệ An). Cho đến nay, danh sách này là một “nhát cắt” đẩy phe cộng sản trong Nam lìa khỏi hệ thống quyền lực tối cao.

Việc đại hội XIII chọn ông Trọng tiếp tục ngồi lỳ ở chức Tổng Bí Thư thêm nhiệm kỳ thứ 3, bị Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích chính trị Việt Nam, hiện làm việc tại Học viện quốc phòng Australia cho rằng, đó là hậu quả của yếu tố cơ cấu phe phái. Yếu tố cơ cấu có thể được so sánh với chứng “xơ cứng động mạch”. [1]

Ông Vương đình Huệ, người yểm trợ các công ty phát hành Trái Phiếu Doanh Nghiệp, biết rõ tình huống ọp ẹp trong kinh tế, tài chánh Việt Nam được sắp xếp giữ chức Chủ Tịch Quốc Hội. Trước đó, tin rò rỉ nói là các cuộc giàn xếp nội bộ để ông Huệ làm Thủ Tướng, nhưng họ Vương không dám nhận, vì hai lý do : (i) Kinh tế Việt Nam đã rệu rã như con bệnh “mất máu”, do tình trạng cán bộ tham nhũng, mà số người kiếm hàng trăm triệu Mỹ kim không đếm xuể, họ chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà, lập công ty . . . chuẩn bị “hạ cánh an toàn”. (ii) Trong chế độ đảng chuyên quyền, thì dù là lãnh vực chuyên biệt, mọi tầm nhìn đều phải theo chính sách ưu tiên bảo vệ đảng. Như thế, cái bóng của đảng luôn “che kín” mọi quyết định chuyên môn, không ai được độc lập đưa ra quyết định chuyên ngành, dù có ích lợi cho Dân Tộc.

Ông Phạm Minh Chính (1958), học hàm Phó Giáo sư, học vị Kỹ sư Xây dựng, Tiến sĩ Luật, cấp hàm Trung tướng Công an; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh (2011-2015). Thời gian 4 năm này ông Chính được công luận mô tả là người “nhiệt tình ủng hộ dự án Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn”, giao đất 99 năm cho nhà đầu tư Trung cộng. Nay ông Chính, người chưa có kinh nghiệm điều hành kinh tế, được trao chức Thủ Tướng vào thời Covid, khiến dư luận lo âu về căn nguyên thần phục Hoa Lục mang gốc rễ từ 10 năm trước, nay có dịp phát huy tung hoành trên toàn quốc sẽ đưa kinh tế Việt Nam lệ thuộc hơn nữa vào Trung cộng.

Các sự kiện này phù hợp với nhận xét của Phó Giáo Sư. Tiến Sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nêu nhận xét với BBC hôm 04/02: “Ở Việt Nam, trong hệ thống chính trị hiện nay, việc được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng không hẳn gắn với thành tích của cá nhân. . . Tiêu chí đánh giá về thành công hay thất bại của một con người không nằm trong quy trình nhân sự của đảng để sắp xếp những vị trí trong đảng và nhà nước. Điều này rất đặc thù ở Việt Nam mà nhân dân đều nhận thấy, nhưng đây là việc của đảng, của nhà nước, đành chịu thôi”. [2]

Trong đại hội XIII, CSVN đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, trọng yếu (NSNN, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 vào nhóm nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao” – tức tương đương những con hổ châu Á khác như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan hay Singapore.

Hầu như các tham luận được giới “quan đỏ” cao cấp trình bầy trong đai hội XIII liên quan đến kinh tế, tài chánh đều rất hùng hồn, văn vẻ mang mầm mống “bệnh thành tích trong tư duy chính sách”.

Mọi hướng tiến kinh tế vỹ mô đều phải đáp ứng “ưu tiên bảo vệ đảng”, được Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công An khẳng định, “lực lượng công an sẽ kịp thời phát hiện,  ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế để tiến hành chuyển hóa về chính trị, lũng đoạn về kinh tế”.[3]

Phía Công an muốn tái xác định rằng, đảng CSVN vẫn “tước sau như một”. Bất kể là doanh nghiệp nào, nếu không có thế lực “chống lưng” là bị công an ngắm nghía; số phận được định đoạt với cáo trạng “lợi dụng đầu tư để tiến hành chuyển hóa chính trị”, lập tức sẽ bị kết liễu sự nghiệp qua hai khâu “vỗ béo, xẻ thịt”. Nhẹ là bỏ của chạy lấy người, nặng hơn thì thêm tù tội. Trong quá khứ, nhiều vụ bị mất sạch tài sản không phải ít. Mà vụ Hà-Nội đã “nuốt” rồi nhưng thua kiện ở Trung Tâm Trọng Tài Quốc tế Stockholm phải “nhả ra” bồi thường cho người bị tù, tài sản mất sạch là ông Trịnh vĩnh Bình, chỉ là một trường hợp điển hình.[4]

Những khu đất chả biết “tiến hành chuyển hóa chính trị” là gì; chỉ phạm vào tội trông “bắt mắt” sẽ được quan đỏ “ngắm nghía” cho vào sổ quy hoạch. Ngày “N” tới, lực lượng an ninh ầm ầm vây hãm, cưỡng chế chủ đất, trục xuất khỏi ngôi nhà ọp ẹo và ruộng vườn, lang thang nhập vào đoàn hàng triệu dân oan, la liệt trên góc phố với tờ đơn kêu oan trong tay,  cơ quan nào cũng đùn đẩy hết năm này qua tháng khác.

Mục tiêu cao nhất của năm đầu (2021) trong nhiệm kỳ 5 năm là mã số hóa từng người dân để dễ theo dõi, trấn áp. Về kinh tế, đảng hứa tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5%,  GDP bình quân đầu người lên khoảng 3.700 Mỹ kim [5]. Đến cuối nhiệm kỳ 5 năm (2025) sẽ đưa người dân vượt qua mức trung bình thấp.

Hiện Việt Nam có 17 Tỉnh dân đói, cần gạo để ăn Tết Âm Lịch [6]. Chính phủ đã quyết định xuất kho trên 12 ngàn tấn gạo tiếp tế từ ngày “Ông Táo” về trời cho đến áp Tết cho những Tỉnh có đơn xin. Còn những nơi nhỏ lẻ dân thiếu ăn, nhưng chưa xin được gạo.

Tình trạng xuất cảng phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài, 18 ngàn công ty FDI, làm ra 70% sản phẩm xuất khẩu; còn lại 97 triệu dân Việt Nam chỉ có 30%. Trong khi người có vốn trong nước muốn làm doanh nghiệp thì sợ bị “võ béo, xẻ thịt” – hay bị chèn ép kinh doanh, tín dụng . . chịu không nổi phải xin phá sản, như đang có trên 110 ngàn công ty đã phá sản ở nhiều hoàn cảnh khác nhau chỉ trong năm 2020.

Do hậu quả đai dịch Vũ Hán, đầu tư FDI vào Viêt Nam năm 2021 đang bị xem là tương lai “bất định”. Căn cứ vào số liệu cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỷ Mỹ kim, giảm mạnh 62.2% so với cùng kỳ năm 2020.[7]

Trong trường hợp Mỹ áp thuế trên sản phẩm Việt nam, vì đã bị dán nhãn “thao túng tiền tệ”[8] thì tình trạng xuất cảng bi thảm hơn nữa. Hậu quả của còn lan sang nhiều lãnh vực như đầu tư, chứng khoán, tài chính . . .

Còn những vấn nạn kinh tế lưu cữu Hà-nội chưa thể giải quyết : 17 tỉnh Miền Tây ngập mặn; mua về quá nhiều kỹ nghệ bẩn tung hoành ở Viêt Nam; khối Ngân hàng Thương Mại thiếu thanh khoản do dân chúng rút tiền ra mua vàng và chơi chứng khoán, nên tháng 12/2020 Ngân Hàng Nhà Nước phải bơm vào thị trường 50 ngàn tỷ, tháng 02/2021 lại thêm 24 ngàn tỷ [9,10] ; hàng trăm cơ sở cho vay ngang hàng Peer to Peer (P2P) và hàng trăm nhóm cho vay “đen” lãi xuất đến 300%. Hầu hết những việc vừa nói   lũng đoạn nền Tài Chánh, Tín Dụng và suy kiệt thêm nền kinh tế Việt Nam . .  .

Những trở ngại ngắn và dài hạn vẫn là thách thức lớn cho mục tiêu 6,5% GDP năm 2021 dự tính trên giấy tờ đối với đội ngũ mới trong cơ cấu điều hành nền kinh tế của CSVN. Hy vọng này có thể trở thành “đội đá vá trời”, trừ trường hợp Hà-nội in thêm và bơm vào thị trường một số lượng tiền mới rất lớn để chơi “trò lừa” mua lấy GDP tăng cao hơn so với thực chất của nền Kinh Tế.

Trần Nguyên Thao
08 Feb 2021

______________
Tham khảo :

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55883144
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55949450
[3] https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii/bo-truong-to-lam-3-thach-thuc-de-doa-sinh-menh-dang-ton-vong-che-do-1334917.html
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_Tr%E1%BB%8Bnh_V%C4%A9nh_B%C3%ACnh
[5] https://vov.vn/chinh-tri/chinh-phu-de-ra-muc-tieu-tang-truong-gdp-nam-2021-dat-65-828531.vov
[6] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/990404/xuat-cap-gao-kip-thoi-ho-tro-nguoi-dan-dip-tet-nguyen-dan-tan-suu-2021
[7] http://fili.vn/2021/02/tuong-lai-bat-dinh-cho-dong-von-dau-tu-nuoc-ngoai-761-826367.htm
[8] https://www.bbc.com/vietnamese/55344013

Theo ước tính của KBSV, NHNN đã mua vào khoảng 2 tỷ USD, tương đương với bơm ra ngoài thị trường gần 50.000 tỷ đồng.

[9], [10] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/50000-ty-dong-doi-xuong-tien-re-dua-tin-dung-len-ngoi-20201214125240224.htm

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/sau-bom-rong-hon-24000-ty-dong-lai-suat-lien-ngan-hang-ha-nhiet-3559278.html

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/4/2024. TBT Trọng vẫn mời Putin, lo sợ hệ quả hội chứng Havana? Cai trị bẳng bàn tay sắt, Erdogan vẫn thua đối lập!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 6/4/2024. Bình địa Lãnh Sự Quán của Iran ở Damascus, cú đánh phủ đầu của Israel? | Nội bộ bất ổn, tai tiếng về hội chứng Havana, Trọng phải tìm đến Putin? | Erdogan yếu thế!
    BS Nguyễn Trọng Việt