Tin Thế Giới.

Mỹ sẽ cấp cho Ukraine viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu đôla (VOA)

22/7/2023. Mỹ dự định công bố sớm nhất là vào ngày thứ Ba một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá lên tới 400 triệu đôla, chủ yếu bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không và phương tiện trên mặt đất trong khi cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra, ba quan chức Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.

Gói viện trợ này sẽ không bao gồm bom chùm, hai trong số các quan chức phát biểu với điều kiện ẩn danh nói. Mỹ lần đầu tiên gửi bom chùm tới Ukraine vào đầu tháng 7.

Gói viện trợ bao gồm một số xe bọc thép chở quân Stryker, thiết bị rà phá bom mìn, phi đạn cho Hệ thống Phi đạn Đất Đối Không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS), tên lửa cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), vũ khí chống tăng bao gồm TOW và Javelin và tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot và Stinger, theo các quan chức.

Gói viện trợ vẫn đang được chung quyết và có thể thay đổi.

Gói này sẽ được tài trợ bằng việc sử dụng Thẩm quyền Giải ngân của Tổng thống, cho phép tổng thống chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho hàng của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Vật liệu sẽ đến từ hàng tồn kho dư thừa của Mỹ.

Gói hỗ trợ an ninh này sẽ là gói hỗ trợ thứ 43 được Mỹ chấp thuận cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, với tổng số tiền hơn 41 tỉ đôla.


Nga cáo buộc Ukraina dùng drone ‘‘tấn công’’ thủ đô Matxcơva (RFI)

Nga tố cáo Ukraina tấn công thủ đô Matxcơva bằng drone trong đêm 23 rạng sáng 24/07/2023. Một trong hai drone đã rớt xuống gần khu vực bộ Quốc Phòng Nga.

Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nga, ‘‘sáng nay, một mưu toan của chế độ Kiev sử dụng hai drone tấn công khủng bố nhắm vào các vị trí nằm trong khu vực thành phố Matxcơva đã bị ngăn chặn’’. Theo hãng thông tấn Nga TASS, nhiều mảnh vỡ của drone đã rớt gần trụ sở bộ Quốc Phòng, tại đại lộ Komsomolsky Prospekt, một trục đường chính của thủ đô Matxcơva. Phóng viên của AFP, có mặt tại chỗ, chứng kiến một tòa nhà bị hỏng mái. Chiếc drone thứ hai nhắm vào một trung tâm thương mại ở phố Likhatcheva, gần một đại lộ vành đai Matxcơva.

Đô trưởng Sergei Sobyanin cho biết cụ thể là các drone đã tấn công vào một số tòa nhà ‘‘không phải nơi ở của dân cư’’ vào khoảng 4 giờ sáng, giờ địa phương. Bộ Quốc Phòng Nga và đô trưởng Matxcơva đều cho biết không có nạn nhân nào trong các vụ tấn công này.

Ukraina hôm nay đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng drone vào Matxcơva, một cuộc tấn công mà theo họ cho thấy tính dễ bị tổn thương của thủ đô Nga. Đây là một tuyên bố hiếm hoi của Kiev, vốn thường từ chối hoặc không bình luận về các cuộc tấn công.

Tại bán đảo Crimée, theo chính quyền do Nga dựng lên, thêm một kho đạn của Nga tại phía bắc bán đảo bị drone Ukraina tấn công hôm nay.


Ukraina: Nga oanh kích nhà thờ Chính Thống Giáo ở Odessa, di sản UNESCO (RFI)

Hải cảng Odessa, miền nam Ukraina tiếp tục bị dội bom trong các đợt oanh kích đêm 22 rạng sáng 23/07/2023. Nhà thờ Chính Thống Giáo, di sản UNESCO, thuộc khu phố cổ, bị « phá hủy ». Matxcơva khẳng định đã nhắm vào các mục tiêu đang « chuẩn bị tiến hành khủng bố chống lại nước Nga ».

Nhà thờ lớn Spaso Preobrazhenskyi

Theo thống kê của bộ Nội Vụ Ukraina được AFP trích dẫn, trong đêm qua Nga bắn 19 tên lửa nhắm vào cảng Odessa làm « hai người chết, 22 người bị thương, trong đó có 4 em nhỏ ». Nhà thờ lớn Spaso Preobrazhenskyi được đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO, đã bị oanh kích. Tổng thống Zelensky lên án “quân khủng bố Nga, nhắm vào một thành phố yên bình, vào những khu chung cư và nhà thờ”. Đây là đợt oanh kích thứ nhì nhắm vào Odessa trong 24 giờ qua.

Quân đội Ukraina xác nhận mở chiến dịch tấn công tại Crimée

Tại Crimée cũng ở khu vực miền nam Ukraina, sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định đây là một « mục tiêu » phản công, hôm qua quân đội nước này xác nhận tấn công bằng drone nhắm vào một kho đạn Nga. Dân cư chung quanh khu vực này đã phải sơ tán, giao thông trên cây cầu Kerch –  nối Nga với bán đảo Crimée, bị Matxcơva thôn tính từ 2014 – bị gián đoạn trong vài giờ.

Từ Kiev thông tín viên Pierre Alonso phân tích về tầm mức quan trọng các đợt tấn công liên tiếp trong tuần của quân đội Ukraina nhắm vào Crimée :

 « Cây cầu nối liền Crimée với nước Nga hôm Thứ Hai, rồi hôm qua đến lượt một kho xăng và kho đạn dược, đấy là chưa kể đến một vụ hỏa hoạn, hiện chưa biết rõ nguyên nhân, đã bùng lên tại một căn cứ quân sự của Nga hôm Thứ Tư vừa rồi. Không phải bao giờ cũng lên tiếng nhận là tác giả, nhưng quân đội Ukraina đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào rất sâu trong hậu phương của Nga.

Về mặt quân sự, các đợt tấn công tại Crimée nhằm chận đường tiếp vận của quân đội Nga cho các mặt trận ở miền nam Ukraina. Chiến lược đó đến nay đã đem lại một số thành công, nhưng chưa cho phép chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Kiev đã nhắm vào hậu phương và có khả năng làm việc đó nhờ được các đồng minh Anh, Pháp cung cấp tên lửa địa đối không tầm xa.

Thế nhưng nhắm vào bán đảo Crimée cũng bao hàm một ý nghĩa lớn về mặt chính trị. Trong bối cảnh Ukraina đang gặp khó khăn trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, nhiều tiếng nói kêu gọi mở đàm phán. Riêng Kiev liên tục khẳng định hòa bình chỉ được vãn hồi, một khi toàn bộ lãnh thổ Ukraina được giải phóng, kể cả bán đảo Crimée đã bị Matxcơva chiếm đoạt từ 2014 ».


Trung Cộng cách chức ngoại trưởng Tần Cương, đấu đá gia tăng trong nội bộ Đảng ? (RFI)

Chính sách của Bắc Kinh với Mỹ có thay đổi gì hay không sau vụ bộ Ngoại Giao Trung Cộng đổi chủ ? Việc ngoại trưởng Tần Cương, một người thân cận với chủ tịch Tập Cận Bình, bị bãi chức sau một tháng « mất tích » là một đòn « thanh toán » trong nội bộ đảng Cộng Sản và là hồi kết trong sự nghiệp đầy hứa hẹn của một « ngôi sao đang lên » trên chính trường Trung Cộng ?

Ông Tần Cương

Báo chí quốc tế hôm 26/07/2023 nói đến một sự nghiệp nhanh chóng « cất cánh » của ông Tần Cương, 57 tuổi, để rồi chỉ vài giờ sau thông báo thay đổi nhân sự trong bộ Ngoại Giao, tên của ông Tần thậm chí đã « bị xóa » hẳn trên các trang mạng chính thức của chính phủ Trung Cộng. Bắc Kinh đã không đưa ra bất kỳ giải thích nào về lý do cựu đại sứ Trung Cộng tại Washington Tần Cương bị thất sủng.

Vẫn chưa thể trả lời câu hỏi « tại sao người từng được ông Tập Cận Bình cất nhắc đã đột ngột rớt đài ».  

Ông Vương Nghị quay trở lại bộ Ngoại Giao chỉ 7 tháng sau khi bàn giao lại chức vụ này cho họ Tần. Như vậy người được mệnh danh là « con cáo bạc » của nền ngoại giao Trung Cộng kiêm nhiệm luôn cả chức chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại của Đảng.  

Trên nhật báo Libération, chuyên gia về Trung Cộng giáo sư Jean-Pierre Cabestan, thuộc trung tâm Asia Centre cho rằng ông Tần Cương mất chức vì lý do chính trị : Từng là bí thư của sứ quán Trung Cộng tại Luân Đôn, rồi sau này đứng đầu sứ quán Trung Cộng ở Washington trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2023, ai cũng biết Mỹ là điểm « nhậy cảm » nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng.

Một số nguồn tin khác nhắc lại rằng, mùa thu năm ngoái các chuyên gia về Trung Cộng đã khá ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình cất nhắc nhân vật « thân tín trong số những người thân cận » của mình vào chức vụ ngoại trưởng, thay thế họ Vương. Đà thăng tiến nhanh chóng đó của ông Tần Cương đã khiến « không ít người ganh tị » nhưng rồi chủ tịch Trung Cộng đã thành công trong việc áp đặt người của mình đứng đầu ngành ngoại giao.

Cũng chuyên gia Cabestan cho rằng, rất có thể vì rất thạo Anh ngữ lại nổi tiếng là có quan hệ với Hoa Kỳ, nên một bộ phận trong « guồng máy Đảng không còn tin tưởng vào nhân vật này », họ sợ rằng ông Tần Cương « trở thành một công cụ trong tay Hoa Kỳ hoặc của phương Tây ».  

Nếu như chính ông Tập Cận Bình đã gây sức ép để « gài » người thân tín vào bộ Ngoại Giao, vậy giờ đây việc cựu đại sứ Trung Cộng tại Mỹ này bị thất sủng có ảnh hưởng gì đến uy tín của nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh hay không ?

Theo Bill Bishop, điều hành một tờ báo chuyên về thời sự Trung Cộng, Sinocism, dù bị thanh trừng hay kỷ luật thì vụ này cũng có nguy cơ « làm xấu đi hình ảnh của chính ông Tập ».  

Về câu hỏi bộ Ngoại Giao Trung Cộng đổi chủ – hay chính xác hơn là tìm lại chủ cũ là ông Vương Nghị – báo trước điều gì về quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington khi biết rằng ông Tần Cương có chủ trương « mềm mỏng hơn so với ông Vương Nghị » ?

Trả lời báo Le Figaro Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Canada xem đây « là một vấn đề ». Vụ thay đổi nhân sự đó diễn ra vào lúc mà quan hệ giữa hai nền kinh tế toàn cầu đang căng thẳng. Mỗi bên đều viện lý do « an ninh quốc gia » để nhắm vào các quyền lợi kinh tế của đối phương. Tổng thống Biden cũng như người tiền nhiệm cáo buộc Trung Cộng dọ thám Hoa Kỳ. Nhọc nhằn lắm đối thoại song phương mới được khởi động lại ở cấp ngoại giao, tài chính nhưng về quốc phòng thì không.  

Trong bối cảnh đó, nếu đúng như là Trung Cộng cũng thực lòng muốn đưa quan hệ song phương thoát khỏi bế tắc thì tại sao lại không khai thác những mối quan hệ với Mỹ mà cựu ngoại trưởng Tần Cương đã có được ?  

Ông Vương Nghị

Do vậy không ít người nghĩ rằng đây là một đòn chính trị, một vụ « đấu đá nội bộ» bởi vì ông Vương Nghị và ông Tần Cương không ưa gì nhau. Việc ông Vương nắm giữ cả hai chức vụ ngoại trưởng và chủ nhiệm Văn Phòng Ủy ban Đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Cộng, dường như củng cố thêm cho giả thuyết này.  

Một nhà phân tích thuộc cơ quan tư vấn Eurasia Group không vòng vo khi cho rằng « Vương Nghị rõ ràng là đã cho mở điều tra về Tần Cương và sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần đã làm phật lòng khá nhiều các nhà ngoại giao kỳ cựu ».  

Đối với Alex Payette, những diễn biến gần đây trên chính trường Trung Cộng hay chính xác hơn là trong guồng máy ngoại giao của nước này cho thấy « có những căng thẳng trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh về chiến lược đối với Hoa Kỳ ».

Dù vậy nhà chính trị học Neil Thomas thuộc một trung tâm nghiên cứu của Mỹ Asia Society tỏ ra thận trọng khi nói về kịch bản họ Tần bị « thất sủng » : dù không còn giữ chức ngoại trưởng, dù đã bị xóa tên trên trang chính của bộ Ngoại Giao, nhưng ông Tần Cương vẫn là « cố vấn Nhà nước ». Vả lại, đôi khi một số nhân vật chính trị Trung Cộng hàng đầu cũng đã từng « biến mất » trong một thời gian để rồi « quay trở lại » như chính trường hợp của ông Tập Cận Bình : Trước khi « đăng quang » cuối năm 2012, ông đã « bặt tăm trong 15 ngày ».  


TT Pháp đến Nouvelle-Calédonie, bắt đầu chuyến công du Nam Thái Bình Dương (RFI)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại tây nam Thái Bình Dương vào hôm 24/07/2023, bắt đầu một chuyến công du 5 ngày sẽ đưa ông đến Vanuatu và Papua New Guinea, hai đảo quốc nhỏ trong khu vực.

Phát biểu vào chiều nay ngay sau khi đặt chân xuống phi trường quốc tế Nouméa, thủ phủ vùng Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã phác họa ba trọng tâm trong chuyến đi của ông: “Tập hợp”, “khôi phục niềm tin chung” và “mở cửa ra quốc tế”.

Nhắc lại chuyến thăm Nouvelle Calédonie đầu tiên của ông cách nay hơn 5 năm, chính xác là vào tháng 5 năm 2018, tổng thống Macron khẳng định là Paris đã tuân thủ các cam kết đối với người dân tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, cụ thể là cho phép Nouvelle-Calédonie tổ chức 3 cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Theo tổng thống Pháp, trên cơ sở ý hướng mà người dân Nouvelle-Calédonie đã thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý – tức là tiếp tục ở lại với nước Pháp – chính quyền trung ương trong năm qua đã nỗ lực chuẩn bị và chuyến thăm lần này là dịp để ông mở ra một “trang mới” cho vùng Nouvelle-Calédonie, cả về định chế lẫn các dự án phát triển tương lai.

Đối với tổng thống Macron, bài toán khó về vùng Nouvelle Calédonie vẫn là xu thế đòi độc lập ngày càng mạnh của người dân, cho dù là cả ba cuộc trưng cầu dân ý vào những năm 2018, 2020 và 2021 đều bác bỏ khả năng vùng này độc lập. Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào tháng 12 năm 2021 với chiến thắng áp đảo của câu trả lời “không” (96,50% số phiếu) đã gây tranh cãi dữ dội, vì trưng cầu dân ý đã bị phong trào chủ trương Nouvelle-Calédonie độc lập tẩy chay.

Theo chương trình dự kiến, quy chế tương lai của vùng Nouvelle-Calédonie sẽ được tổng thống Macron đề cập đến trong cuộc gặp vào ngày thứ Tư 26/07 với tất cả các lực lượng chính trị tại lãnh thổ hải ngoại này. Riêng buổi làm việc ngày mai 25/07 sẽ được dành cho hồ sơ môi trường, cụ thể là vấn đề bờ biển bị xói mòn.

Theo đặc phái viên RFI tại Nouméa, cao vọng của tổng thống Macron là biến Nouvelle-Calédonie thành trung tâm phát huy ảnh hưởng quốc tế và lợi ích chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.


Các phái đoàn Nga, Trung Cộng đến Bình Nhưỡng mừng ‘Ngày Chiến thắng’ (VOA)

Một phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dẫn đầu sẽ đến thăm Triều Tiên trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 25/7, cùng tham gia với một phái đoàn Trung Cộng để làm những vị khách công khai đầu tiên đến nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Các phái đoàn này đến Bắc Triều Tiên để kỷ niệm 70 năm ‘Ngày Chiến thắng’ vào ngày 27/7 tại Bình Nhưỡng, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin, và phái đoàn Trung Cộng do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung dẫn đầu.

Bộ Quốc phòng Nga, cho biết phái đoàn của họ, vốn sẽ đến thăm Triều Tiên từ ngày 25/7 đến 27/7, đã được người đồng cấp Triều Tiên mời và sẽ tham dự các sự kiện Ngày Chiến thắng.

“Chuyến thăm này sẽ góp phần tăng cường quan hệ quân sự Nga-Triều Tiên và sẽ là giai đoạn quan trọng trong phát triển hợp tác giữa hai nước,” Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết.

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới hồi đầu năm 2020 đối với tất cả các trao đổi thương mại và ngoại giao, ngay cả với các đối tác kinh tế và chính trị chủ chốt là Trung Cộng và Nga. Truyền thông nhà nước không cho biết liệu các chuyến thăm này có đánh dấu bất kỳ thay đổi chính sách nào hay không.

Các sự kiện ăn mừng kỷ niệm dự kiến sẽ gồm diễu hành quân sự lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Trung Cộng hôm 24/7 khẳng định họ ‘nghiêm ngặt’ thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, phản hồi lá thư từ Nhóm G7, Liên minh châu Âu và các nước khác kêu gọi Bắc Kinh ngăn Bình Nhưỡng né trừng phạt bằng cách đi qua vùng biển của Trung Cộng.

Xuất khẩu của Trung Cộng sang Triều Tiên trong tháng 6 cao gấp tám lần so với một năm trước đó, trong lúc đất nước bí ẩn này báo cáo hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày và đã đóng cửa biên giới.

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên viện trợ quân sự cho Nga cho cuộc chiến ở Ukraine, điều mà cả Bình Nhưỡng và Moscow đều phủ nhận.


Cam Bốt: Hun Sen từ nhiệm thủ tướng, nhưng tiếp tục nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo (RFI)

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, 70 tuổi, chính thức thông báo từ nhiệm để chuyển giao quyền lực cho con trai, Đại tướng Hun Manet.

Hunsen (trái) và con trai, Đại tướng Hun Manet

Theo AFP, trong một phát biểu được truyền hình Nhà nước loan tải hôm nay, 26/07/2023, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không đảm nhiệm chức thủ tướng, và kêu gọi ‘‘ủng hộ’’ tướng Hun Manet, 45 tuổi, là người đứng đầu chính phủ. Tuyên bố của thủ tướng Cam Bốt được đưa ra 3 ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội, trong đó đảng cầm quyền Nhân Dân Cam Bốt giành được 120 trên tổng số 125 ghế, cuộc bầu cử mà theo giới quan sát, kết quả được báo trước, bởi các đảng đối lập đã bị gạt ra ngoài.

Thủ tướng Hun Sen sẽ chính thức từ nhiệm vào tháng 08/2023, chấm dứt thời kỳ cầm quyền kéo dài gần 4 thập niên. Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng cho biết sẽ tiếp tục đứng đầu đảng cầm quyền, và là thành viên Quốc Hội Cam Bốt. Thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen cũng sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch Thượng Viện, tức vị trí lãnh đạo số hai của Cam Bốt, sau quốc vương Norodom Sihamoni.

Reuters cũng cho hay, trong thời gian mới đây, Hun Sen từng tuyên bố sẽ nắm trở lại chức thủ tướng, nếu con trai Hun Manet ‘‘không đạt được các kết quả tốt’’. Theo chuyên gia Sebastian Strangio, tác giả một cuốn sách về Cam Bốt dưới thời Hun Sen, ‘‘thiếu quyền uy của cha, Manet sẽ chỉ có một khả năng hành động giới hạn’’.

Về cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt, cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm nay đã lên án các hành động đe dọa, đàn áp của chính quyền Hun Sen nhắm vào các đảng phái đối lập, giới tranh đấu, truyền thông, với mục tiêu ‘‘cản trở người dân Cam Bốt thực thi các quyền tự do căn bản, đặc biệt là quyền bầu cử tự do’’.


Mỹ điều thêm một tàu ngầm hạt nhân đến Nam Hàn (RFI)

Hoa Kỳ hôm nay, 24/07/2023, đã điều thêm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến đảo Jeju, chỉ vài ngày sau khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ cập cảng Hàn Quốc từ bốn thập kỷ.

Theo hãng tin Anh Reuters, Hải Quân Hàn Quốc cho biết tàu USS Annapolis đã tiến vào một căn cứ hải quân ở đảo Jeju, miền nam Hàn Quốc, để bốc dỡ hàng tiếp liệu cho quân đội. Tuy nhiên, Seoul không cung cấp chi tiết cụ thể về nhiệm vụ của USS Annapolis.

USS Annapolis không được trang bị vũ khí hạt nhân như USS Kentuckychuyên về tác chiến chống hạm và chống tàu ngầm. Vào tháng 9 năm ngoái, USS Annapolis đã được điều đến khu vực này để tham gia tập trận ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản đối phó với tàu ngầm ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, USS Kentucky, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ, đã cập cảng Busan, Hàn Quốc hôm 18/07. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc kể từ những năm 1980 của một tàu ngầm có tên lửa đạn đạo trang bị vũ khí hạt nhân (SSBN) của Hoa Kỳ. Chuyến đi Hàn Quốc của tàu USS Kentucky trùng với thời điểm hai nước khởi động các cuộc thảo luận về phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên.

Vài giờ sau chuyến thăm của USS Kentucky, Bình Nhưỡng đã có phản ứng với việc phóng hai tên lửa đạn đạo hôm 19/07 và bắn một số tên lửa hành trình hôm 22/07.


Mỹ – Úc và hơn một chục quốc gia tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre « lớn nhất từ trước tới nay » (RFI)

Được tổ chức hai năm một lần, cuộc tập trận chung Mỹ – Úc, Talisman Sabre 2023, kéo dài trong hai tuần lễ (21-04/08). Năm nay được đánh giá là cuộc thao diễn « quy mô nhất » của Talisman Sabre từ khi bắt đầu được tổ chức năm 2005. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của hơn 30 ngàn lính đến từ hơn một chục quốc gia. Washington, Canberra cùng các đồng minh tăng cường hợp tác quân sự trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Cộng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày càng lớn.

Chương trình năm nay bao gồm nhiều bài tập trên bộ, trên không và trên biển. Úc và Hoa Kỳ cùng các đồng minh còn dự trù những bài tập đổ bộ. Hãng tin Reuters cho biết thêm bang Queensland ở đông bắc nước Úc là địa điểm chính diễn ra các cuộc tập trận trong hai tuần lễ sắp tới. Họp báo trong ngày đầu tiên của chiến dịch Talisman Sabre 2023, lãnh đạo Úc điều phối chiến dịch, tướng Greg Bilton, cho biết Canberra phát hiện « một tàu dọ thám của Trung Cộng » đã túc trực sẵn ngoài khơi đông bắc nước Úc để quan sát tình hình.

Bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, Carlos del Toro, ngay hôm qua đã nhấn mạnh : « Thông điệp Trung Cộng cần rút ra từ cuộc tập trận này là Mỹ và các đối tác cực kỳ gắn bó với nhau vì những giá trị cốt lõi » giữa những quốc gia đó. Trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Richard Marles, nói tới cam kết của Canberra « hợp tác với các đối tác quốc tế để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực ».

Ngoài Mỹ và Úc, có thêm 11 quốc gia khác cũng tham dự chiến dịch Talisman Sabre, trong đó bao gồm Ấn Độ, Philippines, hay Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc Sự hiện diện của nhiều đảo quốc ở nam Thái Bình Dương như Fiji, Tonga hay New Papua Guinea cũng đáng ghi nhận. Châu Âu đã nhanh chóng hưởng ứng lời mời tham gia chiến dịch tăng cường an ninh trong vùng. Đức điều hơn 200 lính dù và lính thủy đánh bộ sang Úc Châu. Pháp gửi hai trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động trong vùng lãnh thổ hải ngoại Polynésie, huy động máy bay tiếp liệu đến nơi tập trận. 


Tin Việt Nam.

Tòa thánh Vatican công bố thành lập Quỹ Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận

Đài BBC hôm 26 tháng 7 loan tin, Tòa thánh Vatican vừa công bố việc thành lập Quỹ Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, hợp nhất hai quỹ có từ thời hai đức giáo hoàng trước.

Trang tin Vatican News cho hay Đức Giáo hoàng Francis đã ban phúc chiếu có hiệu lực từ ngày 25/07/2023, lập ra Quỹ Văn Thuận, thay thế hai Quỹ được thành lập trước đây là “Người Samari nhân lành” và “Công lý và Hòa bình”.

Quỹ mới được đặt theo tên vị hồng y Việt Nam (1928-2002), người Việt từng giữ các chức vụ cao nhất ở Vatican.

Vẫn nguồn tin của Tòa thánh cho hay Quỹ “Công lý và Hòa bình” được Đức Giáo hoàng Benedict XVI thành lập vào năm 2007, còn Quỹ Người Samari nhân lành ra đời theo phúc chiếu của cố Giáo hoàng John Paul II năm 2004.

Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận

Cả hai quỹ hoặc có chức năng hỗ trợ nhân đạo cho các nước đang phát triển theo học thuyết xã hội của Giáo hội hoặc để chống các bệnh tật.

Bằng quyết định mới nhất này, Vatican hợp nhất hai quỹ để lập ra tổ chức mới, vinh danh cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận, người từ năm 1998 cho đến khi qua đời, là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Bài của nữ phóng viên trang Catholic News, Hannah Blockhaus viết từ Rome hôm 25/07 mô tả rằng cố Hồng y Thuận “bị bắt sau khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Ngài bị tù 13 năm trong trại cải tạo của cộng sản. Trong thời gian đó, ngài bị biệt giam (solitary confinement) 9 năm liền”.

Các tài liệu tiếng Việt nói Hồng y Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17/04/1928. Thân phụ ông là ông Nguyễn Văn Ấm và thân mẫu là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.

Được thụ phong linh mục năm 1953 ông đã du học tại Rome, đậu bằng tiến sỹ tại đó năm 1959. Năm 1967, ở tuổi 39, ông được chọn làm Giám mục Giáo phận Nha Trang. Tám năm sau, vào ngày 24/04/1975, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.

Ngày 15/08 năm 1975, ông bị chính quyền mới bắt giữ, đưa về Nha Trang rồi vào nhiều trại giam khác nhau ở miền Bắc.

Bài báo của Hannah Brockhaus nói Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã “chuyển từ trong tù những thông điệp về phúc âm và hy vọng tới cộng đồng Công giáo”.

Các lá thư này say được in thành sách, cuốn “The Road of Hope: A Gospel from Prison”, ấn hành năm 2013. Những bài cầu nguyện ngài soạn khi ở tù được công bố sau này, với tựa đề “Prayers of Hope”.

Các nguồn tiếng Việt cho biết đây là các trang “Sứ điệp từ ngục tù” gửi cho giáo dân và sau được đăng thành sách “Đường Hy Vọng”.

Sang Rome năm 1990, ông không được CHXHCNVN cho phép về thăm quê hương cho đến khi tạ thế năm 2002.

Các trang tin Công giáo cho hay ba đời giáo hoàng đều trân trọng Đức Hồng y người Việt Nam và những chức vụ phong cho ông đều đem lại niềm tự hào cho người Công giáo Việt Nam.

Một nhà lưu niệm ông hiện có tại Huế nhưng quan điểm chính thống của nhà nước VN hiện nay là không để báo chí đề cập gì về ông, nhất là việc Tòa thánh tiến hành thủ tục phong thánh cho ông từ 2013.

“Ngày 04/05 năm 2017, Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn các sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh, tiến thêm một bước trong án tuyên thánh cho Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận… Giáo hoàng tuyên bố Hồng y Thuận là Đấng đáng kính, đây là bước tiến quan trọng trong án phong thánh cho ông,” trang Lavang.vn cho hay.

Tuy thế, các nhà quan sát cho rằng việc giảm dần sức nặng của các ý thức hệ đối đầu trong Thế kỷ XX đã giúp Vatican và chính quyền XHCN ở Việt Nam hóa giải dần các nghi kỵ và việc bình thường hóa quan hệ có thể đạt được.

Các báo VN cho hay kể từ khi lập Nhóm công tác hỗn hợp năm 2008, quan hệ hai bên đã cải thiện nhiều.

“Lãnh đạo hai bên gần đây đã có các cuộc thăm lẫn nhau”, theo trang tin VietnamPlus, mà gần nhất là chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (7/2023).


Việt Nam-Israel ký Ký Hiệp Định Thương Mại Tự Do (VIFTA).

Theo đài RFA, Việt Nam – Israel đã ký Hiệp Đinh Thuong Mại Tự Do ngày 25/7 sau 7 năm và trải qua 12 kỳ đàm phán. Tính đến thời điểm hiện nay, Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, và Việt Nam là quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đầu tiên ký FTA với Israel.

VIFTA gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ- đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý- thể chế.

Qua VIFTA, Việt Nam và Israel sẽ nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết đối với Israel là 92,7% số dòng thuế, và đối với Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Hai phía kỳ vọng thương mại song phương sẽ đạt mức ba tỷ USD và cao hơn trong thời gian tới.

Vào năm ngoái Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Israel là nguồn cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga. Mạng báo Haaretz cũng dẫn các nguồn liên quan cho thấy trong một thập niên qua, Israel đã bán cho Việt Nam vũ khí trị giá 1,5 tỷ đô la.

Việt Nam cũng đàm phán để mua hệ thống phòng không Barak 8 trị giá nửa tỷ đô la của hãng IAI Israel.


Đất hiếm Việt Nam: Chưa quy mô khai thác, đã bị bán “chui”

Ngày Thứ Ba 25 Tháng Bảy, Reuters dựa vào các nguồn tin riêng, cho biết: Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước lượng lối 22 triệu tấn, thứ nhì thế giới chỉ sau Trung công. Việt Nam mới trong giai đoạn lập kế hoạch mở rộng khai thác đất hiếm mỗi năm tới 2 triệu tấn.

Trước đó, tháng Năm, tin tức quốc tế cho hay trong năm 2022, Việt Nam khai thác và bán ra thị trường quốc tế 4,300 tấn đất hiếm, nhiều gấp 10 lần so với năm 2021. Phần lớn các mỏ đất hiếm nằm tại ba tỉnh miền núi phía Bắc là Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Theo tài liệu kế hoạch khai thác của nhà cầm quyền Việt Nam mà Reuters được đọc, sẽ có từ 3 đến 4 mỏ mới được phát triển khai thác sau năm 2030 để có thể gia tăng sản lượng đất hiếm được khai thác lên đến 2.11 tấn vào năm 2050. Trong đó, một phần được xuất cảng là đất hiếm đã được tinh lọc.

Trong khi nhà cầm quyền trung ương đang lập kế hoạch để mở rộng khai thác, cuối Tháng Sáu, tờ Tuổi Trẻ có một loạt ký sự về buôn lậu đất hiếm được quảng cáo trên mạng. Báo này đã gặp mấy tay môi giới bán đất hiếm để thảo luận về giá cả cũng như số lượng mua bán lớn hàng ngàn tấn.

Tuy các khu vực núi đồi có quặng đất hiếm được lập chốt chặn, canh gác nhưng dân địa phương vẫn tìm cách đào trộm số lượng nhỏ rồi gom lại bán cho các con buôn. Thật ra, việc khai thác lậu đất hiếm đã diễn ra ngấm ngầm cả chục năm qua mà báo Tuổi Trẻ chỉ làm phóng sự về sự việc đang diễn ra.

Đất hiếm là tên gọi chung cho một nhóm kim loại đặc biệt tồn tại trong thiên nhiên như một dạng đá cứng. Chúng gồm 17 nguyên tố, không phải nước nào cũng có, được sử dụng trong các ngành kỹ thuật cao để sản xuất các bộ phận cho xe điện, điện thoại thông minh, phần cứng máy điện toán, màn ảnh phẳng máy truyền hình, trang bị quân sự v.v…

Một số nhỏ quặng đất hiếm (được gọi là sa khoáng) rải rác tại một số khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Việt Nam không có khả năng tinh lọc quy mô như một kỹ nghệ vì thiếu điều kiện tài chính cũng như kỹ thuật máy móc chuyên môn. Hiện chỉ có khả năng khai thác quặng, sơ luyện rồi bán cho các công ty nước ngoài.

Hà Nội nhìn thấy mối lợi tiền bạc to lớn đối với khai thác quặng mỏ đất hiếm khi giá đất hiếm thời gian gần đây đã tăng vọt từ $14,000 USD một tấn lên tới $110,000 USD một tấn. Nói khác, từ một hai trăm triệu đô la bây giờ mang về có thể lên hàng tỷ đô la những năm tới đây. Vào lúc này, Bắc Kinh giới hạn lượng bán đất hiếm cho các nước khác như một võ khí kinh tế đối phó với Mỹ và các đồng minh.

Tháng Sáu vừa qua, nhân chuyến thăm của tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã ký hơn 100 bản ghi nhớ hợp tác trong đó có hợp tác thành lập chuỗi cung ứng đất hiếm mà như hiện nay, kỹ nghệ xe hơi, điện tử Hàn quốc đang tùy thuộc vào nguồn đất hiếm Trung cộng.


CSVN chuẩn bị tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế cuối năm 2024

Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc phòng CSVN loan báo: Cuộc triển lãm võ khí quốc phòng quốc tế lần thứ hai dự trù sẽ diễn ra Tháng Mười Hai 2024 tại khu vực phi trường quân sự Gia Lâm ở Hà Nội với cuộc trưng bày võ khí của “các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới” bên cạnh một số võ khí và trang bị kỹ thuật do Việt Nam tự sản xuất, thực chất, phần lớn đều mua lại bản quyền sản xuất của các nước.

Theo nguồn tin trên, Hà Nội dự trù sẽ có “khoảng 250 gian hàng trưng bày của 50 quốc gia trên thế giới” mang các loại võ khí đến triển lãm chào hàng. Cuộc triển lãm năm ngoái từ ngày 8 đến 10 Tháng Mười Hai 2022 lôi kéo được hơn 170 công ty quốc phòng của 31 quốc gia đến triển lãm. Tin tức dạo đó nói rằng Trung cộng cũng được mời nhưng không muốn tham dự vì biết CSVN sẽ không mua.

Các nguồn tin quốc tế và các nhà bình luận thời sự nhận định rằng CSVN tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế như một cách gián tiếp báo hiệu sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp võ khí nhiều hơn nữa trong tương lai. Nhiều thập niên qua, CSVN hầu như tùy thuộc vào các loại võ khí của Nga và một ít từ các nước chư hầu Liên Xô cũ.

Mấy năm sau này, có thêm Israel chen vào bán được một ít hỏa tiễn phòng không tầm trung tối tân và hỏa tiễn phòng vệ biển. Hòa Lan và CSVN thảo luận nhiều lần về việc đóng hộ tống hạm Sigma tại Việt Nam nhưng kế hoạch đến nay bị chìm xuồng. Hãng Damen chỉ hợp tác đóng một số tàu cho cảnh sát biển CSVN và một số tàu tuần tra nhỏ xuất cảng.

Đại đa số trang bị võ khí quân sự CSVN đều đã lỗi thời dù chúng có được phần nào cải tiến. Trên một trang Twitter bán chính thức của Bộ Quốc phòng CSVN, người ta thấy quân lính vẫn tập luyện với nhiều loại võ khí do Nga cung cấp nhiều chục năm trước như xe tăng T-54, hỏa tiễn phòng không S-125 Pechora-2M.

Reuters nói một số đại diện các công ty Mỹ Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, Textron và IM Systems đã gặp các chức sắc quân sự CSVN bên lề cuộc triển lãm nói trên như những dấu hiệu có thể Hà Nội hướng dần tới việc bớt phụ thuộc vào võ khí của Nga. Cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine bộc lộ các nhược điểm và sự yếu kém của võ khí Nga, không những vậy, Nga còn đang bị Mỹ và các nước tây phương cấm vận nghiêm ngặt về thương vụ quân sự.


Nhờ vào “vai vế lớn” Trùm Nhà Đất “Mường Thanh” chỉ bị tố “lừa dối”.

Nhiều báo tại Việt Nam hôm Thứ Ba 25 Tháng Bảy cho hay ông Lê Thanh Thản, 74 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Bất động Sản Mường Thanh bị truy tố tội “lừa dối khách hàng”. Cùng bị ra tòa với bị cáo, còn có 6 quan chức quận Hà Đông bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng”, hiểu ngầm là các ông đã ăn hối lộ của ông Thản để mặc cho người ta làm bậy. Ông Thản là chủ chuỗi khách sạn mang tên Mường Thanh tại 30 tỉnh thị cả nước và chủ đầu tư hàng trăm tòa nhà cao ốc chung cư bán với giá trung bình nên rất đắt khách.

Theo cáo trạng, “bị can Lê Thanh Thản đã bán 488 căn nhà cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 481 tỷ đồng”.

Báo chí tại Việt Nam đề cập chuyện kinh doanh bất động sản đầy tai tiếng mưu mô của ông Lê Thanh Thản cả chục năm qua mà họ nói dự án nào cũng không đúng với thiết kế, phẩm chất tồi tệ, sai diện tích, hay nói chung là sai cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại ở mức kêu ca rồi không hiểu vì sao lại chìm xuồng và ông ta chỉ bị truy tố “lừa dối khách hàng” với gần 500 nạn nhân tại tòa chung cư xây ở phường Kiến Hưng quận Hà Đông, Hà Nội.

Trên trang mạng của tập đoàn Mường Thanh có một số bài viết về những lần ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm hay cư ngụ ở khách sạn Mường Thanh.

Thậm chí, trên trang mạng đó, còn thấy chụp lại bài thơ con cóc của ông Nguyễn Phú Trọng tặng ông Thản nhân dịp ông ta đến khách sạn Mường Thanh tại thành phố Vinh, Nghệ An ngày 30 Tháng Mười 2017. Mấy câu thơ và chữ ký của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như các tấm hình đám quan chức chóp bu đảng CSVN đến cơ sở Mường Thanh coi như lá bùa hộ mạng để ông Thản kinh doanh dễ dàng trót lọt ở khắp nơi.

Những đại gia Trương Mỹ Lan, Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng v.v… có thể vừa mất sản nghiệp vừa bị án tù rất nặng, nhưng ông Lê thanh Thản chỉ bị cáo buộc tội “Lừa dối khách hàng” thì bản án chỉ ở mức tối đa 5 năm tù hoặc phạt tiền 500 triệu đồng cho cái dự án ở Hà Đông.


Vấn nạn trẻ em chết đuối khá nghiêm trọng hàng năm ở Việt Nam

Chết đuối trên sông trên hồ mỗi năm gần 2,000 phần lớn là trẻ em được coi như một trong 10 nguyên nhân hàng đầu làm thiệt mạng nhiều người tại Việt Nam.

Báo mạng của đài VOV ngày 15 Tháng Mười Hai tường thuật buổi hội thảo do “Ban Tuyên giáo Trung Ương” phối hợp với Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội tổ chức, đề tài: “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em”. Trong đó, VOV thuật lại là “Tại Việt Nam, trên 2,000 tử vong do chết đuối mỗi năm”. VOV còn thuật thêm, Việt Nam là nước có tỉ lệ trẻ em chết đuối “cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển”.

Cuối Tháng Bảy năm ngoái, khi 10 bộ ngành của nhà cầm quyền CSVN họp hành ký kết với nhau “kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030”, dịp này thấy báo cáo rằng chỉ trong 1 tháng hè có 100 vụ chết đuối với 142 nạn nhân trẻ em.

Nhà cầm quyền trung ương ngày 22 Tháng Bảy năm ngoái đã gửi “công điện khẩn” tới nhà cầm quyền các địa phương thúc giục tăng cường các biện pháp “phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em”. Các báo mạng địa phương theo nhau lập lại những lời kêu gọi đó nhưng tin tức tai nạn chết đuối vẫn thấy rất thường trên báo mạng.


Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (27-28-Apr-2024)
  • Ngân Hàng Republic First Bank Phá Sản
  • Đảng Cộng sản Thất Bại Trong Cuộc Đàn Áp Đức Tin
  • Dự Luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cho Phép Hoa Kỳ Gửi Thêm Vũ Khí Tới Israel, Ukraine
  • Tỷ Lệ Tín Nhiệm Trong Ba Tháng Vừa Qua Của Biden Xuống Thấp Nhất
  • Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố New York Phản Đối ‘Phong Trào Ủng Hộ Khủng Bố’
  • Tây Phương Cần Thoái Vốn Khỏi Trung Cộng Để Ngăn Chặn Chiến Tranh Không Gian
  • Châu Âu Cho Rằng Trung Cộng Là Nền Kinh Tế Quốc Doanh
  • Sản Phẩm Mang Thương Hiệu Nổi Tiếng Bị Nghi Ngờ Do Tù Nhân Sản Xuất
  • Ngoại Trưởng Blinken Nêu Vấn Đề Nhân Quyền Trong Chuyến Công Du Trung Cộng
  • Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken Lo Ngại Về Các Hoạt Động Thương Mại Không Công Bằng Của Trung Cộng
  • Việt Nam: Sài Gòn, Bình Dương Cháy Lớn
  • Đài Loan Hợp Tác Với Các Công Ty Kỹ Nghệ Hoa Kỳ Để Sản Xuất Máy Bay Điều Khiển Từ Xa
  • Nhật Bản Mở Rộng Quân Sự Vượt Quá Ranh Giới Hiến Pháp
  • Hàng Trăm Ngàn Người Tuần Hành Ủng Hộ Palestine Hôm Thứ Bảy
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO