Tín dụng trong nền Kinh Tế Việt Nam là miếng bánh được rất nhiều định chế tín dụng, xí nghiệp “nhòm ngó” muốn giành phần hơn. Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ phân phối và kiểm soát tín dụng. Tuy nhiên thực tế của sự việc này lại đang diễn ra trong cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”: Một bên là NHNN loan báo “tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán”. Còn Thủ Tướng Phạm minh Chính lại trực tiếp chỉ thị ngành ngân hàng phải “tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”.

Bất chấp khuyến cáo quốc tế “nền Tài Chánh dễ bất ổn” nếu một quốc gia chọn mức tỷ lệ tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP, hôm 20 tháng Giêng, NHNN vẫn công bố tín dụng năm 2023 được giới hạn ở mức 14%-15%, tương đương trên 190% GDP Việt Nam, dành ưu tiên cho lãnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tăng trưởng nền kinh tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

Một tuần sau (27/01), tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới với giới điều hành NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua. Theo Ông Chính, tháo gỡ được các khó khăn của thị trường BĐS sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, TPDN và sở hữu chéo. [1]

Ngay từ cuối tháng 11 năm 2022, Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước đã báo động “BĐS – khu vực chiếm trên 21% GDP của Việt Nam, trước nguy cơ vỡ bong bóng”. Lý do chính là “cạn” tín dụng, đẩy Thị Trường Tài Chánh Viêt Nam lâm vào cảnh chao đảo liên tục. Tình trạng thê thảm này chỉ được người giữ hầu bao Nhà Nước đưa ra trước công chúng sau vài tuần Thủ tướng Phạm minh Chính thừa nhận thị trường BĐS Việt Nam có “nhiều rủi ro” trước kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội.   (https://vanhoimoi.org/?p=15539)

BĐS Việt Nam có mối liên hệ đến nhiều ngành và chiếm vị thế rất quan trọng đối với nền Kinh Tế quốc gia. Các hoạt động trên thị trường BĐS chiếm trên 21% GDP, hiện nắm giữ một khoản tín dụng đến 2,33 triệu tỷ đồng, nhưng lại chỉ có 33,7%, dùng đúng mục đích. BĐS là ngành đứng trong Top 3 “cái nôi” sản sinh ra các tỷ phú Đô la, là nơi đầu tư làm ăn của phần lớn các đại gia đỏ, sân sau quan tham – nguồn cúng nạp cho các ông trùm của chế độ và cung cấp nguồn tiền để mua bán lợi quyền tại các cuộc mặc cả, đấu đá trong nội bộ đảng csVN. (https://vanhoimoi.org/?p=14640)

Theo tài liệu Hiệp Hội BĐS Việt Nam công bố cuối Quý I /2021 tỷ trọng bất động sản trên tổng tài sản nền kinh tế chiếm 20,8%, tương đương 205,26 tỷ Mỹ kim trên tổng sản lượng quốc gia là 986,82 tỷ Mỹ kim. Nói theo cách tính “cua trong lỗ” thì đến năm 2030, tổng tài sản BĐS sẽ tăng từ 205,26 tỷ Mỹ kim lên 1.232,29 tỷ Mỹ kim, tương đương 22% GDP.

Tại hội nghị “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Nguyễn thị Hồng xác nhận, tính đến 31/05/2022, tín dụng BĐS lên đến 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền Kinh Tế.

Trong số 2,33 trệu tỷ đồng tín dụng, có đến 1,55 triệu tỷ đồng vay với mục đích tự sử dụng, tương đương 66,3%, còn lại chỉ có 786 ngàn tỷ đồng dùng cho mục đích kinh doanh BĐS, tương đương 33,7%. Không có tài liệu nào giải thích rõ “tự sử dụng” 1,55 triệu tỷ đồng là chi tiêu vào những việc gì, công luận muốn biết, Nhà Nước ém nhẹm, không nói ra. [2] Nhưng rải rác trên báo chí, công luận biết rằng, số tiền rất lớn 1,55 triệu tỷ đồng được ngành BĐS vay để “tự sử dụng” vào chứng khoán bị “bốc hơi” 33% cuối năm 2022; xây sân Golf; làm các dự án ngoài ngành . . . mà Bộ Tài Chánh và NHNN không xác nhận được khoản tín dụng to lớn này là thực tế không bảo đảm an toàn dòng tiền của hệ thống Tài Chánh quốc gia.

Tháng 10 năm ngoái, khi đổ bể vụ trái phiếu của An Đông, một công ty con thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, được ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (Sai Gon Joint Stock Commercial Bank SCB), phát hành cho người dân qua hệ thống chi nhánh trên cả nước.

Chỉ một vụ việc này, đã tạo ra tổng cộng gần 40,000 nạn nhân, trở thành nhà đầu tư bất đắc dĩ bị giới ngân hàng dẫn dụ mua TPDN, mà chỉ hiểu lơ mơ là đang tham gia chương trình “tiết kiệm linh hoạt”, loại dịch vụ ưu đãi dành cho “khách hàng cao cấp”. Tổng số tiền bị thiệt hại trong vụ này lên đến hơn 25 ngàn tỷ đồng, bằng $1 tỷ Mỹ kim.

Hôm 8 Tháng Mười, Bà Trương Mỹ Lan cùng 3 đồng phạm khác bị bắt, với cáo buộc “Gian dối trong phát hành TPDN để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bộ Công an Việt Nam nhìn nhận có “bị can và một số người liên quan” tới vụ án Trương Mỹ Lan qua đời; được viên chức cao cấp mô tả là do “đột tử”.

Hàng chục ngàn nạn nhân mất tiền trong vụ này đã khăn gói đến nằm vạ nơi công cộng, kêu gào Nhà Nước can thiệp để đòi lại tiền, nhưng bị đùn đẩy và cuối cùng Chính Phủ đã “phủi tay”.

Bản lượng giá của VBMA và FiinRatings cho biết, trong năm 2023 sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn. Trong đó, số lượng TPDN ngành BĐS đáo hạn khoảng hơn 119.000 tỷ đồng, và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. [3]

Chứng khoán VNDirect cho biết, tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300.000 tỷ đồng (tăng 90% so với năm 2022), trong đó bất động sản và tài chính – ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%.

TPDN phát hành riêng lẻ diễn ra “thậm thụt” ở Việt Nam nhiều năm không được thông báo cho công chúng qua phương tiện truyền thông đại chúng và chỉ giao dịch trong từng nhóm nhà đầu tư nhỏ, không chuyên nghiệp. Dù cho cách thức gọi vốn kiểu này không được luật pháp cho phép, nhưng bằng vào kết quả thượng dẫn, hoạt động này vẫn hiên ngang trước sự chứng kiến của các cơ quan Tài Chánh và Cảnh Sát Kinh Tế, mà chưa hề bị chế tài nào!

Nhìn vào tình huống thị trường BĐS đang “ngủ đông”, dòng tiền đã cạn, gần 1200 công ty BĐS đã giải thể, tồn kho tăng mạnh. . . cùng với 2 khoản tiền TPDN đáo hạn rất lớn phải thanh toán năm 2023: (i) khu vực BĐS là 119 ngàn tỷ đồng và (ii) khu vực phát hành riêng lẻ là 300 ngàn tỷ đồng.

Áp lực dòng tiền thanh toán cho TPDN đáo hạn đang đè nặng lên các doanh nghiệp chủ phát hành trái phiếu. Nếu Trái Chủ không nhận được vốn và lời khi TPDN đáo hạn thì tình huống mất ổn định trong xả hội rất cao.

Khi bài này kết thúc, VN-Index bị thổi bay 6 tỷ Mỹ kim, mất ngay 35 điểm (01 Feb) còn lại 1076 điểm. Như trên đã nói, ngành BĐS đã dùng sai mục đích tới 1,55 triệu tỷ đồng  tín dụng, phần lớn vào chứng khoán. Nếu NHNN đưa tín dụng vào “tháo gỡ” cho thị trường BĐS như chỉ thị của Thủ Tướng Phạm minh Chính thì có gì bảo đảm tín dụng mới của năm 2023 lại không bị tiêu tan như năm 2022. Trường hợp này xẩy ra, thì tiền mất mà chủ trương của NHNN ưu tiên đưa tín dụng vào sản xuất sẽ phá sản.


[1] https://baochinhphu.vn/thao-go-duoc-kho-khan-cua-thi-truong-bat-dong-san-se-xu-ly-duoc-nhieu-van-de-khac-102230127162056596.htm

[2] https://cafef.vn/thong-doc-cho-vay-bds-dat-233-trieu-ty-chiem-2066-tong-du-no-tin-dung-20220714161726919.chn

[3] https://khoahocdoisong.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-truoc-ganh-nang-dao-han-trai-phieu-nam-2023-post194981.html

Bài liên quan:
  • BA-ĐÌNH ĐÒI GDP LÊN 2 SỐ! “MISSION IMPOSSIBLE”
    Trần Nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 19/1/2025. Mở đầu quốc sách tinh gọn, VN chuẩn chi 5 tỷ USD: Giảm lãng phí hay tăng tham nhũng? Điểm nghẽn ở đâu? Đấu đá dành ghế sẽ lan xuống hạ tầng!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 18/1/2025. Israel & Hamas đạt thoả thận ngừng bắn! 4 Nhân vật với chức vụ hàng đầu trong nội các của TT Trump: Pete Hegseth, Marco Rubio, Pam Bondi, John Ratcliffe
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 18/1/2025. Tin vui cho Trung Đông: Israel & Hamas ngưng chiến! Những khuôn mặt nổi bật trong nội các của TT Trump. Quốc sách tinh gọn: VN chuẩn chi 5 tỷ đô, không giải quyết “điểm nghẽn”!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer