___________________________

Trong lúc Tổng Bí Thư Tô Lâm theo đuổi mục tiêu thâu tóm quyền lực, thì tân Ngoại Trưởng Trưởng Mỹ, Marco Rubio trực tiếp “khuyến nghị Việt Nam giải quyết tình trạng bất cân đối về thương mại” với Mỹ. Tuy đã có chuẩn bị, nhưng lời khuyên này khiến Ba-Đình liên tưởng ngay đến cảnh hụt “hầu bao” do giảm xuất cảng, tăng trưởng kém đẩy dân sinh vào cảnh thêm nhiễu loạn vào lúc định hướng nhân sự khóa 14 trải qua nhiều toan tính gay go.

Qua 5 hội nghị, trong đó có 4 lần bất thường, TBT Tô Lâm ở vai trò trung tâm đã thiết kế cấu trúc “tam đầu chế” hai bên là người thân tín nắm giữ Thường trực Ban Bí Thư, và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương. Tiếp tục sắp xếp tối đa các chức vụ quan trọng ở Trung ương và các Tỉnh, Thành, để đưa “phe ta” ngồi vào các ghế mấu chốt nhằm vận dụng tối đa số phiếu bầu ở đại hội đảng csVN thứ 14, sẽ diễn ra đầu năm 2026.

Vào dịp giáp Tết Ất Tỵ, TBT Tô Lâm trao huân chương sao vàng cho cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu TBT Nông Đức Mạnh còn mang hàm ý không loại trừ khả năng, ông Tô Lâm sẽ ngầm cấu trúc liên minh chính trị từ những nhân tố cũ.

Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng được Tô Lâm gắn huy chương Sao Vàng

Cách vận hành nhân sự của Tô Đại Tướng khiến nhóm nào không theo phe Hưng Yên khó mà “nhúc nhích”. Tô Đại Tướng đang định hướng nhân lục, kiểm soát toàn diện chính trường nhằm nắm chức Tổng Bí Thư nhiệm khóa 14 (2026-2030).

Trong hoàn cảnh phải đương đầu với thương chiến, tiếng nói của người biết về quản lý công, Ủy viên Ban Bí Thư, Trần lưu Quang lạc vào giữa rừng tướng lãnh Công An nhìn đồng bào mình với cặp mắt “đâu cũng có phản động”. Nhà cầm quyền do đó đưa ra những lệnh lạc hà khắc, bất nhất “sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng” đẩy dân sinh vào cảnh khốn cùng. Dân tại 8 Tỉnh nghèo nhất nước phải xin trên 5500 tấn gạo cứu đói vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. . . . Trong tình huống này, Ba-Đình lại nhận được điện đàm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Marco Rubio mang nội dung trực tiếp “đòi nợ” với Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bùi Thanh Sơn nhằm “khuyến nghị Việt Nam giải quyết tình trạng bất cân đối về thương mại” với phía Mỹ. [1]

Theo số liệu chính thức của Tổng Cục Thống Kê, Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đứng hàng thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung cộng, Liên Hiệp Châu Âu và Mexico. Mới chỉ tính đến hết tháng 10 năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam đã ở mức 104,6 tỷ Mỹ kim, tăng khoảng hơn 26% so với cùng kỳ [2]. Còn thống kê của US Census Bureau, tính đến cuối tháng 11 năm 2024, mức thăng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã hơn 113 tỷ Mỹ kim.

CsVN tự nhìn nhận rằng “chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ vô cùng khó đoán. Mỹ đưa ra các chính sách thương mại khác nhau với mỗi thị trường và thương mại được hiểu là vũ khí để mặc cả, thỏa thuận chứ không đơn thuần là mua bán hàng hóa”.

Nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước nói trên, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh áp thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico từ đầu tháng 02. Theo ông Trump, giải pháp này nhằm giải quyết số lượng lớn người nhập cư trái phép, việc vận chuyển fentanyl qua biên giới Mỹ cũng như thâm hụt thương mại với các nước láng giềng.

Đối với hàng hóa từ Trung cộng bán vào Mỹ, khi tranh cử, ông Trump từng đe dọa thuế quan ở mức 60%, nhưng cho đến nay Mỹ chỉ áp đặt mức thuế 10% đối với Trung cộng cho đến khi “chúng tôi đảm bảo được sự hợp tác đầy đủ của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống fentanyl”. Về phía Bắc Kinh, qua lời Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường “đấu dịu” rằng, Trung Nam Hải đang tìm kiếm một giải pháp đôi bên cùng có lợi” làm giảm căng thẳng thương mại và muốn mở rộng quy mô nhập cảng. [3]

Phía doanh nhân Hoa Lục thì hoang mang cực độ, chưa biết đầu tư theo hướng nào. Nhiều công ty ở các Tỉnh phía Nam đang tính toán chuyển chuỗi sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Hiện tượng này sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao đối với giới lao động ở Bắc phương và ảnh hưởng lớn đến xuất cảng làm giảm mức tăng trưởng GDP của Trung cộng.

Đối với khối BRICS, quy tụ các nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung cộng, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương … chiếm 30% diện tích và 45% dân số toàn cầu, ông Trump hôm 30 tháng 01, đã nhắc lại lời cảnh báo trước đó rằng, các nước thành viên BRICS chớ nên thay thế đồng Mỹ kim làm đồng tiền dự trữ, bằng cách lặp lại lời đe dọa áp thuế 100% mà ông đã đưa ra vài tuần sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Hôm sau, 31 tháng 01, Điện Kremlin qua lời phát ngôn của Dmitry Peskov, đã chối bay biến rằng, BRICS, trong đó có Nga, không bàn về việc thiết lập đồng tiền riêng, mà chỉ nói về việc tạo ra các nền tảng đầu tư chung. [4]

Với csVN, trong bối cảnh Nội Các Donald Trump luôn coi Việt Nam là (i) nền kinh tế phi thị trường; (ii) Thặng dư thương mại với Mỹ tăng mạnh cả về tỷ trọng lẫn tốc độ; (iii) Cửa ngõ để Bắc Kinh tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ. Ba điểm vừa nói chứng minh rằng csVN chưa quan tâm đúng mức đến một số lợi ích kinh tế, thương mại cụ thể của Hoa Kỳ. Vì vậy, các nhà phân tích được Rueters ghi nhận đã xem mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là một rủi ro lớn đối với Việt Nam, quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Nhằm giảm thiểu mức thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam hiện đang “dạo đàn” việc mua thêm máy bay, và nhiều hàng hóa của Mỹ nhưng chưa có thông tin cụ thể về các hợp đồng từng được Việt Nam nói đến từ tháng 11 năm ngoái.

Trong tường hợp xấu nhất, Việt Nam có thể phải chịu mức thuế tương tự như Trung cộng ở giai đoạn đầu (10%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Bắc Kinh.

Nếu Việt Nam bị Mỹ “xướng danh” chịu thuế quan, thì các ngành thiệt hại nhiều nhất là dệt may, da giày, thủy sản, điện tử và đồ gỗ. Tổn thất không chỉ về tiền bạc, ngoại tệ, mà hàng trăm ngàn công nhân ở hàng loạt doanh nghiệp vừa nói. . . có thể sẽ lâm nguy khi đơn hàng giảm sút. Hiệu ứng lan tỏa là vô cùng kinh khủng.

Các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến nguy cơ bị khởi xướng thêm nhiều vụ kiện trong tương lai. Vào các tháng cuối năm 2024, Việt Nam đã thêm 4 vụ kiện nữa, nâng tổng số cho đến nay ít ra cũng đến 13 vụ điều tra đối với hàng hóa xuất cảng bán phá giá tại Mỹ.

Chỉ số PMI – Manufacturing Purchasing Managers’ Index ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi trong tháng 01 năm 2025 xuống còn 48.9, giảm so với 49.8 điểm của tháng 12 năm 2024. Các điều kiện kinh doanh, sản xuất xấu đi trong bối cảnh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm. Các công ty phải giảm giá bán hàng, cắt bớt lao động và giảm lượng tồn kho, hàng mua và thành phẩm. Tình rạng này phù hợp với dự đoán GDP của Việt Nam năm 2025 tối đa chỉ quanh mức 6%, vẫn dưới mục tiêu trung bình đặt ra cho 5 năm nhiệm khóa 13.

Với tài quán xuyến rất giới hạn trong nền kinh tế “directed economy”, Ba-Đình lo ngại không thể tìm chính danh để tiếp tục cầm quyền qua phát triển kinh tế xã hội. Chính TBT Tô Lâm qua tường thuật của BBC vào giữa tháng Giêng, cũng nhìn nhận doanh nghiệp trong nước đóng góp tương đối giới hạn vào những số liệu “ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào”. Như thế, giả như năm 2025 tăng trưởng GDP có phù phép lên đến 10% chăng nữa, thì GDP trung bình 5 năm của nhiệm khóa 13, cũng vẫn dưới chỉ tiêu là 7% như mục tiêu đề ra. (https://vanhoimoi.org/?p=24043)

Vì vậy Ba-Đình chỉ còn con đường đi theo chủ nghĩa quân phiệt, cài cắm Công an vào các lãnh vực quan trọng để cai trị xã hội. Đó là lý do TBT Tô Lâm cố gắng thâu tóm mọi quyền lực đặt vào tay các Tướng Lãnh Công an.

Trần nguyên Thao

————————-

[1] https://www.voatiengviet.com/a/7952174.html

[2] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2025/01/buc-tranh-xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-nam-2024-phuc-hoi-phat-trien-va-nhung-ky-luc-moi/

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crm7lxmpm81o

[4] https://www.voatiengviet.com/a/7958405.html

Bài liên quan:
  • DeepSeek và cuộc đua trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 2/2/2025. Đầu Năm Ất Tỵ: Giải đoán vận hạn của các lãnh tụ Ba-Đình!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính trị Trung Quốc chuẩn bị bước vào một năm đầy sóng gió?
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 1/2/2025. Việt trợ Mỹ (USAID): Tạm ngưng để duyệt lại với định hướng ‘Nước Mỹ trên hết’!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 1/2/2025. USAID tạm ngưng: Duyệt xét lại, sẽ vận hành theo định hướng America First. Bói đầu năm Ất Tỵ: Vận hạn của lãnh tụ Ba-Đình?
    BS Nguyễn Trọng Việt