Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa em ơi.
……
Tình mình có nghĩa gì đâu
Tình mình đã lắm thương đau
Tình mình gian dối cho nhau
Thôi đành hẹn lại kiếp sau.
(Không – Nguyễn Ánh 9)
Đó có phải là những lý do để chúng ta không còn tiếp tục tình yêu vợ chồng và sống với nhau như nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đã viết trong bài ca “Không” như trên hay không? Hay đó chỉ là một sự thật của tâm lý nhàm chán?
Tâm lý nhàm chán cho chúng ta lý do để “xét lại”. Theo tâm lý này, người ta có trăm ngàn lý do để đến với nhau, và cũng có trăm ngàn lý do để xa nhau. Một khi tình yêu đã ra nhạt nhẽo, hững hờ, người ta sẽ cảm thấy hối tiếc, thấy phàn nàn, và muốn “thay đổi”. Và hậu quả là đem đến những cám dỗ về ngoại tình, nhất là những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Như Nguyễn Ánh 9, Hồ Dzếnh cũng có một cái nhìn bi quan về một tình yêu chung thủy, hay đúng hơn một sự mơ mộng về cái thuở còn yêu nhau, theo đuổi và tán tỉnh nhau:
“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”.
(Ngập Ngừng)
Trong khi suy nghĩ như vậy, người ta thường đối xử với vợ hoặc chồng mình bằng thái độ tiêu cực, và người chồng hoặc người vợ không hề biết mình đang biến thành nạn nhân trong đời sống tình cảm.
Không hài lòng với người chồng hoặc người vợ mà mình đang có. Thử hỏi trên đời, có ai lúc nào cũng làm ta hài lòng? Hoặc ngược lại, liệu chính ta có luôn luôn làm hài lòng người mình yêu trong mọi lúc?! Chuyện này không bao giờ xảy ra, đơn giản chỉ vì chúng ta là con người. Mà con người thì bất toàn. Bất toàn này ở với bất toàn khác sẽ sinh ra nhiều bất toàn.
Giải quyết hay chịu đựng được những bất toàn ấy chính là bí quyết của hạnh phúc trong hôn nhân.
Tâm lý nhàm chán xảy ra trong đời sống hôn nhân vì con người thường hay lẫn lộn giữa hạnh phúc và lãng mạn, giữa tình yêu và tình cảm. Mỗi người nhận định và định nghĩa về những từ này một cách khác nhau. Thế nên sẽ không có một tiêu chuẩn nhất định cho hạnh phúc, tình yêu, tình cảm hay lãng mạn. Nhưng dù nếu có một tiêu chuẩn chủ quan nào được đưa ra, thì cái lãng mạn và hạnh phúc, cái tình yêu và tình cảm của chúng ta vẫn phải trải qua những thăng trầm theo thời gian và tuổi tác. Ở vào thời điểm lứa tuổi này, tình yêu và tình cảm sẽ khác với thời điểm của tuổi kế tiếp. Cũng như sức khỏe và nét trẻ đẹp sẽ mai một theo thời gian, tuổi tác.
Theo một khảo cứu, khi bước vào tuổi 40 là thời kỳ cuộc sống hôn nhân ít hạnh phúc nhất.
Dựa theo kết quả khảo cứu hơn 165.000 người trên khắp thế giới về mức độ hài lòng trong quan hệ vợ chồng theo thời gian, thì tuổi tác và thời gian rất quan trọng đối với mức độ hài lòng – mặc dù tuổi tác xem như quan trọng hơn. Phân tích còn cho hay các cặp vợ chồng thường trở nên ít hài lòng với nhau hơn trong 10 năm đầu tiên, nhưng sự hài lòng của họ sẽ hồi phục và tăng lên trong 20 năm tiếp theo, rồi lại giảm xuống sau đó. Giải thích hiện tượng này, vẫn theo các nhà khảo cứu thì tại một số thời điểm nhất định trong đời, người ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở bên người bạn đời của mình.
Nhưng những kết quả khác nhau từ các cuộc khảo cứu trước xem như không trả lời được vấn đề, nên các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern quyết định thực hiện một “phân tích tổng hợp” từ trên 95 bài báo, hy vọng có thể hiểu rõ thêm về mức độ hài lòng, cũng như lãng mạn của các cặp vợ chồng. Kết quả là độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi mức độ hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng có xu hướng giảm. Sau đó tăng lên cho đến 65 tuổi và tương đối ổn định trong 10 năm nữa.
Tại sao trước tuổi 40 người ta ít hài lòng với các mối quan hệ vợ chồng của mình, nhưng lại hạnh phúc hơn sau đó? Để giải thích cho câu hỏi này, một số suy luận cho rằng, thời gian mới cưới mặc dù là khoảng thời gian được cho là đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng. Thời gian hạnh phúc, nồng nàn tình cảm vì tình yêu và tính chất lãng mạn vẫn có đó. Nhưng thời gian này không kéo dài vì sau đó vợ chồng còn phải đối diện với việc sinh đẻ, nuôi nấng và giáo dục con cái. Thêm vào đó là sức ép của công việc, của những ước mơ làm giầu, hoặc thành đạt. Một điểm tâm lý nữa đó là ở tuổi trẻ, cái tôi và ích kỷ rất cao, do đó, vợ chồng thường gặp những bất đồng, bất hòa để rồi dẫn đến cãi vã.
Sau tuổi 40, cuộc sống hôn nhân có thể có một số thay đổi, có khuynh hướng đem lại những thoải mái, hạnh phúc hơn mặc dù tính chất lãng mạn có phần sụt giảm. Những thay đổi ấy bao gồm:
Thời gian vợ chồng sống với nhau đã trải qua những bất hòa, chia rẽ, hoặc tranh cãi nếu như họ tiếp tục sống với nhau thì kể như những thứ đó được đem vào ký ức, kỷ niệm buồn, vui của đời hôn nhân. Những khó khăn đã vượt qua, họ không có lý do gì để dừng lại con đường hôn nhân.
Thời gian vất vả với con cái như thai nghén, sinh sản, nuôi nấng, bú mớm, và những công việc đưa đón đến trường đã tạm ổn. Các con nay đã lớn, tự lo cho bản thân, và việc đi học, đưa đón không còn là một gánh nặng làm mất nhiều thời giờ của cha mẹ.
Riêng đối với những cặp vợ chồng vì các lý do bất khả kháng đã kết thúc hôn nhân, thì giờ đây mang tâm trạng và kinh nghiệm là những nạn nhân của các cuộc hôn nhân trước, khi có cơ hội bước thêm một bước nữa, họ sẽ thay đổi và thích ứng phù hợp hơn với hạnh phúc mới. Theo tâm lý thì càng lớn tuổi, người ta càng có xu hướng ổn định hơn về mặt tình cảm: tế nhị hơn, trân quý hơn người thân yêu mà ta còn có trong đời và làm cho thời gian ở bên họ vui vẻ hơn.
Đi sâu vào chuyên môn hơn, các nhà nghiên cứu giải thích rằng trong 10 năm đầu tiên của mối quan hệ, các cặp vợ chồng đã không có thời gian và hoàn cảnh cho các giao tiếp, tình dục và quan tâm lẫn nhau. Các cặp vợ chồng có nhiều khả năng chia tay nhất sau bảy năm chung sống. Theo Janina Larissa Bühler, phó giáo sư Đại học Johannes Gutenberg của Mainz, những cặp vợ chồng sau khi vượt qua thời điểm này sẽ có được cảm giác mạnh mẽ và tích cực hơn vì cho rằng họ cần có nhau và không thể thiếu nhau – điều này có thể giải thích tại sao tình cảm mặn mà, thân thiết lại tăng trở lại sau những năm tháng chao đảo và thử thách.
Nếu tình trạng lãng mạn của các cặp đôi có gặp vấn nạn thì cũng đừng chán nản, hoặc bỏ cuộc. Xác suất hài lòng dù xuống đến mức thấp nhất thì nó vẫn ở ngưỡng 77 trên thang điểm 100. Mức điểm tương đối cao. Theo đó, sự hài lòng không phải là yếu tố duy nhất của mối quan hệ gắn bó vợ chồng. Trong thực tế, mặc dù đôi khi họ không hài lòng, các cặp vợ chồng vẫn có thể sống chung cùng nhau vì nhiều lý do, trong đó có tinh thần hy sinh, chấp nhận và tha thứ, những nối kết, trách nhiệm về con cái, công ăn việc làm, tài sản, và những tương quan xã hội. Vả lại hài lòng hoặc lãng mạn không phải lúc nào cũng xảy ra trong đời sống vợ chồng. Nó tùy thuộc nhiều ở yếu tố tâm lý của cả hai phía. Nếu người này có cảm tưởng buồn bực, ghen tương, hoặc bất mãn người kia, thì hành động của người chồng hoặc người vợ lúc đó muốn thể hiện những hành động lãng mạn, hoặc bày tỏ tình cảm cũng không dễ dàng được chấp nhận.
Tóm lại, trong đời sống hôn nhân chỉ số hạnh phúc và lãng mạn không thể đo lường bằng con số. Nó cũng không phải là một chỉ số tiêu chuẩn cho mọi người. Lý do vì tâm lý, hoàn cảnh và môi trường sống của mỗi cặp vợ chồng thay đổi theo từng hoàn cảnh, trong đó yếu tố tâm lý và tâm sinh lý có một ảnh hưởng rất mạnh. Những khảo cứu, do đó, nếu có chỉ là những gợi ý và đưa ra một số những trường hợp tiêu biểu, phần còn lại là tùy thuộc hoàn toàn ở hai vợ chồng. Một trong những điều được coi như mê tín, phản khoa học đó là căn cứ vào việc so sánh tuổi tác, hợp hay không hợp tuổi, việc chọn ngày cưới lành, tháng tốt để kết luận cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, may mắn và thành đạt.
Trong một lần trao đổi với một người được cho là truyền nhân ba đời của môn bói toán, tướng số, dịch lý của triều đình Nguyễn. Ông đã khẳng định rằng, bói toán, dịch lý, tướng số không hề đúng cho những ai có một ý chí vững mạnh, một tâm hồn trong trắng; đặc biệt, một niềm tin tôn giáo vững vàng. Và điều mà con người có thể làm để tránh những vận không may, đó là “Đức năng thắng số”.
Những lời khuyên, ngay cả những phân tích của các nhà chuyên môn, các nhà tâm lý trị liệu cũng chỉ là những lời mang tính cách “gợi ý”. Việc thực hành đến đâu vẫn luôn tùy thuộc vào các cặp vợ chồng. Trong đời sống hôn nhân ở tuổi nào, ở giai đoạn nào, ở hoàn cảnh nào cũng có những lúc vợ chồng gặp thử thách, bất hòa và không hiểu nhau. Trong những lúc như vậy, phương pháp trị liệu tích cực và hữu ích nhất là nhìn vào mình, nhìn vào người phối ngẫu để hỏi mình một câu: “Tại sao tôi đã yêu và lấy người đó làm chồng hay làm vợ? Và trong vai trò là một người phối ngẫu, tôi đã hành động như thế nào để duy trì và phát triển tình yêu ấy, chọn lựa ấy?”
TS Trần Mỹ Duyệt
_______
Tài liệu tham khảo:
“Mối quan hệ vợ chồng thay đổi như thế nào trong cuộc đời”. Kira M. Newman _ Khánh Nam.
Báo Mai. Tuesday, April 11, 2023
https://baomai.blogspot.com/2023/04/moi-quan-he-vo-chong-thay-oi-nhu-nao.html