__________________________

Khoảng giữa tháng Tư, thị trường Chứng Khoán (TTCK) Việt Nam đã có những biến động bất ngờ: Sau tin một lô đại gia bị truy tố, tâm lý bi quan bao phủ thị trường khiến sóng gió nổi lên cuồn cuộn. VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ 15 phiên liên tiếp, đã lấy đi gần 214 điểm, tạm dừng ở mức 1.300 điểm, mất 36 tỷ Mỹ kim. Bên cạnh đó, còn có 300 nghìn nhà đầu tư đã tham gia thị trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) ngày đêm lo mất cả vốn lẫn lời. . . Thủ Tướng Chính Phủ đích thân vào cuộc, chỉ thị các cơ quan liên hệ thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. Khối Kinh Tế Tài Chính nhốn nháo, vật vã gọi nhau ơi ới, đưa đến các cuộc lùng soát, bắt bớ và ra lệnh giám sát các hoạt động đầu tư. . .

Sau hai tuần TTCK Việt Nam miệt mài tìm đáy mới, VN-Index mất tổng cộng 214 điểm, tương ứng vốn hoá bốc hơi 36 tỷ Mỹ kim. [1] Phiên giao dịch 26/4 cổ phiếu đã “nhích” lên tí ty. Tình trạng mới này được ví như mấy ngày trước mất hẳn chiếc siêu xe, nay mới lấy lại một cái bánh xe, cũng yên ủi phần nào! Sang ngày 27/4 Khối Ngoại đã quay đầu bán ròng gần 13 triệu cố phiếu, tương đương 273 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Các chỉ số phân hóa mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/04/2022, khiến tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối thị trường. VN-Index mở phiên với sắc đỏ và giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, dù xuất hiện một vài nhịp sụt giảm song chỉ số vẫn nhanh chóng trở lại quỹ đạo đi ngang. Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm 2.78 điểm, dừng ở mức 1,350.99 điểm.

Mặc dầu Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước đưa ra lời xác quyết hôm 26/4 rằng “Chúng tôi thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Lời minh xác hơi muộn và chưa đủ tác dụng làm dịu tâm lý hoảng loạn, kinh hoàng của nhà đầu tư trước những bắt bớ hàng loạt liên quan đến cá nhân thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường cổ phiếu.

Hôm sau, 27/4 Ba Đình quyết định đưa vụ án tại FLC và Tân Hoàng Minh vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung Ương [2] càng làm cho nhà đầu tư thấy nội vụ rất nguy hại đối với nền Tài Chánh quốc gia.

 Vấn đề của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt nam là dòng tiền, dù đã giảm mạnh đồng thời có hơn 100.000 tỷ ở tài khoản chờ của các công ty chứng khoán tính đến quý 1/2022 nhưng VN-Index vẫn không thể hút dòng tiền đó trở lại; khi kỷ nguyên dòng tiền dễ dãi đã dần qua đi.

Lý giải tình trạng TTCK Việt Nam rơi thẳng đứng làm “chấn động” rung rinh lan cả sang các cơ quan Chính Phủ, các chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng, thị trường giảm sâu do thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp lớn đang lan truyền, đồng thời nhà đầu tư không có bất cứ một niềm tin nào để phục hồi. Như thế, TTCK sẽ tạo đáy khi xuống đến mức đủ xấu. Gần vào dịp nghỉ lễ dài ngày cuối tháng Tư, mọi người vẫn còn ngơ ngác chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. 

Biến cố Công-an bắt bớ ngang dọc các “tay tổ” có máu mặt nắm giữ cổ phiếu và Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) kinh doanh bất chính, chỉ làm dịu các đợt sóng đang vùi dập mặt nổi của thị trường Tài Chánh. Còn tảng băng chìm gồm 266 ngàn tỷ đồng TPDN đáo hạn trước mặt, trong tổng số khoảng 1,39 triệu tỷ đồng sẽ lần lượt đáo hạn đủ tạo ra một viễn ảnh khá “u ám”. Các cuộc bắt bớ lùng sục như mới đây chưa có dấu hiệu ngưng lại; được giới quan sát Thời Sự Kinh Tế mô tả như hành động “phủi tay” trong mưu mô của Chính Phủ, để khi làn sóng vỡ nợ TPDN nổ ra, trái chủ sạch túi, thì các nhà đầu tư phải tự hiểu ra rằng chỉ còn nước “vào tù” mà đòi nợ! Mưu toan này có thể làm vơi đi tình trạng giận dữ của Trái Chủ khi TPDN lần lượt đáo hạn mà nhà phát hành TPDN không thể hoàn trả vốn lẫn lời cho nhà đầu tư.

Tỷ trọng phát hành TPDN ra công chúng chỉ có 4,58%, còn lại hơn 95%, tương đương 625.109 tỷ đồng là từ phát hành riêng lẻ, không được Nhà Nước cấp giấy phép. [3] Nhà đầu tư loại trái phiếu này phải tự gánh lấy thiệt hại khi gặp rủi ro tạo ra nguy cơ tiềm ẩn nhiễu loạn trong xã hội.

Khối ngân hàng thương mại (NHTM) và BĐS mỗi bên chia đều nhau trong 70% lượng phát hành TPDN, tương đương 462 ngàn tỷ đồng. Còn lại rải rác trong 5 lãnh vực: Hàng hóa, Dịch Vụ & Tiêu Dùng 10%; Xây Dựng 8%; Tài Chính chứng khoán 6%; Năng Lượng 4%; Sản Xuất Công Nghiệp chỉ có 2%.

Tổng giá trị mới chỉ tính trên 3 nhóm BĐS gồm: condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng trên cả nước hiện nay hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ Mỹ kim. Tuy nhiên, khối tài sản này đang đóng băng vì thiếu hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng. [4]

Thống kê đến tháng 9/2021, dù nhóm đầu tư không chuyên ngành đã giảm đi 50%, nhưng tính ra cũng còn khoảng 300.000 người không rành rẽ về TPDN. Thông điệp của giới chuyên nghành muốn nói với nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư không chuyên môn còn “chưa tỉnh ngộ”, đó là ngân hàng cho vay chuyên nghiệp còn có nợ xấu, vì vậy, đầu tư trái phiếu sẽ có vỡ nợ, sẽ có rủi ro, tình thế hiện nay như trái “bom nổ chậm”.

Nguồn cơn TPDN Việt Nam như quả “bom nổ chậm” khởi đi trong thời “4 năm 63 ngày” làm Phó Thủ Tướng (2016-2020) của ông Vương đình Huệ đã cho lập lại phiên bản phát hành TPDN ồ ạt của Hoa Lục trên thị trường TPDN Việt Nam, trong hoàn cảnh chưa xây dựng đủ chính sách pháp lý; cho nên ngày nay có thể đẩy hàng trăm ngàn nhà đầu tư vào cảnh tay trắng, cùng với viễn ảnh nền Tài Chánh Việt Nam bị đe dọa rơi vào khủng hoảng. ( https://vanhoimoi.org/?p=13566 )

Nhiều năm nay, có đến 95% TPDN phát hành riêng lẻ, không được pháp luật thừa nhận; gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vậy phải có lý do rất lớn “trói tay” Bộ Tài Chánh cho đến hôm 25/4/2022 cơ quan này mới được đưa ra chỉ thị thanh tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ. [5]

Những nhà điều hành Kinh tế có lòng và khả năng, thường tiên liệu và phối hợp hoàn cảnh trong nước với những biến chuyển bên ngoài để có những quyết định can thiệp mạnh mẽ đúng thời điểm, nhằm bảo vệ dân chúng khỏi rơi vào tình huống tiền mất, họa mang.

Các sự kiện diễn ra như trên cho thấy rất có thể Ba-Đình vẫn đang theo đuổi mưu toan “vỗ béo làm thịt”. Nay là lúc cần tiền để giải quyết nhiều việc, nên mới ra lệnh bắt bớ các đại gia cổ phiếu và TPDN.

Trần Nguyên Thao

(30/4)

Tham khảo:

[1] https://cafef.vn/nhu-nang-han-gap-mua-rao-chung-khoan-viet-nam-co-phien-tang-manh-nhat-chau-a-nha-dau-tu-an-mung-vi-hai-tuan-lo-chiec-o-to-nhung-da-lay-lai-duoc-cai-banh-xe-20220426163419245.chn

[2] https://vneconomy.vn/dua-vu-an-tai-flc-va-tan-hoang-minh-vao-dien-theo-doi-cua-ban-chi-dao-phong-chong-tham-nhung.htm

[3] https://vneconomy.vn/khoi-luong-phat-hanh-lien-tuc-pha-dinh-vo-no-trai-phieu-khi-nao-xay-ra.htm

[4] https://nhadat.tuoitre.vn/30-ti-usd-dong-bang-trong-condotel-shophouse-biet-thu-nghi-duong-20220421195904608.htm

[5] https://luatvietnam.vn/tai-chinh/chi-thi-01-ct-btc-bo-tai-chinh-220246-d1.html

Bài liên quan:
  • Nhật Bản có thể là nơi trú ẩn rủi ro Trung Quốc trong bao lâu?
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/5/2024. Israel-Hamas sẽ ngừng bắn? Số phận của con tin Do Thái? TC tấn công tàu tuần duyên Philippines: Bão lớn trên Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trung Quốc thực sự có bao nhiêu đòn bẩy trước Iran?
    Christina Lu
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 4/5/2024. Khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có ở VN: Từ ‘Đốt lò’ sang ‘Đốt nhà’! Công an nắm quyền?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi