Hồng Ân

Sau Đại Hội Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa lần lượt diễn ra trong trung tuần và hạ tuần tháng 8-2020, hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden dồn hết mọi nỗ lực để lôi kéo cử tri bầu cho mình trong bối cảnh cơn đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hòanh hành và các cuộc biểu tình bạo loạn còn đang tiếp diễn tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ như New York, Portland, Seattle, Los Anges. Đây là cuộc bầu cử sẽ quyết định vận mạng nước Mỹ và cả thế giới, và khối cử tri Kitô-giáo đông đảo là yếu tố quyết định. Vì tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, bài này được viết nhắm vào các cử tri Công Giáo đồng đạo với mục đích cùng nhau tìm hiểu các chỉ dẫn của Giáo Hội Công Giáo về bầu cử. Vì thế, trong bài chia sẻ này, người viết sẽ không đề cập chi tiết về các chính sách đối nội và đối ngọai trong cương lĩnh chính trị của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, mà chỉ tập trung vào việc tìm hiểu xem người Công Giáo nên bầu cho TT Trump hay Biden căn cứ trên nền tảng của tín lý Công Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Nhưng trước khi tìm hiểu các Giáo Huấn của Giáo Hội cũng như các chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) về bầu cử, chúng ta tìm hiểu xem tại sao cuộc bầu cử 2020 tại Hoa Kỳ sẽ quyết định vận mạng nước Mỹ và cả thế giới, và nỗ lực của hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa nhằm lôi kéo sự ủng hộ của khối cử tri Công Giáo đông đảo.

Cuộc bầu cử 2020 tại Hoa Kỳ quyết định vận mạng nước Mỹ và cả thế giới

Theo dõi tin tức truyền thông báo chí, người ta nhận thấy cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11-2020 sắp tới là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vì kết qủa của cuộc bầu cử sẽ định hướng đi tương lai của nước Mỹ: hoặc đi theo xã hội chủ nghĩa kiểu mới (Democatic Socialism) nếu Biden thắng cử, hoặc tiếp tục chủ nghĩa tư bản tự do truyền thống của nước Mỹ nếu Trump thắng.

  • Trong bài diễn văn chấp nhận sự đề cử của Đại Hội Tòan Quốc của Đảng Cộng Hòa trên bãi cỏ Tòa Bạch Ốc trước đám đông khoảng 1,000 người, Tổng thống Trump cho biết cuộc bầu cử sắp tới sẽ “quyết định xem chúng ta cứu Giấc Mơ Mỹ hay chúng ta để cho một chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa phá bỏ vận mệnh trân quý của chúng ta”.

Lá phiếu của các bạn sẽ quyết định liệu chúng ta có bảo vệ những người Mỹ tuân thủ luật pháp hay chúng ta trao quyền thống trị tự do cho những kẻ bạo lực vô chính phủ, những kẻ kích động và tội phạm đe dọa công dân của chúng ta.”. (1)

  • Còn phe chống TT Trump cũng cho rằng đây là cuộc bầu cử ”quan trọng nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ và đối với tương lai của thế giới”. Đó là nhận định của GS Jonathan London, một công dân Mỹ hiện đang sống ở Hà Lan, chống đối TT Trump một cách quyết liệt.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC Tiếng Việt ngày 14-8-2020, GS Jonathan London đã đưa ra lập luận chống TT Trump như sau:

“Tôi sẽ không, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bỏ phiếu cho Donald J trump, một tổng thống phá hoại nhất có thể được trong lịch sử Hoa Kỳ. Tôi rất nóng lòng bỏ phiếu chống Donald Trump và tin rằng những người trong liên danh của Biden sẽ phục vụ lợi ích của người dân Mỹ trong lợi ích của thế giới, tốt hơn về tất cả mọi khía cạnh.”

Được hỏi rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng không, tại sao? GS Jonathan London trả lời rằng:

“Rõ ràng là Mỹ đang không đi đúng hướng do thất bại của lãnh đạo vì hệ thống chính trị bị thối nát. Tiền bạc đã đầu độc hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Nền dân chủ của Mỹ đã thất bại vì nó phục vụ một cách có hệ thống cho những người giàu có nhất, cũng như cho quyền lợi của các nhóm lợi ích, điều mà đa số dân thường phải trả giá. Hệ thống chính trị và xã hội Mỹ tiếp tục bị đầu độc bởi động thái mị dân của tổng thống. Trump và đồng minh của ông có ý định loại bỏ cơ chế kiểm soát và cân bằng của nền dân chủ, điều hiển nhiên mà bất kỳ ai đã theo dõi chính trường Mỹ trong ba năm qua đều thấy.”

Trả lời câu hỏi về hiện tượng nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa giới ủng hộ và chống đối Trump trong cuộc bầu cử này, GS Jonathan London nói rằng:

“Ông ta [Trump] là một người lừa đảo và đã dùng văn hóa và thù ghét để huy động sự ủng hộ. Ông Trump là người theo chủ nghĩa ưu đãi các tầng lớp ưu tú trong xã hội, là một người dối trá, lợi dụng sự phẫn uất âm ỉ từ lâu trong một xã hội bất bình đẳng để thắng cử và duy trì quyền lực chính trị. Do đó không gì ngạc nhiên khi ông ta đã dùng quyền lực để thực hiện các chính sách có lợi cho người giàu, với hậu quả mà mọi tầng lớp dân cư khác phải chịu.” (2)

Chủ trương, đường lối và chính sách của 2 ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump

Về phương diện thuận lý, các cử tri trưởng thành thường bỏ phiếu căn cứ trên chủ trương, đường lối và chính sách của liên danh Biden-Harris và Trump-Pence phát biểu trong hai đại hội của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Vì thế các cử tri cần biết ít ra là các điểm chủ yếu trong chính sách của hai liên danh này.

Bảng tóm lược chủ trương, đường lối và chính sách của 2 ƯCV Joe Biden và Donald Trump:

Hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều nỗ lực tiếp cận khối cử tri Công Giáo đông đảo

Trong cuộc chạy đua tranh cử này, cả hai ứng cử viện Donald Trump và Joe Biden đều ráo riết vận động để lôi kéo khối cử trị Công Giáo về phía mình vì khối cử trị đông đảo này đuợc coi là yếu tố quyêt định trong cuộc bầu cử. Theo kinh nghiệm bầu cử trong qúa khứ, đa số cử trị Công Giáo đã bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên tổng thống nào thì người đó thắng kể từ năm 1976, với một ngọai lệ của Donald Trump trong năm 2016. Người Công Giáo chiếm tới 23% dân số Hoa Kỳ nên lá phiếu của họ có thể quyết định cuộc bầu cử 2020 sắp tới. (3)

Để lôi kéo các cử tri Công Giáo, Biden vẫn tự nhận mình là người Công Giáo mặc dù ông ủng hộ phá thai và trợ tử, ngược với đức tin Kitô-giáo. Biden thành lập nhóm “Catholics for Biden” để  phát động chiến dịch tranh cử nhấn mạnh đến các chính sách di dân nhân đạo, bảo vệ môi sinh, chính sách kinh tế phục vụ dân nghèo, nhưng tránh đề cập đến lập trường của ông ủng hộ phá thai hợp pháp. Còn TT Trump, một tín hữu Tin Lành (Protestant), đã thành lập nhóm “Catholics for Trump” ngày 2-4-2020  với ban cố vấn gồm 33 thành viên đều là những người phò sự sống nổi tiếng, để phát động chiến dịch tranh cử tập trung vào các thành tích đã đạt được về phò sự sống, chống phá thai và trợ tử, và bênh vực tự do tôn giáo. Lập trường phò sự sống của TT Trump rất phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. (4)

Sau khi đã tìm hiểu tầm quan trọng của cuộc bầu cử 2020 và các nỗ lực của hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa nhằm lôi kéo sự ủng hộ của khối cử tri Công Giáo đông đảo, chúng ta hãy tìm hiểu các chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) cũng như các Giáo Huấn của Giáo Hội  về bầu cử.

Các nguyên tắc hướng dẫn bầu cử của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK):

Để chuẩn bị cho các tín hữu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2020, HĐGMHK đã phổ biến hai tài liệu hướng dẫn bầu cử sau đây:

  • “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân” (“Forming Consciences for Faithful Citizenship”) phiên bản 2019.
  • “THÁCH ĐỐ ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM ĐỂ LÀM TÍN HỮU CÔNG DÂN” (“The Challenge of Forming Consciences for Faithful Citizenship”). Tài liệu ngắn này là bản tóm lược chính thức về suy tư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân (được ấn hành năm 2020 trên trang web của HĐGMHK).

Tài liệu “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân” gồm một Thư Mở Đầu mới (Introductory Letter) và phần hướng dẫn mục vụ để giúp các người Công Giáo ở Hoa Kỳ thực thi trách nhiệm chính trị cho thích đáng.  

Thư Mở Đầu đáp ứng với những tiến triển xã hội và chính trị ở Hoa Kỳ, nhất là đề cập tới sự tôn trọng sinh mạng con người và nhân phẩm, cũng như các chỉ dẫn và giáo huấn của ĐTC Phanxicô, và Lời Nguyện Cho Cử Tri Tín Hữu (Prayer for Faithful Citizenship). Còn phần hướng dẫn mục vụ gồm 3 phần: phần I, II, và III vẫn được giữ nguyên như bản hướng dẫn năm 2015.

Thư Mở Đầu mới nhấn mạnh đến vấn đề chống phá thai là mối “ưu tiên tiên quyết (preeminent priority) của chúng ta để bảo vệ sự sống con người, bởi vì phá thai trực tiếp tấn công mạng sống con người, bởi vì phá thai xảy ra trong khung cảnh thánh thiêng của gia đình, và bởi vì phá thai đã tiêu diệt qúa nhiều sinh mạng vô tội. Đồng thời, chúng ta cũng không thể bỏ qua hay lãng quên các đe dọa nghiêm trọng khác đến đời sống con người như phân biệt chủng tộc, khủng hỏang môi sinh, nạn nghèo đói và án tử hình.

Trong phần hướng dẫn mục vụ, HĐGMHK nhấn mạnh rằng trên nguyên tắc, Giáo Hội không buộc chúng ta phải bầu cho đảng nào hay ứng cử viên nào, nhưng đưa ra những chỉ dẫn để giúp cho các tín hữu quyết định một cách đúng đắn. Các Giám Mục Hoa Kỳ nhắc nhở các tín hữu phải hiểu biết về trách nhiệm chính trị của mình căn cứ trên sự phát triển một “lương tâm được đào luyện thuần thục” (“well-formed conscience”).

Tài liệu này cũng nhắc nhở vai trò của các linh mục là phải giúp giáo dân lượng định giáo huấn của giáo hội, lương tâm cá nhân của họ và các lập trường khác biệt của mỗi ứng cử viên trước khi bỏ phiếu, ngõ hầu giúp họ đào luyện lương tâm phù hợp với chân lý của Thiên Chúa. HĐGMHK cũng minh định rằng “trách nhiệm lựa chọn trong đời sống chính trị là tùy thuộc vào mỗi cá nhân dưới sự soi sáng của lương tâm được đào luyện thuần thục, và sự tham gia chính trị còn vượt lên trên việc bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử nhất định.”

Tài liệu hướng dẫn này của HĐGMHK cũng chỉ dẫn các tín hữu cách chọn lựa giữa hai ứng cử viên mà cả hai nghị trình hành động của họ đều không hòan tòan phù hợp với tín lý và các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Trong điều 34 của tài liệu này, HĐGMHK nhắc nhở giáo dân không được bỏ phiếu cho ứng cử viên nào có lập trường ủng hộ một điểu tự nó là sự dữ, như phá thai hay kỳ thị chủng tộc. Nếu không, họ sẽ mắc tội hợp tác với sự dữ nghiêm trọng.

“34. Người Công Giáo thường phải đương đầu với những chọn lựa khó khăn về việc phải bỏ phiếu ra sao. Đó là lý do tại sao bỏ phiếu theo một lương tâm được đào luyện kỹ càng là điều cần thiết để nhận ra những tương quan chính đáng giữa những điều tốt về luân lý. Một người Công Giáo không được bỏ phiếu cho một người có lập trường ủng hộ một điểu tự nó là sự dữ, như phá thai hay kỳ thị chủng tộc, nếu một người có ý định ủng hộ lập trường này. Trong những trường hợp như thế, một người Công Giáo sẽ mắc tội chính thức hợp tác với sự dữ nghiêm trọng. Đồng thời, một người cũng không được dùng việc một ứng cử viên chống lại sự dữ này để biện minh cho sự lơ là hay không quan tâm của ứng cử viên ấy đến những vấn đề luân lý quan trọng khác liên quan đến sự sống và phẩm giá con người.”

Còn trong điều 35 của tài liệu này, HĐGMHK hướng dẫn giáo dân cân nhắc việc bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ một điểu tự nó là sự dữ (an intrinsically evil act) chỉ vì họ coi trọng những vấn đề luân lý trầm trọng khác.    

“35. Đôi khi có thể một người Công Giáo không chấp nhận một lập trường ủng hộ một điểu tự nó là sự dữ của một ứng cử viên nhưng quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên ấy vì những lý do luân lý trầm trọng khác. Chỉ có thể được phép bỏ phiếu như thế vì những lý do thật sự trầm trọng về luân lý, chứ không phải vì thăng tiến những quyền lợi hạn hẹp hay trung thành với đảng phái hoặc coi thường những sự dữ về luân lý căn bản.” (5) Tóm tắt về việc chọn những chọn lựa luân lý trong việc bầu cử, trong tài liệu “THÁCH ĐỐ ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM ĐỂ LÀM TÍN HỮU CÔNG DÂN” (“The Challenge of Forming Consciences for Faithful Citizenship”), các Giám Mục Hoa Kỳ không bảo người Công Giáo phải bầu cử thế nào; nhiệm vụ có những chọn lựa chính trị là của mỗi người và lương tâm được hình thành đúng cách của người ấy, được giúp đỡ bởi nhân đức khôn ngoan cẩn trọng. Việc thực hành này của lương tâm bắt đầu với việc luôn luôn chống lại những chính sách xâm phạm đến sự sống con người và làm yếu đi việc bảo vệ nó.

”Là người Công Giáo, chúng ta không phải là những cử tri chỉ tranh đấu cho một vấn đề duy nhất. Lập trường của một ứng cử viên về một vấn đề duy nhất không đủ để đảm bảo sự ủng hộ của các cử tri. Nhưng lập trường của một ứng cử viên về một vấn đề duy nhất liên quan đến một sự dữ tự bản chất, như ủng hộ phá thai hợp pháp hay cổ võ việc kỳ thị chủng tộc, có thể đưa đến việc ứng cử viên ấy không đáng nhận được sự ủng hộ của một cử tri.” (6)

Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về bầu cử

  • Về tham gia chính trị và bầu cử:

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo buộc các người Công Giáo phải tham gia vào tiến trình chính trị, bao gồm cả việc bỏ phiếu bầu: “Sự tuân phục chính quyền và đồng trách nhiệm vì công ích buộc công dân phải đóng thuế, thực thi quyền bầu phiếu, và bảo vệ quốc gia” (điều 2240). Tuy nhiên, sách Giáo Lý Công Giáo, ấn bản năm 1993, cũng minh định rằng: “Các mục tử của Giáo Hội không được tham gia trực tiếp vào cơ cấu và tổ chức chính trị của đời sống xã hội. Công việc này là một phần của ơn gọi của tín hữu giáo dân, họ hành động theo sáng kiến riêng với tư cách công dân của họ.

Giáo Luật điều 287 cũng quy định rằng các linh mục “không được đóng một vai trò tích cực trong các chính đảng và trong việc điều hành các nghiệp đoàn lao động trừ trường hợp, được phép của đấng bề trên có thẩm quyền, để bảo vệ các quyền của Giáo Hội hoặc cổ võ cho công ích”.

  • Về bảo vệ quyền sống của con người:

Giáo huấn của Giáo Hội dậy rằng quyền sống (“right to life”) là quyền tối thượng của con người; nên sự hủy họai sinh mạng của một người vô tội một cách trực tiếp và cố ý là điều đi ngược lại với tín lý, và vì vậy người tín hữu không được bầu cho ứng cử viên nào ủng hộ quyền phá thai hay trợ tử.

Trong tài liệu “Samaritanus bonus” (Người Samari nhân hậu), thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin “về việc chăm sóc những người bệnh nặng và ở giai đoạn cuối đời”, được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào tháng 6 vừa qua và được công bố ngày 22 tháng 9 năm 2020, Giáo Hội tái lên án mọi hình thức “an tử” và “trợ tử”, và kêu gọi hỗ trợ các gia đình và các nhân viên y tế. Thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Giá trị bất khả xâm phạm của sự sống là một chân lý cơ bản của quy luật đạo đức tự nhiên và là nền tảng thiết yếu của trật tự pháp lý”.

Giáo hội nhắc lại như một “giáo huấn chắc chắn” rằng “an tử là một tội ác chống lại sự sống con người“, một hành vi “tự bản chất là xấu xa trong bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nào“. Do đó, bất kỳ sự hợp tác trực tiếp nào cũng đều là tội trọng chống lại sự sống con người mà không có thẩm quyền nào “có thể áp đặt hoặc cho phép một cách hợp pháp“. Do đó, “những người phê chuẩn luật về an tử và trợ tử là đồng lõa với tội trọng“.  (7)

  • Một số vấn đề luân lý rất quan trọng khác

Ngòai vấn đề quyền sống tối thượng nêu trên, ĐTC Phanxicô cũng nhắc nhở các cử tri tín hữu cũng phải quan tâm cân nhắc một số vấn đề luân lý rất quan trọng khác như di dân, tái định nghĩa hôn nhân dân sự, tinh bài ngoại, phân biệt chủng tộc, thỏa hiệp về tự do tôn giáo, xung đột tòan cầu, và chăm sóc tạo vật của Thiên Chúa. Đó là các vấn đề luân lý nghiêm trọng thách đố lương tâm chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải quan tâm khi đi bầu. (8)

Bỏ phiếu như thế nào mới hợp với đức tin Công Giáo

Nhiều tín hữu Công Giáo yêu cầu Đức Cha Donald Joseph Hying, giám mục giáo phận Madison, Wisconsin, chỉ dẫn cho họ cách bỏ phiếu như thế nào mới hợp với đức tin Công Giáo trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. 

Ngài nhắc nhở mọi người rằng trước hết mọi sự, chúng ta thuộc về Đấng Cứu Thế. Chúng ta là các tin hữu Công Giáo trước khi chúng ta là công dân Hoa Kỳ và trước khi chúng ta là thành phần của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta; giáo huấn của Ngài và các chân lý luân lý của Giáo Hội hướng dẫn chúng ta trong mọi lãnh vực của cuộc sống, kể cả bầu cử.

Về vấn đề bầu cử, Giáo Hội sẽ không ủng hộ bất cứ ứng cử viên hoặc đảng phái nào. Vai trò của cha chánh xứ là dậy và rao giảng Đức Tin, ngõ hầu các giáo dân có thể bỏ phiếu với một lương tâm được đào luyện, ngay cả khi chúng ta biết rằng không một ứng cử viện hay đảng phái nào có thể đại diện cho tất cả các gía trị và niềm tin của chúng ta. Đức Cha khuyên các giáo dân nên đọc tài liệu hướng dẫn bầu cử của HĐGMHK: “Đào Luyện Lương Tâm Cho Cử Tri Tín Hữu”  (Forming Consciences for Faithful Citizenship). Tài liệu hướng dẫn này nhấn mạnh đến vấn nạn phá thai là vấn đề “tiên quyết” (preeminent priority) của chúng ta bởi vì phá thai vượt lên trên tất cả các vấn đề luân lý hệ trọng khác mà quốc gia chúng ta đang phải đối mặt. Giáo Hội Công Giáo luôn luôn lên án phá thai như một sự dữ tự bản chất và rất trầm trọng vì nó tiêu diệt mạng sống con người ngay từ trong giai đọan phát triển sớm nhất. Giáo Hội luôn luôn đứng lên bảo vệ sinh mạng con người và phẩm giá của mỗi người từ lúc còn trong bào thai.

Đức Cha nhắc lại lời của Thánh Giáo Hòang Gioan-Phaolô II rằng “Tất cả các đòi hỏi về nhân quyền – chẳng hạn như quyền về y tế, về nhà ở, về công ăn việc làm, về gia đình, về văn hóa – chỉ là giả tạo và ảo ảnh nếu quyền sống, một quyền căn bản và nền tảng và điều kiện cho tất cả các quyền cá nhân khác, không được bảo vệ bằng quyết tâm tối đa.”

Lời của Thánh Giáo Hòang Gioan-Phaolô II trên đây khiến cho Đức Cha, với tư cách cá nhân, không thể bầu cho ứng cử viên tổng thống nào ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

Cuối cùng Đức Cha nhắm nhủ mọi tín hữu cử tri rằng khi chúng ta đi bỏ phiếu vào mùa thu này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện, học hỏi giáo huấn của Giáo Hội, đào luyện và xét lương tâm để bỏ phiếu dưới sự soi sáng của các nguyên tắc Công Giáo của chúng ta. (9)

Bầu cho một người Tin Lành tốt hơn là bầu cho một người Công Giáo xấu

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 22-9-2020 dành cho báo National Catholic Register, Đức Hồng Y Müller, nguyên Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin của Tòa Thánh, không minh thị ủng hộ cho một ứng cử viên nào, nhưng minh thị rằng bất cứ chính trị gia Công Giáo hay có đạo nào tích cực ủng hộ phá thai và trợ tử thì “không đáng được bầu” (“not eligible for election”).

ĐHY Muller thúc dục cử tri bầu cho các ứng cử viên nào bảo vệ sự sống vì sự sống thì quan trọng hơn công bằng xã hội (social justice). ĐHY cũng nói rằng người ta không thể đặt ngang hàng sự ủng hộ án tử hình và môi sinh với sự ủng hộ phá thai.

Nói về trách nhiệm của công dân trong một quốc gia đa nguyên, ĐHY người Đức nói rằng: “Tôi không ủng hộ một ứng cử viên ở Đức bởi vì ông ta là người Công Giáo, nhưng bởi vì ông ta hiểu đúng về đời sống và nhân quyền. Thà bầu cho một người Tin Lành tốt hơn là bầu cho một người Công Giáo xấu.” (10)

Lời bàn thêm của người viết: Trong câu trích dẫn trên, dù ĐHY Muller không nói rõ ra, nhưng ai cũng hiểu TT Trump là người gốc Đức và theo đạo Tin Lành (Protestant), có lập trường chống phá thai; còn ông Biden là người Công Giáo nhưng ủng hộ phá thai.

Những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020

Philip Lawler của Catholic World News có bài xã luận đề cập tới những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020. Dưới đây là một số trích đoạn về các vấn đề đạo đức cơ bản như phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính và bản sắc phái tính.

“Năm nay áp xuất tuyên truyền sẽ đặc biệt được chú ý vì đất nước chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta đang bị chia rẽ nghiêm trọng, các cuộc đối đầu bạo lực đang lan rộng và leo thang, và có sự khác biệt ngày càng lớn về quan điểm đối với các vấn đề đạo đức cơ bản. Cứ 4 năm một lần các đảng phái nói rằng họ sợ hãi trước khả năng các đối thủ của họ có thể lên nắm quyền. Năm nay tôi nghĩ họ thực sự nghĩ như vậy.

Tối thiểu là đối với những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta có các lý do để sợ hãi. Các chính trị gia theo chủ nghĩa cấp tiến cực đoan không chỉ đe dọa ban hành các chính sách mà chúng ta thấy ghê tởm, mà còn đóng cửa các tổ chức của chúng ta và tống chúng ta vào tù nếu chúng ta chống lại các sáng kiến của họ.

Trong những năm qua, những người ủng hộ sự sống đã lo lắng rằng những người theo chủ nghĩa cực đoan sẽ hợp pháp hóa việc phá thai… rằng họ sẽ buộc người đóng thuế phải trả tiền cho việc phá thai… rằng họ sẽ biến việc chấp nhận phá thai trở thành một điều kiện để nhận viện trợ của Mỹ ở nước ngoài… rằng họ sẽ cho phép thanh thiếu niên được phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ… rằng họ sẽ đóng cửa các trung tâm trợ giúp mang thai không cung cấp giấy giới thiệu phá thai. Tất cả những lo sợ đó đã được chứng minh là hợp lý.

Tương tự như vậy, các Kitô hữu từng lo lắng rằng chính phủ sẽ cho phép các hành vi đồng tính luyến ái… sẽ công nhận quan hệ đồng giới… sẽ đặt những quan hệ đối tác đó ngang hàng với hôn nhân về phương diện pháp luật… sẽ khuyến khích những người trẻ chấp nhận đồng tính luyến ái… sau đó sẽ thúc giục sự chấp nhận các lựa chọn tình dục khác… và tán thành việc thay đổi bản sắc để theo đuổi “bản sắc phái tính” mới. Tất cả những điều đó, cũng đã được thông qua.

Đảng chính trị nào đã thúc đẩy pháp luật để bịt miệng những người biểu tình ủng hộ cuộc sống trên các vỉa hè bên ngoài các phòng khám phá thai? Đảng nào đã gợi ý rằng các thành viên của đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố không đủ điều kiện để làm thẩm phán liên bang? Đảng nào đã ủng hộ các vụ kiện đòi phải đóng cửa những người làm bánh đã chọn không phục vụ cho đám cưới đồng tính? Các thống đốc của đảng nào đã đi đầu trong việc đóng cửa các nhà thờ trong thời kỳ đại dịch Covid — trong khi các phòng khám phá thai vẫn được mở cửa? Nghị quyết của đảng nào đã tán thành các chính sách chụp mũ Tin Mừng là các “diễn từ căm thù” để khiến các Kitô hữu phải đứng sau song sắt nếu rao giảng Tin Mừng?

Tóm lại, đối với nhiều người trong chúng ta, câu hỏi quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay là: Ứng cử viên tổng thống nào có nhiều khả năng khiến bạn phải ngồi tù hơn? Không có gì ngạc nhiên khi các luận điệu đang được tung ra rất là nóng.” (11)

Tôi sẽ bầu cho ai: Donald Trump hay Joe Biden?

Trên đây người viết chỉ làm công việc nhắc lại các Giáo huấn của Giáo Hội cũng như các chỉ dẫn của HĐGMHK về bầu cử, và những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020. Chỉ còn khỏang hơn 30 ngày nữa là đến ngày bầu cử ngày 3 tháng 11, các cử tri bầu cho ai là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng các tín hữu Công Giáo không được bỏ phiếu cho các ứng cử viên nào ủng hộ và cổ võ các hành vi xấu xa tự bản chất (intrinsically evil acts). Các hành vi xấu xa hay các sự dữ nói đây là phá thai, trợ tử, hôn nhân đồng tính và án tử hình vì đi ngược lại tín lý và luân lý Công Giáo.

Riêng đối với cá nhân người viết, người viết cũng nhận thức được rằng cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm nay không đơn thuần là bầu cho Donald Trump của Đảng Cộng Hòa hay Joe Biden của Đảng Dân Chủ, nhưng là sự lựa chọn giữa chế độ Tư Bản Tự Do và Xã Hội Chủ Nghĩa.  Sự lựa chọn này sẽ thay đổi hướng đi của nước Mỹ trong tương lai, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ của con cháu chúng ta, và còn ảnh hưởng đến cục diện chính trị trên tòan thế giới. Là một người Việt đã từng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam và đã phải vượt biên tìm tự do vì không sống dưới chế độ cộng sản tam vô, người viết đã được may mắn đến định cư và hưởng Tự Do tại đất nước Hoa Kỳ này, nên người viết tự nhận thấy mình có trách nhiệm bảo vệ Tự Do cho tương lai của con cháu và cho những thế hệ mai sau. Nếu đất nước Hoa Kỳ tự do và dân chủ nhất thế giới này lại trở thành quốc gia theo Xã Hội Chủ Nghĩa sau cuộc bầu cử tháng 11 này thì người viết và đàn con cháu không còn chỗ nào khác để đi tìm tự do vì TT Ronald Reagan đã từng cảnh báo: “Nếu quyền tự do của chúng ta bị cướp đi tại nơi này thì chúng ta sẽ không có nơi nào khác để trốn thoát.  Đây là nơi dừng chân cuối cùng trên trái đất.

Từ nhận thức trên và trong cương vị là một người Việt tỵ nạn Cộng Sản – mang quốc tịch Hoa Kỳ – và là một tín đồ Công Giáo, người viết nhất định sẽ bầu cho ứng cử viên nào có cương lĩnh chính trị khả thể mang lại tự do no ấm cho người dân và phú cường cho quốc gia Hoa Kỳ; lại có lập trường quyết liệt tiêu diệt xã hội chủ nghĩa và Cộng Sản Tầu, từ đó người Việt quốc gia có cơ may quang phục đất nước Việt Nam tự do dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời bảo vệ quyền sống và nhân phẩm con người từ khi còn trong lòng mẹ cho đến khi chết tự nhiên, và tôn trọng tự do tôn giáo. Ứng cử viên đó không thể là ai khác, ngoài Donald Trump!

Thay Lời Kết: Lời Nguyện Cho Cử Tri Tín Hữu (Prayer for Faithful Citizenship) của HĐGMHK

Lạy Chúa Cha đầy lòng thương xót,

Chúng con cảm tạ Cha đã mời gọi mỗi người chúng con tham gia vào công cuộc xây dựng vương quốc của tình thương, công lý, và hòa bình.

Xin Cha hãy kéo chúng con đến gần Cha trong cầu nguyện khi chúng con nhận thức được ơn gọi trong gia đình và cộng đồng của chúng con.

Xin sai chúng con ra đi gặp gỡ tất cả những người Cha yêu thương: những người chưa được sinh ra đời, những người nghèo khó, những người bị hất hủi đang cần được tiếp rước.

Xin thúc đẩy chúng con biết đáp trả lại lời mời gọi thành người công dân trung tín, trong mùa bầu cử và hơn thế nữa.

Xin giúp chúng con noi theo lòng bác ái và nhiệt tâm của Cha và biết phục vụ như các người ưa chuộng đối thoại.

Xin dậy chúng con đối xử với tha nhân với lòng kính trọng, ngay cả khi chúng con bất đồng, và biết chia sẻ tình thương và lòng thương xót của Cha.

Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, người hằng sống và ngự trị cùng với Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen (12)

_______________________________

Cước Chú:

(1): Nguồn: Báo Úc và luật sư nhân quyền người Hoa cảnh báo: Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ quyết định vận mạng thế giới
youtu.be/yiNG68oscIY

(2): Nguồn: Chuyện trò với GS Jonathan London về bầu cử tổng thống Mỹ 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53748684?fbclid=IwAR2Jmr46Nn9AV_Qd4z7qEcH8-S3_yPveiZ-esLxg1XlEqdRyiOaSxUrXRWA

(3) Nguồn: Preaching and the Election: How Not to Get in Trouble but Still Be Effective

https://www.ncregister.com/commentaries/preaching-and-the-election-how-not-to-get-in-trouble-but-still-be-effective

(4) Nguồn: Donald Trump and Joe Biden Campaigns Intensify Faith-Outreach Efforts — With a Focus on Catholics.

https://www.ncregister.com/news/donald-trump-and-joe-biden-campaigns-intensify-faith-outreach-efforts-with-a-focus-on-catholics

(5) Nguồn: Forming Consciences for Faithful Citizenship

https://www.usccb.org/issues-and-action/faithful-citizenship/forming-consciences-for-faithful-citizenship-title

Điều 34 và 35 được trích từ bản dịch sang Việt Ngữ “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Công Dân Trung Tín” phiên bản năm 2011 của Phạm Xuân Khôi, Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ.

(6) Nguồn: Tài liệu “THÁCH ĐỐ ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM ĐỂ LÀM TÍN HỮU CÔNG DÂN” (“The Challenge of Forming Consciences for Faithful Citizenship”) do Phạm Xuân Khôi dịch theo bản tóm lược chính thức về suy tư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân được ấn hành năm 2020 trên trang web: https://www.usccb.org/issues-and-action/faithful-citizenship/upload/The-Challenge-of-FormingConsciences-for-Faithful-Citizenship-Part-1.pdf và https://www.usccb.org/issues-and-action/faithfulcitizenship/upload/The-Challenge-of-Forming-Consciences-for-Faithful-Citizenship-Part-2.pdf.

 (7) Nguồn: “An tử luôn là tội ác chống lại sự sống. Không thể chữa được không có nghĩa là chấm dứt chăm sóc”

https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-09/samaritanus-bonus-an-tu-dtc-phanxico-bo-giao-ly-duc-tin.html

(8) Nguồn: Explainer: Yes, Catholics can vote for Democrats. (They can vote for Republicans, too!)

https://www.americamagazine.org/faith/2020/09/15/can-catholics-vote-for-democrats-republicans

(9)  Nguồn: How to vote according to our Catholic faith

(10) Nguồn: Cardinal Müller Looks at US Politics, the 2020 Election and Catholic Conscience

https://www.ncregister.com/interview/cardinal-mueller-looks-at-us-politics-the-2020-election-and-catholic-conscience

(11) Nguồn: Những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020

http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/258516

(12) Nguồn: Lời Nguyện Cho Cử Tri Tín Hữu (Prayer for Faithful Citizenship) của HĐGMHK do người viết dịch từ tài liệu “Forming Consciences for Faithful Citizenship” đăng trên website của HĐGMHK:

https://www.usccb.org/issues-and-action/faithful-citizenship/upload/forming-consciences-for-faithful-citizenship.pdf

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 6/10/2024. Cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai ứng viên Phó tổng thống Vance – Walz: Ai thắng, ai thua? Ý nghĩa Gì?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tranh luận Trump-Harris: Cử tri gốc Việt kỳ vọng gì?
    VOA Tiếng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/8/2024. Đại hội đảng Dân Chủ. Harris: Nhận ngọn đuốc từ Biden, sẽ lãnh đạo đảng đến chiến thắng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Quyết định lịch sử của Joe Biden đặt ra thách thức cho Kamala Harris
    Edward Luce