________________________

Tám năm trước khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ ở Âu Châu, Vua Edward VII của Anh Quốc đã hỏi Thủ tướng Henry Campbell-Bannerman là tại sao chính phủ Anh, thay vì phải lưu ý đến nước Mỹ, một quốc gia mà ông xem là thách thức lớn nhất đối với Vương Quốc Anh, thì lại quay ra ngày càng trở nên thù nghịch với đế chế Đức-Phổ do cháu trai của ngài là hoàng đế Kaiser Wilhelm II trị vì. Thủ tướng đã chỉ thị cho Giám sát trưởng đặc trách nước Đức của Bộ Ngoại giao, Sir Eyre Crowe, nghiên cứu để trả lời câu hỏi của nhà vua.

Vào ngày 1 tháng 1, 1907, Eyre Crowe đã gửi lên nhà Vua báo cáo của mình qua Bản Ghi Nhớ nổi tiếng  (memorandum). Tài liệu này đã là một viên ngọc quý trong biên niên sử của ngành ngoại giao.

Eyre Crowe đã đặt vấn đề: Việc Đức theo đuổi “chiến lược trở thành bá chủ chính trị và hải quân” liệu có gây ra mối đe dọa đối với sự hiện hữu và “nền độc lập của các nước láng giềng”, và sau cùng là chính sự tồn tại của nước Anh không?”  Câu trả lời của Crowe rất rõ ràng: “Khi nền kinh tế của Đức vượt qua Anh, Đức sẽ không chỉ phát triển quân đội hùng mạnh nhất trên lục địa, mà còn đồng thời sớm “xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh nhất trong điều kiện có thể“.

Bẩy năm sau Bản Ghi Nhớ của Crowe, năm 1914, Đệ Nhất Thế Chiến đã bùng nổ, bắt đầu từ cuộc đụng độ giữa Áo-Hung với Serbia sau khi thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand bị ám sát chết. Nhân cơ hội, Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II hạ lệnh tấn công Bỉ, Luxembourg và Pháp, theo kế hoạch Schlieffen. Sau đó, chiến tranh lan rộng nhanh chóng trên toàn cõi Châu Âu giữa phe “Liên Minh Trung Tâm” (Central Powers) gồm Áo-Hung, Đức-Phổ, Bulgary và Ottoman chống lại phe “Đồng Minh” (Entente cordiale) gồm Anh, Pháp, Nga (Hoa Kỳ và Ba Tây tham gia sau).

Hơn 70 triệu quân nhân được huy động ra chiến trường, trong số đó có 60 triệu người ở Âu châu, và trên 19 triệu binh lính và thường dân đã thiệt mạng.

Khi chiến tranh kết thúc 4 năm sau, châu Âu nằm trong đống đổ nát: Hoàng đế Đức Kaiser phải đi tị nạn và chết tại Hòa Lan, Đế chế Áo-Hung tan rã, Ottoman biến mất, Sa hoàng Nga bị lật đổ bởi những người cộng sản Bolshevik, Anh cũng tan nát và Pháp chịu tổn thất nặng nề nhất và hoàn toàn kiệt quệ. Một thiên niên kỷ mà châu Âu từng là trung tâm chính trị của thế giới đã dừng khựng lại trong hoang tàn.

Điều đáng ghi nhận ở đây là mầm mống của chiến tranh đã nhen nhúm từ nhiều năm trước. Cụ thể là Kế hoạch Schlieffen mà Đức triển khai khơi mào cuộc chiến xâm lăng Pháp, Luxembourg  và Bỉ. Chiến lược này đã được Nguyên soái Alfred von Schlieffen soạn thảo và chuẩn bị từ 9 năm trước, năm 1905. Việc Hoàng đế Kaiser Wilhelm II đeo đuổi mục tiêu xây dựng đế chế Đức-Phổ thành cường quốc bá chủ về quân sự với lực lượng hải quân hùng mạnh đã là một thực tế khách quan. Tham vọng này đã tất nhiên thách thức ngôi vị lãnh đạo của các đế quốc đương thời là Anh và Pháp.

Lý luận, phân tích của Eyre Crowe đã phản ánh sự hiểu biết rất sâu sắc về biên khảo và học thuyết chiến tranh của Thucydides.

  1. Khái quát về ‘Bẫy Thucydides’ và những bài học của lịch sử.

Hơn 2.400 năm trước, tức vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, nhà sử học thời cổ đại Hy Lạp Thucydides đã viết về chiến tranh Peloponnesian. Một cuộc chiến kéo dài 30 năm giữa thành-bang (Polis) Athens và Sparta. Thành bang Athens đã phát triển và hưng thịnh cả về kinh tế lẫn quân sự trong khi thành bang Sparta đang thống trị khu vực.  Sự trỗi dậy của Athens khiến Sparta đâm lo ngại vì đã thách thức vai trò thống trị và đe dọa vị trí quyền lực của Sparta. Vì vậy, chiến tranh giữa Sparta và Athens đã bùng nổ.

Chính sự trỗi dậy của Athens, và nỗi sợ hãi sự trỗi dậy này nơi Sparta, đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi!

Đã có rất nhiều sử gia đưa ra nhiều giải thích khác nhau về nguyên nhân của Chiến tranh Peloponnesian. Tuy nhiên, trong biên khảo về cuộc chiến này, Thucydides đã xoáy vào nguyên ủy của vấn đề, tức những yếu tố nền tảng có tính cơ cấu không thể thay đổi được do sự chuyển đổi tất yếu và nhanh chóng trong cán cân quyền lực giữa hai đối thủ. Thucydides xác định hai động lực chính: một là sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Athens, cùng với ý thức mới về tầm quan trọng của mình, và nhu cầu cùng đòi hỏi ngày càng lớn hơn; hai là nỗi bất an của Sparta và quyết tâm duy trì nguyên trạng, bảo vệ quyền lực và trật tự mà Sparta đã thiết lập. Thucydides đã đưa ra một kết luận sâu sắc: “Chính sự trỗi dậy của thành bang Athens, và nỗi sợ hãi sự trỗi dậy này nơi thành bang Sparta, đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi”.

Giáo sư Graham Allison

Sử gia Graham Allison, giáo sư tại Harvard, cùng với các cộng sự của ông thuộc Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Harvard Belfer, đã nghiên cứu lịch sử của nhân loại trong 5 thế kỷ qua.

Công trình biên khảo này (Harvard Belfer Center’s Thucydides Trap Case File) cho thấy là trong 500 năm, đã có 16 cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai cường quốc, một bên là nước đang vươn lên và bên kia là cường quốc đang thống trị. 12 trong số 16 trường hợp cạnh tranh đã kết thúc một cách bi thảm đối với cả hai quốc gia: đó là chiến tranh!

Bảng tổng kết các cuộc cạnh tranh trên thế giới từ thế kỷ 16

Tiếp theo ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến là sự trỗi dậy của Đức Quốc Xã và Châu Âu lại bị lôi kéo vào một cuộc đại chiến thảm khốc khác: Đệ Nhị Thế Chiến.

Ở Á Châu, sau cuộc Duy tân Nhật Bản của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868, việc hiện đại hóa nhanh chóng nền kinh tế và quân sự của Nhật đã thách thức sự thống trị của Trung Hoa và Nga ở Đông Á. Sự trỗi dậy của Nhật Bản cũng dẫn đến các cuộc chiến tranh. Mở đầu là chiến tranh Nga-Nhật để giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên năm 1904. Chiến tranh đã kết thúc sau 2 năm bởi chiến thắng vang dội của Nhật trong cuộc Hải chiến Tsushima ở eo biển Đối Mã. Hạm đội Liên hợp của Nhật Bản dưới sự chỉ huy của đô đốc Togo Heihachiro đã phá tan hạm đội hùng hậu của Nga trong 2 ngày, đánh chìm 22 chiến hạm, bắt giữ 7 tàu và hơn 6100 tù binh, 5.000 binh sĩ Nga tử thương. Nhật chỉ mất 3 ngư lôi hạm và 700 thương vong. Nga phải ký Hiệp định Portsmouth, nhượng lại cho Nhật Bản các quyền lợi ở châu Á và khẳng định vai trò bá chủ của Nhật Bản ở Đông Á.

Dựa vào các bài học lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn cận đại của thế kỷ 20, các cuộc chiến tranh cho ta thấy dường như lịch sử đã được lập lại.

Phép ẩn dụ dùng tên của nhà sử học Hy Lạp nhắc nhở chúng ta về những nguy hiểm khi một cường quốc đang trỗi dậy cạnh tranh với một cường quốc tại vị.

Giáo sư Graham Allison đã dùng thuật ngữBẫy Thucydides” để mô tả mối quan hệ của cường quốc đang lên Trung Cộng (TC) và đại cường Hoa Kỳ ở giai đoạn lịch sử hiện nay.

Trong bối cảnh trỗi dậy “không hòa bình” qua sách lược bành trướng, bá quyền của Trung Cộng ngày nay, câu hỏi quan trọng về trật tự và ổn định toàn cầu dành cho các nhà chiến lược và tất cả chúng ta là liệu Trung Cộng và Hoa Kỳ có thể thoát khỏi cuộc đối đầu đầy thách thức, và cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm mà sau cùng sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt hay không?

Nói khác đi, liệu Hoa Kỳ và Trung Cộng có rơi vào Bẫy Thucydides? Hay chiến tranh giữa hai nước là định mệnh tất nhiên của lịch sử?

Chúng ta sẽ tìm hiểu khả năng xảy ra và những yếu tố chính có thể dẫn đến xung đột.   

2. Tham vọng của Trung Cộng.

Sau khi nắm quyền năm 2013, Tập Cận Bình đã đảo ngược chiến lược phát triển và chủ trương “ẩn mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) của Đặng Tiểu Bình. Họ Tập đã khiến các đồng chí trong nước và những người theo dõi Trung Cộng ở nước ngoài phải kinh ngạc về tốc độ xoay đổi chính trị nội bộ và sự táo bạo trong tham vọng của y. Trong nước, họ Tập đã loại bỏ sự lãnh đạo của tập thể qua một ủy ban thường vụ gồm bảy người trong Bộ chính trị –vốn đã được Đặng Tiểu Bình chủ trương nhằm duy trì ổn định, loại bớt độc tôn– mà thay vào đó là tập trung mọi quyền lực tuyệt đối vào tay mình (giống như thời của Mao); chấm dứt mọi manh nha dân chủ hóa bằng cách tái khẳng định sự độc quyền của Đảng Cộng sản do chính y lãnh đạo; gia tăng vai trò của doanh nghiệp quốc doanh; và cố gắng chuyển đổi động cơ tăng trưởng từ một nền kinh tế nặng về xuất khẩu sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa. Ở nước ngoài, Tập đã theo đuổi một chính sách đối ngoại hung hăng, lấn lướt, chèn ép, với thái độ “kẻ cả” nước lớn; sử dụng “bẫy nợ” để khuynh đảo các nước nghèo; đánh cắp tài sản trí tuệ; ngày càng quyết đoán trong việc thúc đẩy các sách lược bành trướng.

Cái mà Tập Cận Bình gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”, được cho là thể hiện nguyện vọng sâu sắc nhất của hàng trăm triệu người Hoa không chỉ là làm giàu mà còn thâu tóm quyền lực. Cốt lõi của “tín ngưỡng văn minh” của Trung Hoa là niềm tin — hay sự tự phụ kiêu hãnh — rằng Trung Hoa là trung tâm của vũ trụ. Ký ức lịch sử được guồng máy tuyên truyền nhắc đi nhắc lại như liều thuốc “kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan” là một thế kỷ suy yếu và nỗi nhục quốc gia của Trung Hoa đã dẫn đến sự bóc lột của thực dân Phương Tây và Nhật Bản và TC phải trả thù. Theo quan điểm của Bắc Kinh, vị trí của Trung Cộng hiện đang được phục hồi đúng chỗ, và phải được thế giới công nhận và tôn trọng cùng với các lợi ích cốt lõi của nó.

Nói cách khác, mối “quốc nhục 100 năm” này sẽ được rửa khi cả thế giới phải “thần phục” một “Trung Hoa vĩ đại” và “khấu đầu” trước sức mạnh về quân sự và kinh tế của nó. Đó chính là bản chất của “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình, một giấc mộng bá quyền thống trị toàn thế giới. Theo các toan tính của họ Tập, giấc mộng này sẽ thành hiện thực vào năm 2049 qua các đại dự án chiến lược đang được tiến hành trên khắp thế giới. Và năm 2049 cũng là lúc kỷ niệm 100 thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Đeo đuổi tham vọng điên cuồng trên, cũng đồng nghĩa với việc TC sẽ thách thức vị trí lãnh đạo thế giới tự do của Hoa Kỳ, sẽ soán ngôi bá chủ hoàn cầu, sẽ thay đổi trật tự thế giới hiện hành, áp đặt những quy luật mới của TC và sau cùng, quan trọng nhất, sẽ đảo ngược xu thế tự do dân chủ nhân quyền của nhân loại.

3. Trật tự thế giới: Kỷ nguyên Hòa Bình Phổ Quát (Pax Universalis) và những thách thức.

Trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, khi đối đầu lưỡng cực tư bản-cộng sản chấm dứt, sự trật tự và ổn định trên thế giới được xác lập do sự hợp lưu hội tụ của dân chủ tự do. Hoa Kỳ trở thành đệ nhất siêu cường trên thế giới về mọi phương diện: kinh tế, quân sự, khoa học, tài chính, công nghệ ..v..v.. Do đó, Mỹ đóng vai trò lãnh đạo thế giới trên đường kiến tạo hòa bình, củng cố sự hợp tác đa diện của mọi tác nhân quốc gia và đẩy mạnh sự phát triển tự do dân chủ và duy trì trật tự, ổn định trên thế giới.

Trật tự mới này của thế giới, được TT George H W Bush mệnh danh là kỷ nguyên “Hòa bình phổ quát” (Pax Universalis) được cấu thành trên ba nền tảng căn bản. Đó là những giá trị phổ quát của nhân quyền, tự do dân chủ về thể chế chính trị, và nền kinh tế thị trường tự do. Các quốc gia gia nhập kinh tế thị trường, tuân thủ các luật lệ, tôn trọng các nguyên tắc vận hành chung, cùng hội nhập và phát triển với cộng đồng thế giới. Các vấn đề của thế giới sẽ được giải quyết qua các định chế và công pháp quốc tế dựa trên những luật lệ và đồng thuận chung.

Ngoài ra, sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều quốc gia trên thế giới đã lần lượt giành được độc lập tại Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ sau khi các đế quốc đã từ bỏ các thuộc địa. Xu thế Giải Thực, hậu thuộc địa đã là xu thế chung của thế giới, mở đường cho trào lưu tự do dân chủ nhân quyền, một trào lưu tất yếu và khách quan, lan rộng trên khắp châu lục mà chúng ta đang chứng kiến trong thế kỷ này.

Năm 1995, trong một phát biểu trước Hội nghị Khoáng đại của Đại Hội Đồng LHQ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ II đã nói: “Tính toàn cầu của khát vọng tự do là một dấu chỉ đặc thù của thời đại chúng ta“. Nhận định trên đã diễn tả trọn vẹn yếu tính và tầm nhìn về tương lai phát triển của nhân loại.

Theo thống kê của Pew (Pew research center), tính đến năm 2017, đã có 96 quốc gia trên thế giới theo thể chế dân chủ tự do, 46 quốc gia chưa hoàn toàn dân chủ, và 21 quốc gia còn trong chế độ độc tài; so với thập niên 70 của thế kỷ 20, chỉ có 25 quốc gia có tự do, dân chủ. Sau chiến tranh lạnh, 27 quốc gia trong khối cộng sản Sô Viết, Đông Âu đã theo thể chế dân chủ, tự do.

Trật tự thế giới hiện nay có được là do sự đồng thuận rộng rãi của tuyệt đại đa số các nước theo thể chế dân chủ tự do, được duy trì và bảo vệ bởi Hoa Kỳ và các cường quốc Phương Tây.

Tính toàn cầu của khát vọng tự do là một dấu chỉ đặc thù của thời đại chúng ta

Một lần nữa, để xác định điều trên, hãng thông tấn AFP cho biết là một thông cáo chung được công bố sau cuộc họp cấp ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu hôm 19/04/2021, nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi cho kinh tế “một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, các điều kiện cạnh tranh công bằng và một môi trường mở và công bằng đối với thương mại và đầu tư”. Các nước Liên Âu muốn bảo đảm là tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, các tuyến giao thông hàng hải phải là các tuyến đường “tự do và mở, nơi luật pháp quốc tế triệt để được tôn trọng”.

Tuy nhiên, thách thức địa chiến lược nổi bật của thời đại này không còn là chủ nghĩa khủng bố với những kẻ Hồi giáo cực đoan bạo lực hay một nước Nga đang vùng dậy, mà chính là tác động tiêu cực đầy đe dọa của sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Cộng đối với trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, vốn đã mang lại hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trên thế giới trong 70 năm qua. Đồng thời, cũng là một thách đố của một mô hình thể chế độc tài toàn trị vắng bóng tự do, dân chủ và nhân quyền.

Chính trị gia lão thành, người sáng lập nước Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu, từng là cố vấn của Đặng Tiểu Bình và các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Cộng, thuở sinh tiền, khi được hỏi liệu các nhà lãnh đạo đảng CS Hoa Lục có tham vọng thay thế Hoa Kỳ để làm bá chủ Á Châu, đã trả lời thật dứt khoát là “Đương nhiên. Tại sao không!” Và khi được hỏi về việc TC có chấp nhận vị trí của mình trong một trật tự quốc tế do Mỹ thiết kế và lãnh đạo, ông nói: “chắc chắn là không”.

Thật vậy, cho đến nay, chưa bao giờ TC muốn hội nhập với Phương Tây, và cũng chưa bao giờ tỏ ra tuân thủ trật tự thế giới hiện hành. Với các toan tính, mưu đồ của Tập, ta có thể nói TC sẽ không bao giờ chấp nhận giá trị của tự do dân chủ nhân quyền của thế giới, chấp nhận dân chủ hóa chính trị, và tuân thủ quy luật kinh tế thị trường tự do.

Vì vậy, TC đang là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Hoa Kỳ, và trật tự toàn cầu hôm nay và nhiều thập niên trước mặt, như John Ratcliffe, nguyên giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ đã nhận định năm 2020.

Cũng như Phúc trình tình báo Mỹ công bố ngày 13/4/2021: Việc Trung Cộng đẩy mạnh quyền lực toàn cầu là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ.

4. Những điểm nóng tiềm tàng với nguy cơ bùng phát chiến tranh:

Đối với Tập Cận Bình, Đài LoanBiển Đông là hai trong năm “lợi ích cốt lõi” của TC và phải được thâu tóm, chiếm đoạt bằng mọi giá (các lợi ích cốt lõi khác là Tây Tạng, Hồng Kông, Tân Cương). Vì vậy, hiện nay Đài Loan và Biển Đông luôn luôn là nơi mà TC tìm mọi cách bành trướng, xâm phạm, chiếm đoạt, gây căng thẳng, đặc biệt là trong những tháng gần đây.

Trên báo Bloomberg ngày 25/04/2021, cựu đô đốc Hải Quân Mỹ James Stavridis, nguyên tư lệnh tối cao của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, người đã phục vụ nhiều năm trong Hải Quân Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, trong bài “Bốn cách thức mà một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung trên biển có thể diễn ra – (Four Ways a China-U.S. War at Sea Could Play Out)” — đã cho rằng điểm nóng dễ có khả năng bùng nổ nhất là Đài Loan, nhưng xung đột cũng có thể xảy ra ở Biển Hoa Đông, Biển Đông hoặc Ấn Độ Dương.

Một số dữ kiện sau cho thấy rõ thêm tầm quan trọng của vấn đề, mối quan tâm của thế giới và cảnh cáo của các giới chức có trách nhiệm.

  • Đài Loan.

Kurt Campell, tác giả của chiến lược “Xoay trục về Á Châu” của TT Obama và hiện làĐiều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Coordinator ), đặc trách Á Châu và Trung Cộng, thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council), đã tóm tắt chính sách củaTrung Cộng: “Chúng ta đã và đang chứng kiến thái độ quyết đoán của TC biểu hiện qua việc hung hăng lấn lướt tại Biển Đông, cưỡng ép bắt chẹt, trừng phạt kinh tế chống lại Úc, ngoại giao chiến sói ở Âu Châu, gây xung đột căng thẳng tại biên giới với Ấn Độ …. nhưng không có nơi nào mà những áp lực về quân sự, ngoại giao lại nặng nề và liên tục như tại Đài Loan”.

Mới gần đây, trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật vào tháng 4/2021 giữa TT Biden và Thủ tướng Suga, một Tuyên Bố Chung được công bố và cũng đề cập đến Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Đài Loan được nhắc đến trong tuyên bố chung giữa hai nước Mỹ-Nhật kể từ năm 1969 đến nay. Thủ Tướng Nhật Bản Suga cho biết hai bên thảo luận về vấn đề Đài Loan, Tân Cương, và “Mỹ-Nhật đồng thuận về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực biển Đài Loan”. Ông Suga nói thêm “ông và ông Biden đều phản đối bất cứ quốc gia nào có ý đồ cố gắng dùng thủ đoạn vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trong một diễn biến khác, hôm 25-4-2021, Bộ trưởng Nội vụ Úc Mike Pezzullo cảnh báo rằng các nền dân chủ tự do phải chuẩn bị cho chiến tranh. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cũng khuyến cáo không nên loại bỏ khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Cộng với Đài Loan.

Về Đài Loan, theo RFI, ông Colby (cựu giám đốc CIA, Hoa Kỳ) đánh giá Đài Loan quan trọng hơn cả Tây Berlin trong thời kỳ chiến tranh lạnh, và Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá. Berlin mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng lớn, nhưng vẫn chỉ là biểu tượng, trong khi Đài Loan còn có cả tầm quan trọng về chiến lược, địa chiến lược và kinh tế, quốc phòng vì hầu như toàn bộ kỹ nghệ bán dẫn của thế giới được đặt tại đây.

The Economist số tháng 5/2021 trong bài “Nơi nguy hiểm nhất trên địa cầu” (The most dangerous place on Earth) cho biết thêm là công ty bán dẫn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) của Đài Loan, công ty sản xuất ‘vi mạch bán dẫn’ tiên tiến nhất thế giới, hiện đang nắm giữ 87% thị phần vi mạch bán dẫn toàn cầu. Kỹ nghệ (firm’s technology) và kỹ năng (know-how) của Đài Loan trong lãnh vực quan trọng này đã đi trước thế giới (kể cả Mỹ và TC) 10 năm.

Hải Quân Đô Đốc John Aquilino, tân tư lệnh quân đội Mỹ Ấn Độ-Thái Bình Dương, nói với Quốc hội vào cuối tháng Ba năm nay: Theo ông, Trung Cộng “coi việc chiếm Đài Loan là ưu tiên số một”, và “nguy cơ đó đến gần hơn rất nhiều so với những gì người ta vẫn dự đoán”. Ông cũng nhắc lại đánh giá và dự đoán của Đô Đốc Davidson, vị tư lệnh tiền nhiệm, rằng chiến tranh có thể xảy đến trong 5 năm trước mặt!

Do vậy, mối nguy Đài Loan bị xâm lăng bằng vũ lực là có thật.

  • Biển Đông.

Bên cạnh tài nguyên phong phú về dầu hỏa và khí đốt ở thềm lục địa mà Việt Nam, Philippines, Brunei, Mã Lai đang khai thác và TC đang thèm khát; Biển Đông còn là tuyến hải lộ vận chuyển chiến lược vô cùng quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Trung Cộng, chuyển vận lượng hàng hóa tương đương 60% GDP của thế giới. Trung bình hàng năm có khoảng 100.000 ngàn chuyến tàu vận chuyển hàng hóa qua lại trên Biển Đông.

Đồ hình lượng dầu hỏa được chuyên chở qua Biển Đông mỗi ngày

Chỉ riêng về dầu hỏa, vào năm 2011, mỗi ngày có khoảng 11 triệu thùng dầu thô được vận chuyển trên tuyến đường thủy này. Trong số đó, Trung Cộng nhập gần 50% lượng dầu, 5.4 triệu thùng; Nhật bản nhập 3.2 triệu thùng; Nam Hàn nhận 2.4 triệu thùng. 90% lượng dầu hỏa nhập khẩu của TC bằng đường biển đến từ tuyến đường Biển Đông. Điều này cho thấy tầm quan trọng về an ninh năng lượng của các quốc gia trong khu vực trên tuyến giao thông hàng hải này.

Từ cuối năm 2013, Trung Cộng đã bắt đầu xây dựng, từng bước cải tạo trên quy mô lớn 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, từ các đảo đá ngầm thành các công trình cảng biển và phi đạo. Đặc biệt ở các thực thể như Vành Khăn, Subi, Chữ Thập, TC thiết lập hệ thống radar và hỏa tiễn đất đối không; xây dựng bệnh viện để củng cố chức năng của một căn cứ quân sự.

Bản đồ Biển Đông

Trong thời gian gần đây, hải quân của TC đã thường xuyên đe dọa các quốc gia trong vùng, diễu võ dương oai và liên tục tập trận trong suốt 2 tháng 4 và 5/2021.

Chiến lược ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở’ của Hoa Kỳ khẳng định quyền tự do đi lại trên Biển Đông và phủ nhận tuyên bố chủ quyền đường ‘chín đoạn’ (lưỡi bò) của TC. Các cường quốc Âu châu (Anh, Pháp, Đức), Bộ Tứ (Ấn Độ, Úc, Nhật Bản) cùng với ASEAN đều ủng hộ chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do, Rộng Mở” và dùng Công ước quốc tế về Luật Biển LHQ (UNCLOS) và Phán quyết của Tòa Án Quốc Tế La Haye (2016) làm chuẩn mực.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm 7 nước đại cường kinh tế (G7) tại Luân Đôn hôm 4 tháng 5, 2021, một Bản Tuyên Bố Chung “mạnh mẽ chống bất cứ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy giảm sự ổn định khu vực, cũng như trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế, như đe dọa sử dụng võ lực, hay sử dụng võ lực, bồi đắp đảo nhận tạo rồi xây dựng căn cứ quân sự”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về việc thiết lập “một trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ”.

Tuy nhiên, TC rất nham hiểm và giỏi xử dụng “chiến thuật tằm ăn dâu” trên Biển Đông nên các quốc gia trong khu vực cần luôn cảnh giác “Thời khắc Sudetenland” ( Sudetenland Moment – sự xâm lấn của Đức Quốc Xã vào vùng Sudetenland trước Đệ nhị thế chiến) như trường hợp Đá Ba Đầu ở Trường Sa hiện nay.

5. Kết luận: Ngăn ngừa chiến tranh?

Qua các phân tích trên, ta đã thấy rõ mưu đồ và tham vọng thống trị thế giới của họ Tập. Nói cách khác, dưới mắt của Bắc Kinh, chiến tranh sẽ không xảy ra nếu Hoa Kỳ và Phương Tây chịu thần phục “Thiên triều” và ngoan ngoãn “đầu hàng”!

Nhưng chắc chắn nền dân chủ tự do của nhân loại không thể bị khuất phục, những giá trị phổ quát của thế giới tự do phải là kim chỉ nam và trường tồn. Vì vậy, để bảo vệ thế giới tự do và tự vệ, chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ cần phải đặt trên quan niệm ngăn ngừa các hành động có thể gây nguy hại cho quyền lợi hoặc những giá trị thay vì dùng kế sách để mong thuyết phục, thay đổi đối phương. Để thực hiện điều trên, chiến lược cần phải hướng đến việc duy trì quyền lực trong khu vực và dứt khoát ngăn chận các hành vi xâm lăng, hiếu chiến. Cạnh tranh chiến lược với TC là vĩnh viễn và cạnh tranh địa chính trị đòi hỏi nền tảng sức mạnh quân sự trổi vượt có khả năng răn đe, kết hợp với ngoại giao và kinh tế.

Giải pháp ngoại giao đàm phán, thương thuyết để tránh xung đột luôn được xem là ưu tiên đối với Hoa Kỳ, cũng như bất cứ quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tuy nhiên nhiều nhà chiến lược đều đồng ý rằng: “Giải pháp ngoại giao tốt hơn quân sự, nhưng ngoại giao tồi tệ có thể dẫn đến chiến tranh lan rộng và thảm khốc gấp bội phần”.

Tất cả các nước trong khu vực đều muốn Hoa Kỳ là đối trọng với Trung Cộng, nhưng quan trọng là sự khả tín của Mỹ. Chính quyền của TT Trump đã ý thức được điều này, và đã không ngần ngại chứng tỏ sẽ thẳng tay với Bắc Kinh.

Ngày nay, mối nguy hiểm chính không phải là sợ làm mất lòng Trung Cộng, mà là tỏ ra yếu nhược trước chế độ độc tài hung hiểm Bắc Kinh.

Điều cần nhấn mạnh khi nói đến đến biện pháp răn đe là biện pháp muốn hiệu quả cần hội đủ 2 yếu tố:

  • Hoa Kỳ phải có ưu thế trổi vượt về quân sự để đối phương phải hết sức e dè khi manh động vì sự trả đũa sẽ khốc liệt và giá TC phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ.
  • Hoa Kỳ phải có chiến lược với những “lằn ranh đỏ không thể vượt qua” rõ ràng để TC không thể lầm lẫn. Lằn ranh là phá vỡ nguyên trạng Đài Loan và Biển Đông, biển Hoa Đông dưới bất cứ hình thức nào.  Đồng thời phải có quyết tâm cùng dũng cảm dứt khoát đáp trả và ra đòn, quyết liệt, đích đáng khi TC vượt qua lằn ranh.

Kinh nghiệm của họ Tập với Hoa Kỳ trong quá khứ khiến các nhà quan sát nghi ngại việc họ Tập vẫn có thể đánh giá sai lầm về “lằn ranh” và ý chí của Hoa Kỳ.

Muốn có hòa bình thì phải cần cả hai bên. Nhưng muốn chiến tranh thì chỉ cần một phía!

Năm 2012, chính quyền Obama đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila liên quan đến bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Khi Trung Cộng không thi hành điều khoản của thỏa thuận qua việc từ chối rút các tàu của họ ra khỏi khu vực tranh chấp, Washington đã im lặng, không phản ứng. Năm 2015, Tập đã hứa với Obama rằng Trung Cộng sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng khi Bắc Kinh biến các thực thể nhân tạo thành căn cứ quân sự ở Trường Sa và triển khai lực lượng hải quân và tuần duyên để đe dọa các quốc gia tranh chấp trong ASEAN vào năm 2016, Obama cũng không làm gì cả. Thái độ thụ động của Obama đã gián tiếp khuyến khích Bắc Kinh vượt “lằn ranh”, hung hăng xâm lấn, ngang nhiên bành trướng trên Biển Đông, và khinh thường uy tín và cam kết của Hoa Kỳ.

Sai lầm này không thể được lập lại bởi chính quyền Biden!

 Sau cùng, dựa trên những biến chuyển hiện tại, theo giáo sư Allison, trong tác phẩm ‘Destined For War’ xuất bản năm 2017, chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong những thập niên tới không chỉ có thể xảy ra, mà còn có xác xuất xảy ra cao hơn nhiều so với mức dự đoán vào thời điểm hiện tại.

Hơn nữa, một rủi ro liên quan đến Bẫy Thucydides là các hoạt động dù bình thường — không chỉ là sự kiện bất ngờ, bất thường — vẫn có thể gây ra xung đột dẫn đến chiến tranh quy mô lớn. Khi các cuộc khủng hoảng nhỏ nếu không được kềm chế, như vụ ám sát thái tử Franz Ferdinand vào năm 1914, có thể là khởi đầu cho một loạt các phản ứng dây chuyền, leo thang khác mà lúc đó, không bên nào có thể có lựa chọn khác được.

Liệu Trung Cộng có đi theo con đường hòa bình của Nhật Bản và Đức sau Đệ Nhị Thế Chiến, và trở thành một trong những đối tác có trách nhiệm trong việc góp phần duy trì ổn định và trật tự quốc tế của thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng và bảo vệ trong bảy thập niên qua?

Câu trả lời rõ ràng là không ai biết.

Muốn có hòa bình thì phải cần cả hai bên. Nhưng muốn chiến tranh thì chỉ cần một phía!

Cây muốn lặng, nhưng gió có dừng không? Quả bóng hiện đang ở trên sân của Trung Cộng.

Trọng Việt
California, tháng 5, 2021

_______________

Tham khảo:

Bilahari Kausikan, The Arena, Southeast Asia in the Age of Great-Power Rivalry, Foreign Affairs, March/April 2021

Graham Allison, Destined for War, Can America and China Escape Thucydides’s Trap? Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company, 2017

H. R. McMaster, Battlegrounds: The Fight To Defend The Free World, HarperCollins Publishers Inc., 2020

Trọng Việt, Đối Phó Với Trung Cộng: Nhìn Lại CHIẾN LƯỢC của HOA KỲ, Vận Hội Mới

Trọng Việt, ĐÀI LOAN: Thế ‘Tiến Thoái Lưỡng Nan’ của Trung Cộng, Vận Hội Mới

Trọng Việt, Ngoại Giao Bẫy Nợ: Sách Lược Chiếm Đoạt của Trung Cộng, Vận Hội Mới

Trọng Việt, Tập Cận Bình: Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng? (Phần một & hai), Vận Hội Mới

Luke Patey, How China Loses, The Pushback Against Chinese Global Ambitions, Oxford University Press, 2021

Willy Wo-Lap Lam, The Xi Administration Openly Challenges American Global Leadership And Takes Multiple Measures to Counter Washington’s Containment, The Jamestown Foundation, 4-2021

Robert Spalding, Stealth War, How China Took Over While America’s Elite Slept, Penguin Random House LLC, 2019

The most dangerous place on Earth, The Economist, 5-2021

James Stavridis, Four Ways a China-U.S. War at Sea Could Play Out, Bloomberg, April 25, 2021

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 10/3/2024. Trung Cộng họp “Lưỡng hội”: Vừa muốn giải quyết khó khăn, vừa tiếp tục gây khủng hoảng! – Bắc Kinh lại gây sự ở Biển Đông.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/1/2024. Năm 2024: Hướng đi của VN trước những bất ổn trong khu vực? Biển Đông dậy sóng – Bán đảo Triều Tiên căng thẳng gia tăng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 16/12/2023. Họ Tập: Được gì khi rời VN? Đòi VN chia sẻ vận mệnh và tương lai? – TC tiếp tục thử thách Mỹ ở Biển Đông? – Trước khó khăn tứ bề, Ukraine sẽ chiến bại?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 10/12/2023. Để đối phó với sự bành trướng lấn lướt của TC, phân tích sách lược ngoại giao và an ninh của Philippines và Việt Nam.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/6/2023. Bạo động Tây Nguyên: Campuchia nhập cuộc? Tàu TC lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của VN. Biển Đông dậy sóng?
    BS Nguyễn Trọng Việt