______________________

Tôi nghe tiếng ông Nghè Mạc Văn Trang đã lâu nhưng mãi đến hôm rồi mới có dịp vào xem trang FB của vị thức giả này, và đọc được một cái tút (“Biết Cảm Ơn Ai?”) với hơi nhiều gia vị đắng cay:

Sáng nay thấy VTV1 mời các chuyên gia luận bàn về cái MỚI, TIẾN BỘ của Luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua. Thấy chuyên gia nói: Cái mới là Luật tiệm cận với Luật các nước tiên tiến; Trước kia người lao động chỉ có TRÁCH NHIỆM, nay người lao động CÓ QUYỀN tự quyết; quyền lập TỔ CHỨC ĐẠI DIÊN; có quyền THƯƠNG NGHỊ, v.v…

Nhớ lại, mươi năm trước, ai đòi công nhân có Nghiệp đoàn độc lập, có quyền nọ quyền kia là bị quy là “kích động, chống phá”, có người bị đi tù…

Sau nhiều năm vật vã mãi, dưới áp lực của ILO, của Hiệp định TPP, sau này thành Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Đảng CSVN mới cho phép “lùi từng bước”, “cải cách từng bộ phận”, “diễn biến từng phần”… để cố gắng, “quyết tâm” ra được Bộ Luật lao động 2019 làm sao “thích ứng” được với những đòi hỏi của các bên đối tác, “tiệm cận hơn” với … Luật của bọn Tư bản chết tiệt!

Bây giờ Công nhân phấn khởi “CÓ QUYỀN”, chả nhẽ lại cảm ơn bọn Tư bản thì… mất hết lập trường! Mà cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội thì quá bằng chơi xỏ nhau à?

Về sự kiện này, cách đây chưa lâu, tôi cũng đã từng được nghe những lời cay đắng tương tự:

– Blogger Ôsin: “Thật nực cười khi, chỉ khi chịu sức ép của ‘các nước tư bản’, ‘đảng của giai cấp công nhân’ mới (có thể) thừa nhận các quyền căn bản của công nhân.”

– Blogger Nguyễn Vạn Phú: “Điều mỉa mai là Việt Nam phải trông chờ vào một hiệp định ký với các nước tư bản để các nước tư bản này gây sức ép buộc Việt Nam phải bảo vệ công nhân của mình, không để giới chủ bóc lột quá đáng!”

Vấn đề quả là có “mỉa mai” thật (và mỉa mai lắm) nhưng nếu chỉ vì thế mà lại loay hoay không biết cảm ơn ai thì e là hơi … bạc, nếu nhìn lại sự việc cho nó có trước có sau và rõ ràng hơn – chút xíu.

Ngày 20 tháng 10 năm 2006, một công dân Việt Nam, công nhân Đoàn Huy Chương aka Nguyễn Tấn Hoành – cùng với vài bạn đồng nghiệp – đã gửi đến Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam “Nỗi Niềm Khóc Hận Thương Tâm” của họ với “8 điểm đề nghị” giản dị (tóm lược) như sau:

“Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động…”

Kết quả, hay nói chính xác hơn là hậu quả, của những đề nghị “thương tâm” này có thể tìm đọc trên báo Công an Nhân dân:

“Sáng 26/10/2010, TAND tỉnh Trà Vinh đã mở phiên xét xử Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh với tội danh ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự… Cuối giờ chiều cùng ngày, tòa đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù giam.

Tổng cộng là hai mươi ba năm tù. Một thời gian rất dài nhưng vẫn không đáng sợ, ít nhất thì cũng chưa đáng sợ bằng trường hợp rất khuất tất (và mờ ám) của một công dân Việt Nam khác – ông Lê Trí Tuệ. Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, nhân vật này đã gửi đến tất cả những cơ quan, cũng như mọi giới chức có thẩm quyển ở Việt Nam một lá đơn (Đơn Tường Trình Tố Cáo) dài 1438 chữ. Phần đầu, và cũng là phần chính – gồm 444 chữ – xin được trích dẫn nguyên văn:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Đơn tường trình và tố cáo

V/v Công an TP. Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.

Tôi tên là: Lê Trí Tuệ.

Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.

Đăng ký hộ khẩu thường trú: 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu – Hồng Bàng – TP. Hải Phòng.

Điện thoại: 0982.152.619, 0912.530.615

Chức vụ:

Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trí Tuệ

Phó Chủ tịch Công đoàn Độc lập Việt Nam.

Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,

Căn cứ vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948;

Căn cứ vào Tuyên ngôn Nguyên tắc Tổng Liên đoàn Lao công Thế giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng Liên đoàn Lao động Thế giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968];

Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:

“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.”

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.

Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh để làm việc,bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam.

Hệ quả của tờ đơn thượng dẫn có thể tìm được qua bản bản tin của HRW, gửi đi vào hôm 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng: ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.

Những dòng chữ này vào sáng ngày  27 tháng 11 năm 2019. Hơn 11 năm đã trôi qua, và ông Lê Trí Tuệ vẫn tiếp tục “biệt tích.” Lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta (e) đã trở thành sự thật. Dù đang ở bên này hay đã sang bên kia thế giới, hy vọng là ông đều có thể mỉm cười với Bộ Luật Lao Động năm 2019, và xin nhận cho một lời tá ơn chân thành từ một thường dân lao động vớ vẩn – như tôi.

Tưởng Năng Tiến

Bài liên quan:
  • Đại Hội THÁNH MẪU LA VANG kỳ II, giáo phận Orange: “Cùng MẸ Lên Đường”
    Kiên Chính Ghi Nhận
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Số Báo Cuối Cùng
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Văn Thơ & Bạo Lực
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Nguyễn Chí Thiệp
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Phạm Quế Dương
    Tưởng Năng Tiến