Nhiều bạn trẻ ngày nay sống chung với nhau mà không cần hôn thú. Chậm kết hôn, và khi kết hôn lại không muốn sinh con, hoặc có thì chỉ sinh một hay hai đứa con là cùng.
Theo những số liệu mới nhất của Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ (the U.S. Census Bureau) năm 2017, tuổi trung bình lần đầu của phụ nữ kết hôn là 27,4 tuổi, nam giới là 29,5 tuổi. Thống kê của viện Gallup cũng cho biết, một nửa người lớn tuổi quan niệm rằng 2 đứa con là con lý tưởng cho một gia đình, tuy nhiên, khoảng 26% ý kiến chung cho rằng ba con là tốt. Hai con cũng là ý kiến của chung thuộc các quốc gia Âu Châu. [1]
Một số còn đi xa hơn nữa, họ quan niệm đời sống hôn nhân chỉ là một kết hợp giữa hai người bất kể trai hay gái, nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà. Ngoài ra, số khác cho rằng hôn nhân chỉ là một đáp ứng tình cảm. Yêu hay không yêu chẳng qua chỉ là những cảm xúc, những rung động của một người dành cho một người khi họ thích và thấy cần nhau.
Câu hỏi được nêu lên ở đây với cái nhìn giáo dục, tâm lý và đạo đức là phải chăng luân lý, đạo đức xã hội đang trên đà xuống dốc? Những tư tưởng và trào lưu cấp tiến, duy vật đang lấn át, đè bẹp những tư tưởng, phong tục, tập quán tốt đẹp của tình yêu, hôn nhân và gia đình? Hoặc những quan niệm và lối sống tuổi trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi chính đời sống hôn nhân, gia đình của cha mẹ họ?
Xã hội và những quan niệm đạo đức xã hội là những chủ đề lớn, rộng rãi bao gồm nhiều lãnh vực. Nhưng nhìn vào đời sống gia đình mà trực tiếp từ cha mẹ, phụ huynh, chúng ta có thể tìm thấy ảnh hưởng này tương đối rõ ràng. Ca dao Việt Nam có câu: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, hoặc ngược lại: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Giá trị thực tế về hai ảnh hưởng đối nghịch này thường được nghe thuật lại, hoặc chính chúng ta chứng kiến mỗi ngày qua những câu chuyện mà giới trẻ trao đổi.
Đại khái:
- Hôn thú chỉ là một tấm giấy. Nó đâu bảo đảm gì cho hạnh phúc của hai vợ chồng. Nếu hai người thích và yêu nhau thì cứ việc sống với nhau, giấy tờ làm chi để rồi sau này nếu chia tay lại gây thêm phiền phức.
- Hôn nhân đâu chỉ dành cho một người đàn ông và một người đàn bà. Dù là nam hay nữ, hễ mình thấy yêu ai thì sống với người ấy. Ngày nay, lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính được xã hội thừa nhận, và luật pháp bảo vệ. Hôn nhân đồng tính đã được hợp thức hóa và công nhận trên 29 nước trên thế giới. [2]
- Lấy chồng sớm làm chi cho khổ. Độc thân vui chơi sướng hơn, chừng nào thấy chán rồi lấy chồng cũng chưa muộn.
- Sinh con làm gì cho cực. Con cái thời nay nuôi dạy vất vả và quá tốn kém. Cùng lắm là đẻ một hoặc hai đứa. Đẻ nhiều nuôi không nổi, mà dạy dỗ cũng không dễ dàng gì.
Ngược lại, về phía cha mẹ và phụ huynh lại thấy băn khoăn, lo lắng, và buồn bã. Nhiều người than thở rằng họ chỉ có một đứa con trai duy nhất nhưng không chịu lấy vợ, hoặc đứa con gái của họ bồ bịch và sống chung với một người con gái khác. Một cách tương tự, có những cha mẹ, đặc biệt các bà mẹ cứ thở dài và thúc dục con cái mau lập gia đình, sớm sinh cháu cho ông bà bế…
LẤY AI? AI LẤY?
Từ nguyên thủy, tình yêu, hôn nhân là sự kết hợp căn bản giữa một người nam và một người nữ [3], có sứ mạng lưu truyền nòi giống [4], bảo đảm những giá trị tinh thần qua việc thực hành hiếu đạo [5]. Nhưng ngày nay, nền tảng hôn nhân và gia đình đang bị chao đảo, phá hủy tận gốc rễ. Rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang gặp khủng hoảng, nghi ngờ về nền tảng cũng như những giá trị của nó.
Một trong những lý do khiến giới trẻ mất niềm tin vào hôn nhân là sự can thiệp thô bạo của phụ huynh trong tình yêu, việc chọn lựa người yêu của con cái. Ít phụ huynh nghĩ rằng do mình, do cuộc sống hôn nhân, gia đình của mình đã ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng trong tình yêu và hôn nhân của con cái.
Hôn nhân là việc trọng đại. Đó là lý do khiến rất nhiều phụ huynh đã lợi dụng để cưỡng bức con phải lấy người mình chọn, mai mối hợp ý mình, hợp nhãn của mình, “môn đăng hộ đối”. Kết quả là có nhiều cặp vợ chồng đã miễn cưỡng lấy người mà cha mẹ chọn cho để rồi sau đó đi đến đổ vỡ. Hoặc cũng có người vì trung thành với mối tình đầu mà ở vậy không bao giờ kết hôn.
Xét về phương diện tôn giáo, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn phiến diện, hẹp hòi, cuồng tín đôi khi dẫn đến chống đối những tôn giáo khác. Phải là người Công Giáo mới được cưới. Ai muốn cưới hoặc lấy con tôi phải “theo Công Giáo”. Phải là người theo Phật Giáo mới được phép lấy nhau. Phải lấy người đồng đạo để còn thờ kính tổ tiên. Trong nhiều trường hợp, hai người yêu nhau, chuẩn bị hôn nhân, nhưng gặp phải rào cản tôn giáo nên đành phải xa nhau.
Tiếp đến là những cái nhìn rất giới hạn về văn hóa, và quan niệm sống. Giữa hiếu và tình. Nhưng thế nào là hiếu? Thế nào là tình yêu? Vì bên hiếu bên tình mà nhiều cặp trai gái đã không đến được với nhau, hoặc đóng kịch đạo đức để lấy nhau mà kết quả sau cùng là ly dị do sức ép hai bên gia đình. Một sự hiểu biết sai lầm và cắt chủ quan về chữ hiếu và đạo hiếu!
Với cái nhìn chuyên môn, theo thống kê 47% con cái của những cha mẹ ly dị đổ vỡ trong hôn nhân. Con cái của những phụ huynh nghiện rượu có nguy cơ trở thành nghiện rượu cao gấp 4 lần so với con cái của những phụ huynh không nghiện rượu.[6] Ảnh hưởng của cha mẹ cũng để lại một dấu ấn trên đời sống tình yêu, tình dục, và quan niệm sống có liên quan đến đời sống đồng tính của con cái sau này. Nhưng theo những nghiên cứu cho biết, con số này cũng chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Tiến sĩ tâm lý học người Tây Ban Nha, Enrique Rojas cho rằng 95% nguyên nhân dẫn tới đồng tính là do các yếu tố của môi trường gia đình như thiếu vắng quan tâm của cha, sự hung dữ của mẹ, hoặc bị lạm dụng tình dục trong lúc còn nhỏ. [7]
HÔN NHÂN CỦA CHA MẸ VÀ TƯƠNG LAI HÔN NHÂN CỦA CON CÁI
Ảnh hưởng gia đình bao gồm những mối tương giao giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt, giữa vợ chồng trong đời sống hôn nhân. Theo Freud, Enrique Rojas, hôn nhân cha mẹ sẽ định hình và xây dựng đời sống phái tính của con cái sau này.
Trong thực tế, nhiều thiếu nữ đã có những cái nhìn tiêu cực về tình yêu và hôn nhân vì chứng kiến những cách đối xử thiếu tôn trọng, thiếu ý thức và nhân văn của cha họ đối với mẹ họ. Thí dụ, nếp sống gia trưởng, vũ phu, đánh vợ, không chia sẻ trách nhiệm gia đình với vợ, bê tha và ươn lười, bỏ bê vợ con nheo nhóc, nhất là ngoại tình … Cũng tương tự, nhiều bạn nam không muốn nghĩ đến yêu đương và chuyện hôn nhân khi thấy cách thức đối xử của mẹ họ với cha họ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Những người vợ đanh đá, chua ngoa, cay nghiệt, ăn quà, chưng diện, lười biếng việc nhà, thiếu đức hạnh là những người mẹ làm cho con trai mình sợ đàn bà, con gái, sợ không muốn lấy vợ. Đó là chưa kể đến những lời than thở, những bất mãn, những tranh cãi, giậy hờn thường ngày giữa cha mẹ mà con cái nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy như những nhân chứng của một đời sống hôn nhân bất hạnh. Trước mắt họ, hôn nhân của cha mẹ là một ngục tù, và sống trong hôn nhân ấy là sống trong hỏa ngục. Với những suy tư ấy, cộng thêm ảnh hưởng xã hội, xu hướng thời thế sẽ dễ dàng khiến nhiều bạn trẻ bị thu hút vào lối sống đồng tính, buông túng, coi thường tình yêu, coi thường hôn nhân, và đời sống gia đình.
Vậy phụ huynh muốn gì nơi con cái, và trông mong gì ở tương lai con cái trong viễn ảnh một gia đình vợ chồng được kết hợp bởi một người nam và một người nữ? Trong gia đình vợ chồng thương yêu nhau, thủy chung, tôn trọng nhau, chia sẻ và đồng trách nhiệm, đồng tâm ý trong việc giáo dục con cái? Tốt hơn hết vẫn là cha mẹ, phụ huynh sống và thực hành lời dạy: “Thầy đã làm gương để anh em noi theo mà bắt chước” (Gioan 13:15).
Con cái sẽ theo gót chân cha mẹ không chỉ trong lãnh vực nghề nghiệp, sở thích, niềm tin, nhưng quan trọng là trong đời sống gia đình với vai trò, trách nhiệm người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Nếu chúng cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho nhau, hạnh phúc hôn nhân của cha mẹ bao phủ đời sống gia đình, đời sống các con cái, chúng cũng sẽ đi theo con đường mà cha mẹ chúng đã đi. Nếu cha mẹ vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con cái ý thức và tự kiềm chế cái tôi ích kỷ để dung hòa và xây dựng một mái ấm hạnh phúc, thì đó sẽ là một gương sáng và khích lệ cho con cái trong bước đường hôn nhân của chúng.
Trong hôn nhân hạnh phúc không chỉ có một người. Hai chữ “chúng mình” là diễn tả ý nghĩa trọn vẹn của hạnh phúc hôn nhân. Dĩ nhiên, cũng sẽ có trường hợp một người sinh ra với bẩm sinh mang sẵn những yếu tố tâm sinh lý đồng tính. Trong trường hợp này, phụ huynh phải tôn trọng, yêu thương và nâng đỡ.
TS Trần Mỹ Duyệt
1.The Atlantic. Family. What Number of Kids Makes Parents Happiest? Zero? Three? Six?
2. Same-sex marriage from Wikipedia, the free encyclopedia.
3. Sáng Thế Ký 1:27.
4. Sáng Thế Ký 1:28.
5. Sách Xuất Hành 20:12; Eph 6:2.
6. Journal of Marriage and the Family, Heritage Foundation Backgrounder, Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry, University of Virginia.
7. Matthew Cullinan Hoffman. Eminent Psychiatrist Says Homosexuality is a Disorder that Can be Cured. LifeSiteNews.com.