Thủ Tướng Phạm minh Chính không muốn Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) “kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS” nên ngày 27 tháng Giêng ông đã đến tận NHNN ra chỉ thị, nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là “tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”. Liền đó, nhiều cuộc họp “thu xếp” giữa NHNN với các Bộ, Ngành liên quan trong Chính Phủ được liên tục diễn ra. Kết quả tạm thời, Bộ Xây Dựng được giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nội tháng 02 này.

Bất chấp khuyến cáo quốc tế “nền Tài Chánh dễ bất ổn” nếu một quốc gia chọn mức tỷ lệ tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP, hôm 20 tháng Giêng, NHNN vẫn công bố tín dụng năm 2023 được giới hạn ở mức 14%-15%, tương đương trên 190% GDP Việt Nam, dành ưu tiên cho lãnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tăng trưởng nền kinh tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, các dự án BOT giao thông. (https://vanhoimoi.org/?p=16115)

Linh cảm việc “kiểm soát chặt tín dụng” cản trở tương lai “hoạn lộ” đời mình, hôm mùng 8 tháng 02 nhân dịp Hội Nghị Tín Dụng BĐS, Phó Thống Đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú minh xác, “Nhân sự kiện này, tôi khẳng định lại NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng BĐS. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn, . . .  để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác”.

Phó Thống Đốc Thường Trực NHNN Đào Minh Tú, dẫn số liệu thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho BĐS hiện cao nhất trong các ngành, lĩnh vực (tăng hơn 24%), cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tỷ trọng tín dụng cao nhất, chiếm 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngay hôm sau, mùng 09 tháng 02, Tiến Sỹ Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) phân bua, NHNN nhiều lần khẳng định không có chủ trương siết tín dụng BĐS. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường BĐS gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để phát triển. Theo TS Đính, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, kìm nén quá lâu sẽ khiến “sức khỏe” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp suy yếu, không thể vực dậy. Doanh nghiệp và người lao động sẽ lâm vào cảnh rất khó khăn.

Về tình trạng này, ngay từ cuối tháng 11 năm 2022, Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước đã báo động “BĐS – khu vực chiếm trên 21% GDP của Việt Nam, trước nguy cơ vỡ bong bóng”. Lý do chính là “cạn” tín dụng, đẩy Thị Trường Tài Chánh Viêt Nam lâm vào cảnh chao đảo liên tục. Tình trạng thê thảm này chỉ được người giữ hầu bao Nhà Nước đưa ra trước công chúng sau vài tuần Thủ tướng Phạm minh Chính thừa nhận thị trường BĐS Việt Nam có “nhiều rủi ro” trước kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội.    (https://vanhoimoi.org/?p=15539)

Nội tháng 2 này, NHNN sẽ sửa đổi các văn kiện lập quy liên quan đến tình thế mới, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực BĐS; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các NHTM; đồng thời làm mọi thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các khoản hỗ trợ phù hợp khác. [1]

Ngược dòng thời gian, ngày 11 tháng 5 năm 2022, phát biểu về việc sử dụng 347.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi, phát triển Kinh Tế Xã Hội, được Quốc Hội thông qua hôm 30 tháng Giêng năm 2022, ông Vương đình Huệ, Chủ Tịch Quốc Hội nói: “Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, đến năm 2023, nếu không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện sau đó chuyển nguồn. Nó không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế”.

Hôm 13/10/2022, báo Công An Nhân dân nói, đến ngày 28/9 mới giải ngân được 61.000 tỷ đồng trong gói 347 ngàn tỷ đồng thuốc chương trình Phục Hồi Kinh Tế Xã Hội. Cho đến nay, chưa có số liệu giải ngân nào mới hơn trong gói 347 ngàn tỷ được công bố.

Giữa tháng 8 năm 2022, NHNN cho triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng. Theo cách tính toán của Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước, nhờ khoản tiền hỗ trợ này mà sẽ có đến 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền Kinh Tế.

Nhìn nhận về gói hỗ trợ lãi suất, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về mức độ rủi ro với thị trường. Bởi lẽ, với 40.000 tỷ đồng “vốn mồi”, trong 2 năm, lượng tín dụng ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Đây là một con số rất lớn trong khi ngành ngân hàng vốn dĩ đang chịu rất nhiều áp lực về nợ xấu và thiếu thanh khoản. Nhưng thực tế diễn ra gần 1 năm nay lại không như dự tính, đến gần cuối năm 2022, mới chỉ có 1500 khách hàng nhân được hỗ trợ. Doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỷ đồng cho khoảng 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng mới được 85 tỷ đồng.

Theo tài liệu năm 2020 của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam: cả nước có khoảng 541.753 Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ Mỹ kim, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động…

Trên nửa triệu DNNVV thuộc thành phần được ưu tiên hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng cho đến nay, đa số vẫn phải gồng mình trong hoàn cảnh “khó khăn thì gần kề, còn tín dụng lại xa xôi muôn dặm” (https://vanhoimoi.org/?p=14826). Đấy là chưa kể việc kiểm soát tín dụng càng chặt chẽ, thì hệ thống đòi tiền “bôi trơn” càng chằng chịt trong một chế độ ăn bẩn từ chóp bu đến hạ tầng. DNNVV cảm nhận được có “ma ăn cỗ” trong hồ sơ tín dụng mà đành phải nín thở qua sông.

Số liệu từ các Ngân Hàng Thương Mại cho thấy, trong số khách hàng thuộc các ngành được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 70% DNNVV, tương đương với khoảng gần 400.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Khoảng gần 3% trong tổng số trên nửa triệu DNNVV nhận hỗ trợ lãi suất, đã hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ. Bởi vì tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một trong các vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” – một quan điểm rất mơ hồ trong phạm trù tín dụng.

Nếu nhìn vào hai ngân khoản rất lớn đều được nhìn nhận chi sai trong thời điểm cả hai vị Thống Đốc NHNN Nguyễn thị Hồng và Phó Thống Đốc NHNN Đào minh Tú vẫn tại vị, thì đủ thấy nói và làm có khác nhau:

  • Ngày 19 tháng 11 năm 2020, báo Nhà Nước được lệnh đăng bản tin: Trong 5 năm ngần đây tổng số tiền Chính Phủ chi sai lên đến 250 ngàn tỷ. Trong khi Việt Nam nợ 4 triệu tỷ đồng nợ công, mỗi người Việt Nam phải gánh hơn 40 triệu đồng tiến nợ. Số tiền trả nợ trực tiếp đến 2021 đã là 368.000 tỉ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách. Tức là cứ thu được 100 đồng thì 27,4 đồng trả nợ. [2]
  • Ngày 14 tháng 7 năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng xác nhận, đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã lên đến 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,3%; dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS chỉ có khoảng 786 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,7% của tổng số tín dụng lĩnh vực BĐS. [3] https://vanhoimoi.org/?p=16115

Nếu như NHNN minh định rằng: cho đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo “kiểm soát chặt chẽ tín dụng” như trên trình bầy, thì 2 khoản tiền chi sai rất lớn, một từ Chính Phủ chi sai 250 ngàn tỷ; và một khác là ngành BĐS chi không đúng mục đích đến 1,55 triệu tỷ đồng tín dụng. Cả hai khoản chi không đúng khiến Bộ Tài Chánh và NHNN khó giải thích trước công luận.

Công luận có thể hiểu rằng, quan điểm “nhất quán” “kiểm soát chặt chẽ tín dụng” của NHNN vẫn có từ lâu, nhưng khoản tiền 1,55 triệu tỷ đồng tín dụng trong BĐS chi không đúng mục đích, là vì ít nhất nửa năm đầu 2022 có tình trạng nhiều viên chức thẩm quyền liên quan “quên” tính nhất quán, nên hành động khôngphù hợp như “Quân Tử nhất ngôn”.

Vào lúc tình thế đòi hỏi, NHNN qua Phó Thống Đốc Đào minh Tú phải “khẳng định lại” vẫn kiểm soát chặt chẽ tín dụng. Như thế, hoàn cảnh này cũng na ná như thành ngữ “Quân Tử nhất ngôn là Quân Tử dại. Quân tử nói lại là Quân Tử khôn”!

Trần nguyên Thao
12 Feb, 2023

[1] https://markettimes.vn/tuong-thuat-truc-tiep-hoi-nghi-tin-dung-bat-dong-san-vinhomes-novaland-hung-thinh-dua-ra-loat-de-xuat-16055.html

[2] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/moi-nam-tieu-sai-50000-ti-dong-thi-khong-no-nan-moi-la-855601.ldo

[3] https://tapchitaichinh.vn/du-no-tin-dung-cho-vay-bat-dong-san-khoang-2-33-trieu-ty-dong.html

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen