____________________________

Thủ đô Hà-nội từ nhiều ngày qua chìm trong không khí ảm đạm, mưa rơi, giữa lúc truyền thông lề phải rầm rộ cổ võ đón 50 đại công ty Mỹ, được xưng tụng văn vẻ như loài chim “đại bàng”, hiếm quý đến ngắm nghía “làm tổ”. Cùng dịp này, Ba-Đình phải “đơn phương hủy lời mời” từ cuối năm ngoái dành cho chuyến thăm quốc khách của Hoàng Gia Hà-Lan, với lý do “nội bộ” khiến Hoàng Gia Hà Lan “hoàn toàn bất ngờ”. [1]

Hãng tin Reuters dẫn tiết lộ từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, The US-ASEAN Business Council (US ABC) cho biết, khoảng 50 công ty Hoa Kỳ, gồm nhiều lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp, thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế và quỹ đầu tư,  trong đó có nhóm chuyên ngành sẽ cuộc họp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam vào các ngày 18-21 tháng 03 để cung cấp cho ngành an ninh Việt Nam công nghệ phát hiện và ngăn chặn tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, máy bay trực thăng, dịch vụ hàng không và an ninh mạng. [2] Sự kiện này được công luận đặc biệt quan tâm, vì Công An đang mở các cuộc lùng sục bắt bớ hàng loạt những người có tiếng nói ôn hòa, đồng thời đe dọa trấn áp tinh thần dân chúng ở Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu báo chí lề phải chủ động mở hội chào đón “đại bàng”. Đã nhiều phen tương tự hàng loạt các công ty Mỹ đến, rồi đi như dẫn chứng bên dưới. Lần này họ lại đến trong hoàn cảnh csVN đang bước vào “khủng hoảng” lãnh đạo nơi thượng tầng kiến trúc; doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, trong lúc kinh tế Việt Nam trông cậy đến 74% vào hàng hóa xuất cảng từ đầu tư nước ngoài, Foreign Direct Investment (FDI) . . . Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi 41% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở ngay nơi đầu tầu kinh tế của cà nước là Saigon không hội đủ tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất.

Dù cho chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ IndexTM (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố là 50,4 trong tháng 2, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. Nhưng hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa của Tầu tràn ngập; khi Bắc Kinh xây xong một loạt các tổng kho khổng lồ chứa hàng hóa dọc theo biên giới Việt Nam, với mục đích đưa hàng hóa tới Việt Nam qua các sàn giao dịch thương mại điện tử trong thời gian nhanh nhất, rẻ nhất.

Trong qua khứ, từng có nhiều đoàn “đại bàng” đến Việt Nam, trong đó, có những đám “chim khôn tách đàn” sải cánh “cao bay xa chạy” ngay sau lần đầu nhòm ngó, nhưng cũng có nhiều đám ở lại “làm tổ”: Lần đầu tiên Honda Motor sản xuất xe máy tại Việt Nam vào năm 1997. Làn thứ 2 nhì nhằng trong gần 10 năm (2000 – 2009), cuối cùng Samsung Electronics cũng đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh.  Đợt thứ 3 vào năm 2014 công ty lớn bán lẻ của Nhật Bản Aeon đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Saigon, giúp sức mua ở Việt Nam tăng cao. Và lần này trên 50 đại công ty Hoa Kỳ đến ngắm nghía, nhưng chưa đến họ đã có “lời qua tiếng lại”.

Trong sâu thẳm, cung cách chào mời do csVN đề xướng, vẫn hàm chứa mưu toan “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Bởi vì song hành với khuynh hướng chào mời, từ nay các công ty nước ngoài vào đầu tư sẽ chịu thuế suất tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn, theo đề nghị của tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế Organization for Economic Cooperation and Development (OECD). Khoản thu này sẽ đưa lại cho Ba-Đình 14.600 tỷ đồng tiền thuế hằng năm từ 122 doanh nghiệp FDI.

Mặc dầu Việt Nam được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung, khiến nơi này trở thành trung tâm thu hút đầu tư và trong năm 2024, hy vọng thu hút vốn FDI hơn 36,6 tỷ Mỹ kim, tăng hơn 32% so với năm ngoái. Nhưng qua hãng thông tấn Reuters, một số doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ đã cảnh giác rằng, sẽ khó có những khoản đầu tư mới, nếu csVN không tôn trọng các cam kết thuế suất thấp, hay các biện pháp bù đắp cho khoản thuế bổ sung từng được đưa ra từ năm ngoái để thu hút các khoản đầu tư hiện hữu.

Bằng thông điệp gởi ra 10 ngày trước khi hội kiến với các cơ quan thẩm quyền Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia, qua Đài BBC hôm mùng 09 tháng 03 nói rằng, họ có thể ngưng các kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam do bị thuế suất cao hơn và không được trợ cấp để bù đắp cho khoản thuế bổ sung mới.

Quyết định ngưng đầu tư thêm từng xẩy ra trong tháng 11 năm 2023, khi Việt Nam chuẩn bị đưa ra ưu đãi cho các công ty xây dựng nhà máy bán dẫn, thì đại tập đoàn bán dẫn Intel của Mỹ, dù từng có một nhà máy ở Saigon đã đầu tư đến 1,5 tỷ Mỹ kim, xuất xưởng những con chip “made in Việt Nam” đầu tiên năm 2010, đã đột ngột loan báo ngưng đầu tư thêm vào Việt Nam; đưa đại dự án hàng chục tỷ Mỹ kim về Mỹ và Âu Châu để xây nhà máy, vì hai lý do: (i) quan quyền Việt Nam đòi “bôi trơn” đến độ không biết ngượng là gì; (ii) Việt Nam không cung cấp đều hòa nguồn điện, làm trở ngại cho kế hoạch sản xuất. (https://vanhoimoi.org/?p=19815)

Việt Nam hiện dựa vào đầu tư FDI để xuất cảng hàng hóa với tỷ lệ trên 74%. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam trở thành “phồn vinh giả tạo”. Khi các công ty FDI vì lý do gì họ rút đi, như trường hợp Thái Lan năm 1997 từng gặp, thì Việt nam sẽ hụt hẫng lớn, chưa kể đến những thiệt hại do các quan tham Việt Nam chia chác với nhau để nhập cảng các loại máy móc quá lỗi thời, thải ra ô nhiễm trong dân sinh.

CT Nguyễn Xuân Phúc, Phó TT Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã vào “lò”.

Việt Nam hiện có 283 khu công nghiệp, phần lớn là tái chế xuất, đẩy ra 550.000m3 nước thải mỗi 24 giờ. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, mà những loại gây ô nhiễm nguy hiểm cực cao như Formosa bị “chỉ mặt” chỉ là cơ sở bị lộ. Còn biết bao nhiêu nguy hại khác như 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại khác. . .

Trùng vào dịp 50 tập đoàn công kỹ nghệ Mỹ đến Hà-nội, bằng vào quyết định giờ chót, chưa có tiền lệ, phía csVN đã đơn phương hủy bỏ cuộc tiếp đón Vua và Hoàng Hậu Vương Quốc Hà-Lan là quốc khách của Việt Nam, dù đã chính thức mời Hoàng Gia từ năm ngoái. Hôm 15 tháng 03, Đài VOA dẫn tin từ Reuters cho biết, “do tình trang ‘nội bộ’, Nhà chức trách Việt Nam đã đề nghị hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima tới thăm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. [3]

Hôm sau 16 tháng 03, BBC thuật tin từ báo chí Hà Lan dẫn lời Vua Willem-Alexander nói rằng ông “hoàn toàn bất ngờ” và “không hề biết lý do” vì sao chuyến thăm Việt Nam lại bị hoãn.

Tính tới cuối năm 2023, Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam có 400 dự án đang hoạt động, với tổng số vốn khoảng 13,5 tỷ Mỹ kim.

Theo dự trù, Vua và Hoàng Hậu Hà-Lan sẽ lần lượt hội kiến với cả 4 vị trong tứ trụ csVN gồm, Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng, Thủ Tướng Pham minh Chính, Chủ Tích quốc Hội Vương đình Huệ và Chủ Tích Nước Võ văn Thưởng. Nhưng giờ cuối mọi viêc trở nên mong manh “có” thành “không”.

Trong chế độ toàn trị, quyền lực và tiền tài là tuyệt đối, mọi thứ khác đều bị bạo quyền coi là “mong manh như hạt sương trước gió”. Sự thể này làm cho 50 đại doanh nghiệp Mỹ phải nghĩ tới việc từ nay đến ngày csVN thực hiện đại hội 14 còn 21 tháng nữa, những cuộc đấu đá nội bộ hiện đang diễn ra có hơi khác với đầu năm 2023, nhưng gia tăng theo thời gian. Như thế, những quan chức hứa hẹn về đầu tư dịp này có thể sẽ mất hết quyền lực; đẫn đến hậu quả “đại bàng xây tổ” lần này chỉ làm mồi cho lớp quan đỏ mới lên nhảy vào “xẻ thịt”! 

Trần nguyên Thao
March 16, 2024

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn3m4z0kepdo

[2] https://www.voatiengviet.com/a/reuters-nhieu-tap-doan-my-tim-kiem-thoa-thuan-thiet-bi-an-ninh-voi-cong-an-viet-nam/7522726.html

[3] https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-de-nghi-vua-va-hoang-hau-ha-lan-hoan-tham-vi-tinh-hinh-noi-bo-/7528253.html

Bài liên quan:
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman