Ngô Nhân Dụng
16/07/2020
Ai mà không biết Khổng Tử? Từ nhỏ chúng ta đã được nghe cha mẹ và thầy cô dậy những lời “Khổng Tử nói,” như “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân,” “dục tốc bất đạt,” hoặc “hòa nhi bất đồng.” Tám năm trước, một người bạn rủ tôi đến dự buổi tiếp tân ra mắt của Viện Khổng Tử tại Đại học Wisconsin ở Platteville, tôi tò mò đến để xem họ làm gì với ông Khổng Tử. Bữa đó cô viện trưởng giới thiệu mươi giáo sư trẻ mới sang Mỹ; họ sẽ dậy tiếng Phổ thông và văn hóa Trung Hoa cho sinh viên.
Viện Khổng Tử đầu tiên lập tại Seoul, Nam Hàn, năm 2004. Năm 2018 đã có mặt tại 154 nước trên thế giới, mở 548 cơ sở và 2,000 lớp học, phần lớn trong các đại học.
Tuần này, nghe tin Viện Khổng Tử sẽ không còn nữa. Trung Cộng loan tin bỏ cái nhãn hiệu này, đổi thành Trung tâm Ngôn ngữ Giáo dục và Cộng tác! Mấy năm gần đây các Viện Khổng Tử đã bị mang tiếng vì không nghiên cứu và trao đổi văn hóa mà được Bắc Kinh dùng như một khí cụ tuyên truyền chiến tranh. Thụy Điển là nước Âu châu mở Viện Khổng Tử đầu tiên, đã đóng cửa cuối cùng từ Tháng Giêng năm 2020. Các đại học ở Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Pháp đã đóng cửa từ lâu.
Việc đóng cửa các Viện Khổng Tử chỉ là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã thay đổi thái độ đối với Trung Cộng. Trong cuộc nói chuyện với 4,000 giáo sư dậy tiếng Tàu ở Mỹ (trên mạng), ông Mã Kiến Phi (Ma Jianfei), phó viện trưởng Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, đã hứa sau khi đổi tên việc cộng tác giữa hai nước vẫn tiếp tục; đặt trên căn bản “tương kính và tín nhiệm.”
“Kính trọng” và “tín nhiệm,” đó là hai thứ vốn liếng ông Tập Cận Bình đang làm mất dần dần vì người nước ngoài đã bớt kính trọng, mất thiện cảm và không dám tin vào chính quyền cộng sản Trung Quốc. Bệnh dịch Covid 19 đã chứng tỏ điều này.
Việc kiểm duyệt tin tức trao đổi về bệnh dịch Covid 19 từ Vũ Hán đã làm hại cả thế giới. Lâu nay ai cũng biết Trung Cộng vẫn dùng hàng ngàn cán bộ theo dõi 854 triệu người dùng internet, với những “an gô rít” (algorithm) tự động cắt xén từng chữ “húy kị” và trừng phạt những người vi phạm. Nhiều công dân mạng đã biết cách dùng những VPN (virtual private network) để giữ kín tung tích, nhà nước cộng sản trị tội nặng hơn. Năm ngoái, một công dân mạng ở Thượng Hải bị tù 3 năm vì cung cấp các VPN.
Thế giới thấy tai họa do bưng bít thông tin gây ra, kết luận: Đừng tin những gì Trung Cộng nói!
Và hãy nhìn kỹ những gì Trung Cộng làm! Nổi bật trong các hành động đó là dự án “Một vòng đai, một con đường” mà ông Tập Cận Bình tung ra năm 2013 sau khi chấp chánh. “Nhất đới Nhất lộ” hứa hẹn cung cấp hàng tỷ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước ở Đông Nam Á, Trung Á, Phi châu, châu Mỹ La tinh và Âu châu.
Năm 2017, Tập Cận Bình đã cho ghi tên dự án này vào bản cương lĩnh đảng! Đó cũng là lúc nhiều quốc gia thất vọng vì các xí nghiệp Trung Cộng không dùng nguyên liệu và công nhân bản xứ, họ lại nhìn thấy trong tương lai các công trình đang xây dựng sẽ không kiếm ra đủ tiền trả nợ Bắc Kinh.
Tháng Hai năm nay, Ai Cập đã ngưng dự án lập nhà máy điện ở Hamrawein, lớn thứ nhì thế giới, sẽ chạy bằng than đá nhập cảng từ Trung Quốc. Tháng sau, Bangladesh bãi bỏ dự án hải cảng ở Bagamoyo mà chính phủ trước đã ký với Trung Cộng, nói rằng chỉ “người say rượu mới ký như vậy!” Vì họ sẽ phải trao hải cảng cho Trung Cộng thuê trong 99 năm! Tháng Năm, quốc hội Nigeria biểu quyết xét lại các dự án vay tiền của Trung Cộng để thực hiện Nhất đới, nhất lộ. Tại Việt Nam, dự án làm hệ thống xe điện ngầm (metro) tốn $800 triệu đô la Mỹ ở Hà Nội bị ngưng, vì đã trễ hạn bốn năm và 100 chuyên gia Trung Quốc về Tàu ăn Tết không được trở lại vì bệnh dịch Covid 19.
Nhất đới, nhất lộ đang đặt ông Tập Cận Bình vào một thế lưỡng nan. Khi các nước vay tiền không trả được nợ thì các ngân hàng chủ nợ phải sai áp, tức là chiếm quyền làm chủ. Nhiều công trình có vị trí chiến lược như các hải cảng bị chiếm đoạt sẽ gây bất mãn và khiến mọi người nghi ngờ, như đã xẩy ra tại Sri Lanka. Nhưng nếu không sai áp, thì các ngân hàng Trung Quốc sẽ thua lỗ.
Tất cả chỉ vì Cộng sản Trung Quốc vẫn hoàn toàn dựa vào các xí nghiệp và ngân hàng quốc doanh, theo thói quen áp đặt mục tiêu chính trị trên các dự án kinh tế.
Tiếp đến là chuyện Huawei! Hôm 14 tháng Bay, thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh ngưng mua các thiết bị của công ty này cho hệ thống viễn thông G5. Ông Johnson vẫn tự coi mình là “thân Trung Quốc” và từ lâu vẫn phủ nhận mối lo về gián điệp đội lốt Huawei. Nhưng ông đã chịu áp lực của các nước khác trong nhóm hợp tác tin tình báo “Năm Mắt,”trong đó Mỹ, Australia và New Zealand là những nước đã chặn hàng Huawei từ trước. Ông Johnson đang muốn ký với các nước này những thỏa ước thương mại tự do sau khi Anh rút ra khỏi Âu châu.
Anh quốc cũng bắt chước Mỹ và Ấn Độ đặt điều khiện khó khăn hơn khi các công ty Trung Quốc muốn mua các xí nghiệp ở nước Anh, và hứa làm luật di trú dễ dàng để cho gần 3 triệu dân Hồng Kông được qua Anh sống và nhập tịch.
Tất cả các nước châu Mỹ và Âu châu đều lên án Trung Cộng đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương. Ngày Thứ Tư 15 tháng Bẩy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ hạn chế việc cấp visa cho nhân viên Huawei vào Mỹ, nêu lý do công ty này là một cánh tay của đảng Cộng sản, hỗ trợ đảng này vi phạm nhân quyền, trong việc theo dõi, đàn áp, cầm tù người Uyghur.
Trung Cộng đang thất bại về ngoại giao trên khắp thế giới, một phần cũng vì chính sách “lấy thịt đè người” và “cả vú lấp miệng em” mà cộng sản Tàu đã áp dụng. Ông Tập Cận Bình nghĩ rằng kinh tế nước Tàu đã tiến lên hàng thứ nhì trên thế giới thì ông có thể dùng sức mạnh đó để bắt các quốc gia khác phải nể nang, nếu không sẽ trừng phạt!
Bắc Kinh đã cấm nhập cảng cá hồi của Na Uy khi nhà vận động nhân quyền Lưu Hiểu Ba được tặng Giải Nobel Hòa Bình trong lúc đang bị Trung Cộng bắt giam! Chỉ vì hội đồng giám khảo giải này đặt tại xứ Na Uy! Năm nay, khi chính phủ Australia yêu cầu lập một ủy an quốc tế điều tra bệnh dịch Covid 19 xuất phát thế nào, Trung Cộng cũng lập tức trừng phạt, ngưng nhập cảng thịt bò từ nước Úc.
Nhưng các hành động trên chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho thấy tâm lý kiêu căng của Cộng sản Trung Quốc. Tâm trạng này biểu lộ qua những hành động xâm lấn các nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á và Biển Đông nước ta; nhưng cũng xuất hiện ngay trong thái độ của các nhà ngoại giao Trung Cộng.
“Chàng Sói” (Chiến Lang) tập 2 là một bộ phim Trung Quốc được đem chiếu ba năm nay và gần đây được khán giả nhiệt liệt, vì để cao nước Tàu. Câu chuyện kể nhân vật Lãnh Phong (Leng Feng) đã qua Phi châu làm việc cho một công ty Mỹ. Anh ta đã cứu sống bao nhiêu người thoát cảnh bệnh dịch và nội chiến, trong đó có các công nhân Tàu, dân địa phương, và cả người Mỹ – nhờ được một chiến hạm Trung Cộng giúp. Lãnh Phong, con chó sói lạnh lùng, đã giết ông chủ của mình, một người kỳ thị chủng tộc, ông ta nói trước khi bị giết, “Những người như cậu lúc nào cũng thua kém những người như tôi!”
Nhiều khán giả coi Chiến Lang xong, sôi quá, đứng dậy hát bài quốc ca!
Người trong lục địa Trung Hoa đặt ra chữ “Chiến Lang Ngoại giao.” Họ bầy tỏ thái độ rất hung hăng trước bất cứ hành động hay lời nói nào đụng chạm tới Trung Quốc. Trong cuộc họp quốc hội ở Bắc Kinh vừa rồi, có đại biểu hỏi ông Vương Nghị (Wang Yi) về chữ Chiến Lang Ngoại giao. Ông tránh nhắc lại danh từ đó nhưng nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao của họ sẽ “chống lại bất cứ hành động nào sỉ nhục Trung Quốc để bảo vệ thể diện quốc gia!”
Nhưng “Chiến Lang Ngoại giao” của Tập Cận Bình đã gây phản ứng ngược. Từ khi Tập Cận Bình mở cửa kinh tế Trung Quốc, ông vẫn chủ trương “giấu kín cái sáng, nuôi cái tối” (thao quang dưỡng hối) đối với nước ngoài. Các nước Tây Phương cũng hy vọng rằng khi kinh tế nước Tàu thịnh vượng thì dân chúng giầu lên sẽ đòi hỏi chế độ tự do dân chủ. Khi đó Trung Quốc sẽ theo các quy luật quốc tế, sống hòa bình với các nước chung quanh.
Nhưng sự thật khác hẳn. Thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc, mua hàng hóa họ xuất cảng, giúp kinh tế nước Tàu vươn lên, nhưng giới lãnh đạo Trung Cộng bên trong vẫn đàn áp người dân, bên ngoài vẫn nuôi giấc mộng bành trướng mong chiếm lại địa vị giống như đời Hán, đời Đường!
Ông Tập Cận Bình không che giấu mà còn khuyến khích thái độ kiêu căng đó. Chính ông ta đã gây ra các phản ứng bất lợi cho Trung Quốc, trước các vụ Covid 19, vụ Huawei và chương trình Nhất Đới Nhất Lộ.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
https://www.voatiengviet.com/a/khong-tu-tap-can-binh-huawei/5505245.html