TIN THẾ GIỚI.

Tổng thống Zelensky họp với nhiều lãnh đạo Liên Âu về tương lai của Ukraina (RFI)

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte hôm 18/12/2024, chủ trì một cuộc họp tại Bruxelles với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và nhiều nhà lãnh đạo Liên Âu (EU) để thảo luận về chiến tranh Ukraina, vài tuần trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/01/2025.

TT Zelensky và TTK NATO Mark Rutte tại Kiev trong chuyến thăm đầu tiên của TTK sau khi nhậm chức. 10-2024

Hãng tin AFP, dẫn lời thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm qua, 17/12, nhấn mạnh cuộc họp thượng đỉnh không chính thức này là dịp để thảo luận về “những bước tiếp theo” trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1.000 ngày. Trọng tâm của cuộc họp bao gồm hai vấn đề lớn. Đầu tiên là tìm những giải pháp tối ưu để tiếp cận chính quyền tương lai của Hoa Kỳ một khi Donald Trump nhậm chức tổng thống và tiếp theo là NATO có thể làm gì thêm để hỗ trợ Ukraina. Trong số những nhà lãnh đạo đến dự họp, có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hay đồng nhiệm Đức Olaf Scholz. Anh Quốc thì cử ngoại trưởng David Lammy.

Các quan chức châu Âu vẫn lo ngại về khả năng Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraina cũng như về lời hứa của Donald Trump chấm dứt chiến tranh “chỉ trong vòng 24 giờ”. Trước những thay đổi đó, chính quyền Kiev bắt đầu xem xét khả năng đàm phán hòa bình, điều mà Ukraina trong thời gian dài vẫn không chấp nhận. Có mặt tại Lviv, thủ tướng Donald Tusk hôm qua nhấn mạnh Ba Lan sẽ “bảo đảm” rằng không có giải pháp “bất công” nào được đưa ra nếu Nga và Ukraina quyết định đàm phán hòa bình.

Vẫn về Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua lại kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn trương tăng cường sức mạnh cho Kiev trên chiến trường, trong bối cảnh lực lượng Ukraina liên tục bị quân Nga đẩy lùi từ nhiều tháng qua.


TT Trump sẽ cử đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu vào đầu năm 2025 (RFI)

Hãng tin Anh Reuters hôm 17/12/2024, dẫn lại nhiều nguồn thạo tin, cho biết tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ cử đặc phái viên về Ukraina đến Kiev và một số thủ đô châu Âu vào đầu năm tới, trong bối cảnh chính quyền tương lai của Mỹ tìm cách nhanh chóng chấm dứt xung đột.

Tướng Keith Kellogg

Theo các nguồn tin nói trên, tướng về hưu Keith Kellogg sẽ không đến Matxcơva trong chuyến đi này. Thay vào đó, ông sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao ở Kiev và những cộng sự viên của ông đang sắp xếp các cuộc gặp với những lãnh đạo ở các thủ đô châu Âu khác, chẳng hạn như Roma và Paris. Khi được hỏi, các đại sứ quán Ukraina và Ý tại Washington đã từ chối bình luận, trong khi Reuters chưa liên lạc được với đại sứ quán Pháp.

Chuyến đi của tướng Kellogg vẫn đang được lên kế hoạch và lịch trình có thể thay đổi. Mục đích chính của những cuộc gặp này là thu thập thông tin cho chính quyền tương lai của Trump, chứ không phải tham gia đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Kellogg, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 01/2025, cho thấy chủ nhân tương lai của Nhà Trắng muốn chấm dứt chiến tranh Ukraina sớm nhất có thể.

Donald Trump đã từng cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh “chỉ trong vòng 24 giờ” sau khi nhậm chức, thậm chí có thể là trước đó. Tuy nhiên, nhiều quan chức ngành tình báo và an ninh quốc gia nghi ngờ về khả năng nhà tỷ phú có thể thực hiện được mục tiêu này, một phần vì tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ không chịu ngồi vào bàn đàm phán, ít nhất là dựa trên các điều kiện mà Kiev có thể chấp nhận.


Ukraina thừa nhận thực hiện vụ ám sát một tướng Nga ở Matxcơva (RFI)

Tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga, đã thiệt mạng mạng trong một vụ nổ ở Matxcơva vào sáng 17/12/2024. Một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) cho biết chính Kiev đã thực hiện vụ ám sát này.

Trung tướng Igor Kirillov

Thông cáo của Cơ quan điều tra Nga, được AFP trích dẫn, cho biết : “Một thiết bị nổ cài trong một chiếc xe trotinette, nằm ở gần lối vào một tòa nhà dân cư, đã được kích hoạt vào sáng nay trên đại lộ Ryazansky ở Matxcơva”khi trung tướng Igor Kirillov và trợ lý của ông đi vào tòa nhà. Cả hai đều đã thiệt mạng.

Báo Kommersant của Nga thì cho biết vụ tấn công này có thể đã được chuẩn bị nhân một cuộc họp tại bộ Quốc Phòng Nga, với sự hiện diện của tổng thống Putin.

Tướng Kirillov là quan chức quân sự cấp cao nhất của Nga bị ám sát tại Maxtcơva kể từ đầu cuộc chiến ở Ukraina. Điện Kremlin và tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra phát biểu nào về vụ việc, nhưng cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev khẳng định mọi vụ tấn công nhằm “hù dọa người dân Nga, ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga và gieo rắc nỗi sợ hãi, đều sẽ thất bại”.

Một ngày trước vụ tấn công này, Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) đã đăng một thông cáo, cáo buộc tướng Kirillov phải chịu trách nhiệm vì “sử dụng vũ khí hóa học hàng loạt ở Ukraina”. Theo một nguồn tin từ SBU, cung cấp cho AFP, “ông Kirillov là một tội phạm chiến tranh và là một mục tiêu hoàn toàn hợp pháp”, vì hành động của ông tại Ukraina.

Trong thông cáo nói trên, SBU tố cáo là kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraina năm 2022, Nga đã thực hiện 4.800 vụ tấn công sử dụng “đạn dược hóa học”, thường là các quả lựu đạn có chứa các chất độc. Hơn 2.000 binh lính Ukraina đã phải nhập viện vì nhiễm độc ở các cấp độ khác nhau. Phía Nga bác bỏ thông tin đó và AFP cho biết cũng không thể kiểm chứng được.

Giữ chức chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga từ năm 2017, tướng Igor Kirillov, 54 tuổi, đã bị Anh Quốc trừng phạt với cáo buộc triển khai vũ khí hóa học ở Ukraina hồi tháng 10 vừa qua.


Liên Hiệp Châu Âu mong muốn tương lai Syria “không có Nga và Iran” (RFI)

Theo nhật báo Pháp Le Monde, tại Syria hôm 17/12/2024, một đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đã gặp đại diện của tổ chức Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) tại bộ Ngoại Giao của tân chính quyền Damas. Ông bày tỏ mong muốn của khối 27 nước hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Thủ lãnh của lực lượng HTS Al-Jolani

Trong cuộc họp giữa ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles hôm qua để bàn về tương lai của Syria, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, bà Kaja Kallas, tuyên bố, Nga và Iran « không nên có chỗ đứng » tại Syria trong tương lai.Theo bà, ngoại trưởng nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ mong muốn ban lãnh đạo mới của Syria yêu cầu Nga rút quân.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường thuật :

« Tân lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu Kaja Kallas đã nhanh chóng phái đại sứ châu Âu đến Damas. Đó chính là trưởng phái đoàn đại diện Liên Âu tại Syria và cho tới nay đóng ở Liban. Liên Âu muốn gởi nhiều thông điệp đến các nhà lãnh đạo mới ở Damas, đặc biệt là đề nghị một tiến trình chính trị tôn trọng các nhóm thiểu số và quyền phụ nữ. Họ cũng hy vọng Syria sẽ đoạn tuyệt với những người bảo hộ cũ của chế độ.

Bà Kaja Kallas nói : “Có những nguyên tắc cơ bản mà mọi người đều đồng tình, đó là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, do vậy Nga và Iran có lẽ không nên có một chỗ đứng trong tương lai của Syria. Các nhà lãnh đạo mới sẽ cần có điều kiện để rũ bỏ ảnh hưởng của Nga tại nước này. Bởi vì chính từ căn cứ quân sự ở Syria mà Nga tiến hành các hoạt động hướng tới châu Phi và các nước láng giềng phía Nam. Đây còn là một mối bận tâm cho an ninh châu Âu.”

Đối với các ngoại trưởng châu Âu, Liên Âu không nên bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với chế độ mới ở Syria nếu hy vọng vào một tiến trình chuyển tiếp có trật tự . Họ còn nhấn mạnh là đã có thể nói chuyện được với phe Taliban cho dù phải qua các bên trung gian. »


Tập Cận Bình thanh trừng cả những người thân tín trong quân đội (RFI)

Trong những năm đầu của chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình khởi xướng, nhà lãnh đạo Trung Cộng đã củng cố quyền kiểm soát đối với quân đội lớn nhất thế giới bằng cách loại bỏ những tướng lĩnh quyền lực thuộc các phe phái đối địch và thay thế họ bằng những đồng minh và thuộc hạ trung thành với ông.

Sau một thập kỷ với việc cải cách cơ cấu quân đội và bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí cấp cao, Tập Cận Bình vẫn tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng và sự bất trung, một cuộc chiến dường như không có hồi kết.

Tuy nhiên, như nhiều nhà lãnh đạo độc tài trong lịch sử, ông cũng quay lưng lại với chính những cộng sự trung thành đã được ông chọn. Ngày 28/11/2024, chủ tịch Tập đã thanh trừng một trong những thuộc hạ thân cận nhất trong quân đội, người đã đồng hành cùng ông từ nhiều thập kỷ, được giao nhiệm vụ xây dựng sự trung thành chính trị trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và giám sát hoạt động đề bạt các quan chức cấp cao.

Đô đốc Miêu Hoa

Đô đốc Miêu Hoa, ủy viên Quân Ủy Trung Ương (CMC), cơ quan chỉ huy tối cao, đứng đầu là chủ tịch Tập Cận Bình, đã bị đình chỉ công tác và đang bị điều tra vì đã “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ mà bộ Quốc Phòng Trung Cộng hay dùng để cáo buộc những quan chức tham nhũng và bất trung. Chịu trách nhiệm giám sát công tác giáo dục chính trị và bổ nhiệm nhân sự, ông Miêu là nhân vật cấp cao nhất trong đợt thanh trừng quân đội lần này. Kể từ mùa hè vừa qua, hơn một chục quan chức cấp cao trong ngành quốc phòng Trung Cộng đã bị loại bỏ, bao gồm hai bộ trưởng Quốc Phòng gần đây nhất được ông Tập bổ nhiệm vào CMC.

Tuy nhiên, không ai trong số họ có mối quan hệ lâu dài và thân thiết với chủ tịch Tập Cận Bình như ông Miêu Hoa. Mối quan hệ giữa hai người có từ hàng thập kỷ trước, khi ông Tập còn là quan chức ở tỉnh Phúc Kiến.

Cuộc điều tra nhắm vào ông Miêu mở ra một mặt trận mới trong cuộc thanh trừng đang ngày càng mở rộng và đặt ra câu hỏi về khả năng của ông Tập trong việc chấm dứt tình trạng tham nhũng có hệ thống trong quân đội và nâng cao khả năng chiến đấu, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng. Trong suốt một thập kỷ qua, Tập Cận Bình đã giám sát một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ để PLA trở thành lực lượng chiến đấu “tầm cỡ thế giới” có thể đối đầu với quân đội Mỹ. Một trong những mục tiêu chính trong chiến lược hiện đại hóa quân đội này là bảo đảm Trung Cộng sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc chiến với Đài Loan, hòn đảo tự trị và dân chủ mà Bắc Kinh luôn coi là của Trung Cộng.

Tuy nhiên, việc ông Miêu bị đình chỉ công tác làm dấy lên nhiều câu hỏi, đã từng được đặt ra trong đợt thanh trừng mùa hè, về lòng tin của ông Tập đối với những tướng lĩnh hàng đầu của mình, những người sẽ chỉ huy quân đội nếu xảy ra chiến tranh. Joel Wuthnow, một nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, cho rằng nếu ông Tập lo rằng đã cất nhắc những người không hoàn toàn trung thành với ông, thì đó sẽ là một vấn đề rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng việc ông Tập thanh trừng một thuộc hạ lâu năm như Miêu Hoa cho thấy một tình huống quen thuộc mà các nhà độc tài, bao gồm cả người tiền nhiệm của ông Tập là Mao Trạch Đông, từng trải qua. Sau khi loại bỏ các đối thủ chính trị, các nhà lãnh đạo độc tài không bao giờ ngừng tìm kiếm những mối đe dọa mới đối với quyền lực tuyệt đối của họ, ngay cả từ những người từng là cộng sự thân cận.

“Mức độ tham nhũng đáng hổ thẹn”

Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc bị thanh trừng cuối năm 2023

Mối quan hệ giữa ông Miêu và ông Tập đã kéo dài suốt ba thập kỷ. Miêu Hoa là người gốc Phúc Kiến, từng là sĩ quan chính trị trong Quân đoàn 31 từ những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000, trong khi ông Tập đang trên con đường sự nghiệp chính trị và trở thành lãnh đạo tỉnh Phúc Kiến. James Char, chuyên gia lâu năm về quân đội Trung Cộng và trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết theo các nguồn thạo tin, “ông Tập thường xuyên thăm Quân đoàn 31 vào thời điểm đó và được biết là đã có những tiếp xúc cá nhân với ông Miêu”.

Sự nghiệp quân sự của Miêu Hoa thăng tiến mạnh mẽ ngay sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Năm 2014, ông Miêu được thăng chức cao, trở thành chính ủy của Hải quân PLA. 3 năm sau, ông tiếp tục được thăng chức và gia nhập CMC, cơ quan chỉ huy quân đội tối cao.

Chuyên gia Char nói tiếp : Sẽ không thể tìm ra ai trung thành với ông Tập hơn ông Miêu. Nếu Miêu Hoa bị cáo buộc tham nhũng, rõ ràng là Tập Cận Bình đã không lường trước được mức độ tham nhũng đáng hổ thẹn trong tầng lớp lãnh đạo quân đội PLA.

Trong suốt 18 tháng qua, chiến dịch thanh trừng của ông Tập chủ yếu nhắm vào các quan chức có liên quan đến hoạt động mua sắm vũ khí và Lực lượng Tên lửa của Trung Cộng. Nhưng việc ông Miêu bị đình chỉ cho thấy cuộc thanh trừng đang lan rộng ra các lĩnh vực khác, chẳng hạn như công tác chính trị, điều mà chủ tịch Tập mô tả là “huyết mạch” của quân đội và Hải quân.

James Char cho biết thêm : “Tôi chắc chắn họ sẽ tìm thấy những tình tiết mờ ám trong mọi lĩnh vực. Vấn đề là họ sẽ chọn lĩnh vực nào mà thôi.”

“Mất lòng tin”

Bộ Quốc Phòng Trung Cộng không cung cấp chi tiết về những cáo buộc nhắm vào ông Miêu. Là chính ủy của PLA, Miêu Hoa có trách nhiệm bảo đảm sự trung thành của quân đội với đảng Cộng Sản. Ông giám sát việc bổ nhiệm trong quân đội và kiểm tra các ứng viên chủ chốt về sự trung thành chính trị, một vai trò mà ông cũng từng đảm nhận trong Hải quân.

Miêu Hoa được cho là đã giới thiệu nhiều người bạn trong Hải quân để được cất nhắc vào các vị trí quan trọng, bao gồm tướng Vương Hậu Bân, chỉ huy Lực lượng Tên lửa, và bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân.


Nam Hàn: Luật sư tổng thống Yoon phản bác mọi cáo buộc về “nổi loạn” (RFI)

Nhóm luật sư bào chữa cho tổng thống bị phế truất của Nam Hàn Yoon Suk Yeol hôm 17/12/2024, cho biết sẽ « phản bác » mọi cáo buộc « nổi loạn» nhằm vào ông Yoon sau mưu toan ban hành thiết quân luật hồi đầu tháng 12/2024.

Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap dẫn lời ông Seok Dong Hyeon, một trong các luật sư biện hộ cho ông Yoon, cho biết, « tổng thống Yoon sẽ trình bày thẳng thắn và một cách tự tin quan điểm của ông tại tòa ». Cũng theo lời ông Seok Dong Hyeon, ý đồ của tổng thống Yoon « chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để cấu thành hành động nổi loạn ». Vị luật sư này khẳng định quyết định của tổng thống Yoon nhằm áp đặt lệnh thiết quân luật không nhằm mục đích tiếm quyền và cũng không mang các tình tiết đặc trưng nào của một cuộc nổi loạn.

Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện là đối tượng điều tra từ Viện Công Tố cũng như từ Cơ quan Điều tra về Tham nhũng trong giới chức cấp cao của cảnh sát (CIO) và đơn vị điều tra của bộ Quốc Phòng.

Luật sư biện hộ Seok Dong Hyeon giải thích rằng nhóm bào chữa sẽ tập trung vào ba hướng để đối phó với các cuộc điều tra nói trên, cũng như với vụ xử phế truất ,cùng nhiều thủ tục tố tụng tiềm tàng khác.

Cuối cùng, luật sư Seok Dong Hyeon cho biết tổng thống Yoon Suk Yeol dường như từ chối cuộc thẩm vấn dự trù diễn ra tại CIO vào ngày mai, 18/12. Ông cũng không cho biết rõ là ông Yoon có sẽ trình diện tại Viện Công tố vào thứ Bảy 21/12 theo thư triệu mời hay không.


Syria: Nga vẫn chưa quyết định về tương lai của các căn cứ quân sự (RFI)

Một tuần sau khi chế độ Bachar Al Assad sụp đổ, các căn cứ quân sự Nga, Tartous và Hmeimin bắt đầu sơ tán. Sáng 16/12/2024, điện Kremlin cho biết đã liên lạc với chính quyền mới, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về tương lai của các căn cứ « chiến lược » của Nga ở Trung Đông, có vị trí quan trọng đối với các hoạt động quân sự của nước này tại châu Phi.

Từ Lattaquié, nơi đặt căn cứ không quân Hmeimin của Nga, hiện đang bị lực lượng HTS bao vây, đặc phái viên Manon Chapelain gởi về bài phóng sự:

Ảnh vệ tinh cho thấy xe tải quân sự, thiết bị vuc khí và binh lính tập trung trên đường băng tại căn cứ Không quân Hmeimim và tại cảng Tartus, 17-12-2024

« Từ 10 ngày qua, căn cứ không quân Nga Hmeimin đã bị khóa cửa. Các binh lính của HTS, trong bộ quân phục cũ kỹ, khoác súng kalachnikov trên vai, canh gác tại các lối vào. Lực lượng HTS đã ra lệnh cấm không cho ai ra vào căn cứ này. Zacharia Harir, một lính của HTS, nghi ngờ là phía Nga đang chuẩn bị sơ tán. Anh nói : « Không ai trong số họ ra ngoài bằng lối này và họ vẫn ở trong đó. Một số lính của chế độ Al Assad, những kẻ phản bội, cũng ở trong đó với họ. Một số khác thì đã bỏ chạy trước khi chúng tôi đến. Họ đã buông vũ khí và bỏ lại những viên đạn cuối cùng ở lối vào căn cứ.

Theo hình ảnh từ vệ tinh thu được hôm thứ Sáu tuần trước, hai máy bay vận tải Antonov AN-124s đang xếp đồ. Ở phía trên sân bay, một quả khinh khí cầu đã được triển khai, có gắn camera giám sát. Ahmed quan sát tất cả vụ việc từ nhà của ông, nằm cách đó khoảng 100 mét.

« Có nhiều hoạt động diễn ra tại sân bay. Các máy bay cất cánh gần như hàng ngày. Tôi cho rằng họ sơ tán binh lính. Tôi không rõ chuyện gì xảy ra, nhưng chắc chắn là vẫn còn nhiều hoạt động ở bên trong. »

Căn cứ quân sự này được đặt tên là « con đường tử thần ». Các máy bay cất cánh từ đây, gần như hàng ngày, để oanh kích thành phố Idlib, cứ địa của lực lượng Hồi giáo HTS chống chế độ Al Assad. Sân bay cũng là một căn cứ chiến lược lớn cho các hoạt động quân sự và cho đội lính đánh thuê của Nga ở châu Phi.

Ahmed cho biết : « Chúng tôi đã mệt mỏi với các âm thanh của chiến tranh. Từ 5, 6 ngày qua, tình hình yên ổn hơn, và cuộc sống của chúng tôi tốt hơn. Nhưng chúng tôi sợ rằng chiến tranh có thể tái diễn và cuộc khủng hoảng bắt đầu ở đây. »

Trong tuần này, điện Kremlin đã thông báo Nga đang đàm phán với các lãnh đạo mới Syria về tương lai của các căn cứ quân sự đặt tại nước này ».

Vào tuần trước, theo Reuters, Nga được cho là đã rút quân khỏi tiền tuyến ở miền bắc Syria, và rời khỏi các vị trí ở Núi Alawite, nhưng sẽ không rút lực lượng khỏi hai căn cứ chính là Hmeimn và Tartous. Hôm qua, Matxcơva cũng đã thông báo sơ tán một số nhân viên ngoại giao tại Damas cùng với các nhà ngoại giao Belarus và Bắc Triều Tiên.


Ám sát các tướng Nga tại Matxcơva: Màn phô trương thế mạnh của điệp viên Ukraina

Ngày 17/12/2024, Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) lên tiếng thừa nhận ám sát tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga. Đây là vụ ám sát thứ hai tại thủ đô Nga trong chưa đầy một tuần. Theo nhiều chuyên gia được France 24 trích dẫn, qua vụ này, Ukraina gởi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến chủ nhân điện Kremlin.

Tính từ đầu cuộc chiến, ông Igor Kirillov là quan chức quân sự cấp cao nhất của Nga bị hạ sát trên lãnh thổ Nga trong một vụ nổ xảy ra trước cửa nhà. Ukraina khẳng định đây là một chiến dịch đặc biệt của các điệp viên thuộc Cơ quan An ninh Ukraina (SBU). Trước đó vài ngày, thứ Tư, 12/12/2024, tình báo quân đội Ukraina, thuộc quyền điều hành trực tiếp từ phủ tổng thống, đã cho ám sát ông Mikhail Chatski, một kỹ sư làm việc cho chương trình phát triển các tên lửa và drone.

Hai cơ quan an ninh, hai cái chết, nhưng vụ ám sát đều xảy ra tại thủ đô Nga. Nạn nhân thứ nhất bị cáo buộc phát triển « bom bẩn », nghĩa là, các thiết bị có trang bị chất nổ quy ước nhưng được bao bọc bởi các vật liệu mang chất phóng xạ. Người thứ hai là kỹ sư, nghiên cứu chương trình phát triển tên lửa và drone để sử dụng trên chiến trường Ukraina.

Theo Stephen Hall, chuyên gia về Nga, trường đại học Bath tại Anh Quốc, ý đồ của Ukraina rất rõ ràng : « Nói với Vladimir Putin rằng điệp viên của Ukraina có thể tấn công đến tận trung tâm quyền lực Nga ». Cả hai chiến dịch này dường như đã được điều phối một cách hoàn hảo, dấu hiệu cho thấy những kẻ ra tay đã có thời gian chuẩn bị.

Thành công này làm lộ rõ những kẽ hở của các cơ quan an ninh Nga, « không mấy vững mạnh » như người ta vẫn tin. « Quân đội Ukraina còn phơi bày những điểm yếu của quân đội Nga mà người ta vẫn nghĩ rằng hùng mạnh hơn rất nhiều trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina », theo như phân tích từ Jenny Mathers, chuyên gia về vấn đề an ninh và tình báo Nga.

Khi trừ khử hai quân bài khá quan trọng của quân đội Nga, Kiev muốn gởi một tín hiệu đến điện Kremlin rằng những cơ quan an ninh mà Vladimir Putin luôn dựa vào « còn xa mới khó thể chọc thủng ». Nhà nghiên cứu về Nga Stephen Hall tự hỏi, « nếu tổng thống Nga không thể trông cậy vào họ, thì ông ấy còn lại gì ? ».

Nếu như giới chuyên gia nhìn nhận hai vụ ám sát này chẳng sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc chiến Ukraina, quân đội Nga sẽ tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, và điện Kremlin cũng sẽ tìm được người thay thế, thì thành công của những chiến dịch ám sát nói trên đã diễn ra đúng thời điểm, « Ukraina muốn gia tăng áp lực lên Nga trước khi Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ ».

Ông Ryhor Nizhnikau, chuyên gia về Ukraina, Viện Nghiên cứu Quốc tế Phần Lan, trả lời France 24, giải thích rằng, « những mục tiêu này có thể phải đạt được trước 20/01/2025, ngày ông Donald Trump nhậm chức. Sau ngày này, Donald Trump sẽ làm mọi cách để không chuyện gì có thể làm tổn hại đến các cuộc đàm phán hòa bình mà ông ấy muốn áp đặt. »

Liệu hai vụ ám sát trong chưa đầy một tuần ngay giữa lòng thủ đô Nga do gián điệp Ukraina tiến hành có làm sức mẻ hình ảnh sức mạnh mà ông Vladimir Putin muốn thể hiện ? Theo nhà nghiên cứu về an ninh và tình báo Nga Jenny Mathers, khi cho thấy rõ là Nga vất vả giám sát người dân của mình tại Matxcơva, tình báo Ukraina « đang làm suy yếu lợi điểm chính mà Kremlin nắm trong tay : Bảo đảm rằng Nga là một nước hùng mạnh có thể bảo vệ các đồng minh ».

Chuyên gia Stephen Hall cảnh báo, việc thừa nhận yếu kém có thể sẽ có hại : « Đừng quên Donald Trump hay nói rằng ông ấy ghét “kẻ thua cuộc” và “kẻ yếu đuối” ! »


Philippines gửi nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú ở Biển Đông (VOA)

Philippines cho biết đầu tháng này họ đã chuyển nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú tại các thực thể ở Biển Đông mà Manila chiếm đóng nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Hải cảnh Trung Cộng hôm 17/12 nói rằng Philippines đã cử một tàu dân sự để chuyển nhu yếu phẩm cho một tàu chiến “bị để mắc cạn bất hợp pháp” tại Bãi Cỏ Mây vào ngày 12 tháng 12 “với sự cho phép của Trung Cộng”.

Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh chưa có phản hồi ngay lập tức về tuyên bố này.

Tàu chiến Sierra Madre “mắc cạn” ở Bãi Cỏ Mây

Lực lượng vũ trang Philippines cho biết rằng chuyến tàu tiếp tế này, vốn diễn ra từ ngày 3 đến ngày 14/12, đã chuyển “các nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ và duy trì cuộc sống” và “các gói quà Giáng sinh” để nâng cao tinh thần cho những người lính xa gia đình trong dịp lễ cuối năm.

Mặc dù tuyên bố của họ không nêu lên các thực thể mà chuyến tàu tiếp tế này ghé qua để bốc dỡ nhu yếu phẩm, nhưng những bức ảnh do quân đội Philippines chia sẻ cho thấy hàng hóa được bốc dỡ cho quân nhân đồn trú trên tàu chiến Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết nước này sẽ không triển khai hải quân hỗ trợ ngư dân Philippines ở một bãi cạn tranh chấp khác ở Biển Đông để tránh leo thang.

Vào ngày 4 tháng 12, các tàu hải cảnh Trung Cộng đã phun vòi rồng và va quẹt vào một tàu của cục thủy sản Manila đang vận chuyển hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough, theo các quan chức Philippines.

Lực lượng hải cảnh Trung Cộng nói rằng các tàu của Philippines “đã tiếp cận một cách nguy hiểm” lãnh hải của Bắc Kinh xung quanh bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng giữa Trung Cộng và Philippines đã leo thang trong suốt năm qua do các tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với các phần khác nhau của tuyến hàng hải trọng yếu với giá trị hàng hóa giao thương hơn 3 nghìn tỷ đô la này.

Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của họ không được luật pháp quốc tế công nhận.


Đài Loan tiếp nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ (RFI)

Bộ Quốc Phòng Đài Loan, hôm 16/12/2024, thông báo đã nhận 38 xe tăng chiến đấu Abrams từ Mỹ. Đợt tiếp nhận vũ khí này nằm trong nỗ lực của  Đài Loan củng cố năng lực quân sự đối phó với khả năng xảy ra cuộc tấn công từ Trung Cộng.

Xe tăng M1A2 Abrams

Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, số xe tăng M1A2 Abrams đã đến Đài Loan vào cuối ngày hôm qua và đã được đưa về căn cứ quân sự Tân Trúc (Hsinchu), phía nam thủ đô Đài Bắc. Hăng thông tấn Đài Loan CNA cho biết thêm, loại vũ khí mới này, được giao cho Đài Loan lần đầu tiên từ 30 năm qua, là trong khuôn khổ hợp đồng đặt mua 108 chiếc xe tăng hồi năm 2019, trị giá tộng cộng hơn 1,2 tỷ đô la. Số xe tăng còn lại sẽ được giao lần lượt trong các năm 2025 và 2026, theo lời một quan chức quân sự Đài Loan với hãng tin Pháp AFP.

Quân đội Đài Loan hiện có đến 1.000 xe tăng, loại CM Brave Tiger sản xuất trong nước, hay M60A3 do Mỹ thiết kế nhưng công nghệ đã lỗi thời. Đầu tháng 11/2024, Đài Loan đã nhận từ Mỹ lô rốc-kết đa nòng Himars đầu tiên , loại tên lửa được dùng trên chiến trường Ukraina.

Trong vòng năm thập niên gần đây, Hoa Kỳ đã bán cho Đài Loan nhiều loại trang thiết bị quân sự và đạn dược trị giá nhiều tỷ đô la, đặc biệt là loại chiến đấu cơ F-16 và các loại tầu chiến. Năm 2024, Đài Loan dành một khoản ngân sách kỷ lục 19 tỷ đô la cho quốc phòng. Con số này có lẽ sẽ đạt đỉnh mới trong năm 2025.

Washington từ lâu là đồng minh quan trọng nhất và là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Cộng. Hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã có phản ứng, hối thúc Mỹ « ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và hậu thuẫn các thế lực ly khai đòi độc lập ở Đài Loan ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lâm Kiếm tuyên bố : « Ý đồ của chính quyền Đài Loan tìm cách có được nền độc lập bằng vũ lực và trợ giúp từ ngoại bang sẽ gặp thất bại » và «Trung Cộng kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước và toàn vẹn lãnh thổ ».


TIN VIỆT NAM.

Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2024 tại TP Houston, Texas, Hoa Kỳ

Houston, TX, USA – Buổi lễ trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024 và kỷ niệm sinh nhật 76 năm của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được long trọng tổ chức tại New Diamond Club TP Houston chiều ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Đây là buổi lễ trao Giải Nhân quyền Việt Nam lần thứ hai tại TP Houston. Vào Năm 2002, lễ trao Giải Nhân quyền Việt Nam lần thứ 9 cũng đã được tổ chức tại địa phương nầy. Năm nay buổi lễ được tổ chức do sự hợp tác của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ cận, và Phong Trào Hưng Ca Việt Nam.

Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay được trao cho ba người hoạt động nhân quyền đang chịu những án tù rất khắc nghiệt tại Việt Nam: Các tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế; Đặng Đăng Phước, 8 năm tù giam và 4 năm quản chế; và Đỗ Nam Trung, 10 năm tù giam và 4 năm quản chế. Cả ba vị đều bị kết án với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước CS Việt Nam.

Tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, Đặng Văn Phước và Đỗ Nam Trung (từ trái sang phải) vừa được vinh danh và nhận giải Nhân Quyền Việt Nam 2024

Tham dự buổi Lễ Trao Giải có gần 300 quan khách ngồi kín hội trường. Ngoài các đại diện tôn giáo, đoàn thể chính trị và cộng đồng tại TP Houston, một số quan khách đến từ các địa phương xa như TB Oregon, TB Colorado, TB California, TB Oklahoma, và TP Dallas.

Nói về ý nghĩa GNQVN năm nay, TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều Hành MLNQVN nói: sau gần 50 năm gọi là thống nhất đất nước, cuộc chiến đấu dành lại quyền làm người đích thực từ chế độ bạo tàn cộng sản vẫn tiếp diễn, và càng ngày càng khốc liệt hơn, càng khẩn trương hơn. Nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội, gái, trai, trí thức, công nhân, nông dân, từ Miền Bắc hay từ Miền Nam đã bất chấp gian khổ và tù đày đứng lên đòi công lý, đòi quyền sống, quyền được đối xử bình đẳng cho dù phải chịu đàn áp dã man…

Đó là trường hợp của những người tù lương tâm mà chúng ta vinh danh hôm nay: Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước, và Đỗ Nam Trung. Rất tiếc, những người được nhận giải hôm nay lại không có mặt để nhận vinh dự nầy. Tuy vậy sự tham dự đông đảo của quý vị cũng cho thấy rằng những chiến sĩ nhân quyền ở quê nhà không bao giờ cô đơn trong cuộc chiến cam go nhưng chính nghĩa nầy.”

Qua phương tiện truyền thông bằng hình ảnh, thân nhân của các khôi nguyên đã thay mặt các khôi nguyên lên tiếng từ Việt Nam, cám ơn đồng hương hải ngoại luôn sát cánh với các nhà đấu tranh nhân quyền ở trong nước nói chung, và những khôi nguyên GNQVN năm nay nói riêng. Sự hỗ trợ bằng tinh thần và vật chất đó có giá trị nâng đỡ và khích lệ vô giá đối với những người đang đối diện với áp bức và tù đày vì đã can đảm lên tiếng vì quyền con người tại quê nhà.

Để kết thúc Lễ trao giải, trong bầu không khí trang nghiêm, LM Vũ Minh đến từ tiểu bang Calorado, đại diện toàn thể những người tham dự dâng lên Đấng Chí Tôn lời cầu nguyện chung cho nhân quyền, tự do, và dân chủ sớm được thực hiện trên quê hương Việt Nam.

Hai trong số quan khách được mời phát biểu là Hòa Thượng Thích Huyền Việt và Nghệ sĩ Nam Lộc. Cả hai vị đều bày tõ lòng cảm phục đối với ý chí dũng cảm và sự hy sinh lớn lao của các khôi nguyên Giải Nhân quyền năm nay. Hai vị cũng kêu gọi đồng hương có mặt cũng như không có mặt trong buổi lễ hãy hướng về quê hương và góp một bàn tay với những những người đang dấn thân vì đại nghĩa tại quê nhà.

Phần hai của buổi sinh hoạt là những tiết mục văn nghệ đấu tranh đặc sắc do Phong trào Hưng Ca Việt Nam, Ca đoàn Saint Paul II, ca nhạc sĩ Việt Khang, Huỳnh Phương, Trần Đình, Chi Huệ, Bích Lê… thực hiện trong lúc đồng hương tham dự thưởng thức bửa ăn chiều do Ban Tổ chức khoản đãi. Tiết mục ngoài chương trình bản hợp ca “Trả lại cho dân” do các khôi nguyên GNQVN Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Thị Minh Hạnh, Việt Khang và cựu TNLT Vũ Hoàng Hải trình diễn đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho chương trình.

GNQVN được MLNQVN thành lập từ 2002 nhằm tuyên dương những cá nhân hoặc đoàn thể đã có những thành tích đấu tranh xuất sắc cho quyền làm người của nhân dân Việt Nam. GNQVN cũng còn có mục đích tạo một nhịp cầu liên đới giữa người Việt khắp nơi với những cá nhân và đoàn thể đấu tranh ở quê nhà. Từ ngày thành lập đến nay, lễ trao giải đã được tổ chức liên tục hằng năm vào Ngày Quốc Tế Nhân Quyền ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có tập trung đông người Việt tỵ nạn như Paris (Pháp quốc), Frankfurt (Đức Quốc), Melbourne (Úc), Montréal, Ottawa, Toronto (Canada), và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ. Qua 22 lần trao giải, đã có 61 cá nhân và 6 tổ chức ở Việt Nam nhận GNQVN.


WSJ: Việt Nam là mục tiêu của chính quyền Trump 2.0, khác với lần trước

Báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ, chuyên về tin tức kinh tế và tài chính, đăng bài hôm 16/12 cho rằng Việt Nam đã “thắng lớn” trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ lần thứ nhất, nhưng giờ đây Việt Nam là “mục tiêu” khi ông Trump sắp là tổng thống lần thứ hai.

Phóng sự của 3 nhà báo Liza Lin, Jason Douglas và Rebecca Feng đăng trên WSJ viết rằng trong cuộc thương chiến lần thứ nhất của ông Trump với Bắc Kinh, các hãng chế tạo Trung Quốc đã đổ dồn sang Việt Nam để tìm cơ sở sản xuất rồi từ đó xuất khẩu hàng của họ sang Mỹ mà không phải chịu thuế nhập khẩu.

Nhưng đội ngũ quan chức của ông Trump hiện đang phát đi tín hiệu rằng họ sẽ bịt chặt những kẽ hở kiểu đó, theo phóng sự của WSJ.

Một hành động như vậy “sẽ làm tổn thương nền kinh tế nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam”, các tác giả Liza Lin, Jason Douglas và Rebecca Feng viết. Mặt khác, điều đó nhiều khả năng cũng làm tăng giá đối với người tiêu dùng và các hãng Mỹ mua hàng hóa Việt Nam hoặc dựa vào nguồn cung ở đất nước này.

Việt Nam hiện cung cấp 1/3 lượng giày thể thao, 1/2 lượng giường và bàn ăn bằng gỗ và 1/4 lượng tấm pin năng lượng mặt trời mà Mỹ nhập khẩu, bài báo của WSJ lưu ý. Các hãng Mỹ có nhà cung cấp ở Việt Nam bao gồm Apple, Nike và Gap.

Mức tăng trưởng GDP (Tổng Sản phẩm Quốc nội) của Việt Nam dự báo sẽ cao hơn 7% trong cả năm nay và quy mô GDP có thể đạt gần 470 tỷ đô la, theo tìm hiểu của VOA.

Bên cạnh vấn đề kể trên, phóng sự của WSJ còn nêu ra một yếu tố nữa làm cho Việt Nam trở thành “mục tiêu thương mại của chính quyền mới” ở Mỹ, đó là Tổng thống đắc cử Donald Trump nói về việc ép các nước phải thu hẹp chênh lệch về kim ngạch thương mại với Mỹ.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 9/12 cho thấy thương mại hai chiều Việt-Mỹ ước đạt hơn 122 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng gần 22% so với cùng kỳ 2023; trong đó, xuất khẩu đạt xấp xỉ 109 tỷ đô la, tăng gần 24%; nhập khẩu ước đạt 13,5 tỷ đô, tăng hơn 7%.

Như vậy, giá trị hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao gấp hơn 8 lần so với lượng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn số 1 thế giới. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ “đứng ở vị trí dẫn đầu” so với các đối tác khác, và giá trị của khoản thặng dư này là 95,4 tỷ đô la, tăng 26,7%, vẫn theo thông tin của Tổng cục Thống kê mà VOA xem được.

Trong số các nước làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại nhiều nhất, Việt Nam đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Mexico và Liên hiệp châu Âu, WSJ đưa ra quan sát.

“Xét đến lượng thăng dư thương mại to lớn của Việt Nam với Mỹ, nước này nói riêng có thể sẽ phải đối mặt với một nghị trình kinh tế mang tính bảo hộ thương mại nhiều hơn [của Mỹ]”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hà Nội, nói với WSJ.

Tuy nhiên, tờ báo Mỹ này dẫn lời một số người ở Việt Nam nhận định rằng có lẽ các mức thuế quan mới của ông Trump đánh vào hàng Việt Nam nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức áp vào Trung Quốc, nên sẽ giúp Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh.

Trong những cuộc trả lời phỏng vấn riêng rẽ với VOA gần đây, hai nhà nghiên cứu Alexander Vuving ở Mỹ và Hoàng Việt ở Việt Nam nhận định rằng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ có lợi cho Việt Nam vì luồng luân chuyển thương mại và đầu tư sẽ đi tới Việt Nam, là cú hích lớn giúp đất nước này cất cánh, nhưng nó cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam.

Lý do là, theo hai ông, một phần lượng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ chuyển sang Việt Nam, bao gồm việc các doanh nghiệp Trung Quốc lập cơ sở ở Việt Nam và đội lốt để xuất đi Mỹ, làm cho Việt Nam có nguy cơ cao trở thành một mục tiêu, thậm chí bị trừng phạt trong cuộc chiến thuế quan của chính quyền ông Trump.

“Xét về rủi ro chiến tranh thương mại kiểu này, tôi không nghĩ rằng Việt Nam còn có không gian để mà khắc phục. Thay vào đó, các công cụ của Việt Nam sẽ chủ yếu là về chính trị và ngoại giao, có tác dụng thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam hợp tác với Mỹ”, Tiến sĩ Vuving, giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương, ở Hawaii, nêu nhận định.

“Có lẽ một trong những công cụ đó là mua một số hàng hóa nổi bật, bao gồm vũ khí”, ông Vuving nói thêm.

Trong khi đó, ông Carl Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói với VOA cách đây chưa lâu rằng Việt Nam có một số yếu tố để tránh bị Mỹ gây sức ép quá nhiều.

Đó là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, người được xem là có công lớn nhất giúp ông Trump đắc cử, tính đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Việt Nam; Trump Organization, mà chính vị tổng thống đắc cử nắm quyền sở hữu, sẽ đầu tư cũng khoảng 1,5 tỷ đô la vào Hưng Yên; và Việt Nam là một trong 4 nước châu Á cung cấp nhiều hàng bán dẫn nhất cho Mỹ.

Năm 2023, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan về kim ngạch xuất khẩu hàng bán dẫn sang Mỹ, đạt 562 triệu đô la. “Mỹ không thể đi quá xa. Liệu họ lấy đâu ra hàng bán dẫn nếu họ cắt đứt Việt Nam?”, Giáo sư Thayer nói.

Ở một khía cạnh khác, ngay cả khi ông Trump đánh thuế cao hơn, với thực tế là phải mất nhiều năm mới tạo dựng được các nhà máy, thay vì di dời đi, các hãng sẽ ứng phó bằng cách đa dạng hóa việc xuất khẩu sang các nơi khác, tách khỏi Mỹ, ông Frank Vossen thuộc hãng Seditex nói với Wall Street Journal. Hãng này chuyên giúp các doanh nghiệp nước ngoài tìm đối tác và mở cơ sở tại Việt Nam. Ông Vossen cho hay số lượt khách hàng Mỹ mới hỏi han, tìm hiểu thông tin trong năm nay cao gấp đôi năm ngoái. Các khách hàng Mỹ hiện có cũng đang tính việc chuyển thêm nhiều hoạt động kinh doanh sang Việt Nam, vẫn lời ông. (VOA)


CSVN tinh gọn: Giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ

Liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, sáng 17-12, trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án hợp nhất, sáp nhập một số bộ, cơ quan, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ. Con số này cao hơn so với định hướng Trung ương đặt ra.

Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan cùng đề án kết thúc hoạt động Ban Cán sự đảng, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.

Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương. Con số này rất lớn, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu hoàn thiện toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 25-12-2024. Đây là khối lượng công việc lớn chưa từng có, vừa hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp, phối hợp rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vừa định hướng sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức trong thẩm quyền của Bộ.

Theo bà, “quan trọng nhất là sau khi sắp xếp có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống”. Do vậy, Bộ Nội vụ đã khẩn trương làm ngày, làm đêm để xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Hiện, Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nội dung này đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong ít ngày tới.

Dự thảo nghị định này đưa ra quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng. Tinh thần của chính sách là “làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng”. Vì vậy chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”; tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cũng theo Bộ trưởng, việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng công chức, viên chức nghỉ gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; yêu cầu quyết tâm duy trì, giữ chân cán bộ tốt, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, không để “chảy máu chất xám”.


Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi trả tự do cho Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dick Durbin vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn thế giới, trong đó có Phạm Đoan Trang và Phạm Chí Dũng, hai nhà báo độc lập đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm vì những bài viết của họ.

Tôi muốn tập trung vào Việt Nam, quốc gia mà Hoa Kỳ vừa xây dựng [mối quan hệ] cực kỳ tốt đẹp trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới – vào năm 2024, xếp thứ 174/180”, Thượng nghị sĩ Dick Durbin phát biểu ngày 10/12 tại Thượng viện Mỹ.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, ngày 10/12/2024.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, với quá nhiều nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, giam cầm và nhà tù khắc nghiệt qua những bản án theo cái gọi là điều luật ‘tuyên truyền chống nhà nước’”, vẫn Thượng nghị sĩ Durbin đại diện cho bang Illinois phát biểu, đồng thời đưa ra chân dung của hai nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù là ông Phạm Chí Dũng và bà Phạm Đoan Trang.

Ông Phạm Chí Dũng, một trong những cộng tác viên nổi tiếng nhất của Ban tiếng Việt, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), người đã bị kết án 15 năm tù vào năm 2021”, vị thượng nghị sĩ nói.

Ông Durbin khen ngợi bà Phạm Đoan Trang, người được coi là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất ở Việt Nam. Ông nói rằng đến nay bà Trang đã phải thụ án 4 năm trong bản án 9 năm tù vì “tội danh không rõ ràng”, theo thông cáo ngày 11/12 của văn phòng Thượng nghị sĩ Durbin.

Ngay trong năm nay, bà ấy [Phạm Đoan Trang] đã được trao Giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey của Văn Bút Mỹ, thêm vào danh sách vốn đã rất nhiều giải thưởng mà bà nhận được từ một số chính phủ và các nhóm tự do báo chí”, ông Durbin nói.

Bà Phạm Đoan Trang

“Vào năm 2020, ngay trước khi bị bắt, bà ấy đã viết rất cảm động: ‘Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn là tự do dân chủ cho Việt Nam’. Rất dũng cảm. Tôi đã thấy điều tương tự ở rất nhiều tù nhân chính trị khác trên khắp thế giới”, ông Durbin phát biểu.

Trong bài phát biểu tại Thượng viện, thượng nghị sĩ này cũng nêu bật hoàn cảnh khó khăn của các tù nhân chính trị ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Eritrea, Tajikistan, và A rập Xê út, và kêu gọi thả họ ngay lập tức và vô điều kiện.

“Tôi xin nhắc rằng những cá nhân dũng cảm này ở Eritrea, A rập Xê út, Tajikistan và Việt Nam, các bạn không bị lãng quên. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để đảm bảo các bạn được an toàn, được tự do, cũng như nêu tên của các bạn ra toàn thế giới”.

Tương tự, Thượng nghị sĩ Peter Welch đại diện cho bang Vermont cũng vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị trên khắp thế giới.

Hai ông đồng thanh kêu gọi sự hợp tác lưỡng đảng để bảo đảm việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa.

“Chỉ vì các cá nhân này bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa ủng hộ dân chủ, ủng hộ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác mà bắt giữ và bỏ tù họ tùy tiện là điều thật đáng ghê tởm. Những người này bị khép vào đủ các loại cáo buộc bịa đặt và đó thực sự là việc sử dụng quyền lực của một nhà nước để đàn áp những người chỉ trích nhà nước đó”, ông Welch nhấn mạnh, theo bản ghi bài phát biểu của ông trên trang web.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị đưa ra bình luận về các phát biểu và lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là cộng tác viên của đài VOA, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào năm 2019 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nhà báo Phạm Chí Dũng

“Việc bắt anh Phạm Chí Dũng vì những bài báo và các hoạt động của anh … là điều hết sức vô lý. Đó là những bài báo viết về những suy nghĩ, trăn trở của một người có tâm huyết cho đất nước, tổ quốc”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh ở bang Illinois, Phó Chủ tịch IJAVN, chia sẻ với VOA.

Ông Phạm Chí Dũng hiện đang thụ án 15 năm tù trong khi hai thành viên khác của hội IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang thụ án 11 năm tù mỗi người với cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Tất cả ba ông đều bị quản chế 3 năm sau khi mãn án tù.

Cũng với tội danh như trên, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10/2020, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết luận là việc bắt giam và xét xử ông Phạm Chí Dũng, các thành viên của IJAVN và bà Phạm Đoan Trang là “tùy tiện”, và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Hà Nội khăng khăng rằng các quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt được tôn trọng tại quốc gia cộng sản, nơi mà các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng có hơn 120 nhà báo, blogger đang bị giam cầm vì các bài viết của họ.

Trả lời thư chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chính quyền Việt Nam vào năm ngoái đưa ra quan điểm: “Phạm Thị Đoan Trang không phải là nhà báo, và đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí của mình”.


USCIRF vô cùng quan ngại về sự đàn áp ‘leo thang’ ở Việt Nam

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vừa bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc lập – bao gồm nhóm Phật giáo Khmer Krom, Tin lành người Thượng, Cao Đài Chơn truyền và nhiều tín đồ khác. Đồng thời, ủy ban này đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC).

USCIRF lên án việc chính phủ Việt Nam gần đây nhắm mục tiêu vào các cộng đồng tôn giáo độc lập. Nhà chức trách đã kết án 5 nhà sư Phật giáo Khmer Krom với mức án từ 2 đến 6 năm tù, ngăn cản việc thờ phụng và tang lễ của các tín đồ Cao Đài độc lập, đồng thời tiếp tục cưỡng ép người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên phải từ bỏ đức tin của họ”, Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck lên tiếng trong tuyên bố hôm 12/12.

Tu sĩ phật giáo Khmer Krom Thach Chanh Da Ra trước và sau khi bị chính quyền Vĩnh-Long bắt giam ngày 26-3-2024

USCIRF là cơ quan độc lập, lưỡng đảng tư vấn cho Quốc hội, Ngoại trưởng và Tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại liên quan tự do tôn giáo.

“Hành vi này không phù hợp với tư cách của Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến đáng báo động này với sự quan ngại sâu sắc”, Chủ tịch Schneck nhấn mạnh.

Trong cùng tuyên bố, Ủy viên USCIRF Meir Soloveichik đưa ra lời kêu gọi: “Trước tình trạng xấu đi này, chính phủ Hoa Kỳ nên tăng cường nỗ lực gây sức ép để chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân tôn giáo và thực hiện những cải thiện cụ thể đối với các điều kiện tự do tôn giáo, bao gồm cả việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 và nghị định thi hành”.

Chúng tôi cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào diện ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ (CPC), theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, như USCIRF đã khuyến nghị trong báo cáo thường niên năm 2024 của chúng tôi”, vẫn lời ông Soloveichik.

VOA đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của USCIRF, nhưng chưa được trả lời.

Giới hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với lời kêu gọi của USCIRF.

Mục sư A Ga ở bang North Carolina, Mỹ, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một tổ chức bị chính quyền cấm hoạt động tại Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông với VOA:

“Đối với tình trạng của Việt Nam hiện nay khi việc bắt bớ, đàn áp ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với những người theo hội thánh độc lập tư gia. Tôi nghĩ việc đưa chính quyền Việt Nam vào danh sách CPC là điều rất đúng đắn”.

Tương tự, ông Trần Manrinh ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, một thành viên của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), là tổ chức bảo vệ quyền tự do của người Khmer Krom bản địa, bày tỏ sự đồng tình.

“Việt Nam rất đáng bị đưa vào CPC vì mọi tôn giáo đều nằm dưới sự quản lý của nhà nước”, ông Manrinh nói.

“Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, ông Manrinh nói thêm. “Nếu ai không chấp nhận nằm dưới sự quản lý của nhà nước thì sẽ bị làm khó làm dễ và cuối cùng là bị tù đày”.(VOA)


Dự án 88: csVN bóp nghẹt hơn quyền lập hội

Nghị định 126 “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” trao cho Chính phủ quyền đình chỉ và giải thể các hội – một quyền sinh sát mà trước đây Chính phủ không có, tổ chức Dự án 88 (Project 88) viết trong bản phân tích công bố ngày 16/12/2024. 

Tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền Việt Nam nói rằng văn bản có hiệu lực từ ngày 26/11/2024 được xây dựng nhằm hiện thực hoá Chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị Đảng CSVN ban hành hồi năm ngoái vốn nhằm hạn chế hoạt động của xã hội dân sự.

Dự án 88 chỉ ra Nghị định trên trao quyền cho cơ quan hành pháp tuỳ nghi diễn giải và ra quyết định về bất cứ hội nào, ví dụ như quy định “không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội…” nhưng lại không quy định chi tiết.

Theo chính phủ, Nghị định 126 là cần thiết để đảm bảo sự kiểm soát của Đảng đối với các hội, ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài vào các vấn đề trong nước và làm rõ vai trò của các hội trong việc hoạch định chính sách.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng điểm đáng chú ý trong văn bản quy phạm pháp luật này nằm ở khoản 2 Điều 10 về Điều kiện thành lập hội, quy định: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó cùng phạm vi hoạt động”.

Ông khẳng định, chính điều này đã phá vỡ căn nguyên chính của nghị định này là căn cứ theo Điều 25 của Hiến pháp “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Ông nói thêm với phóng viên RFA:

“Có anh em đề nghị câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nên ra đời một tổ chức hội, nhưng tôi chưa có ý nghĩ tới vì luật pháp chưa có gì rõ ràng.”

Ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), nhận định cho hay chế độ độc đảng ở Việt Nam coi tất cả các tổ chức xã hội dân sự mà họ không trực tiếp kiểm soát là kẻ thù tiềm tàng, vì vậy Nghị định 126 phù hợp kế hoạch của Hà Nội nhằm xóa sổ mọi nhóm độc lập hoạt động trong nước.

Ông cho rằng văn bản dưới luật mới là một rào cản khác của chế độ toàn trị ở Việt Nam với mục tiêu kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội Việt Nam, cả trong cuộc sống hàng ngày và trực tuyến, giống như hiện đang thấy ở Trung Quốc.

Phóng viên gửi email cho Chính phủ Việt Nam với yêu cầu bình luận về lời kêu gọi rút lại Nghị định 126 của Dự án 88, nhưng chưa nhận được phản hồi.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/12/2024.
  • Trump kêu gọi 'ngừng bắn ngay lập tức' ở Ukraine sau khi gặp ông Zelensky ở Paris
  • Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine
  • Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria
  • Syria: Thủ tướng lâm thời cam kết bảo đảm ổn định và yên bình cho đất nước
  • Tổng thống Biden kêu gọi đưa ra chiến lược mới nhắm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran
  • Nga trả giá đắt với chiến thuật 'cối xay thịt' ở Ukraine
  • Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ
  • Thủ tướng Ba Lan: Khả năng có các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vào mùa đông này
  • Trung Cộng tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan
  • Quân đội Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu” sau khi Trung Quốc áp đặt 7 “khu vực không phận hạn chế”
  • 2 quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục 2 nữ bồi bàn ở New Zealand
  • CSVN không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
  • Việt Nam khẳng định ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ với Trung cộng
  • CsVN lập thêm “Cục Phòng, chống lãng phí”
  • Bốn trong năm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị
  • Thánh TRƯƠNG BỬU DIỆP được tôn kính khắp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
    Trần Nguyên Thao
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 25-26-27/11/2024.
  • NATO, Ukraina họp tại Bruxelles sau vụ Nga bắn tên lửa đạn đạo vào Ukraina
  • Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraina ?
  • Liban: Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực
  • Hoa Kỳ: Công tố viên đặc biệt hủy hai vụ truy tố Donald Trump
  • Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông
  • Đội ngũ của Trump ký thỏa thuận chuyển giao với Nhà Trắng của Biden
  • Trung Cộng: Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ?
  • Task Force Ayungin: Mỹ ngầm ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây
  • Trump chọn một nhân vật chống Trung Cộng làm Đại diện Thương mại
  • Mỹ nghiên cứu bố trí tên lửa tại Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng Đài Loan
  • Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom
  • VinFast báo lỗ 550 triệu USD trong quý 3
  • Việt Nam là cửa ngõ của hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ cấm vận
  • Gần 4 tháng Kon Tum hứng chịu hơn 60 trận động đất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream