Tui không ưa mấy cha nội suốt ngày đàn địch hay lê la bên mấy bàn cờ. Ngó thiệt sốt ruột. Sao mà họ rảnh dữ vậy cà? Có người nói như vậy là tui không có năng khiếu về chuyện cầm/kỳ.
Thế còn thi/họa?
Hội họa cũng thế, cũng trớt quớt luôn!
Nhớ có lần đang lơn tơn trên đường Tự Do (nghe đâu bây giờ đổi tên thành Đồng Khởi, hay Khởi Nghĩa, hoặc cái con bà gì đó) thì Trời đổ mưa như trút nước nên tôi chạy đại vô một cái phòng triển lãm.
Thấy thiên hạ chăm chú ngắm xem tranh ảnh đang được trưng bầy nên tôi cũng trố mắt nhìn quanh một chập, rồi nguây nguẩy bỏ đi – dù vẫn đang mưa xầm xập. Tui thà bị ướt như chuột lột còn hơn là đứng như trời trồng, nhìn những tác phẩm nghệ thuật mà mình (hoàn toàn) không hiểu chi hết cả và cũng chả cảm được chút nào ráo trọi!
May mà đời tôi cũng còn vớt vát lại chút hơi hám nghệ thuật nhờ vào chuyện thi/thơ. Tôi không biết làm thơ (tất nhiên) nhưng có quen biết một nhà thơ lớn, thi sỹ Inra Sara – Chủ Tịch Hội Đồng Thơ Việt Nam hiện tại.
Nói là “quen biết” nghe cho nó bảnh, chớ thiệt ra thì tôi chỉ là bạn với nhân vật nổi tiếng này (qua FB) thôi và cũng chả có tương tác hay chit chat bao giờ. Vốn tính hay xun xoe (thấy người sang bắt quàng làm họ) nên tôi cứ khoe mẽ như thể là chỗ … thân tình lắm vậy.
Inra Sara là một thi sỹ Hậu Hiện Đại nên hay bàn luận về loại thơ trúc trắc này. Lần nào đọc qua tui cũng bấm like hay love lia lịa, dù không ưa thích chi lắm những câu thơ trục trặc của những thi nhân hay thích chuyện hục hặc với đời. Phần thì tôi “nể” bạn, phần thì cũng sợ mình bị thiên hạ chê bai là lạc hậu và đang bị thời thế bỏ lại xa lắc xa lơ.
Cái tạng của tôi, thiệt tình mà nói, chỉ hợp với những thi nhân cổ điển – đọc cái hiểu liền – kiểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính … thôi. Mon men tới cỡ Nguyễn Trọng Tạo hay Nguyễn Duy là đã thấy phiêu lưu, và hồi hộp lắm rồi.
Gần đây (để dối già) tôi cũng ráng đọc thêm vài nhà thơ (không được tân kỳ lắm) cùng thế hệ với mình: Nguyễn Tất Nhiên, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân … và đâm ra say mê những câu thơ hồn nhiên và bình dị: Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là dòng sữa mẹ/ Thơm thơm giọt xuống bên nôi …
Nỗi đam mê này, tiếc thay, tôi không giữ được luôn và cũng chả giữ được lâu! Bữa rồi, tôi ghé thăm một ông bạn đồng nghiệp (làm thông tín viên cho RFA) ở Chai Nat. Đây là một huyện lỵ sống bằng nghề nông, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh rì (bát ngát) nằm cạnh dòng Chao Phraya yêu kiều, bên nước Thái.
Nhịp sống ở thôn trang rất chậm nên tôi có nhiều dịp thơ thẩn, đi dọc bờ sông. Sáng chiều nhìn nắng, nhìn nước, nhìn trời, nhìn mây; ngó lá, ngó hoa, ngó cây, ngó quả. Xứ sở này trù phú và an bình quá. Đu đủ, mía, xoài, vú sữa, chuối, dừa… mọc tá lả khắp nơi và chả có rào giậu gì sất cả.
Thích nhất là khi tôi được tận mắt nhìn thấy cây khế lần đầu, trong suốt cuộc đời dằng dặc của mình. Lá khế nho nhỏ, xinh xinh, xanh ngắt; trái chín mọc từng chùm (vàng ươm hà) lại vừa tầm tay hái nữa. Tôi ngắt đại một quả trông ngon lành nhất, cho ngay vào miệng cắn, rồi … phun ra liền nhưng đã muộn.
Đ…mẹ! Nó chua chưa từng thấy!
Hoá ra không phải chùm khế nào cũng ngọt. Quê hương, đôi khi, cũng thế. Cũng chua chát và đắng nghét đối với rất nhiều người mà tôi (chả may) là một.
Cùng cả triệu dân Việt khác, tôi cũng đã có lúc hốt hoảng đâm sầm ra biển (dù không biết bơi) khi tóc hãy còn xanh. May mắn, tôi thoát chết. Lên lại được bờ, tôi đi lang thang tứ xứ cho mãi đến khi tóc đã đổi mầu nhưng vẫn chưa bao giờ trở về cố lý. Có kẻ tưởng là tôi chảnh, có mới nới cũ, có trăng quên đèn, quên cả cố hương.
Không dám chảnh đâu. Tôi bị chúng “cấm cửa” mà!
Đi luôn cũng chả sao vì tôi thiếu gì chỗ ở nhưng không phải kẻ tha phương nào cũng có cái may mắn lớn lao tương tự. Khoảng giờ này năm ngoái, Báo Công An Nhân Dân vừa – số ra ngày 31 tháng 7 năm 2020 – đi tin (“Phát Hiện 41 Người Nhập Cảnh Trái Phép Vào Việt Nam”) đọc mà muốn ứa nước mắt :
“Lúc 6h30’ cùng ngày, Tổ công tác của Trạm kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Chi cục Hải Quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phát hiện hàng chục đối tượng (gồm người lớn và trẻ em), di chuyển từ phía Campuchia qua tuyến biên giới tỉnh An Giang, trên 8 thuyền máy…
Qua lấy lời khai, được biết có 7 hộ gia đình với 41 khẩu (20 người lớn, 21 trẻ em) sống tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát (Campuchia). Do hoàn cảnh sống khó khăn nên có ý định trốn về Việt Nam sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh. Tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép bằng hình thức cảnh cáo đối với 14 đối tượng là chủ hộ gia đình, cho làm cam kết không tái phạm.”
Đây chắc chắn không phải là những “đối tượng” đầu tiên, hoặc cuối cùng, bị lâm vào hoàn cảnh lỡ làng và bẽ bàng như thế. Nhà báo Trường Sơn (RFA) nhận xét :
“Số phận của hàng ngàn người gốc Việt tại Campuchia cũng giống như quả bóng bị đá qua đá lại trong một trận cầu không có hồi kết, một bên là chính phủ Cambodia một mực muốn trục xuất những người mà họ cho là ‘cư trú bất hợp pháp’ bất chấp thực tế những người đó được sinh ra trên đất Campuchia, bên còn lại là chính phủ Việt Nam vốn luôn làm mọi cách để một cuộc di cư về Việt Nam không xảy ra.”
Mà nói chi đến chuyện hồi hương xa xôi, từ tận nước ngoài. Hiện nay, ngay việc di chuyển về quê của cả triệu người dân Việt cũng đã là điều bất khả :
- Báo Tiền Phong: “Mặn chát những chuyến ‘hồi hương’ thời COVID-19.”
- Báo Tuổi Trẻ : “Dân các tỉnh miền Tây đi xe máy từ TP.HCM về thì bị các chốt kiểm tra buộc quay đầu.
- Báo Giao Thông: “Khăn gói về quê, lao động nghèo vật vã ở cửa ngõ Sài Gòn vì…mắc kẹt.”
FB Đặng Như Quỳnh kết luận: “Đường về quê sao quá gian truân … Cũng làng quê đấy ra đi, cũng bước thấp bước cao tha hương cầu thực nơi đất khách quê người. Khó quá mới phải quay về, thế mà sao hai tiếng ‘quê hương’ chua chát thế.”
Hóa ra quê hương không phải là chùm khế ngọt hay dòng sữa mẹ … mà đã biến thành một lòng chảo nóng, và đồng bào tôi thì đang cuống cuồng như một lũ kiến không biết làm sao để có thể thoát thân.
Blogger Phạm Thanh Nghiên hốt hoảng bật tiếng kêu than: “Ôi! Sài Gòn nhuốm màu đau thương. Sài Gòn vương mùi tử khí.”
Bà có quá lời chăng?
Không quá lắm đâu!
Bỉnh bút Năng Tịnh của Tạp Chí Luật Khoa đặt câu hỏi (“Dân kêu cứu khắp nơi, chính quyền thì đang làm gì?”) bên cạnh phóng ảnh của một bức bản đồ chi chít con số và những chấm đỏ au, cùng với lời thú thích: “Mỗi một chấm đỏ là một lời kêu cứu. Những chấm ghi số có nghĩa là khu vực đó tập hợp nhiều người kêu cứu.”
Xin phép được ghi lại dăm ba :
- Xóm trọ em chủ yếu là lao động tự do, thất nghiệp nhiều nên mong quý mạnh thường quân giúp sớm để mọi người đỡ khổ trong giai đoạn này ạ. Xin chân thành cảm ơn rất nhiều.
- Em ở trọ. Em làm ở chợ đầu mối Thủ Đức, vợ làm công ty. Do dịch 2 vợ chồng em thất nghiệp hơn 1 tháng rồi ạ. Tài sản hiện giờ còn 6 gói mì 3 quả trứng, tiền mặt em còn 66k. Mong anh chị hỗ trợ giúp đỡ em qua được mùa dịch ạh.
- Giúp đỡ em với, em đang gặp khó khăn và thất nghiệp do dịch covid-19, hiện tại em có con nhỏ nữa, thất nghiệp 1 tháng, gia đình nằm trong khu phong tỏa.
Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!
Tưởng Năng Tiến