TIN THẾ GIỚI.

Hungary cam kết không cản trở các nước đồng minh NATO hỗ trợ Ukraina (RFI)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12/06/2024, đã đến Budapest gặp thủ tướng Hungary. Sau nhiều giờ hội đàm, lãnh đạo NATO thông báo đạt được thỏa thuận với ông Viktor Orban về vấn đề viện trợ cho Ukraina.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Theo AFP, trong cuộc họp báo, ông Stoltenberg cho biết, hai bên đã đồng ý là « Hungary sẽ không cản trở các nước đồng minh khác tham gia hỗ trợ Ukraina về mặt tài chính cũng như là vai trò hàng đầu của NATO trong việc điều phối ». Đáp lại, Hungary đã có được bảo đảm là « nước này không bị bắt buộc phải tham gia vào các nỗ lực của NATO ».

Theo thủ tướng Orban, cuộc hội đàm với lãnh đạo NATO tuy « khó khăn nhưng mang tính xây dựng ». Thủ tướng Hungary nhấn mạnh, đất nước ông « không thể làm thay đổi quyết định của 31 nước thành viên khác » nhưng « sẽ không đóng góp tài chính và sẽ không đưa một người nào tham gia cuộc chiến này ».

Cuộc gặp giữa lãnh đạo NATO và thủ tướng Hungary Viktor Orban diễn ra vào lúc liên minh quân sự này chuẩn bị họp thượng đỉnh vào tháng 7/2024 ở Washington. Ông Stoltenberg chuẩn bị một kế hoạch để củng cố vai trò của NATO trong hoạt động điều phối cung cấp vũ khí cho Kiev và đào tạo binh sĩ Ukraina.

Lãnh đạo NATO cũng muốn duy trì viện trợ cho Ukraina ở mức tối thiểu là 40 tỷ euro/năm. Theo dự kiến, bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên NATO sẽ có cuộc họp tại Bruxelles vào ngày mai 13/06 nhằm đúc kết thỏa thuận cuối cùng.

AFP nhắc lại, thủ tướng Hungary Viktor Orban từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina luôn từ chối gởi viện quân sự cho Kiev và có những phát biểu cứng rắn hơn trong thời gian qua, cáo buộc NATO lôi kéo các nước thành viên lao vào « một cuộc xung đột toàn cầu ».

Ngoài hồ sơ viện trợ cho Ukraina, một vấn đề khác gây xung khắc giữa Hungary và NATO : Đó là việc chỉ định thủ tướng Hà Lan mãn nhiệm, Mark Rutter làm tổng thư ký thay Jens Stoltenberg vào mùa thu này. Hungary phản đối kịch liệt và chỉ ủng hộ một ứng viên duy nhất là tổng thống Rumani Klaus Iohannis, hiện bị Mỹ gây áp lực để buộc rút khỏi cuộc đua.


Thượng đỉnh G7: TT Biden sẽ chú trọng vào viện trợ cho Ukraine và Trung Quốc giúp Nga (VOA)

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/6 đã đáp máy bay đến Ý để tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo G7 nhằm gia tăng áp lực lên Nga xung quanh cuộc chiến ở Ukraine và Trung Quốc do sự ủng hộ của họ dành cho Moscow và năng suất công nghiệp dư thừa.

Các nhà lãnh đạo G7 đến hội nghị thượng đỉnh lần này để tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề cấp bách của thế giới trong lúc ở trong nước họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.


Lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ giải quyết nhiều thách thức trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra từ ngày 13 đến 15/6, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông, mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, các mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo và những thách thức đang nổi lên ở châu Phi.

Các nhà lãnh đạo G7 sẽ công bố các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mới đối với Nga nhằm vào các thực thể và các mạng lưới hỗ trợ cho quân đội của ông Vladimir Putin đang xâm lăng Ukraine, phát ngôn nhân Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 11/6. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tăng cái giá phải trả của cỗ máy chiến tranh Nga,” ông Kirby cho biết.

Washington dự tính tăng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc bán chip bán dẫn và các mặt hàng khác cho Nga, nhắm vào các bên thứ ba bán hàng cho Nga ở Trung Quốc, các nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Reuters hôm 11/6.

Chính quyền Biden sẽ loan báo mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có sang các mặt hàng mang các thương hiệu Mỹ chứ không chỉ các mặt hàng được sản xuất tại Mỹ, các nguồn tin cho biết. Chính quyền Biden sẽ xác định một số thực thể ở Hong Kong mà họ nói là vận chuyển hàng hóa cho Nga.

Tăng cường viện trợ cho Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu tại cuộc họp G7, với các quan chức Mỹ và châu Âu mong muốn chốt luôn các giải pháp, trước khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vốn sẽ khiến sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kyiv trong tương lai trở nên bất định.

Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét làm sao sử dụng lợi nhuận do các tài sản của Nga đang bị phương Tây đóng băng tạo ra để cung cấp cho Ukraine khoản vay lớn để đảm bảo tài chính cho Kyiv vào năm 2025.

Chúng tôi sẽ công bố các bước đi mới để giải tỏa giá trị các tài sản của Nga đã bị đóng băng để mang lại lợi ích cho Ukraine và giúp họ phục hồi từ sự tàn phá mà quân đội của ông Putin đã gây ra,” ông Kirby nói.

Ông Biden sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo G7 khác đồng ý một kế hoạch sáng tạo nhằm sử dụng tiền lãi trong tương lai của số tiền khoảng 281 tỷ đô la của Ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ khoản vay 50 tỷ đô la cho Ukraine.

Các nhà lãnh đạo G7 đang đối mặt với những thách thức bầu cử, với các cuộc thăm dò cho thấy Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhiều khả năng sẽ thua trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới, trong khi các lãnh đạo Pháp và Đức đang chao đảo sau những thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới đây.

Ông Biden sẽ gặp lại Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ có họp báo chung, ông Kirby cho biết.


Hội nghị tái thiết Ukraina ở Đức: Phục hồi khẩn cấp lĩnh vực năng lượng bị Nga phá hủy (RFI)

Hội nghị bàn về tái thiết Ukraina diễn ra trong hai ngày 11/06 và ngày 12/06/2024 tại Berlin, Đức, với sự tham gia của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Trên mạng X hôm 10/06, tổng thống Ukraina nhấn mạnh: ‘‘Ưu tiên số một của chúng tôi là các giải pháp khẩn cấp cho lĩnh vực năng lượng’’.

Tham dự hội nghị tái thiết Ukraina tại Berlin, có gần 600 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng, y tế hay cơ sở hạ tầng, cùng đại diện nhiều quốc gia trong đó có 10 lãnh đạo chính phủ. Đây là hội nghị tái thiết Ukraina lần thứ ba và là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Hai hội nghị trước được tổ chức tại Thụy Sĩ (2022) và Anh (2023). Theo The Guardian, hội nghị tại Berlin sẽ chuyển hướng từ mục tiêu bàn việc tái thiết sau chiến tranh sang các mục tiêu khẩn cấp, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng mất điện dự kiến kéo dài trên quy mô lớn trong mùa đông. 

Bà Mattia Nelles, giám đốc điều hành của Văn phòng Đức-Ukraina, kêu gọi : “Hãy ngừng nói về mục tiêu tái thiết dài hạn không gắn gì với thực tế. Ngoài việc cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraina, cũng cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống năng lượng vững chắc có khả năng phục hồi nhanh chóng. Với hơn 50% sản lượng năng lượng quốc gia bị phá hủy hiện nay, tình hình đang ngày càng nghiêm trọng.

Ukraina: Lãnh đạo cơ quan tái thiết từ chức để phản đối chính quyền 

Tuy nhiên, thách thức với Ukraina không chỉ là các đầu tư về tài chính và phương tiện mà còn là tệ nạn tham nhũng. Trước thềm hội nghị tại Berlin, một diễn biến mới tại Kiev gây lo ngại cho các đối tác phương Tây. Hôm qua, 10/06, quan chức phụ trách tái thiết Ukraina, ông Mustafa Nayyem, quyết định từ chức, đồng thời cáo buộc chính quyền Zelensky ngăn cản ông thực thi phận sự.

Tường trình của thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev :

Cựu phóng viên Mustafa Nayyem, một hình tượng tiêu biểu của cuộc cách mạng Maidan, tham gia chính trị từ mười năm nay, với mục tiêu cải cách từ bên trong bộ máy hành chính công. Năm 2023, ông Mustafa Nayyem được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tái thiết, phụ trách điều phối trợ giúp quốc tế, cho phép phục hồi các cơ sở hạ tầng của đất nước. Thách thức là rất lớn trong lĩnh vực này. Đầu tư cho các tái thiết lên đến hàng tỉ đô la, trong lúc các cơ quan chống tham nhũng kiểm soát sát sát sao việc sử dụng các khoản tiền khổng lồ này để đề phòng tham nhũng.  

Vài giờ trước khi hội nghị tái thiết Ukraina tại Berlin khai mạc, chính quyền đã cấm Mustafa Nayyem đi Đức, nơi ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà đầu tư cho công cuộc tái thiết. Vài giờ sau đó, Mustafa Nayyem đã quyết định từ chức để phản đối việc các hoạt động của ông bị cản trở.  

Tại Kiev, mọi cặp mắt đang dồn về Andriy Yermak, nhân vật đầy quyền lực đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraina. Andriy Yermak, bị cáo buộc là người thao túng các quyết định bổ nhiệm, tìm mọi cách để bố trí những người thân cận với phe tổng thống vào tất cả các vị trí quan trọng trong guồng máy quyền lực’.

Đối với các tổ chức thuộc xã hội dân sự, vụ việc rất nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại là những nhân vật thân cận với ông Zelensky quyết định can thiệp vào mọi lĩnh vực, có nguy gây ra các hiện tượng tham nhũng, thiên vị trong việc phân bổ các hợp đồng tái thiết.


Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ kế hoạch ngừng bắn Israel-Hamas (VOA)

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 10/6 ủng hộ đề nghị do Tổng thống Joe Biden nêu lên về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi các phần tử hiếu chiến Palestine chấp nhận thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 8 tháng.

Hamas hoan nghênh việc thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo và cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẵn sàng hợp tác với các nhà hòa giải trong việc thực hiện các nguyên tắc của kế hoạch.

Nga đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên hiệp quốc, trong khi 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, hậu thuẫn kế hoạch ngừng bắn ba giai đoạn do ông Biden đưa ra hôm 31/5 mà ông mô tả là sáng kiến của Israel.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước Hội đồng sau cuộc bỏ phiếu: “Hôm nay chúng ta đã bỏ phiếu cho hòa bình”.

Nghị quyết hoan nghênh đề nghị ngừng bắn mới, tuyên bố rằng Israel đã chấp nhận nó, kêu gọi Hamas đồng ý và “thúc giục cả hai bên thực hiện đầy đủ các điều khoản của nghị quyết không chậm trễ và vô điều kiện.”

Algeria, thành viên Ả Rập duy nhất của Hội đồng, ủng hộ nghị quyết này vì “chúng tôi tin rằng nó có thể là một bước tiến tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài”, Đại sứ tại Liên hiệp quốc của Algeria Amar Bendjama nói với Hội đồng.

Ông nói: “Nó mang lại một tia hy vọng cho người Palestine”. “Đã đến lúc dừng việc giết chóc.”

Nghị quyết cũng đi sâu vào chi tiết về đề nghị và nêu rõ rằng “nếu các cuộc đàm phán kéo dài hơn sáu tuần cho giai đoạn một, thì lệnh ngừng bắn sẽ vẫn tiếp tục miễn là các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Bà Thomas-Greenfield cho biết cuộc bỏ phiếu đã cho Hamas thấy rằng cộng đồng quốc tế đã đoàn kết.

Bà nói: “Đoàn kết đằng sau một thỏa thuận sẽ cứu sống và giúp đỡ thường dân Palestine ở Gaza bắt đầu xây dựng lại và chữa lành các vết thương chiến tranh. Đoàn kết đằng sau một thỏa thuận sẽ đoàn tụ các con tin với gia đình của họ sau 8 tháng bị giam cầm”.

Hội đồng hồi tháng 3 đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và thả vô điều kiện tất cả các con tin do Hamas bắt giữ.

Trong nhiều tháng, các nhà đàm phán từ Mỹ, Ai Cập và Qatar đã cố gắng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn. Hamas cho biết họ muốn chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến ở Dải Gaza và Israel rút quân khỏi vùng đất có 2,3 triệu dân.

Israel đang trả đũa Hamas, lực lượng cai trị Gaza, sau cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến Hamas vào miền Nam Israel hôm 7/10/2023.

Theo thống kê của Israel, hơn 1.200 người đã thiệt mạng và hơn 250 người bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc đột kích của Hamas vào ngày 7/10/2023. Hơn 100 con tin được cho là vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.

Theo cơ quan y tế Gaza, Israel đã giết chết hơn 37.000 người Palestine khi tiến hành một cuộc tấn công trên không, trên bộ và trên biển vào Gaza.


Tổng thống nói Philippines phải chuẩn bị trong khi các mối đe dọa bên ngoài gia tăng (VOA).

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói rằng Philippines nên chuẩn bị cho mọi tình huống do căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh xung quanh Đài Loan láng giềng.

Philippines từ lâu đã xung đột với Trung Cộng về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, vị trí địa lý gần với Đài Loan của Philippines cũng khiến nước này nằm trong khu vực được Trung Cộng quan tâm, ông Marcos nói với quân đội tại một trại quân sự ở tỉnh Isabela ở vùng miền bắc Cagayan đối diện với Đài Loan.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr

Trung Cộng tuyên bố rằng Đài Loan, vốn được quản trị một cách dân chủ, là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của mình. Đài Loan phản đối mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng và nói rằng chỉ người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ. Đài Loan là nơi sinh sống và làm việc của hơn 150.000 người Philippines.

Mối đe dọa từ bên ngoài hiện đã trở nên rõ ràng hơn, đáng lo ngại hơn và đó là lý do tại sao chúng ta phải chuẩn bị”, ông Marcos nói với quân đội hôm 10/6 trong bài phát biểu được chia sẻ bởi dinh tổng thống hôm 11/6.

Năm ngoái, ông Marcos đã cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận gần gấp đôi số lượng căn cứ quân sự vào thời điểm có lo ngại về hoạt động gia tăng của Trung Cộng ở Biển Đông và căng thẳng về Đài Loan. Trung Cộng nói rằng việc mở rộng quyền tiếp cận của Hoa Kỳ đang “thổi bùng thêm” căng thẳng.

Quân đội Trung Cộng đã tiến hành tập trận kéo dài hai ngày quanh Đài Loan vào tháng trước, bao gồm các cuộc tập trận kiểm tra khả năng “nắm quyền” và kiểm soát các khu vực trọng điểm.

Bây giờ các bạn có hai nhiệm vụ, trong khi trước đây chỉ là an ninh nội bộ”, ông Marcos nói với các binh sĩ, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ bên ngoài.

Ông Marcos nói rằng Philippines không cố gắng vẽ lại các ranh giới chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và nước này cam kết tự vệ trong khi theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Căng thẳng với Trung Cộng đã leo thang trong năm qua do thường xuyên xảy ra xung đột hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, nơi vận chuyển thương mại hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto nói rằng Trung Cộng “không có quyền gì” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

“Thông điệp chính là: Đường 10 đoạn là sự khiêu khích. Và mọi thứ bắt nguồn từ đó”, ông Teodoro nói, đề cập đến đường chữ U trên bản đồ Trung Cộng.

Đường này, mà Trung Cộng cho biết là dựa trên bản đồ lịch sử của nước này, vòng xa tới 1.500 km về phía nam đảo Hải Nam của nước này và cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Cộng đối với các khu vực ở Biển Đông vào năm 2016, một phán quyết Trung Cộng bác bỏ.


Bầu cử Nghị Viện Châu Âu: Liên minh trung-hữu vẫn giữ được đa số, bất chấp phe cực hữu trỗi dậy (RFI)

Theo kết quả bầu cử hôm Chủ Nhật, 09/06/2024, tại Nghị Viện Châu Âu, cánh hữu và cánh trung vẫn chiếm đa số, trong đó đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP) giành được 184 ghế, Liên minh Tiến Bộ Xã Hội và Dân Chủ (S&D) 139 ghế và đảng Đổi Mới Châu Âu 80 ghế.

Các nhóm chính trị tại Nghị Viện Châu Âu, hiện đang thành lập một “liên minh lớn” cho nhiệm kỳ mới của Nghị Viện, mà theo những tính toán, điều này sẽ giúp họ có được 403 ghế trong tổng số 720 ghế. Tuy nhiên con số này vẫn ít hơn so với tổng số ghế trước đó trong Nghị Viện mãn nhiệm.

Quang cảnh đêm kiểm phiếu của cuộc bầu cử Nghị Viện Âu Châu

Trong khi đó, phe cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là tại Pháp và Đức. Đảng Tập Hợp Dân Tộc Pháp chiếm ưu thế với hơn 31,5% số phiếu bầu, bỏ xa đảng Phục Hưng của tổng thống Macron (14,6%). Còn tại Đức, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) dù vướng nhiều tai tiếng nhưng vẫn về nhì với 15,9% số phiếu, bỏ xa đảng Dân Chủ Xã hội (13,9%) và đảng Xanh (11,9%).

Tuy nhiên, phe cực hữu vẫn bị chia rẽ trong Nghị Viện Châu Âu do có nhiều khác biệt, đặc biệt là về mối quan hệ với Nga. Do vậy, theo giới phân tích, các phe này khó có thể lập được liên minh.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết cụ thể :

 “Các đảng sinh thái mất 18 ghế trong khi các đảng cánh hữu tự do mất 19 ghế. Sự sụt giảm này lại càng được thể hiện rõ hơn khi mà số lượng dân biểu đã tăng từ 705 lên 720. Và tất cả những ghế bị mất này đều thuộc cánh hữu với các khuynh hướng khác nhau. Nhóm có số dân biểu tăng nhiều nhất là phe cực hữu ID (Bản Sắc và Dân Chủ), với 9 ghế nhờ vào kết quả của đảng Tập Hợp Dân Tộc Pháp. Những người theo chủ nghĩa dân tộc chủ quyền thuộc nhóm bảo thủ-cải cách chỉ giành được ba ghế dù cho đảng Fratelli d’Italia của thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã tăng gấp đôi số điểm của mình. 

Trên thực tế, khối châu Âu truyền thống vẫn cầm cự khá tốt. Đầu tiên là đảng Dân Chủ Xã Hội, bất chấp việc đảng của thủ tướng Đức đã thất bại. Sau đó và quan trọng nhất là đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP) thuộc phe trung hữu. Đảng này thậm chí còn giành thêm 13 ghế, giúp củng cố vị trí đầu trong Nghị Viện. Nếu họ lựa chọn liên minh với các đảng dân chủ xã hội và các đảng cánh hữu tự do, khối ủng hộ châu Âu sẽ có hơn 400 ghế, nhiều hơn rõ rệt so với 360 ghế cần thiết để chiếm đa số.


Ukraina lần đầu tiên tấn công chiến đấu cơ Su-57 tàng hình trên lãnh thổ Nga (RFI)

Ukraina tiếp tục tấn công vào các mục tiêu quân sự quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 08/06/2024, « lần đầu tiên trong lịch sử », chiến đấu cơ tàng hình Su-57, đời mới nhất của Nga, đậu ở sân bay Akhtubinsk, vùng Astrakhan, cách biên giới 60 km, đã bị tấn công.

Cơ quan tình báo Ukraina – GUR đăng hai hình ảnh chụp ngày 07 và 08/06 từ vệ tinh, trước và sau vụ tấn công, cho thấy thiệt hại của vụ tấn công nhưng không nêu rõ cách tiến hành và cũng không nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, một nguồn tin ẩn danh trong GUR cho AFP biết chính GUR tiến hành vụ tấn công bằng drone được chế tạo tại Ukraina.

Chiến đấu cơ tối tân Su-57 được đưa vào biên chế của Không Quân Nga từ năm 2020, thay thế cho các máy bay Su-27, Mig-29 từ thời Liên Xô. Blogueur quân sự Nga Flighterbomber xác nhận vụ tấn công, nhưng cho biết không thể xác định được liệu chiến đấu cơ bị bắn còn hoạt động được hay không.

Trước đó, ngày 08/06, Nga cho biết hệ thống phòng không đã phá vỡ môt vụ tấn công bằng drone của Ukraina nhắm vào một sân bay quân sự ở Bắc Ossetia, vùng Kavkaz, cách biên giới Ukraina đến 1.000 km.

Phía Nga cũng không ngừng tấn công Ukraina, đặc biệt nhắm vào các công trình hạ tầng năng lượng. Trả lời báo chí ngày 07/06, thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết chỉ còn 27% các nhà máy nhiệt điện trên cả nước có khả năng hoạt động bình thường. Tổng giám đốc công ty điện lực quốc gia Ukrenergo nhấn mạnh là năm 2024, các nhà máy điện chịu thiệt hại nhiều hơn so với năm ngoái.


Mỹ-Nam Hàn thảo luận về chiến lược chung đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên (RFI)

Các quan chức quốc phòng cấp cao của Nam Hàn và Mỹ đã gặp nhau hôm 10/06/2024 tại Seoul để thảo luận những đường hướng mới nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Tư Vấn Hạt Nhân đã đề ra các nguyên tắc và quy định trong việc duy trì và tăng cường chính sách và thái độ răn đe hạt nhân một cách “đáng tin cậy và hiệu quả”.

Vipin Narang, quyền trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về chính sách vũ trụ, người đồng chủ trì các cuộc đàm phán, cho biết “đường hướng vạch ra bao gồm các nguyên tắc và thủ tục tham vấn, đặc biệt trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bắc Triều Tiên”.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Trong cuộc họp cấp cao năm ngoái, Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp thêm thông tin cho Nam Hàn về kế hoạch hạt nhân của Washington trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Triều Tiên.

Một số chính trị gia Nam Hàn, trong đó có các lãnh đạo trong đảng của tổng thống Yoon Suk Yeol, đã kêu gọi Seoul tự phát triển vũ khí nguyên tử, thay vì dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, điều mà Washington một mực phản đối.

Cho Chang Rae, thứ trưởng Quốc Phòng Nam Hàn, cho biết, quan chức cấp cao của hai nước sẽ tổ chức một cuộc tập trận mô phỏng trước khi có các cuộc tập trận thường kỳ vào mùa hè, tập trung vào khả năng Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vẫn tại bán đảo Triều Tiên, một số binh sĩ Bắc Triều Tiên, hôm 09/06, đã vô tình vượt qua biên giới và thâm nhập vào lãnh thổ Nam Hàn, khiến binh sĩ nước này bắn cảnh cáo.


Tổng thống Pháp giải tán Quốc Hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn (RFI)

Sau kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu Chủ Nhật 09/06/2024, tại Pháp, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN đã về đầu. Tổng thống Emmanuel Macron quyết định giải tán Quốc Hội. Cử tri Pháp được kêu gọi bầu lại 577 dân biểu ở Hạ Viện, qua hai vòng phiếu, dự trù vào ngày 30/06 và 07/07/2024.

Quyết định giải tán Quốc Hội sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gây bất ngờ trong chính giới và công luận Pháp.

Theo một số thăm dò, đảng Rassembelement National (RN) đang dẫn đầu và đảng này tuyên bố « sẵn sàng » điều hành đất nước « nếu được cử tri tín nhiệm ». Cánh tả kêu gọi thành lập một liên minh ngăn chận đảng cựu hữu lên nắm quyền.

Theo trang thông tin về kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tại Pháp, đảng cực hữu RN do Jordan Bardella, 28 tuổi, chủ tịch đảng đứng đầu danh sách, đã thu được 31,37% số phiếu. Đảng Phục Hưng (Renaissance), thuộc phe tổng thống Macron, do bà Valérie Hayer đại diện bị bỏ xa lại phía sau, chỉ đạt 14,60% số phiếu. Về thứ ba là danh sách của cánh Xã hội Dân chủ do Raphael Glucksmann dẫn đầu được hơn 13,83%.

Thất bại được báo trước và khoảng cách quá lớn giữa đảng Renaissance với cánh cực hữu RN của bà Marine Le Pen bị toàn thể chính giới xem là một thất bại cả đối với cá nhân tổng thống Macron, từng coi việc ngăn chận đà tiến của đảng RN là một ưu tiên. Đây cũng là thất bại lớn khi mà chính phủ bị cử tri bất tín nhiệm.

Vốn không có đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, tổng thống Macron bị cản trở trong việc điều hành đất nước từ đầu nhiệm kỳ 2 (năm 2022), kết quả tối qua là giọt nước làm tràn ly. Ngay lập tức nguyên thủ Pháp ra quyết định giải tán Quốc Hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn, với hy vọng có « một đa số rõ ràng » tiếp tục điều hành đất nước cho tới cuối nhiệm kỳ năm 2027.

Quyết định nói trên gây bất ngờ do không khi nào một cuộc bầu cử ở cấp châu Âu lại trực tiếp tác động đến lịch bầu cử của Pháp. Hơn nữa hai vòng bầu cử Lập Pháp sắp tới được diễn ra chỉ vài ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic Paris 2024. Điểm thứ ba là trong bối cảnh cử tri chuẩn bị bước vào hai tháng hè, tất cả các đảng phái chính trị tại Pháp chỉ có đúng ba tuần để lao vào một cuộc vận động tranh cử và tìm kiếm các mối liên minh chính trị để bảo vệ chiếc ghế dân biểu của đảng.


TIN VIỆT NAM.

Tổng thống Putin sẽ thăm Việt Nam tuần tới

Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Việt Nam trong tuần tới, theo các nguồn tin và truyền thông Nga, giữa lúc Kremlin bị cô lập và người đứng đầu nước Nga đang chịu lệnh bắt giữ của tòa quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.

Thông tin về chuyến thăm của ông Putin được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam kiện toàn được ‘bộ tứ’ lãnh đạo hàng đầu sau một thời gian khủng hoảng các vị trí chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.

Ông Putin và ông Trọng gặp nhau tai Sochi, Nga

Một nguồn tin nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Putin đã được Hà Nội ấn định cho ngày 19 và 20 tháng này. Reuters cũng trích dẫn một quan chức dấu tên cho biết chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu nước Nga được dự kiến vào thời gian như trên nhưng chưa được khẳng định. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên, trong đó có các quan chức cấp cao của Nga, nói rằng ông Putin đang chuẩn bị thăm Triều Tiên và Việt Nam vào tuần tới.

Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora được truyền thông Nga, gồm Vedomosti và Moscow Times, trích lời nói hôm 10/6 rằng ông đang “tích cực” chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng trong khi một quan chức ngoại giao dấu tên được trích dẫn cho biết ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam sau đó.

Trả lời phóng viên hôm 10/6 về chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên và Việt Nam, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “khi thời điểm đến, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo thích hợp,” theo Moscow Times. Trước đó hôm 30/5, ông Peskov nói với Sputnik rằng chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam đang được chuẩn bị và ngày giờ cụ thể sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.

Đại sứ quán Nga ở Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tháng trước nói rằng hai bên vẫn đang chuẩn bị cho chuyến thăm này và sẽ thông tin chi tiết khi phù hợp.

Nga đang chịu hàng nghìn chế tài từ Mỹ và các nước phương Tây do cuộc xâm lược của họ ở Ukraine trong khi Tổng thống Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm ngoái vì cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp trẻ em khỏi Ukraine.

Việt Nam, giống như Trung Quốc và Triều Tiên, đã không bỏ phiếu chống lại Nga trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và vẫn tiếp tục quan hệ hợp tác với Nga trên nhiều mặt dù Kremlin bị cô lập khỏi thế giới phương Tây.

Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm trong một cuộc điện đàm diễn ra hôm 26/3 ngay sau khi ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga và theo truyền thông trong nước, ông Putin đã nhận lời.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/5 nói rằng Kremlin đề cao “quan điểm hợp lý” của Hà Nội về cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng các lãnh đạo Việt Nam”vẫn tuân thủ các tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm.” Việt Nam khẳng định rằng họ “không chọn bên mà chọn chính nghĩa” khi bị chỉ trích từ truyền thông quốc tế vì quan điểm “tránh đối đầu” với Nga.

“Việt Nam khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng việc trốn tránh Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, trong khi tiếp đón ông Putin đến thăm cùng thời điểm gửi đi một thông điệp khá mâu thuẫn,” Tiến sỹ Huong Le Thu, phó giám đốc về châu Á của tổ chức nghiên cứu toàn cầu Crisis Group, nói trong một đăng tải trên X hôm 11/6, ngụ ý tới việc Việt Nam chưa có tuyên bố gì về việc có cùng 90 nước tham gia Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức ở Burgenstock từ 15-16 tháng này hay không.

Ông Putin được cho là đã dự kiến tới thăm Việt Nam trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 16-17 tháng 5. Reuters lúc đó cho biết rằng Việt Nam đã trì hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu về các biện pháp trừng phạt Nga trước chuyến thăm có thể diễn ra của ông Putin tới Hà Nội. Nhưng đài DW của Đức sau đó tiết lộ chuyến thăm của ông Putin dự kiến vào thời gian đó có thể không thành hiện thực trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và chưa bầu được chủ tịch nước mới. Vị trí chủ tịch Quốc hội của Việt Nam lúc đó cũng đang bị bỏ trống.

Ông Putin đã có 4 chuyến thăm tới Việt Nam trong thời gian nắm quyền, bao gồm chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017 khi nhà lãnh đạo Nga tới Đà Nẵng tham dự Diễn đàn APEC.

Việt Nam và Nga dự kiến sẽ bàn thảo để thống nhất các phương hướng hợp tác chiến lược, nhất là về thương mại và thanh toán trong chuyến thăm của ông Putin vào tuần tới, theo nguồn tin của VOA. Nguồn tin không muốn nêu danh tính nói rằng hai bên sẽ ký kết hàng chục văn kiện, trong đó có việc giữ liên doanh dầu khí, và thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân.

Một quan chức được Reuters trích dẫn nói rằng nghị trình vẫn còn được bàn thảo nhưng các vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Putin bao gồm năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục.

Theo nguồn tin của VOA, Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ của ông Putin về các vấn đề Biển Đông, Mekong và người Việt ở Nga.

Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA hồi tháng trước rằng ông Putin sẽ sử dụng chuyến thăm Việt Nam “để đán tính hiệu tới thế giới rằng chính sách ‘Hướng Đông’ của chính phủ ông vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga.” (VOA)


Chủ Tịch Nước Tô Lâm: tranh chấp biển cần kiểm soát tốt hơn

Tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, vào ngày 11 tháng 6 bày tỏ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, rằng điều quan trọng là kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp lãnh hải và quyền lợi của mỗi quốc gia phải được tôn trọng.

Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn thông cáo của Phủ Chủ tịch về bày tỏ của ông Tô Lâm như vừa nêu.

Theo thông cáo của Phủ Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, phát biểu trong cuộc gặp ở Hà Nội với Đại sứ Trung cộng Hùng Ba rằng các quốc gia phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhau; và hai phía Việt Nam – Trung cộng cần tích cực tìm những giải pháp thích hợp phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển.

Mặc dù Trung cộng hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, hai nước trong suốt nhiều năm có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của một tàu khảo sát của Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc gặp ngày 11 tháng 6 ở Hà Nội với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam phát biểu rằng công tác phát triển tình hữu nghị và hợp tác với phía Trung cộng là lựa chọn chiến lược và là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hà Nội.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, hai nước đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác; trong đó có thỏa thuận về kết nối tuyến xe lửa.

Trong cuộc gặp ngày 11 tháng 6, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm lặp lại nhu cầu cần tăng cường kết nối tuyến xe lửa giữa Việt Nam và Trung cộng; đồng thời kêu gọi Trung cộng mở cửa thị trường thêm nữa cho hàng nông sản của Việt Nam.


CSVN cho cảnh sát giao thông hưởng 85% tiền phạt vi phạm

Đài VOA dẫn tin từ làng báo “mậu dịch” cho hay, hôm 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đồng ý ý cho cảnh sát giao thông được giữ lại hầu hết số tiền xử phạt các lỗi vi phạm để ngành công an hiện đại hóa lực lượng và tăng cường cơ sở vật chất.

Theo đó, báo chí Nhà Nước dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói rằng việc trích lại tiền xử phạt vi phạm và giao cho cảnh sát giao thông (CSGT) không phải là vấn đề gì mới.

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt và tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm.

Dẫn thông tin từ cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, các báo cho hay giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ trích lại cho Bộ Công an là 70%, năm 2022 và 2023 là 79%, từ năm 2024, mức trích lại là 85% cho bộ còn các địa phương là 15%.

VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Saigon cho biết việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại sẽ được thực hiện theo một nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được ban hành sớm, cũng như căn cứ vào pháp luật về ngân sách nhà nước, như vậy, sẽ không phải sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Ngân sách nhà nước.

Phát biểu với Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định ngành của ông “không lấy một đồng nào” từ việc giữ lại một tỷ lệ lớn tiền phạt “để bồi dưỡng cho lực lượng CSGT”.

Theo trích dẫn trên báo chí, Thứ trưởng Long nhấn mạnh “Chúng tôi dùng hoàn toàn vào công tác trang bị phương tiện, phương tiện nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để phục vụ tuần tra, kiểm soát, điều hành vi phạm giao thông”.

Ông nói rằng trong thời gian tới, ngành công an “sẽ hiện đại hóa tuần tra, kiểm soát, giám sát giao thông, xử phạt giao thông và điều khiển toàn bộ hoạt động của CSGT”, VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Saigon tường thuật.


Việt Nam sắp cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng

Việt Nam dự kiến sẽ cho phép nhập khẩu vàng chính thức vào tháng 7 hoặc tháng 8/2024, theo lời quan chức iệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế.

Việt Nam dự kiến sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế, một quan chức trong ngành cho Reuters và truyền thông trong nước biết hôm 11/6.

Ông Huỳnh Trùng Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nói hiệp hội này năm ngoái đã kiến nghị cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Đầu năm nay, VGTA tiếp tục kiến nghị nhập khẩu 10 tấn vàng và số vàng này sẽ dùng để chế tác trang sức, mỹ nghệ.

Quan chức này cho biết trong nhiều năm qua, ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có nguyên liệu để chế tác. Nếu mua ở thị trường bên ngoài, nhiều khả năng sẽ là vàng nhập lậu, còn vàng nhập chính ngạch thì các doanh nghiệp này chưa được cấp phép do những hạn chế của Nghị định 24, trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước chỉ ủy quyền cho các doanh nghiệp khác để nhập khẩu vàng khi cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Chính phủ Việt Nam gần như đã kiểm soát hoàn toàn việc nhập khẩu và bán vàng thỏi trong nước vào năm 2012, với một số công ty lớn được phép nhập khẩu với điều kiện họ tái sử dụng nó làm đồ trang sức để xuất khẩu.

“Chính phủ cho biết họ sẽ bắt đầu nhập khẩu vàng chính thức vào tháng 7 hoặc tháng 8. Chúng tôi hy vọng đến tháng 7 họ sẽ cho phép các công ty vàng nhập khẩu trực tiếp”, Reuters dẫn lời ông Khánh nói bên lề hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương.

VGTA hy vọng thay đổi được đề xuất sẽ có hiệu lực vào đầu tháng tới. Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với chính sách hiện tại của Việt Nam, trong đó ngân hàng trung ương kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế bằng cách tổ chức các phiên đấu giá và cho phép bốn ngân hàng địa phương bán vàng nhằm tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, các biện pháp trên không đem lại tác động lâu dài, khi giá trong nước vẫn giao dịch ở mức cao hơn giá vàng trên toàn cầu.

Mục tiêu giảm ngay chênh lệch giá vàng trong nước và quốc được xem là rất quan trọng vì theo ước tính của VGTA, nhu cầu về vàng của Việt Nam sẽ tăng lên trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất.

Hoạt động mua vàng dự kiến tăng 10% hàng năm lên 33 triệu tấn trong sáu tháng đầu năm nay, ông Khánh cho biết trong bài thuyết trình tại hội nghị.

Người dân mua bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động mua vàng. Người dân Việt Nam vốn coi vàng như một công cụ tích trữ tài sản an toàn nhằm đề phòng những bất ổn kinh tế.

“Nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu đầu tư bán lẻ mạnh mẽ này là do lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, bất động sản bị đóng băng và tình trạng mất giá liên tục của tiền đồng so với đồng đô la Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Khánh nói.

“Chúng ta thấy nhiều người xếp hàng trên đường phố, bất kể nắng mưa để mua thêm vàng”, quan chức của VGTA nói thêm.

Nhu cầu vàng tăng mạnh cũng dẫn đến tình trạng buôn lậu cao hơn, đặc biệt là từ nước láng giềng Campuchia, ông Khánh nói, đồng thời cho biết thêm rằng thực tế này khiến việc phải có chính sách hành động ngay lập tức trở nên vô cùng quan trọng.

“Đó là một mạng lưới hệ thống ngầm rất lớn. Với mức giá tăng cao như vậy thì tỷ lệ buôn lậu vẫn rất cao”, ông Khánh nói.

Ông cho biết VGTA và Hội đồng vàng thế giới hiện đang làm việc với ngân hàng trung ương Việt Nam và các cơ quan chính phủ khác để thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia, một động thái mà VGTA tin rằng sẽ mang lại sự ổn định hơn cho thị trường.


Mưa lũ lịch sử tại Hà Giang: 3 người chết, thiệt hại hơn 60 tỷ đồng

Mưa lớn trong các ngày 9 và 11/6 tại Hà Giang đã gây sạt lở đất, 31 tuyến đường bị ngập úng, đã khiến ba người chết, gồm hai bố con bị lũ cuốn tử vong trên đường về nhà tại thôn Tân Thượng (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), một người chết do sạt lở đất tại thôn Pao Mã Phìn (xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Mưa lớn cũng khiến trên 1.400 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó thành phố Hà Giang có hơn 1.100 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 60 tỷ đồng.

Lũ lụt tại Hà Giang, Cao Bằng

Ngoài ra, mưa lớn khiến 31 tuyến đường tại thành phố Hà Giang bị ngập úng cục bộ, bảy cầu treo, cầu đập tràn tại huyện Vị Xuyên bị ảnh hưởng, hư hỏng do mưa lũ. Tại huyện Hoàng Su Phì, có 41 vị trí sạt lở ở năm tuyến đường, làm ách tắc một số đoạn ôtô không đi lại được.

Ông Nguyễn Đình Hợp – Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Giang cho biết, tính đến thời điểm này, lũ trên sông Lô (đoạn qua TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) đã xuống dưới mức báo động ba và trên mức báo động hai. 

Cũng theo ông Hợp, tính từ năm 1994 trở lại đây thì có năm 2014 xảy ra lũ lớn. Tuy nhiên ông Hợp xác nhận trận lũ năm nay còn hơn năm 2014 khoảng 0,4m. Đợt mưa lũ này không bất ngờ nhưng do nước dâng nhanh trong vòng hai giờ nên người dân khó xoay xở. 

Lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn Hà Giang nhận định, đợt lũ về trên sông Lô qua thành phố Hà Giang là một trong những trận lũ lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Ngay sau trân mưa lũ lịch sử ở Hà Giang, khu vực miền Bắc sẽ có 3 ngày (12-14/6) nắng nóng gay gắt trước khi đón đợt mưa lớn diện rộng từ chiều tối ngày 14/6. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Miền Trung hôm nay cũng nắng nóng 36-39 độ. Tây Nguyên, Nam Bộ chiều tối có mưa rào rải rác.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng