Ngày 6 tháng 10 năm 2021, ông Lê Ngọc Sơn – giáo viên giảng dậy bộ môn tiếng Anh, trường An Lợi, xã An Phước, Long Thành – nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do: “Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ.”
Tờ đơn hiếm hoi này khiến tôi nhớ đến một bài viết cũ (“Lòng Tự Trọng Của Một Học Trò Dốt”) trên trang Dân Trí. Xin ghi lại đôi ba đoạn ngắn :
“Lá đơn xin phép nghỉ học của một học sinh lớp 10 câu cú lủng củng, đầy lỗi chính tả sơ đẳng như của một học sinh lớp 1, lớp 2 đã khiến những người quan tâm đến giáo dục không khỏi giật mình…
M viết: ‘Hôm lay, em viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường.”
Bên dưới là lời bình của nhà báo Bùi Hoàng Tám:
“Với trình độ như hiện nay, M. không đủ khả năng ‘đọc thông, viết thạo’, một tiêu chuẩn của học sinh lớp 1. Như vậy, đã gần 10 năm qua, em luôn ‘ngồi nhầm lớp’. Một giả thiết đặt ra: Nếu không xin nghỉ học, M. hoàn toàn có thể học hết THPT và sau đó, tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Và với tỉ lệ đỗ 98 – 99% hiện nay, việc em có tấm bằng tú tài là hoàn toàn trong tầm tay.
“Bước tiếp theo, nếu có ‘ô dù’ che chắn, em xin đi làm một hai năm, sau đó theo một lớp chuyên tu, tại chức và chỉ 4 năm sau nữa, em có bằng cử nhân. Từ đây, con đường quan lộ hoàn toàn có thể mở ra đối với em. Biết đâu, sẽ chẳng có ngày xuất hiện tấm danh thiếp TS. Trần Văn M. chủ tịch hoặc giám đốc…
“Thế nhưng Trần Văn M. đã xin nghỉ học. Lý do em đưa ra thật đáng trân trọng: Sợ làm ảnh hưởng đến lớp 10H và em tự nhận thấy mình ‘không xứng đáng làm học sinh của trường”. Đó chính là danh dự, tính tự trọng và lòng dũng cảm. Phải là người giàu lòng tự trọng, quý danh dự và rất dũng cảm, em mới viết được lá đơn này.
“Gần đây, tình trạng một số lãnh đạo không đủ năng lực để đảm nhận chức vụ ‘ngồi nhầm chỗ’ được giao không phải là hiếm. Trong đó, số người không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ mà còn để xảy ra tiêu cực ở những cơ quan nằm trong bộ máy nhà nước cũng không ít. Thế nhưng cho đến nay, hình như chưa thấy có vị lãnh đạo nào đủ lòng tự trọng và danh dự, sự dũng cảm để xin từ chức giống như em Trần Văn M làm đơn xin nghỉ học.
“Hi vọng sẽ có ‘một ngày đẹp trời’ nào đó, chúng ta thấy xuất hiện trên thông tin đại chúng đơn từ chức của một bộ trưởng, một chủ tịch tỉnh hay một vụ trưởng, một chủ tịch huyện và thậm chí chỉ là chủ tịch xã với lý do để bộ ngành hoặc địa phương mình phụ trách sa sút ‘không xứng đáng với nhiệm vụ được giao”.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám viết những lời lẽ thống thiết kể trên vào hôm 15 tháng 8 năm 2012. Hy vọng của ông, xem ra, hơi xa thực tế. “Danh dự” và “dũng cảm” là những hạn từ, dường như, không có trong tự điển của giới quan chức Việt Nam. Gần mười năm đã qua nhưng chưa thấy một nhân vật nào xin từ chức vì … “không xứng đáng với nhiệm vụ được giao” cả!
Ngày 2 tháng 1 năm 2021, báo Công An Nhân Dân cho hay: “Hiện, tình trạng di cư từ châu thổ Cửu Long đến TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ đáng báo động… số lượng di cư khỏi châu thổ này trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người.”
Hôm 12 tháng 10 năm 2021, Tổng Cục Thống Kê cho biết : “… hơn 1 triệu người lao động đã rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay… số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.”
Đất nước cứ như một que sắt nóng, và lúc nào cũng có hằng triệu người dân cuống cuồng lo tìm đường chạy tứ tung. Blogger Trường Sơn (VNTB) nhận xét: “Chết hơn hai chục ngàn người; với hơn hai ngàn trẻ mồ côi; hàng triệu người dân di tản khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai; hơn 70% doanh nghiệp ‘thở ngáp cá’;…nặng nề, đau xót quá! Ấy vậy mà chưa có mảy may một ai lên tiếng về trách nhiệm này?“
Vụ đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng vậy.
Báo Lao Động, số ra ngày 02 tháng 6 năm 2020, gọi đây là một “bi kịch” ở tầm mức quốc tế: “Một dự án đội từ 552 triệu USD lên 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ 10 năm. Đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỉ. Đang bị đòi thêm 50 triệu USD, giao tiền ngay. Chưa rõ ngày vận hành. Và biết chắc sẽ lỗ. Nó là gì nếu không phải là một khúc xương 13 km không thể nuốt!”
Bi kịch này đã kéo dài đã hơn 10 năm (qua bốn đời bộ trưởng) nhưng mãi đến ngày 15 tháng 9 năm 2021 thì lãnh đạo BTGTVT mới “chốt thời gian hoàn thành, bàn giao dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông trong năm nay.”
Thiệt là vui sướng và nhẹ nhõm.
Niềm vui, tiếc thay, không kéo dài lâu!
Chưa đầy một tháng sau, ngày 13 tháng 10 năm 2021, báo Trí Thức lại ái ngại cho hay: “Tổng thầu Trung Quốc ‘từ chối hợp tác’ để hoàn thiện đường sắt Cát Linh-Hà Đông… Được khởi công tháng 10/2011, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án đã 8 lần chậm trễ nên chốt mốc vận hành vào năm 2020. Đến thời điểm này, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa rõ bao giờ về đích.”
FB Trần Thất mỉa mai: Các chú ăn dầy quá/ Ăn cả trong lẫn ngoài/ Ăn cả trên lẫn dưới/ Giờ há miệng mắc quai?
Vô tư mà nói thì tuy đây là một dự án tuy đội vốn hơi nhiều (“từ 552 triệu USD lên 891,92 triệu USD”) nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về số tiền lại quả ăn dầy, ăn mỏng, ăn thêm, ăn theo, ăn bẩn, ăn vụng, ăn gian, ăn quỵt, ăn lường, ăn giựt… nào ráo trọi.
Tuy thế, FB Phạm Lưu Vũ vẫn kết luận rất khắt khe: “Một tuyến đường hút vào đấy bao nhiêu kẻ tội đồ, tạo ra nghiệp nặng, anh linh của tổ tiên ta tất sẽ không tha cho chúng, sẽ đọa chúng ở dưới địa ngục hoặc ngạ quỷ, hoặc súc sinh trong vô lượng kiếp… thì đến đời con cháu chúng ta, sẽ đỡ phải gặp lại chúng, chất lượng người Việt ở thời vị lai sẽ tử tế hơn, chả như bây giờ.”
Không ai có được một cái nhìn tích cực như nhà báo Phi Hùng:
Trên đường Nguyễn Trãi, nơi có đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi qua, rất nhiều phương tiện chọn bóng mát của công trình này để di chuyển phía dưới. Trong khi nắng nóng oi bức ở nhiều tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người thì tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ít nhiều đã mang đến cảm giác thoải mái cho những ai đi qua. Những người công nhân tranh thủ nghỉ trưa dưới gầm nhà ga trên đường Láng. Những người bán hàng rong cũng tranh thủ chợp mắt dưới gầm đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Thật là ơn ích và quí hóa. Tuy bất khiển dụng nhưng ít nhất thì tuyến đường này cũng tạo ra được bóng mát cho công nhân có chỗ nghỉ trưa, người bán hàng rong có nơi chợp mắt.
Sự tổn hại gây ra bởi tuyến đường sắt Cát Linh/ Hà Đông – xem ra – thật không đáng kể, nếu so với con đường cách mạng đẫm máu cùng nước mắt mà Đảng và Bác (kính yêu) đã chọn từ hồi đầu thế kỷ trước và “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”
Tưởng Năng Tiến