FED (Federal Reserve của Hoa Kỳ) tăng lãi suất căn bản lần thứ 6 hôm mùng 02 tháng 11 làm ảnh hưởng lớn đến thị trường Tài Chánh Việt Nam đưa đến ba cuộc họp khẩn cấp giữa Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) với nhiều Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) vào các ngày sau đó mà kết quả còn giữ kín, một phần được đài VOA dẫn tin từ Reuters nói là, để giải quyết “khó khăn” về thanh khoản ngân hàng do hậu quả lãi suất và Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN). . . [1] Điều này đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của Ba-Đình vì nếu không có giải pháp thì nguy cơ nợ xấu sẽ xuất hiện làm suy sụp hệ thống NHTM Việt Nam.

Tổng giá trị TPDN đáo hạn trong quý IV năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản là 34,1%, và 5 NHTM lớn chiếm 32,9%. Đến năm 2023 và 2024 TPDN sẽ đáo hạn trị giá tới 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa giá trị khối lượng TPDN đang lưu hành. (https://vanhoimoi.org/?p=15341). Các đợt TPDN đáo hạn cần được thanh toán cho trái chủ. Nếu NHTM hay công ty phát hành trái phiếu thiếu thanh khoản sẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất cho chế độ chuyên quyền dung túng dối trá.

Hôm mùng 08 tháng 9 năm 2022, NHNN chỉ cấp thêm “room” tín dụng cho 15 NHTM, còn 34 NHTM khác tại Việt Nam bị NHNN coi là “kém khả năng quản trị, thiếu an toàn vốn và không góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”  (https://vanhoimoi.org/?p=14994).

Một tháng sau, mùng 8 tháng 10, Ngân hàng SCB, trầm mình trong hoảng loạn với nhiều cái chết đột ngột của những viên chức cao cấp liên hệ trong vụ án bị coi là “lừa đảo” tài sản của công chúng. Điểm âu lo của Ba-Đình không chỉ riêng ở ngân hàng SCB mà ở nơi rất nhiều NHTM bảo lãnh hay phối hợp với những Doanh Nghiệp không đủ điều kiện bảo chứng mà vẫn bán TPDN để thu tiền trong dân chúng. Nhiều NHTM hiện trầm mình trong khối tỷ lệ nợ xấu đến 10,58% (https://vanhoimoi.org/?p=14312).

Dù khối NHTM đang thi nhau tăng cao lãi suất gởi tiết kiệm lên đến 11% mỗi năm, nhưng theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng ở các tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2022 đang thấp hơn con số 6 tháng đầu năm là 4,77%. Sự thể này đẩy các NHTM vào cảnh thiếu tiền thanh toán cho khách hàng, khiến họ phải tăng mạnh doanh số vay nóng qua đêm, đạt hơn 242.000 tỷ đồng ngay từ đầu tháng 10/2022. Chỉ hai ngày mùng 1 và 2 tháng 11, NHNN đã cung ứng thêm cho NHTM vay tới 49.631 tỷ đồng. Tổng lượng cung ứng thanh khoản của NHNN cộng chung tháng 10/2022 với đầu tháng 11 là 291.163 tỷ đồng. Lãi suất vay mượn bình quân tại kỳ hạn 1 tháng đã lên tới 11,25% mỗi năm cho phiên 1/11 và 10,88% mỗi năm vào phiên 2/11. Mức lãi suất vay nóng giữa các ngân hàng được coi là cao nhất trong 10 năm qua.

Do lạm phát vẫn ở mức rất cao so với mục tiêu 2%, chiều mùng 02 tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất căn bản thêm 0,75%. Như thế, lãi suất căn bản của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đang dao động từ 3,75% – 4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Mặc dù lần tăng lãi suất này của FED không bất ngờ, nhưng vẫn khiến tiền đồng Việt Nam mất giá, tỷ giá hối đoái và lãi suất mất ổn định, Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) lao dốc, giảm đầu tư ngoại quốc và ảnh hưởng ngay đến xuất cảng . . . NHNN đã tăng lãi suất điều hành lên 200 điểm bách phân trong 33 ngày từ 22 tháng 9, và còn phải tăng nữa, trong hoàn cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam suy giảm. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 6 liên tiếp của FED trong chu kỳ thắt chặt dòng tiền nhằm chống lạm phát bắt đầu từ tháng 3 năm nay và là lần nâng lãi suất thứ tư tăng 0,75% liên tục.

Do định luật thắt chặt tiền tệ không bao giờ là bạn của chứng khoán, cho nên ngay sau khi FED tăng thêm 0,75% lãi suất căn bản, công ty Chứng khoán SSI đã công bố thống kê TTCK Việt Nam giảm 31,3% điểm kể từ đầu năm. Phần đông nhà đầu tư rơi vào tâm lý “vỡ mộng”. Khối ngoại bán ròng hàng trăm tỷ đồng toàn thị trường đưa chỉ số VNIndex rơi từ mức 1501 điểm xuống 997 điểm vào cuối ngày mùng 4 tháng 11.

Từ đầu năm tới nay, đồng Việt Nam đã giảm giá trên 7%, tính trên tỷ giá trung tâm của tiền đồng so với Mỹ kim ngày 16 tháng 8 là 23.173 đồng trên mỗi Mỹ kim. Tại thị trường chợ đen ngày mùng 4 tháng 11, mỗi Mỹ kim bán ra tới 25.352 đồng. Trong khi tại Sở giao dịch NHNN giá bán ra mỗi Mỹ kim giữ ở mức 24.870 đồng. Do biến chuyển tỷ giá luôn tăng cao, công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Dragon Securities Coporation (VDSC) nhận định, nhiều khả năng tiền đồng có thể mất giá từ 10%-15% trong vài tháng cuối năm 2022. [2]

Mặc dầu không được NHNN chính thức nhìn nhận, nhưng theo số liệu từ cuối tháng 9 năm 2022 của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì Qũy An Toàn Ngoại Hối (QATNH) của Việt Nam chỉ còn khoảng 85 tỷ Mỹ kim, bao gồm: tiền giấy, tiền gửi, tiền mua trái phiếu nơi Chính Phủ Mỹ, tín phiếu kho bạc, vàng . . .  [3] tổng cộng lại chỉ tương đương 11 tuần nhập cảng, trong khi dự phòng an toàn cho nhu cầu nhập cảng đòi hỏi từ 12 đến 14 tuần lễ. (https://vanhoimoi.org/?p=15341).

Do vậy ngoại hối của Việt Nam không đủ để trở thành công cụ làm nguội tỷ giá. Việt Nam phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ phải tăng.

Ngược dòng thời gian, tính từ ngày 22 tháng 9, lúc NHNN tăng lãi suất điều hành lần đầu lên 100 điểm bách phân, Thị Trường Tài Chánh Việt Nam khởi đầu trầm mình trong 33 ngày đầy biến động tạo ra tâm lý hoang mang, bàn tán xôn xao từ thành thị đến thôn quê; kể cả nhiễu loạn thông tin khiến Ba Đình vật vã suốt thời gian vừa kể cũng chưa ổn định nổi các diễn biến lên xuống bất thường. Tỷ giá Mỹ kim trên đồng tiền Việt Nam tăng vọt đã khiến cho NHNN buộc phải tăng lãi suất điều hành lần thứ hai, ngày 25 tháng 10 thêm 100 điểm (%) bách phân nhằm kiềm hãm đà tăng của tỷ giá. Hành động tăng lãi suất điều hành của NHNN theo đó ảnh hưởng đến một loạt các lãi suất trên thị trường 1, tức thị trường Tài Chánh giao dịch giữa NHTM và công chúng, đang đua nhau tăng cao cả phía gởi tiết kiệm và bên tín dụng (https://vanhoimoi.org/?p=15425).

Quyết định của Fed ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập, vì hầu hết các loại tiền tệ của khu vực được neo theo đồng Mỹ kim. Ngay sau quyết định của Fed, hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh cùng ngày 2 tháng 11 thông báo tăng lãi suất. Bahrain và hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đều tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.

Ngày mùng 03 tháng 11, Ngân hàng Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% đưa lãi suất căn bản ở nước Anh lên mức 3%, mức cao nhất trong 33 năm qua.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm mùng 02 tháng 11 nhấn mạnh rằng “còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng điều chỉnh chính sách”. Lời tuyên bố của Ông Powell đưa dến hai khuynh hướng dự đoán đường đi nước bước của FED từ nay cho đến tháng 3 năm 2023, lãi suất có thể sẽ chạm mốc 5% một cách “nhanh” hơn – điều này biểu hiện FED tiếp tục giữ lập trường “diều hâu” nhiều khả năng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế không chỉ ở Mỹ mà là trên toàn thế giới. Ngược lại, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng rằng sau lần tăng lãi suất thứ 6 này, FED sẽ chọn động thái “giảm tốc độ thắt chặt chính sách” – tức là Fed tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp tháng 12 và thực hiện một vài đợt tăng nhỏ vào Mùa Xuân năm 2023. Như thế, những động thái cứng rắn của FED đang đi đến giai đoạn “cuối cùng”.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tích lũy vàng dự trữ với tốc độ dữ dội lần cuối cùng được thấy cách đây 55 năm khi đồng Mỹ kim vẫn được hỗ trợ bởi vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua tới mức kỷ lục lên đến 399 tấn vàng trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ kim trong quý 3 năm 2022.

Đương nhiên sức ép đối với tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng lớn dần khi FED tăng lãi suất và chỉ số đồng Mỹ kim tăng lên, Từ đầu năm 2022, mặc dù cán cân thương mại hiện thặng dư nhẹ, nhưng triển vọng xuất khẩu lại kém khả quan khiến cho cán cân thanh toán không đủ sức để cân bằng áp lực đối với nhu cầu Mỹ kim trong nước. Vì vậy mà sức ép giảm giá đồng Việt Nam vẫn luôn thường trực.

Sau quyết định trên của FED thì lãi suất cho vay hay trả nợ của các ngân hàng nước ngoài cũng tăng lên đáng kể, điều này gây sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam khi vay vốn hay trả nợ từ nước ngoài. Nếu không đủ khả năng trả các món nợ, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể rơi vào rủi ro phá sản.

Phản ứng về tinh huống này, các doanh nhân nước ngoài quyết định bán cố phần của họ ở TTCK Việt Nam để đưa Mỹ kim về nước, đồng thời tạo ra tình trạng “găm giữ” Mỹ kim hay bất cứ ngoại tệ nào có thể an toàn hơn giữ đồng bạc Việt Nam. Hai khoản tiền “nằm chết” này được cho là rất lớn, chưa có số liệu thống kê, nhưng gây hậu quả xấu trên nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam.

Trong tình huống này Việt Nam luôn phải vật lộn với tỷ giá leo thang, tiền đồng mất giá, lạm phát cao. . . đưa đến đầu cơ tích trữ đặc biệt là xăng dầu. Bộ phân An Ninh Kinh Tế thì vật vã đối phố hàng ngày với tin đồn tiêu cực về TPDN từng được bán ra thị trường các năm trước nơi các Doanh Nghiệp không đủ tài sản báo chứng. . . Khi TPDN đáo hạn mà thiếu tiền thanh toán sẽ đưa đến bạo loạn không cách gì kiềm chế được.

Trần nguyên Thao
November 5, 2022

Tham khảo:

[1] https://www.voatiengviet.com/a/6820052.html

[2] https://sputniknews.vn/amp/20221026/dong-tien-viet-nam-suy-yeu-vi-dau-18868212.html

[3] https://cryptoviet.com/du-tru-ngoai-hoi-la-gi#du-tru-ngoai-hoi-cua-viet-nam

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 18/1/2025. Israel & Hamas đạt thoả thận ngừng bắn! 4 Nhân vật với chức vụ hàng đầu trong nội các của TT Trump: Pete Hegseth, Marco Rubio, Pam Bondi, John Ratcliffe
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 18/1/2025. Tin vui cho Trung Đông: Israel & Hamas ngưng chiến! Những khuôn mặt nổi bật trong nội các của TT Trump. Quốc sách tinh gọn: VN chuẩn chi 5 tỷ đô, không giải quyết “điểm nghẽn”!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • ĐỒNG THUẬN VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM GIỮA CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens