____________________________
  • Có tới 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%. [4]
  • 266 ngàn tỷ đồng Trái Phiếu Doanh Nghiệp đáo hạn trong năm 2022, nhà phát hành trái phiếu thua lỗ, hàng chục ngàn Trái Chủ sẽ mất trắng (?).
  • 500 DNNN nắm 70% viện trợ ODA, 70% đất đai, 60% tín dụng, nhưng chỉ đóng góp 29% GDP, lại có khối nợ là mối đe dọa lớn nhất.
  • 35.000 hợp tác xã, 1,5 triệu doanh nghiệp quay về thời Kinh Tế Tập Thể. [9]

Khối Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) thực chất là gánh nặng và “đà cản” đối với nền Kinh tế thị trường, nhưng lại được chế độ độc tài củng cố làm nơi dung dưỡng các “thái tử đỏ”, chia chác quyền lợi. Trên 30 năm nay nhiều đại tập đoàn DNNN đã phá sản, khai lỗ hằng trăm ngàn tỷ đồng hay hoạt động trong âm vốn. Vào những lúc Ba-Đình “cạn túi” cần tiền chi tiêu thì một số tập đoàn trong DNNN đã bị bán cho nước khác hoặc qua chương trình giải tư. Nay việc “vỗ béo làm thịt” bên Doanh Nghiệp Tư Nhân khó khăn hơn trước, Nhà Nước đang lên kế hoạch “vực dậy”số DNNN làm ăn thua lỗ, cận kề phá sản. . . để quay lại phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tại hội nghị DNNN do Thủ Tướng Chính chủ tọa hôm 24/03, Bộ trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định, DNNN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ở từng giai đoạn, nhưng bối cảnh thế giới và trong nước đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, việc đánh giá thực trạng hoạt động khu vực DNNN mang ý nghĩa rất quan trọng, nhất là vào thời điểm Chính phủ đang nỗ lực triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay. Do đó, ông Nguyễn Chí Dũng thúc bách “Chính phủ cần sớm đưa ra những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể “cởi trói”, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới. . .” [1]

DNNN đang được hưởng những đặc quyền hiếm có: Không sợ phá sản cho dù thua lỗ kéo dài; biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; tận dụng cơ chế xin – cho; ưu đãi tiếp cận vốn, vay không lo trả và đặc biệt ít bị kiểm tra giám sát.

Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN trị giá đến cuối năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp nhà nước khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tính chung DNNN đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp. Khu vực DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 29% tổng GDP cả nước. Trong khi đó, Khu vực tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng lại chưa được một phần ưu đãi chế độ dành cho DNNN.

Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy – Vinashin, từng được xưng tụng là “quả đấm thép” trong nền Kinh Tế đã chính thức “tan chảy” ngày 21/10/2013 để trở về với tên cũ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, với tên giao dịch quốc tế hoàn toàn mới là SBIC (Shipbuilding Industry Corporation).

Sau 4 năm hoạt động, SBIC, tiền thân là Tập đoàn Vinashin lần lượt lỗ tiền tỷ hàng Năm như sau:  năm 2013 lỗ 6.400 tỷ đồng; năm 2014 lỗ 2.180 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 4.669 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5.405 tỷ đồng. Đến năm 2017 SGIC còn nợ thuế 133 tỷ đồng nhiều năm nay chưa trả được. [2]

Tổng Thanh Tra Chính Phủ, Huỳnh Phong Tranh nói, “Số nợ phải trả của Tập đoàn Vinashin đến ngày 31/12/2009 là 86.745 tỷ. Ngoài ra các khoản lỗ tiềm ẩn khác có thể lên đến 8.512 tỷ. Khoản nơ của Vinashin tương đương 10 triệu tấn gạo xuất khẩu vào lúc đó. Khiến cho 86 triệu dân Việt Nam mỗi đầu người phải gánh nợ 1.000.000 đồng. [3]

316 ngày trước, hôm 12/10/2012, Tập Đoàn Công Nghiệp Xây Dựng VNIC (nòng cốt là Tổng công ty Sông Đà) và Tập Đoàn Đầu Tư & Phát Triển Nhà Đô Thị HUD (Housing and Urban Development); cả hai đều bị quay về nguyên trạng là Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty HUD, đặt dưới quyền điều hành của Bộ Xây Dựng.

Cách điều hành đưa đến phá sản các Tập Đoàn được xưng tụng là “pháo đài” Kinh Tế do Ba-Đình thành lập vào những năm 2005 và 2006 để tạo thành những “mũi nhọn” kinh tế, thúc đẩy VN phát triển trở thành quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020, đã chính thức “khóa” lại giọng lưỡi huênh hoang một thời bi kịch diễn ra bát nháo trên sân khấu Kinh Tế Việt Nam dưới sự đạo diễn vụng về của csVN, đã lộ rõ Chiến Lược Phát Triển Công Kỹ Nghệ của Ba-Đình bị phá sản.

Theo số liệu điều tra và cập nhật của Tổng cục Thống kê, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (tại thời điểm ngày 31/12/2018); trong đó, có tới 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%. [4]

Dẫn báo cáo Tài Chánh của Chính Phủ gởi Quốc Hội, báo Nhà Nước cho biết, đến ngày 31/12/2020, có 79 DNNN được Nhà Nước cấp gần 100% vốn điều lệ báo lỗ số tiền 20.548 tỷ đồng. Năm 2020, Nhà nước cấp vốn 127.594 tỷ đồng, tương đương năm 2019, tính trung bình tương đương 86% tổng số vốn điều lệ của DNNN.

Năm sau đầu quý 4/2021 có 44 DNNN báo lỗ tổng số tiền 2.809 tỷ đồng, chiếm 27,3% số doanh nghiệp do Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ.

Một số DNNN kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, vốn Nhà Nước 98,76% bị âm vốn chủ sở hữu 54 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 11.178 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam lỗ 265 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 210 tỷ đồng; công ty mẹ Vinachem lỗ luỹ kế 2.953 tỷ đồng; công ty mẹ – Vinalines lỗ 824 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 460 tỷ đồng.

Nhiều công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhiều lần: Tổng công ty Thái Sơn là 7,39 lần; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam 7,23 lần, Tổng công ty Xăng dầu Lũng Lô 3,82 lần. . . [5]

Sự kiện Công ty Thái Beverage mua 54% cổ phiếu của Sabeco năm 2017 được dư luận chú ý nhưng ít người biết là chỉ trong 7 năm vừa qua, từ 2014 đến 2020, lũy kế kim ngạch FDI của Thái Lan đã đầu tư ồ ạt vào Việt Nam tăng tới 5 lần, từ khoảng 2 tỷ lên gần 10 tỷ Mỹ kim, và trong 13 dự án lớn có tới 10 dự án theo hình thức M&A (mergers and acquisitions) [6]

Ngoài Sabeco, Ba-Đình từng bán hàng loạt DNNN như Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT. . .  Một chuyên gia ngành tài chính ước tính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới $7 tỷ Mỹ kim, tương dương 150,000 tỷ đồng vào lúc đó.

Năm 2021, 10 nhà băng dẫn đầu nợ xấu với số tiền lên đến 72.287 ngàn tỷ đồng, trong đó có 3 nhà băng thuộc khối Ngân Hàng Quốc Doanh là VietinBank tăng 49%, bằng 14.300 tỷ đồng; BIDV tăng 38% bằng 13.245 tỷ đồng; Vietcombank 6.100 tỷ đồng. [7]

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 khoảng 1,39 triệu tỷ đồng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh cấp vốn tràn ngập rủi ro (https://vanhoimoi.org/?p=13566) với loại trái phiếu “3 không”: không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán. Trong năm 2022 số lượng Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) sẽ lần lượt đáo hạn khoảng 266 ngàn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lưu lượng phát hành. Trong trường hợp làm ăn thua lỗ hay vi phạm luật lệ kinh doanh, mà gần đây có đến 4 đại gia chủ đại Doanh Nghiệp bị bắt thì các trái chủ cầm trong tay tờ trái phiếu sẽ kiện ai, và chưa biết bao lâu mới lấy lại được tiền đầu tư vào trái phiếu.

Báo Nhà Nước hôm Thứ Ba 29/3/2022 dẫn tờ trình của Bộ Tài chính gửi chính phủ cho biết, nợ công giai đoạn 2022-2024 khoảng 1,927 triệu tỷ đồng hay khoảng hơn 51 tỷ Mỹ kim. Giai đoạn 2022 – 2024 Chính Phủ phải trả số nợ và lãi khoảng 1,116 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971.000 tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145.000 tỷ đồng. [8]

Một thực tế công luận ít biết đến là về lâu về dài, khối DNNN mới là mối đe dọa đối với nợ công. Rủi ro nằm ở những khoản vay mượn nước ngoài của DNNN, được Nhà nước đứng ra bảo lãnh dưới hình thức “nợ chủ quyền” – “sovereign debt”, và trong tương lai sẽ được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều cách, kể cả chi trả núi nợ bằng ngân sách, một việc vô lý và hoàn toàn không phù hợp, nhưng vẫn diễn ra.

Từ nhiều năm trước, giới chuyên gia kinh tế đề nghị cần mạnh dạn cho phá sản, giải thể đối với các DNNN thua lỗ, cận kề phá sản để dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác. Cho tới nay tình trạng vẫn không thay đổi.

Kế hoạch “xốc lại” khối DNNN để đi vào đề án phát triển Kinh Tế Tập Thể, trong đó chính phủ sẽ đưa ra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã để tiến tới kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bằng vào Nghị Quyết hôm 12/4/2022 hướng tầm nhìn tới năm 2025, Ba-Đình sẽ đưa 35.000 hợp tác xã, 1,5 triệu doanh nghiệp từ đại công ty đến kinh tế gia đình quay về Kinh Tế Tập Thể, Hợp Tác Xã. [9]

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://vneconomy.vn/bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-coi-troi-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-khoi-thong-nguon-luc-cho-phat-trien.htm

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng_c%C3%B4ng_ty_C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_T%C3%A0u_th%E1%BB%A7y

[3] https://dongtac.hncity.org/spip.php?article5188

[4] https://bnews.vn/buc-tranh-tong-the-doanh-nghiep-viet-nam-nam-2020/155279.html

[5] https://vnexpress.net/nhieu-doanh-nghiep-nha-nuoc-van-lam-an-kem-hieu-qua-4373310.html

[6] https://www.erct.com/2-ThoVan/TranVTho/An-ninh-kinh-te-cho-VN.htm

[7] https://tctd.vn/top-10-ngan-hang-co-nhieu-no-xau-nhat-nam-2021-a2974.html

[8] https://baomoi.com/tong-muc-vay-cua-chinh-phu-giai-doan-2022-2024-toi-da-khoang-2-trieu-ti-dong/c/42303660.epi

[9] https://vnbusiness.vn/viet-nam/phan-dau-den-nam-2025-ca-nuoc-co-35-000-hop-tac-xa-1-5-trieu-doanh-nghiep-1084790.html

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/4/2023. Tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt, đầu lãnh Hà Nội chạy cầu cứu quan thầy!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 13/4/2024. Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi: Đứng mũi, chịu sào! Thống nhất lằn ranh đỏ cho Trung Cộng ở Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt