Mới sau (5) ngày ông Võ Văn Thưởng bị mất chức Chủ Tịch Nước, nỗi “bất an” trong giới đầu tư nước ngoài Foreign Direct Investment (FDI) vẫn còn nguyên vẹn, Bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa kịp trấn an, thì Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng đã “trân trọng” mời “tội phạm chiến tranh quốc tế” – Tổng Thống Nga, ông Vladimir Putin thăm Việt Nam. Trong mắt Doanh Nghiệp FDI, csVN đang hiện nguyên hình một chế độ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng ở Biển Đông và gia tăng áp lực quân sự tại nhiều vùng kinh tế biển của Việt Nam, thì qua đài truyền hình Việt Nam hôm 26 tháng 03, dân chúng được biết: TBT Nguyễn phú Trọng, người quyền lực nhất Việt Nam, đã điện đàm chúc mừng ông Vladimir Putin đắc cử Tổng Thống Nga, nhiệm kỳ thứ 5 (2024-2030), đồng thời chính thức mời “người bị quốc tế truy nã” thăm Việt Nam. [1]
Tổng Thống Nga Vladimir Putin, bị kết án là tội phạm chiến tranh, do Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court ICC) phát lệnh truy nã từ 17 tháng 03 năm 2023, vì cưỡng bức trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina đến Nga.
Tòa Hình Sự quốc tế – ICC được thành lập do Quy Chế Roma gồm 13 phần và 128 điều, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2002 căn cứ theo điều 126. Quy chế Rome và ICC được cơ quan lập pháp của 123 nước ký kết và phê chuẩn công nhận. ICC có tòa án thường trực ở Den Haag, Hà Lan, có thẩm quyền truy tố các cá nhân phạm các tội ác, gồm: diệt chủng, chống lại loài người, chiến tranh và xâm lược.
Sau khi bị ICC phát lệnh truy nã, ông Putin chỉ loanh quanh qua lại một số quốc gia, mà nhiều nước trong số đó được ông coi là một phần “sân sau” của Nga – tức là các nước thuộc khối Liên Xô trước khi sụp đổ vào cuối năm 1991 (Belarus, Kazakhstan..), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út. Gần đây nhất vào tháng 7 năm 2023, ông Putin đã đến Iran, để gặp nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Iran, Ali Khamenei.
Ông Putin sẽ an toàn nếu muốn thăm Việt Nam, vì csVN không giống 123 nước thành viên trên thế giới có ký vào Quy chế Rome 1998 để nhìn nhận thẩm quyền của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ICC, là tòa án chính thức trong hệ thống cơ quan tài phán quốc tế. [2]
Khi Chủ Tịch nước Võ văn Thưởng, dù có ít quyền hành hơn 3 vị còn lại trong tứ trụ, cũng bị đảng csVN “lột sạch mọi chức quyền” mất cả “ngai vua” ngày 21 tháng 03, khiến giới quan sát thời sự quốc tế lập tức coi biến cố này là “cơn địa chấn chính trị” làm mất niềm tin của mọi giới vào chính sách “trồng người” vẫn được csVN khoe khoang lâu nay.
Biến cố này được mô tả như một cuộc “đấu đá quyền lực cấp cao cố hữu” vì chỉ trong vòng hơn một năm csVN đã loại bỏ 4 cán bộ từng nuôi từ hạt giống đỏ lên đến chức Chủ Tịch Nước và 2 Phó Thủ Tướng. Sau dịp này số lượng ủy viên Bộ Chính trị của csVN giảm từ 18 xuống còn 14. Có thể nhờ số người giảm xuống mà các cuộc thanh trừng nội bộ trong những ngày tới bớt phức tạp hơn.
Một năm trước, tháng 3 năm 2023, phía Tư Pháp trả lời tại Quốc Hội về án tham nhũng kinh tế, gồm: “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” . . . Trong đó các tòa án thụ lý 12.723 vụ, đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo. Riêng năm 2022, các tòa án thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Ngay trong ngành Tòa Án, cũng nhìn nhận có 106 cán bộ, thẩm phán bị tham nhũng và kỷ luật.
Tình trạng tham nhũng trong hệ thống đảng csVN trên thực tế đã cào bằng từ Chủ Tịch Nước xuống đến cán bộ cấp Xã, Áp. Riêng giới đại quan đỏ bị lộ từ 2017 đến nay thôi, cũng có 19 Ủy Viên Trung Ương Đảng và 8 Ủy Viên Bộ Chính Trị bị khai trừ khỏi đảng, mất hết chức quyền hay đi tù phần nhiều là bị bại lộ do tham nhũng.
Những tiết lộ trước phiên tòa của bà Trương mỹ Lan mới đây về danh tính những cán bộ cấp cao từng là nguyên cớ đưa bà Mỹ Lan tham ô, chiếm đoạt trên 12 tỷ Mỹ kim, tương đương 6% GDP của cả nước, trong suốt 10 năm trước mắt một hệ thống an ninh con kiến cũng không chui qua được là một thực tế rõ ràng: Việt Nam không thể phát triển khi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia để cho Nhóm Lợi Ích nằm lúc nhúc trong những khối u ăn ruỗng mục tại hai khu vực bất động sản và ngân hàng thương mại. [3]
Mục tiêu làm ra luật của csVN là bảo vệ các ngõ ngách để bầy đàn dễ tham nhũng đưa đến nhiều thủ tục chồng chéo mâu thuẫn, gây nản lòng cho cả doanh nghiệp FDI và trong nước để rồi cuối cùng nhà đầu tư phải “bôi trơn” mới xong việc. Thực tế này từng được đại tập đoàn bán dẫn Intel của Mỹ nêu ra để ngưng đầu tư thêm tại Việt Nam cuối năm ngoái; đưa đai dự án vế Mỹ và các nước Âu Châu.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) tiếp tục yêu cầu đơn giản thủ tục cũng như giảm thuế suất thu nhập của các doanh nghiệp FDI.
Khối Doanh Nghiệp các nước Bắc Âu thì còn đang tìm hiểu cách thức kinh doanh, năng lực của Việt Nam và những khó khăn. Việt Nam muốn thu hút các nhà đầu tư tại Băc Âu trong tương lai thì phải bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, với các luật lệ và thủ tục dễ dàng tiếp cận. Hiện nay khoảng 50% trong số các doanh nghiệp Băc Âu đang “ngắm nghía” môi trường đầu tư lần này, chưa có quyết định kinh doanh tại Việt Nam.
Dù Chính Phủ nói là tổng sản phẩm nội địa tăng gần 5,7% trong quý I do xuất khẩu tăng mạnh. Nhưng chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) tháng 3 của Việt Nam xuống 49,9 điểm, dưới ngưỡng trung bình 50 điểm, kết thúc thời kỳ cải thiện kinh doanh kéo dài được 2 tháng; đưa đến việc gần 74 ngàn công ty rời khỏi thị trường kinh doanh, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023. Đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Số liệu của báo Nhà Nước cho biết, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu DNNVV, dự đoán đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp.
Số DNNVV chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể khoảng 40% GDP hàng năm. Giữ vai trò là bộ phận quan trọng thuộc thành phần kinh tế tư nhân, khu vực DNNVV đã có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua.
Tuy nhiên hiện nay, chỉ riêng Saigon có đến 41% DNNVV không thể vay vốn vì thủ tục quá rườm rà và tiêu chuẩn “định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không đủ để thế chấp, các tài sản khác bị định giá xuống trong khi lạm phát gia tăng. . . khiến cho khối DNNVV không còn tài sản thế chấp để vay vốn”.
Sự kiện VnDirect bị tin tặc nước ngoài tấn công gần đây nhắc nhở rằng, năng lực phòng vệ an ninh mạng của doanh nghiệp Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều đợt tấn công mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã gánh chịu 13.900 vụ tấn công mạng, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Đài BBC, dẫn một tài liệu rò rỉ vào tháng 2 năm 2024 tiết lộ, một tổ chức Tầu cộng ở vùng Tây Nam nước này được biết đã chi 15.000 Mỹ kim để đột nhập website của cảnh sát giao thông Việt Nam. [4]
Nhìn về mặt Kinh tế, khủng hoảng dữ dội về nhân sự trong đảng csVN do tham nhũng đã gây xiêu vẹo nơi thượng tần kiến trúc quốc gia, đem hoang mang cho toàn dân và để lại hậu quả xấu cho môi trường kinh doanh, đầu tư nói chung. Việt Nam vẫn có nhiều công ty FDI đầu tư từ những năm môi trường chính trị tương đối ổn định. Nay tình thế đã đổi chiều. Lại cộng thêm thể lý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang khá mong manh dẫn đến thượng tầng chính trị luôn gia tăng đấu đá, để chiếm ghế quyền lực nhất Việt Nam ít ra là từ nay đến dịp khai mạc đai hội 14. (https://vanhoimoi.org/?p=20821)
Không muốn làm nản lòng giới doanh nghiệp Mỹ – tại thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, cùng ngày TBT Trọng mời ông Putin thăm Việt Nam (26/03), Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, trong lúc thăm Hoa Kỳ “trấn an” rằng, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam, do hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách của Việt Nam “mang tính tập thể”.
Mặc cho Ngoại Trưởng Bùi Thanh Sơn lên tiếng trấn an mạnh mẽ, thì dù doanh nghiệp FDI hay trong nước cũng tự biết phận mình chỉ là giới kinh doanh trong môi trường khủng hoảng chính trị có chủ trương ngoại giao với ngôn từ chúc tụng “tội đồ chiến tranh xâm lược . . .” Như thế, “thương giới mong manh” phải đề phòng bị vùi dập, bởi nội cung Ba-đình còn nhiều đợt sóng ngầm từ nay đến ngày đảng csVn có đại hội 14, khoảng 21 tháng nữa.
Kinh doanh vào thời kỳ “tai họa của người này là cơ hội của kẻ khác” thì mọi thiệt thòi phải gánh chịu đương nhiên đè nặng trên các công ty không thuộc “tay chân” của các đại quan đỏ. An toàn nhất cho doanh nghiệp vào thời điểm này là làm ăn trong khuân khổ cầm chừng “WAIT AND SEE”.
Trần nguyên Thao
Đầu tháng 4-2024
[1] https://vtv.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-dien-dam-voi-tong-thong-nga-vladimir-putin-20240326195344091.htm
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw084k478gko
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c06l2v63jvxo
[4] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g52498zv6o