Trần Phong Vũ (24.Oct.2024)
Sau khi ‘chẳng-đặng-đừng’ phải viết bài “Tôi đọc bình luận của linh mục Raymond J. de Souza” hôm 14-10 vừa qua, người viết băn khoăn tự hỏi, căn do nào khiến một Hội Dòng danh tiếng như Dòng Tên (the Jesuits) của giáo hội Công Giáo lại nảy sinh những linh mục dị thường, nếu không muốn nói là “tồi tệ”, như linh mục Pat Conroy và Robert Drinan?
Khi cả gan dùng tới từ “tồi tệ” để gán cho hai linh mục trên chúng tôi trộm nghĩ, theo tín lý Công giáo, phá thai được coi như một hành vi thù nghich với sự sống con người.
Nói tới CON NGƯỜI vốn được Kinh Thánh ghi nhận là tạo vật thượng đẳng được Thiên Chúa tác tạo giống hình ảnh của Ngài.
Phương chi ngoài tư cách ‘con-người-tín-hữu’, hai khuôn mặt trên còn là ‘con-người-Kitô-Đệ-Thứ’. Thế mà lại cam tâm cúi mình đồng lõa với các chính trị gia thiên tả trong đảng Dân Chủ biến chất ủng hộ việc phá thai bán phần khi sinh, gọi tắt là PBA, thì quả là đau lòng, khó có thể tưởng tượng được!!! Trong bài bình luận của Cha Raymond J de Souza mà bản thân người viết bài này đã có dịp đọc và lên tiếng, ngài cho biết “đây là thuật ngữ Quốc Hội Mỹ đã sử dụng để mô tả một thủ thuật vượt ranh giới, từ phá thai sang giết trẻ sơ sinh”!
Điều này không khỏi khiến cho không chỉ người ngoại đạo, mà còn bao gồm cả các tín hữu thậm chí cả chủng sinh Triều hoặc các Hội Dòng khác đặt ra những câu hỏi mang tính hoài nghi, thắc mắc. Từ đó, do tác động dây chuyền của sự việc, dẫn tới những hệ quả tiêu cực tạo nên tâm trạng hoang mang, chán nản, tuyệt vọng, mất đức tin nơi nhiều người.
Trong tình huống ấy, người Công Giáo, nói chung Thiên Chúa giáo, phải làm gì?
Đến đây, thiết nghĩ chúng ta cần phải duyệt sơ qua lại bài bình luận của Cha Raymond để thấy ngài đã tiết lộ điều gì ghê gớm về hiện tượng này, sau khi đọc di cảo của vị linh mục già đã quá cố, cũng thuộc Dòng Tên: Cha Paul Mankowski.
I. Tiếng nói lương tâm của Cha Paul Mankowski**
Căn cứ vào những chứng từ trong di cảo của vị linh mục quá cố, Cha Raymond cho hay:
“Sau vụ Roe kiện Wade vào năm 1973, linh mục Drinan đã bảo vệ phán quyết ủng hộ việc phá thai bán phần khi sinh. Điều này được coi là một lá phiếu đáng tin cậy ủng hộ việc mở rộng giấy phép phá thai, bao gồm cả việc tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân, trong suốt thời gian phục vụ quốc hội của mình.
Vị linh mục Dòng Tên này là cha đỡ đầu cho đảng Dân Chủ trở thành đảng phá thai, một sự chuyển đổi được dẫn dắt bởi các đảng viên Dân Chủ Công Giáo – Ted Kennedy, Joe Biden, Mario Cuomo và sau đó là Pelosi. Không có linh mục Công Giáo nào làm nhiều hơn trong việc cổ vũ hợp pháp hóa phá thai cho bằng linh mục Drinan.
Khi linh mục này qua đời, bà Pelosi với tư cách Chủ tịch Hạ Viện Mỹ nói:
“Cha Drinan là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trong Quốc Hội, không chỉ những người phục vụ với ngài mà cả những người đến sau chúng tôi. Tôi đặc biệt vinh dự khi vào đầu tháng này, Cha Drinan đã chủ trì một thánh lễ tại trường cũ của tôi, Đại học Chúa Ba Ngôi, trước khi tôi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ Viện. Ngài đã cử hành Thánh lễ đó để vinh danh các trẻ em ở Darfur và Katrina, và giảng rằng ‘nhu cầu của mọi trẻ em là nhu cầu của chính Chúa Giêsu Kitô'”.
Trong bài nhận định bất đắc dĩ sau khi đọc bình luận của Cha Raymond J de Souyza, người viết đã ghi lại suy nghĩ như sau:
“Đọc lại đoạn được tô đậm trên đây người viết không dằn được cảm nghĩ cay đắng pha lẫn mỉa mai. Nhớ lại 4 Phúc âm trình thuật những năm tháng sát cánh cùng các môn đệ rong ruổi rao giảng Tin Mừng, đã biết bao lần Đức Giêsu Cứu Thế tỏ bày cử chỉ phát xuất từ tấm lòng yêu thương, trân quý trẻ thơ. Khi các môn đệ ngăn cản không cho các em tới gần, Người nói: ‘hãy để chúng đến cùng Ta, vì Nước Trời thuộc về chúng‘.
Người luôn coi trẻ thơ như biểu tượng của niềm Hy Vọng và Sự Sống để chống lại nền Văn Minh Chết Chóc. Ấy thế mà trong một bài giảng nhằm vinh danh một nữ lãnh tụ chính tri Công Giáo khét tiếng là một loại đồ tể chủ trương sát hại thai nhi như bà Pelosi, linh mục Drinan lại có thể trơ trẽn nói là để ‘vinh danh các trẻ em trong một bài giảng!‘”.
II. Thử tìm vào Linh Đạo Dòng Tên và người sáng lập Dòng
Để mong có được câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn kể trên, người viết tìm đọc bản “tóm lược Linh Đạo I-Nhã (Inhaxiô-Ignatius) của Thiên Kính S.J (Nguồn: https://www.jesuitinstitute.org.za/) và nhân tiện nhìn lại nhân thân và cuộc đời Thánh I-Nhã, Đấng sáng lập Hội Dòng danh tiếng này của giáo hội Công Giáo xuyên qua cuốn “Loyola Kids Books Of Saints” trong Tủ sách Loyola.
A. Linh đạo Dòng Tên
Tổng quan: Linh đạo I-Nhã ghi nhận: “Có nhiều trường phái và suối nguồn linh đạo trong truyền thống Kitô giáo. Mỗi trường phái có một sự nhấn mạnh khác nhau đôi chút, nhưng hết thảy đều đưa ra những phương thế để sống cam kết theo Chúa Kitô một cách sâu xa“.
Sau khi nêu lên một vài thí dụ như: “Linh đạo Dòng Phanxicô nhấn mạnh đến nghèo khó và đơn giản”. Đối với Dòng Biển Đức, “cội nguồn của đời sống là vâng phục, ”Giáo sĩ Thiên Kính cho hay:
“Linh đạo I-Nhã nhấn mạnh đến việc tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của kinh nghiệm đời sống thường ngày. Đó chính là việc tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”.
Với cái nhìn sơ thoáng xuyên qua ngôn từ, người ta thấy có những điểm tương đồng và dị biệt giữa Linh đạo của hai Hội Dòng Phanxicô, Biển Đức và Linh đạo Dòng Tên.
Tương đồng: cả ba đều quy chiếu vào Đức Giêsu Kitô, chọn Ngài là đích điểm đi tới.
Khác chăng là: trong khi hai Hội Dòng Phanxicô và Biển Đức, ngoài cùng đích quy hướng về Đấng Cứu Thế còn tự ràng buộc mình với đức Vâng Phục (Dòng Biển Đức) hay lối sống Khó Nghèo, Đơn Giản (Dòng Phanxicô) thì Dòng Tên không đưa ra ràng buộc nào.
Người viết tự hỏi, phải chăng chính vì thế thiên hạ có cảm nghĩ Dòng Tên là một Dòng quá tự do. Tự do đến mức buông thả. Nếu không, tại sao có những hiện tượng tồi bại khiến cho nhiều Giáo sĩ trong và ngoài Dòng Tên, kể cả giáo dân thường còn có chút lương tri và can đảm đã quyết liệt lên tiếng cảnh giác, kể cả phê phán, như một cách để báo động?
B. Sơ lược về cuộc đời I-Nhã, vị sáng lập Dòng Tên
Trích “Loyola Kids Books Of Saints” trong Tủ sách Loyola do Lê Minh chuyển ngữ.
Ngày 31 tháng 7 hàng năm, giáo hội Công Giáo mừng kính Thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên.
Bàn về ý chí thay đổi cuộc đời một người mang danh Công Giáo, nhưng không hề Sống Đạo, chỉ biết rong chơi thoải mái, đầu tư thời gian tài năng, nghị lực, sức khoẻ của mình vào việc tìm kiếm vinh quang và thú vui bản thân, tác giả viết: Thay đổi là điều đáng sợ và không dễ!
Ngay cả khi bạn biết tốt nhất là cần phải thay đổi thì nó vẫn có thể đáng sợ. Ví dụ, bạn biết rằng phải có cách nào đó sử dụng thời gian của mình tốt hơn, thay vì ngồi trước tivi hoặc trò chơi điện tử. Bạn biết rằng Thiên Chúa đã tạo ra bạn cho nhiều điều hơn thế. Nhưng chỉ nghĩ đến việc thay đổi thôi cũng đã đáng sợ. Bạn chỉ quen với việc ngồi phịch xuống ghế và không phải lo nghĩ chi hết.
Hãy nghĩ xem, nếu bạn thực sự cố gắng bắt đầu sống theo ý Chúa thay vì theo thế gian, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Có thể bạn không thể làm được. Bạn có thể không còn là chính mình nữa. Con người vui vẻ, tò mò, năng động mà bạn nghĩ là chính bạn có thể trở nên nhàm chán. Không sao cả, nếu bạn có những lo lắng này.
Những câu chuyện về hạnh các thánh cho chúng ta thấy rằng chúng ta không nên lo lắng về sự thay đổi. Hãy nhìn vào thánh I-Nhã thành Loyola, người đã từ không thành có bằng quyết tâm thiết lập Dòng Tên-Cực-Thánh-Chúa-Giêsu.
a. Từ một I-Nhã ‘giáo dân Công Giáo’ chỉ có tên gọi!…
Thánh I-Nhã sống ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Đó là thời đại của các vương quốc và chiến trận, của những binh đoàn và chiến binh. Từ thuở niên thiếu, thánh I-Nhã đã là một quân nhân. Cuộc đời của ngài đầy phiêu lưu và nhiệt huyết. Ngài dành nhiều thời gian trong cung điện của các công tước và hoàng tử.
Ngài khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Thánh I-Nhã tin vào Thiên Chúa, nhưng ngài không sống đạo tích cực cho lắm, không làm gì hơn ngoài việc đi lễ và cầu nguyện. Ngài dành thời gian rảnh rỗi để làm những việc không đáng ngưỡng mộ mấy. Ngài đầu tư thời gian và tài năng của mình cho việc tìm kiếm vinh quang và thú vui bản thân.
Thánh I-Nhã đã sống theo cách này trong một thời gian dài, cho đến một ngày vào mùa xuân nọ, khi ngài thấy mình rơi vào tình thế đáng sợ. Thánh nhân đang chiến đấu cùng một đội quân là các chiến hữu Tây Ban Nha, và họ đang trong trận chiến với quân Pháp. Quân Pháp đã chiếm hết đất xung quanh quân Tây Ban Nha ngoại trừ một vị trí nhỏ. I-Nhã và một người lính khác bám trụ ở mảnh đất đó, nằm trên đồi cao, trong một pháo đài. Mọi người còn lại đều muốn đầu hàng vì thực sự không thể có cơ hội chiến thắng.
I-Nhã đứng trước quân lính. Ngài kêu gọi các đồng chí của mình bằng giọng nói to và mạch lạc. Chúng ta không thể đầu hàng! Chúng ta có sự bảo vệ của pháo đài và có vũ khí. Tại sao họ phải bỏ cuộc? Cuối cùng, quân lính đã nghe theo I-Nhã và tiếp tục chiến đấu chống lại quân Pháp. Cuộc chiến đã không hiệu nghiệm. Họ thua trận và I-Nhã bị trúng đạn.
Vào thời đó, súng không bắn những viên đạn nhỏ, thứ vốn đã đủ tồi tệ. Những khẩu súng này bắn ra những viên đạn chì lớn, tròn, đôi khi có kích thước bằng những viên đá nhỏ, gần giống như đạn đại bác nhỏ. Đó là thứ đã xuyên qua hông của I-Nhã và ghim thẳng xuống chân của ngài đến đầu gối bên kia. Đây là một vết thương rất trầm trọng.
Tuy nhiên, như mọi khi, I-Nhã rất dũng cảm. Ngài mạnh mẽ trên hành trình đầy đau đớn trở về căn cứ, ngay cả khi được cõng trên những con đường gập ghềnh, cái chân gãy bị va đập mạnh trong mỗi bước đi của người bạn cõng ngài. Ngài tỏ ra kiên cường khi các bác sĩ phát giác ra rằng chân của ngài đã được nắn chỉnh không đúng cách và nói với ngài rằng, trừ khi chân được bẻ và nắn chỉnh lại, ngài sẽ không bao giờ di chuyển được. Dĩ nhiên ngài đã nghiến răng chấp nhận cuộc thử nghiệm đau đớn.
Khi chân của thánh Inhaxiô bắt đầu lành lại, ngài phát giác ra hai điều. Một trong những khúc xương vẫn nhô ra, tạo thành một cục u khó coi dưới đầu gối. Và chân bị gãy trở nên ngắn hơn chân kia. Vì vậy, I-Nhã quyết định phải làm một cái gì khác.
Ngài yêu cầu các bác sĩ cưa bỏ cục u khó coi dưới đầu gối đó. Ngài tự quyết định xích một quả đạn pháo vào chân ngắn của mình và dành hàng giờ mỗi ngày để buông thõng nó, hy vọng quả tạ sẽ kéo dài chân trở lại kích thước bình thường. Thời đó, không có nhiều cách để chỉnh hình và cũng không có thuốc giảm đau. Nên liệu pháp “điều trị” mà I-Nhã tự đặt ra cho mình chắc chắn là vô cùng đau đớn và mệt mỏi. Nhưng I-Nhã là một người đàn ông mạnh mẽ.
b. …Đến một I-Nhã nhiệt thành đầu phục Chúa Giêsu Kitô
Vì phải nằm trên giường bệnh nhiều tháng, I-Nhã cảm thấy buồn chán. Ngài muốn có thứ gì đó để đọc. Ngài thèm đọc những cuốn sách phiêu lưu, những câu chuyện phổ biến thời bấy giờ: những hiệp sĩ chiến đấu giành lấy đôi tay của những người phụ nữ xinh đẹp, phiêu lưu đến những vùng đất xa xôi và chiến đấu với những sinh vật kỳ lạ.
Nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó, hai cuốn sách hoàn toàn khác đã được mang đến cho I-Nhã. Một cuốn nói về cuộc đời của Chúa Giêsu. Cuốn còn lại tập hợp những câu chuyện về hạnh các thánh. Không có loại sách chờ đợi, I-Nhã đành đọc những cuốn sách này.
Ngài vửa đọc vừa suy ngẫm về chúng. Bị ấn tượng bởi những hy sinh to lớn mà các thánh đã thực hiện vì Chúa, ngài cảm thấy choáng ngợp trước tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu. Và I-Nhã suy nghĩ rồi tự hỏi: “Tại sao mình chỉ sống vì bản thân? Những con người này đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp trong thời gian họ sống trên đời. Tại sao mình không thể?”
I-Nhã quyết định sẽ sử dụng những tài năng mà Chúa đã ban cho mình – sức mạnh, khả năng lãnh đạo, lòng dũng cảm và trí thông minh – để phục vụ Chúa và dân Người. Trong khi tiếp tục hồi phục, I-Nhã bắt đầu cầu nguyện một cách nghiêm túc. Bình an của Chúa ngự trị trong lòng ngài và bảo đảm rằng ngài đang đi đúng hướng.
Khi I-Nhã đã bình phục hoàn toàn và sẵn sàng đi lại, ngài rời bỏ quê hương để chuẩn bị cho cuộc đời mới. Điều này không dễ dàng. Khi ấy I-Nhã đã 30 tuổi, được coi là già vào thời đó, và quá muộn màng cho việc bắt đầu học để trở thành linh mục.
Thời bấy giờ thánh lễ chỉ được cử hành bằng tiếng Latinh, và tiếng Latinh là ngôn ngữ mà tất cả những người có học sử dụng để giao tiếp với nhau. Thánh I-Nhã không biết gì về ngôn ngữ này. Vì vậy, trong những bài học tiếng Latinh đầu tiên, một I-Nhã cao lớn, phải học chung lớp với một nhóm các cậu bé 10 tuổi cũng đang học tiếng Latinh lần đầu!
Điều đó đòi hỏi một loại sức mạnh khác, nghiêng về mặt tinh thần và ý chí.
I-Nhã tiếp tục lên đường
Ngài tập hợp chín người bạn đồng chí hướng với mình và họ cùng nhau tuyên hứa với Chúa. Họ trở thành những người sáng lập ra Dòng Tên, còn được gọi là các Giêsu Hữu.
Những gì bắt đầu với I-Nhã và chín người bạn của ngài chỉ sau vài năm đã phát triển thành một nhóm các linh mục và tu sĩ có hơn một nghìn thành viên. Họ sử dụng tài năng của mình để giảng dạy và rao giảng về Chúa Giêsu trên khắp thế giới.
Và nghĩ mà xem, tất cả chỉ bắt đầu vì một người – thánh I-Nhã thành Loyola – đủ mạnh mẽ và dũng cảm để thay đổi!
III. Vài suy nghĩ chót của người viết.
Đã mang thận phận con người, dù là bậc tu hành hay thậm chí sau này trở thành Thánh, ai có thể tự xưng mình là người hoàn hảo? Nhìn vào bước đường nên Thánh của vị sáng lập Dòng Tên ta thấy, câu chuyện về ngài là một minh chứng hung hồn cho nhận dịnh trên.
Xuất thân trong một gia đình Công Giáo, từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, I-Nhã tự nhận mình vẫn đặt niềm tin nơi Đấng Cứu Thế, vẫn thường tham dự Thánh Lễ và Cầu Nguyện. Có điều trong cuộc sống hàng ngày, dù trên danh nghĩa nhận mình là người Công Giáo nhưng vẫn không bỏ lối sống buông thả của một tìn hữu chỉ có danh mà không có thực. Ra khỏi nhà thờ, vừa dứt lời Cầu Nguyện ngoài môi ngoài mép, ông lại tiếp tục đầu tư thời gian và tài năng của mình cho việc tìm kiếm vinh quang và thú vui bản thân.
Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi đọc lời xưng thú của Sứ đồ Phaolô sau đây:
“(19) Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. (20) Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi”. (Trích Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Roma đoạn 7 câu 19, 20).
Đây là cuộc chiến đấu nội tâm hết sức cam go của vị Tồng Đồ Dân Ngoại trước khi tự mình khám phá ra phương cách duy nhất để có thể dứt khoát thắng được chính mình. Đó là tìm ra được Niềm-Tin-Cá-Vị gắn bó mật thiết với Chúa Kitô. Với một Niềm Tin sắt son, vàng đá như thế đã trở thành một bảo chứng giúp Phaolô đoạn tuyệt mọi tội lỗi với ý thức nó là căn nguyên cắt đứt mối liên hệ thiêng liêng cùng Đấng mà ngài hết lòng say mến.
Từ suy nghĩ trên ứng dụng vào trường hợp linh mục Robert Drinan, chúng ta sẽ nhìn ra tiến trình vong thân, lạc đường tiệm tiến đã dẩy ông tới giai đoạn quá độ theo di cảo cố linh mục Paul Mankowski để lại. Hẳn rằng ông cũng đã từng trải qua ‘cuộc chiến đấu nội tâm’ cam go tương tự như Thánh Phaolô. Khác chăng là ông đã thất bại thê thảm, để lại cho hội Dòng danh tiếng này một vết thương đau đớn. Và cho tới giai đoạn này, nó vẫn chưa kết thúc. Di lụy kinh hoàng của nó vẫn còn đang tiếp tục tác hại tới suy nghĩ, hành động, niềm tin của các thế hệ tín hữu hôm nay, ngày mai. Cách riêng tại Hoa Kỳ.
Đặt vào vị thế một Chủng Sinh, hay thậm chí một Linh Mục, dù Triều hay Dòng cũng không khác. Nếu xem thường, thiếu cảnh giác, nhất là thiếu quyết tâm và lòng say mến thật sự đặt để vào Đấng Cứu Thế Giêsu như Thánh I-Nhã, thì chuyện gì sẽ xảy ra, không cần phải là người tài ba thông tuệ, ai cũng có thể đoán biết.
Khi sự lầm lạc đến mức trầm trọng, bại hoại, dai giẳng cho đến cuối đời như Linh mục Robert Drinan thì theo suy nghĩ chân thành, trung thực –không vì bất cứ mục tiêu vị kỷ hay bôi nhọ cá nhân nào– của người viết bài này thì kể như ông đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, vô phương cứu vãn, trừ trường hợp được Thánh Linh tác động để biết ăn năn, xám hối trước giây phút lâm chung.
Ông đã công khai ‘nối giáo cho giặc’ để tự biến mình thành một thứ linh mục phản lại giáo lý của Đức Kitô. Ông cũng là người đã minh danh đăng trên Tờ New York Times số phát hành tháng 6 năm 1996 bài viết của ông “nhân danh một linh mục Dòng Tên” ca ngợi quyết định phủ quyết của Tổng Thống Bill Clinton đối với lệnh cấm phá thai bán phần khi sinh, tiếng Anh là partial-birth abortion.
Chưa hết, sau vụ Roe kiện Wade vào năm 1973, chính ông đã bảo vệ phán quyết này và là một lá phiếu đáng tin cậy ủng hộ việc mở rộng giấy phép phá thai, bao gồm cả việc tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân, trong suốt thời gian phục vụ Quốc Hội của mình. Ngoài ra, ông cũng đã được bà Pelosi, với tư cách Chủ tịch Hạ viện Mỹ xưng tụng là cha đỡ đầu cho đảng Dân Chủ trở thành đảng phá thai.
Vẫn theo bình luận của Cha Raymond, đây là một sự chuyển đổi được dẫn dắt bởi các đảng viên Dân Chủ Công Giáo như Ted Kennedy, Joe Biden, Mario Cuomo và sau đó là Pelosi. Không có linh mục Công Giáo nào làm nhiều hơn trong việc cổ vũ hợp pháp hóa phá thai cho bằng linh mục Drinan….
Câu hỏi mới đặt ra là những thành tích phản đạo lý như trên của vài linh mục Dòng Tên là do đột phá hay là kết quả của những hiện tượng tiệm tiến mất niềm tin thuở nào?
Rút ra từ trải nghiệm bản thân và qua những dịp trao đổi với thân nhân, bằng hữu, những người từng quen biết, tiếp xúc nhiều với các Tu sĩ, Linh mục Dòng Tên, chúng tôi tin rằng đây là hệ quả tệ hại khôn lường trong giai đoạn cuối sau một thời gian khởi phát tiệm tiến những lỗi lầm, sơ sót lớn nhỏ khác nhau. Nó mau chóng hay chậm rãi tùy theo sức đề kháng của cá nhân từng người.
Trở lại với di lụy lâu dài cho những thế hệ sau do những hành vi, ngôn từ của mấy “con sâu làm rầu nồi canh” trong nội bộ Dòng Tên, chúng ta không thể bỏ qua cuộc bầu cử tại Mỹ hiện nay.
Hôm nay, Thứ Tư, 24-10-2024, vỏn vẹn chỉ còn 11 ngày nữa là tới ngày bầu cử.
Một trong những chủ đề nóng sẽ tác động tới kết quả cuộc bầu cử là vấn đề phá thai*.
Đảng Dân chủ lấy cớ tôn trọng quyền tự do của nữ giới nên cho phép phá thai thả giàn, cho đến tháng cuối cùng thai kỳ. Đảng Cộng Hòa dựa vào Hiến Pháp với chủ trương trung dung là trao quyền quyết định cho các tiểu bang. Chủ trương này được hiểu ngầm là với 50% số cử tri thuộc các tiểu bang Đỏ bảo thủ vốn có khuynh hướng phò sinh. Nhờ thế liên danh Trump/Vance thuộc Đảng Cộng Hòa hy vọng số thai nhi bị sát hại sẽ giảm bớt phân nửa.
Tuyệt đại đa số dân Mỹ là tín hữu Thiên Chúa Giáo hoặc Công Giáo. Dựa vào điều này, người ta cho rằng liên danh Trump/Vance sẽ nắm trọn số phiếu của nhóm cử tri đông đảo này.
Điều này, trên nguyên tắc không sai, nếu mọi tín hữu Công Giáo, đều thấu hiểu tường tận giáo lý tôn giáo mình tin theo.
Hôm Thứ Hai, 14-10-2024, chẵn 10 ngày trước, tôi đã viết bài “Tôi đọc bình luận của Linh mục Raymond J. de Souza” (Câu chuyện “Bí Mật” của Dòng Tên đã được “Bật Mí).
Qua bài viết này, quý độc giả đã thấy rõ tác hại ghê gớm của vài linh mục Dòng Tên khi công khai phản bội lý tưởng của vị sáng lập Dòng, đồng thời xoay lưng lại với Giáo hội Công Giáo, qua hành vi tồi tệ là ủng hộ chính sách phá thai của phe cực tả trong đảng Dân Chủ. Hơn thế, còn đẩy xa chính sách phá thai tới mức trực tiếp giết em bé khi em vừa lọt lòng mẹ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời!
Ngoài một vài chủ chăn lạc đàn đã hoàn toàn biến chất kể trên còn có những thành phần Giáo sĩ, Giáo phẩm Hoa Kỳ có khuynh hướng a-dua, tùy thời, thỏa hiệp, nghiêng về cánh trái mà trong cuộc Tông du Hoa Kỳ hơn 10 năm trước, cố Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã hơn một lần công khai, quyết liệt cảnh cáo.
Chính những Giáo sĩ loại này đã “nhân danh vai trò Linh hướng của mình” gieo vào đầu óc các cử tri có tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo, bao gồm Công Giáo, nhất là giới trẻ chưa có kiến thức đầy đủ về giáo huấn của Giáo Hội, tư tưởng lạc đạo: “phá thai không phải là tội”!!!
Theo dõi thời sự hẳn đa số cử tri Công Giáo đều biết rằng, mới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức đưa ra tiêu chuẩn cho các cứ tri Công Giáo Mỹ khi tham gia bầu cử là chọn những ứng cử viên tốt lành, không ngược lại luân thường, đạo lý, nếu cả hai cùng có những điểm xấu thì phải chọn bên nào ít xấu hơn. Vài ngày nay, theo dõi thời sự chúng ta được biết, Đức Tổng Giám Mục Vigano, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Mỹ đã minh danh tuyên đọc một lá thư dài trên các đài Radio/TV, (có đài lồng tiếng Việt) vạch trần cánh tả trong đảng Dân Chủ đã và đang liên kết với một phong trào quốc tế nhằm chống lại nền văn minh Thiên Chúa Giáo, phá hủy nền tảng hôn nhân, gia đình qua chủ trương hôn nhân đồng tính, cướp quyền cha mẹ đối với con cái, biến hệ thống học đường thành lò thử nghiệm chuyển giống.
Đức Cha công khai khuyên mọi tín hữu bỏ phiếu bầu liên danh Trump/Vance để cứu đất nước Hoa Kỳ và thế giới, trước nguy cơ còn mất hiện nay.
Miền nam California, Thứ Năm, 24-10-2024
Trần Phong Vũ
*Ngoài vấn đề phá thai, cuộc bầu cử ngày 05-11-2024 còn có một số những vấn đề sinh tử khác được cử tri quan tâm là: vấn đề Kinh tế; vấn đề an ninh biên giới; vấn đề bang giao quốc tế; vấn đề chiến tranh/hòa bình thế giới; vấn đề cả chục triệu di dân bất hợp pháp tràn vào lãnh thổ Mỹ dẫn tới những hệ lụy như các loại ma túy de dọa sinh mạng người dân bám theo hàng chục ngàn tội phạm sát nhân, băng đảng, nghiện hút…
**Cha Paul Mankowski, S.J. (1953–2020) là một linh mục Dòng Tên người Mỹ, học giả và là một nhân vật được kính trọng trong giới trí thức Công giáo. Cha Mankowski có ảnh hưởng đáng kể trong lãnh vực thần học, đặc biệt là qua các nghiên cứu về ngôn ngữ Kinh Thánh và các bài bình luận về các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo.
Quan điểm chính thống của Cha Mankowski có khi bất đồng quan điểm với một số người trong Dòng Tên và các nhóm học thuật Công Giáo của Giáo Hội. Cha Mankowski bị Dòng Tên cũng như Giáo Hội áp dụng biện pháp hạn chế, khiến ngài phải xuất bản dưới một bút danh.
***Linh mục Robert Drinan, S.J. (1920–2007), là một linh mục Dòng Tên, luật sư và chính trị gia người Mỹ nổi tiếng. Có lẽ ông được biết đến nhiều nhất vì vai trò ông là một trong số ít linh mục Công Giáo phục vụ tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông phục vụ 5 nhiệm kỳ là Dân Biểu của tiểu bang Massachusetts từ năm 1971 đến năm 1981, mãnh liệt chống đối Chiến tranh Việt Nam.
****Linh mục Pat Conroy, S.J., là linh mục Tuyên úy của Hạ Viện Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2021, hỗ trợ tinh thần và cầu nguyện cho các thành viên của Quốc Hội. Với tư cách là Linh mục Tuyên Uý Hạ Viện, ông nhìn nhận việc phục vụ dành cho mọi người trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực chính trị. Năm 2018, có một cuộc tranh cãi khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan yêu cầu linh mục Conroy từ chức. Nhưng, gặp phản ứng dữ dội từ các thành viên thiên tả trong Quốc Hội, linh mục tiếp tục phục vụ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2021.
Sau khi nghỉ hưu với tư cách là Linh mục Tuyên Uý của Hạ Viện Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 2021, linh mục Conroy trở lại Dòng Tên, tiếp tục công việc mục vụ và tâm linh.