Nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam bước vào một năm sóng gió với thượng tầng lãnh đạo rệu rã: từ Chủ Tịch Nước bị loại khỏi mọi cơ chế quyền lực, đến 2 Phó Thủ Tướng và 539 đảng viên cao cấp từ hàng Bộ Trưởng, Tướng Lãnh đến các Cục Trưởng ở rất nhiều ngành bị tù tội, mất chức. . .  Trong lúc còn trên 10 triệu người thuộc nhiều Tỉnh, Thành đói khổ. “Suốt ba thập niên qua, chưa bao giờ Việt Nam lâm vào tình huống bất ổn cả về chính trị đến số dân nghèo đói tăng nhanh trong tình trạng Kinh Tế, Tài Chánh bên bờ vực thẳm như hiện nay”.

Bản lượng giá về tình trạng nghèo đói tại Việt Nam do Việt Nam thực hiện với Bộ Ngoại giao và Bộ Thương Mại Úc đưa ra cuối tháng 7 năm 2022 cho thấy, Việt Nam hiện còn khoảng 10 triệu người sống trong nghèo đói. Trước Tết Quý Mão 14 Tỉnh rải rác cả nước phải xin trợ cấp 15,400 tấn gạo cứu đói. Số gạo cứu đói Tết năm nay nhiều hơn năm ngoái 1.144 tấn. Trọn năm 2022 Chính Phủ đã xuất kho 107.300 tấn gạo, trị giá 1.287 tỷ đồng để cứu đói hàng chục Tỉnh, Thành từ Nam ra Bắc. (https://vanhoimoi.org/?p=15921)

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng áp lực lạm phát vào thời điểm cuối năm 2022 và trong năm 2023 là lớn, khoảng trên 5,5%; trong khi chính phủ phải đối mặt với mức độ “ỳ ạch” của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023. Bởi vì, theo số liệu từ Bộ Tài chánh, dù là năm giải ngân cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11-2022 mới đạt 52,43% kế hoạch.

Purchasing Managers’ Index (PMI) do S&P Global theo dõi tình hình sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 46.4 điểm trong tháng 12 so với 47.4 của tháng 11 năm 2022, chỉ số này lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục đi xuống. Mức suy giảm thời kỳ này là thấp nhất kể từ đợt suy thoái liên quan đến đại dịch được ghi nhận trong quý 3 năm 2021.

Do vậy, chuyên gia kinh tế của VinaCapital trong một báo cáo mới được công bố đầu tháng Giêng nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam dù đã đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây đến trên 8% năm 2022, nhưng sẽ giảm xuống còn 6% vào năm 2023.

Đối với một quốc gia có độ mở lớn như nền Kinh Tế Việt Nam, thì đương nhiên phải chụi tác động từ những đổi thay lớn của nền kinh tế thế giới. Nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là tín dụng không điều hướng được vào sản xuất, khiến cho mỗi ngày có gần 400 doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường, mỗi tháng có 11.900 doanh nghiệp “đứt bóng”, cả năm 2022 đã vượt mức 143.000 công ty bị xóa sổ. Tính riêng trong tháng 12-2022, cả nước có hơn 3.700 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 5.800 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, và hơn 1.700 doanh nghiệp giải thể. Tình trạng Doanh Nghiệp “ra đi” mất dạng tăng cao, đẩy số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 tăng cao hơn 1,08 triệu người. Với xu hướng hiện tại, rất khó cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn đặt hàng mới.

Trong bối cảnh xuất cảng của Việt Nam lệ thuộc vào Doanh Nghiệp FDI đến 74% và Doanh Nghiệp trong nước gặp nhều khó khăn, csVN vẫn tiến hành cân nhắc để soạn thảo bộ luật mở đường cho các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Hiện nay, chỉ các công ty của Quân Đội Việt Nam mới được phép đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trị giá nhiều tỷ Mỹ kim. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động quân sự toàn cầu – chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng gần 700% từ năm 2003 đến 2018 và lên tới 5,5 tỷ Mỹ kim vào năm 2018. [1]

Tín dụng năm 2022 khoảng 14,6% nhưng tỷ lệ đi vào sản xuất rất nhỏ: doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận được nguồn vốn lớn mang đi “đầu cơ” vào các tài sản không sinh lời. Đầu tư thất bại, không tiền hoàn trả cho trái chủ, dẫn đến rủi ro đẩy số đông nổi giận trong các cuộc tập trung đòi lại tiền như từng xẩy ra gây nhiễu loạn xã hội rất lớn.

Dân chúng đã mất tin tưởng nơi Trái Phiếu, nên Doanh Nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để trả nơ cũ kiểu xoay vòng đồng tiền như trước.

Trong khi cổ phiếu ở Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) vẫn còn trầm mình trong Bear Market. Rất có thể có những khoản tín dụng trá hình nằm trong các khoản phải thu không thể tiếp tục xoay vòng.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng mặt bằng lãi suất năm 2023, FiinGroup cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục gây nhức nhối chi phối TTCK Việt Nam, tác động mạnh lên triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cũng như về thanh khoản thị trường và xu hướng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân.

Cụ thể, lãi suất huy động tăng khoảng 5 điểm % so với nửa đầu năm, lên mức 9%- 10% mỗi năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay đối với khối doanh nghiệp hiện đang ở tình trạng khá cao, bình quân ở mức 10,3% ở khối NHTM quốc doanh và 13%- 15% tại các NHTM mại cổ phần tư nhân.

Lãi suất tăng cao, cộng thêm phụ phí “bôi trơn” khiến chi phí vốn đắt đỏ hơn; vượt ngưỡng “chịu đựng” của các doanh nghiệp. Một số ngành sẽ bị ngụp lặn trong môi trường lãi suất tăng cao gồm các nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng, Thép, Điện tử, Thực phẩm, Bán lẻ và Than. Trong khi triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp vừa kể không khả quan, đặc biệt là đối với ngành Bất động sản và Xây dựng.

Với tình thế u ám như thượng dẫn, khả năng rủi ro tiếp tục tích tụ và sẽ bộc phát sớm là rất cao. Nếu không có những giải pháp hợp lý, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, dẫn đến rủi ro thanh khoản cho các hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tài chính khác trong hoàn cảnh cơ chế Tài Chánh Việt Nam mang đầy nợ xấu. Tình hình này sẽ là “mồi ngon” cho các tổ chức tín dụng đen đang tung hoành tại Việt Nam.

Tín dụng năm 2022 được khép lại với tỷ lệ 14,5%. Năm 2023 Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) định hướng tín dụng khoảng 14-15% [2] nhưng vẫn dành quyền điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Mức tín dụng trên 14% là quá cao so với tăng trưởng GDP trong khoảng 6%-8% của Việt Nam. Tỷ lệ tín dụng cao gấp đôi GDP sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chánh đang có nợ xấu, rất xấu.   (https://vanhoimoi.org/?p=15872).

NHNN dự báo năm 2023, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái rất lớn, đặc biệt là các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. NHNN cho rằng với các dự báo vĩ mô, việc định hướng điều hành trong năm 2023 về chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng… sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập cảng lên tới gần 732 tỷ Mỹ kim, tương đương với 180% GDP.

Mặc dầu Việt Nam nằm trong tốp 3 nước nhận được lượng kiều hối cao nhất Châu Á Thái Bình Dương, nhưng hôm 20 tháng Giêng báo sputniknews.vn báo động: Quỹ an toàn Ngoại Hối Việt Nam bất ngờ “hụt” 21 tỷ Mỹ kim. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC) hy vọng là năm 2023, NHNN sẽ mua vào được 10-12 tỷ Mỹ kim. Đây mới chỉ là ước vọng tương lai, nhưng VNDirect đã dựa vào thông tin này để dự báo ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3 tháng nhập cảng, đạt 102 tỷ Mỹ kim vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là chỉ còn 89 tỷ Mỹ kim”. [3]

Quỹ An Toàn Ngoại Hối bao gồm: tiền mặt, quý kim, các giấy tờ giá trị, và tiền mua công phiếu của Chính Phủ Mỹ. Nhìn vào bản cân đối tính đến 21 tháng 7 năm 2022 cho thấy, Việt Nam nắm giữ liên tục giảm trị giá công phiếu của Mỹ từ mức 45,2 tỷ Mỹ kim vào tháng 9/2021 tụt xuống còn 39,1 tỷ Mỹ kim vào tháng 5/2022. Như thế, đồng bạc Xanh trong Quỹ An Toàn Ngoại Hối của Việt Nam hiện tại không có là bao. [4]

Kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ của năm 2022, đạt 123,8 tỷ Mỹ kim, trong đó Việt Nam xuất cảng sang Mỹ 109,4 tỷ Mỹ kim. Như thế Việt Nam chỉ mua của Mỹ có 14,4 tỷ Mỹ kim. Từ tâm trạng lo âu mất mối lợi to lớn bán được nhiều hàng cho Mỹ, hôm mùng 03 tháng Giêng, trong cuộc họp trực tuyến của Chính Phủ, Thống Đốc NHNN Nguyễn thị Hồng loan báo “Việt Nam đang bị phía Hoa Kỳ nâng cao giám sát về thao túng tiền tệ”.

Trong trường hợp Hoa Kỳ kết luận Việt Nam có vi phạm thao túng tiền tệ, thì khả năng xấu nhất là Mỹ sẽ áp thuế lên một loạt các loại hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam như đang làm với Trung cộng. Đây sẽ là tai họa đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này không ai mong muốn, nhưng vẫn có thể xẩy ra.  

Trần nguyên Thao
(25 Jan 2023)

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-mulls-law-that-may-open-market-to-foreign-arms-firms-01242023125417.html

[2] https://vietnamfinance.vn/tin-hieu-tien-te-2023-kiem-soat-tang-truong-tin-dung-muc-14-15-20180504224279952.htm

[3] https://sputniknews.vn/20230120/bat-ngo-hut-21-ty-do-du-tru-ngoai-hoi-viet-nam-co-the-se-mua-them-luong-lon-usd-20719218.html

[4] https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trong-nhom-35-chu-no-lon-nhat-cua-my/6674318.html

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt