Một câu hỏi khá dài được gởi đến Facebook Messenger của người viết, tóm tắt như sau: “Donald Trump thì sao và Joe Biden thì sao, liệu chính sách đối với Trung Cộng (TC) của họ có khác nhau không?”

Từ góc nhìn của Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) câu trả lời là không.

Những ai có hiểu biết kinh tế chính trị căn bản không ảo tưởng rằng TC sẽ sụp đổ trong vài năm hay ngay cả vài chục năm. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là một trật tự mới đang được hình thành tại Á Châu dưới tên gọi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) và dù các tổng thống Mỹ là ai, chiến lược đó cũng sẽ không thay đổi.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) là chiến lược của thời đại. Báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tháng 6, 2019 khẳng định:” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực mang lại nhiều hậu quả nhất cho tương lai của Mỹ.”

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) đã được giới thiệu từ 2007 nhưng phần lớn được thảo luận trong giới hàn lâm và phân tích. Năm 2017, TT Mỹ Donald Trump chính thức đưa ra trong hội nghị của APEC tại Đà Nẵng và thêm hai mệnh đề chính “tự do và mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (free and open Indo-Pacific).

Tháng 6, 2018, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James N. Mattis cam kết: “Hoa Kỳ cung cấp các quan hệ đối tác chiến lược, không phải phụ thuộc chiến lược. Cùng với các đồng minh và đối tác, Hoa Kỳ cam kết để duy trì an ninh của khu vực, sự ổn định và sự thịnh vượng kinh tế của nó. “

Tháng 6, 2020, một nghiên cứu chi tiết của Tiến sĩ Roger Cliff trong The National Bureau Of Asian Research cho thấy các quan tâm chính của Hoa Kỳ khi theo đuổi chiến lược này: (1) Bảo vệ Hoa Kỳ trước các mối đe dọa trực tiếp bắt nguồn từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (2) Duy trì an ninh và sức mạnh của các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. (3) Tiếp tục tiếp cận một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năng động về kinh tế. (4) Hòa bình và ổn định khu vực. (5) Phòng chống sự lan rộng của vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học. (6) Nhân quyền, tự do và dân chủ. (7) Một môi trường thiên nhiên lành mạnh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Giống như bang giao giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, giọng điệu ngoại giao và một số các phương pháp ngắn hạn có thể khác trong mỗi thời kỳ tổng thống nhưng mục tiêu dài hạn cô lập và ngăn chặn sự bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Cộng sẽ không thay đổi dù tổng thống nào.

Khác với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement, TPP), Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương có sự tham gia tích cực của một Ấn Độ trỗi dậy trong thế kỷ 21. Cũng khác với TPP đặt nặng quan hệ mậu dịch và có cả cơ hội cho TC tham gia, Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương ngoài mậu dịch còn đặt nặng vấn đề an ninh, tự do và nhắm thẳng vào đối tượng cạnh tranh là TC.

Các nhà phân tích thường tranh luận có hay không một “Chiến Tranh Lạnh” khác tại Á Châu. Một số cho là không và một số cho là có. Thật ra, có hay không chỉ khác nhau trong cách dùng từ, góc nhìn và điều kiện phát triển của thời đại mới nhưng bản chất xung đột giữa tự do dân chủ và độc tài chuyên chế vẫn giống nhau.

Với tham vọng đế quốc, TC sẽ phải tiếp tục tìm mọi cách để bành trướng. Đáp lại, Mỹ và đồng minh sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn.

Bài học trong quá khứ phải được các nhà kiến trúc chính trị Mỹ tái đánh giá. Chính sách Mỹ đối với TC trong 40 năm từ Jimmy Carter (1977-1981) cho đến hết nhiệm kỳ thứ nhất của TT Barack Obama về căn bản không thay đổi.

Khi bắt tay với TC TT Nixon nhắm tới mục đích trung lập hóa (neutralize) TC trong chiến tranh lạnh và cả chiến tranh nóng nếu có với Liên Xô.

Các lãnh đạo Mỹ cũng tin rằng TC sẽ tự chuyển hóa sang tự do dân chủ một khi nền kinh tế phát triển cao.

Lý luận cách mạng cổ điển là một khi thành phần trung lưu gia tăng các nhu cầu phi kinh tế trong đó có các giá trị tinh thần, các quyền tự do căn bản cũng gia tăng theo và tạo thành sức bộc phá trong xã hội. Nếu quả thật các vị tổng thống và một số nhà phân tích dựa trên tin tưởng như vậy thì điều đó chưa xảy ra mặc dầu giới trung lưu tại TC được ước lượng lên tới trên 400 triệu người.

Thật ra, quan điểm về vai trò và sự đóng góp của giới trung lưu trong tiến trình cách mạng dân chủ chưa hẳn đã sai. Các nhà lập thuyết, kể cả Karl Marx đều dựa trên sự tác động tương ứng giữa kinh tế và chính trị như là lực thúc đẩy sự thay đổi của các hình thái xã hội. Marx cho rằng mức độ xã hội hóa của một nền kinh tế là yếu tố quyết định dẫn đến sự thay đổi cơ chế chính trị.

Nhưng thời gian bao lâu để các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội bùng vỡ thành cách mạng thì không ai tiên đoán được.

Tuy nhiên, phong trào Thiên An Môn cho thấy dù lâu hay chậm, các mâu thuẫn đối kháng đang hiện hữu trong xã hội TC. Thiên An Môn bùng nổ mười năm sau thời kỳ “đổi mới” không phải do sự nghèo đói mà từ khát vọng tự do. Khát vọng của con người không bao giờ chết. Bất cứ khi nào có điều kiện, một Thiên An Môn khác sẽ bùng nổ với cường độ mạnh hơn trước.

Trong số sáu vị tổng thống từ Jimmy Carter tới Barack Obama, Ronald Reagan đã nghĩ tới việc một ngày nào đó sẽ phải cô lập Trung Cộng. Ông cương quyết ủng hộ Đài Loan. Năm 1982 TT Reagan đề ra chính sách “Sáu Bảo Đảm” (Six Assurances) đối với Đài Loan trong đó có ba bảo đảm quan trọng là “(2) Tiếp tục áp dụng Đạo Luật Taiwan Relations Act trong đó khẳng định “Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan các dụng cụ và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ”, (3) Hoa Kỳ sẽ không cần phải tham khảo với TC khi bán võ khí cho Đài Loan và (6) Hoa Kỳ có thể sẽ không chính thức công nhận chủ quyền của TC đối với Đài Loan.

Hôm kia, 12 tháng 11, 2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhắc lại chính sách của TT Reagan: “Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc” và ông nhấn mạnh “Điều đó đã được ghi nhận phù hợp với công việc mà chính quyền Reagan đã làm để đưa ra các chính sách mà Hoa Kỳ đã tuân thủ trong suốt ba thập niên rưỡi đến nay.”

Tập mới hứa là sẽ trả thù câu nói của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Khi mục đích cô lập Liên Xô không còn cần thiết, lẽ ra các chính phủ Mỹ nên thay đổi hay ít nhất điều chỉnh chính sách đối với TC từ sau hội nghị Malta giữa Bush Cha và Mikhail Gorbachev vào đầu tháng 12, 1989, qua đó hai lãnh đạo một cách không chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

Nhưng không. Lòng tham không đáy của giới tư bản, giới đầu tư Mỹ và các tổng thống chủ trương hòa hoãn với TC nhất là Bill Clinton đã tiếp tục góp phần đưa TC từ một nước CS nghèo nàn với GDP chỉ 218 tỉ dollar thời điểm tháng 1, 1979 khi TT Jimmy Carter thiết lập quan hệ ngoai giao hoàn toàn với Trung Cộng, thành một cường quốc độc tài chuyên chính với GDP 14,363 tỉ dollar năm 2019.

TC phụ thuộc vào Mỹ để làm giàu nhưng Mỹ cũng phụ thuộc vào TC để thỏa mãn các nhu cầu tiêu thụ.

Mậu dịch giữa hai nước gia tăng từ 5 tỉ dollar năm 1980 tới 231 tỉ dollar năm 2004. Cái giá để có hàng hóa tiêu dùng rẻ là hàng ngàn cơ xưởng sản xuất của Mỹ mất đi không trở lại.

Tiền của dư thừa do thặng dư mậu dịch đã tạo điều kiện cho TC không chỉ duy trì quyền cai trị tại lục địa mà còn để biến Phi Châu nghèo nàn chịu đựng ách độc tài thành một thuộc địa đỏ mênh mông.

Ngoài ra, TC có thêm phương tiện xây dựng bảy căn cứ quân sự trên biển để khống chế Biển Đông và biến giấc mơ đại hán thành hiện thực vào năm 2049. Bàn tay TC dính máu của bao nhiêu triệu người dân cùng khổ khắp thế giới.

Hình ảnh con chồn Đặng Tiểu Bình khúm núm trước TT Jimmy Carter như trong bức hình chụp ngày 31 tháng 1, 1979 tại East Room của Tòa Bạch Ốc nay đã hóa thành con cáo Tập Cận Bình. Bẫy một con cáo khó khăn hơn nhiều so với bẫy một con chồn.

Hẳn nhiên là khó nhưng gió đã đổi chiều và sẽ không thổi ngược. Thời kỳ “múa gậy vườn hoang” đã qua. Tập Cận Bình cũng nhận ra điều đó.

Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là chiến lược của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21.

Nhiệm kỳ của một tổng thống Mỹ bốn năm hay tám năm cũng chỉ là một đoạn đường trong hướng đi mang tính thời đại của nước Mỹ.

TT Harry Truman chính thức làm tổng thống chỉ một nhiệm kỳ nhưng chủ thuyết mang tên ông bắt đầu từ ngày 12 tháng 3, 1947 đã được các đời tổng thống Cộng Hòa lẫn Dân Chủ áp dụng dưới nhiều hình thức mãi cho tới khi Liên Xô sụp đổ 1991. Trong 44 năm đó, nhiều tổng thống có khi chống nhau kịch liệt nhưng về nội dung căn bản đều không đi ngược với Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine) như người viết đã trình bày trong bài “Học Thuyết Chính Trị Và Nhiệm Kỳ Của Một Tổng Thống Mỹ” đăng trên Facebook.

Cũng trong nghiên cứu của Tiến sĩ Roger Cliff, các biện pháp cần thiết mà Hoa Kỳ nên thực hiện, trong đó có: (1) Tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với các nền dân chủ. (2) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nền dân chủ. (3) Tăng cường khả năng phòng thủ của các nền dân chủ. (4) Giúp chấm dứt xung đột nội bộ trong các nền dân chủ. (5) Giúp tăng cường các thể chế dân chủ ở tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. (6) Giảm các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài đối với các nền dân chủ. (7) Tăng cường khả năng của Mỹ để bảo vệ các nền dân chủ. (8) Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở các nước phi dân chủ.

Tám điểm nêu trên đều dựa vào tiền đề dân chủ và đặt trên nền tảng dân chủ. Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã không có nếu Ấn Độ là một nước độc tài đảng trị như TC. Một người Việt Nam, dù nhất thời đang phải đứng ở đâu cũng nên ý thức điều đó và làm mọi cách thúc đẩy tiến trình cách mạng dân chủ để đưa đất nước hội nhập vào dòng thác văn minh nhân loại.

Trần Trung Đạo

Bài liên quan:
  • Trump 2.0 có thể khiến Trung Quốc đau đầu ở Đông Nam Á
    Derek Grossman
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 6/7/2024. Hiện diện của Nga tại Ấn Độ-Thái Bình Dương: Trục ‘ma-quỷ’ sẽ thay đổi địa chính trị trong khu vực?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Ấn Độ ở Đông Nam Á
    Derek Grossman
  • HỘI LUẬN 1/1/2022. Tổng Kết Chiến Lược Ấn Độ-TBD, Biển Đông, Đài Loan và Hướng Đi Mới
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN 04/09/2021. Afghanistan Thời Hậu-Mỹ; Biển Đông Với Luật An Ninh Hàng Hải Mới của TC
    BS Nguyễn Trọng Việt