___________________

Thỏa Thuận Nguyên Tử Iran (Joint Comprehensive Plan of Action/JCPOA) là đề tài đã gây nhiều tranh luận sôi nổi trong các nhà chiến lược, trên các diễn đàn quốc tế từ nhiều năm qua. Nhưng những tháng gần đây đề tài này lại được bàn luận sôi động hơn khi chính quyền Hoa Kỳ đang mong muốn quay trở lại thỏa thuận này.

Thực hư ra sao? Tốt xấu thế nào? Thỏa thuận này có thực sự giải quyết vấn nạn nguyên tử của Iran?

Bài viết này mong được chia sẻ đến quý bạn đọc một số thông tin liên quan đến hồ sơ này vốn đã kéo dài hàng chục năm để giúp rộng đường dư luận.

A. Tổng quát về nước Iran (Ba Tư).

Nước Iran, còn được gọi là Ba Tư, với tên chính thức hiện nay là Cộng hòa Hồi giáo Iran, là một quốc gia ở vùng Tây Á, thuộc Trung Đông. Iran có biên giới phía tây bắc giáp với Armenia, Azerbaijan; phía bắc giáp biển Caspi; phía đông bắc giáp Turkmenistan; phía đông giáp Afghanistan và Pakistan; phía nam trông ra vịnh Ba Tư (Persian Gulf) và vịnh Oman; còn phía tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Iran với dân số khoảng 83 triệu người, là quốc gia đông dân thứ nhì ở Trung Đông (sau Ai Cập) và thứ 18 trên thế giới. Lãnh thổ Iran rộng 1.648.195 km² (diện tích gấp khoảng 4 lần tiểu bang California), lớn thứ nhì tại Trung Đông và đứng thứ 17 thế giới. Tehran là thủ đô và thành phố lớn nhất của Iran, cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Iran là một quốc gia đa văn hoá với nhiều nhóm dân tộc và ngôn ngữ, trong đó các cộng đồng dân cư lớn nhất là người Ba Tư (61%), người Azeri (16%), người Kurd (10%) và người Lur (6%). Vào năm 2019, GDP là 620 tỷ USD, và 7,500 USD/đầu người.

Iran sở hữu một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào phong phú bao gồm khí đốt tự nhiên với trữ lượng lớn thứ hai thế giới (sau Nga), và mỏ dầu hỏa chiếm 10% trữ lượng dầu trên thế giới và lớn thứ ba sau Ả Rập Saudi. Iran là quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng thứ hai trong khối OPEC, với sản lượng xuất khẩu từ bốn đến năm triệu barrels mỗi ngày.

Triều đình Shah được tái lập sau cuộc đảo chính vào năm 1953, quyền hành được Anh Quốc và Hoa Kỳ trao vào tay vua Shah Mohammad Reza Pahlavi. Vua Pahlavi đã có chính sách thân phương Tây và ngày càng trở nên độc đoán, đặc biệt vào cuối thập kỷ 1970. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Anh và Mỹ, triều đình Shah từ chối cải cách chính trị, không tiếp tục hiện đại hóa các ngành công nghiệp Iran, nhưng lại đàn áp phe đối lập trong tầng lớp tăng lữ Hồi giáo hệ phái Shia và những người ủng hộ cải cách. Bất mãn trước sự can thiệp của nước ngoài và sự đàn áp chính trị cùng bất ổn xã hội trong nước đã dẫn đến Cách mạng lật đổ vua Shah Pahlavi năm 1979. Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran ra đời.

Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini

Sau cuộc cách mạng thành công, Đại Giáo Chủ hồi giáo Ayatollah Ruhollah Musavi Khomeini, người lãnh đạo cuộc cách mạng, trở về Iran ngày 1 tháng 2 năm 1979 sau 14 năm sống lưu vong tại Pháp, và chính thức trở thành lãnh tụ tối cao của nước Cộng Hòa Hồi giáo vào tháng 12 năm 1979.

Thể chế cộng hòa Hồi giáo Iran là một sự đan kết phức tạp giữa thần quyền (Hồi giáo) và thế quyền (luật lệ xã hội, dân quyền) nơi đó các qui tắc, luật lệ rất khắt khe của Hồi giáo đóng vai trò quyết định. Quyền lực và vai trò của giáo chủ Ayatollah, người lãnh đạo giáo hội, là tối thượng, cao hơn chức vụ tổng thống do dân bầu, và có thẩm quyền tuyệt đối, đặc biệt trong lãnh vực quốc phòng, quân đội, an ninh, tình báo.

Mối quan hệ của Iran với phương Tây đã trở nên căng thẳng kể từ năm 1979, sau cuộc cách mạng. Tình hình phức tạp hơn khi các sinh viên Iran bắt giữ các nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng con tin Mỹ kéo dài 444 ngày và sự thất bại trong việc giải cứu con tin của TT Carter giúp cho Đại Giáo Chủ Khomeini và các nhà cách mạng của ông củng cố quyền lực qua chiêu bài chống Mỹ và phương Tây, bài Do Thái. Đồng thời, chính sách cực đoan thù nghịch với Hoa Kỳ, Do Thái của Khomeini khiến Iran bị cô lập với thế giới phương Tây và ngay cả với khối Ả Rập lân bang trong khu vực.

Những nhân viên sứ quán Hoa Kỳ bị bắt làm con tin tại Tehran

Sau này, để bành trướng thế lực và ảnh hưởng, Iran đã tìm cách xuất khẩu cuộc cách mạng của mình ra nước ngoài, huấn luyện tiếp trợ cho các tổ chức dân quân cực đoan, các nhóm phiến quân thánh chiến thuộc giáo phái Shia chống phương Tây, Do Thái, các quốc gia Ả Rập trong khu vực. Điển hình như nhóm Hezbollah ở Liban, Hamas/Palestine ở dải Gaza, Houthi ở Yemen, Taliban và Al Qaeda ở Iraq và Afghanistan.

B. Địa chính trị của Iran.

Iran có vị trí địa chính trị rất quan trọng do nằm tại phần trung tâm của đại lục Á-Âu và gần với eo biển Hormuz và luôn nuôi tham vọng trở thành cường quốc Trung Đông. Nhu cầu cạnh tranh chiến lược của Iran trong khu vực đến từ hai yếu tố chủ yếu:

  • Chính trị: Cai trị một nước lớn, giàu tài nguyên, đông dân, và với não trạng bài phương Tây, cực đoan giới lãnh đạo Iran luôn có nhu cầu bành trướng thế lực và ảnh hưởng của mình tại Trung Đông và Bắc Phi, cạnh tranh với các quốc gia trong khối Ả Rập, Do Thái và mưu tìm cửa ngõ vươn về hướng tây để tiến ra Địa Trung Hải. Đấy chính là “Hành lang lưỡi liềm Shia” (Shia crescent) mà Iran đang cố thiết lập.
  • Tôn giáo: Hồi giáo, giáo phái Shia chiếm 90% dân số tại Iran. Nhưng lại là giáo phái thiểu số trong thế giới hồi giáo, chỉ chiếm từ 10-15% trên tổng số người hồi giáo. Trong khi đó, giáo phái Sunni chiếm đến 75% và là giáo phái chính của các quốc gia thuộc khối Ả Rập tại Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Bắc Phi (Ai Cập, Libya, Sudan, Tunisia, Morocco, Algeria, Djibouti …).

Sở dĩ yếu tố giáo phái được nhấn mạnh ở đây vì tuy cùng một tôn giáo, nhưng lịch sử của hồi giáo trải dài từ mười mấy thế kỷ qua đã được đánh dấu bằng các cuộc xung đột khốc liệt, chiến tranh liên tục và đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shia, khiến họ trở nên kẻ thù của nhau. Đồng thời, Iran là quốc gia đứng đầu giáo phái Shia đối đầu với Sunni trên thế giới.

Nếu tổng hợp hai yếu tố trên, ta có thể thấy rất rõ là để khẳng định vị trí cường quốc tại Trung Đông, và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh chiến lược, Iran sẽ phải một mặt hỗ trợ, huấn luyện, trang bị khí tài cho các tổ chức võ trang thánh chiến, các lực lượng khủng bố hoạt động công khai hoặc bí mật, của các nhóm thiểu số Shia; mặt khác trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử.

C. Mục đích chiến lược nguyên tử của Iran.

Ý định trở thành một cường quốc nguyên tử của Iran có lẽ đã được nhen nhúm từ lâu. Vào tháng 3, 1974, vua Shah Pahlavi đã tuyên bố rằng mục tiêu của Iran là sản xuất 23.000 megawatt điện bằng năng lượng nguyên tử trong vòng vài thập niên tới. Điều này có nghĩa là xây dựng khoảng hơn hai mươi lò phản ứng nguyên tử. Và việc khởi công xây dựng bắt đầu.

Khi Ayatollah Khomeini trở thành Lãnh tụ Tối cao của nước Iran vào tháng 12 năm 1979,  ông tuyên bố rằng vũ khí nguyên tử là “phản Hồi giáo”. Ông đã hủy bỏ các chương trình nguyên tử của vua Shah vì nghi ngờ về mục tiêu hòa bình của nó.

Mãi đến năm 1995, dưới triều đại của giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, chính quyền Iran mới ký hợp đồng với công ty Altostrati của Nga để kích hoạt trở lại một số lò phản ứng nguyên tử. Sau nhiều lần trì hoãn, vào đầu năm 2009, Nga thông báo rằng việc xây dựng lò phản ứng nguyên tử đã hoàn tất. Họ đã cung cấp nhiều tấn “uranium kém giàu” (low enriched uranium) để vận hành và thử nghiệm. Năm 2010 các thanh nhiên liệu phóng xạ được nạp, đến năm 2011 lò phản ứng được kết nối với lưới điện và năm 2013 nó đã sản xuất năng lượng điện. Các hoạt động này có vẻ “bán công khai”.

Lò phản ứng nguyên tử Arak

Tuy nhiên, theo Jeremy Bernstein, tác giả cuốn sách ‘Nuclear Iran’, lò phản ứng Arak có các hoạt động rất đáng nghi ngờ và có liên quan đến vũ khí nguyên tử. Đây là một lò phản ứng nhiệt 40-megawatt được xây dựng khoảng 150 dặm về phía nam của Tehran. Nó được bắt đầu một cách bí mật vào trước năm 2002. Sự tồn tại của nó đã được tiết lộ vào giữa tháng 8 năm 2002 tại một cuộc họp báo ở Washington, D.C., bởi một đại diện của Hội đồng Quốc gia Kháng Chiến Iran [một lực lượng chính trị đối lập với Nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo]. Lò phản ứng được xây dựng bởi Công ty năng lượng Messiah của Tehran, một công ty bình phong của các phần tử ưu tú (elite) thuộc lực lượng an ninh trong Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran.

Khi dự án này bị phát hiện, Iran đã tung ngay hỏa mù. Bởi lẽ một lò phản ứng nhiệt hạch tâm 40 megawatt hầu như không thể là một nhà máy nguyên tử dùng cho mục tiêu sản xuất điện. Hơn nữa, đây là lò phản ứng  xử dụng nước nặng (heavy water) để làm nguội và điều hòa, một tiến trình dùng trong tinh luyện Plutonium, một thành tố của vũ khí nguyên tử. Vì vậy Iran phải giải thích rằng nó dùng trong việc sản xuất các đồng vị phóng xạ dùng trong y khoa nhưng đã không thuyết phục được các nhà chuyên môn, khoa học.

D. Phản ứng của thế giới và Liên Hiệp Quốc.

Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, cuộc đối đầu cộng sản-tư bản đã cáo chung, cuộc chạy đua vũ trang Nga-Mỹ đã xuống thang, thế giới nói chung và các cường quốc nguyên tử nói riêng, đang trong tiến trình tài giảm và ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí nguyên tử.

Trong bối cảnh đó, việc Iran đeo đuổi các chương trình nguyên tử với lý do nhu cầu điện năng là điều không thể tin được vì đang là quốc gia dư thừa năng lượng hóa thạch và đang xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Hơn nữa, chủ trương đeo đuổi chủ nghĩa cực đoan kèm với thái độ thù nghịch phương Tây và Hoa Kỳ; bất hợp tác với các định chế giám sát nguyên tử quốc tế của Liên Hiệp Quốc; và gia tăng các tài trợ cho các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực qua trung gian của các tổ chức khủng bố; các hoạt động nguyên tử lén lút của Iran khiến thế giới quan tâm sâu sắc và các quốc gia trong khu vực vô cùng lo ngại.

Vào tháng 12 năm 2001, cựu tổng thống Rafsanjani của Iran, đã phát biểu về tình hình đất nước tại Đại học Tehran trong một chương trình chính thức của chính phủ: “Nếu một ngày nào đó, thế giới Hồi giáo cũng được trang bị vũ khí nguyên tử như những thứ mà Israel sở hữu hiện nay, thì chiến lược của những tên đế quốc sẽ đi vào bế tắc vì chỉ cần xử dụng một quả bom nguyên tử bên trong Israel là mọi việc sẽ được giải quyết“. Đe dọa thẳng thừng không cần giấu giếm trên của giới lãnh đạo cho thấy mức độ nguy hiểm về cách hành xử của Iran nếu sở đắc vũ khí nguyên tử trong tay.

Đại Giáo Chủ Ayatollah Ali Khamenei

Vào cuối tháng 10 năm 2004, đã xuất hiện nhiều đám đông biểu tình ở thủ đô Tehran với những tiếng la hét cuồng nhiệt “Nước Mỹ phải chết!” để ủng hộ “cơ quan lập pháp” Iran sau khi họ bác bỏ việc xử dụng công nghệ nguyên tử cho mục tiêu hòa bình.

Cuối cùng, Đại Giáo Chủ Khamenei đã thúc giục quân đội của mình “chuẩn bị sẵn sàng hai quả bom [nguyên tử] vào tháng Giêng [2005], nếu không bạn không phải là người Hồi giáo“.

Thế giới can thiệp qua Hội Đồng Bảo An
Vì xét thấy chương trình nguyên tử của Iran là mối đe dọa cho sự ổn định và nền hòa bình tại Trung Đông và thế giới, sau nhiều tháng điều đình, thảo luận, đàm phán với Iran, ngày 31 tháng 7 năm 2006 Hội Đồng Bảo An (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết 1696 với yêu cầu tóm tắt sau:

  • Iran đình chỉ chương trình tinh luyện Uranium (enrichred Uranium),
  • xem xét lại các lò phản ứng nguyên tử nước nặng và
  • phê chuẩn nghị định thư cho việc thanh sát của Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA).

Hơn 4 tháng sau, vào ngày 23 tháng 12 năm 2006, HĐBA lại thông qua Nghị quyết 1737, theo Điều 41 của Hiến chương LHQ, với các điều khoản và ngôn ngữ cứng rắn hơn để đáp lại việc Iran không tuân thủ Nghị quyết 1696:

  • Iran bắt buộc phải đình chỉ hoạt động của các lò nguyên tử phản ứng nước nặng thay vì chỉ xem xét lại chúng.
  • Kêu gọi Iran phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của IAEA.
  • Áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại cả nhà nước Iran cũng như các cá nhân.

Tuy nhiên, thái độ của Iran vẫn là bất chấp, dửng dưng trước những áp lực của thế giới và có lẽ cũng chẳng đếm xỉa đến nghị quyết của HĐBA, chứ đừng nói đến việc tuân thủ. Đây là giai đoạn mà Iran đang bí mật tiến hành các thí nghiệm tại lò nguyên tử Arak, và khởi động các lò nguyên tử khác với sự trợ giúp của Nga như đã trình bày trong phần trên.

Bản đồ các lò nguyên tử rải rác ở Iran

HĐBA LHQ sau đó vẫn tiếp tục lên tiếng khuyến cáo và công bố thêm nghị quyết: năm 2007 với nghị quyết 1747, năm 2008 đưa ra 2 nghị quyết 1803 & 1835, năm 2010 với nghị quyết 1929.

Sau hơn 4 năm liên tục đàm phán, thuyết phục và với 6 nghị quyết của HĐBA, thế giới càng thấy được thái độ rất cố chấp, thù nghịch, bất hợp tác và bất khả tín của giới lãnh đạo Iran.

Riêng đối với Hoa Kỳ trong thập niên 2000’, vì bị cuốn hút vào trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, với hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Afghanistan và Iraq nên Hoa Kỳ đã để Iran lọt qua “lưới radar”, không mấy chú ý mặc dù, trong Thông Điệp Liên Bang trước lưỡng viện quốc hội, 29 tháng 1, 2002, TT Bush đã xác định “trục ma quỷ” gồm 3 nước Iraq, Iran và Bắc Hàn.

E. Thỏa thuận nguyên tử Iran hay Kế hoạch Hành động Toàn diện phối hợp (JCPOA).

Chương trình nguyên tử Iran vẫn là vấn nạn của Trung Đông và thế giới. Vào nhưng năm đầu thập niên 2010, nỗ lực đàm phán với Iran cùng với việc gia tăng áp lực trừng phạt được tiếp tục.

5 quốc gia thành viên thường trực của HĐBA-LHQ gồm có Hoa kỳ, Anh Quốc, Pháp, Nga, Trung Cộng cùng với CHLB Đức (được gọi tắt là P5+1) tham gia thương thuyết với Iran.

Vào tháng 7/2015, sau nhiều năm đàm phán, P5+1 và Iran đã ký kết Thỏa Thuận Nguyên Tử (JCPOA) tại Vienna, Áo Quốc.

Mục tiêu của Thỏa Thuận: P5 + 1 muốn trì hoãn chương trình nguyên tử của Iran đến mức nếu Tehran quyết định theo đuổi vũ khí nguyên tử, thì [quá trình tinh luyện giàu Uranium 100% ..v..v..] phải mất ít nhất một năm, đủ thời gian để cho các cường quốc thế giới phản ứng.

Những điều mà Iran đã đồng ý trong thỏa thuận:

  • Hạn chế nguyên tử. Iran đồng ý ngưng chương trình sản xuất tinh luyện cao uranium hoặc plutonium có thể được sử dụng trong vũ khí nguyên tử. Iran cũng thực hiện các bước để bảo đảm các nhà máy nguyên tử tại Fordow, Natanz và Arak chỉ hoạt động cho mục tiêu dân sự, bao gồm cả nghiên cứu y tế và công nghiệp.
  • Giám sát và xác minh. Iran cuối cùng đã đồng ý thi hành nghị định thư cho phép các thanh sát viên của IAEA đến thanh tra các cơ sở nguyên tử của nước này mà không bị kiểm soát và có thể đến các địa điểm một cách bất ngờ không thông báo trước.

Đổi ngược lại, mọi cấm vận, trừng phạt đã áp đặt lên Iran sẽ được dỡ bỏ. Hoa Kỳ sẽ trao cho Iran 1,7 tỷ USD lập tức, và sau đó tháo khoán dần 100 tỷ USD của Iran bị phong tỏa trước đó.

Mục tiêu của Thỏa Thuận: P5 + 1 muốn trì hoãn chương trình nguyên tử của Iran…..

Có lẽ xem thỏa thuận này là một thành tựu lớn lao nhất trong sự nghiệp đối ngoại của mình, và là di sản quan trọng nhất để lại, Tổng thống Obama đã rất tự hào và tuyên bố rằng việc ký kết một “Thỏa thuận không phổ biến vũ khí nguyên tử mạnh nhất từng được đàm phán” này sẽ cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) “tiếp cận bất cứ lúc nào, bất cứ đâu ở Iran khi cần thiết”.

Tuy nhiên, theo Kali Robinson trong bài viết ‘What Is the Iran Nuclear Deal?’ đăng trong chuyên san Council On Foreign Relations, số tháng 1 năm 2021, thì cho đến nay, Iran vẫn chưa hề nghiêm chỉnh thực hiện nghị định thư để các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được tự do thanh tra, thi hành nhiệm vụ, tức những điều mà Iran đã cam kết.

Các hoạt động, di chuyển của các thanh sát viên đề bị kiểm soát nghiêm nhặt, lịch làm việc của phái đoàn đều phải được chấp thuận và sắp xếp của chính phủ Iran. Các cuộc thanh tra rất cần thiết này nhằm mục đích đề phòng khả năng Iran có thể phát triển vũ khí nguyên tử một cách bí mật như Iran đã từng cố gắng làm trước đó, đều bị giới hạn nhiều mặt.

Đây chính là điều khoản mấu chốt quan trọng nhất của thỏa thuận. Thiếu nó, thỏa thuận trở nên vô giá trị. Và hiển nhiên, vì không thực hiện cam kết, Iran đã vi phạm thỏa thuận ngay từ lúc vừa ký xong. Và thật đáng tiếc, những kỳ vọng vào thỏa thuận của TT Obama chỉ là ảo tưởng!

Ngoài ra, khi mực ký thỏa thuận chưa kịp khô, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran đã tuyên bố rằng “trong các điều khoản ghi nhận, không có phép nào được cấp cho IAEA để tiếp cận bất kỳ cơ quan quân sự cũng như các khoa học gia nguyên tử nào của Iran “. Các nhà lãnh đạo của Iran có vẻ mâu thuẫn với các nhà ngoại giao của họ chăng hay họ cố tình khai thác kẽ hở của thỏa thuận, vì họ sẽ quyết định đâu là “cơ quan quân sự”? Điều này đã khiến giới quan sát càng nghi ngờ hơn việc Iran sẽ tuân thủ bất kỳ quy định nào của thỏa thuận.

F. Những bất cập của Thỏa Thuận (JCPOA).

Theo tướng McMaster, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, đề cập trong cuốn ‘Battlegrounds’ xuất bản năm 2020, thì JCPOA vừa củng cố sức mạnh của Iran vừa làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh vì những sai sót rất cơ bản trong nhiều lĩnh vực. Xin được tóm tắt những sai sót sau:

Hỏa tiễn đạn đạo tầm xa của Iran
  • Đầu tiên, Thỏa Thuận được thiết kế nhằm ngăn chận Iran đe dọa các quốc gia khác bằng vũ khí nguyên tử mà lại bỏ qua việc kiểm soát các phương tiện liên quan đến vũ khí nguyên tử Iran đang chế tạo, chẳng hạn như hỏa tiễn đạn đạo tầm xa [có khả năng] mang đầu đạn nguyên tử.
  • Thứ hai, Thỏa Thuận bao gồm các “điều khoản hoàng hôn” (sunset provision/hết hiệu lực sau một thời hạn), tức là các hạn chế sẽ được nới lỏng và sau đó chấm dứt đối với việc phát triển nguyên tử của Iran sau năm 2025.
  • Thứ ba, thỏa thuận này đã không xem xét đến bản chất của chế độ Iran mà về cơ bản là bất khả tín và thù địch với Hoa Kỳ. Những bất cập trong thỏa thuận khiến JCPOA trở thành bình phong được “công nhận” cho các chương trình nguyên tử bí mật.
  • Thứ tư, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt giúp các nhà lãnh đạo Iran có thêm nguồn lực để gia tăng các cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Hoa Kỳ, Do Thái và khối Ả Rập, nhằm tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình khắp Trung Đông. Hành vi hiếu chiến và hỗ trợ các cuộc chiến ủy nhiệm, khủng bố trong khu vực lại không được đưa vào trong thỏa thuận.
  • Sau cùng, cơ chế giám sát của IAEA không thực sự hiệu quả vì hoạt động bị giới hạn bởi nhà nước Iran nên các báo cáo không mấy giá trị. Việc báo cáo của IAEA rằng “không có bằng chứng cho thấy Iran đang phá vỡ thỏa thuận” vẫn không làm cho những ai kinh nghiệm về sự dối trá của Iran yên tâm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và các quan chức ngoại giao khác

Tóm lại, thực chất của Thỏa Thuận không thực sự ngăn cản chương trình nguyên tử của Iran [có thể chế tạo vũ khí nguyên tử] mà chỉ trì hoãn, mua thêm thời gian … chẳng khác gì việc kéo dài thêm thời gian chờ đợi quả bom hẹn giờ phát nổ! Hoặc có thể hiểu khác chăng, một cách gián tiếp, thế giới (P5+1) đồng ý để Iran sở đắc vũ khí nguyên tử sau khi thỏa thuận hết hiệu lực ?

Theo nhận định của Trung tướng McMaster: “Một chiến lược Iran hiệu quả đòi hỏi sự đồng cảm chiến lược (strategic empathy) và điều đó có nghĩa là phải loại bỏ những giả định sai lầm làm căn bản cho một thỏa thuận nguyên tử tồi tệ và những chiến lược không hiệu quả, thiếu nhất quán ”. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran trong sáu chính quyền trước đã thiếu hẳn sự đồng cảm chiến lược này và cũng không hiểu được lịch sử, hệ tư tưởng tôn giáo đã ảnh hưởng ra sao đến hành vi của chế độ Iran.

Cũng theo McMaster, tương tự như giả định lâu nay cho rằng sự thịnh vượng của Trung Cộng sẽ dẫn đến tự do hóa nền kinh tế và dân chủ hóa chính trị của nước này, Tổng thống Obama cũng hy vọng rằng việc “nhìn thấy lợi ích của việc giảm bớt các lệnh trừng phạt” sẽ thuyết phục Iran tập trung “nhiều hơn vào việc phục hồi nền kinh tế và nâng cao đời sống của người dân Iran”. Từ giả định sai lầm đó đã dẫn đến việc lựa chọn sai lầm giữa JCPOA và chiến tranh. TT Obama cho rằng thỏa thuận sẽ đem đến “một sự tiến triển tốt trong cách hành xử của Iran”, và khi Iran không bị cô lập sẽ trở nên “gắn bó thân thiện hơn với cộng đồng quốc tế”, thì sẽ tránh được chiến tranh. Thực tế đã chứng minh ngược lại!

Hơn nữa, thỏa thuận này liên quan trực tiếp đến sự sống còn của nhiều quốc gia khác đang bị đe dọa bởi Iran trong khu vực mà không có sự tham gia đàm phán của họ, cụ thể là Ả Rập Saudi và Do Thái. Việc P5+1 đánh cược trên sự tồn vong của các quốc gia khác là điều vô nhân đạo và không thể chấp nhận được.

G. Việc gì đã xảy ra sau khi thỏa thuận được ký kết

Trái ngược với ước muốn thuyết phục chế độ Iran từ bỏ tài trợ cho dân quân và các tổ chức khủng bố, thỏa thuận JCPOA đã có tác dụng ngược lại. Thỏa thuận đã trả trước 1,7 tỷ USD tiền mặt cho chế độ và từng bước tháo khoán khoản tiền 100 tỷ bị phong tỏa từ trước của Iran. Thậm chí, nhiều tiền mặt hơn đã tuôn vào Iran sau khi các lệnh trừng phạt được giảm nhẹ. Iran đã sử dụng ngân khoản này để tăng cường các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và mở rộng xung đột giáo phái trong khu vực.

Theo lời của cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, Tướng Joseph Votel: Iran đã trở nên “hung hăng hơn trong những ngày sau thỏa thuận”.

Khi tiền của Mỹ chảy vào Iran và xuất khẩu của Iran tăng gấp ba lần, tài trợ cho các tổ chức khủng bố và hoạt động của Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo (IRGC) trên toàn khu vực cũng tăng theo. Hezbollah nhận thêm 700 triệu USD mỗi năm; 100 triệu USD khác thuộc về các nhóm khủng bố và dân quân Palestine Hamas.

Từ năm 2008 đến 2018, Iran đã chi gần 140 tỷ USD cho các hoạt động quân sự và chiến đấu ở nước ngoài.

Sau đây là vài ví dụ cụ thể sau khi thỏa thuận JCPOA được ký kết:

Vào tháng 10 năm 2015, chỉ vài tháng sau, hàng trăm binh sĩ Iran đã cùng với lính đánh thuê được gửi đến Syria để tăng cường hỗ trợ cho quân đội của TT Assad mở cuộc tấn công ở Idlib và Hama. Mặc dù 5 tháng trước đó, TT Assad đã lại xử dụng vũ khí hóa học Sarin tấn công các ngôi làng của quân nổi dậy phía bắc Syria, bị cả thế giới lên án, bị TT Obama đòi “phải ra đi” [vì vượt qua “lằn ranh đỏ”]

Hình ảnh các thủy quân Mỹ bị bắt và làm nhục trên đường phố ở Iran

Ngày 12 tháng 1, 2016, IRCG đã bắt giữ hai tàu chiến chỉ huy cận duyên của Hải quân Hoa Kỳ (US Navy riverine command boat), bắt và làm nhục mười thủy thủ hải quân Mỹ bằng cách bắt họ quỳ gối trước họng súng và ống kính thu hình, diễu hành ngoài đường phố trước khi phóng thích sau mười lăm giờ. Một hành vi cực kỳ hèn hạ và đầy khiêu khích.

Từ khi ký thỏa thuận đến tháng 2/2017, IRGC vẫn tiếp tục một loạt 14 vụ thử hỏa tiễn đạn đạo vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó có một hỏa tiễn đạn đạo tầm xa dưới bình phong phóng vệ tinh. Vào tháng 6/2017, để chứng tỏ khả năng mới của mình, Iran đã phóng 6 hỏa tiễn từ lãnh thổ của mình qua Iraq để tấn công khu vực do ISIS kiểm soát ở Dayr al-Zawr, Syria.

Năm 2017, Iran đã trang bị cho lực lượng Hezbollah khoảng 100,000 hỏa tiễn và đạn pháo, trong số đó có hỏa tiễn M-600 tầm xa.

Năm 2019, Iran đã tấn công bằng mìn các tàu chở dầu của Saudi, Emirati, Nhật Bản và Na Uy; ngang nhiên mở các cuộc phi pháo bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình vào các cơ sở dầu mỏ khổng lồ Abqaiq của Ả Rập Saudi; và bắn hạ một máy bay không người lái của Hoa Kỳ.

Ngày 8 tháng 1, 2020, IRCG đã bắn rơi một phi cơ dân sự của Ukraine vừa cất cánh từ phi trường Tehran khiến 176 hành khách thiệt mạng vì  tưởng lầm là hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ.

Thật vậy, JCPOA đã củng cố chế độ Iran cả về mặt tâm lý cũng như tài chính.

H. Đối phó với thái độ hiếu chiến của Iran và những bất cập của JCPOA.

Tổng Thống Trump và ban tham mưu của ông tin rằng thỏa thuận nguyên tử Iran năm 2015 do chính quyền Obama làm trung gian là một thỏa thuận tệ hại, thời hạn của nó bị giới hạn và không giải quyết được hành vi gây bất ổn của Iran trong khu vực. Cuối cùng, sau 18 tháng điều đình với Iran về các điều khoản vững chắc hơn không thành công, ngày 8 tháng 5 năm 2018, Hoa Kỳ đã rời khỏi thỏa thuận.

Mặc dù Tehran đã trả đũa bằng cách gia tăng nhanh chóng hoạt động làm giàu Uranium của mình, nhưng họ không hoàn toàn rời bỏ thỏa thuận.

Thay vào đó, chiến dịch “gây áp lực tối đa” của TT Trump được thiết kế để buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận rộng hơn bao gồm các hoạt động nguyên tử, chương trình hỏa tiễn đạn đạo tầm xa và các hoạt động chống phá trong khu vực.

Chính sách mới của Hoa Kỳ đã có tác động thực sự đến cả nền kinh tế Iran và chủ nghĩa phiêu lưu trong khu vực. Mặc dù Tehran tiếp tục buôn lậu dầu và khí đốt ra khỏi nước với giá chiết khấu, các lệnh trừng phạt đã hạn chế đáng kể sự hỗ trợ tài chính mà nước này có thể cung cấp cho các đồng minh của mình ở Iraq, Lebanon và Syria. Điều đáng nói là ngay cả Trung Cộng và Nga đều không sẵn sàng giải cứu Iran.

Từ năm 2017 đến năm 2019, Hoa Kỳ đã trừng phạt khoảng một nghìn cá nhân và tổ chức Iran.

Năm 2019, Tổng thống Trump đã tiến xa thêm một bước nữa khi tuyên bố Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo (IRGC- Islamic Revolutionary Guard Corps) là tổ chức khủng bố nước ngoài, minh định rằng “Iran không chỉ là Nhà nước tài trợ cho Chủ nghĩa Khủng bố, mà IRGC còn là một công cụ pháp chế tích cực tham gia, tài trợ và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố”. Hai nước Bahrain và Ả Rập Saudi cũng đã liệt lực lượng IRCG vào danh sách các tổ chức khủng bố của họ.

Do Thái và các quốc gia vùng Vịnh, những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran, đã hoàn toàn ủng hộ quyết định của chính phủ Trump.

Hình ảnh các cuộc biểu tình chống Mỹ, bài Do Thái và Ả Rập Saudi ở Iran

Trước các khiêu khích, leo thang tấn công vào các căn cứ quân sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ và đồng minh ở Iraq của lực lượng tinh nhuệ Quds và các lực lượng ủy nhiệm tiếp tục diễn ra, Đại giáo chủ Khamenei, với đầy tự tin, đã chế nhạo Hoa Kỳ rằng “Các ngươi chẳng thể làm được gì!”. Ít hôm sau, ngày 3 tháng 1 năm 2020, thủ lãnh của lực lượng Quds Qassim Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis đã bị hỏa tiễn của Mỹ hạ sát tại phi trường Baghdad. Tướng Qassim Soleimani, người lãnh đạo các hoạt động của các tổ chức khủng bố ủy nhiệm, được biết là cánh tay phải của Khamenei và là người thứ nhì sau Khamenei, triển vọng trở thành tổng thống tại Iran. Một cú trả đũa rất bất ngờ, đích đáng và hoàn toàn ngoài sự dự liệu của Iran!

I. Kết quả của các cấm vận trừng phạt tối đa.

Vào mùa hè 2019, Iran bắt đầu cảm thấy áp lực của các lệnh trừng phạt được tái áp dụng. Nền kinh tế co cụm lại nhanh hơn so với năm 2018, khi giá trị đồng rial đã giảm ở mức thấp nhất trong lịch sử, gấp 4 lần so với các đồng tiền chính. GDP giảm từ mức tăng trưởng 3,7% mỗi năm xuống mức âm 3,9%. Xuất khẩu dầu thô, từ 2,3 triệu thùng /ngày trong năm 2018, đã giảm xuống 1,1 triệu thùng /ngày vào tháng 3 năm 2019. Lạm phát tăng từ 9 lên 40%. Chi tiêu quân sự giảm 10% .

Vào tháng 11 năm 2019, khi chính phủ Iran thông báo cắt giảm xăng dầu và tăng giá khí đốt lên 300% trong nước, các cuộc biểu tình nổ ra khắp Iran để phản đối.

Tháng 12 năm 2019, một loạt các cuộc biểu tình dân sự xảy ra ở nhiều thành phố trên khắp Iran. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tối ngày 15 tháng 11 và trong vòng vài giờ đã lan đến 21 thành phố khi các video về cuộc biểu tình bắt đầu lan truyền trên mạng. Hình ảnh về các cuộc biểu lực đã được chia sẻ rộng rãi trên internet.

Dựa trên tường thuật của Tổ chức Ân xá Quốc tế và Đài phát thanh Farda, các cuộc biểu tình này có thể là nghiêm trọng và đẫm máu nhất kể từ Cách mạng Iran năm 1979. Chính phủ đã đàn áp và giết hại khoảng 1.500 người tham gia cuộc biểu tình. Cuộc đàn áp của chính phủ đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người biểu tình, họ đáp trả bằng việc phá hủy 731 ngân hàng chính phủ bao gồm ngân hàng trung ương Iran, các giáo đường Hồi giáo, xé các bảng quảng cáo chống Mỹ, và áp phích và tượng của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Bất chấp những hạn chế kinh tế này, Iran vẫn tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại tệ để tài trợ cho các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của mình. Các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran ngày càng nguy hiểm hơn vì chúng đã mở rộng cả về mặt địa lý và số lượng người tham gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, liên minh Shia trong và ngoài nước mà Iran đã dày công xây dựng kể từ cuộc cách mạng năm 1979, đang suy yếu, trên đà tan rã; Nhà nước Iran và hai đồng minh mạnh nhất trong khu vực, Hezbollah ở Lebanon và Hashd al-Shaabi, một lực lượng quần chúng ở Iraq, đã mất đi tính hợp pháp với tư cách là đại diện của họ.

J. Những lựa chọn trước mặt.

Đối với Iran, hiện đang đứng trước ba lựa chọn cơ bản:

  • Thứ nhất, chế độ có thể đàm phán với Hoa Kỳ và các quốc gia khác để tái khởi động việc thi hành thỏa thuận để đổi lấy việc giảm bớt các lệnh trừng phạt do chính phủ Trump đang áp đặt hiện nay.

Tuy nhiên, giải quyết việc ủng hộ của Iran với các tổ chức khủng bố và chương trình hỏa tiễn tầm xa (có khả năng mang đầu đạn nguyên tử) là điều không có trong thỏa thuận nên còn tùy vào chính sách và hướng đi của chính quyền Biden. Nhưng giới cầm quyền ở Iran, đặc biệt là Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và Vệ Binh IRGC, không có khuynh hướng hòa giải và sẽ không dại gì mà nhượng bộ thêm.

Xác xuất của lựa chọn này cao, tức là quay trở lại thỏa thuận tệ hại cũ, mang mầm thất bại, có lợi cho tham vọng nguyên tử của Iran.

  • Thứ hai, Iran có thể leo thang, gia tăng hoạt động thù nghịch, cùng với các lực lượng phiến quân Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon và Syria, Hamas ở dải Gaza, Houthi ở Yemen, Iraq chống lại Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh, đồng thời trong khi vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, gia tốc việc tinh luyện Uranium, gây căng thẳng ở vịnh Oman để áp lực, “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước khác nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Đẩy Hoa Kỳ vào thế nhượng bộ nhiều hơn.
  • Sau cùng, nếu Hoa Kỳ và phương Tây cương quyết duy trì áp lực qua cấm vận triệt để, Iran bắt buộc phải nhượng bộ bước vào bàn đàm phán.

Đối với Hoa Kỳ, cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác cũng đều thúc đẩy thương thuyết, ngoại giao như giải pháp ưu tiên cho các tranh chấp, tuy nhiên nhiều nhà chiến lược đều đồng ý với giáo sư Alan Dershowitz rằng: “Giải pháp ngoại giao tốt hơn chiến tranh, nhưng ngoại giao tồi tệ có thể dẫn đến chiến tranh thảm khốc gấp bội phần”, nhất là khi Iran sở hữu vũ khí nguyên tử.

Trong hoàn cảnh hiện nay, khi tình thế rất căng thẳng, việc phát triển vũ khí nguyên tử của Iran cũng gần kề, thì việc quyết định dứt khoát và đúng đắn của Hoa Kỳ sẽ giúp tránh được những thảm họa khó lường mai sau. Hoa Kỳ cần phải dứt bỏ những ảo tưởng sai lầm đã dẫn đến Thỏa thuận tồi tệ đã qua, kiên quyết buộc Iran lựa chọn giữa hành động như một quốc gia có trách nhiệm và được hưởng những lợi ích tương ứng của hành vi đó hoặc chịu các biện pháp cô lập và trừng phạt nghiêm khắc nhất và không loại trừ giải pháp răn đe quân sự.

Theo James Jeffrey, nhà ngoại giao kỳ cựu, viết trên chuyên san Foreign Affairs, số tháng 1, 2021, cho biết trong bốn năm qua, chính quyền TT Trump đã đạt được hai thành công lớn ở Trung Đông – Hiệp Ước Abraham và việc phá hủy lãnh thổ của ISIS ở Iraq và Syria, đồng thời cũng giảm thiểu sự bành trướng của Nga ở Syria và các nơi khác. Đối với Iran, chính quyền Trump đã xác định Iran là mối đe dọa lâu dài và nhiều mặt đối với sự ổn định của khu vực; và hình thành một liên minh mới để chống lại hành vi gây bất ổn quân sự, thâm độc của Tehran; đồng thời đã áp đặt những biện pháp chế tài, trừng phạt nghiêm khắc nhất đòi buộc Iran phải ngưng chương trình nguyên tử, chấm dứt các hoạt động gây bất ổn, khủng bố qua các cuộc chiến ủy nhiệm và chấm dứt chương trình hỏa tiễn đạn đạo tầm xa với khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Biện pháp trừng phạt đang đem lại kết quả và cần thêm thời gian!

K. Thay lời kết.

Thế giới đang phải đối diện với một khủng hoảng nghiêm trọng mới. Lò lửa chiến tranh tại Trung Đông đang chực chờ bùng nổ.

Nếu Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử,

  • Trung Đông sẽ không có hòa bình. Cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử trong khu vực sẽ bắt đầu.
  • Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trong khối Ả Rập sẽ trang bị vũ khí nguyên tử. Cụ thể là chỉ trong vòng 1 ngày, Ả Rập Saudi đã sẵng sàng và sẽ có ngay hỏa tiễn với đầu đạn nguyên tử đến từ Pakistan.
  • Do Thái, với mối đe dọa đến sự sống còn, chắc chắn sẽ không thể ngồi yên, chờ chết.

Iran, với bản chất cực đoan hiếu chiến và thù nghịch với lân bang; với hành vi mờ ám, bất khả tín trong quá khứ; qua các hoạt động chiến tranh, khủng bố của các lực lượng dân quân ủy nhiệm; có thể xử dụng vũ khí nguyên tử qua tay của các tổ chức khủng bố để khống chế toàn khu vực Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và thế giới.

Điều duy nhất nguy hiểm hơn một cuộc tấn công quân sự chống lại chương trình vũ khí nguyên tử của Iran sẽ là một Iran được trang bị vũ khí nguyên tử.

Hoa kỳ và thế giới sẽ phải làm mọi cách để ngăn chận tham vọng nguyên tử của Iran, trước khi quá muộn.

Phải chăng thế giới đang tiến vào “Thời khắc Chamberlain”?

Quả thật chúng ta đang ở trong bối cảnh chính trị khá tương đồng với hoàn cảnh ở Âu Châu vào 1/3 đầu thế kỷ trước, khi Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã ký kết một hòa ước thảm hại với Hitler vào năm 1938 như một “nỗ lực hòa bình”, nhằm né tránh việc triển khai kế hoạch quân sự trong khi sức mạnh quân sự của Đức Quốc Xã tuy đang gia tăng nhanh chóng, nhưng còn yếu. Winston Churchill, dù chủ trương ngoại giao, cũng chống lại sự nhượng bộ của Chamberlain và gọi đó là một “chiến bại” dù chưa lâm trận, tức chưa đánh đã thua!

Tất nhiên, chiến tranh đã sớm ập đến và các quốc gia đồng minh ở thế yếu hơn, đã nhượng lại Sudetenland quan trọng về mặt công nghiệp và quân sự cho Đức, đồng thời cho nước này thêm thời gian để tăng cường sức mạnh và guồng máy quân sự khổng lồ. Kết quả là thế chiến thứ 2 bùng nổ, hàng chục triệu người đã chết, bao nhiêu thành phố, xứ sở bị tàn phá và đã để lại bao nhiêu hệ lụy. Phải chăng tất cả có thể tránh được nếu Anh và Pháp tham gia vào một cuộc chiến tranh phòng ngừa (preventive war) chống lại Đức Quốc xã khi họ còn yếu thay vì nhượng bộ? Lúc này chính là “Thời khắc Chamberlain”!

May mắn thay, giải pháp cho Iran hôm nay của Hoa Kỳ và thế giới không phải chỉ có lựa chọn duy nhất giữa ngoại giao hoặc chiến tranh, theo giáo sư Alan Deshowitz.

Còn một giải pháp thứ ba: Đó là tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt nghiêm khắc nhất trong khi vẫn giữ nguyên lựa chọn quân sự. Chính sự kết hợp mạnh mẽ này sẽ khiến Iran suy yếu và chấp nhận vào bàn hội nghị để thương lượng, và buộc họ phải từ bỏ tham vọng vũ khí nguyên tử.

Điều duy nhất nguy hiểm hơn một cuộc tấn công quân sự chống lại chương trình vũ khí nguyên tử của Iran sẽ là một Iran được trang bị vũ khí nguyên tử.

Lịch sử có thể tái diễn và mong rằng chính quyền Biden học được bài học vô giá của lịch sử!

Trọng Việt
California, tháng 3, năm 2021

Tham khảo:

Alan Dershowitz, The Case Against The Iran Deal, RosettaBooks, 2015

Gareth Porter & John Kiriakou, The CIA Insider’s Guide To The Iran Crisis, Skyhorse Publishing, Inc., 2020

H. R. McMaster, Battlegrounds: The Fight To Defend The Free World, HarperCollins Publishers Inc., 2020

UN Security Council Resolutions on Iran: https://www.armscontrol.org/factsheets/Security-Council-Resolutions-on-Iran

Jeremy Bernstein, Nuclear Iran, Harvard University Press, 2014

James F. Jeffrey, Biden Doesn’t Need a New Middle East Policy, Foreign Affairs, Jan 2021

Patrick Cockburn, War In The Age Of Trump, OR Books, 2020

Kali Robinson, What Is the Iran Nuclear Deal? Council on Foreign Relations, Jan 4, 2021

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen
  • HỘI LUẬN ngày 20/4/2024. Iran tấn công Israel: Chiến tranh trực diện đầu tiên bắt đầu? – Kênh đào Funan ở Cam Bốt: TC bao vây VN, sông Cửu Long cạn dòng? – Diện mạo chính trị Singapore thay đổi?
    BS Nguyễn Trọng Việt