Trần Nguyên Thao

Nền Kinh Tế Việt Nam được đánh giá hiện đang ở điểm cuối chu kỳ suy thoái và sẽ tiếp tục phục hồi từ quý IV/2023. Nhưng cái không may của Ba-Đình là ngoại thương và nội chính lệ thuộc khá lớn nơi Bắc kinh, trong lúc cả thế giới đang dấy lên câu hỏi “Chúng ta nên đối phó với tình huống Kinh tế suy tàn của Hoa Lục như thế nào? (https://vanhoimoi.org/?p=18409)

Nhìn sang phương Bắc, Ken Rogoff (Harvard University – Department of Economics) và Yuanchen Yang (International Monetary Fund) nhận thấy: bất động sản (BĐS) và các lĩnh vực liên quan chiếm gần 30% GDP của Trung cộng; được tài trợ phần lớn bởi quỹ tín thác trị giá 2,9 ngàn tỷ Mỹ kim, trong lúc ngành này đang lao dốc. Ngay cả khi Trung Nam Hải ngăn chặn được cuộc khủng hoảng toàn diện, thì về đường dài, tăng trưởng cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều, bởi ngay từ bây giờ, khối dân số trong độ tuổi lao động đang giảm và sẽ tới mức 25% vào năm 2050.

Nguồn cơn của khủng hoảng BĐS Hoa Lục theo Ken Rogoff bắt đầu từ việc Country Garden xây dựng tới 3000 dự án với hàng triệu căn nhà dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung về nhà ở tại Hoa Lục. Country Garden nợ nhà cung cấp, nợ ngân hàng và trái phiếu sẽ đáo hạn lần lượt trong những ngày trước mặt. Nếu khối nợ của Country Garden ngay lúc này là 186 tỷ Mỹ Kim, gần bằng 50% GDP của Việt Nam, không thể thanh toán thì “Làm thế nào ngăn chặn được hàng triệu người Trung Hoa rơi vào trạng thái hoảng loạn vì phần lớn tài sản của họ có thể sụp đổ? Đây là viễn ảnh nhiễu loạn trong xã hội Trung Hoa mà những người ngồi ở Trung Nam Hải đang vật vã, đứng ngồi không yên!

Niềm hy vọng của Việt Nam gia tăng xuất cảng sau khi Trung cộng ngưng chính sách Zero CoVid, gần như biến mất. Hiện nay, sau Hoa Kỳ, Trung cộng là thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, hết tháng 8/2023, quy mô kim ngạch xuất nhập cảng giữa Việt Nam và Trung cộng đạt 105,45 tỷ Mỹ kim. Trong đó, Việt nam nhập cảng từ Hoa Lục tới 68,84 tỷ Mỹ kim, nhưng hàng của Việt Nam bán sang Tầu chỉ thu về 36,61 tỷ Mỹ kim. Ngày 18 tháng 9, Bắc Kinh đột ngộ ngưng mua tôm hùm của Việt Nam. Trước đó, Bắc kinh cũng ngưng ngang chương trình “Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới” chỉ 2 ngày trước khi Ba Đình đón tiếp Tổng Thống Biden vào dịp 10 và 11 tháng 9. Cuối năm 2021, 5000 xe tải nông sản của Việt Nam từng bị Tầu cộng bắt chẹt nhiều tháng trời ở biên giới, thiệt hại về phía Việt Nam đến 4.000 tỷ đồng.

Hiện nay, các công ty sản xuất tại Việt Nam đang âu lo về rủi ro địa chính trị ở ngay cạnh Hoa Lục. Còn nội tình doanh nghiệp Việt Nam lại vẫn đang bị nạn quan liêu vây bọc, và nạn mất điện khiến các nhà máy đang sản xuất nhiều phen phải dừng trong ngày. Bên cạnh, còn tình trạng hậu cần yếu kém bị hệ thống thư lại bao trùm lên tất cả.

Nhìn vào thị trường ngoại thương thì u ám, đưa đến sản xuất đình đốn bên trong, khiến cho tín dụng vẫn ế ẩm dù lãi vay đang thấp. Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công được coi như “chìa khóa” duy nhất để tăng trưởng GDP thì báo Nhân Dân tự nhận là “vẫn thấp”, tính đến 20 tháng 9 mới chỉ giải ngân được 42,35% kế hoạch . . . Như thế, tham vọng tăng trưởng 9% cho nửa cuối năm nay do ông thủ tướng Chính đưa ra đang như “chỉ mành treo chuông”.  

Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành liên tiếp từ đầu tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chứng kiến tình trạng tăng trưởng tín dụng năm nay rất “ọp ẹp”, 6 tháng đầu năm chỉ được 4,73%, bằng khoảng 50% năm trước. Vòng quay tiền tệ theo đó cũng giảm thiểu sức luân chuyển. Tình trạng này được minh chứng hiện có trên 1 triệu tỷ đồng từ vốn đầu tư công của Chính Phủ chưa giải ngân được.

Nền Kinh Tế trầm lắng đến nỗi NHNN “có nhã ý” kích hoạt cung tiền, đều đặn mỗi ngày bơm vào thị trường tới 10.000 tỷ đồng hồi đầu quý 2, nhưng chẳng ai vay; gần đây vẫn đều đặn chào thầu nhưng chỉ 3.000 đồng mỗi ngày, cũng không có khách.

Lãi suất thấp ở phía tiền gởi tiết kiệm đã kích hoạt một phần dòng tiền qua kênh khác trong đó có chứng khoán. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến dân chúng rút tiền ra khỏi ngân hàng, thì các Ngân hàng Thương Mại (NHTM) lại rơi vào rủi ro về thanh khoản.

Vòng quay tiền đồng hiện nay của Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ đồng tiền luân chuyển mạnh mẽ là trên 1 lần, rõ ràng vòng quay tiền chậm, nên không thấy lạm phát cao.

Trên nguyên tắc, khi kinh tế vận hành bình thường, nếu tăng cung tiền tăng nhanh hơn sản lượng sẽ sinh ra lạm phát. Trường hợp phải đối phó với thách thức cao như Kinh Tế Việt Nam hiện tại, mối tương quan như vừa nói bị phá vỡ, bởi tốc độ của chu kỳ luân chuyển tiền tệ gần như trầm lắng.

Hiện nay, khối NHTM đang ứ vốn. Vậy nên một lần nữa “thời tiền rẻ” đang quay lại. Nếu tháng 6 năm 2022 lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã lên đến mức 7,88%/năm, thì nay rơi hẳn xuống 0,2%/năm, các kỳ hạn ngắn chỉ quanh 0,5%/năm. Sự thể vòng quay của tiền đồng chậm hẳn lại đưa đến báo cáo tài chánh chỉ có 13 NHTM làm ra tí lãi trong 6 tháng đầu năm, còn tới 16 nhà băng khác báo lãi giảm. Tình huống này cũng đưa đến 29 NHTM ở quý 2/2023 có tổng nợ xấu nội bảng lên đến 219,7 nghìn tỷ đồng, tăng tới 33,7% so với đầu năm. Và có tới 27/29 NHTM ghi nhận quy mô nợ xấu đi lên trong 6 tháng qua. Khối NHTM Việt Nam cũng lại bất ngờ giảm tài sản đến 327 ngàn tỷ đồng vào tháng Bảy “mưa ngâu”. . .“Hầu bao” của khối NHTM xẹp xuống cũng ảnh hưởng xấu phần nào tới tăng trưởng GDP của Việt Nam bị World Bank (WB) dự báo chỉ ở mức 4,7% cho năm nay, thay vì 6,5% như mục tiêu đòi hỏi. (https://vanhoimoi.org/?p=18341)

Từ đầu tháng 7 đến tháng 9, tiền Việt Nam đã trượt giá mức độ rất nhanh so với Mỹ kim. Điều này do (3) yếu tố: [i] nhu cầu ngoại tệ tăng cao; [ii] chênh lệch lãi suất Mỹ kim trên tiền đồng; [iii] Bắc kinh để đồng nội tệ của họ mất giá mạnh. Tuy nhiên, tính đến tháng 1/2023,  theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, ngoại tệ của Việt Nam có ở mức 88,3 tỷ Mỹ kim vẫn còn đủ cho 3 tháng nhập cảng hàng hóa.

Tỷ giá Mỹ kim hôm (24/9) được NHNN công bố ở mức 23.400 – 25.213 trên mỗi Mỹ kim. Giá mua Mỹ kim tại NHTM hiện nằm trong khoảng 24.073 – 24.180 VND/mỗi Mỹ kim, còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 24.470 – 24.505 đồng trên mỗi Mỹ kim. Gia chợ đen bán ra 24.530 đồng cho mỗi Mỹ kim.

Cái may của Việt Nam được Thiên Nhiên ưu đãi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên trái đất, nhờ vậy Việt Nam bỗng được coi là một mắt xích cần thiết trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ, cung cấp khoảng 10% tổng số lượng “chip” nhập khẩu cho Mỹ trong những tháng gần đây.

Vận may này là yếu tố đẩy Hoa kỳ chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội trong hai ngày 10 và 11/9 vừa qua. Quan hệ mới có tầm quan trọng đáng kể về mặt kinh tế đối với cả hai nước. Mỹ hiện là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương hàng năm vượt 100 tỷ Mỹ kim. Nhà Trắng cho biết, Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao và nhiều hợp đồng thương mại béo bở. Nhưng vẫn cần có thời gian để nguồn yểm trợ của Mỹ “ngấm” vào nền Kinh Tế Việt Nam.

Ngay bây giờ thì Ba-Đình vẫn phải chịu đựng hoàn cảnh như “Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023” tổ chức ở tại Hà Nội ngày 19 Tháng 09, trong đó ông Alexander Bohmer, Trưởng ban hợp tác toàn cầu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, phát biểu là nền kinh tế của Việt Nam trong năm nay “gặp khó khăn” nên chỉ có thể tăng trưởng khoảng 4.9% và năm tới có thể tăng trưởng khoảng 5.9%.

Đối với Trung cộng, chưa biết Ba-Đình sẽ ứng xử thế nào để tránh không bị Bắc Kinh “xỏ mũi”, vì từ đầu những năm 2000, cả hai lãnh tụ Trung cộng: Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đều tuyên bố hai nước Trung cộng – Việt cộng có chung vận mệnh. Những gì Ba-Đình “xoay xở” đối phó với Bắc Kinh trong hoàn cảnh mới này, sẽ chứng nghiệm trường phái “ngoại giao cây tre” – phiên bản từ Thái Lan được ông Nguyễn phú Trọng ca ngợi mang đặc tính mềm dẻo, kiên cường sẽ hiệu quả đến mức nào! [1]

Những người ngồi ở Ba-Đình có muốn thuận theo sức ép của Trung Nam Hải để được bảo vệ giữ quyền lực cũng phải đắn đo, do dự. Bởi vì qua khảo sát của Pew Research Center, ngay từ năm 2014, đã có tới 78% người Việt nam không ưa Trung cộng và 74% coi người Tầu là mối đại họa cho Dân Tộc Việt. Thực tế này đã chứng nghiệm trong tháng 6 năm 2018 khi Ba-Đình muốn thông qua Luật cho người Tầu thuê 3 Đặc khu 99 năm, khiến dân Việt Nam rộ lên phong trào chống đối, biểu tình khắp nơi trên toàn quốc, buộc đảng csVN phải lùi bước. [2]

Trần Nguyên Thao
(Sept 25)


[1] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66886405
[2] https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191004-cu-dan-lang-gieng-trung-quoc-ngay-cang-ghet-bac-kinh

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 19/5/2024. CSVN: Lò vẫn rực lửa, đấu đá vẫn khốc liệt. Ai lên, ai xuống? Ai đi, ai ở? Khủng hoảng bất tận!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 18/5/2024. Bộ trưởng quốc phòng Nga mất chức, Putin đi gặp Tập: Chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài? Tập thủ lợi?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Biden vừa phạm phải sai lầm lớn nhất của mình
    Bret Stephens
  • HỘI LUẬN ngày 18/5/2024. Putin đổi ngựa giữa dòng, công du TC, toan tính gì? CSVN khủng hoảng: TƯ Họp khẩn, lò vẫn rực lửa. Đốt ai, ai đốt?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 12/5/2024. Họ Tập công du Pháp, Serbia và Hung: Cố phá vòng vây để chuẩn bị chiến tranh Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt