TIN THẾ GIỚI.

Thượng đỉnh NATO khai mạc: Hậu thuẫn Ukraina chống Nga xâm lược là chủ đề trọng tâm (RFI)

Thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO khai mạc hôm 09/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, đúng vào dịp khối này kỷ niệm 75 năm thành lập. Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài diễn văn tái khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NATO giúp Ukraina chống Nga xâm lược.

Nguồn: Reuters

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

‘‘Như mọi nguyên thủ quốc gia, tổng thống Joe Biden coi trọng các biểu tượng. Ông đã có bài diễn văn tại chính nơi mà Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết năm 1949. Mục tiêu là để nhấn mạnh rằng NATO giờ đây hùng mạnh hơn xưa và liên minh cần có Hiệp ước này để đối mặt với các thách thức hiện tại, như trong việc hậu thuẫn đối tác Ukraina. Kiev sẽ nhận được thêm 5 hệ thống phòng không để chống xâm lược Nga.

Tổng thống Biden nói : ‘‘Putin không muốn gì hơn là Ukraina bị khuất phục hoàn toàn, là kết liễu nền dân chủ tại Ukraina, hủy diệt nền văn hóa Ukraina, xóa Ukraina khỏi bản đồ thế giới. Chúng ta cũng biết là chế độ Putin sẽ không dừng lại ở Ukraina. Nhưng quý vị đừng lầm, Ukraina có thể và sẽ chặn đứng được bước tiến của Putin’’.

Phát biểu của tổng thống Biden có mục tiêu trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ. Nhưng ông Biden cũng hiểu rằng các đồng minh lo ngại về khả năng nếu đắc cử Donald Trump có thể đầu tư ít hơn cho liên minh. Về vấn đề này, tổng thống Mỹ tìm cách trấn an: ‘‘Trong lưỡng đảng Hoa Kỳ, đại đa số hiểu rằng NATO giúp chúng ta được bảo đảm hơn về mặt an ninh. Việc các đại diện của các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có mặt tại đây là minh chứng cho điều này’’.

Ông Biden cũng cho biết khi ông kế nhiệm Donald Trump, mới chỉ có 9 quốc gia đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho chi phí quân sự như đòi hỏi của tổng thống Mỹ tiền nhiệm, nhưng hiện tại đã có 23 nước’’.

Tối hôm qua, 09/07/2024, tổng thống Mỹ cùng các lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Rumani đã ra một thông cáo chung, cho biết cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống phòng không mới, trong đó có 5 hệ thống Patriot, loại vũ khí đặc biệt hiệu quả trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Nga. Theo Reuters, như vậy phương Tây đã cung cấp đủ số lượng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tối thiểu cần thiết, theo yêu cầu của Kiev.


Đan Mạch, Hà Lan viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine (VOA)

Lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đã được Đan Mạch và Hà Lan chuyển giao cho Ukraine và sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 10/7.

Phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Ngoại trưởng Blinken cho biết một gói hỗ trợ lớn cho Ukraine sẽ được công bố trong vài ngày tới nhằm xây dựng cầu nối rõ ràng và vững chắc cho Ukraine tiến đến gia nhập NATO.

F 16

Tôi vui mừng thông báo rằng khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, việc chuyển giao máy bay phản lực F-16 đang diễn ra. Các máy bay đến từ Đan Mạch, đến từ Hà Lan,” ông Blinken cho biết.

“Và những máy bay này… sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này để đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục tự vệ hiệu quả trước cuộc xâm lược của quân Nga.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tuần trước cho biết ông muốn tăng gấp đôi năng lực phòng không của Ukraine trong mùa hè và đất nước của ông cần thêm ít nhất bảy hệ thống Patriot bổ sung để tự phòng vệ.

Các nước thành viên NATO đã thông báo chuyển giao thêm năm tên lửa Patriot và các hệ thống phòng không chiến lược khác để giúp Ukraine. Sẽ còn có thêm nhiều thông báo viện trợ dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này ở Washington để đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo của Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan cho biết chính phủ Đan Mạch và Hà Lan đang trong quá trình tặng chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ.


Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: bệnh viện nhi ở Kyiv ‘bị Nga tấn công trực tiếp’ (VOA).

Một phái bộ nhân quyền của Liên Hợp Quốc hôm 9/7 cho biết ‘có khả năng cao’ là bệnh viện nhi chính ở Kyiv đã bị tên lửa của Nga đánh trúng trực tiếp trong loạt không kích vào các thành phố của Ukraine, mặc dù Điện Kremlin tiếp tục phủ nhận sự liên quan.

Ukraine treo cờ rủ trong ngày quốc tang để để tang cái chết của 41 người đã thiệt mạng trên khắp đất nước trong các cuộc không kích hôm 8/7, trong đó có bốn trẻ em và hai người lớn tại bệnh viện nhi Okhmatdyt ở thủ đô Kyiv.

Phân tích các đoạn video và đánh giá thực địa được tại địa điểm xảy ra cuộc không kích cho thấy khả năng cao là bệnh viện nhi bị tấn công trực tiếp chứ không phải bị đạn lạc từ hệ thống vũ khí đánh chặn,” người đứng đầu Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine nói.

Cơ quan an ninh Ukraine cho biết họ có bằng chứng không thể chối cãi rằng bệnh viện nhi này đã bị trúng tên lửa hành trình Kh-101 của Nga trong loạt cuộc tấn công đẫm máu nhất trong nhiều tháng, đồng thời công bố hình ảnh về cái mà họ nói là mảnh vỡ của động cơ vũ khí.

Điện Kremlin thì nói không có bằng chứng rằng chính hỏa lực chống tên lửa của Ukraine, chứ không tên lửa Nga, đã bắn trúng bệnh viện nhi, một trong những viện nhi lớn nhất châu Âu điều trị cho những bệnh nhi mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư và bệnh thận.

Khối NATO hôm 9/7 đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Washington, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để tìm cách giành được cam kết từ các đồng minh để củng cố hệ thống phòng không của Ukraine và tăng cường hỗ trợ quân sự cho họ.

Quân Nga đang dần tiến lên và hôm 9/7 đã tuyên bố chiếm được làng Yasnobrodivka ở vùng Donetsk miền đông.

Các nhân viên cứu hộ đã kết thúc hoạt động tại bệnh viện nhi trước đó hôm 9/7. Ở những nơi khác ở thủ đô Kyiv, năm thi thể đã được tìm thấy từ đống đổ nát của một tòa nhà nơi có 12 người thiệt mạng, Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết.

Ông Zelenskiy đưa ra con số 38 người chết trong vụ tấn công hôm 8/7 và 190 người bị thương, mặc dù thống kê thương vong từ các địa điểm bị tấn công ở các vùng khác nhau đã nâng tổng số người chết lên ít nhất 41.

Tổng giám đốc bệnh viện Okhmatdyt, ông Volodymyr Zhovnir, nói với các phóng viên rằng một trong những bác sĩ trẻ của họ đã thiệt mạng, rằng khu chạy thận đã bị phá hủy hoàn toàn và họ không còn nguồn điện.

“Ít nhất bốn tòa nhà của bệnh viện đã bị phá hủy một phần,” ông nói.

Tại Kyiv, ông Oleksandr Baraboshko, 34 tuổi, một nhà tư vấn truyền thông chiến lược, cho biết các cuộc không kích như vậy chỉ giúp đoàn kết người dân Ukraine chống Nga.

“Họ không làm chúng tôi sợ. Ngược lại, họ đang khiến chúng tôi chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa,” anh Baraboshko, vốn giúp điều phối với một cửa hàng địa phương để phân phát găng tay và dụng cụ cho các tình nguyện viên dọn dẹp đống đổ nát tại bệnh viện, cho biết.


Trung Cộng và Belarus tập trận chung gần biên giới Ba Lan (RFI)

Hôm 08/07/2024, bộ Quốc Phòng Trung Cộng và Belarus cho biết hai nước đã bắt đầu các cuộc tập trận “chống khủng bố” chung vào thứ Hai, chỉ cách biên giới giữa Belarus và Ba Lan vài km, gần sườn phía đông của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Cuộc luyện tập được tổ chức ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào hôm nay tại Washington.

Trong một tuyên bố trên mạng Telegram, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm quân đội Belarus, Vadim Denisenko nêu lý do tổ chức cuộc luyện tập : “Tình hình trên thế giới hiện đang rất đáng lo ngại, vì vậy chúng tôi sẽ huấn luyện binh sĩ các phương pháp luyện tập chiến thuật mới”, trong đó bao gồm các hoạt động đổ bộ ban đêm và tại các khu vực đông dân cư. Minsk cho biết cuộc tập trận diễn ra tại một trại huấn luyện gần Brest, thành phố ở phía tây nam Belarus, nằm sát biên giới với Ba Lan và dự kiến kéo dài đến ngày 19/07.

Về phần mình, bộ Quốc Phòng Trung Cộng cho biết, Belarus đã tổ chức một buổi lễ lớn, chào đón các binh sĩ Trung Cộng tới tham gia các cuộc tập trận nhằm “cải thiện khả năng phối hợp và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước”.

Theo Reuters, cuộc luyện tập diễn ra trong bối cảnh các thành viên NATO hôm nay sẽ thảo luận về các khoản viện trợ tài chính và quân sự bổ sung cho Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga. Trước đó, Belarus đã cảnh báo rằng việc quân đội NATO gia tăng hiện diện ở biên giới nước này chỉ khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng và Minsk sẽ có “các hành động đáp trả nghiêm khắc nếu có ai vượt qua biên giới”.

Cũng trong ngày hôm nay, Hoa Kỳ đã thông báo cấp cho Ba Lan một khoản tín dụng 2 tỷ đô la nhằm giúp nước này hiện đại hóa quân đội, trong đó bao gồm việc mua các thiết bị quốc phòng của Mỹ. Tháng 09/2023, Washington đã cấp một khoản tín dụng tương tự cho Vacxava.


Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Cộng (RFI)

Điều đáng chú ý, trong khuôn khổ quan hệ song phương, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chọn Nga là nước đầu tiên ông tới thăm đầu tháng 07/2024. Theo giới quan sát, với chuyến đi này, lãnh đạo Ấn Độ chủ trương tiếp tục khẳng định Nga như là một chỗ dựa quan trọng trong thế đối đầu với Trung Cộng, đặc biệt trong các tranh chấp biên giới, trong bối cảnh Matxcơva ngày càng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào quan hệ với Bắc Kinh về kinh tế.

Kể từ khi Nga khởi sự cuộc xâm lược Ukraina, tháng 2/2022, thủ tướng Ấn Độ ngừng tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh hàng năm với Nga, vốn trở thành truyền thống từ hai thập niên. Năm nay New Delhi nối lại với truyền thống này. Điểm đặc biệt đáng chú khác là, thủ tướng Ấn Độ, sau khi tái nhậm chức, thay vì công du khu vực Nam Á, đã phá vỡ thông lệ khi chọn Nga là điểm đến.

New Delhi phá thông lệ

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, mục tiêu hàng đầu của chuyến đi này là để tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ Nga, một đối tác có quan hệ lâu đời, đặc biệt trên phương diện chiến lược, trước áp lực gia tăng của Bắc Kinh. Báo Hồng Kông South China Morning Post có bài “Chuyến thăm Nga của Modi là một dấu hiệu cho thấy các căng thẳng với Trung Cộng chưa được giải quyết, theo một số nhà phân tích’’. South China Morning Post ghi nhận, ông Modi đã vắng mặt trong cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra trong tuần trước tại Kazakhstan.

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Harsh Pant, Đại học King’s College, Luân Đôn, việc thủ tướng Ấn Độ tránh gặp lãnh đạo Trung Cộng tại cuộc thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cho thấy Ấn Độ không muốn có một cuộc hội kiến như vậy trừ phi ‘‘có sự thay đổi trong chính sách’’ của Trung Cộng với Ấn Độ trong tranh chấp biên giới, bùng lên từ năm 2020, sau khi Trung Cộng tìm cách thay đổi nguyên trạng.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Cộng hôm thứ Tư tuần trước tại Astana, bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổng thống Nga đã ca ngợi Tổ chức này là ‘‘một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới công bằng và đa cực” và cho biết Matxcơva và Bắc Kinh đang “trải qua thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Cũng trong thời gian này, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã gặp người đồng cấp Trung Cộng Vương Nghị bên lề hội nghị, và nhắc lại yêu cầu của New Delhi về một giải pháp cho vấn đề biên giới Ấn – Trung.

Khéo léo ngả về phương Tây, dựa vào Nga để kháng lại Trung Cộng

Báo Nhật Japan Times, ngày hôm nay, 09/07/2024, trong bài phân tích ‘‘Nhân tố Trung Cộng trong chuyến công du Matxơva của Modi’’, chú ý đến việc chuyến công du đầu tiên của ông Modi đến Matxcơva từ năm 2015, rõ ràng không phải nhằm để khẳng định New Delhi đứng về phía Nga, hỗ trợ Nga đang bị phương Tây cô lập do cuộc xâm lược Ukraina. Theo báo Nhật, trên thực tế, bất chấp các nỗ lực của phương Tây, Nga đã không đến mức bị cô lập trong quan hệ quốc tế, và cũng ‘‘không bị trói tay’’ về mặt kinh tế. Mục tiêu của chuyến đi này được ‘‘giới lãnh đạo Ấn Độ xem là cần thiết cho một chính sách đối ngoại cân bằng’’, để tạo ra một đòn bẩy chiến lược, dựa Nga chống lại Trung Cộng, ‘‘đặc biệt vào thời điểm mà dường như New Delhi đang khéo léo ngả nhiều hơn về phía phương Tây”.

Báo Hồng Kông South China Morning Post nhấn mạnh là New Delhi cảnh giác cao độ trước việc Matxcơva đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều hơn với Bắc Kinh. Lãnh đạo Nga Vladimir Putin, ngay sau khi tái đắc cử, đã dành chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên để đến Trung Cộng. Theo chuyên gia Harsh Pant, ở Luân Đôn, “Ấn Độ không muốn thấy Nga hoàn toàn rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Cộng’’.

Không để Nga ”bỏ hết trứng vào một giỏ”

Kể từ cuộc xâm lăng Ukraina, Bắc Kinh đã trở thành một huyết mạch kinh tế của Nga, thương mại song phương tăng lên mức kỷ lục. Trung Cộng là nhà cung cấp chủ yếu cho Nga các linh kiện lưỡng dụng, có thể sử dụng trên chiến trường trong cuộc chiến chống Ukraina. Theo chuyên gia Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Nga Carnegie ở Berlin, Ấn Độ không có đủ lực để kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Cộng, nhưng muốn tạo điều kiện để Nga ‘‘không bỏ hết trứng vào một giỏ trong quan hệ với Trung Cộng’’.

Báo Mỹ The Wall Street Journal cũng ghi nhận theo cùng một hướng, khi dẫn lại nhận định của chuyên gia Aleksei Zakharov ở Matxcơva, theo đó, Ấn Độ không muốn để Nga bị dồn vào chân tường, để buộc phụ thuộc nặng nề vào Trung Cộng. Nhà nghiên cứu Nandan Unnikrishnan, người đứng đầu chương trình Á-Âu tại Quỹ Nghiên cứu Observer, ở New Delhi, thì cho biết: “sẽ không thể kiềm chế Trung Cộng ở châu Á, nếu Nga trở thành đối tác chiếu dưới của Trung Cộng”. Cựu ngoại trưởng Ấn Độ và cựu đại sứ tại Nga, Kanwal Sibal, nhấn mạnh đến ý nghĩa của chuyến đi, nhằm dập tắt mọi suy đoán về việc mối quan hệ Ấn Độ-Nga có xu hướng suy giảm do áp lực của phương Tây”. 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản Anh ngữ, của đảng Cộng Sản Trung Cộng, cũng chú ý đến chuyến đi Nga của thủ tướng Ấn Độ, nhưng dưới một góc nhìn khác. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, phương Tây đang theo dõi sát và không hài lòng về ‘‘mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn giữa Ấn Độ với Nga’’. Tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Cộng khẳng định Bắc Kinh ‘‘không coi mối quan hệ giữa New Delhi và Matxcơva là mối đe dọa’’. Hoàn Cầu Thời Báo dĩ nhiên không nhắc gì đến một động cơ chủ yếu của Ấn Độ khi siết chặt quan hệ với Nga là để đối phó với Trung Cộng.


Bầu cử Hạ Viện Pháp: Cánh tả bất ngờ về đầu nhưng không đạt đa số tuyệt đối (RFI)

Bất chấp các thăm dò dự báo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – RN cùng các liên minh về đầu cuộc bầu cử lập pháp, kết quả kiểm phiếu ngày hôm 07/07/2024, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) đã về đầu ở vòng hai cuộc bỏ phiếu, nhưng không có được đa số tuyệt đối. Đứng sau liên minh Đồng Hành (Ensemble) của tổng thống Macron, đảng cực hữu của bà Marine Le Pen, tuy về thứ ba, vẫn tiếp tục khẳng định đà trỗi dậy.

Kết thúc một mùa bầu cử « cấp tốc » với tỷ lệ tham gia đông đảo chưa từng có 66,6% cho vòng hai, tính từ năm 1997, kết quả bầu cử vòng hai 07/07 cho thấy một diện mạo chính trường mới tại Pháp, bị chia thành ba khối :

  • Liên minh cánh tả bao gồm các đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đảng Xã Hội (PS), đảng Xanh (EELV), đảng Cộng Sản (PCF) đã về đầu với 189 dân biểu đắc cử, trở thành lực lượng chính trị hàng đầu.
  • Tiếp đến là đảng Đồng Hành của tổng thống Macron với 168 dân biểu, thấp hơn con số 250 trong Quốc Hội mãn nhiệm.
  • Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – RN của bà Marine Le Pen, cay đắng về ba khi chỉ được 140 ghế, thua xa con số thăm dò đưa ra trước cuộc bỏ phiếu là trên 200 ghế.

Theo giới phân tích, dù đảng RN không có được đa số như trông đợi, kết quả bỏ phiếu hôm qua tiếp tục khẳng định đà tiến đều đặn của đảng cực hữu tại Pháp khi số dân biểu tăng từ 89 người trước cuộc bỏ phiếu lên thành 143.

Một điểm khác gây quan ngại là không một đảng hay liên minh nào có được đa số tuyệt đối (289 dân biểu) để thành lập chính phủ, chính trường Pháp có nguy cơ rơi vào tình trạng bất định. Liên minh cánh tả hiện dưới áp lực để tìm kiếm một ứng viên khả tín cho vị trí thủ tướng.

Trong khi chờ đợi, thủ tướng Gabriel Attal hôm 08/7, đã đệ đơn từ nhiệm đến tổng thống Macron. Tuy nhiên, theo AFP, điện Elysée thông báo, tổng thống Macron đã đề nghị ông Attal ở lại lãnh đạo chính phủ « vào thời điểm này nhằm bảo đảm sự ổn định của đất nước ». Phát biểu sau kết quả bầu cử hôm qua, thủ tướng Attal tuyên bố, ông sẵn sàng ở lại điện Matignon « cho đến khi nào bổn phận vẫn yêu cầu », trong bối cảnh Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 đang đến gần.

Quốc tế đã có những phản ứng khác nhau về kết quả bầu cử này. Nhưng nhìn chung tại châu Âu, việc liên minh cánh tả về đầu khiến nhiều nước như Tây Ban Nha, Ba Lan và nhất là Đức thở phào nhẹ nhõm.  


Philippines và Nhật ký hiệp định phòng thủ nhằm ‘đối trọng’ lại Trung Cộng (RFA).

Philippines và Nhật Bản vào ngày 8/7 ký hiệp ước phòng thủ cho phép quân đội mỗi bên được bố trí tại nước kia. Đây là thỏa thuận mang dấu mốc quan trọng như là một đối trọng lại sự quyết đoán của Trung Cộng tại Biển Đông.

Benar News loan tin trong cùng ngày. Theo đó thỏa thuận có tên Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ (RAA) do Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa đại diện hai nước ký tại Manila trước sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

RAA là khung hợp tác an ninh và huấn luyện giữa hai nước; trong đó có những cuộc diễn tập chung, tuần tra chung tại một số khu vực ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bị Trung Cộng tuyên bố chủ quyền.

Đây là thỏa thuận dạng này đầu tiên mà Tokyo ký với một quốc gia Châu Á. Nhật Bản đã theo đuổi việc ký kết thỏa thuận tiếp cận tương hỗ với một số quốc gia như Vương Quốc Anh, Australia.

Theo RAA vừa được ký kết, đây cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nhật sẽ được trở lại Philippines kể từ khi Quân đội Thiên Hoàng đóng quân tại đó hồi Thế chiến thứ hai.

RAA giữa Nhật và Philippines được ký kết vào khi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng tại Biển Đông.

Philippines cũng có một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ ký năm 1999 cho phép quân đội Mỹ hoạt động trên đất Phi. Hiện Hoa Kỳ được phép tiếp cận 9 căn cứ quân sự trên khắp đất nước Philippines. Washington cam kết khoản 100 triệu USD để nâng cấp những căn cứ đó.


Nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông diễn tập tại biển Philippines (RFI)

Bộ Quốc Phòng Đài Loan, hôm nay 10/07/2024, ghi nhận 37 phi cơ quân sự Trung Cộng bay qua phía nam Đài Loan hướng về phía tây Thái Bình Dương để tham gia một cuộc diễn tập. Theo trang mạng của Viện Hải Quân Mỹ UNSI, đây là lần đầu tiên nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông (Shandong) của Trung Cộng diễn tập bên ngoài Biển Đông tính từ đầu năm đến nay. Địa điểm diễn tập là biển Philippines.

HKMH Sơn Đông

Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan đưa vào lúc 9 giờ 30, giờ địa phương, vào lúc hơn 5 giờ sáng, 36 trên tổng số 37 oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, drone Trung Cộng đã vượt qua ‘‘đường trung tuyến’’ giữa đảo Đài Loan và Hoa lục. Về nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Cộng, trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Cố Lập Hùng (Wellington Koo) cho biết tàu Sơn Đông không đi qua kênh Ba Sĩ, sát cực nam đảo Đài Loan, tuyến đường mà tàu Trung Cộng thường sử dụng để đi ra Thái Bình Dương, mà chọn qua kênh Balingtan, nằm sát hơn với đảo lớn Luzon của Philippines.

Theo Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, hôm qua, nhóm tác chiến tàu sân bay có mặt tại khu vực cách đảo Miyako (Nhật) hơn 520 km về phía đông nam, ngoài tàu sân bay Sơn Đông, còn có tàu tuần dương CNS Yan’an (106), tàu khu trục CNS Guilin (164) và khinh hạm CNS Yuncheng(571). Lực lượng phong vệ Nhật Bản cho biết nhiều bài tập cất cánh và hạ cánh phi cơ chiến đấu và trực thăng đã được tiến hành trên tàu sân bay Sơn Đông.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép lên hòn đảo. Hôm nay, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã gặp Raymond Greene, tân lãnh đạo Viện Mỹ, cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Hoa Kỳ ở Đài Loan. Ông Raymond Greene khẳng định Washington “kiên định hậu thuẫn Đài Loan tự vệ’’ trước Trung Cộng.


Tân ngoại trưởng Anh dành vòng công du nước ngoài đầu tiên đến các nước trong Liên Âu (RFI)

Thắng lợi vang dội của Công Đảng (đảng Lao Động) trong kỳ bầu cửa lập pháp tại Anh đã được Liên Hiệp Châu Âu hoan nghênh. Về phía Luân Đôn, ngay sau khi được thành lập, tân chính phủ Anh từ cuối tuần qua bắt đầu hâm nóng trở lại quan hệ với một số nước trong Liên Âu. Mở đầu vòng công du châu Âu đầu tiên của tân ngoại trưởng Anh David Lammy là chyến thăm nước Đức ngày 06/07/2024.

Tân Thủ tướng Starmer (phải) và tân Ngoại trưởng Lammy

Từ Luân Đôn, thông tín viên Sidonie Gaucher cho biết chi tiết :

« David Lammy kích hoạt nút « tái khởi động » quan hệ với châu Âu. Thông điệp của ngoại trưởng Anh rất rõ ràng : « Những năm tháng Brexit đã lùi về phía sau chúng ta ». Không phải tân chính phủ Anh muốn tái gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, mà họ quan tâm đến việc phát triển các mối quan hệ đối tác thương mại.

Và chính Đức là quốc gia mà tân ngoại trưởng Anh đã chọn làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Bất chấp Brexit, Đức và Anh đã tăng cường hợp tác quân sự hồi mùa xuân năm nay. Trên thực tế, các vị bộ trưởng đã thảo luận về việc NATO tăng cường hỗ trợ Ukraina, về tình hình địa chính trị ở Trung Đông và về tình trạng biến đổi khí hậu.

Tiếp tục vòng công du châu Âu, ngoại trưởng David Lammy đến Ba Lan và Thụy Điển, với cùng một thông điệp : « Chúng ta hãy bắt đầu lại từ đầu, chúng ta hãy hợp tác và giải quyết những thách thức chung ». Tại Hoa Kỳ, ngoại trưởng David Lammy sẽ cùng tân thủ tướng Keir Starmer dự thượng đỉnh NATO lần thứ 75 ».


TIN VIỆT NAM.

Gần 8.000 đảng viên bị kỷ luật trong vòng sáu tháng năm 2024

Đài RFA hôm mùng 10 tháng 7, dẫn tin từ báo “mậu dịch” cho biết, trong vòng sáu tháng đầu năm 2024, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật 7.858 đảng viên bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ. Những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết bao gồm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và những vụ, việc bức xúc trong xã hội.

Theo báo cáo tổng kết, UBKTTƯ đã chỉ đạo 20 địa phương, đơn vị rà soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các dự án/gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các doanh nghiệp có liên quan thực hiện. Đây là các tập đoàn có liên quan đến nhưng sai phạm trong hàng loạt các vụ đấu thầu trên toàn quốc và có liên quan đến việc bắt giam một số những quan chức Chính phủ cao cấp thời gian qua. Một số ủy viên Bộ Chính trị đã phải mất chức vì có liên quan đến những tập đoàn này như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong số những nhân sự bị kỷ luật, có bảy nhân sự bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật bao gồm sáu người bị khai trừ Đảng, một người bị cách chức, có năm trường hợp bị cho thôi các chức vụ do có khuyết điểm, vi phạm, theo báo cáo mới.

Cũng trong vòng nửa năm qua, UBKTTƯ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập với 39 trường hợp và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bốn trường hợp.

Nhiệm vụ đặt ra trong vòng sáu tháng tới được nói bao gồm việc hoàn thành dứt điểm kiểm tra, thanh tra, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng và đảng viên có vi phạm liên quan đến Công ty AIC. Đây là tập đoàn cũng có nhiều sai phạm trong các vụ đấu thầu tại các địa phương và Chủ tịch tập đoàn này đang bị truy nã.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng (BBC)

Sáng 9/7, vị tổng bí thư 80 tuổi đã không xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Quy định số 144. Trước đó, ông cũng vắng mặt ở hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7 và hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7.

Ngày 24/6, ông Trọng ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng ông cũng không dự lễ ra mắt sách này.

Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã gần ba tuần.

Vắng mặt bất thường

Ngày 8/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để đánh giá về công tác sáu tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2024.

Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai đều là ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là phó bí thư thì chủ trì, điều hành hội nghị.

Một số ủy viên Bộ Chính trị khác không thuộc Quân ủy Trung ương nhưng cũng tham dự, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Theo một nhà quan sát, việc những ủy viên Bộ Chính trị này tham dự là vì hội nghị lần này có chuyên đề giới thiệu nhân sự cho Đại hội 14.

Với sự tham dự của nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt như vậy nhưng nhân vật quan trọng nhất, bí thư Quân ủy Trung ương, là ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt.

Báo chí Điện tử Chính phủ viết về sự việc này như như sau:

Vì điều kiện không thể về dự Hội nghị trực tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gửi nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số nội dung quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương tham khảo trong quá trình thảo luận.

Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7, ông Trọng là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhưng cũng không đến dự. Ông cũng đã gửi nội dung phát biểu dài hơn 4.000 từ đến cuộc họp này vì “không thể dự trực tiếp”. Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương.

Báo chí, truyền thông trong nước đưa tin về sự vắng bóng bất thường của ông Trọng chỉ bằng những câu từ khá mơ hồ như “điều kiện không thể về dự” và “không thể dự trực tiếp” chứ không nêu lý do cụ thể.

Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và đầy kịch tính đang diễn ra giữa các đồng chí trước Đại hội 14, sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam.


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt

Ủy ban thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Thanh Vân và đồng ý việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông.

Truyền thông Nhà nước chiều 10/7 dẫn thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1090 theo đề nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao đối với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 15.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Thái Bình vào chiều ngày 10/7 cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Thanh Vân (sinh năm 1964, ngụ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Những biện pháp này được tiến hành trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội “cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại tỉnh Thái Bình.

Ông Lê Thanh Vân có trình độ tiến sĩ luật, là đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp và là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách các khóa 14,15.

Ông Vân nhiều năm làm việc tại Vụ Hoạt động Đại biểu dân cử của Quốc hội (nay là Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Năm 2014, ông Lê Thanh Vân từng được luân chuyển về địa phương làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Hồi năm 2020, ông Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với vụ án của tử tù Hồ Duy Hải kêu oan, ông cũng có một số phát biểu nổi tiếng tại nghị trường Quốc hội như: “Cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật”, hay “cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn”. (RFA)


Hai chiến hạm Mỹ thăm cảng Cam Ranh để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ và tàu tuần duyên Waesch của Mỹ cập cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam, ngày 08/07/2024, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày. Chuyến thăm cảng nhằm mục đích « thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Mỹ-Việt Nam, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ».

Theo thông tin trên trang web của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chỉ huy của Hạm đội 7 và của hai tàu Mỹ gặp gỡ chỉ huy Hải Quân, cảnh sát biển Việt Nam và các quan chức tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn và các hoạt động giao lưu cộng đồng với người dân tỉnh Khánh Hòa.

Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ

Là soái hạm của Hạm đội 7, đây là lần thứ hai USS Blue Ridge tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Vẫn theo đại sứ quán Mỹ, Hạm đội 7, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka (Nhật Bản), là « hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, thường xuyên giao lưu, hoạt động với đồng minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Mỹ không thể mở lại căn cứ ở Cam Ranh nhưng cần phải « tiếp cận thường xuyên nhất có thể », theo nhận định năm 2020 của cựu thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Dov Zakheim, được Nikkei Asia trích dẫn ngày 09/07. Mục đích là để « gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Washington không chỉ đơn thuần là nhà quan sát thụ động trước những hăm dọa của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ ở trong vùng ».

Trong những năm 2016, 2018 và 2023, nhiều tàu chiến của Hạm đội 7 đã đến Đà Nẵng như USS John S. McCain, tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Việt Nam luôn thận trọng trong việc tiếp đón chiến hạm nước ngoài và luôn cố giữ thế cân bằng trong khuôn khổ « ngoại giao cây tre ». Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng đón tàu chiến của nhiều nước khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Úc, Ấn Độ…(RFI)


11 Kitô hữu bị Việt Nam bỏ tù tổng cộng 90 năm hiện đang mất tích

11 nam Kitô hữu người Việt, bị kết án tổng cộng 90 năm 8 tháng tù vì các hoạt động tôn giáo, gần đây đã biến mất một cách bí ẩn, gây ra nhiều lo ngại về việc chính quyền đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam, các trang International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News cho hay.

Những người nêu trên bị bắt từ năm 2011 đến năm 2016, bao gồm 6 người theo đạo Tin Lành và 5 người theo Công giáo. Hiện nay đang không có thông tin về họ trong hệ thống nhà tù của Việt Nam, tổ chức theo dõi nạn đàn áp tôn giáo International Christian Concern có trụ sở tại Mỹ loan báo hôm 5/7, được The Christian Post và Premier Christian News dẫn lại hôm 8/7.

Theo International Christian Concern, 6 tín đồ Tin lành tham gia nhóm Tin lành Đề Ga và 5 tín đồ Công giáo là người theo đạo Hà Mòn. Vẫn International Christian Concern lưu ý rằng cả hai nhóm tôn giáo kể trên đều chưa được chế độ cộng sản Việt Nam chính thức công nhận. Chính quyền của đất nước này thường nhắm mục tiêu vào các nhóm như vậy với cáo buộc là họ “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, The Christian Post nhận xét.

International Christian Concern và The Christian Post đưa ra thông tin là những tín đồ Tin lành Ro Mah Pla, Siu Hlom, Rmah Bloanh và Rmah Khil bị xử lý với lý do cụ thể là họ theo Tin lành Degar.

Trong khi đó, Sùng A Khua bị bắt vì “phá rừng” sau khi không chịu bỏ đạo, còn Y Hriam Kpa bị giam vì không chịu đóng cửa nhà thờ của ông. Năm người Công giáo – Runh, A Kuin, A Tik, Run và Đinh Kuh – cũng phải chịu các cáo buộc tương tự vì theo đạo Công giáo Hà Mòn.

Người Đề Ga, còn gọi là người Thượng, là một nhóm người bản địa ở Tây Nguyên của Việt Nam, trước đây họ đứng về phía Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và họ theo Kitô giáo.

Các bài đăng của International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News viết rằng theo tổ chức có tên Chiến dịch Chấm dứt Tra tấn ở Việt Nam, những Kitô hữu người Thượng thường bị ép phải bỏ đạo, phải đối mặt với những hậu quả nặng nề như bị đánh đập và bỏ tù nếu họ chống lại.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) từng báo cáo về những vi phạm liên tiếp ở Việt Nam, bao gồm việc đập phá nhà cửa và xua đuổi những gia đình như hộ nhà ông Sùng A Khua, nhằm đàn áp các hoạt động Kitô giáo.

Năm 2018, Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trên danh nghĩa là đặt ra quy định về các hoạt động tôn giáo nhưng bị chỉ trích vì luật có tính chất hạn chế, cấm đoán.

USCIRF đưa ra đánh giá hồi năm 2019 rằng quy trình của Việt Nam về việc các nhóm tôn giáo đăng ký hoạt động rất “phức tạp và nặng nề”, đồng thời lưu ý rằng việc duyệt đơn đăng ký thường chậm trễ, kéo dài. Đạo luật này không chỉ kiểm soát các tôn giáo được công nhận mà còn gây áp lực buộc các nhóm không được công nhận phải tuân theo các hoạt động được nhà nước phê chuẩn, như vậy cản trở đáng kể quyền tự do tôn giáo, International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News nêu lên quan sát.

Báo cáo thường niên mới nhất của USCIRF, công bố hồi tháng 5, khẳng định rằng các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục, với việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập đang diễn ra. Báo cáo nói rằng chính quyền đặc biệt mạnh tay với các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Như VOA đã đưa tin, USCIRF đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và không ngừng.

Hơn 1 tháng sau, hôm 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước. Báo cáo nêu tên Việt Nam và 16 nước khác đáng đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo rằng Hà Nội “lấy làm tiếc” là mặc dù báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, song “vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhấn mạnh “Không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật”.

Bà nói thêm rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ.(VOA)


Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam (VOA)

Hôm 10/7, tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Thái Lan không bàn giao một nhà hoạt động vì nhân quyền người Thượng và Ê Đê cho chính quyền Việt Nam, nơi ông “sẽ có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng”.

Ông Y Quynh Bdap, một người tị nạn được Liên Hiệp Quốc công nhận, sinh sống ở Thái Lan từ năm 2018. Ngày 11/6, ông bị chính quyền Thái Lan bắt giữ vì “ở quá hạn” thị thực tại Bangkok theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, thông báo của tổ chức Ân xá Quốc tế viết.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh đưa ra lời kêu gọi này vài ngày trước khi phiên tranh tụng về việc dẫn độ đối ông Y Quynh dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói rằng yêu cầu dẫn độ này có căn cứ là tòa án Việt Nam đã kết án ông Y Quynh 10 năm tù về tội “khủng bố” hồi tháng 1/2024.

Chính quyền Việt Nam có lịch sử lâu dài về đàn áp bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người Thượng bản địa”, nhà nghiên cứu Thái Lan Chanatip Tatiyakaroonwong thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét trong thông cáo hôm 10/7. Ông nói thêm rằng Thái Lan sẽ “vi phạm nghĩa vụ của nước này về ‘không đẩy trả lại’ nếu chấp nhận yêu cầu dẫn độ kỳ quặc này”.

“Tòa án Việt Nam không độc lập. Ông Bdap đã bị xét xử vắng mặt và bị kết tội khủng bố, vi phạm rõ ràng quyền được xét xử công bằng của ông ấy”, ông Tatiyakaroonwong đưa ra nhận định.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu trên gọi của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

Theo Ân xá Quốc tế, ông Y Quynh Bdap là người dân tộc Ê Đê, một trong những nhóm người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam. Là người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý, ông đã đóng một vai trò quan trọng với tư cách là một người bảo vệ nhân quyền, vận động cho quyền của người Thượng thông qua việc lên tiếng chống lại sự đàn áp tôn giáo mà cộng đồng của ông phải đối mặt, tổ chức nhân quyền nói thêm.

Hồi tuần trước, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bdap.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên tiếng trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Thái Lan từ chối việc dẫn độ ông ấy và từ chối bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng này phải hồi hương giữa lúc ông đang mong được bảo vệ ở đất nước này”.

Các chuyên gia LHQ kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không đẩy trả lại (non-refoulement) theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc tra tấn.

Ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, bị kết án vắng mặt về tội “khủng bố” được cho là có liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 6/2023. Trong vụ án này, ông Y Quynh bị kết án 10 năm tù sau phiên tòa di động xét xử 100 bị cáo. Các chuyên gia LHQ cho rằng phiên tòa này “không đáp ứng các bảo đảm xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế”.

Chính quyền Việt Nam cho rằng vụ tấn công trên là “hoạt động khủng bố có tổ chức” và nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), do ông Y Quynh đồng sáng lập vào năm 2019, đã sử dụng mạng xã hội “liên lạc, kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30/9, 1-2/10/2024
  • Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua?
  • Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga
  • Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel
  • Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran
  • Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản
  • Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
  • Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7
  • Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội
  • Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
  • Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?
  • Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
  • Bị cáo buộc âm mưu "khủng bố" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
  • Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
  • Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
  • Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 23-24-25/9/2024
  • Tổng thống Ukraina đến Mỹ trình bày “kế hoạch giành chiến thắng”
  • Tổng thống Ukraine nói với Liên Hiệp Quốc: Phải ép Nga chấp nhận hòa bình
  • Trong lần cuối phát biểu ở LHQ, ông Biden tìm cách xoa dịu căng thẳng Trung Đông
  • Trung Đông: Lần đầu tiên Hezbollah bắn tên lửa đạn đạo về phía Tel Aviv
  • Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
  • Trung Đông: Israel oanh kích dữ dội miền nam Liban để trả đũa
  • Liên Hiệp Quốc thông qua hiệp ước xây dựng "tương lai tốt đẹp" cho nhân loại
  • Bộ Tứ - QUAD bày tỏ quan ngại về Biển Đông, lên án chương trình tên lửa Bắc Triều Tiên
  • Philippines tố trực thăng hải quân Trung Cộng bám đuôi máy bay trong khi tuần tra
  • Biển Đông: Số tàu Trung Cộng tại các vùng tranh chấp với Philippines cao nhất
  • Ông Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn VN về xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thế giới hoà bình
  • Ông Tô Lâm gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ
  • Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
  • Việt Nam: Hai nhà hoạt động được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của Tô Lâm
  • Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố hợp tác an ninh mạng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 16-17-18/9/2024.
  • Drone Ukraina tấn công một kho vũ khí lớn tại tỉnh Tver, giáp thủ đô Nga
  • Liban: Iran tố cáo Israel là thủ phạm vụ kích nổ đồng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
  • Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Cộng
  • Cuộc chiếm đóng kỳ lạ: Dân Nga ở Kursk thân thiện với lính Ukraina
  • Biển Đông: Philippines khẳng định duy trì hiện diện ở khu vực có tranh chấp
  • Bắc Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn
  • Ukraina mời Liên Hiệp Quốc đến vùng Kursk của Nga
  • Trung Cộng bám đuôi máy bay Mỹ trên Eo biển Đài Loan
  • Reuters: Ông Trump và tổng thống Ba Lan có thể gặp nhau tại bang chiến địa Pennsylvania
  • Ông Tô Lâm sẽ gặp Google và Meta trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới
  • Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 10
  • Bão số 4 sắp đổ vào miền Trung Việt Nam
  • Quỹ giúp nạn nhân bão số 3 hiện có trên 1.200 tỷ đồng
  • Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
  • Các tổ chức quốc tế kêu gọi hủy bản án tù đối với blogger Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam