__________________________________

Từ Tháng Bảy Mưa Ngâu…
“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt.”

Suốt thời thơ ấu, cứ mỗi lần tháng 7 trở về, tôi lại có dịp tham dự “ké” những nghi thức theo niềm tin của người dân quê mà ngày nay dường như đã biến mất. Chú bé con là tôi bất kể những gịọt mưa phùn lất phất, trốn nhà chạy theo lũ trẻ làng không cùng tôn giáo, tò mò nhìn người lớn, phần đông là phụ nữ, đang cắm những chiếc lá mít, cuộn thành hình cái phễu có chân, đựng đầy cháo trắng dọc theo lũy tre làng. Một đứa lớn tuổi hơn trong bọn ra vẻ hiểu biết ghé tai tôi thì thầm: Mẹ tao bảo cháo đổ trong lá mít để cúng cô hồn những con ma đói.

Cái thuở đầu còn để chỏm, quần còn phải đeo vai, tôi sống với bố mẹ, anh em trong một làng quê, tuy thuộc một gia đình Công giáo lâu đời, nhưng tuyệt đại đa số dân làng lại là người lương. Nếu không Phật giáo thì Khổng giáo hoặc Đạo Ông Bà. Làng tôi có tên là Nội Lang. Có lẽ để phân biệt với một một số làng dân cư chuyên nghề chài lưới sống sát với cửa biển Ba Lạt. Đây là nhánh nhỏ của sông Hồng thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trong khi làng tôi nằm sâu trong nội địa khoảng vài cây số.

Chính vì hàng xóm hầu hết là người lương nên mỗi tháng bảy hàng năm tôi được chứng kiến nhiều nghi thức khá lạ trong mùa Vu Lan báo hiếu, làm phúc mà càng về sau này cảng trở nên mờ nhạt. Một trong những sinh hoạt lạ, vừa vui nhộn vừa sờ sợ đối với tôi khi ấy là tục “xuyên lình”. Thời ấy người ta kêu như thế thì tôi biết thế chẳng hiểu nghĩa là gì.

Đó là vài người trai tráng mạnh khoẻ sắm vai chủ chốt được chọn để biểu diễn “xuyên lình”. Trong đám rước quanh làng với những chiếc kiệu sơn son thiếp vàng. Mấy người này đi sát theo kiệu. Mỗi người có một bạn trẻ khác đi bên cạnh. Y nâng cao một mũi dùi bằng kim khí tròn cỡ lóng tay xuyên ngang từ má bên này qua bên kia người biểu diễn “xuyên lình”. Tuy bị xuyên như thế nhưng không thấy dấu màu và đương sự vẫn bình thản nhìn về phía trước không hề tỏ ra đau đớn hay khó chịu.

Thời gian bước qua tuổi lên 10, tôi được gửi lên nhà dì ruột tôi ở tỉnh lỵ Thái Bình để theo học vì dượng tôi khi ấy đang là giáo viên tại trường tiểu học Monguillo. Thế chiến thứ hai đã bùng nổ mấy năm nhưng ảnh hưởng chiến tranh chưa lan tới tỉnh tôi.

Cho tới tháng 3 năm Ất Dậu (1945), vì nạn đói kinh hoàng năm đó, ngay giữa thị xã Thái Bình, tôi chứng kiến cảnh người chết đói khắp nơi. Mỗi sáng, tôi và mấy người em họ mở cửa đi học nhìn thấy trước mắt những người gục chết nằm co quắp ngay ở thềm nhà. Khi tới trường phải chờ một lúc sau, người tùy phái trong trường dẹp xong những tử thi chết nằm chất đống, trước khi có thể mở cổng cho học sinh vào trường.

Khi trận đói đến giai đoạn trầm trọng, học sinh toàn trường đều nghỉ học.

Năm ấy tôi đang học lớp nhì nhăm thứ nhất. Hàng ngày tới trường với bộ đồng phục, sơ mi trắng ngắn tay, quần soọc ca-ki màu xanh dương, chân mang giày Bata, chúng tôi giúp các tổ chức cứu đói đi từng nhà lạc quyên, xin tiền, xin gạo. Sau đó đến các địa điểm tập trung những người đói, tiếp tay phụ huynh phân phát cơm, gạo cho họ.

Tháng 7 tháng 8 năm ấy, vì tình trạng chiến tranh lan rộng và sau đó, cộng sản núp dưới danh hiệu Việt Minh cướp được chính quyền từ tay người Pháp, tôi về sống tại quê nhà. Thày mẹ tôi gửi tôi đến học chữ Nho với một người bà con bên nội vốn là ông tú kép (từng thi rớt tú tài ba lần trong hệ thống thi cử thời xưa). Vào một ngày tháng 7 Mưa Ngâu, tôi được thày đồ mà tôi kêu là Bác (anh họ Thày tôi) kể cho nghe về sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ khi giảng nghĩa về hai từ Mưa Ngâu. Cũng từ đấy tôi biết thêm tại sao có Cầu Ô Thước.

… tới Tháng Bảy Song Thất

Song thất có nghĩa là hai bảy. Từ kép này chỉ ngày 7 tháng 7 năm1954, ngày Thủ tướng Ngô Đình Điệm được Quốc Trưởng Bảo Đại trao phó trách nhiệm thành lập Nội Các điều hành Chính Phủ Việt Nam tại nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau theo tinh thần Hiệp Định Genève ngày 20-7 năm ấy.

Vì chuyện thi cử, tôi từ giã gia đình lên Hànội từ tháng 5. Sau khi Hiệp Định Genève ra đời, thày mẹ tôi nhắn tin, hối thúc tôi theo gia ông bác và các anh chị họ xuống Hải Phòng chờ lên tàu vào Nam trước. Gia đình sẽ tìm đường đi sau.

Cuối năm ấy, gia đình chúng tôi đoàn tụ ở Sàigòn, Thủ đô Miền Nam.

Sau khi tạm ổn nơi ăn chốn ở, tôi được Bộ Thông Tin tuyển dụng vào đoàn Cán Bộ Thông Tin Lưu Động. Tôi được phân phối vào nhóm anh em viết tin và viết bình luận theo chỉ thị để cung cấp cho các nhóm được giao trách nhiệm phát thanh trong các khu xóm bình dân như Bàn Cờ, Cầu Muối, Đakao, Hàng Xanh, Ngã Ba Ông Tạ và cả vùng Chợ Lớn. Chính tác vụ này đã mở đường cho tôi sau này trở thành người phụ trách mảng bình luận trên đài Phát Thanh Quốc gia ở thủ đô Sàigon ngót 20 năm sau đó.

Cũng nhờ vị thế đầu tiên ấy sau ngày di cư vào miền Nam, tôi có cơ hội theo sát những biến chuyển từng giờ sau khi chí sĩ Ngô Đình Diệm chính thức công bố trước công luận trong và ngoài nước thành phần Nội Các do ông làm Thủ Tướng. Và trong suốt thời gian ngót một năm sau đó, tân chính phủ của ông đã phải đương đầu với trăm ngàn khó khăn trở ngại do thực dân Pháp, tình trạng Sứ Quân cùng với sự nổi loạn của lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn, một thủ túc của QT Bảo Đại gây ra.

Chí sĩ Ngô Đình Diệm trên trang bìa của tạp chí Life

Khoảng thời gian ngót nửa năm ở Hànội trước khi xuống thành phố Cảng, theo dõi tin tức hàng ngày qua báo chí, radio, tôi được biết, ngày 16-6-1954, Thủ tướng Bửu Lộc và Chính Phủ của ông từ chức, QT Bảo Đại uỷ nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thay thế với toàn quyền về mặt quân sự cũng như dân sự theo yêu cầu. Mười ngày sau, ông về nước.

Ngày 30-6, vị Thủ tướng vừa được đề cử cùng đoàn tùy tùng ra Hànội quan sát tình hình. Tại đây ông được dân chúng cùng các nhân sĩ địa phương đón tiếp nồng hậu, khác hẳn với không khí lạnh nhạt khi bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất ở Sàigòn nửa tháng trước đó. Đây là dấu chỉ báo trước những khó khăn trùng điệp ông sẽ phải đương đầu.

Trên danh nghĩa, kể từ ngày Song Thất, mọi quyền năng trong việc điều hành đất nước do chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa thành lập nắm giữ. Tuy nhiên, trên thực tế, dưới nhiều dạng thái khác nhau, hầu hết những phương tiện cần thiết vẫn còn nằm trong tay người Pháp và những thế lực thân QT Bảo Đại. Trước hết, về mặt tài chánh, có thể nói Nội Các của Thủ Tướng Diệm đã khởi đầu công cuộc điều hành chính phủ với hai bàn tay trắng, Ngân sách nhà nước gần như hoàn toàn trống rỗng.

Ánh sáng và bóng tối

Sau những cuộc thương thảo kiên trì của tân chính quyền, hôm 7-9-54, đại diện Pháp trao trả Dinh Độc lập cho chính phủ Việt nam. Chẵn một tuần, ngày 15-9, Nha Công Chính cũng được bàn giao, và hôm sau ngày 16-9, một thỏa hiệp Việt/Pháp được ký kết để qui hoàn cơ cấu Tư pháp và Công an cho cố chủ. Do thỏa hiệp này, hệ thống Tòa án và các cơ quan Cảnh Sát/Công An lần lượt được chuyển giao cho chính quyền mới.

Tuy vậy, những con rối chính trị có nhiều liên hệ với QT Bảo Đại như tướng Nguyễn Văn Xuân, tướng Nguyễn Văn Hinh (con trai hùm xám Cai Lậy, nguyên Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm), tướng Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) thủ lãnh Bình Xuyên vẫn là những kỳ đà cản mũi của tân chính quyền. Do những can thiệp trực tiếp của QT Bảo Đại với lý do để tạo thế đoàn kết, hơn một lần, Thủ Tướng Diệm miễn cưỡng phải cải tổ Nội Các. Trong đó, ngày 18-9, tướng Nguyễn Văn Xuân được bổ nhiệm vào vai trò Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Nhưng chỉ một tuần sau, đạt được thỏa hiệp với các Giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, nhân dịp mở rộng chính phủ theo yêu cầu của Bảo Đại, hai tướng Trần Văn Soái (Hòa Hảo) và Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) trở thành Quốc Vụ Khanh Ủy viên Bộ Quốc Phòng và Thủ Tướng Diệm kiêm nhiệm Tổng Trưởng Bộ này, tướng Xuân mặc nhiên mất chức.

Vào những ngày cuối cùng cuối năm 1954, sau những đòi hỏi liên tục, thực dân Pháp miễn cưỡng phải ký kết hôm 29-12 những Hiệp định chấm dứt chế độ Quốc Gia Liên Hiệp (Quadripartisme) hủy bỏ các hiệp định Pau 1950. Những công sở và chủ quyền, trước kia bị ràng buộc vào tứ quốc được trao trả lại cho Việt Nam, Cao Miên cũng như Lào.

Qua ngày 30-12 ký kết các Hiệp định Việt Pháp về tiền tệ, hối đoái và thương mại.

-Về tiền tệ, Việt Nam có toàn quyền. Giữa Đồng Bạc và Đồng Quan của Pháp được định lại giá cả. Người Pháp được quyền chuyển ngân dễ dàng.
-Về thương mại, hàng hóa Pháp và hàng hóa Việt Nam đều được hưởng mức thuế nhẹ theo tinh thần qui chế tối huệ quốc.

Ngày 31-12, người Pháp chuyển giao Viện Phát hành cho Việt Nam.

Qua ngày Mùng Một tháng Giêng năm 1955, Thương Cảng Sàigòn được chuyển giao cho chinh phủ Việt Nam cai quản.

Tướng Trình Minh Thế

Sau đó là ba tin vui lớn:

Thứ nhất, ngày 11-1, tướng Trình Minh Thế (thuộc lực lượng vũ trang của Giáo phái Cao Đài) tuyên bố sẽ đem 5,000 quân sĩ về hợp tác với chính phủ do Thủ Tướng Diệm lãnh đạo mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào.

Thứ hai, ngày 15-1 đại tá Hòa Hảo Nguyễn Minh Huê tuyên bố ly khai các lực lượng của tướng Trần Văn Soái và đem 3,000 quân về hợp tác với chính quyền Quốc Gia.

Thứ ba, cùng ngày, chính phủ ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn sòng bạc Đại Thế Giới từng do tướng Bảy Viễn của Bình Xuyên bao thầu từ năm 1948 để y làm giầu, sống trên đầu trên cổ người dân và để cung cấp phương tiện cho một Ông Vua Không Ngai sống xa hoa, phè phỡn ở Thủ Đô Pháp Quốc.. Đây là thành tích đầu tiên của Chính phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cầm đầu trong cố gắng làm sạch bộ mặt nhếch nhác của Sàigòn, để trả lại cho một nơi được chọn làm Thủ Đô Việt Nam, từng đưọc thế giới mệnh danh là Hòn Ngọc của toàn vùng Viễn Đông. Tiếp theo đó không lâu, cả một hệ thống bài bạc, đĩ điếm mang tên Bình Khang, Kim Chung, Đại Thế Giới đều bị khai tử.

Nguồn tin từ Hoa Thịnh Đốn ngày 02-2-55 cho hay, việc nghiên cứu một chương trình viện trợ quân sự, kinh tế, chính trị cho Việt Nam đang bước vào giai đoạn chót. Chương trình này gồm 6 điểm. Trước hết, giúp xây dựng một quân đội Việt Nam trong đợt đầu theo dự kiến của Thủ Tướng Diệm với 150 ngàn binh sĩ. Kế đến là tiến hành công cuộc cải cách điền địa và tư hữu hóa tiểu nông. Thứ ba, hết sức cấp thiết là ổn định đời sống hơn nửa triệu dân di cư từ miền Bắc. Và cuối cùng là cải tiến thuế vụ, thiết lập các cơ cấu dân chủ, bình định, dẹp các lực lượng phiến loạn để mở đường cho một chế độ bền vũng ở miền Nam chờ ngày thống nhất đất nước.

Ngày 10-2, quyền sắp xếp và chỉ huy quân sự tại miền nam Việt Nam được chuyển giao hoàn toàn cho Quân Đội Việt Nam. Năm hôm sau, ngày 15-2, một Quốc Hội Lâm Thời có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ được thiết lập mà nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu tiến tới một Quốc Hội Lập Hiến trong tương lai gần. Các đại biểu trong Quốc Hội Lâm Thời sẽ do các Hội Đồng Thành Phố, Tỉnh, Thị bầu lên, từ 2 cho đến 4 đại biểu tùy theo dân số từng địa phương cho mỗi Hội Đồng. Ngoài ra, cũng sẽ có 60 vị được chỉ định trong các đoàn thể tôn giáo và chính trị.

Ngày 23-2, tướng Nguyễn Giác Ngộ (Dân Xã, Hòa Hảo) tuyên bố đem 8,000 quân về hợp tác  với chính phủ. Cũng ngày này, phái đoàn chính phủ Việt Nam trong số 8 quốc gia Đông Nam Á tham gia việc ký kết Hiệp ước Manila thành lập khối SEATO (South-East Asia Treaty Organization) để bàn về những biện pháp phòng thủ trong vùng.

Đất bằng nổi sóng!

Ngày 24-3, các nhà chức trách Pháp tại Sàigòn ra tuyên cáo không có việc chính phủ Ngô Đình Diệm yêu cầu quân đội Pháp can thiệp nếu có bạo loạn. Pháp chỉ bảo vệ Pháp kiều và không xen vào nội bộ Việt Nam.

Cùng ngày, Thủ Tướng Diệm công bố trước quốc dân đồng bào về sự kiện các Giáo phái vừa gửi tối hậu thư hẹn trong 5 ngày phải cải tổ chính phủ để thỏa mãn yêu sách của họ. Theo  Thủ Tướng yêu sách vội vã này sẽ không giải quyết được gì khi các bên chưa có một quan điểm chung về phương thức cải tổ chính quyền. Chưa nói tới những đòi hỏi phi tình lý là phải dành những ưu tiên cho lực lượng vũ trang thuộc vài giáo phái vượt trội hơn Quân Đội Quốc gia.

Được biết, ba hôm trước, ngày 21-3, nhân danh Chính phủ trung ương, ông từng tuyên bố: Phải thống nhất quân đội, không thể có những lực lượng vũ trang riêng biệt. Phải thống nhất hành chánh, không thể có những vùng tự trị tại các địa phương. Phải thống nhất tài chánh, không thể có hiện tượng địa phương tự động bày ra các sắc thuế riêng để bóc lột dân chúng!

Ba sự kiện sau đây đã diễn ra trong ngày 25-3. Thứ nhất, QT Bảo Đại gửi điện thư cho Thủ Tướng Diệm và các Giáo phái yêu cầu các bên tự chế. Thứ hai, Hội đồng Tôn Nhân Phủ ở Huế lên tiếng ủng hộ Chính phủ. Thứ ba, tướng Trình Minh Thế tuyên bố với báo chí là với tư cách trung gian ông mong muốn các Giáo phái cần đặt quyền lợi Quốc Gia Dân Tộc lên trên quyền lợi cá nhân.

 Ấy vậy mà chỉ 4 ngày sau, một trong các Sứ Quân lâu nay hùng cứ tại Sàigòn như chỗ không người đã gây bạo loạn, tạo nên cảnh thương vong, máu đổ, nhà tan cửa nát!

Quá nửa đêm hôm 29-3-55, lực lượng Công An Xung Phong (CAXP) của Bình Xuyên bất ngờ nổ súng tấn công trụ sở Cánh Sát Đô Thành Sàigòn và Tổng Tham mưu Quân Đội Quốc Gia. Cùng một lúc CAXP Bình Xuyên cũng bắn vào Dinh Độc Lập.

Với sự yểm trợ của một đơn vị Nhảy Dù, Cánh Sát Đô Thành đã đẩy lui các toán CAXP. Cả hai bên đều bị tổn thất về nhân mạng. Phía Nhảy Dù, 2 binh sĩ chết, ngót 20 người khác bị thương. Phía CAXP có ba người tử thương, một số bị thương, trong số có cả thường dân.

Sau vụ nổ súng, sáng 30-3, bốn nhân sĩ Hòa hảo, trong đó có tướng Trần Văn Soái, Quốc Vụ Khanh, Ủy viên Quốc Phòng, Bộ trưởng Kinh Tế Lương Trọng Tường, Tổng trưởng Canh Nông Nguyễn Công Hầu và Huỳnh Văn Nhiệm, Tổng trưởng Nội vụ từ chức.

Để phản ứng vụ nổ súng của CAXP Bình Xuyên và sự đối kháng của các nhân sĩ Hòa Hảo, vào lúc 12 giờ trưa hôm 31-3, tại phòng ăn Dinh Độc Lập, các tướng Nguyễn Thành Phương, Lê Văn Tất và 42 tướng tá Cao Đài đem toàn bộ lực lượng bảo hộ về hợp tác với Chính phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo.

Nhân danh Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, tướng Nguyễn Thành Phương đặt toàn thể lực lượng vũ trang Cao Đài dưới quyền Thủ Tướng để phục vụ Tổ Quốc và Quân Đội Quốc Gia. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra với sự chứng kiến của các tướng Pháp, Ngoại Giao Đoàn và báo giới trong ngoài nước. Tướng Lawton Collins, Đại sứ đặc phái viên của TT Hoa Kỳ tuyên bố: giữa tình hình rối ren này, Hoa Thịnh Đốn vẫn cam kết ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm.

Tướng Lawton Collins hội kiến với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm

Cho dù vừa xảy ra cuộc bạo loạn của CAXP Bình Xuyên, sáng ngày 12-4 một phái đoàn Chính phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cầm đầu với sự phụ tá của Tổng Trưởng Nguyễn Văn Thoại, đã lên đường qua tham dự Hội Nghị Bang Doing tại Nam Dương. Ngày hôm sau, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia gửi điện tín qua Paris yêu cầu QT Bảo Đại can thiệp để giúp thống nhất các lực lượng vũ trang, chấm dứt tình trạng Sứ Quân lâu nay.

Trong thời gian ấy, khi hạn định 300 ngày dành cho người dân hai miền Nam/Bắc lựa chọn chế độ sắp hết, số dân cư ở miền Bắc đổ về Hải Phòng vẫn tiếp tục gia tăng. Số người đang chờ đợi xuống tàu di cư vào Nam trong ngày 23-4 còn khoảng trên dưới 70 ngàn.

Cũng ngày này, tại Sàigòn, Thủ Tướng Diệm lên tiếng hiệu triệu quốc dân tích cực hỗ trợ đồng bào tị nạn, kêu gọi những thành viên thuộc lực lượng CAXP/BX buông súng tìm về với chính nghĩa quốc gia. Thủ Tường cũng nhắn nhủ người Pháp không nên vì nuối tiếc dĩ vãng, tham quyến cố vị mà có những hành vi thọc gậy bánh xe, đồng thời chiêu dụ các lực lượng vũ trang thuộc các Giáo phái hãy vì đại nghĩa dâc tộc mà hăng hái gia nhập Quân Đội Quốc Gia.

Hôm 25-4, để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch thống nhất các lực lượng an ninh và Quân Đội, Thủ Tướng ra chỉ thị chấm dứt vai trò Giám Đốc Nha Cảnh Sát Công An của Lai Văn Sang, một bộ hạ thân tín của Bảy Viễn và cử Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ lên thay thế. Trụ sở của cơ quan này cũng được di dời từ đường Catinat xuống đường Trần Hưng Đạo.

Một ngày trước đó, Hoa Thịnh Đốn lại lên tiếng tiếp tục ủng hộ Thủ Tướng Diệm.

Ngày 28-4, QT Bảo Đại gửi điện thư cho biết các Giáo phái chống lại việc cất chức Giám Độc Nha Cánh Sát Đô Thành Sàigòn của ông Sang và yêu cầu các bên tôn trọng kỷ luật, tránh bạo động không làm trái với chủ trương hòa hoãn của QT. Cũng ngày này, CAXP Bình Xuyên xả súng bắn vào trụ sớ mới của Nha Cánh Sát Công An Quốc Gia.

Ngày 29-4, các tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài), Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo Nguyễn Trung Trực) Trình Minh Thế (Cao Đài Liên Minh) ra thông cáo lên án thực dân Pháp và phe phản loạn gây chia rẽ. Ba vị tướng cũng phủ nhận việc tiến cử tướng Nguyễn Văn Vỹ vào vai trò Tổng Tham Mưu Trưởng do QT Bảo Đại đưa ra trong điện thư ngày 28-4.

Giữa tình thế ngày càng căng thẳng trong mối liên hệ giữa Chính phủ Ngô Đình Diệm và QT Bảo Đại, một biến có lớn đã diễn ra.

Sau nhiều tiếng đồng hồ trao đổi, tranh luận, một Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng được thành lập. Toàn thể đại biểu các đoàn thể nhân dân hiện diện nhất trí chọn ông Nguyễn Bảo Toàn vào vai trò Chủ Tịch Hội Đồng. Ban Thường Vụ Hội Đồng gồm có các khuôn mặt sau đây: Huỳnh Minh Ý, Hoàng CơThụy, Nguyễn Phố, Văn Ngọc, Nguyễn Hữu Khai, Hà Duy Diễm, Đoàn Trung Còn, Nguyễn Văn Quyền,

Vào những ngày cuối tháng tư, sau khi tái nổ súng vào Nha Cảnh Sát Công An và Tổng Tham Mưu, một đơn vị thuộc lực lượng CAXP Bình Xuyên chiếm đóng khu trường Pétrus Ký, bắn vào các quân xa, phóng hỏa trụ sớ phủ Tổng Úy Di Cư. Vì hoảng sợ, một số khu dân cư như Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh, Chợ Cũ đã phải tìm đường di tản.

Sáng hôm 30-4, tại Dinh Độc Lập, tướng Nguyễn Văn Vỹ công khai lên tiếng đòi Chính phủ giải nhiệm tướng Lê Văn Tỵ trong vai trò Tổng Tham Mưu Trưởng và bàn giao cho ông. Tuy nhiên Hội Đồng Chính phủ bác bỏ yêu sách của tướng Vỹ.

Đầu tháng 5-1955, một biến cố bất ngờ xảy ra. Một đại đội Ngự Lâm Quân (quân đội của Hoàng gia) từ Đà Lạt bỗng dưng tiến vào Sàigòn, chiếm dụng sở Bưu Điện. Một đại đội khác chiếm đài Phát Thanh và Ngân Hàng Quốc Gia. Tuy nhiên cả hai đại đội này đã rút lui sau khi Bộ Tổng Tham Mưu cử đại diện tới bày tỏ điều hơn thiệt.

Một loạt những sự kiện quan trọng diễn ra trong hai ngày đầu tháng 5. Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng nhóm họp, đưa ra quyết định ủng hộ Quân Đội QG, tín nhiệm tướng Lê Văn Tỵ với vai trò Tổng Tham Mưu Trưởng. Tướng Nguyễn Văn Hinh từ Pháp về đến Calcuta, Ấn Độ thì bỏ ý định về Sàigòn sau khi hay tin tướng Vỹ bị mất chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Các tướng lãnh họp tại Bộ Tổng Tham Mưu gửi điện tín qua Paris bày tỏ lòng kính trọng QT, nhưng nhất trí đứng sau Thủ Tướng Diệm và Chinh phủ, ngày nào chính phủ của ông vẫn còn được nhân dân miền Nam và quốc tế tín nhiệm và hậu thuẫn.

Thiếu tá Bình Xuyên Hoàng Ngọc Can cùng 6 Sĩ quan và một đại đội, Đại úy Trịnh Huy Quang cùng một đại đội, Đạị tá Thái Hoàng Minh cùng 5 tiểu đoàn Bình Xuyên cũng tìm về hợp tác với Quân Đội Quốc Gia.

Cuộc truy lùng phản loạn Bình Xuyên mở màn

Trong bầu không khí lạc quan ấy, nhận lệnh từ Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực quyết định mở cuộc phản công Bình Xuyên ở ba mặt: cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên đường và Xóm Củi, Phú Lâm vào lúc 17 giờ ngày 2-5. Quân đội lần lượt chiếm bản doanh của Bình Xuyên tại cầu Chữ Y khiến loạn quân phải tháo chạy về hướng Gò Công. Tại Xóm Củi, tiểu đoàn 6 Nhảy dù chiếm Lộc Trung, Chánh Hưng. Ở Phú Lâm, quân đội phá tan các đồn cố thủ của lực lượng CAXP Bình Xuyên. Quân số tham chiến gồm trung đoàn Quang Trung, 3 tiểu đoàn Dù, trung đoàn 51 Bộ binh.

Qua buổi sáng ngày 3-5, hàng loạt súng nổ tại hướng Tân Thuận. Với tư cách người chỉ huy trận đánh chiếm cầu Nhà Bè do Bình Xuyên kiểm soát, cánh quân của tướng Trình Minh Thế đã đụng độ khốc liệt với quân Bình Xuyên. Vào lúc chạng vạng tối cùng ngày, khi xe của tướng Thế băng qua cầu Lang-to, không may bị bộ đội Bình Xuyên lén bắn từ một chiếc xuồng máy (cũng có tin xuồng này của quân viễn chinh Pháp còn trụ lại chưa bàn giao và người xạ thủ cũng là lính Pháp. Thực hư ra sao cho đến nay vẫn còn là một nghi vấn). Viên đạn trúng vào tai mặt xuyên qua tai trái, do đó tướng Thế chết ngay tại trận.

Sáng sớm ngày 4-5, Thủ tướng Diệm tới viếng thi hài tướng Thế. Khi chứng kiến tận mắt vết đạn dẫn tới cái chết đau thương của tướng Thế, vì quá xúc động ông lảo đảo ngã xuống “lịm đi một phút” (theo tác giả Đoàn Thêm trong tập “Viêc Từng Ngày -20 Năm Qua”). Ngay sau đó khoảng hơn 1,000 đại biểu các Tỉnh/Thị cùng đại diện các đoàn thể được mời về Dinh Độc Lập để cùng Chính phủ trung ương xuyệt xét tình hình.

Trước khi kết thúc phiên họp, các đại biểu đã chấp thuận và công bố một bản kiến nghị gồm những điểm sau đây: Thứ nhất, kiên định lập trường chống lại chủ nghĩa cộng sản. Thứ hai, bày tỏ sự tín nhiệm vào Quân Đội Quốc Gia. Yêu cầu Bảo Đại trả quyền cho Quốc Hội khi cơ quan lập pháp này được dân bầu. Thứ ba, yêu cầu Bảo Đại tôn trọng uy quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trong việc ổn định tình thế và triệu tập Quốc Hội trong vòng 6 tháng.

Quan tài tướng Thế được đưa về quàn tại Tòa Đô Chánh hôm 6-5 để dân chúng và các đoàn thể, tổ chức Quân Dân Cán Chính thăm viếng.

Trong lễ quân táng trọng thể, cố Thiếu tướng Trình Minh Thế được vinh thăng Trung tướng và truy tặng Đệ Tam Hạng Bảo Quốc Huân Chương.

Ngoài việc truy lùng loạn quân Bình Xuyên, kể từ trung tuần tháng 5, Quân Đội Quốc Gia còn phải đối phó với các lực lượng vũ trang của Hòa Hảo do các tướng Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ, Trần Văn Soái và Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt chỉ huy.

Đây cũng là thời điểm kết thúc cuộc di cư vĩ đại của người Việt Nam từng được công luận đương thời mệnh danh là “cuộc bỏ phiếu bằng chân” của ngót một triệu đồng bào tại Bắc Việt và một số tỉnh phía bắc Trung Việt từ bỏ chế độ cộng sản đi tìm tự do tại miền Nam.

Tính tới ngày Song Thất năm 1955, tổng số dân di cư là: 777 ngàn 515 người.

Số người đi theo đường biển và cầu không vận như sau:
-Số người vào miền Nam bằng tàu biển:            533,868 người.
-Số người vào miền Nam qua cầu không vận:    243,657 ng ư ời.

Số nhà được xây dựng:

-43,288 căn nhà vững chãi, cố định.
-3,763 căn nhà tạm trú.

Ngân khoản cấp cho đồng bào tị nạn: US$ 1.058.000.000

Số nông cụ và vật liệu phân phối cho đồng bào:

-124.813 nông cụ các loại cho đồng bào làm nghề nông.
-681.585 kiện vải may quần áo.
-393.994 Kilo Chì. 3.471 Kilo chì cho ngư dân làm nghề chài lưới.

(Nguồn tài liệu của Phủ Tổng Ủy Di Cư)

Ngày 21-9-55 mở chiến dịch Hoàng Diệu truy kích tàn quân Bình Xuyên, sau khi bị đẩy ra khỏi vành đai Sàigòn, Gia Định, rút về tử thủ tại khu Rừng Sát. Chỉ huy chiến dịch là Đại tá Dương Văn Minh và Chỉ huy phó là Trung tá Nguyễn Khánh.

Sau nhiều cuộc vận động liên tục trong mấy tháng qua của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng do ông Nguyễn Bảo Toàn làm Chủ tịch, vấn đề truất phế Bảo Đại hơn một lần được đặt ra, ngoài ý muốn của Thủ Tướng Diệm. Ngày 4-10, Ủy Ban Trưng Cầu Dân Ý được thành lập với 15 thành viên gồm đại biểu các đoàn thể chính trị, tôn giáo, thanh niên, lao động, để lấy quyết định của toàn dân về việc truất phế.

Trước chuyện đã rồi, vì không thể làm khác, Hội Đồng Chính phủ chỉ thị cho Bộ Nội Vụ đứng ra tổ chức và chọn ngày 23-10 để tổ chức Trưng Cầu ý kiến toàn dân.

Kết quả được Bộ Nội Vụ công bố, có tất cả 5 triệu 838 ngàn cử tri tham gia và tuyệt đại đa số đòi truất phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.

Ngày 26-10 tại tiền đình Dinh Độc Lập, với sự hiện diện của hàng vạn dân chúng và tân khách bao gồm các Đại Sứ, Tổng Lãnh Sự đại diện các quốc gia có liên lạc ngoại giao với chế độ miền Nam Việt Nam, Hiến Ước tạm thời được công bố, theo đó:

Việt Nam là nước Cộng Hòa, Quốc Trưởng lấy danh hiệu Tổng Thống VNCH.
Một Ủy Ban đặc biệt được thiết lập để soạn thảo Dự án Hiến Pháp.
Một  Quốc Dân Đại Hội Dân Cử sẽ xét định về Hiến Pháp.
Các luật lệ hiện hành vẫn giữ nguyên.
Chính phủ vừa từ chức được lưu lại xử lý thường vụ (SL số 1/TTP).
Ngày 26 tháng 10 được chọn làm Ngày Quốc Khánh (Dụ số 2).

Trần Phong Vũ
Miền nam California, Hoa Kỳ một ngày cuối tháng 6 năm 2021

Bài liên quan:
  • Đại Hội THÁNH MẪU LA VANG kỳ II, giáo phận Orange: “Cùng MẸ Lên Đường”
    Kiên Chính Ghi Nhận
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Số Báo Cuối Cùng
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Văn Thơ & Bạo Lực
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Nguyễn Chí Thiệp
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Phạm Quế Dương
    Tưởng Năng Tiến