(Từ trái qua) Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh nằm trong số 8 người sẽ được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Mỹ vinh danh trong một buổi lễ tại Đức vào 10/12.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHRN) có trụ sở ở Mỹ vừa trao giải thưởng nhân quyền 2022 cho nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, hiện đều đang thụ án tù ở Việt Nam.

Trong một thông cáo ra ngày 20/11, VNHRN cho biết họ đã chọn 7 nhà hoạt động nói trên từ 19 đề cử từ trong nước và hải ngoại. Theo ông Nguyễn Bá Tùng, giám đốc điều hành của VNHRN, những người được chọn, đều bị kết án tù từ 8 cho đến 15 năm, đã “đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bằng chính cuộc sống của họ”.

Nhà báo Tường Thụy, từng là một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết án tù hồi tháng 1/2021 cùng với các thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Phạm Chí Dũng của VOA. Ông Thụy, từng làm đơn ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 với tư cách đại biểu độc lập, bị kết án 11 năm tù với tội danh “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thụy, 72 tuổi, luôn khẳng định mình vô tội và viết trong một bức thư gửi ra từ nhà tù rằng: “Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại, tôi vẫn làm như thế”.

Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bà rất vui vì chồng mình được trao giải Nhân quyền của VNHRN năm nay và đã báo với ông Thụy khi thăm ông tại trại giam An Phước ở Bình Dương.

“Anh ấy rất vui”, bà Lân nói nhưng cho biết rằng chồng bà, hiện có bệnh lý nền, có thể không trụ được đến ngày ra tù. “Anh có nói với tôi rằng anh xác định rồi, có thể không có ngày đoàn tụ”.

Trong khi đó, nhà thơ Đức Thạch, một cựu chiến binh của quân đội Bắc Việt, cũng đang thụ án tù tại một trại giam ở Thanh Hóa. Ông bị kết án 12 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2020 sau 7 năm gia nhập Hội Anh em Dân chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Trước đó, vào năm 2008, ông bị kết án 3 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi đưa ra tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, trong đó ông thuật lại những điều ông chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát về việc bộ đội Bắc Việt xả súng thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, nay là Xuân Lộc, của tỉnh Đồng Nai.

Trước phiên phúc thẩm hồi tháng 3 năm ngoái, ông Thạch, 70 tuổi, nói rằng ông “xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi” và rằng ông “rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Chương, vợ ông Thạch, cho biết sức khỏe của ông ngày càng suy nhược do tuổi tác và điều kiện giam cầm “vô nhân đạo” nhưng ông vẫn kiên định rằng “dù có 12 năm hay 20 năm (tù) hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình”.

Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh là một trong số 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được VNHRN trao giải nhân quyền năm nay.

Ông Vịnh – người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền cưỡng chiếm – bị kết án 15 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 10/2018.

Bốn thành viên khác của Liên minh do ông Vịnh thành lập – gồm Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung – cũng bị kết án tại cùng một phiên tòa từ 8 đến 13 năm tù với tội danh tương tự.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án và trả tự do cho các thành viên của Liên minh.

Theo VNHRN, dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng kể từ ngày công bố hoạt động nhưng Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết “đã chứng tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản”.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho rằng ông Vịnh và các bạn của ông “đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền này cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội”.

Theo TS Tùng của VNHRN cho biết, Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022 của tổ chức có trụ sở ở California sẽ được tổ chức tại thành phố Frankfurt của Đức cùng với sự hợp tác của Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại đây nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12. (VOA)

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa