TIN THẾ GIỚI.
Trump kêu gọi ‘ngừng bắn ngay lập tức’ ở Ukraine sau khi gặp ông Zelensky ở Paris (VOA).
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/12 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, ngay sau cuộc họp tại Paris với các nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine, tuyên bố rằng Kyiv “muốn đạt được thỏa thuận” để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1.000 ngày.
Trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình, ông Trump tuyên bố rằng Moscow và Kyiv đều đã mất hàng trăm nghìn binh lính trong một cuộc chiến “đáng lẽ không bao giờ nên bắt đầu”.
“Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu. Quá nhiều sinh mạng đang bị mất đi một cách vô ích, quá nhiều gia đình bị hủy hoại“, ông nói, trong khi kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin hành động để chấm dứt cuộc chiến.
Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra sau cuộc họp hôm 7/12 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, mà sau đó ông Zelenskyy mô tả là “mang tính xây dựng”.
Phát biểu với các phóng viên sau đó trong ngày, ông Zelenskyy nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào “phải công bằng” đối với người Ukraine, “để Nga và Putin hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác sẽ không có cơ hội quay trở lại”.
Trong một cập nhật khác trên mạng xã hội hôm 8/12, ông Zelenskyy khẳng định rằng cho đến nay, Kyiv đã mất 43.000 binh sĩ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Moscow bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, trong khi 370.000 người khác bị thương.
Cả Nga và Ukraine đều miễn cưỡng công bố số liệu thương vong chính thức, nhưng các quan chức phương Tây nói rằng vài tháng qua, chiến sự khốc liệt ở miền đông Ukraine đã gây ra tổn thất kỷ lục cho cả hai bên, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương mỗi tháng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã triệu tập một cuộc họp qua điện thoại với các phóng viên để trả lời về các bình luận của ông Trump.
Ông Peskov nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán phải dựa trên các thỏa thuận đạt được tại Istanbul năm 2022 và dựa trên thực tế hiện tại trên chiến trường, nơi các lực lượng Nga đang tiến lên với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến vào năm 2022.
Ông Putin đã nhiều lần nói rằng một thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tại các cuộc đàm phán ở Istanbul, nhưng chưa bao giờ được thực hiện, có thể đóng vai trò là cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine (VOA)
Hoa Kỳ hôm 7/12 đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 988 triệu đôla cho Ukraine, trong khi Washington chạy đua để cung cấp viện trợ cho Kyiv trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Khoản viện trợ này gần như giảm một nửa số tiền còn lại là 2,21 tỷ đôla trong Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), trong khi chính quyền Biden nỗ lực cam kết mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng, thay vì lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ.
Gói viện trợ này bao gồm máy bay không người lái, đạn dược cho bệ phóng tên lửa HIMARS chính xác, cũng như thiết bị và phụ tùng thay thế cho hệ thống pháo binh, xe tăng và xe bọc thép, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
Chính quyền Biden thường sử dụng Quyền Chuyển giao của Tổng thống, cho phép Tổng thống Joe Biden chuyển các vũ khí và dịch vụ dư thừa từ kho vũ khí của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
USAI là quỹ riêng và sẽ được dùng để mua vũ khí mới từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc các đối tác, thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ, đồng nghĩa với việc vũ khí sẽ không được đưa ngay ra chiến trường.
Nó được công bố sau gói 725 triệu đôla được công bố hôm 2/12 bao gồm một đợt cung cấp mìn thứ hai cũng như các loại vũ khí khác.
Chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đang nỗ lực để cung cấp càng nhiều viện trợ càng tốt cho Ukraine trước khi ông Trump – người đã nhiều lần chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Kyiv và tuyên bố rằng ông có thể đảm bảo lệnh ngừng bắn trong vòng vài giờ – lên nắm quyền.
Những bình luận của ông Trump đã gây ra nỗi lo ngại ở Kyiv và châu Âu về tương lai của viện trợ của Hoa Kỳ và khả năng chống chọi của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga nếu không có thêm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc thúc đẩy sự hỗ trợ quốc tế cho Ukraine, nhanh chóng thành lập một liên minh để ủng hộ Kyiv sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 và điều phối viện trợ từ hàng chục quốc gia.
Các quốc gia ủng hộ Ukraine kể từ đó đã cung cấp hàng chục tỷ đôla vũ khí, đạn dược, đào tạo và các khoản viện trợ an ninh khác, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kyiv chống lại lực lượng Nga.
Kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ an ninh trị giá hơn 62 tỷ đôla cho Ukraine.
Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria (BBC)
Chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria đã khiến thế giới sửng sốt.
Sau 13 năm nội chiến, các lực lượng dân quân đối lập ở Syria nhận thấy thời cơ làm lung lay chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad đã tới, và chừng sáu tháng trước, họ trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch tổng tấn công và nhận được sự đồng thuận ngầm từ Ankara, theo hai nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Chỉ với hai tuần phát động, chiến dịch nhanh chóng đạt được mục tiêu ban đầu – giành quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria – và khiến hầu hết mọi người bất ngờ.
Từ đó, chỉ trong vòng hơn một tuần, liên minh quân nổi dậy tiến tới Damascus và đặt dấu chấm hết cho năm thập kỷ cai trị của gia đình Assad.
Thành công thần tốc của chiến dịch này có thể nói là nhờ “thiên thời”: Quân đội của Assad kiệt quệ và rệu rã; các đồng minh chính như Iran và Hezbollah bị suy yếu trầm trọng do xung đột với Israel; và Nga, nhà viện trợ quân sự chính, bị phân tâm và thoái chí.
Theo các nguồn tin, gồm một nhà ngoại giao trong khu vực và một thành viên của quân nổi dậy, lực lượng nổi dậy sẽ không thể tiến công nếu không báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ – vốn luôn là bên hậu thuẫn chính cho phe đối lập ở Syria từ những ngày đầu chiến sự.
Thổ Nhĩ Kỳ có triển khai binh lính ở tây bắc Syria và hỗ trợ cho một vài lực lượng nổi dậy dự định tham gia chiến dịch, trong đó có cánh Quân đội Quốc gia Syria (SNA). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm chủ lực trong liên minh này, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), là một tổ chức khủng bố.
Theo nhà ngoại giao nói trên, kế hoạch táo bạo của phe nổi dậy là con đẻ của HTS và thủ lĩnh của nhóm là Ahmed al-Sharaa (được biết tới nhiều hơn với cái tên Abu Mohammed al-Jolani).
Washington, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi Abu Mohammed al-Jolani là một phần tử khủng bố do ông này từng có mối liên kết với al Qaeda.
Dù vậy, trong suốt thập kỷ vừa rồi, HTS, từng được biết tới là Mặt trận Nusra, đã tìm cách cải thiện hình ảnh trong khi điều hành một nhà nước bán chính thức tập trung ở Idlib.
Tại đây, nhóm này đã thu thuế các hoạt động thương mại và từ người dân, theo các chuyên gia.
Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, do thỏa thuận với Nga năm 2020 về giảm leo thang chiến sự ở tây bắc Syria, từ lâu đã phản đối một cuộc tấn công lớn của phe nổi dậy, lo ngại điều đó thể dẫn tới một làn sóng tị nạn mới tràn qua biên giới nước mình.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hồi đầu năm nay, phe nổi dậy nhận thấy lập trường của Ankara đối với Assad trở nên căng thẳng, sau khi ông Assad nhiều lần từ chối những đề xuất của ông Erdogan trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm phá thế bế tắc quân sự kéo dài khiến Syria bị chia cắt giữa chính quyền Assad và một liên minh các nhóm nổi dậy có sự hậu thuẫn từ các thế lực nước ngoài.
Nguồn tin từ phe nổi dậy Syria nói rằng lực lượng này đã chia sẻ kế hoạch chi tiết với Thổ Nhĩ Kỳ, sau những nỗ lực của Ankara hợp tác với Assad thất bại.
Thông điệp là: “Con đường đó trong nhiều năm qua không hiệu quả – vậy hãy thử đi theo con đường của chúng tôi. Anh chẳng cần phải làm gì cả, miễn đừng can thiệp là được.“
Reuters không thể xác định chính xác bản chất của những trao đổi này.
Hadi Al-Bahra, lãnh đạo phe đối lập Syria ở nước ngoài được quốc tế công nhận, nói với Reuters vào tuần trước rằng HTS và SNA lên kế hoạch “sơ bộ” với nhau trước chiến dịch và đã đồng thuận “đạt được hợp tác và tránh xung đột với nhau”.
Ông nói thêm rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã theo dõi hoạt động và nội dung thảo luận của những nhóm vũ trang.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói ở Doha (Qatar) hôm Chủ nhật rằng nỗ lực tiếp cận ông Assad của Tổng thống Erdogan trong vài tháng qua đã thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ “đã biết có điều gì đó đang tới”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Nuh Yilmaz, trong một hội thảo về các vấn đề Trung Đông tại Bahrain hôm Chủ nhật, khẳng định Ankara không đứng sau hay đồng tình với chiến dịch này, đồng thời nhấn mạnh rằng họ lo ngại về tình trạng bất ổn.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời trực tiếp những câu hỏi từ Reuters về việc liệu có tồn tại một sự đồng thuận giữa HTS và Ankara về chiến dịch tại Aleppo hay không.
Trả lời câu hỏi về nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc chuẩn bị của chiến dịch, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng HTS “không nhận lệnh hay chỉ đạo từ chúng tôi và cũng không phối hợp tác chiến với chúng tôi.”
Người này nói rằng “theo cách hiểu đó” nếu cho rằng chiến dịch tại Aleppo được tiến hành với sự đồng ý hay bật đèn xanh từ Thổ Nhĩ Kỳ thì là không đúng.
MIT, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters ngay lập tức.Reuters cũng không thể liên lạc được với đại diện của HTS.
Mong manh
Phe nổi dậy Syria tấn công Assad vào lúc ông suy yếu nhất.
Bị phân tán với những cuộc chiến ở nơi khác, đồng minh quân sự của ông Assad (gồm Nga, Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon) đã không thể huy động đủ hỏa lực cần thiết như trong nhiều năm qua.
Lực lượng vũ trang yếu kém của Syria đã không thể kháng cự.
Một nguồn tin từ chính quyền nói với Reuters rằng xe tăng và máy bay không có nhiên liệu vận hành do nạn tham nhũng và cướp bóc – một minh chứng cho sự suy kiệt nghiêm trọng của nhà nước Syria.
Trong hai năm qua, nhuệ khí trong quân đội đã xuống dốc nghiêm trọng, theo nguồn tin ẩn danh do sợ bị trả thù.
Ông Aron Lund, một thành viên của Viện nghiên cứu Century International chuyên về Trung Đông, nhận định rằng liên minh nổi dậy do HTS dẫn đầu có sức mạnh và sự thống nhất lớn hơn bất kỳ lực lượng nổi dậy nào từng tham chiến trước đây, “và phần lớn điều đó là nhờ công của Abu Mohammed al-Jolani.”
Tuy nhiên, ông nói rằng yếu tố then chốt là sự suy yếu của chính quyền Syria.
“Sau khi mất Aleppo như vậy, lực lượng của Assad đã không thể phục hồi và và quân nổi dậy càng tấn công thì quân chính phủ ngày càng yếu đi,” ông nói.
Tốc độ tiến công của phe nổi dậy – chiếm được Hama vào ngày 5/12 và Homs khoảng ngày 8/12 và chiếm được luôn thủ đô Damascus cùng ngày – vượt xa mọi dự đoán.
“Cơ hội là có, nhưng không ai ngờ chính quyền sụp đổ nhanh đến vậy. Mọi người đều nghĩ sẽ có giao chiến,” ông Bassam Al-Kuwatli, Chủ tịch Đảng Tự do Syria – một nhóm đối lập nhỏ có trụ sở ngoài Syria, nhận định.
Một quan chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh rằng dù Washington có biết về sự ủng hộ toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho phe nổi dậy, Mỹ không được thông báo về bất kỳ sự đồng thuận ngầm nào Thổ Nhĩ Kỳ dành cho chiến dịch tại Aleppo.
Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Reuters về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 8/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng việc Nga bỏ mặc Assad đã khiến ông này thua cuộc, nói thêm rằng Moscow ngay từ đầu đáng lẽ đã không nên bảo vệ Assad và đã mất hứng thú do cuộc chiến ở Ukraine mà Nga không bao giờ nên khởi xướng.
Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lưu ý tới vai trò của Israel trong việc làm suy yếu Hezbollah.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng Hezbollah đã rút nốt lực lượng của mình ra khỏi Syria vào hôm 7/12.
Hậu quả từ Gaza
Những nguồn tin hiểu về cách Hezbollah triển khai nhân lực nói rằng lực lượng này, vốn được Iran hậu thuẫn và đóng vai trò trụ cột giữ vững quyền lực cho ông Assad từ những ngày đầu chiến sự, đã rút phần lớn binh lính tinh nhuệ khỏi Syria trong năm qua để tham gia vào cuộc chiến với Israel – cuộc xung đột bùng nổ từ cuộc chiến ở Gaza.
Israel đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, đặc biệt sau khi chiến dịch tấn công vào tháng Chín của Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng nhiều chỉ huy và chiến binh của nhóm này.
Chiến dịch tiến công của phe nổi dậy Syria được tiến hành trùng với thời điểm lệnh ngừng bắn của cuộc xung đột tại Lebanon có hiệu lực – ngày 27/11.
Các nguồn thạo tin với Hezbollah cho biết nhóm này không muốn tham gia vào những trận chiến lớn tại Syria khi đang tập trung vào hành trình dài hồi phục sau những thiệt hại nặng nề.
Đối với liên minh nổi dậy, việc Hezbollah rút quân mang đến một cơ hội đắt giá.
“Chúng tôi chỉ muốn chiến đấu một trận sòng phẳng với chính quyền,” nguồn tin thuộc phe nổi dậy Syria chia sẻ.
Sự sụp đổ của đế chế Assad giáng một đòn chí mạng vào tầm ảnh hưởng Iran tại Trung Đông, diễn ra chỉ ít lâu sau cái chết của Nasrallah, cùng những thiệt hại do Israel gây ra cho Hezbollah.
Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ giờ có vẻ như là nhân tố nước ngoài mạnh nhất ở Syria, với việc triển khai binh lính trên bộ và khả năng tiếp cận đến giới lãnh đạo phe nổi dậy.
Ngoài việc đảm bảo hồi hương người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn có mục tiêu kiềm chế sức mạnh của những nhóm người Kurd đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở đông bắc Syria và được Mỹ hậu thuẫn. Ankara coi họ là khủng bố.
Trong khuôn khổ chiến dịch ban đầu, lực lượng SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực, bao gồm thành phố Tel Refaat, từ tay những lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Hôm 8/12, một nguồn tin từ an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phe nổi dậy đã tiến vào thành phố Manbij ở phía bắc Syria sau khi tiếp tục đẩy lùi lực lượng người Kurd.
“Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ là bên thắng cuộc ngoại bang lớn nhất. Erdogan hóa ra đã chọn đúng phe, hoặc ít nhất là bên thắng cuộc, của lịch sử vì lực lượng ủy nhiệm của mình ở Syria đã chiến thắng,” ông Birol Baskan, một nhà khoa học chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và cựu học giả không thường trú thuộc Viện Trung Đông, đánh giá.
Syria: Thủ tướng lâm thời cam kết bảo đảm ổn định và yên bình cho đất nước (RFI)
Hai ngày sau khi chế độ Bachar Al-Assad sụp đổ, ngày 10/12/2024, lực lượng nổi dậy Syria đã bổ nhiệm ông Mohammad Al-Bachir làm thủ tướng lâm thời, phụ trách tiến trình chuyển tiếp. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Jazeera, ông Bachir cam kết bảo đảm sự ổn định và yên bình cho đất nước.
Năm nay 41 tuổi, Mohammad Al-Bachir từng là bộ trưởng Phát triển và Nhân đạo trong chính phủ Cứu nguy Dân tộc tại Idleb, do lực lượng Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) kiểm soát và điều hành từ năm 2017. Với vị trí này, ông Bachir quản lý tất cả các mối quan hệ với những tổ chức phi chính phủ, với Liên Hiệp Quốc, đặc biệt về những vấn đề có liên quan đến các trại tị nạn. Do vậy, theo nhận định từ nhà báo Wassim Nasr, kênh truyền hình France 24, và cũng là chuyên gia về các phong trào thánh chiến, nhân vật này là một nhà « kỹ trị Hồi giáo », theo Hồi giáo cực đoan, nhưng không phải là chiến binh thánh chiến.
Ngay khi được bổ nhiệm, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Qatar Al-Jazeera, ông Bachir cho rằng đã đến lúc người dân Syria phải được « tận hưởng sự ổn định và yên bình », đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cung cấp « các dịch vụ mà người dân cần ». Chủ trì cuộc hợp giữa các tân bộ trưởng và các bộ trưởng của chế độ bị lật đổ, ông Bachir tuyên bố « nhiệm vụ của chính phủ lâm thời là duy trì sự ổn định của các định chế và tránh cho nhà nước bị tan rã ».
Chủ trương này cũng đã được Abu Mohammed Al-Golani, thủ lĩnh HTS và đứng đầu liên minh các phe nổi dậy, khẳng định với Sky News: « Người dân đã kiệt quệ vì chiến tranh. Đất nước không còn sức cho một cuộc chiến nào khác, và cũng sẽ không rơi vào một cuộc chiến nào nữa. »
Bachar sụp đổ : Dân Syria vừa mừng, vừa lo
Tại thủ đô Damas, người dân tiếp tục tập hợp ăn mừng chế độ Bachar Al-Assad sụp đổ, nhưng bên cạnh đó, những ngờ vực đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện.
Từ Damas, hai đặc phái viên đài RFI, Murielle Paradon và Boris Vichith, gởi về bài phóng sự :
Tại quảng trường Omeyyades, hàng trăm người, ngồi trên những chiếc xe tăng bị bỏ rơi hay giương cao những lá cờ cách mạng, ăn mừng chế độ sụp đổ trong tiềng ồn ào đinh tai, như Fatima, một người mẹ đã mất hai con trai dưới chế độ Bachar Al-Assad.
Bà khao khát một nền công lý : « Tôi tin tưởng vào phe nổi dậy bởi vì họ đã hy sinh mạng sống của mình. Trước đây, chúng tôi sống dưới sự kiểm soát của một chế độ tội phạm không luật lệ. Tất cả những gì sắp tới trong thời hậu Bachar chỉ có thể tốt hơn mà thôi. »
Còn Anwar, 40 tuổi, thèm khát tự do và sự thật sau hơn 50 năm bị áp bức. Anh nói : « Giờ chúng tôi phá hủy các khẩu hiệu và các áp-phích của Bachar Al-Assad và Hafez Al-Assad. Chúng tôi đã dỡ bỏ tượng của họ. Nhưng điều đấy chưa đủ. Chẳng hạn, cần phải thay đổi các giáo trình để kể về cuộc cách mạng của chúng tôi và xóa bỏ những điều dối trá của chế độ độc tài ».
Trên quảng trường Omeyyades, lực lượng nổi dậy lên cầm quyền hiện diện khắp nơi. Khẩu AK trong tay, họ nhún nhẩy giữa đám đông, ít nhiều bảo đảm an ninh. Điều này khiến ông Zacharia khiếp hãi. Ông không che giấu thiện cảm của mình đối với chế độ bị lật đổ.
Zacharia giải thích : « Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những người như thế, cầm vũ khí tại Syria. Tôi sợ, tôi cảm thấy không an toàn. Làm thế nào tôi có thể sống với những người này chứ ? Họ có thể sẽ giết tôi, tôi đâu biết được ».
Zacharia không tin tưởng vào những người nắm quyền mới tại Syria và có ý định bỏ trốn khỏi đất nước.
Nga tìm cách duy trì căn cứ quân sự
AFP hôm nay cho biết chính phủ Nga đã có những tiếp xúc đầu tiên với tân chính quyền Syria sau khi chế độ Bachar Al-Assad, đồng minh của Matxcơva, sụp đổ. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định duy trì các mối liên hệ với những người đang kiểm soát Syria là điều cần thiết, do « Nga vẫn còn căn cứ quân sự và một văn phòng đại diện ngoại giao. Những vấn đề có liên quan đến việc bảo đảm an ninh cho những cơ sở này là điều tối quan trọng ! »
Tổng thống Biden kêu gọi đưa ra chiến lược mới nhắm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran (VOA)
Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nên đưa ra các chiến lược mới nhằm giải quyết các mối quan hệ ngày càng sâu sắc và nguy hiểm giữa Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, các quan chức Mỹ cho hay.
Để đổi lấy sự giúp đỡ của Iran cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine, Moscow cung cấp cho đồng minh Iran máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ phi đạn và công nghệ vũ trụ, ông Biden kết luận trong bản ghi nhớ an ninh quốc gia ban hành hôm 11/12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cung cấp nhiên liệu, tiền bạc và công nghệ cho Triều Tiên và công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân trên thực tế.
Vẫn theo chính quyền Biden, Nga đang tiến hành tuần tra chung với Trung Quốc ở Bắc Cực.
Bản ghi nhớ Tổng thống Biden vừa ban hành là một văn kiện mật, chỉ được trình bày chung chung cho báo giới.
Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên trước đây từng phản đối những đánh giá tương tự và cáo buộc Washington có hành vi gây bất ổn.
Bản ghi nhớ của Tổng thống Biden chỉ thị cho nhiều nhánh khác nhau của chính phủ Hoa Kỳ tái cơ cấu các nhóm hiện được tổ chức theo khu vực để tập trung tốt hơn vào các vấn đề liên kết bốn quốc gia vừa kể trải dài khắp Châu Âu và Châu Á.
Các chiến lược và đề xuất chính sách trong bản ghi nhớ này có thể được thực hiện – hoặc bị bác bỏ hoàn toàn – bởi Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden nói họ muốn đề ra những sự lựa chọn mới để tân chính quyền của ông Trump và Quốc hội có thể bắt tay vào làm việc.
Các quan chức cho biết những thách thức phía trước bao gồm việc đảm bảo rằng mọi lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên bốn quốc gia vừa kể đều được áp dụng một cách phối hợp để không có nguy cơ bị các quốc gia đó phản đòn, đồng thời phải tạo điều kiện cho Hoa Kỳ xử lý tốt hơn các cuộc khủng hoảng cùng lúc liên quan đến các nước trong nhóm này. Ví dụ, quân đội Triều Tiên hiện đang phục vụ ở Nga.
Một quan chức nói: “Chúng ta hiện đang ở trong một thế giới mà kẻ thù và đối thủ của chúng ta đang học hỏi lẫn nhau rất nhanh”.
Nhưng có những giới hạn trong sự hợp tác giữa các nước này, một quan chức khác cho biết, trong số đó có việc Nga và Iran không hỗ trợ được cho đồng minh là ông Bashar al-Assad, cựu tổng thống Syria vừa bị lật đổ cuối tuần qua.
“Việc tái tổ chức này đặt ra cho Trung Quốc câu hỏi về tương lai nào mà họ muốn nhìn thấy và liệu họ có thực sự muốn hợp tác toàn diện với nhóm này hay không”.
Nga trả giá đắt với chiến thuật ‘cối xay thịt’ ở Ukraine (BBC)
Khi năm 2024 sắp kết thúc và mùa đông đến, quân đội Nga vẫn tiếp tục đẩy lùi quân Ukraine. Tổng cộng, Nga đã chiếm và chiếm lại khoảng 2.350 km2 lãnh thổ ở miền đông Ukraine và khu vực Kursk ở miền tây của Nga.
Nhưng cái giá khủng khiếp phải trả là sinh mạng.
Bộ Quốc phòng Anh nói rằng số thương vong trong tháng 11 của Nga đã lên đến 45.680, con số lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, lính Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu trung bình 1.523 người mỗi ngày, cả chết lẫn bị thương.
Chỉ riêng ngày 28/11, Nga đã mất hơn 2.000 người, đây là lần đầu tiên điều này xảy ra.
“Chúng tôi đang chứng kiến Nga ngày một giành được lợi thế,” một quan chức giấu tên nói. “Nhưng phải trả giá rất đắt”. Các quan chức cho biết số liệu thương vong dựa trên các nguồn tài liệu mở, đôi khi được tham chiếu chéo với dữ liệu mật.
Nhìn chung, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, ước tính Nga đã thiệt hại khoảng 125.800 binh lính trong suốt các cuộc tấn công vào mùa thu.
ISW cho biết chiến thuật “cối xay thịt” của Nga đồng nghĩa với việc Moscow cứ mỗi km vuông lãnh thổ chiếm được họ phải trả giá hơn 50 binh lính.
Ukraine không cho phép công bố số liệu thương vong của quân đội nước này, vì vậy không có ước tính chính thức nào vài tháng qua.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng hơn 38.000 binh lính Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến đấu (tử trận và bị thương) chỉ riêng ở Kursk – một con số không thể xác minh được.
Yuriy Butusov, một phóng viên chiến tranh Ukraine có nhiều mối quan hệ nhưng gây nhiều tranh cãi, cho biết 70.000 binh lính Ukraine đã bị thiệt mạng kể từ tháng 2/2022, và 35.000 người khác mất tích.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phủ nhận tin tức từ truyền thông Hoa Kỳ đưa tin có tới 80.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng, nói rằng “ít hơn nhiều”.
Dù vậy, ông không đưa ra con số của riêng mình.
Nhưng xét về tổng thể, số liệu thương vong của Nga và Ukraine cho thấy cường độ giao tranh khủng khiếp đang diễn ra ở Kursk và các khu vực phía đông của Ukraine.
Các quan chức phương Tây nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi.
Một quan chức cho biết quân Nga rất có khả năng sẽ tiếp tục cố gắng phân tán lực lượng Ukraine bằng cách sử dụng quân số áp đảo tại các vị trí phòng thủ để đạt được các lợi thế chiến thuật.
Tốc độ tiến quân của Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây (dù vẫn không thể so sánh với tốc độ nhanh chóng trong những tháng đầu của cuộc chiến), chỉ bị kìm hãm bởi sự thay đổi đáng kể trong tỷ lệ hỏa lực pháo binh giữa hai bên.
Trước đây, Nga có thể bắn tới 13 quả đạn pháo trong khi Ukraine chỉ có thể bắn trả 1 quả, nhưng hiện tại tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 1,5:1.
Sự thay đổi đáng kể này một phần được giải thích là do việc sản xuất trong nước tăng lên, cũng như Ukraine tổ chức tấn công vào các kho chứa đạn dược của Nga và Triều Tiên.
Nhưng pháo binh, dù quan trọng, không còn đóng vai trò quyết định như vậy nữa.
“Tin xấu là việc sử dụng bom lượn của Nga đã tăng mạnh,” một quan chức phương Tây cho biết, “gây ra những tác động tàn khốc ở tiền tuyến”. Việc Nga sử dụng bom lượn – loại bom được thả từ các chiến đấu cơ bay sâu vào không phận do Nga kiểm soát – đã tăng gấp 10 lần trong năm qua, quan chức này cho biết. Bom lượn và máy bay không người lái (drone) đã thay đổi cuộc chiến khi mỗi bên đua nhau đổi mới sáng tạo.
“Chúng ta đang ở điểm mà chiến tranh drone đã làm cho bộ binh trở nên vô dụng, nếu không muốn nói là lỗi thời,” Serhiy, một chiến binh tiền tuyến, chia sẻ với tôi qua WhatsApp.
Về mặt nhân lực, cả Ukraine và Nga đều tiếp tục gặp khó khăn, nhưng lý do khác thì nhau.
Ukraine không muốn giảm độ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống dưới 25, còn Nga vẫn có thể thay thế những tổn thất của mình, dù Tổng thống Vladimir Putin khá miễn cưỡng và cần cân nhắc khi tiến hành một đợt động viên mới.
Lạm phát tăng cao, bệnh viện quá tải và các vấn đề về chi trả bồi thường cho các gia đình có người thân qua đời đều là những yếu tố đóng góp vào khó khăn về nhân lực.
Ở một số vùng của Nga, tiền thưởng dành cho những người tình nguyện sẵn sàng tham gia chiến tranh ở Ukraine đã tăng lên tới ba triệu rúp (khoảng 30.000 USD).
“Tôi không nói rằng nền kinh tế Nga đang bên bờ vực sụp đổ,” vị quan chức này cho biết. “Tôi chỉ muốn nói rằng áp lực vẫn tiếp tục gia tăng ở đó.”
Với cơn địa chấn ở Syria, các quan chức cho biết vẫn còn quá sớm để biết những sự kiện ở đó sẽ có tác động như thế nào đến cuộc chiến ở Ukraine.
Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ (RFI)
Sau khi chế độ al-Assad sụp đổ ngày 08/12/2024, không quân Israel và không quân Mỹ đã đẩy mạnh các đợt tấn công để triệt phá các mục tiêu quân sự của quân đội Syria cũng như của Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, đề phòng các nhóm khủng bố lợi dụng tình hình để trỗi dậy.
Thông tín viên RFI trong khu vực Paul Khalifeh tường trình :
Trong lúc người dân Syria đang ăn mừng sự sụp đổ của tổng thống Bachar al-Assad, không quân Israel và Mỹ vẫn không rời bầu trời nước này.
Sáng nay, không quân Israel đã oanh kích vào sườn bên Syria của dãy núi giáp Liban. Hôm qua, các máy bay đã tiến hành một đợt tập kích vào những căn cứ không quân của quân đội Syria tại miền nam và Damas, chủ yếu nhắm vào các đơn vị phòng không.
Các đợt bắn phá dày đặc nhắm vào các kho chứa vũ khí và hạ tầng cơ sở quân sự đã bị bỏ lại ở tỉnh miền đông Deir Ezzor.
Israel cũng đã điều quân đến vùng đệm và phần lãnh thổ Syria tại cao nguyên Golan.
Quân đội Israel đã chiếm sườn núi Hermon bên phần đất Syria, khu phi quân sự và các vị trí chiến lược nằm kế bên. Lệnh giới nghiêm với người dân Syria ở 5 phu vực nằm trong vùng đệm đã được ban hành.
Ngày Chủ nhật, không quân Mỹ cũng đã hoạt động tại Syria, oanh kích vào 75 mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi Giáo tại vùng sa mạc miền trung.
Tư lệnh bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ, tướng Michael Kurilla giải thích, các đợt tấn công phòng xa này nhằm ngăn chặn tổ chức Hồi Giáo cực đoan lợi dụng biến động mới tại Syria để trỗi dậy.
Thủ tướng Ba Lan: Khả năng có các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vào mùa đông này (VOA)
Các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ bắt đầu vào mùa đông này, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 10/12, khi ông nêu ra một loạt các cuộc họp đã lên kế hoạch trong khi Warsaw tìm cách đóng vai trò đi đầu nhằm chấm dứt xung đột.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Kyiv kể từ cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Thủ tướng Tusk nói Warsaw sẽ tham gia sâu vào bất kỳ cuộc đàm phán nào khi nước này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào ngày 1/1.
“Tôi sẽ có một loạt các cuộc đàm phán, chủ yếu liên quan đến tình hình bên ngoài biên giới phía đông của chúng ta“, ông nói trong một cuộc họp của chính phủ. “Như quý vị có thể tưởng tượng, phái đoàn của chúng ta sẽ cùng chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có lịch trình chính trị sẽ như thế nào, tình hình sẽ ra sao trong các cuộc đàm phán, mặc dù vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng chúng có thể bắt đầu vào mùa đông năm nay”.
Ông Tusk nói rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Warsaw ngày 12/12 để thông báo tóm tắt về các cuộc đàm phán với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Paris vào cuối tuần trước.
Ông nói rằng ông liên tục liên lạc với các đồng minh vùng Scandinavia và Baltic của Warsaw, và Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đến thăm Warsaw trong những ngày đầu Ba Lan giữ chức chủ tịch EU.
“Tôi thực sự muốn Ba Lan là quốc gia không chỉ có mặt mà còn định hình cho những quyết định này nhằm mang lại an ninh và bảo vệ lợi ích của Ba Lan“, ông Tusk nói.
Ông Zelenskyy hôm 9/12 đã đưa ra lập luận về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến, cho thấy Kyiv ngày càng cởi mở hơn với các cuộc đàm phán, nhưng cho biết ông đã nói với ông Trump và ông Macron rằng ông không tin ông Putin muốn chấm dứt chiến tranh.
Điện Kremlin hôm 10/12 nói rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi các mục tiêu do ông Putin đặt ra đạt được bằng hành động quân sự hoặc thông qua đàm phán.
Ông Putin đã yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân hoàn toàn khỏi 4 khu vực của đất nước mà Nga tuyên bố là của mình. Kyiv đã từ chối các điều khoản này vì coi đó như là một sự đầu hàng.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc khi tất cả các mục tiêu do tổng thống và tổng tư lệnh đề ra đã đạt được”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, sử dụng thuật ngữ của Moscow để nói về cuộc xung đột.
Ông Peskov cho biết hiện tại không có cuộc đàm phán nào giữa Moscow và Kyiv đang diễn ra vì “phía Ukraine từ chối mọi cuộc đàm phán”.
Trung Cộng tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan (RFI)
Cuộc phô trương sức mạnh của Trung Cộng với Đài Loan bước sang ngày thứ hai. Bắc Kinh hôm nay, 11/12/2024, tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh hòn đảo, với hàng chục tàu chiến và khoảng 50 máy bay. Chính quyền Đài Bắc thông báo đã phát hiện tổng cộng 53 máy bay và 19 tàu chiến, đồng thời lên án Trung Cộng là “kẻ gây rối” và khẳng định những hành động của Bắc Kinh tạo ra nhiều rủi ro và bất ổn trong khu vực.
Còn chính quyền Trung Cộng hôm nay tuyên bố thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sẽ không dung thứ cho các hoạt động “ly khai”.
Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn mọi sự thay đổi nguyên trạng tại eo biển Đài Loan, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ trước mọi hành động gây hấn.
Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Cộng đương đại và nhà nghiên cứu cộng tác với INALCO, giải thích mục đích những cuộc tập trận của Bắc Kinh :
Tất cả những cuộc thao dượt của Trung Cộng, thực chất là cuộc huấn luyện nhằm mô phỏng các điều kiện để phong tỏa Đài Loan trên thực tế. Điều đó cho thấy Trung Cộng vẫn tiếp tục đạt tiến bộ trong việc kết hợp các lực lượng hải quân, không quân và dĩ nhiên là tên lửa đạn đạo. Tóm lại, đó là một tiến bộ với việc Trung Cộng không ngừng gia tăng quân số xung quanh Đài Loan nhằm gia tăng áp lực với hòn đảo, để nếu cần thiết, trong một tương lai gần hoặc trung hạn, tiến hành một cuộc phong tỏa trước khi xâm lược.
Sự phối hợp giữa nhiều máy bay và tàu chiến trong các cuộc tập trận trước đây, đi kèm với những đe dọa của Bắc Kinh về việc phóng tên lửa, rõ ràng là một yếu tố tác động vào tâm lý tầng lớp lãnh đạo chính trị, những người ra quyết định ở Đài Loan, cũng như đối với dư luận hòn đảo.
Vì vậy, ngoài những cuộc huấn luyện mô phỏng thực tế, còn có một yếu tố tâm lý và nhận thức. Theo thời gian, Trung Cộng gia tăng áp lực mạnh mẽ từ nhiều mặt như quân sự, thông tin, không gian mạng và tâm lý.
Quân đội Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu” sau khi Trung Quốc áp đặt 7 “khu vực không phận hạn chế” (RFI)
Hôm 09/12/2024, bộ Quốc Phòng Đài Loan ra thông cáo cho biết quân đội của hòn đảo được đặt trong tình trạng « báo động cao », « sẵn sàng chiến đấu », sau khi Bắc Kinh áp đặt một loạt khu vực không phận hạn chế rộng lớn ở bờ biển phía đông Đài Loan.
« Không phận hạn chế » của Trung Quốc tại 7 khu vực ngoài khơi hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, được duy trì từ hôm nay 09/12 đến ngày thứ Tư 11/12. Đài Bắc còn cho biết phát hiện sự hiện diện bất thường của 7 tuần duyên Trung Quốc ở vùng tiếp giáp giữa eo biển Đài Loan và Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Su Tzu-yun, Viện Quốc phòng và Nghiên cứu An ninh, ở Đài Bắc, các khu vực hạn chế không phận của Trung Quốc có thể có hai mục tiêu: « thử tên lửa và áp dụng thử vùng cấm bay, mô phỏng việc phong tỏa không phận ».
Tuần hành xuyên Đài Loan cổ vũ cho “phòng vệ dân sự”.
Tổ chức phi chính phủ Đài Loan Kuma Academy, hôm qua, 08/12/2024, đã hoàn tất cuộc tuần hành 9 ngày từ Nam lên Bắc để vận động người dân Đài Loan chú ý hơn đến « phòng vệ dân sự », tức sự tham gia của dân chúng vào các hoạt động huấn luyện quân sự, phối hợp với quân đội, hay lực lượng cứu hỏa, cũng như đào tạo cứu thương, để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giá cả bất động sản gia tăng, nhiều người Đài Loan không xem việc tham gia « phòng về dân sự » là một ưu tiên. Phóng sự của thông tín viên Jules Bois gửi về từ Đài Bắc:
« Sau 9 ngày tuần hành, cuối cùng đoàn đã đến trung tâm thủ đô. Bà Mina 70 tuổi đã đi bộ ba ngày liền. Mục tiêu cổ vũ người dân cùng chung tay xây dựng một nền phòng vệ dân sự khiến bà không quản trở ngại. Bà nói: “Nhìn từ bên ngoài, mọi người thấy Đài Loan lâm nguy, nhưng người dân Đài Loan lại không thấy mình đang trong tình trạng nguy hiểm. Thế mà nền phòng vệ dân sự là rất quan trọng. Như vậy, nếu chiến tranh bùng nổ, người dân có thể được bảo vệ.”
Ông Jaily, mang một khẩu hiệu ủng hộ dân chủ trên tay. Ông hiểu rõ lý do vì sao không phải ai cũng chú ý đến lời kêu gọi vì một nền phòng vệ dân sự: “Nhiều người coi các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, công việc của mình là quan trọng hơn, và không thực sự nghĩ đến Trung Quốc. Ta có thể nói là họ giống như những con đà điểu rúc đầu vào cát, cho rằng chuyện này không liên quan đến họ, vì chiến tranh không thể xảy ra”.
Trong khi đó, đối với Wei, cho dù mối đe dọa chiến tranh không hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, đây vẫn là điều có ý nghĩa sống còn,“trừ phi quý vị quá giàu có, và không cần phải quan tâm đến việc mình kiếm được bao nhiêu, có thể trả tiền thuê nhà, hay có thể tìm được việc làm hay không. Một ngày kia, nếu chiến tranh xảy ra, chúng ta sẽ mất hết”.
Trong cuộc tập trận quy mô lớn hồi tháng 10, Trung Quốc đã tái khẳng định họ sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh không chấp nhận có chủ quyền. »
TIN VIỆT NAM.
2 quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục 2 nữ bồi bàn ở New Zealand (VOA)
Hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc đã tấn công tình dục hai nữ bồi bàn trẻ tuổi ở Wellington, thủ đô của New Zealand, cảnh sát nước này xác nhận với VOA hôm 11/12. Tuy nhiên, cảnh sát không thể khởi tố vì hai quan chức đó đã rời khỏi New Zealand.
Thanh tra Thám tử John Van Dan Heuvel, Trưởng phòng Điều tra Hình sự, Khu vực Wellington, cho VOA biết qua email rằng vụ việc xảy ra hồi tháng 3 năm nay, đã có hai đơn khiếu nại gửi đến cảnh sát, và một cuộc điều tra đã được tiến hành.
Phòng Điều tra Hình sự đã thu thập thông tin, bằng chứng, bao gồm cả việc xem lại các đoạn video do camera an ninh ghi được, cũng như nói chuyện với các nhân chứng.
Cảnh sát đã xác định được hai nghi phạm là “những quan chức Việt Nam” đến New Zealand khi thực hiện công vụ, ông John Van Dan Heuvel nói với VOA qua email. “Sau đó, chúng tôi đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam, họ đã thực hiện mọi nỗ lực để giúp cảnh sát trong quá trình điều tra”, vẫn lời vị trưởng phòng điều tra hình sự ở Wellington.
Nhưng ở thời điểm cảnh sát nắm được danh tính của hai nghi phạm, họ đã rời khỏi New Zealand rồi. Cảnh sát không chia sẻ danh tính của hai người đó với VOA, nêu lý do quan ngại về vấn đề bí mật cá nhân.
“Vì chúng tôi không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam nên chúng tôi không thể bắt đầu các thủ tục dẫn độ và do đó không khởi tố, không đưa ra tội danh”, ông Van Dan Heuvel cho hay.
Bước tiếp theo là cảnh sát đã viết công hàm gửi qua Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand (MFAT) tới đại sứ Việt Nam, tóm tắt lại những diễn biến và “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Cảnh sát New Zealand về hành vi này”.
Bộ có chung mối quan ngại và điều đó đã được chuyển tải tới vị đại sứ của Việt Nam, viên thanh tra cảnh sát ở Wellington cho biết thêm.
Ông cũng chia sẻ với VOA rằng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand khẳng định là hai quan chức Việt Nam dính vào vụ này “không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao”. Quyền này chỉ áp dụng cho các nhân viên ngoại giao được công nhận tại New Zealand.
Vị thanh tra đứng đầu Phòng Điều tra Hình sự, Khu vực Wellington, nêu rõ: “Cảnh sát không nghi ngờ gì về việc hai người phụ nữ này đã bị hai người đàn ông tấn công khiếm nhã khi đang làm việc và nếu những người đàn ông này vẫn ở New Zealand, chúng tôi sẽ khởi tố hình sự”.
Ông nói rằng cảnh sát đã “điều tra kỹ lưỡng” và thường xuyên cập nhật thông tin với hai nạn nhân, cũng như có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân.
Cuối email gửi VOA, vị trưởng phòng Điều tra Hình sự, Khu vực Wellington, bày tỏ:”Mặc dù chúng tôi biết đây không phải là kết quả mà họ mong đợi, nhưng cảnh sát đã sử dụng hết mọi cách thức điều tra hợp lý”.
VOA cũng đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở New Zealand để tìm hiểu thêm, nhưng không nhận được hồi đáp.
Cách đây 1 tháng, một tòa án ở Chile đã ra lệnh cho một sĩ quan cấp tá là thành viên trong đội an ninh của Chủ tịch Việt Nam Lương Cường phải rời khỏi Chile sau khi người này bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ nhân viên khách sạn trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam tại quốc gia Nam Mỹ.
CSVN không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
Tổng bí thư Tô Lâm hôm 9/12 khẳng định Ban Kinh tế trung ương phải tồn tại để đảm bảo Việt Nam không vướng vào nguy cơ tụt hậu và chệch hướng phát triển chủ nghĩa xã hội.
Phát biểu này của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được đưa ra vào khi Đảng và Chính phủ đang tiến hành sáp nhập các ban, cơ quan để tinh giản đội ngũ. Ít nhất có ba ban của Đảng mới đây đã được đề xuất phải dừng hoạt động để sáp nhập bao gồm: Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Ban Cán sự Đảng,
Theo truyền thông Nhà nước, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ở Hà Nội, ông Tô Lâm nhấn mạnh “Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu rất quan trọng của Đảng, chịu trách nhiệm tham mưu, hoạch địch đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”
Ông Tô Lâm cũng nói đến hai nguy cơ gắn liền với trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương là nguy cơ tụt hậu và nguy cơ chệch hướng.
“Nguy cơ tụt hậu và chệch hướng luôn thường trực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đường lối và chiến lược phát triển của Đảng phải như thế nào để đẩy lùi các nguy cơ này là do vai trò tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương.”
“Với chức năng, nhiệm vụ, vai trò rất quan trọng như vậy thì Ban Kinh tế Trung ương không thể không tồn tại.” – ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Định hướng phát triển chủ nghĩa xã hội được ông Tô Lâm khẳng định là “đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người mà không được làm mất bình đẳng, đảm bảo cân đối hài hòa và tính toàn diện của sự phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.”
Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương được thành lập vào năm 2012, thuộc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong đó Ban Nội chính chuyên về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ban Kinh tế Trung ương trước dó đã từng tồn tại từ năm 1982 nhưng vào năm 2007 được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng cùng Ban Nội chính Trung ương.
Việc thành lập lại hai ban này vào năm 2012 dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được các chuyên gia đánh giá là nhằm phục vụ công cuộc chống tham nhũng được ông Trọng phát động và thực thi đường lối Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước sau một thời gian Đảng để Chính phủ tập trung phát triển kinh tế đất nước.
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương đầu tiên vào năm 2012 khi ban này thành lập là ông Vương Đình Huệ – người sau này là Chủ tịch Quốc hội và vừa mới đây bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì những sai phạm trong quản lý.
Một số những trưởng ban khác của Ban Kinh tế Trung ương cũng bị kỷ luật và phải nghỉ hưu như ông Nguyễn Văn Bình, Trần Tuấn Anh.
Trưởng ban hiện tại là nguyên Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, người vừa nhậm chức mới vào tháng 8 năm nay.
Việt Nam khẳng định ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ với Trung cộng
Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 10/12 khẳng định việc phát triển quan hệ với Trung cộng là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhưng lưu ý đến việc “thu hẹp bất đồng” trên biển, khi hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung cộng Hàn Chính tại Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã và trang tin của chính phủ Việt Nam.
Trong cuộc gặp với ông Hàn, ông Sơn cũng khẳng định rằng Việt Nam kiên trì chính sách một Trung cộng và sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao, củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau, làm sâu sắc thêm việc hợp tác thiết thực với Trung cộng và cùng thúc đẩy xây dựng cộng đồng Việt Nam-Trung cộng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, theo bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã.
Trước đây, một số lãnh đạo Trung cộng gọi là cộng đồng chung vận mệnh nhưng Việt Nam luôn gọi đây là “cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Ông Sơn cũng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là kết nối chiến lược phát triển, kết nối hạ tầng giao thông, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch. Theo Báo Chính Phủ, phó thủ tướng Việt Nam lưu ý đến việc ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung cộng (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng), đồng thời đề nghị Trung cộng mở rộng cửa cho nhập khẩu hàng Việt Nam.
Về phía Trung cộng, theo Tân Hoa Xã, ông Hàn nói hai bên cần tuân thủ sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước đã đạt được, duy trì trao đổi chiến lược, mở rộng hợp tác thực chất, củng cố nền tảng dư luận xã hội, tăng cường phối hợp đa phương, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung cộng – Việt Nam.
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Sơn diễn ra từ ngày 8-11/12, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị, giữa bối cảnh Việt Nam và Trung cộng trong thời gian qua có những bất đồng trên Biển Đông. Gần đây nhất là sự kiện lực lượng thực thi pháp luật Trung cộng “trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản” của nhóm ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nơi cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 2/10 phải lên tiếng phản đối về hành vi “thô bạo” của họ.
Ông Sơn, cũng là người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam, trong cuộc gặp với ông Hàn, cũng nhắc đến việc thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao về vấn đề trên biển, gia tăng điểm đồng, thu hẹp bất đồng, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau theo luật pháp quốc tế. Đáp lại, theo trang tin Chính phủ, phó chủ tịch nước Trung cộng cũng đồng ý về việc kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển.
Tân Hoa Xã của Trung côngc hoàn toàn không đề cập gì đến nội dung ông Sơn nói về vấn đề trên biển trong cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó cho biết chuyến công tác của ông Sơn diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung cộng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện, đặc biệt sau khi hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung cộng có ý nghĩa chiến lược vào tháng 12/2023, theo tường thuật của Tiền Phong.
Việt Nam và Trung cộng sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Nhiều năm qua, Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung cộng chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Việt Nam với thế giới. Hiện Trung cộng là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Việt Nam.
CsVN lập thêm “Cục Phòng, chống lãng phí”
Bộ Tài chính Việt Nam mới đưa ra đề xuất thành lập một đơn vị chuyên trách cấp Cục để “thống nhất tham mưu và quản lý công tác phòng, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc”.
VnExpress hôm 3/12 đưa tin rằng đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra khi xây dựng dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, vốn đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Tin cho hay, Cục Phòng, chống lãng phí “sẽ có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách; triển khai, ban hành các chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy định của Luật”.
Ngoài ra, theo VnExpress, Cục này “sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, và báo cáo Chính phủ, Quốc hội, cơ quan Đảng về kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước, cũng như tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương”.
Đề xuất thành lập Cục Phòng, chống lãng phí của Bộ Tài chính được đưa ra không lâu sau khi Tổng bí thư Tô Lâm nói trong cuộc gặp với Ban Nội chính Trung ương rằng các cơ quan nội chính “phải chú trọng tham mưu đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí”.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Lâm nói rằng phải có hành động “xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí” đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”.
Theo tờ báo này, ông Tô Lâm nhấn mạnh việc “kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí” và “kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” cũng như “phải kiên quyết bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, với động cơ trong sáng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, ông Tô Lâm mới đây đã nói với các cử tri dưới vai trò đại biểu Quốc hội rằng ông và Đảng Cộng sản sẽ “kiên quyết thực hiện việc cắt giảm bộ máy nhà nước dù đây là công việc khó khăn, đụng đến quyền lợi nhiều người mà nhiều khóa trước chưa làm được”.
Theo VnExpress, Bộ Tài chính Việt Nam nói rằng việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí “sẽ không làm tăng thêm số lượng cơ quan, tổ chức hay biên chế công chức, mà chỉ sắp xếp lại nguồn lực hiện có trong ngành”.
Báo điện tử này đưa tin rằng việc thành lập Cục này “được cho là bước tiến nhằm thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia”.
Bốn trong năm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, luật sư thứ tư trong nhóm năm luật sư bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ), đã rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn.
Vợ chồng ông Phúc rời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 03/12 và đến New York, sau đó bay về tiểu bang North Carolina, miền Đông của Mỹ vào ngày 4/12.
Chia sẻ với RFA trong ngày 09/12, luật sư Phúc cho biết việc rời khỏi đất nước và chấm dứt hành nghề luật sư sau hơn 30 năm là một quyết định khó khăn, ông cho rằng “áp lực nặng nề suốt gần hai năm qua từ Công an tỉnh Long An và việc bảo toàn danh dự, phẩm giá” khiến ông quyết định rời đi.
Theo ông Phúc, ở Việt Nam khi luật sư tham gia bào chữa cho các vụ án nhạy cảm, nhất là các vụ việc đụng chạm đến quyền hành của công an luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bị xử lý ngược, có thể bị khởi tố, bắt giam và tù đày. Ông khẳng định trong tin nhắn với phóng viên:
“Tình trạng này đang dần triệt tiêu sự tham gia của luật sư vào các vụ án nhạy cảm, bóp nghẹt tiếng nói phản biện trong xã hội, làm thụt lùi các định chế dân chủ, gây méo mó hoạt động tư pháp và kìm hãm sự phát triển của xã hội.”
Phóng viên đã gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về trường hợp luật sư Trịnh Vĩnh Phúc rời Việt Nam sang tị nạn ở Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hồi năm 2022, ông Phúc cùng bốn đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, và Ngô Thị Hoàng Anh bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (TTVL) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Trong vụ này, các luật sư đã làm đơn gửi ban lãnh đạo Việt Nam tố cáo các cơ quan tố tụng của huyện Đức Hoà và tỉnh Long An có nhiều sai phạm nghiêm trọng, tuy nhiên chẳng những không được giải quyết mà họ còn bị cho là“có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Tới tháng 4/2023, cả năm luật sư đều bị Công an tỉnh Long An triệu tập do có tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) về các hành vi phát tán các thông tin trên không gian mạng.
Tháng 6/2023, ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân đào thoát đến Hoa Kỳ tị nạn sau khi công an phát thông báo truy tìm các ông. (RFA)