Tin Thế Giới.
Ukraine: Vụ ‘tấn công’ mới nhằm vào cầu Crimea (BBC).
Hai người thiệt mạng trong một vụ “tấn công” nhằm vào cây cầu nối liền bán đảo Crimea với Nga.
Theo truyền thông nhà nước Nga, người đứng đầu nghị viện Crimea lên án Ukraine cho một “vụ tấn công” trên cây cầu, nhưng Kyiv chưa chính thức lên tiếng bình luận.
Cây cầu Kerch được khánh thành vào năm 2018 và gồm hai tuyến lưu thông dành cho xe và tàu hỏa giữa Nga và Crimea – vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập trái phép vào năm 2014.
Bộ Giao thông Nga nói những trụ đỡ của cây cầu này không bị hư hại. Bộ này cho biết đang tiến hành điều tra, nhưng những thông tin chưa được xác nhận có nội dung về những vụ nổ đầu ngày hôm 17/07.
Đây là vụ việc nghiêm trọng lần hai xảy ra tại cây cầu Kerch này. Hồi tháng 10/2022, cây cầu – vốn là một tuyến cung ứng quan trọng cho Nga – đã bị đóng cửa một phần phần theo sau một vụ nổ nghiêm trọng. Cây cầu được mở hoàn toàn trở lại vào tháng Hai vừa qua.
Vyacheslav Gladkov, Thống đốc vùng Belgorod, miền tây nước Nga, viết trong một tuyên bố trên Telegram rằng có hai người, cha mẹ của một em gái, bị chết trong vụ việc – điều mà ông đơn giản gọi là “tình huống khẩn cấp”.
Các hình ảnh chưa được xác minh do người phát ngôn của chính quyền quân sự thành phố Odesa đăng tải cho thấy có mảnh vỡ trên tuyến đường trên cầu, và những hàng rào chắn bị hư hại.
Grey Zone, một kênh Telegram của Nga có liên quan đến tập đoàn lính đánh thuê Wagner cho biết cây cầu này có thể bị tấn công từ một chiếc drone dưới nước do Ukraine phóng đi.
Người đứng đầu nghị viện của Crimea, Vladimir Konstantinov cũng cho rằng Ukraine gây nên vụ tấn công, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.
Và một nguồn tin trong cơ quan an ninh Ukraine, SBU, nói với BBC Tiếng Nga rằng cơ quan này đã tiến hành cuộc tấn công cùng với các lực lượng đặc nhiệm của hải quân Ukraine. Truyền thông Ukraine tương tự tường thuật các nguồn tin bên trong cơ quan này về việc lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công trong các cuộc họp kín.
BBC không thể độc lập xác minh các tuyên bố này.
Trao đổi với truyền thông Ukraine, người phát ngôn cơ quan tình báo Ukraine, Andriy Yusov không bình luận về điều gì đã gây nên vụ việc vừa qua, nhưng mô tả cây cầu này là “một kết cấu không cần thiết”. Ông ấy cũng nói những thách thức về hậu cầu mà Nga phải gánh chịu có thể giúp tạo nên “các lợi thế tiềm năng cho lực lượng phòng vệ của Ukraine”.
Viết trên kênh Telegram, Sergey Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Nga tại Crimea nói: “Giao thông bị ngưng trên cầu Crimea. Một tình huống khẩn cấp đã xảy ra tại khu vực trụ số 145 từ phía [Nga của cây cầu]. “Các biện pháp đang được tiến hành để giải quyết tình hình. Tôi đã yêu cầu các cư dân và khách từ bán đảo này hạn chế di chuyển qua cầu Crimea và, vì lý do an toàn, hãy chọn tuyến đường khác thay thế qua những vùng mới.”
Những vùng mới mà Nga đề cập đến là các vùng lãnh thổ của Ukraine mà quốc gia này đã chiếm đóng hồi năm ngoái – gồm Kherson, Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk – và tuyên bố đã sáp nhập những vùng này.
BBC Tiếng Nga cho biết các tuyến phà di chuyển song song với cây cầu này cũng đã bị phong tỏa, trong khi hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trích dẫn thông tin từ cơ quan điều hành đường sắt địa phương cho biết tuyến lưu thông tàu hỏa có thể bị ảnh hưởng.
Thậm chí hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nên vụ nổ hồi tháng 10/2022 vẫn chưa rõ ràng. Các hình ảnh từ vụ nổ hồi khi đó cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ bốc lên khi một số ô tô và xe tải lưu thông qua cầu.
Trong những tháng trước khi vụ nổ xảy ra, giới chức Ukraine đã thường xuyên đề cập việc cây cầu sẽ trở thành mục tiêu, nhưng những ngày sau đó, Kyiv đã từ chối lên tiếng nhận trách nhiệm.
Vụ việc mới nhất này xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ ở miền nam và miền đông.
Chuyên gia quân sự Joseph Henrotin nhận định « Tấn công vào cầu Crimée là cần thiết », giúp chặn con đường chuyển quân và vũ khí của Nga. Ông Henrotin giải thích, « phản công » là sự phối hợp một loạt hoạt động chiến thuật để cùng tạo ra tác động về chiến lược và chính trị, từ những cuộc tấn công trên chiến địa cho đến đánh vào hậu cứ, vào những trục đường tiếp tế. Như vậy lượng quân, vũ khí và đạn dược đưa vào chiến trường sẽ giảm xuống, làm suy yếu khả năng chiến đấu của những đơn vị đang cản bước lực lượng Ukraina.
Nga cảnh báo về những rủi ro ở Biển Đen sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina (RFI)
Nga hôm 18/07/2023 đã cảnh báo những rủi ro về việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, sau khi Matxcơva từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép các tàu chở hàng qua lại an toàn từ các cảng của Ukraina.
Theo AFP, cảnh báo được đưa ra vài giờ sau khi Ukraina cho biết một cuộc tấn công của Nga trong đêm đã làm hư hại các cơ sở tại cảng phía nam Odessa, một trong những trung tâm trung chuyển ngũ cốc quan trọng nhất theo thỏa thuận đã ký với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết rằng « nếu không có các bảo đảm an ninh phù hợp hay nếu một thỏa thuận mới cho phép xuất khẩu ngũ cốc được thông qua, mà không có sự tham gia của Matxcơva, thì cần phải tính đến việc xảy ra các rủi ro ».
Ngoài ra, Nga cũng đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm điều phối giám sát thỏa thuận cũng sẽ bị giải tán sau khi Matxcơva rút khỏi thỏa thuận. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan rằng quyết định từ bỏ thỏa thuận cũng có nghĩa là Nga sẽ từ bỏ « các bảo đảm an toàn hàng hải » cho các tàu chở hàng ở Biển Đen.
Mặc dù vậy, tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm 17/07, cho biết Ukraina vẫn sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen bất chấp việc Nga ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc.
Về phần mình, chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Châu Phi Moussa Faki Mahamat, hôm qua, cũng « lấy làm tiếc » về việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.
Liên Âu và Châu Mỹ Latinh họp thượng đỉnh lần đầu tiên từ 2015 (RFI)
Liên Âu 27 thành viên và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribe (khối CELAC) bao gồm 33 nước, họp hai ngày, hôm 17/07 và 18/07/2023 tại Bruxelles. Châu Âu tăng cường đầu tư vào khu vực châu Mỹ Latinh, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của khối 33 nước trong việc lên án Nga xâm lược Ukraina.
Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen, khoảng 45 tỉ euro sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2027, theo chương trình ‘‘Global Gateway’’, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để đối trọng với ‘‘Các Con đường Tơ lụa mới của Trung Cộng’’. Khoảng 130 dự án được thông báo, bao gồm nhiều lĩnh vực như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, đào tạo nghề, y tế, bao gồm sản xuất vac-xin.
Khai thác kim loại hiếm phục vụ cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế xanh là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt. Theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết Liên Âu và Achentina đã ký một thỏa thuận khai thác kim loại hiếm, đặc biệt là lithium, cần cho sản xuất xe chạy điện. Liên Âu có kế hoạch ký với Chilê hôm nay một thỏa thuận tương tự. Ba quốc gia Nam Mỹ, Achentina, Chilê và Bolivia được mệnh danh là ‘‘tam giác lithium’’, chiếm gần 56% trữ lượng toàn cầu.
Ủng hộ Ukraina: Thượng đỉnh khó đạt đồng thuận do một hai quốc gia chống đối
Thượng đỉnh Liên Âu – và khối CELAC dự kiến thông qua một tuyên bố chung. Thượng đỉnh gần như chắc chắn không đạt thỏa thuận về việc ủng hộ Ukraina chống xâm lược. Theo một số nguồn tin ngoại giao châu Âu, quốc gia phản đối mạnh nhất là Nicaragua.
Theo thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, trong cuộc thảo luận tối thứ Hai 17/07, gần như tất cả các nước châu Âu và khối CELAC đã sẵn sàng ký vào một văn bản ủng hộ rõ ràng Ukraina ‘‘trong cuộc chiến vì nền độc lập và tự do’’, ngoài một, hai nước phản đối dữ dội. Ngoại trưởng Chilê Alberto van Klaveren đã ‘‘rất bất ngờ khi một số thành viên CELAC phản đối việc ra nghị quyết về chiến tranh tại Ukraina, rõ ràng là một cuộc chiến xâm lăng’’.
Thế giới rộ tin đồn Bộ trưởng ngoại giao Trung Cộng Tần Cương ‘mất tích’ (VOA)
Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, cựu đại sứ của Trung Cộng tại Washington, đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn ba tuần qua, làm dấy lên đồn đoán dữ dội ở quốc gia nổi tiếng về sự mờ ám trong chính trị, CNN, WSJ, SCMP và các hãng thông tấn quốc tế liên tục đưa tin.
Ông Tần Cương, 57 tuổi, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và là một phụ tá đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Ông được thăng chức bộ trưởng ngoại giao vào tháng 12, sau một thời gian ngắn làm đại sứ tại Hoa Kỳ.
Với tư cách là bộ trưởng ngoại giao, ông Tần đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Washington sau khi mối quan hệ giữa hai bên giảm xuống mức thấp mới sau khi xảy ra vụ một khinh khí cầu nghi ngờ gián điệp của Trung Cộng bị bắn hạ trong lúc bay ngang qua nước Mỹ.
Ông Tần cũng đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực tiếp theo của cả hai bên nhằm ổn định mối quan hệ rạn nứt và khôi phục liên lạc, bao gồm cả cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến thăm Bắc Kinh vào giữa tháng Sáu, theo CNN.
Nhưng nhà ngoại giao cấp cao đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, sau khi ông gặp gỡ các quan chức Sri Lanka, Việt Nam và Nga tại Bắc Kinh.
Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng, ông Tần được nhìn thấy đang tươi cười đi bên cạnh Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko, người đã bay tới Bắc Kinh để gặp các quan chức Trung Cộng sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của nhóm lính đánh thuê Wagner ở Nga.
Khi được hỏi về sự vắng mặt kéo dài của ông Tần trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói bà “không có thông tin để cung cấp”, đồng thời nói thêm rằng các hoạt động ngoại giao của Trung Cộng vẫn được tiến hành như bình thường.
Sự vắng mặt của Tần càng lộ rõ hơn trong hàng loạt hoạt động ngoại giao ở thủ đô Trung Cộng trong những tuần gần đây, bao gồm các chuyến thăm cấp cao của các quan chức Hoa Kỳ là Bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen và Đặc phái viên khí hậu John Kerry tới Trung Cộng.
Ông Tần được cho là sẽ gặp người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell vào đầu tháng này tại Bắc Kinh nhưng cuộc gặp đã bị hoãn lại sau khi Trung Cộng thông báo với EU rằng ngày đó “không còn khả thi”, Reuters đưa tin, trích lời một phát ngôn viên của EU cho biết.
EU nhận được thông báo hoãn chỉ hai ngày trước khi ông Borrell dự kiến tới vào ngày 5/7, theo Reuters.
Ông Tần cũng không xuất hiện tại cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia vào tuần trước. Thay vào đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Cộng Vương Nghị đã tham dự cuộc họp thay cho ông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã nói trong một cuộc họp báo thường kỳ vào thứ Ba tuần trước rằng ông Tần không thể tham dự cuộc họp của ASEAN “vì lý do sức khỏe”, theo Reuters.
Tuy nhiên, “lý do sức khỏe” được đưa ra đã không dập tắt được làn sóng suy đoán không có căn cứ về lý do ông Tần biến mất.
Nikkei Asia dẫn lại tin từ tờ Sing Tao Daily của Hong Kong nói trong một bài báo ngày 10/7 rằng ông Tần có thể bị nhiễm COVID-19. Một tờ báo của Đài Loan hôm thứ Bảy lại cho rằng lý do sự biến mất của ông là từ một vụ ngoại tình. Cả hai luồng tin đồn đoán này đều chưa được xác nhận.
Nam Phi nói ông Putin đã đồng ý không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (VOA).
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS ở Nam Phi vào tháng 8 “theo thỏa thuận chung”, phủ tổng thống Nam Phi cho biết hôm thứ Tư (19/7).
Thay vào đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đại diện cho Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, cùng với các nhà lãnh đạo của Brazil, Ấn Độ, Trung Cộng và Nam Phi, Văn phòng tổng thống Nam Phi cho biết trong một tuyên bố.
Nam Phi phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Vì với tư cách là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), về mặt lý thuyết, họ sẽ phải bắt giữ ông Putin nếu ông đến tham dự hội nghị, do ông Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
ICC hồi tháng 3 đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất trái phép trẻ em ra khỏi Ukraine.
Moscow nói lệnh này vô hiệu về mặt pháp lý vì Nga không phải là thành viên của ICC.
Nga đã không che giấu một chương trình đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga, và nói rằng đó là một chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng chiến sự.
Một bản đệ trình của tòa án địa phương được công bố hôm thứ Ba cho thấy Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã xin phép ICC không bắt giữ ông Putin vì làm như vậy sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến.
Hôm thứ Tư, Điện Kremlin cho biết Nga đã không nói với Nam Phi rằng việc bắt giữ Putin theo lệnh bắt giữ của ICC có nghĩa là “chiến tranh”. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng mọi người đều hiểu – mà không cần giải thích cho họ – một nỗ lực xâm phạm các quyền của ông Putin có nghĩa là gì.
Nam Phi nói rằng họ trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng bị các cường quốc phương Tây chỉ trích vì thân thiện với Nga, một đồng minh mạnh mẽ trong lịch sử của Quốc hội châu Phi cầm quyền.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Cộng tăng cao kỷ lục (BBC)
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Cộng tăng lên mức kỷ lục mới, vào lúc quá trình phục hồi sau đại dịch của nước này đang chững lại.
Tỷ lệ mhững người từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực thành thị thất nghiệp đã tăng lên 21,3% vào tháng trước, số liệu chính thức cho thấy.
Tình trạng này xảy ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,8% trong ba tháng, tính đến cuối tháng Sáu. Các nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng yếu khiến người ta trông đợi nhiều hơn vào việc giới chức sớm công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Cộng cho biết dữ liệu “cho thấy đà phục hồi tốt”.
Theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai, kinh tế Trung Cộng tăng trưởng 6,3% trong quý hai so với năm trước. Mức này vượt xa tốc độ tăng trưởng của quý một nhưng không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
“Doanh số bán lẻ và lĩnh vực đầu tư nhà đất đặc biệt gây thất vọng,” Qian Wang, trưởng kinh tế gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương của hãng đầu tư Vanguard, nói với BBC. “Điều này, cùng với các báo cáo về thương mại, lạm phát và tín dụng trước đó, đã tái khẳng định quan điểm của chúng tôi, rằng động lực tăng trưởng cơ bản vẫn còn rất yếu,” bà nói thêm.
Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Cộng đã giảm đáng kể. Ngoài ra còn có những lo ngại về bong bóng nợ của chính quyền địa phương và thị trường nhà đất.
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên đang được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ, khi mà con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến sẽ gia nhập thị trường việc làm Trung Cộng trong năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đã tăng lên trong vài tháng qua. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này là sự không tương thích giữa những nội dung đào tạo mà sinh viên tốt nghiệp được trang bị với những công ăn việc làm hiện có trên thị trường.
Giới chức đã thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, trước khi đạt mức cao nhất vào khoảng tháng Tám.
Dan Wang, trưởng kinh tế gia tại Ngân hàng Hang Seng Trung Cộng, ước tính những người trẻ tuổi thất nghiệp chỉ chiếm 1,4% lực lượng lao động tiềm năng ở các khu vực thành thị của Trung Cộng.
Tuy nhiên, bà nói với BBC rằng vấn đề thanh niên thất nghiệp “đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách trực tiếp hơn, bởi vì nhóm dân số này khá có tiếng nói trên mạng.” “Việc họ thể hiện sự bất mãn với tình hình hiện tại có thể gây ra sự mất niềm tin lớn hơn vào nền kinh tế,” bà nói thêm.
Trung Cộng bắt đầu công bố số liệu về mức độ thất nghiệp của thanh niên vào năm 2018. Tuy nhiên, nước này hiện không công bố dữ liệu về tình trạng việc làm của thanh niên ở khu vực nông thôn.
Vào tháng Ba, Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường cho biết nước này cần nỗ lực gấp đôi để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay.
Ông nói rằng mục tiêu sẽ “không dễ” đạt được mặc dù nền kinh tế đang “ổn định và phục hồi trở lại”.
Tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Cộng đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần một năm để khuyến khích chi tiêu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng chính phủ vẫn còn nhiều vũ khí trong tay để kích thích nền kinh tế nếu tình hình không được cải thiện.
Trung Cộng, Nga tập trận chung trên không và trên biển ở Biển Nhật Bản (VOA).
Một đội tàu hải quân Trung Cộng đã lên đường vào Chủ nhật (16/7) đến Biển Nhật Bản để tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Nga nhằm “bảo vệ an ninh các tuyến đường thủy chiến lược”, theo Bộ Quốc phòng Trung Cộng.
Cuộc tập trận “Phương Bắc/Tương tác-2023” phản ánh việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Trung Cộng và Nga kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine và vào lúc Bắc Kinh tiếp tục từ chối các lời kêu gọi nối lại liên lạc quân sự của Mỹ.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Cộng, đội tàu Trung Cộng gồm 5 tàu chiến và 4 máy bay trực thăng đã rời cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông và sẽ hội quân với các lực lượng Nga tại một “khu vực được xác định”.
Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Trung Cộng cho biết các lực lượng hải quân và không quân Nga sẽ tham gia cuộc tập trận diễn ra ở Biển Nhật Bản.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các nhà quan sát quân sự cho biết đây sẽ là lần đầu tiên cả hai lực lượng Nga tham gia cuộc tập trận chung.
Gromkiy và Sovershenniy, hai tàu chiến Nga tham gia cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản, hồi đầu tháng này đã huấn luyện chung với hải quân Trung Cộng tại Thượng Hải về chuyển động đội hình, liên lạc và cứu nạn trên biển.
Vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà họ nói là nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Một lĩnh vực đáng chú ý của quan hệ đối tác là hợp tác quân sự.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lý Thượng Phúc gặp người đứng đầu hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov, tại Bắc Kinh trong tháng này, cả hai bên đã nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ quân sự.
Chính trường Thái Lan biến động khi các đối thủ đánh bại việc đề cử ông Pita cho chức thủ tướng (VOA).
Nhà lãnh đạo Đảng Move Forward giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thái Lan đã gặp phải những trở ngại mới trong cuộc tranh cử chức thủ tướng hôm thứ Tư, khi một tòa án đình chỉ tư cách nhà lập pháp của ông và các đối thủ đã thành công trong đánh bại việc tái đề cử ông vào quốc hội.
Ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, theo chủ nghĩa tự do, được giáo dục tại Hoa Kỳ. Ông trải qua một con đường cực kỳ khó khăn để đi tới việc được đề cử vào chức vụ hàng đầu, và phải vượt qua sự phản kháng quyết liệt từ quân đội bảo hoàng vốn trái ngược với tham vọng chống thiết chế của đảng ông.
Sau hơn bảy giờ tranh luận về thách thức đối với việc ứng cử của ông Pita trước một cuộc bỏ phiếu quốc hội dự kiến vào thứ Tư, các nhà lập pháp đã hủy bỏ đề cử ông. Những người phản đối lập luận rằng việc thống nhất đề cử ông vào tư cách thủ tướng đã bị bác bỏ khi ông thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào tuần trước.
Trong khi cuộc tranh luận diễn ra sau đó, Tòa án Hiến pháp đã đưa ra thông báo riêng rằng ông Pita bị đình chỉ tư cách nhà lập pháp vì bị cáo buộc đã vi phạm các quy tắc bầu cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông, và cho biết sẽ xem xét vụ kiện thứ hai chống lại ông trong 6 ngày.
Việc đình chỉ không ngăn cản ông Pita tranh cử chức thủ tướng nhưng vẫn chưa rõ liệu liên minh 8 đảng của ông có tìm cách tái đề cử ông hay không, bằng cách đệ trình một kiến nghị khác.
Ông Pita nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba rằng ông đã dự trù về những trở ngại “đã được lên kế hoạch trước”, mô tả những nỗ lực của thiết chế nhằm ngăn chặn ông trở thành một người “phá kỷ lục”.
Thái Lan đang được điều hành bởi một chính quyền lâm thời kể từ tháng 3, và 65 ngày đã trôi qua kể từ chiến thắng ngoạn mục của đảng Move Forward trước các đảng được quân đội hậu thuẫn trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, cuộc bầu cử được nhiều người coi là sự bác bỏ rõ ràng của công chúng đối với 9 năm điều hành của chính phủ do các tướng lãnh kiểm soát.
“Thái Lan không giống như trước kể từ ngày 14/5. Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường từ chiến thắng của người dân và còn một nửa chặng đường nữa để đi”, ông Pita tươi cười nói với quốc hội khi thừa nhận lệnh đình chỉ của tòa án. Phát biểu của ông đã nhận được những tràng vỗ tay và cụng nắm tay.
Tàu ngầm nguyên tử Mỹ với tên lửa đạn đạo ghé cảng Nam Hàn (VOA)
Lần đầu tiên kể từ những năm 1980, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân (SSBN) của Mỹ đã đến thăm Hàn Quốc hôm 18/7, khi hai quốc gia đồng minh này mở các cuộc đàm phán để phối hợp phản ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên.
Lần đầu tiên kể từ những năm 1980, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân (SSBN) của Mỹ đã đến thăm Hàn Quốc hôm 18/7, khi hai quốc gia đồng minh này mở các cuộc đàm phán để phối hợp phản ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên.
Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhà Trắng, ông Kurt Campbell, đã xác nhận chuyến cập cảng hiếm hoi này, vốn được mong đợi sau khi nó được đề cập trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington hồi tháng 4.
“Trong khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang cập cảng ở Busan hôm nay. Đó là chuyến thăm đầu tiên của (một) tàu ngầm hạt nhân Mỹ trong nhiều thập kỷ,” ông Campbell phát biểu trước phóng viên tại một cuộc họp báo ở Seoul, nơi ông đang tham dự cuộc thảo luận đầu tiên của Nhóm Tư vấn Hạt nhân (NCG) với các quan chức Hàn Quốc.
Nhóm này, có mục đích phối hợp tốt hơn phản ứng hạt nhân của các đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, cũng đã được công bố thành lập trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Tư trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Hàn Quốc là cần chế vũ khí hạt nhân, bước đi mà Washington phản đối.
Triều Tiên, vốn đã bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tuần trước, đã lên án NCG hôm 18/7 vì đã ‘thảo luận công khai việc sử dụng vũ khí hạt nhân’ và cảnh báo các kế hoạch của đồng minh nhằm tăng cường phô trương lực lượng quân sự, bao gồm cả việc tàu ngầm cập cảng.
Ông Campbell không nêu danh tính tàu ngầm, nhưng cho biết chuyến thăm của nó là biểu hiện của cam kết của Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó xác nhận sự có mặt của tàu ngầm hạt nhân và xác định đó là tàu USS Kentucky, thuộc lớp Ohio.
Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ dựa vào khả năng tàng hình để đảm bảo sống còn và duy trì khả năng phóng tên lửa hạt nhân trong chiến tranh, và chúng hiếm khi ghé cảng nước ngoài công khai.
Mỹ đã cam kết triển khai thêm các khí tài chiến lược như hàng không mẫu hạm, tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa tới Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên, nước đã phát triển các tên lửa ngày càng mạnh vốn có thể tấn công các mục tiêu ở xa như Mỹ.
Hải quân Mỹ có 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân. Các tàu ngầm lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể phóng tới tám đầu đạn hạt nhân đến các mục tiêu cách xa tới 12.000 km.
Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ thường xuyên ghé Hàn Quốc vào những năm 1970, một giai đoạn khác mà Hàn Quốc tranh cãi về mức độ cam kết của Mỹ và sự cần thiết phải xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, theo phúc trình của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia chính của Hàn Quốc, Kim Tae-hyo, người đồng chủ trì cuộc họp, cho biết các cuộc thảo luận là đã đủ để đảm bảo Hàn Quốc không cần phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Tin Việt Nam.
GPD của Việt Nam năm 2023: WB dưới 5%; IMF 4,7%
Tại một cuộc hội thảo tuần trước, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo kinh tế của Việt Nam tăng trưởng “dưới 5%” trong năm 2023. Trước đó ít ngày, định chế tài trợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì rõ rệt hơn, cho rằng Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 4.7% năm nay. Trong khi Quốc Hội csVN đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6.5% cho năm 2023.
Hai định chế quốc tế WB và IMF là trụ cột tư vấn chính sách và tài trợ tín dụng giúp Việt Nam thoát ra từ một nước nghèo đói kiệt quệ buộc CSVN phải cởi trói kinh tế từ những năm cuối thập niên 1980 đến nay. Hiện Việt Nam mới chỉ đang là một nước có lợi tức đầu người trung bình $4,110 USD (thống kê năm 2022), thua xa một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.
Năm 2021, lợi tức đầu người Việt Nam trung bình $3,743 USD trong khi lợi tức trung bình dân Indonesia là $4,225 USD, người Thái Lan được $7,809 USD, dân Malaysia được tới $11,125 USD, dân Sinpagore tới $72,794 USD, cao gần 20 lần so với lợi tức trung bình đầu người Việt Nam.
Nửa năm đầu chỉ tăng trưởng được 3.72%, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vì xuất cảng hàng hóa chậm hẳn lại. Chức sắc kinh tế tài chính của chế độ kêu rằng muốn tăng trưởng tượng như kế hoạch đề ra, quý III phải tăng trưởng được 7.4% và quý IV phải tăng trưởng được tới 10.3% nhưng không thấy có thể đạt được.
Ngoại Giao giữa Vatican và Việt Nam hy vọng có tiến bộ
Đài BBC thuật tin từ Reuters cho hay, Tòa Thánh Vatican và Việt Nam dự kiến sẽ đạt một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao còn tồn đọng nhiều vấn đề.
Theo đó, Hà Nội sẽ cho Tòa Thánh Vaticant có một đại diện thường trú tại quốc gia cộng sản này.
Tòa Thánh Vatican đã yêu cầu Hà Nội cho phép một đại diện của Đức Giáo Hoàng thường trú tại Việt Nam từ năm 2009. Nhưng mãi đến năm ngoái một thỏa thuận về nguyên tắc mới đạt được.
Thỏa thuận này có thể sẽ được công bố trong chuyến thăm Vatican vào cuối tháng này của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, theo một quan chức cấp cao của Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội nắm tin cho hay. Cả hai nguồn tin cho biết Giáo hoàng Francis sẽ tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa Giáo Hoàng và một vị chủ tịch nước của Việt Nam kể từ khi ông Trần Đại Quang có chuyến thăm Vatican vào năm 2016.
Đại diện hiện tại của Đức Giáo Hoàng tại Việt Nam – Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, ở Singapore, nơi Ngài hiện tại giữ vai trò là Sứ thần Tòa thánh.
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski được phép thỉnh thoảng sang thăm và làm việc tại Việt Nam với sự đồng ý của chính phủ.
Hiến pháp Việt Nam cho phép tự do tín ngưỡng, tôn giáo và truyền thông nhà nước Việt Nam đã liên tục bác bỏ những chỉ trích từ các cơ quan như Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (U.S. Commission on International Religious Freedom), một cơ quan giám sát thuộc Quốc hội Mỹ khi đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia “Đặc biệt Quan ngại” vì vi phạm tự do tôn giáo.
Mỹ ‘phối hợp với Việt Nam thúc đẩy chuyến thăm lãnh đạo cấp cao’
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sẽ cùng phía Việt Nam “thúc đẩy các chuyến thăm viếng cấp cao”, dấu hiệu phát triển quan hệ giữa hai nước.
Ông Blinken được thuật lời như trên sau cuộc gặp Ngoại trưởng CSVN Bùi Thanh Sơn bên lề Hội nghị ASEAN và các đối tác khu vực diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, các ngày 13 và 14 Tháng Bảy tuần qua.
Báo VietnamNet cũng như nhiều bản tin khác thuật lại mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, trong đó có cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19 Tháng Ba. Thời gian đó, có tin dự đoán ông Biden sẽ ghé Việt Nam khi đến dự hội nghị G7 ở Nhật Bản trong Tháng Năm, sau đó, ông Trọng sẽ đi Mỹ vào Tháng Bảy.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Hà Nội giữa Tháng Tư vừa qua, cũng có một hai lời đồn đoán là ông thảo luận chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của ông Trọng. Đến cuối Tháng Sáu sang đầu Tháng Bảy, người ta thấy Trưởng ban Đối ngoại trung ương của đảng CSVN Lê Hoài Trung đến Mỹ 5 ngày, người ta thấy chuyến đi Mỹ của ông Tổng bí thư đảng CSVN có vẻ rõ hơn.
Giới lãnh đạo Mỹ đã thay nhau đề nghị nâng mối quan hệ giữa hai nước từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược” mấy năm gần đây, nhất là từ khi ông Joe Biden ngồi vào Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn ỡm ờ tránh né, bằng một thứ ngôn ngữ ngoại giao hiểu thế nào cũng được. CSVN luôn luôn gọi Trung cộng là “đồng chí anh em” nhưng cái bóng phương bắc khổng lồ bên cạnh không phải lúc nào cũng tử tế.
Đối đáp với ông Blinken, báo Vietnamnet thuật lời Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết “sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục đưa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu…hướng tới nâng tầm quan hệ khi điều kiện phù hợp”.
Khi họp báo ở Hà Nội ngày 15 Tháng Tư sau khi gặp một loạt các lãnh tụ CSVN, ngoại trưởng Blinken nói ông tin rằng có những biến chuyển về khả năng nâng cấp mối quan hệ song phương Mỹ-CSVN “trong những tuần tới, tháng tới”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden không tới Việt Nam hồi Tháng Năm vừa qua dù ông đến Hiroshima, Nhật Bản, dự hội nghị G7. Hiện chỉ còn hai tuần lễ nữa là hết Tháng Bảy, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có đi Mỹ hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Phân tích gia Derek Grossman của viện nghiên cứu Rand dẫn một câu tục ngữ Việt Nam là “Nước xa không cứu được lửa gần” để nhận định rằng nước Mỹ đừng hy vọng sớm đạt được thỏa thuận “Đối tác chiến lược” vì “đây là một điệu múa phức tạp”.
Cán bộ hai ngành Y-Tế & Giáo Dục thi nhau bỏ việc
Tờ Lao Động ngày Thứ Ba 18 Tháng Bảy dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ CSVN nói từ ngày đầu Tháng Bảy năm 2022 đến ngày 30 Tháng Sáu 2023, cả nước đã có 18,991 công chức, viên chức từ các bộ ngành ở trung ương đến các địa phương “thôi việc”, phần lớn là giáo viên và bác sĩ, y tá, vì lương không đủ sống.
“Những người xin thôi việc chủ yếu là viên chức sự nghiệp giáo dục – đào tạo chiếm 54.2% và sự nghiệp y tế chiếm 26.5%; ở độ tuổi dưới 50 tuổi chiếm 86.25%; trình độ đào tạo đại học chiếm 48.65% và thạc sĩ chiếm 15.7%”. Nói khác, phần lớn các công chức, viên chức bỏ chạy, thuộc hai ngành giáo dục và y tế. Họ là những người được đào tạo chuyên môn trình độ đại học trở lên.
Những địa phương có số công chức, viên chức “thôi việc” nhiều nhất lần lượt là Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An giang, Tiền Giang. Tổng số người ở các địa phương này nghỉ việc là 7,336 người, chiếm 38.63%. Sài Gòn và Hà Nội là những thành phố đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp phần lớn tài chính nuôi sống chế độ.
Từ đầu Tháng Bảy 2023, lương căn bản công chức viên chức được tăng từ 1,490,000 đồng (khoảng $63 USD) lên thành 1,800,000 đồng (hay khoảng gần $79 USD). Từ mức căn bản này, tiền lương được nhân với một hệ số tùy theo bậc lương. Dù vậy vẫn là mức lương chết đói trong khi vật giá tiếp tục leo thang, số công chức, viên chức mà nhà cầm quyền tuyển dụng vào chưa được một phần ba số người bỏ chạy.
Theo báo cáo kể trên, trong năm 2022, cả nước có hơn 16,000 giáo viên bỏ việc, tính trung bình, cứ 100 giáo viên thì một người bỏ việc. Gần 10,000 viên chức tại các cơ sở y tế công đã nghỉ việc từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, trong đó có hơn 5,000 bác sĩ, y tá
CSVN đòi khóa các trang Facebook, Zalo
Nhiều báo chính thống tại Việt Nam ngày Thứ Hai 17 Tháng Bảy nói chế độ Hà Nội đang chuẩn bị ra một nghị định mới thay thế cho nghị định cũ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm siết chặt hơn nữa sự kiểm soát. Quyết đinh mới này nhằm kiểm soát thông tin ngặt nghèo hơn nữa tại Việt Nam.
Ngày hôm sau, 18 tháng 7 cũng trong chủ trương bóp chặt dư luận, Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về việc cấp phép cho người sử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến (live stream).
Theo đó, “các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới” sẽ bị “tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn” khi bị vu cho là “thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia”. Rất nhiều người, thời gian vừa qua cho đến gần đây, đã bị CSVN bỏ tù khi dùng mạng xã hội thông tin trực tiếp các cuộc biểu tình hoặc chống cưỡng chế đền bù kiểu cướp ngày.
Tuy hiến pháp của chế độ xác nhận người dân có các quyền căn bản như quyền tự do ngôn luận, thông tin, quyền biểu tình, lập hội v.v…nhưng bị siết chặt lại bằng Bộ Luật Hình sự và các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định. Các văn bản lập quy này đã khiến các chính phủ Tây Phương, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, và ngay cả Ủy ban Nhân quyền LHQ lên án là trái với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
Hơn 100 người bị trừng phạt tại Việt Nam khi đưa tin “ngoài luồng” hay bình luận về vụ người Thượng nổ súng tại trụ sở Công an hai xã thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk ngày 11 Tháng Sáu vừa qua. Nhà cầm quyền cáo buộc nhóm người Thượng là “khủng bố có tổ chức” trong khi dư luận cho rằng chính sách chèn ép sinh kế, đàn áp tôn giáo kéo dài mới là nguyên nhân sâu xa.
Bão Talim hướng vào Quảng Ninh, Hải Phòng, 30,000 người di tản
Bão Talim, cơn bão đầu tiên trong năm, hôm 18/7 đã đổ bộ vào Việt Nam sau khi đi qua tỉnh Quảng Tây bên Tầu và suy yếu dần nhưng hàng trăm ngàn người dân ở hai nước đã được lệnh sơ tán trước cơn bão mà Việt Nam nói là mạnh nhất từ 3-5 năm gần đây.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam cho biết bão Talim, được gọi là bão số 1 ở Việt Nam, đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây hôm 18/7 và tâm bão cách thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh 60km về phía Đông Bắc.
Phía Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh sơ tán gần 30.000 người dân tại 5 tỉnh ven biển miền Bắc, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, trước nguy cơ bão Talim gây giông lốc, mưa lớn và gió mạnh ít nhất đến ngày 20 tháng 7.
Về phía Trung cộng, theo Tân Hoa Xã, hôm 18/7 cho biết rằng gần 230.000 người đã được sơ tán khỏi nhà của họ ở Quảng Đông trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ vào đây.
Ba sân bay ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão Talim là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Cát Bi ở Hải Phòng và Nội Bài của Hà Nội đang bị đóng cửa, làm gián đoạn hàng trăm chuyến bay. Ba sân bay này tạm dừng tiếp nhận máy bay trong ngày 18/7.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 17/7 đã đưa ra cảnh báo cho các công dân Hoa Kỳ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam về nguy cơ của cơn bão Talim. Thông báo của sứ quán khuyến nghị các công dân Mỹ nên có “kế hoạch khẩn cấp trước khi cơ bão ập tới” và đăng ký vào chương trình STEP để nhận thông báo an toàn khi du hành. Theo sứ quán Mỹ, mùa bão ở Việt Nam kéo dài trong vòng khoảng 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11, trong khi mùa bão nhiệt đới thường kéo dài từ đầu tháng 11 đến hết tháng 4 hàng năm. (Tổng hợp)