Trần Phong Vũ

Sáng Thứ Sáu, 11-10-2024, chúng tôi đọc được trên trang mạng Việt Catholic bản dịch của JB Đặng Minh An qua Việt ngữ bài bình luận nguyên bản tiếng Anh của Linh mục Raymond J. de Souza với tiêu đề “Sách của linh mục kể câu chuyện buồn về sự đồng lõa phá thai của các tu sĩ Dòng Tên ở Mỹ”.
Được biết cha Raymond là chủ bút tờ Convivium Magazine. Bài này của cha đã được phổ biến lần đầu hơn 4 năm trước, chính xác là ngày 07 tháng Giêng năm 2020. Tuy nhiên, nó vẫn mang giá trị vào thời điểm hiện tại khi cuộc tổng tuyển cử của Hoa Kỳ chỉ còn ba tuần nữa.
Đây là một bài có nội dung khá tế nhị, vì tự thân câu chuyện liên quan tới danh tiếng của một Hội Dòng lớn trong Giáo Hội Công Giáo. Mà lại là chuyện buồn, nếu không muốn nói là chuyện cực xấu!
Trong niềm xác tín nơi Đức Kitô, Đấng là “Đường, và là Sự Thật”, với tư cách một tín hữu Công giáo, tôi mạnh dạn viết bài nhận định này và hoàn toàn nhận trách nhiệm trước giáo hội Công Giáo và công luận.

Trong Phúc âm Thánh Luca đoạn 12, câu 2 &3, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:
“Không có gì che giấu mà không lộ ra, không có gì bí mật mà người ta không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà”.
TPV.

1. Từ Linh mục Dòng Tên Pat Conroy tới Linh mục quá cố cùng Dòng Robert Drinan

linh mục Raymond J. de Souza

Mở đầu bài bình luận khá dài, cha Raymond J. de Souza viết:
“Người ta cần một giáo sĩ nổi tiếng để che chắn cho các chính trị gia Công Giáo, những người đã bỏ phiếu duy trì và mở rộng quyền tiếp cận phá thai? Trong hơn 50 năm, Dòng Tên đã có một người đàn ông sẵn sàng. Đó là một vụ tai tiếng trầm trọng nơi một trong những dòng đáng kính nhất của Giáo Hội!”.

50 năm trùng hợp với thời gian CSBV chiếm trọn Việt Nam, xô đẩy khoảng 4 triệu người Việt miền Nam liều chết đi tìm tự do ở hải ngoại, trong đó số đông định cư tại Mỹ. Đây cũng là thời khoảng, không ít linh mục Công Giáo Việt Nam gia nhập Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước (UBĐKCGYN), nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc của chế độ CSVN và một số bất tuân lệnh cấm của Gíam Mục, ứng cử vào Quốc Hội.

Lm Pat Conroy

Cha nêu tên vị Giáo sĩ Dòng Tên thứ nhất là Linh mục Pat Conroy, người từng là Tuyên úy của Hạ Viện từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2021, đã trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Washington Post trong những ngày đầu thượng tuần tháng giêng năm 2022, trong đó ông cố gắng bảo vệ các chính trị gia Công Giáo, những người thúc đẩy việc tiếp cận phá thai. Ông còn đi xa đến mức viện dẫn Thánh Thomas Aquinas về lương tâm để bảo vệ lập trường của mình, điều này theo cách nhìn của cha Conroy, “vừa đáng xấu hổ vừa không xứng đáng với phẩm giá đào tạo thích đáng của Dòng Tên”.

Vẫn theo tác giả bài bình luận:
“Đối với những người có trí nhớ lâu hơn, ý tưởng về một tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng từ Hạ Viện bảo vệ những luật lệ cho phép phá thai không phải là mới”. 

Với giọng châm biếm, tác giả viết tiếp:
“Cha Conroy là một phiên bản nghèo nàn của Linh mục Dòng Tên quá cố Robert Drinan, nhưng dù sao ông vẫn là một người dẫn đầu cho những gì mà các anh em của ông quen gọi là “truyền thống của Dòng Tên”.

Lm Robert Drinan

15 năm trước cũng vào thời gian nước Mỹ có tổng tuyển cử, Cha Drinan đã trở lại trong ánh đèn sân khấu. Linh mục bình luận gia nhắc lại bối cảnh: Đầu năm 2007, Nancy Pelosi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Hạ Viện, đỉnh cao của một sự nghiệp chính trị đáng nể. Việc bà ấy trở thành Chủ tịch Hạ Viện một lần nữa vào 15 năm sau là bằng chứng thêm về thế lực chính trị đáng gờm của bà.

Vào năm 2007, Pelocy đã tổ chức một buổi dạ tiệc kéo dài 4 ngày để đánh dấu việc bà nhận vai trò Chủ tịch Hạ Viện. Nó bắt đầu bằng một Thánh lễ “công nhận Chủ tịch Hạ Viện Nancy D’Alesandro Pelosi” tại trường cũ của bà, Đại học Chúa Ba Ngôi ở Washington, DC. Vị chủ tế và giảng thuyết trong thánh lễ chính là Cha Drinan, lúc đó 86 tuổi. Đó là sự kiện công khai lớn cuối cùng của ông. Ông mất sau đó trong cùng một tháng. Đến đây, Linh mục bình luận gia Raymond đề cập danh tính và cuốn sách quan trọng của Linh mục quá cố Dòng Tên Paul Mankowski, người biết một số anh em của mình là các tu sĩ Dòng Tên, kể cả bề trên của ngài đã phản bội Dòng Tên.

Nhờ cuốn sách của linh mục quá cố, tác giả cho hay, Robert Drinan là một người có tài năng phi thường, ngay cả so với những tiêu chuẩn cao của các tu sĩ Dòng Tên được biết đến trong những năm 1960. Ông là Khoa Trưởng Luật Khoa của Boston College ở tuổi 36, và đã dẫn dắt ngôi trường đó lên những tầm cao mới trong hơn 14 năm. Năm 1970, ông ra tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ, đại biểu của tiểu bang Massachusetts và được bầu làm Dân biểu Đảng Dân Chủ năm nhiệm kỳ, phục vụ từ năm 1971 đến năm 1981.

Cuốn sách cũng ghi lại sự kiện vào tháng 5 năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra lệnh cho ông không được tái tranh cử vào tháng 11 năm đó, và do đó Linh mục Drinan rời Quốc Hội vào tháng Giêng năm 1981. Quyết định của Đức Gioan Phaolô II được ban hành như một phần của lệnh cấm rộng rãi hơn đối với các giáo sĩ nắm giữ các chức vụ chính trị*. Khi Đức Giáo Hoàng đưa ra lời dứt khoát, Cha Drinan đã tuân theo, nói rằng sự thách thức là “không thể tưởng tượng được”Tuy nhiên, trong thực tế, thách thức đã là phương thức hoạt động của ông trong suốt một thập kỷ.

Linh mục Dòng Tên Drinan tranh cử vào năm 1970 trên nền tảng phản đối Chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ. Ông cũng là dân biểu đầu tiên đưa ra các bài báo luận tội Tổng thống Richard Nixon. Sau vụ Roe kiện Wade vào năm 1973, ông đã bảo vệ phán quyết này và là một lá phiếu đáng tin cậy ủng hộ việc mở rộng giấy phép phá thai, bao gồm cả việc tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân, trong suốt thời gian phục vụ quốc hội của mình.

Vị linh mục Dòng Tên này là cha đỡ đầu cho đảng Dân Chủ trở thành đảng phá thai, một sự chuyển đổi được dẫn dắt bởi các đảng viên Dân Chủ Công Giáo – Ted Kennedy, Joe Biden, Mario Cuomo và sau đó là chính Pelosi. Không có linh mục Công Giáo nào làm nhiều hơn trong việc cổ vũ hợp pháp hóa phá thai cho bằng Linh mục Drinan.

Khi Linh mục này qua đời, bà Pelocy với tư cách Chủ tịch Hạ Viện Mỹ nói:
“Cha Drinan là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trong Quốc Hội, không chỉ những người phục vụ với ngài mà cả những người đến sau chúng tôi. Tôi đặc biệt vinh dự khi vào đầu tháng này, Cha Drinan đã chủ trì một thánh lễ tại trường cũ của tôi, Đại học Chúa Ba Ngôi, trước khi tôi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ Viện. Ngài đã cử hành Thánh Lễ đó để vinh danh các trẻ em ở Darfur và Katrina, và giảng rằng ‘nhu cầu của mọi trẻ em là nhu cầu của chính Chúa Giêsu Kitô”.

Đọc lại đoạn được tô đậm trên đây người viết không dằn được cảm nghĩ cay đắng pha lẫn mỉa mai. Nhớ lại 4 Phúc âm trình thuật những năm tháng sát cánh cùng các môn đệ rong ruổi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu Cứu Thế đã biết bao lần tỏ bày cử chỉ phát xuất từ tấm lòng yêu thương, trân quý trẻ thơ, biểu tượng của Hy Vọng và Sự Sống. Ấy thế mà trong một bài giảng nhằm vinh danh một nữ lãnh tụ chính trị Công Giáo khét tiếng là một loại đồ tể chủ trương sát hại thai nhi như bà Pelocy, Linh mục Drinan lại có thể trơ trẽn nói là để “vinh danh các trẻ em!”.

2. Linh mục Robert Drinan qua góc nhìn của cha Paul Mankowski

Nhờ lòng trung thành với Giáo hội Mẹ và tâm tình mộ mến Thánh Danh Chúa Kitô của Cha Cố Mankowski, bây giờ chúng ta biết rõ những điều tệ hại này một cách đầy đủ hơn trước khi Cha đột ngột qua đời vào tháng 9 năm 2020.

Nhà xuất bản Ignatius được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một tu sĩ Dòng Tên khác mong muốn sự thật được biết đến. Trong thời gian gần đây, Cha Fessio đã xuất bản cuốn “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” – (Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ) – do George Weigel biên tập.

Đây được kể là bộ sưu tập di cảo đưa ra một số bài tiểu luận và đánh giá hấp dẫn của Cha  Mankowski. Nó mang đặc tính vừa gay gắt vừa trào phúng, đôi khi cả hai. Bộ sưu tập là một lời giới thiệu xứng đáng cho những ai chưa đọc Cha Mankowski. Nhưng, đồng thời cũng là một nguyên nhân gây tiếc nuối vì họ đã không đọc ngài sớm hơn.

Điều quan trọng và đáng chú ý nhất của cuốn sách là một bản ghi nhớ chưa từng được xuất bản trước đó kể từ tháng 4 năm 2007, do Cha Mankowski gửi cho một số bạn bè của ngài, có tựa đề: “Chuyện ứng cử của Cha Drinan và Văn khố Tỉnh Dòng New England”. Mặc dù chưa bao giờ tự mình công bố nó, vì những rắc rối của ngài với các bề trên Dòng Tên, ngài rõ ràng muốn có một hồ sơ chính xác để lưu lại cho hậu thế.

Được biết, hồ sơ này hiện đã được công bố. Qua những phát hiện đầy đủ và trung thực của người sưu tập và đánh giá, rõ ràng điều mà nhiều người Công Giáo coi là một vụ tai tiếng vào những năm 1970 thực sự còn tồi tệ hơn nhiều.

Cha Mankowski khởi sự nghiên cứu trong kho lưu trữ của Dòng Tên ở New England vào đầu những năm cuối thế kỷ 20. Ngài đã tình cờ tìm thấy hồ sơ của Cha DrinanNgài đã yêu cầu và được phép sao chép tài liệu cho một bài báo về sự phục vụ của Cha Drinan tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Cha Mankowski phát giác ra rằng, Cha Drinan không hề được phép ứng cử vào Quốc Hội, mà hơn thế nữa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, là Cha Pedro Arrupe, cũng đã nhiều lần ngăn cấmLinh mục Drinan và William Guindon của Dòng Tên, Giám tỉnh nhà Dòng tại New England, đã âm mưu ủng hộ việc ra ứng cử của Cha Drinannghịch lại lệnh cấm của Cha Arrupe. Các hồ sơ cung cấp rất chi tiết những lời nói dối, quanh co, né tránh của cả hai Linh mục Drinan và Guindon trong nhiều năm.

Cha Mankowski biết rằng tài liệu này sẽ có tác dụng tích cực là giúp chỉnh lại ấn tượng sai lầm rằng toàn bộ Dòng Tên nói chung rất hài lòng với việc Cha Drinan thúc đẩy việc phá thai trong Quốc Hội. Nó cũng sẽ tiết lộ các tu sĩ Dòng Tên cao cấp ở New England đã bất lương đến mức nào trong những năm 1970.

Đến tháng 6 năm 1996, tờ New York Times đăng bài viết của Cha Drinan “với tư cách là một linh mục Dòng Tên”, ca ngợi quyết định phủ quyết của Tổng thống Bill Clinton đối với lệnh cấm phá thai bán phần khi sinh, tiếng Anh là partial-birth abortion. Xin mở ngoặc giải thích như sau: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết Phá thai bán phần khi sinh, gọi tắt là PBA, là thuật ngữ Quốc Hội đã sử dụng để mô tả một thủ thuật vượt ranh giới từ phá thai sang giết hại trẻ sơ sinh. Bác sĩ đưa một phần đáng kể đứa trẻ còn sống ra bên ngoài cơ thể của người mẹ – toàn bộ phần đầu trong ca “sinh nở đầu ra trước”; hoặc phần thân cho đến rốn trong ca “sinh nở chân ra trước” — sau đó giết chết đứa trẻ bằng cách đập vỡ hộp sọ của nó hoặc loại bỏ não của đứa bé bằng máy hút.

3. Dù bị hàm oan, nhưng tấm lòng cha Mankowski rực sáng

Việc một linh mục ủng hộ cho việc hợp pháp hóa phá thai bằng cách phá thai bán phần khi sinh như thế đã gây sốc ngay cả những người có thiện cảm với ông ta.

Đức Hồng Y John O’Connor đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ. Ngài đã viết trên chuyên mục Công Giáo ở New York: 
Tôi thành thật xin lỗi ông, Linh mục Drinan, nhưng ông đã sai, đã sai chết người! 
Ông lẽ ra đã phải cất lên tiếng nói có thần có thế của mình cho Sự Sống. Nhưng ông đã cất lên tiếng nói cho Sự Chết. Một luật sư còn khó lòng đóng cái vai trò đó. Huống chi là một linh mục như ông”.

Cha Mankowski đánh giá rằng việc Cha Drinan trở lại cuộc sống công cộng gây tranh cãi, đòi hỏi sự thật phải được nói ra. Ngài đã đưa tài liệu của mình cho giáo sư James Hitchcock, nhà sử học nổi tiếng tại Đại học St. Louis của Dòng Tên. Hitchcock đã công bố tài liệu này trong một bài báo vào mùa hè năm đó trên tờ Catholic World Report với nhan đề “Sự nghiệp chính trị kỳ lạ của Linh mục Drinan”.

Các tu sĩ Dòng Tên bùng nổ trong cơn thịnh nộ. Không phải là thịnh nộ với Cha Drinan vì quan điểm của ông ta; không phải là nổi giận với các tu sĩ Dòng Tên đã cho phép điều đó; cũng không phải là bức rức với các bề trên đã che đậy cho sự dối trá. Giới lãnh đạo Dòng Tên Hoa Kỳ hạ búa bổ xuống đầu Cha Mankowski, người không che giấu vai trò của mình trong việc cung cấp tài liệu lưu trữ cho Giáo sư Hitchcock.

Weigel viết trong phần giới thiệu biên tập của mình: “Hệ quả của những điều này đối với Cha Paul Mankowski là rất khắc nghiệt. Ngài đã bị cấm trong nhiều năm không được xuất bản dưới tên của chính mình. Ngài đã bị hạn chế trong công việc mục vụ của mình. Ngài thường bị coi như một kẻ cùng đinh”. 

Tuy nhiên, cuối cùng ngài được phép khấn trọn đời và trở thành một ‘spiritual coadjutor’ – ‘trợ giáo tâm linh’- trong Dòng Tên.

Theo Weigel, việc công bố bản ghi nhớ của Cha Mankowski cùng với tài liệu hỗ trợ là “rất cần thiết cho việc minh oan cho Cha Mankowski sau khi ngài qua đời”, đã được một số anh em Dòng Tên của ngài ủng hộ từ lâu.

Linh mục bình luận gia Dòng Tên Raymond J. de Souza bàn tiếp:
“Mười lăm năm kể từ ngày lễ cuối cùng của Cha Drinan dành cho Pelosi, cả Chủ tịch Hạ Viện và Tổng thống Joe Biden đều quay sang các tu sĩ Dòng Tên để che chắn cho chính trị phá thai của họ. Gần đây, cả hai đều tìm cách triều yết vị Giáo Hoàng đầu tiên của Dòng Tên, với Biden tuyên bố Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận cho ông ta được tiếp tục Rước Lễ tại giáo xứ Dòng Tên ở Washington.

Bản thân là một cựu giám tỉnh Dòng Tên và là người ngưỡng mộ Cha Arrupe, chắc chắn Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cảm thấy tai tiếng – nếu không muốn nói là ngạc nhiên – khi biết mức độ đồng lõa của Dòng Tên trong vụ tai tiếng khủng khiếp trong sự nghiệp quốc hội của Linh mục Robert Drinan”.

Đối với các linh mục và anh em trung tín khác, các tu sĩ Dòng Tên đã trở thành nổi tiếng đến mức nào trong việc đồng lõa che đậy cho những người Công Giáo cổ vũ quyền phá thai?

Hãy xem bài báo năm 1997 của Maureen Dowd trên tờ New York Times, một người Công Giáo ủng hộ luật phá thai tự do. Cô ấy viết về chương trình Nothing Sacred – “Không có gì là thánh thiêng”, là một chương trình truyền hình trong đó một “linh mục trẻ tuổi sành điệu, lanh lợi, dễ thương” thúc đẩy hối nhân đi phá thai!!!

Dowd viết: 
“Tôi không nghĩ rằng chương trình này phản ánh quan điểm của giới tinh hoa giải trí hay như một số nhà phê bình đã dài dòng cho rằng, đó là quan điểm của các nhà sản xuất chương trình Do Thái ‘không thực hành đạo’. Tôi nhận ra quan điểm này là của giới tinh hoa Dòng Tên. Các tu sĩ Dòng Tên là các hoa tiêu của Giáo Hội, giới trí thức giảng dạy thường được nhìn thấy đang uống các loại rượu đắt tiền và đi du lịch nước ngoài và phát minh ra những cách diễn giải giáo lý của Giáo Hội”.

Trong “Năm Inhaxiô” đặc biệt này do Dòng Tên tuyên bố, ưu tiên của người Inhaxiô đối với việc kiểm tra lương tâm xem ra có vẻ phù hợp khi liên hệ đến hoạt động chính trị của Linh mục Drinan, vào đúng thời điểm, mà giờ đây, bản ghi nhớ của Cha Mankowski đã tiết lộ một câu chuyện hoàn chỉnh.

4. Một kết luận lạc quan 

Mở đầu phần kết luận, bình luận gia Linh mục Raymond nhắc lại quan điểm của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cũng là quan điểm của Cha Mankowski đều cho rằng: giới lãnh đạo Dòng Tên không có khả năng tự cải cách.

Cha Raymond cho hay, trong một lá thư năm 2004 có trong cuốn “Jesuit At Large”, Cha Mankowski viết cho một chàng trẻ tuổi hỏi cha về việc gia nhập Dòng Tên như sau:

“Tôi tin chắc rằng, hiện tại, Dòng Tên là một dòng xuống cấp. Điều đó có nghĩa là nó có những vấn đề nghiêm trọng trong mọi nỗ lực của mình ở tất cả các cấp lãnh đạo, và quan trọng hơn là nó đã mất khả năng tự sửa chữa bằng chính nội lực của mình. … Thật tình, tôi phải nói rằng, hiện tại, tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy khả năng hay thiện chí của ban lãnh đạo Dòng Tên Rôma trong việc giải quyết và khắc phục những vấn đề này”.

Ngay sau câu nói có màu sắc bi quan trên đây, Linh mục Raymond bình luận tiếp:
“Dù vậy, Cha Mankowski không mất hy vọng… Ngài đã truyền lại lời khuyên sau đây (cho thế hệ kế tiếp, cách riêng cho người đàn ông trẻ hỏi ý kiến Ngài về chuyện gia nhập Dòng Tên), bất chấp tình trạng ảm đạm của Dòng
“Nói thế, nhưng Nếu tôi (Cha Mankowski) phải làm lại tất cả, bất chấp những gì tôi biết bây giờ, tôi sẽ vào Dòng Tên ngày mai”.

Thánh Ignatius và Tu hội Dòng Tên

Lời cuối của tác giả bài bình luận:
“Người ta hy vọng rằng giờ đây, Cha Mankowski vẫn đang nỗ lực hết mình cho việc cải tổ Dòng Tên, và lúc này may thay, ngài đã vượt quá tầm với của các vị bề trên quyết tâm làm nản lòng sứ mệnh thiết yếu đó”.

5. Vài nhận định chót trước khi kết thúc

Khi đọc những dữ kiện trong bài bình luận của Cha Raymond J. de Souza để đưa ra quan điểm và nhận định riêng của mình, tôi không khỏi ‘sốc’. 

Ở tuổi tôi, lại là người có thói quen đọc/viết và suy tư, tôi không lạ gì khuynh hướng thời thượng được gọi tên “cấp tiến” hay “thiên tả” của một số linh mục Dòng Tên, cách riêng tại Mỹ trong thời đại nhiễu nhương hiện nay. Là một tín hữu Công Giáo trong 20 năm sống và đụng chạm với sinh hoạt tôn giáo, giáo dục, truyền thông, báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 75, tôi đã được biết đến những khuôn mặt “cấp tiến/thiên tả” điển hình trong hàng ngũ Giáo sĩ Việt Nam. 

Phần đông họ là Linh mục Triều vì số Linh mục Dòng Tên cách đây nửa thế kỷ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Họ bị dụ hoặc bởi những vị từng du học ở Pháp, Bỉ, Thụy sĩ, Anh, với vốn liếng tri thức hổ lốn cóp nhặt từ những triết gia tân trào tà phái là tấm gương xấu cho những linh mục vốn ít học nhưng lại thích đua đòi, lóa mắt trước những của lạ, mà ông Phan Khắc Từ là một điển hình rõ nét nhất. Và chính những linh mục trí thức từ hải ngoại trở về này cũng lại là những người sáng mắt sớm nhất, trong số có các linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan. 

Phải nói mức độ “cấp tiến, thiên tả” của đám linh mục Công Giáo theo đóm ăn tàn thời 20 năm VNCH so với tình huống của nhóm này sau biến cố đổi đời năm 75 hoàn toàn khác. Nhóm sau này đã tự biến thành một thứ tay sai trá hình của chế độ trong mưu toan lâu dài lèo lái Giáo hội Công Giáo đi theo đường của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay.

Trở về với Linh mục bình luận gia Raymond quanh những khám phá trung thực và can đảm của cha Paul Mankowski về những hành vi công khai phản bội một Hội Dòng danh tiếng của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ như Dòng Tên của Linh mục Drinan, một câu hỏi lớn đặt ra là do những căn nguyên sâu xa nào đẩy đưa một thiểu số Linh mục Dòng Tên mà điển hình là hai ông Pat Conroy và Robert Drinan dấn sâu vào con đường tội lỗi kinh hoàng như thế?

Câu trả lời quy vào hai lãnh vực: sa đọa cá nhân và sự nhu nhược của thành phần lãnh đạo Tổng quyền Dòng Tên ở Roma.

a/ Sa đọa cá nhân 

Gốc rễ dẫn tới sự sa đọa cá nhân tệ hại đến nỗi một nhà tu hèn hạ gục mặt tiếp tay cho đẳng cấp cao nhất trong cơ quan Lập Pháp Quốc Gia và chính quyền Dân Chủ Mỹ dấn sâu vào con đường tội ác không chỉ đơn thuần là phá thai theo nghĩa thông thường mà là nhúng tay vào máu, nói huỵch toẹt ra là GIẾT NGƯỜI! (mời độc giả đọc lại mục 2 trên đây). 

Trước khi cả gan phạm tội tày đình như thế, đương sự đã trải qua một giai đoạn tiệm tiến có thể lâu dài cũng có thể rất nhanh. Dòng Tên vốn là một Hội Dòng đã sản sinh ra những linh mục xuất chúng, về nhiều lãnh vực, đạo cũng như đời. Ân phúc này giống như con dao hai lưỡi. Nó có thể biến đương sự thành một chủng sinh gương mẫu, một linh mục tài ba, đạo hạnh và mai ngày có thể trở thành một vị Thánh được tôn vinh trên bàn thờ Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Nhưng trái lại cũng có  khả năng hóa thân y thành một thứ quỷ dữ hút máu người không tanh!

Những nấc thang sa đọa khởi sự từ những thói quen, những tham vọng rất người, rất bình thường như lười biếng, thiếu cảnh giác, buông thả, thích tiền bạc, ham danh vọng, thích chơi trò chính trị, v.v…

Đọc lại cuộc đời của hai Linh mục Dòng Tên Pat Conroy và Robert Drinan chúng ta nhận ra cả hai đều là người từng có mặt trong Hạ viện Hoa Kỳ trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt ông Drinan còn là người thân tín của bà Chủ tịch Hạ Viện Pelocy do đảng Dân Chủ lãnh đạo trong một thời gian dài. Hơn một lần đương sự đã được bà Pelocy tâng bốc với những lời khen có cánh.

 b/  Sự nhu nhược của lãnh đạo Tổng Quyền Dòng Tên

Trong mục 2, cha Paul Mandowski từng phát hiện ra rằng, Linh mục Drinan không hề được phép ứng cử vào Quốc Hội, mà hơn thế nữa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, là Cha Pedro Arrupe, cũng đã nhiều lần ngăn cấm. Trong khi ấy, Linh mục Drinan và William Guindon của Dòng Tên, Giám tỉnh nhà Dòng tại New England, đã âm mưu ủng hộ việc ra ứng cử của Linh mục Drinan, nghịch lại lệnh cấm của Cha Arrupe. Các hồ sơ cung cấp rất chi tiết những lời nói dối, quanh co, né tránh của cả hai Linh mục Drinan và Guindon trong nhiều năm.

Trong trường hợp những kẻ tội đồ ngang nhiên phản bội lý tưởng nguyên thuỷ của vị sáng lập Dòng Tên, chống lại giáo lý căn bản của Giáo Hội Công Giáo vẫn nhởn nhơ tung hoành như chỗ không người cho đến khi chết; thì những người còn có lương tri phải đánh giá quan điểm và lập trường của giới lãnh đạo Dòng Tên như thế nào nếu không là nhu nhược, hay chính xác hơn là đồng lõa với những kẻ hèn hạ, tráo trở, vì một căn nguyên sâu xa nào đó!?

 Cuối cùng, khi cuộc tổng tuyển cử năm nay của Hoa Kỳ đã cận kề, việc công khai hóa lại hồ sơ gian dối hoàn toàn ngược lại Giáo lý Công Giáo về vấn đề phá thai của một thiểu số linh mục Dòng Tên, liệu có giúp những cử tri Công giáo Mỹ, và nói chung không ít cử tri Mỹ gốc Việt, cử tri gốc Á nhìn ra Sự Thật cay đắng đe doạ trực tiếp tới Đức Tin của mình hay không?

Nam Califonia, Thứ Hai, ngày 14 tháng 10-2024
Trần Phong Vũ