Tin Thế Giới

Hoa Kỳ Đồng Ý Để Các Đồng Minh Chuyển Giao Chiến Đấu Cơ F-16 Cho Ukraina (RFI)

Theo AFP, ngày 18/08/2023, Hoa Kỳ thông báo đã đồng ý để Đan Mạch và Hà Lan chuyển chiến đấu cơ F-16 của Mỹ cho Kiev, ngay khi các phi công của Ukraina hoàn thành khóa huấn luyện. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua đã khẳng định Đan Mạch và Hà lan đã nhận được « các bảo lãnh chính thức » về vấn đề này. Đại diện bộ Ngoại Giao Mỹ nói thêm: “Bằng cách đó, Ukraina sẽ có thể tận dụng tối đa khả năng mới ngay khi nhóm phi công đầu tiên hoàn thành khóa huấn luyện. Những chiếc F-16 sẽ góp phần vào khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraina”.

Ngay sau đó, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov, đã đăng trên mạng X (tên gọi mới của Twitter): “Một tin tuyệt với từ những người bạn Hoa Kỳ của chúng ta”.

Tuy nhiên, thời điểm các phi công Ukraina kết thúc khóa huấn luyện vẫn chưa được xác định. Chương trình huấn luyện này do một liên minh 11 nước đảm nhiệm, trên nguyên tắc được bắt đầu từ tháng này. Một số quan chức liên quan hy vọng từ nay đến đầu năm 2024, các phi công Ukraina sẽ sẵn sàng sử dụng chiến đấu cơ F-16.

Bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren, hôm qua cũng tỏ vui mừng đón nhận tín hiệu đèn xanh từ Hoa Kỳ. Lãnh đạo Quốc Phòng Hoà Lan cho biết thêm là phải mất nhiều tháng nữa Hà Lan mới thực sự có thể chuyển các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina. 

Về phía Nga, hồi tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Sergueï Lavrov khẳng định rằng việc giao cho Ukraina chiến đấu cơ F-16 sẽ được Matxcơva coi như là mối đe dọa « hạt nhân »

Từ đầu cuộc xâm lược của Nga, Kiev liên tục đề nghị được cung cấp các chiến đấu cơ của phương Tây để chiến đấu với quân đội Nga hiện vẫn chiếm ưu thế về hỏa lực và vũ khí. Hoa Kỳ vẫn giữ các quy định rất chặt về việc các đồng minh bán lại hay chuyển giao trang thiết bị quân sự của Mỹ cho bên thứ 3.

Chiến dịch phản công của Ukraina để giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, bắt đầu từ tháng 6 đến nay, không thu được kết quả nào đáng kể. Trên khắp các mặt trận, quân đội Ukraina gặp nhiều khó khăn, hầu như giậm chân tại chỗ.


Thượng Đỉnh Trại David: Mỹ-Nhật-Hàn Lên Án Trung Cộng Gây Hấn Ở Biển Đông (RFI)

Sau cuộc hội kiến tại Trại David, Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có cuộc họp báo chung.

Ba bên ra tuyên bố “Tinh thần Trại David”.

Lên án “các hành xử” của Trung Cộng ở Biển Đông là một trong các nội dung chính của tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn, hôm qua 18/08/2023.

TTh Yoon, TTh Biden, Thủ tướng Kishida

Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David, bang Maryland – nơi nghỉ dưỡng của các tổng thống Mỹ cách Washington khoảng 100 km – được ba bên đánh giá như một sự kiện lịch sử.

Trong truyền thống ngoại giao Hoa Kỳ, Trại David là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như thỏa thuận hòa bình Ai Cập – Israel thập niên 1970. Thượng đỉnh Trại David lần này có nội dung chính là bảo đảm an ninh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông.

Theo Reuters, “Hoa Kỳ đã thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ nhất trong một tuyên bố chung để lên án ‘các hành động nguy hiểm và hung hăng’ của Trung Cộng ở Biển Đông”. Tuyên bố chung “cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương”, “kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo”, “việc huy động các tàu cảnh sát biển và dân quân biển vào các hoạt động gây nguy hiểm”, cũng như “các yêu sách hàng hải phi pháp” của Trung Cộng.

Tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn tái khẳng định “vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc an ninh khu vực”, và “cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác ASEAN để hỗ trợ triển khai và hội nhập quan điểm của ASEAN về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.Các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn cam kết “khởi động đối thoại thường niên” để điều phối việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.


Mỹ, Nhật, Hàn Tập Trận Thường Niên Đối Phó Với Mối Đe Dọa Từ Bắc Triều Tiên

Việc siết chặt hợp tác an ninh Mỹ-Nhật-Hàn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cho phép đối phó hiệu quả hơn với các đe dọa từ phía Bắc Triều Tiên. Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul:

“Tổng thống Hàn Quốc đã nhấn mạnh đến tác động của thượng đỉnh Mỹ, Hàn, Nhật trong việc đối phó với mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc họp báo. Ba bên sẽ chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa Bắc Triều Tiên theo thời gian thực trong năm nay, hướng đến chia sẻ an ninh vũ trụ và mở rộng chia sẻ an ninh không gian trong tương lai.

Lãnh đạo ba nước nhất trí tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên để xây dựng kế hoạch tập trận thường niên Mỹ, Hàn, Nhật trong vòng nhiều năm. Ba nước sẽ xúc tiến tổ chức định kỳ tập trận chống hải tặc, tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên biển, tập trận phòng thủ tên lửa trên biển, tập trận chống tàu ngầm, tập trận đối phó với thảm họa sự cố, và viện trợ nhân đạo.

Ba bên cũng quyết định thành lập một “nhóm công tác mạng Bắc Triều Tiên” được tài trợ bởi chính phủ nhằm ngăn cản các khoản thu ngoại tệ bất hợp pháp của Bình Nhưỡng. Lần đầu tiên, vấn đề giải quyết tù nhân và con tin bị Bắc Triều Tiên bắt giữ trong chiến tranh và cụm từ “một bán đảo Hàn Quốc tự do và thống nhất” đã được nhắc đến.

Thông cáo chung còn nhấn mạnh đến hợp tác ba bên về cả quân sự, chia sẻ thông tin về công nghệ, kinh tế, và vũ trụ, việc “ba nước sẽ mạnh hơn khi hợp thành một” và phản đối mọi hành động vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng giữa Trung Cộng và Đài Loan. Những điều này cho thấy dường như rõ ràng là họ sẵn sàng vượt ra ngoài những giới hạn hiện có của hợp tác an ninh ba bên.


BRICS Khai Mạc Thượng Đỉnh Ở Nam Phi Với Tham Vọng Lập Một Trật Tự Thế Giới Mới (RFI)

Hôm 22/08/2023, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng và Nam Phi – năm nước thành viên của nhóm BRICS họp thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi. Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm kể từ sau đại dịch Covid-19. 

Kỳ họp thượng đỉnh năm nay còn có sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ đến từ 40 quốc gia, chia sẻ cùng mối bận tâm với 5 nước nhóm BRICS, khi kêu gọi tái cân bằng chính trị và kinh tế trước một trật tự quốc tế mà họ đánh giá là do phương Tây thống trị. 

Đặc phái viên đài RFI, Nicolas Falez, từ Johannesburg tóm tắt các mục tiêu của lãnh đạo năm nước thành viên nhóm BRICS trong kỳ thượng đỉnh 2023:

Thông qua nhóm BRICS, Trung Cộng khẳng định tầm ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh căng thẳng với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phô trương các mối liên hệ của ông với các đối tác trong nhóm BRICS cũng như là với hàng chục nước khác, những nước mong muốn được gia nhập nhóm.

Với Nga, ngoài việc tìm kiếm nguồn hậu thuẫn, nước này muốn chứng tỏ rằng họ không bị cô lập bởi vì không nước nào trong nhóm BRICS lên án cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraina. Nhưng thượng đỉnh năm nay diễn ra không có sự hiện diện của Vladimir Putin vì ông là đối tượng truy nã của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Về phần Ấn Độ, cuộc họp thượng đỉnh năm nay là một minh họa rõ nét cho chính sách “đa liên kết” của mình. Thủ tướng Modi đã siết chặt hơn nữa các mối quan hệ với Mỹ và với Pháp qua các chuyến công du gần đây, và bây giờ lần này, tại Johannesburg, minh họa cho điều mà người ta gọi là phương Nam toàn cầu.

Tiếp đến là Nam Phi, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh. Tổng thống Ramaphosa đã muốn biến cuộc họp này thành một điểm hẹn cho toàn châu lục khi mời hàng chục nước châu Phi. 

Cuối cùng, Brazil hy vọng thấy hình thành đồng tiền của nhóm BRICS, có thể giúp các nước mới trỗi dậy bỏ qua được đồng đô la. Tổng thống Brazil Lula còn vận động cho một cuộc cải cách Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


Sân Bay Quân Sự Nga Cách Biên Giới Ukraina Hơn 650 Km Bị Tấn Công (RFI)

Bộ Quốc Phòng Nga hôm 20.08/2023, thông báo nhiều khu vực tại Nga bị drone của Ukraina tấn công, bao gồm tỉnh Matxcơva, hai tỉnh Belgorod và Kursk giáp với Ukraina, và sân bay quân sự Soltsy, tỉnh Novgorod, cách biên giới Ukraina hơn 650 km. Theo báo chí Ukraina, sân bay này là nơi xuất phát của oanh tạc cơ Tu-22M3 trong các đợt oanh kích Ukraina.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, theo bộ Quốc Phòng Nga, vụ tấn công bằng drone sáng hôm qua 19/08/2023, nhắm vào sân bay Soltsy, “làm hư hại một máy bay chiến đấu và gây hỏa hoạn”, nhưng không gây thương vong. Theo trang mạng chuyên về quốc phòng của Ukraina, Defense Express, ít giờ sau cuộc tấn công bằng drone này, Nga đã phải quyết định chuyển ít nhất 5 oanh tạc cơ Tu-22M3 từ căn cứ không quân Soltsy sang sân bay quân sự Olenya, cách xa biên giới với Ukraina hơn. Sân bay Olenya nằm trên bán đảo Kola (tây bắc Nga), sát với Na Uy và Phần Lan.

Theo Defense Express, “việcquân xâm lược Nga thừa nhận vụ tấn công và tổn thất về máy bay cho thấy trên thực tế, hậu quả của vụ tấn công này có thể tồi tệ hơn nhiều cho lực lượng chiếm đóng”. Truyền thông Ukraina khẳng định ít nhất hai oanh tạc cơ siêu âm tầm xa Tu-22M3 bị hư hại trong đợt tấn công, drone có thể làm cháy một kho chứa xăng dầu, gây thêm tổn thất cho các máy bay Nga tại sân bay nói trên. Một nhà ga tại thủ phủ của tỉnh Kursk, miền tây nước Nga, cách biên giới với Ukraina khoảng 90 km, bị drone tấn công theo tỉnh trưởng Roman Starovoyt. Ít nhất 5 người bị thương nhẹ. Hãng tin nhà nước Nga TASS hôm nay cũng thông báo hai sân bay quốc tế Domodedovo và Vnoukovo, gần thủ đô Matxcơva cũng tạm thời bị đóng cửa trong một thời gian, trong lúc đô trưởng Matxcơva tuyên bố một cuộc tấn công bằng drone vào vùng Matxcơva đã bị lực lượng phòng không ngăn chặn. Domodedovo và Vnoukovo được coi là sân bay đông khách thứ hai và thứ ba tại Nga.


Sếp Wagner Yevgeny Prigozhin Được Cho Là Đã Tử Vong Vì Máy Bay Rơi (BBC)

Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh tổ chức lính đánh thuê Wagner, có tên trong danh sách hành khách trên một chuyến bay rơi khiến tất cả người trên khoang tử vong, cục hàng không dân dụng Nga cho hay.

thủ lãnh Prigozhin trước các ngôi mộ lính đánh thuê trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine

Trước đó, Grey Zone, kênh Telegram có liên quan đến Wagner, đưa tin phi cơ loại Embraer bị lực lượng phòng không ở Vùng Tver bắn rơi ở phía Bắc Moscow.

Bộ Các vấn đề khẩn cấp Nga cho biết phi cơ tư nhân “lao xuống” gần làng Kuzhenkino và tất cả hành khách và tổ bay đều tử vong. Phi cơ tư nhân, đang trên đường bay từ Moscow tới St Petersburg, và chở 10 người trong đó có 3 nhân viên tổ bay. Ông Prigozhin đứng ra dẫn đầu một cuộc nổi loạn chống lại quân đội Nga hồi tháng Sáu.

Grey Zone nói người dân địa phương nghe thấy hai tiếng nổ lớn trước khi máy bay rơi và chứng kiến hai làn khói bốc lên. Thông tấn xã Tass nói phi cơ loại Embraer Legacy này thuộc về ông Prigozhin và đã bốc cháy khi chạm đất. Phi cơ đã bay trên không chưa đầy nửa tiếng, Tass đưa tin.

Một cuộc điều tra vụ rơi máy bay đang được tiến hành và các lực lượng khẩn cấp đang tìm kiếm hiện trường.

Tám thi thể được tìm thấy ở hiện trường, theo một hãng tin Ria. Grey Zone đưa tin một phi cơ thương mại khác cũng do ông Prigozhin sở hữu đã hạ cánh an toàn xuống khu vực Moscow.

Vị thủ lĩnh Wagner 62 tuổi thành lập nhóm Wagner hồi 2014, và tới nay quân số của nhóm ở vào khoảng 25.000. Nhóm này đã tham gia chiến đấu ở Ukraine, Syria và tây Phi, và nổi tiếng tàn bạo.

Prigozhin dẫn đầu cuộc nổi loạn hôm 23-24/6, đưa quân ra khỏi Ukraine, chiếm thành phố Rostov ở phía Nam và đe dọa sẽ hành quân tới Moscow.

Cuộc binh biến diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng với các chỉ huy quân đội Nga về cuộc chiến ở Ukraine.

Căng thẳng được giải quyết bằng một thỏa thuận cho phép lính Wagner chuyển tới Belarus hay nhập ngũ cho quân đội Nga.

Bản thân Prigozhin đồng ý chuyển sang đóng ở Belarus nhưng vẫn được đi lại tự do, xuất hiện trước công chúng ở Nga và tung ra một video quay ông ta từ nơi được cho là châu Phi.

Nhưng một số chuyên gia quan sát tình hình Nga mô tả ông ta là “người chết biết đi” kể từ cuộc binh biến.

Phản ứng ban đầu của Tổng thống Putin với sự thách thức quân đội Nga là khá cay độc, môt tả vụ này là một sự phản bội và nhát dao đâm vào lưng trong một thông điệp video hôm 24/6.

Thỏa thuận với Putin không có nghĩa là Prigozhin được an toàn.

“Trả thù là một món ăn mà Putin thích ăn nguội hơn”, giám đốc CIA William Burns từng bình luận đại loại như vậy.


Ấn Độ Làm Nên Lịch Sử Khi Phi Thuyền Chandrayaan-3 Đáp Gần Cực Nam Mặt Trăng (BBC)

Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống gần cực nam của Mặt trăng thành công.

Phi thuyền Chandrayaan-3 gồm một tàu bay quanh quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một cỗ xe đổ bộ nhỏ, rời trái đất hôm 14/7 từ trung tâm vũ trụ Sriharikota ở nam Ấn Độ.

Tàu đổ bộ Vikram, mang tên người sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn độ (ISRO) ông Vikram Sarabhai – mang theo cỗ xe đổ bộ mang tên Pragyaan, có nghĩa là trí khôn trong tiếng Phạn (Sanskrit).

Nếu mọi chuyện diễn ra như dự tính, cỗ xe đổ bộ sáu bánh nằm trong tàu Vikram sẽ di chuyển trên bề mặt Mặt trăng để thu thập các hình ảnh và dữ liệu.

Một trong những mục tiêu chính của phi thuyền này là tìm kiếm nước đóng băng, điều mà các nhà khoa học nói có thể hỗ trợ cho sự sống của con người trên Mặt trăng trong tương lai.

Chỉ vài ngày trước, phi thuyền Luna-25 của Nga đã nổ tung khi đang tìm cách đáp xuống cùng khu vực trên Mặt trăng.

Cực nam Mặt trăng là nơi hứa hẹn cho cuộc tìm kiếm nước đóng bang. Diện tích bề mặt luôn nằm khuất bóng trên mặt trăng là rất lớn, và các nhà khoa học nói có khả năng có nước đóng băng ở vùng này.

Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Cộng đều đã đổ bộ thành công gần đường xích đạo Mặt trăng – nhưng chưa nước nào có sứ mệnh thành công tới cực nam.

Sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ hồi 2019 đã thất bại – phi thuyền đâm vào bề mặt mặt trăng.

“Ấn Độ giờ đây đang trên Mặt trăng”, Thủ tướng Ấn Độ Modi nói với nhân viên tổ chức ISRO.

Ông hiện đang ở Nam Phi nhưng nói tâm trí ông hướng về Chandrayaan-3 cũng như tất cả người dân Ấn Độ.

Ông chúc mừng phòng điều khiển ISRO và tất cả người Ấn Độ về thành tựu lịch sử này.

Chi phí cho sứ mệnh này là 6,1 tỷ rupee, chừng 75 triệu USD. Chi phí này chưa bằng nửa khoản 200 triệu USD cho phi thuyền Luna-25 của Nga.

Các cuộc thám hiểm lên Mặt trăng và Sao Hỏa trước đây của Ấn Độ cũng được thực hiện với chi phí khiêm tốn, theo truyền thông nước này.


Vua Thái Lan Phê Chuẩn Tân Thủ Tướng Srettha Thavisin (RFI)

Quốc vương Maha Vajiralongkorn hôm nay 23/08/2023 phê chuẩn ông Srettha Thavisin, của đảng Pheu Thai, làm thủ tướng mới của Thái Lan, một ngày sau khi Quốc Hội Thái Lan bỏ phiếu bầu. Ông Srettha Thavisin, 61 tuổi, nhậm chức vào tối nay (giờ địa phương), kế nhiệm cựu thủ tướng, tướng Prayut Chan-O-Cha.

Tân thủ tướng Thái – Srettha Thavisin

Theo AFP, thư phê chuẩn của hoàng gia Thái Lan dự kiến được công bố vào khoảng 18h tại trụ sở đảng Pheu Thai ở Bangkok, buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu chính thức cho nhiệm kỳ thủ tướng của Srettha Thavisin, được xem là nhà lãnh đạo đầu tiên của xã hội dân sự kể từ cuộc đảo chính năm 2014 nhắm vào thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tuy nhiên, để giành được quyền lực, đảng Pheu Thai của Srettha Thavisin cũng đã liên minh với các đảng thân quân đội. Ông Srettha Thavisin, vốn là người điều hành một trong những công ty bất động sản lớn ở Thái Lan, chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Ngay trước chiến dịch tranh cử bầu Quốc Hội, Srettha Thavisin mới gia nhập đảng Pheu Thai, phong trào liên minh với gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tân thủ tướng thái Lan nhậm chức trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp được theo dõi sát sao trong nước, kể cả trong giới nông dân. Từ Chiangmai, thông tín viên Carole Isoux cho biết thêm chi tiết:

« Ở vùng núi phía bắc, mọi người bình thản theo dõi sự hỗn loạn chính trị ở Bangkok: việc bổ nhiệm một thủ tướng mới và trên hết là việc gạt ra khỏi bộ máy quyền lực đảng đã giành được đa số phiếu của cử tri Thái Lan trong kỳ bầu cử lập pháp vừa qua. Sau 3 tháng đối đầu với đảng Bảo Thủ, đảng của giới trẻ đã bị đẩy sang phe đối lập. Và đảng trước đây là của những người nông dân nổi loạn, đảng Pheu Thai, lên lãnh đạo đất nước, liên minh với các đảng thân quân đội mà trước đây họ từng chống.

Nhưng đối với Anuwwat, nông dân trồng ngô, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ông nói: “Nhân dân đã bày tỏ rõ ràng ý kiến. Quả thực người dân có quyền bầu cử nhưng quyền này chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có giá trị gì, cũng không thay đổi được điều gì. Bây giờ, đảng Pheu Thai lại liên minh với quân đội. Có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn nắm quyền điều hành. Đó là luật chơi ở Thái Lan. Thế có khi còn tốt hơn là chẳng được gì “.

Còn hơn không, tức là còn hơn là có một chính phủ quân sự hoặc lại thêm một cuộc đảo chính mới. Nhiều người xem sự xích lại gần quân đội là một phần trong cuộc đàm phán cho phép cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại lãnh thổ Thái Lan sau 17 năm vắng bóng. Các thế lực bảo thủ, mặc dù chỉ đạt kết quả kém trong bầu cử, vẫn giữ được quyền lực đáng kể ở Thái Lan”.


Biển Đông: Philippines Tiếp Tế Cho Binh Sỹ Dù TQ Ngăn Cản (BBC)

Phillippines cho hay họ vừa chuyển hàng tiếp tế cho một tàu quân sự đồn trú ở Quần đảo Trường Sa nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tàu mắc cạn Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây

Manila nói nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “ngăn cản, gây phiền toái và can thiệp vào chuyến tàu tiếp tế” đã không thành công. Tàu Trung Cộng bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Phillippines tại Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa, ngăn cản không cho hàng tiếp tế đến tay các binh sỹ Philippines.

Sứ quán Trung Cộng ở Manila không hồi đáp khi được yêu cầu bình luận về vụ việc.

Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa. Biển Đông là nơi có nguồn cá phong phú và cũng được cho là có chứa có mỏ dầu khí khổng lồ. Các chuyến tàu tiếp tế tới khu vực này là lý do mâu thuẫn thường xuyên giữa Trung Cộng và Philippines.

Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở một phần Biển Đông, nơi khoảng 21% lưu lượng hàng hóa toàn cầu trị giá chừng 3,37 ngàn tỉ USD qua lại hàng năm.

Hai con tàu chở hàng, do hai tàu hải cảnh áp tải, đưa hàng tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây hôm 22/8, Đơn vị Tác chiến Quốc gia Philippines ở biển Tây Philippine cho hay trong một thông cáo.

Manila gọi khu vực Biển Động nằm trong Đặc khu Kinh tế của họ là Biển Tây Philippines.

Các chuyến hàng tiếp tế ra Bãi Cỏ Mây “sẽ tiếp tục đều đặn”, thông cáo viết.

Mỹ, đồng minh của Philippines, đã bày tỏ quan ngại về cái mà Manila mô tả là “các thao tác nguy hiểm” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngoài việc sử dụng vòi rồng, các tàu Trung Cộng được cho là đã chiếu “tia laser dùng cho mục đích quân sự” để gây mù mắt tạm thời cho các thủy thủ trên tàu Philipppine.

Hồi 2014, các nỗ lực liên tiếp ngăn cản hàng tiếp tế ra Bãi Cỏ Mây của TQ là một phần trong vụ kiện mà Philippine chiến thắng tại Tòa án Trọng tài Thường trực do LHQ hậu thuẫn ở Hague.

Tòa án ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của TQ dựa trên các bản đồ cổ là không có cơ sở.

Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết của tòa và thay vào đó cho xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi đã có tranh chấp.

Sau khi một chuyến tàu tiếp tế hồi đầu tháng Tám bị chặn, ngoại trưởng Trung Cộng yêu cầu Philippines đưa tàu của họ ra khỏi Bãi Cỏ Mây và tuyên bố rằng Manila đã “liên tiếp đưa ra lời hứa sẽ di rời các tàu chiến ‘mắc kẹt’ bất hợp pháp ở bãi này”. Họ không nói rõ ai đã hứa.

Cựu tổng thống Philippine Rodrigo Duterte, người nắm quyền sáu năm cho tới 2022, quay trục về phía TQ và Nga, làm cho mối quan hệ với Washington, đồng minh lâu năm của nước này, căng thẳng.

Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông, Ferdinand Marcos Jr, đã nối lại quan hệ an ninh với Mỹ và đầu năm 2023 đã cho phép quân Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự Philippine nhiều hơn.

Điều này được cho là đã làm TQ tức giận vì sự hiện diện lớn hơn của Mỹ ở Philippines cung cấp cho Mỹ mắt xích còn thiếu trong vòng cung đồng minh của Washington ở khu vực, trải dài từ Hàn Quốc tới Nhật ở phía Bắc cho tới Úc ở phía Nam.


Hải Quân Mỹ, Nhật, Úc Tập Trận Trong Tuần Này Ở Biển Đông (RFI)

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc có kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trong tuần này ở Biển Đông, ngoài khơi phía tây Philippines, “để khẳng định cam kết bảo vệ luật pháp trong khu vực sau một hành động gây hấn gần đây của Trung Cộng ở vùng biển tranh chấp”. Hai quan chức Philippines phụ trách an ninh, xin ẩn danh, cho hãng tin AP biết tin trên vào hôm qua, 20/08/2023.

Mỹ có kế hoạch triển khai tàu sân bay USS America trong khi Nhật Bản sẽ điều động một trong các tàu chiến lớn nhất, tàu sân bay trực thăng JS Izumo, Hải quân Úc có thể sẽ tham gia với tàu sân bay HMAS Canberra. Theo hai quan chức Philippines về an ninh, các chỉ huy cuộc tập trận ba bên sẽ gặp gỡ đồng cấp Philippines ở Manila sau cuộc tập trận. Lần này Philippines không tham gia tập trận chung do những hạn chế về cơ sở hậu cần quân sự, nhưng sẵn sàng tham gia trong tương lai.

Cuộc tập trận diễn ra trong lúc căng thẳng gia tăng tại khu vực Bãi Cỏ Mây (tức bãi cạn Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, do Phililippines kiểm soát. Ngày 05/08, sáu tàu tàu tuần duyên và hai tàu dân quân biển Trung Cộng đã chặn đường hai tàu dân sự do Hải quân Philippines thuê để tiếp tế cho lực lượng Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Một tàu tiếp tế đã bị lực lượng tuần duyên Trung Cộng dùng vòi rồng phun nước tấn công. Hôm thứ Bảy 19/08, Quân đội Philippines thông báo sẽ nối lại việc cung cấp các nhu yếu phẩm cho lực lượng ở Bãi Cỏ Mây, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Philippines đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng đầu tiên vào tháng 6/2023 tại Singapore, cam kết tăng cường hợp tác an ninh để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương “tự do và mở”.


Tin Việt Nam

Tập Cận Bình Sẽ Đến Việt Nam Trước Khi Biden Đến Nâng Cấp Ngoại Giao?

Theo báo The Diplomat phát hành hôm thứ Hai 21 Tháng 8: “Có những thông tin chưa được xác nhận nói rằng lãnh tụ Trung công Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam vào cuối tháng 8 này, trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden”.

chủ tịch NPTrọng & TC Bình

Tin trên còn được các báo ở Á Châu loan ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ dự trù trong Tháng Chín tới đây nhân dịp ông đi Ấn Độ dự hội nghị G7; sẽ thăm Việt Nam để vào dịp này sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược”. Chuyến đi Hà Nội của ông Biden được nhận định như một chiến thắng của Mỹ trong cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực.

Đài BBC hôm 18 tháng 8 có bài Thời Sự nói rằng, “Quan hệ Việt-Mỹ có cơ hội vượt cấp lên ngang tầm Trung Quốc”?.. Nếu việc này diễn ra như nhận đinh của các chuyên gia theo dõi Thời Sự Chính Trị thì Việt Nam và Mỹ không chỉ nâng một nấc trong quan hệ ngoại giao mà là hai nấc – từ đối tác toàn diện (cấp bậc thấp nhất) lên đối tác chiến lược toàn diện (cấp bậc cao nhất ), bỏ qua bước đối tác chiến lược.

Trước báo Diplomat, ngày 17 Tháng Tám, tờ South China Morning Post (SCMP) ở HongKong cũng đã viết rằng “Đang có lời đồn đoán là ông Tập sẽ thăm Việt Nam để trả lễ trong những tháng tới đây”. SCMP cũng chỉ có một câu viết mơ hồ như thế khi tường thuật lại cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Vương Nghị với Phó thủ tướng csVN Trần Lưu Quang ở Vân Nam, ngày 16 Tháng Tám, bên lề hội chợ Trung Quốc – Nam Á.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định cũng không phủ nhận khả năng về chuyến thăm của ông Biden. Còn về chuyến thăm bất ngờ đến Việt Nam của ông Tập Cận Bình trước ông Biden thì vào thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu gì rõ ràng cả. (Tổng hợp)


Người Thượng Tây Nguyên Tưởng Niệm Ngày 22/8

Theo tin đài RFA, dù bị công an csVN ra sức ngăn cản bằng nhiều cách từ nhiều ngày trước, Người Thượng Tây Nguyên Việt Nam vẫn tổ chức ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và niềm tin vào ngày 22/8 vừa qua ở các địa phương và hải ngoại.

Ở trong nước, các cộng đồng của đồng bào bản địa tại Tây Nguyên đã tổ chức tùy theo từng đia phương: phần lớn là thực hiện rải rác dưới hình thức hát Thánh Ca và cầu nguyện cho những người từng hy sinh bảo vệ Niềm Tin. Số tín đồ theo đạo Tin Lành tập họp cầu nguyện các đia điểm bí mật khác nhau, được nguồn tin của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý cho đài RFA biết vào khoảng 500 người Đối với số người Thương đã trốn sang Thái Lan chờ đinh cư ở các nước Tư-Do thì ngày 22/8 được tổ chức công khai dễ dàng hơn.

Các sinh hoạt về ngày Tưởng Niệm các nạn nhân bị bạo hành vào dịp 22/8 dù bí mật trong nước hay công khai ở hải ngoại đều được các Hội Thánh thu hình và chuyển lên các hệ thống tin học cho thế giới biết.

Khởi đầu từ năm 2019, do quốc tế khởi xướng ngày 22/ 8 dành tưởng niệm cho các nạn nhân bị csVN bạo hành vì lý do tôn giáo, từ đó cộng đồng người bản địa ở Tây Nguyên tiếp tục truyền thống này để thế giới biết, csVN vẫn ra sức ngăn cản và đàn áp các Giáo Hội Tin Lành Tây Nguyên hành đạo.


Chống Tham Nhũng Tại VN, 2 Năm Rưỡi Thu Về 53 Ngàn Tỷ

Theo tin đài RFA, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTU) về phòng, chống tham nhũng csVN hôm 16/8 đã họp lần thứ 24, đưa ra kết qua cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội 12), trong đó phần lớn là các tài sản tẩu tán nước ngoài.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc do BCĐTU theo dõi, chỉ đạo. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022).

Số tiền thu lại được từ tham nhũng trong 2 năm rưỡi, chỉ bằng một năm csVN nhìn nhận đã chi sai mục đích. Báo Nhà Nước ngày 19/11/2020 nhìn nhận, 5 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước và ngành thanh tra mỗi năm phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định, tương đương khoảng khoảng 45 -50 ngàn tỷ cộng với hàng nghìn ha đất được giao quản lý sử dụng không đúng. Công chung 5 năm, csVN chi tiêu sai mục đích 250 ngàn tỷ đồng!

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 (năm 2021) đến nay, Việt Nam đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn hai lần về số vụ án và hơn ba lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng), cũng theo báo cáo tại hội nghị.

Trong những vụ án này có những vụ án liên quan đến các quan chức cấp trung ương. Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay đã có 31 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong số này có 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, và 9 cấp Tướng thuộc quân đội.


Từ Tháng 9/2023 Đến Tháng 2/2024, Việt Nam Còn 9 Trận Bão

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: do sự chi phối của El Nino, từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên Biển Đông sẽ xuất hiện 5-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền của Việt Nam.

Sau đó, trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 có thêm 1- 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam nước ta.

Trong thời kỳ, mùa Đông năm 2023-2024 sẽ rất lạnh có khả năng xuất hiện muộn, nhưng thời gian rất lạnh có thể ít ngày hơn so với trung bình nhiều năm.

Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 8 với số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 9, nắng nóng còn xảy ra ở Trung Bộ với cường độ giảm dần và không kéo dài.

Đồng thời, trong tháng 9, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngoài khơi vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào đến Bình Thuận và trên khu vực giữa Biển Đông, sóng cao 2-3m, biển động.

Mùa hè năm nay được dự báo El Nino xuất hiện và duy trì đến năm 2024. Các chuyên gia cho biết, đặc điểm của El Nino là nắng nóng có thể nhiều hơn, gay gắt hơn và khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên cả nước đang có những đợt mưa lớn liên tiếp, dẫn đến nhiều hậu quả như sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Yên Bái, Sơn La…

Từ nửa cuối tháng 8 và tháng 9, khu vực Bắc Bộ vẫn là thời kỳ mùa mưa, do vậy, các đợt mưa lớn vẫn có thể xuất hiện, lượng mưa có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 đến cuối năm, lượng mưa ở các khu vực trên toàn quốc có khả năng phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. 

Đáng lưu ý là khu vực miền Trung trong các tháng chính mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 12) có khả năng thiếu hụt lượng mưa. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện mưa lớn cục bộ, ở phạm vi hẹp, nguy cơ gây lũ quét và sạt lở đất.


Trung Cộng xây dựng phi đạo ở đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa?

Ngày 15 Tháng Tám vừa qua, tạp chí The War Zone dựa trên các hình ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp, giải thích rằng Bắc Kinh đang xây dựng phi đạo trên đảo Tri Tôn, đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung cộng chiếm giữ nhưng Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

đảo Tri Tôn – hình chụp từ vệ tinh

Nếu điều này là đúng sự thật, một số nhà phân tích tình hình khu vực cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an nguy của Việt Nam hơn, vì hai nước vẫn có những tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên dầu khí mà chiến tranh không phải không thể xảy ra. Năm 2014, quan hệ Việt – Trung chùng xuống rất thấp khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu HD 981 tới phía nam đảo Tri Tôn khoan tìm dầu khí.

Một chuyên viên khác của nhóm nghiên cứu ursaspace.com cũng cho rằng nghi vấn xây dựng phi đạo trên đảo Tri Tôn có vẻ chỉ là đê chắn sóng. Nếu họ muốn xây phi đạo, cách hợp lý nhất phải xây theo chiều đông bắc – tây nam để có đường băng đủ dài dọc theo chiều dài của đảo, thay vì quá ngắn theo hướng đông-tây.


Việt Nam Tiếp Tục Cơi Nới, Củng Cố Phòng Vệ Ở Trường Sa

Báo tài chính Nhật Nikkei ngày Thứ Bảy 19 Tháng 8 dẫn lại những thông tin từ báo Phi Luật Tân hồi tháng trước cộng thêm những chi tiết mới về các hoạt động âm thầm của phía Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh mấy năm gần đây cho thấy những thay đổi rõ rệt tiếp tục cơi nới, mở rộng và củng cố võ khí phòng thủ một số vị trí trấn giữ tại quần đảo Trường Sa.

Theo các nguồn tin trên, Hà Nội dự trù bỏ ra khoảng 6.4 ngàn tỷ đồng hay $270 triệu USD cho các hoạt động bồi đắp, cơi nới và xây dựng bến tàu, đồng thời nâng cấp các bộ phận hỏa tiễn chống hạm và phòng không. Nguồn tin dẫn các tài liệu từ Bộ Quốc phòng CSVN đề cập đến đảo Phan Vinh và đá Tiên Nữ hiện đang do lực lượng Việt Nam trấn giữ.

Họ nói rằng Hà Nội không chỉ xây dựng cơ sở cho lực lượng quân sự mà còn cho cả thường dân cư trú, gồm cả chuyển vận, hệ thống điện, cơ sở xử lý nước thải và và chất thải. Báo Nikkei phỏng vấn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng về các thông tin đó thì bà Hằng nói không biết về những điều mà báo Manila Times đề cập.