TIN THẾ GIỚI.

ĐỐI THOẠI AN NINH SHANGRI-LA. Ngũ Giác Đài: An ninh của Châu Á cũng là an ninh của Hoa Kỳ (1/6, RFI)

Phát biểu trong khuôn khổ Đối Thoại An Ninh Shangri-La, tại Singapore sáng nay 01/06/2024 bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định « An ninh Châu Á -Thái Bình Dương trước một kỷ nguyên mới » nhờ những mối liên kết và đối tác trong khu vực. Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã gắn liền an ninh của Hoa Kỳ với khu vực và khẳng định lại Ấn Độ -Thái Bình Dương là một « ưu tiên » đối với Washington.

Sau đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng cấp Trung Cộng hôm 31/05/2024, mà phía Bắc Kinh đánh giá là « tích cực », trong phát biểu sáng nay ông Lloyd Austin tìm cách trấn an các đồng minh châu Á rằng khu vực này vẫn là « một ưu tiên » của Hoa Kỳ bất chấp xung đột tại Gaza và chiến tranh Ukraina.

Hãng tin Mỹ AP lưu ý, ông Austin tạm xua tan lo ngại nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai siêu cường thế giới khi cho rằng kịch bản đó « hiện tại không cận kề và là điều có thể tránh được cho dù căng thẳng trong vùng Châu Á –Thái Bình Dương đang gia tăng ». 

Lãnh đạo Lầu Năm Góc đồng thời nhấn mạnh « nước Mỹ chỉ có thể được an tòan, nếu như an ninh của châu Á được bảo đảm và đó là lý do vì sao từ lâu nay Hoa Kỳ vẫn duy trì hiện diện trong khu vực ». Ông Austin đặc biệt chú trọng đến tầm mức quan trọng của các mối liên minh và đối tác với quốc gia trong vùng khi nói tới một « kỷ nguyên mới về an ninh cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ».

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại trong nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden, chính quyền Mỹ đã liên tục mở rộng và thắt chặt hợp tác quốc phòng với từ Nhật Bản đến Úc và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung, huy động tàu chiến, chiến đấu cơ đến eo biển Đài Loan và Biển Đông, hai vùng nhậy cảm đối với Bắc Kinh.

Trong phát biểu hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không quên chĩa mũi dùi vào Trung Cộng khi cho rằng những tranh chấp « cần được giải quyết một cách ôn hòa thông qua đối thoại thay vì áp dụng những hành vi hù dọa hay chọn giải pháp xung đột. Và chắc chắn là những hành vi được cho là để trừng phạt » sẽ không có hiệu quả. AP bình luận, ông Austin muốn nói đến việc Trung Cộng dùng nhiều hình thức trừng phạt, o ép Đài Loan và Philippines ở Biển Đông.

Sau phát biểu của ông Lloyd Austin, một quan chức trong bộ Quốc Phòng Trung Cộng, trung tướng Cảnh Kiến Phong (Jing Jianfeng) lên án Hoa Kỳ mưu toan thành lập một phiên bản của NATO tại châu Á Thái Bình Dương. Theo quan chức này « Mỹ chính là thách thức lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Trở lại với đối thoại trực tiếp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Trung Cộng hôm 31/05/2024, các ông Lloyd Austin và Đổng Quân thông báo « nối lại kênh liên lạc quân sự trong những tháng tới » góp phần « tạo ổn định  trong quan hệ về an ninh » song phương. Theo AP, ông  Đổng Quân cảnh báo đồng cấp Mỹ tránh can thiệp vào vấn đề Đài Loan, đó là « chuyện nội bộ » của Bắc Kinh.   


TT Zelensky gặp các nguyên thủ ở Singapore, tìm hậu thuẫn cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình (VOA)

Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 2/6 rằng ngoại giao – dưới hình thức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng này – là cách tốt nhất để chấm dứt “cuộc chiến tàn khốc” đã giết chết hàng nghìn người ở đất nước ông kể từ năm 2022.

Trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh ở Singapore, ông Zelenskyy cho biết rằng 106 quốc gia và tổ chức đã ký kết tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ, nhưng bày tỏ thất vọng rằng một số nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ. Ông nói rằng Nga đang cố gắng phá vỡ các nỗ lực hòa bình.

Chúng tôi tin rằng thế giới của chúng ta muốn đoàn kết và có khả năng hành động hoàn toàn thống nhất”, ông Zelenskyy nói.

Sau đó, ông nói trong một cuộc họp báo rằng ông không thể gặp phái đoàn Trung Cộng tại hội nghị và rất thất vọng vì Bắc Kinh sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh. Lãnh đạo Ukraina chỉ trích Bắc Kinh “ngăn cản” nhiều quốc gia tham dự hội nghị hòa bình nói trên. Nhưng với Zelensky, điều quan trọng hơn cả là các cuộc đối thoại bên lề với nhiều lãnh đạo quốc phòng và an ninh trên thế giới.

Ông nói: “Thật không may, Trung Cộng… đang cố gắng khiến các nước không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình”.

Trong bài phát biểu trước các đại biểu hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Đổng Quân nói rằng nước ông đã thận trọng không hỗ trợ Nga hay Ukraine.

Ông Đổng nói: “Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Cộng đã thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với thái độ có trách nhiệm. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột. Chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép và chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để thổi bùng ngọn lửa. Chúng tôi kiên quyết đứng về phía hòa bình và đối thoại”.

Ông Zelenskyy cảm ơn các nước, bao gồm Hoa Kỳ, Đức và Hà Lan, vì sự hỗ trợ quân sự của họ, đặc biệt là các hệ thống phòng không. Ông Zelenskyy kể lại cuộc tấn công của Nga hôm 2/6 với gần 100 tên lửa – điều mà ông nói đã xảy ra hàng trăm lần – và lưu ý “không quốc gia nào có thể một mình giải quyết việc này”.

Được biết ngay sau hội nghị Đối thoại Shangri-La, TT Zelensky đã công du Philippines để vận động cho hòa bình hôm 3/6 và thông báo kế hoạch mở đại sứ quán Ukraina tại Manila ngay trong năm 2024.


Xung đột Israel-Palestine: Hoa Kỳ đưa kế hoạch ngừng bắn ra Hội Đồng Bảo An

Theo AFP, hôm 03/06/2024, Hoa Kỳ thông báo đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm tìm sự ủng hộ cho thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza do tổng thống Mỹ đưa ra.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield trong một thông cáo cho biết: “Hôm nay, Hoa Kỳ đã cho lưu hành dự thảo nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An an ủng hộ đề xuất trên bàn đàm phán nhằm ngăn chặn giao tranh ở Gaza thông qua thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin”.

Bà cho biết thêm : “Nhiều nhà lãnh đạo và chính phủ, kể cả trong khu vực, đã ủng hộ kế hoạch này và chúng tôi kêu gọi Hội Đồng Bảo An cùng tham gia kêu gọi thực hiện kế hoạch này ngay lập tức và không có điều kiện mới”.

Hôm 31/05,  tổng thống Mỹ đã giới thiệu một thỏa thuận mà ông gọi là kế hoạch của Israel gồm 3 giai đoạn để chắm dứt chiến tranh, giải phóng tất cả các con tin và tái thiết vùng lãnh thổ Palestine bị tàn phá. Tuy nhiên, văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phản ứng bằng tuyên bố rằng Israel quyết tâm tiếp tục chiến tranh cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong nội bộ ông đang bị mắc kẹt bởi bản kế hoạch ngừng bắn trên.

Thông tín viên RFO trong khu vực Michel Paul giải thích : 

Bị mắc vào cãi bẫy của chính mình, ông Benyamin Netanyahu lần này bị tổng thống Mỹ đặt đối mặt với thực tế. Ông Joe Biden đã tiết lộ các chi tiết đề xuất của Israel cho ngừng bắn và thả con tin.

Lộ trình đó đã được nội các chiến tranh Israel soạn thảo, nhưng ông Netanyahu đã cẩn thận giấu kín nội dung, nhất là đối với cánh cực hữu trong chính phủ của ông.

Tình hình nội bộ quả là siêu thực. Nhân vật được đánh giá là nhà ảo thuật chính trị của Israel, giờ đây phải cố gắng dung hòa các đòi hỏi của các thành phần trung dung trong chính phủ khẩn cấp của ông như Benny Gantz và Gadi Eizenkot trước nhưng đe dọa của những nhân vật cực hữu Ben Gvir và Smotrich.

Điểm chung là tất cả các bộ trưởng này đều có ý định rời khỏi liên minh, được coi là chiếc phao cứu sinh duy nhất cho thủ tướng Isrel trước những sóng gió tư pháp, liên quan đến vụ án tham nhũng và lạm dụng tín nhiệm.Đe dọa thêm với Benyamin Netanyahu đó là các cuộc mặc cả vẫn còn đang trong bí mật để thành lập một nhóm trung hữu với các nhân vật như Avidor Lieberman, lãnh đạo đảng nói người Israel nói tiếng Nga, Beytenou và Yossi Cohen, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad. Và tương lai sẽ là phải bầu cử lại.


Ấn Độ: Thủ tướng Modi tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 không có đa số tuyệt đối tại nghị viện (RFI)

Tại Ấn Độ, kết quả kiểm phiếu công bố tối ngày 04/06/2024, đã xác nhận đảng cầm quyền BJP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, thủ tướng Narendra sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới nhưng với một đa số tương đối ở Quốc Hội.

Trái với mong đợi cũng như dự báo của phần đông giới phân tích chính trị, chiến thắng của ông Modi không vang dội như hai nhiệm kỳ trước. BJP chỉ đạt được 240 ghế tại Quốc Hội. Để thành lập được chính phủ với đa số tuyệt đối, đảng của ông Modi phải dựa vào liên minh.

Ông Modi, 73 tuổi, ngay trong tối hôm qua đã ăn mừng thắng lợi. Ông khẳng định kết quả bầu cử cho phép ông tiếp tục chương trình vì một đất nước Ấn Độ tương lai phồn thịnh .

Thông tín viên RFI, Côme Bastin tại New Delhi ghi nhận : 

BJP, đảng của ông đã thắng cử mặc dù đó là một chiến thắng sít sao nhưng ông muốn khẳng định đó là thắng lợi. Cùng với liên minh của mình, đảng của ông Narendra Modi đã giành được 290 ghế tại Quốc Hội Ấn Độ, trong khi đó liên minh đối lập chỉ có được 230 ghế.

Ông Modi tuyên bố : “Đây là chiến thắng cho nền dân chủ lớn nhất thế giới, một thắng lợi của Hiến Pháp Ấn Độ. Tất cả các đảng đối lập đã tập hợp với nhau để cố gắng giành thắng lợi nhưng họ đã không đạt được số ghế bằng đảng BJP”.

Tuy nhiên đảng BJP chỉ có được đa số tương đối, ông Narendra Modi biết điều đó. Vì thế ông đã liên tục nhắc đến Liên minh Dân chủ Quốc gia (National Democratic Alliance), một liên minh sẽ giúp ông tiếp tục lãnh đạo Ấn Độ. Ông muốn chứng minh rằng nhãn quan chính trị của ông là không suy suyển.

Ông nói : “Chúng ta đã đưa 250 triệu người khoát khỏi nghèo khó và chúng ta sẽ cải thiện số phận của mọi tầng lớp xã hội. Chúng ta sẽ đặt Ấn Độ trên đường tương lai bằng cách phát triển hạ tầng cơ sở và năng lượng xanh”.

Đó là một Narendra Modi kêu gọi tập hợp đoàn kết, khác xa với ông Modi trong chiến dịch tranh cử liên tiếp công kích người Hồi giáo.  

Hôm nay lãnh đạo và chính phủ nhiều nước đã lên tiếng chúc mừng thủ tướng Narendra Modi. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chúc mừng chiến thắng của thủ tướng Modi, đồng thời nhấn mạnh đến “sức nặng và tầm quan trọng của Ấn Độ trong các công việc quốc tế”.

Nhật Bản cũng gửi lời chúc mừng và nhấn mạnh Ấn Đô luôn là “đối tác lớn” của Tokyo.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Mao Ninh hôm nay tuyên bố với báo chí, “Trung Cộng chúc mừng ông Modi và đảng của ông và “sẵn sàng làm việc với Ấn Độ để thúc đẩy phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ giữa hai nước”.

Trong hai nhiệm kỳ trước diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động về kinh tế và địa chính trị lớn, thủ tướng Narendra Modi với sự khôn khéo chính trị đã ghi được nhiều dấu ấn, đặc biệt là thành công trong lĩnh vực ngoại giao để đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia có có ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Modi đang thu hút sự chú ý của giới quan sát chính trị quốc tế, trong lúc ngày càng có nhiều nước, hay nhóm nước cần đến Ấn Độ.


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thăm Cam Bốt nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và quân sự (RFI).

Hôm 04/06/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến thăm chính thức Cam Bốt. Sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý và bình luận từ giới truyền thông Đông Nam Á.

Từ Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang, cho biết thêm thông tin:

Truyền thông Đông Nam Á chú ý đến chuyến thăm chính thức lần đầu, kéo dài một ngày, vào thứ Ba tuần này của bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Loyd Austin tới Cam Bốt.

BT Austin và Thủ tướng Hun Manet

Trước đó, cuối 2022 ông Austin đã thăm Cam Bốt nhưng không phải là chuyến thăm chính thức mà để dự hội nghị quân sự ASEAN cùng Hoa Kỳ.

Ông Austin đã gặp nguyên thủ tướng Cam Bốt Hun Sen trước khi gặp thủ tướng con trai ông, Hun Manet hôm nay ở Phnom Penh. 

Cả báo Campuchia và truyền thông khu vực đều nhắc rằng hai ông Austin và Hun Manet có điểm chung là cùng tốt nghiệp học viện quốc phòng West Point của Mỹ. Ông Austin tốt nghiệp năm 1975 và ông Hun Manet năm 1999, đánh dấu sự khác biệt thế hệ rất lớn.

Quan chức nước chủ nhà đã phát biểu trước chuyến thăm của vị khách Mỹ đến Phnom Penh ngay sau Diễn đàn An ninh Quốc phòng Shangri-La ở Singapore, rằng ông Austin tới là để tạo cơ hội giúp hai bên đẩy mạnh quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực quân sự.

Theo trang CNA của Singapore thì quan hệ hai bên xấu đi kể từ năm 2017 khi Cam Bốt bỏ tập trận chung Angkor Sentinel cùng Hoa Kỳ. Sang năm 2021, Hoa Kỳ không cấp học bổng quốc phòng cho Cam Bốt nữa. Trang Reuters thì nói quan chức quốc phòng Hoa Kỳ thăm một nước Cam Bốt đang “xích lại gần hơn với Trung Cộng”.

Nhưng các nhà bình luận Cam Bốt như Vithoureakborndidh Chou viết trên trang Asia Times rằng Hoa Kỳ cần bỏ cách nhìn Cam Bốt qua lăng kính Trung Cộng và cần đánh giá và coi trọng nhu cầu chủ động của Phnom Penh muốn nâng cao năng lực quốc phòng, mua sắm vũ khí nhiều hơn nữa, như các láng giềng Việt Nam, Thái Lan đã và đang làm.

Một trong những điểm đứng cao trong nghị trình chuyến thăm của ông Llyod Austin có thể là việc phục hồi tập trận chung với Cam Bốt, báo khu vực trích lời nhà phân tích chính trị Ou Virak nói với hãng tin AFP.

Phnom Penh thực sự mong muốn có quan hệ mang tính thực tiễn với Hoa Kỳ khi Washington nối lại quan tâm với Vương quốc Đông Nam Á, theo Ou Virak.

Theo CNA News thì vấn đề nổi cộm cho tới nay vẫn là sự có mặt từ tháng 12/2023 của hai chiến hạm Trung Cộng tới cập cảng Ream, nơi nước chủ nhà cho xây một quân cảng mà Hoa Kỳ lo ngại là sẽ khiến Cam Bốt thành quốc gia có hải quân Trung Cộng đóng căn cứ lâu dài. Nếu đúng như vậy thì Trung Cộng có thể phá vỡ thế trận Hoa Kỳ muốn sắp đặt ở vùng biển Đông Nam Á. 

Phía Cam Bốt tuy thế luôn bác bỏ nghi ngờ trên và nói cảng Ream, không xa thành phố duyên hải Sihanoukville sẽ mở cửa cho bất cứ tàu chiến nước nào vào cập bến nếu có thông báo trước đúng quy định. Chính quyền Cam Bốt cũng đã có các động thái để tỏ ra sẵn sàng khởi động lại quan hệ với Hoa Kỳ, như ủng hộ một nghị quyết LHQ do Mỹ bảo trợ, lên án Nga xâm lược Ukraine. Sau khi Cam Bốt chấm dứt nhiệm kỳ làm chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022, ông Hun Sen đã tới thăm đại sứ quán Hoa Kỳ, như để tạo đà cho con trai ông nâng tầm quan hệ với Mỹ.

Trao đổi quân sự cấp cao hai bên vì thế được quốc tế chú ý vào thời điểm cạnh tranh Mỹ-Trung trở nên công khai, và hai nước này đều tìm kiếm đồng minh, đối tác hoặc ít nhất là mong thiết kế các mối quan hệ ở châu Á không có hại cho chiến lược an ninh, quân sự của mình. Giữa cuộc cạnh tranh đó, vai trò của Cam Bốt nổi lên hơn bao giờ hết.


Nam Hàn tuyên bố đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều (rfi)

Sau một tuần liên tục nhận được bóng bay chở chất thải và phân của Bắc Triều Tiên, Nam Hàn hôm 03/06/2024, đã quyết định đình chỉ thực hiện thỏa thuận quân sự liên Triều cho đến khi mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện. Seoul cho đây là một “quyết định hợp pháp và đúng đắn” và sẽ tiếp tục “thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân”.

Một khi thỏa thuận quân sự liên Triều bị đình chỉ, Nam Hàn có thể tiến hành nhiều biện pháp như tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực biên giới hay lắp đặt loa phóng thanh nhằm nối lại chiến tranh tâm lý.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Celio Fioretti cho biết cụ thể : 

“Đối với Bình Nhưỡng, đó là món quà cho người dân Nam Hàn. Đáp lại, Seoul tố cáo đó một sự khiêu khích thấp kém. Sau khi Bắc Triều Tiên thả những quả bóng bay chứa đầy rác thải sang Nam Hàn, hôm Chủ nhật, Seoul đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để đáp trả hành động mà nước này coi là vi phạm hiệp định đình chiến.

Hội đồng An ninh Quốc gia dự định khởi động lại loa phóng thanh ở biên giới. Những chiếc loa này được lắp đặt ở hai bên khu phi quân sự có từ năm 1953 ngăn cách hai miền Triều Tiên nhằm phát đi các thông điệp và âm nhạc tuyên truyền. Dù Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý chấm dứt hoạt động phát thanh này vào năm 2004, nhưng những chiếc loa tiếp tục được hồi sinh nhiều lần, và gần đây nhất là từ năm 2015 đến 2018.

Loa phóng thanh của Nam Hàn phát đi những bản tin tuyên truyền, nhạc K-pop hay tin tức chống Bắc Triều Tiên và có thể được nghe thấy trong phạm vi từ 10 đến 24 km bên trong Bắc Triều Tiên. Theo các chuyên gia, những chiếc loa này được cho là sẽ làm mất tinh thần và gây khó chịu cho đối thủ, tuy nhiên vẫn cần phải xem xét thêm về tác dụng của chúng. Ngoài ra, cũng có nhiều người lo ngại rằng việc phổ biến những thông điệp tuyên truyền như vậy sẽ làm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Hiện tại, chính phủ Nam Hàn vẫn chưa loại trừ việc sử dụng loa phóng thanh và cho biết họ sẵn sàng khởi động lại chúng bất cứ lúc nào.”


Nhiều nơi tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn “để duy trì kỳ ức lịch sử” (RFI)

Hôm 04/06/2024, lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn, cách nay 35 năm đã diễn ra tại nhiều nơi, bên ngoài Hoa Lục. Như thường lệ, nhà cầm quyền Trung Cộng thắt chặt kiểm soát an ninh tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và bắt giữ 4 người ở Hồng Kông.

Hình ảnh cuộc biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn 35 trước.

Tối thứ Ba, 04/06, hàng trăm người đã tập trung tại Quảng trường Tự Do ở Đài Bắc, Đài Loan để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn cách nay 35 năm. Mọi người đặt hoa, nến trên một tấm bạt ghi ngày xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu của Bắc Kinh 04/06/1989, khiến hàng trăm, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn người bỏ mạng, theo một số ước tính. Tổng thống Đài Loan, trong bài đăng trên Facebook, khẳng định rằng những ký ức về ngày 04/06 sẽ không bị xóa nhòa trong lịch sử và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng duy trì ký ức này”.

Còn tại Hồng Kông, theo AFP, cho đến năm 2020, trước khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia, việc kỷ niệm sự kiện này thu hút hàng chục ngàn người đến thắp nến ở công viên Victoria. Nay hoạt động này đã bị cấm và cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 4 người vào hôm qua, vì nghi là phạm tội “có ý định nổi loạn”, “gây rối trật tự công cộng”, hay “hành hung người thi hành công vụ”,… Một trong số họ bị bắt vì hô các khẩu hiệu trên đường phố liên quan đến sự kiện mà Bắc Kinh coi là từ “cấm kị”.

Các buỗi lễ tưởng niệm cũng được tổ chức ở Paris (Pháp) hay Luân Đôn (Anh Quốc).

Hôm qua, trong một thông cáo, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tuyên bố “ủng hộ phong trào dân chủ ở Trung Cộng”, đoàn kết với những người đấu tranh cho tự do và quyền con người, đồng thời khẳng định “không bao giờ quên đi cuộc đàn áp diễn ra cách nay 35 năm tại quảng trường Thiên An Môn”. Phía Trung Cộng ngay lập tức bày tỏ bất bình về phát biểu này. Sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã cáo buộc ông Blinken “kích động cuộc đối đầu ý thức hệ” và ngừng can thiệp vào nội bộ Trung Cộng với lý do nhân quyền.


Bầu cử tổng thống Mêhicô: Bà Claudia Sheinbaum, ứng viên cánh tả, giành thắng lợi vẻ vang (rfi)

Theo kết quả chính thức được Viện Bầu Cử Quốc Gia Mêhicô INE công bố sáng ngày 03/06/2024, bà Claudia Sheinbaum, ứng viên cánh tả đã giánh thắng lợi vẻ vang. Bà được từ 58 đến 60% số phiếu. Đối thủ chính của bà là cựu thượng nghị sĩ cánh trung hữu, bà Xochitt Galvez, về thứ nhì và bị bỏ xa lại phía sau với tối đa 28% số phiếu.

Tân Tổng thống Claudia Sheinbaum

Trong phát biểu đầu tiên ngay sau khi có kết quả chính thức, bà Claudia Sheinbaum cam kết « sẽ không phụ lòng cử tri » và rất tự hào là « nữ tổng thống đầu tiên của Mêhicô ». Xuất thân là một nhà khoa học, năm nay 61 tuổi, bà từng là thị trưởng thủ đô Mêhicô trước khi lao vào cuộc vận động tranh cử, tiếp nối sự nghiệp của người đỡ đầu cho mình về mặt chính trị, là tổng thống mãn nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador.

Thông tín viên Gwendolina Duval từ Mêhicô tường thuật về không khí tại chỗ và nêu ra những thách thức chờ đợi nữ tổng thống đầu tiên tại quốc gia, mà theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, trung bình mỗi ngày có 10 phụ nữ bị sát hại : 

« Lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của nền cộng hòa, tôi sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Mêhicô ». Giọng nói hơi xúc động nhưng bình tĩnh, Claudia Sheinbaum phát biểu như trên sau một ngày bầu cử rất dài và kết quả chính thức được công bố trễ hơn dự kiến. Bà đã có vài lời dành cho hai đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, nhưng ngay sau đó, Claudia Sheinbaum đã đề cập đến chương trình tranh cử và một lần nữa bà cam kết sẽ tiếp nối con đường mà người tiền nhiệm đã phác họa ra.

Bà nói chính phủ sắp tới sẽ « trung thực, không chịu ảnh hưởng của các thế lực nào, không tham nhũng và cũng sẽ không dung thứ cho những kẻ phạm tội (…). Chính phủ sắp tới sẽ tiết kiệm, có kỷ luật về chi tiêu và thuế khóa. Chúng tôi bảo đảm tính độc lập của Ngân Hàng Trung Ương. Mêhicô là một quốc gia dân chủ, và vì niềm tin, chúng ta sẽ không bao giờ là một chính quyền độc đoán, điều hành đất nước bằng đàn áp ».

Vào lúc mà những lời chúc mừng từ phía tổng thống mãn nhiệm, Andres Manuel Lopez Obrador và của cộng động quốc tế đang được gửi tới, thì tổng thống tân cử Claudia Sheinbaum chia sẻ thắng lợi này với những người ủng hộ bà ở quảng trường Zocalo.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam chi 24,5 tỷ USD giải cứu SCB để tránh sụp đổ nền tài chánh

Theo đài RFA, hãng tin Reuters loan độc quyền ngày 4/6 cho hay: riêng trong hai tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn – SCB vay thêm 1,2 tỷ Mỹ kim. Tính chung gần hai năm qua NHNN đã chi tổng cộng 24,5 tỷ Mỹ kim, tương đương 6% Tổng Sản phẩm Nội địa (GDP) của Việt Nam năm 2023.

Nạn nhân của vụ lừa đảo biểu tình

Hồi tháng tư vừa qua, Reuters cũng loan tin việc NHNN chi khoản “chưa từng có tiền lệ” để giải cứu SCB. Đây là ngân hàng dính líu vào vụ lừa đảo tài chính lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay mà một nguồn tin lúc đó cho Reuters biết nếu không giải cứu thì dẫn đến sụp đổ đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Khoản giải cứu mà NHNN cho SCB vay là để chi trả những khoản tiền mà người gửi đến rút và những khoản phải thanh toán.

NHNN và SCB chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về những thông tin mới nhất vừa nêu; tuy nhiên theo Reuters hồi tháng tư Ngân hàng Nhà nước xác nhận phải hỗ trợ tài chính cho SCB.

Tình trạng khủng hoảng của SCB xảy ra vào tháng 10 năm 2022 khi Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, bị bắt với cáo buộc chủ mưu vụ lừa đảo tài chính được cho lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Vào tháng tư vừa qua, bà Trương Mỹ Lan bị tòa sơ thẩm thành phố Saigon tuyên án tử hình về tội tham ô.

Bà này bác bỏ mọi cáo buộc và kháng cáo bản án sơ thẩm.


CSVN sắp tái tục Hội nghị người Việt ở nước ngoài vào tháng 8

Đài RFA thuật tin từ Bộ Ngoại Giáo Việt Nam cho biết, hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức & Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài sẽ được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 8 tới đây.

Giới trẻ Việt Nam rước cờ Vàng trên đại lộ Bolssa, Little Saigon

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, hoạt động vừa nêu bị gián đoạn một thời gian do dịch bệnh COVID-19. Năm nay tròn 20 năm Đảng Cộng sản Việt Nam cho triển khai Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; nên các sự kiện được tổ chức để tiếp tục thu hút nguồn lực cho đất nước Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, dự kiến có khoảng hơn 600 đại biểu; trong số này có chừng 400 đại biểu từ nước ngoài, tham dự hai sự kiện vừa nêu.

Hình thức hội nghị vừa trực tiếp lẫn trực tuyến.

Vào cuối năm ngoái, bà Lê Thị Thu Hằng cho truyền thông Nhà nước biết hiện có chừng sáu triệu người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài; trong số này khoảng 10% là những người có trình độ cao và 80% sinh sống tại những quốc gia phát triển gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp. . .


Sư Minh Tuệ “tự nguyện dừng bộ hành khất thực” ?

Ban Tôn giáo Chính phủ (viết tắt là BTGCP) Việt Nam sáng 3/6 tuyên bố cho biết ông Lê Anh Tú (thế danh của sư Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc bộ hành khất thực, tuy nhiên hai vị sư đi theo trong đoàn tiết lộ điều hoàn toàn trái ngược:

Các sư bị công an bắt trong đêm, buộc viết cam kết dừng bộ hành 

Trái ngược với tuyên bố của cơ quan Nhà nước, sư Minh Nhuận – người đi theo đoàn của sư Minh Tuệ nói trong một video được đăng tải lên Tiktok vào trưa 3/6, cho biết vào khoảng 1-2 giờ sáng cùng ngày khi đang nghỉ ở đỉnh đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, thì có hơn mười chiếc xe 16 chỗ mang biển xanh 75 (biển số xe của tỉnh Thừa Thiên Huế) và một chiếc xe 24 chỗ (biển số xe tỉnh Gia Lai) chở người đến khống chế các sư. Ông nói:

Sư Minh Tuệ bị buộc lăn tay làm căn cước (ảnh trái) và các sư bị bắt lên xe thùng của công an biển số Thừa Thiên Huế (Nguồn: RFA)

Khi con đang ngủ, các anh em trong đoàn đang ngủ thì họ vô cửa, họ ào vào một cái một rồi họ nắm tay mọi người ra.  Hai người kèm một người (trong đoàn bảy mươi mấy người thì chắc phải có 100 người đó) là họ kề ra xe, họ chở đi họ chở một hướng đi Nam một hướng đi Bắc nhưng mà không biết sư Minh Tuệ và mọi người đang ở đâu. 

Con và các huynh đệ thì chở ra Hà Tĩnh vô công an phường (xã-PV) Kỳ Trung lấy lời khai làm việc, ký cam kết này nọ buộc con phải ký là không đi chung đoàn và không vi phạm pháp luật.” 

Sư Minh Nhuận cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật và không làm gì sai trái nên đã không đồng ý hợp tác nên bị công an chở ra bãi đất trống xa trung tâm thành phố Hà Tĩnh và thả xuống.

Sư Phúc Giác (còn gọi là Kim Cang) trong một đoạn video khác cũng cho biết, khi sư Minh Tuệ đang ngồi thiền thì bị năm công an khống chế dí xuống đất. 

Một người tu đang ngồi thiền mà năm ông đè ra làm gì? Thầy đâu có chống cự đâu mà người tu lấy gì mà chống cự. Ban ngày mời mình lên trụ sở hỏi han thì được chứ nửa đêm mà bắt người ta trói tay vào thì sao được?” – vị sư xuống tóc nguyện đi theo sư Minh Tuệ khoảng hơn 10 ngày nay cho biết. 

Cũng theo ông, có khả năng 71 vị đi theo đoàn đều được trả tự do rải rác ở các tỉnh thành, còn lại sư Minh Tuệ thì không biết tin tức. 

Phóng viên gọi điện thoại cho Phòng tham mưu công an tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đoàn các sư nghỉ lại tối qua, để xác minh thông tin trên. Tuy nhiên viên công an trực máy khẳng định không biết sự việc và nói “trên mạng nói lung tung thôi, không đúng đâu”. 

Ngoài ra, hình ảnh của sư Minh Tuệ trên mình vẫn đang khoác y bá nạp, bị một người mặc sắc phục công an buộc lăn năm đầu ngón tay trong trụ sở để làm căn cước công dân, cũng được lan truyền trên mạng. 

Phóng viên xác minh với công an huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai – nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của sư Minh Tuệ để hỏi về việc ông bị đưa trở về đây làm căn cước công dân, tuy nhiên người trực ban bắt máy từ chối trả lời và yêu cầu lên trụ sở gặp lãnh đạo để được cung cấp thông tin. 

Theo báo trong nước: Trước đó, sáng cùng ngày, theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.

Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung. (Trích RFA)


Công an Việt Nam đưa ra công cụ mới quản lý tăng ni, phật tử

Bộ Công an tung phần mềm, ứng dụng quản lý tăng ni, Phật tử

Hôm 3/6, Bộ Công an Việt Nam ra mắt phần mềm quản lý các hoạt động từ đăng ký thành viên, cúng dường, đến khai báo địa điểm sinh hoạt tôn giáo, thụ giới của các tăng, ni và phật tử. Động thái này khiến giới hoạt động cho tự do tôn giáo thấy quan ngại.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an hôm 3/6 phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni phật tử, truyền thông trong nước tường thuật.

Ngoài việc giới thiệu tổng quan về ứng dụng VNPhattu, các cán bộ C06 cũng hướng dẫn các tăng ni, phật tử cài app này, thực hành nhập, xử lý hồ sơ, khai báo thông tin… trên ứng dụng, hệ thống, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin.

Phát biểu tại buổi ra mắt ứng dụng tại chùa Đại Thành, thành phố Bắc Ninh, đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Ccc trưởng Cục C06, nói rằng thời gian qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam “luôn đồng hành” cùng lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Ông nói thêm rằng giáo hội này còn hỗ trợ tuyên truyền việc “tuân thủ quy định pháp luật nhà nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm tại nơi cư trú”.

Theo C06, hệ thống quản lý này có 3 phân hệ: ứng dụng di động cho phật tử, phần mềm quản lý tăng ni, và phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong ứng dụng di động cho phật tử, người đăng nhập vào ứng dụng này thông qua tài khoản VNeID – tài khoản định danh điện tử thay thế cho thẻ căn cước, đăng ký ghi danh phật tử, đăng ký quy y tam bảo; xem thông tin hành chính giáo hội, tin tức, sự kiện, các ngày lễ Phật giáo, nghe giảng pháp.

Phần mềm quản lý tăng ni có các chức năng như quản lý phật tử, tăng ni; quản lý hồ sơ thụ giới, hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh, hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia… Trong khi đó, phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các chức năng như xem thông tin cá nhân dành cho tăng ni, hồ sơ điện tử, tra cứu hồ sơ, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.

Trang Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 3/6 nêu nhận định rằng ứng dụng mới này không những “giúp giảm thiểu công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả công việc”, mà còn “hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng phát triển đất nước văn minh”.

Trang Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đưa tin về việc triển khai ứng dụng VNPhattu, khẳng định rằng ứng dụng này được kết nối với Trung tâm dữ liệu Quốc gia. Trang này cho hay ứng dụng này được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Trong khi đó giới tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ quan ngại về sự “quản lý quá chặt chẽ” của Bộ Công an đối với các sinh hoạt tôn giáo của công dân, và sự “bắt tay có chủ ý” của chính quyền với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức được cho là nhận được sự hậu thuẫn của nhà nước.

“Công an kết hợp với các chức sắc tôn giáo để thống trị, kìm kẹp, nắm giữ con người. Họ sử dụng tôn giáo để nắm quần chúng. Những vị chức sắc đó cũng vì quyền lợi mà làm theo mệnh lệnh của chính quyền… Điều này tôi rất buồn”, Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng đoàn giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – một tổ chức không được chính quyền công nhận – nêu nhận định cá nhân với VOA hôm 3/6.

Từ bang Virginia, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS, một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nhận xét với VOA rằng ứng dụng mới này cho thấy sự can thiệp “ngày càng sâu” và “đi quá xa” của chính quyền đối với sinh hoạt tôn giáo của người dân.

“Họ không những muốn kiểm soát từng vị tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – giáo hội của nhà nước- mà họ còn muốn kiểm soát cả phật tử và tất cả các sinh hoạt của phật tử như cúng dường, quy y tam bảo, sinh hoạt ở chùa nào, di dời địa điểm sinh hoạt cũng khai báo… Đây là sự kiểm soát hết sức nghiêm ngặt”, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói.

“Trên thế giới, ngay cả Trung cộng, cũng chưa có sự kiểm soát như vậy, ngoại trừ tại Tây Tạng”, vẫn lời ông Thắng.

Nhà lãnh đạo BPSOS kêu gọi rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng báo động về động thái này của Hà Nội trước việc “kiểm soát quá chặt chẽ” của chính quyền đối với các tăng ni, phật tử trong nước, cũng như các nguy cơ đối với các tăng, ni không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được chính quyền công nhận.

Truyền thông trong nước đưa tin rằng sau giao đoạn sử dụng thí điểm ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên, ứng dụng này sẽ được “triển khai mở rộng ra toàn quốc”.

Cục C06 cũng yêu cầu người sử dụng hệ thống quản lý này “phải tuân thủ mọi quy định của nhà nước về bảo vệ thông tin cá nhân”, theo báo Tiền phong. (VOA)


Việt Nam nhập siêu hơn 32 tỷ đô la từ Trung cộng trong 5 tháng

Việt Nam nhập siêu 32,3 tỷ đô la từ Trung cộng trong vòng (5) tháng vừa qua, trong khi xuất siêu sang Mỹ 38,1 tỷ đô la, theo số liệu  mới công bố của Tổng cục Thống kê.

Đây là hai thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Việt Nam. Các số liệu thống kê mới cho thấy, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập siêu từ Trung cộng tăng hơn 55%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập siêu từ Hàn Quốc trong năm tháng qua 11,1 tỷ đô la, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, trong năm tháng qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 305,53 tỷ đô la, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cán cân thương mại hàng hóa, trong năm tháng qua, Việt Nam xuất siêu đạt 8,01 tỷ đô la, thấp hơn so với mức 10,2 tỷ đô la cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập cảng hàng hóa của Việt Nam đạt 66,62 tỷ đô la, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập cảng hàng hóa tháng 5 tăng trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao cho thấy dấu hiệu tích cực sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.  Các mặt hàng nhập cảng chủ yếu là thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tổng cục Thống kê nhận định đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng hoạt động xuất, nhập cảng của Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, đặc biệt chú ý khi nhập siêu có dấu hiệu quay lại. (RFA)


Tin đồn nhà báo Huy Đức bị cơ quan an ninh câu lưu

Đài RFI thuật tin từ các mạng xã hội trong nước loan tải tin đồn về việc nhà báo Trương Huy San, biệt danh Huy Đức hay Osin, một người nổi tiếng trong giới blogger, đột ngột bị cơ quan chức năng câu lưu từ ngày mùng 02 tháng 06.

Nhà báo Huy Đức

Hiện tại, truyền thông chính thức trong nước hoàn toàn không đưa thông tin nào về vụ nhà báo Huy Đức. Theo nhà giáo Hoàng Dũng, tin đồn về việc nhà báo này bị công an bắt giữ xuất phát từ blogger Lê Nguyễn Hương Trà trên mạng Facebook với dòng tin ngắn ”Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức”.

RFI tiếng Việt liên lạc được với nhà văn Trần Thanh Cảnh (Bắc Ninh), một người bạn của nhà báo Huy Đức. Nhà văn Trần Thanh Cảnh cho biết ông với nhà báo Huy Đức có kế hoạch tham gia một sinh hoạt tại Hà Nội vào chiều hôm qua 01/06, nhưng không còn liên lạc được kể từ đó. Trang Facebook cá nhân của blogger Huy Đức cũng không còn truy cập được tại Việt Nam. 

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: ‘‘Hôm qua mình với Huy Đức có buổi hẹn để làm việc tại một chương trình Cafe thứ Bảy ở Hà Nội, vào lúc 3 giờ chiều. Cafe thứ Bảy là một quán cà phê của nhạc sĩ Dương Thụ, ở đó tổ chức các chương trình để các học giả, trí thức đến nói chuyện, cũng có thể mời các ca sĩ, nhạc sĩ đến biểu diễn. Hôm ấy, chúng mình tổ chức chương trình về chuyển giao quyền lực thông qua các cuộc hôn nhân thời nhà nước phong kiến Việt Nam.

Buổi sáng mình gửi tin nhắn và gọi điện đều không được. Mình tìm cách liên lạc với người nhà, người có thể gọi là bạn gái Huy Đức, gần như ở cùng. Chị ấy chỉ nói là đang bận việc, và không trả lời gì cả. Chỉ nói là : Bận ! Bận ! Bận ! … Mình đoán lúc đấy đang đứng bên cạnh những người khác nữa, nên không trả lời. Sau đó, hỏi thêm một số người nữa thì thấy thông tin, tin đồn bảo là cơ quan chức năng đến làm việc ở khu nhà Huy Đức’’. (RFI)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng